Miệt Thứ là vùng đất chạy dọc theo vịnh Thái Lan thuộc hai huyện An Minh và An Biên (Kiên Giang), kéo dài đến rừng U Minh. Xưa kia, Miệt Thứ là mảnh đất hoang sơ và khắc nghiệt, là nơi “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, thế nhưng, vùng đất này vẫn có sức hút kỳ lạ với những ai đã từng đến, từng có những tháng ngày sống mê mải với sông nước mênh mông, rợp trời bông tràm...
Cẩm Ly hát bài Em về miệt thứ của nhạc sĩ Hà Phương nghe buồn đứt ruột, nhưng đó là miệt thứ của những năm tháng đã xa, khi vùng đất gắn liền với rừng U Minh này còn là một chốn hoang vu, xa xôi để cô gái theo chồng về đây chỉ biết thở than trong những canh khuya.
Miệt thứ là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Toàn bộ miệt thứ trải dài trên 30km kể từ sông Cái Lớn tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15km tính từ bờ biển vào đất liền.
Từ Cần Thơ muốn về miệt thứ có hai ngả: hoặc qua Vị Thanh (Hậu Giang) theo quốc lộ 61 tới ngã ba Minh Lương rẽ trái vô quốc lộ 63 để qua phà Tắc Cậu, hoặc theo quốc lộ 91 qua Thốt Nốt đi Rạch Sỏi (Kiên Giang) tới ngã ba Minh Lương rẽ phải vô quốc lộ 63 qua phà Tắc Cậu.
Qua bến phà nổi tiếng nhờ bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng của tác giả Linh Châu với giọng ngọt lịm như đường phèn của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ (Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà), tới bờ rạch Xẻo Rô coi như đặt chân vô đất miệt thứ. Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng “vùng này gọi là Thập Câu, tức mười con rạch. Từ con rạch thứ nhất tới rạch thứ mười xếp đặt thành hàng đều nhau, nước từ rừng tràm chảy thông ra biển, sinh ra rất nhiều cá tôm”.Gọi tên bằng “thứ”
Người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch đặt tên cho địa bàn, lần lượt là Thứ Hai, Thứ Ba... tới Thứ Mười Một. Lần hồi những “thứ” ấy được ráp với “miệt” (giống như miệt đồng, miệt vườn) trở thành “miệt thứ”.
Vì sao không có rạch Thứ Một? Bởi đó chính là kênh xáng Xẻo Rô dài 35km do người Pháp đào từ đầu thế kỷ 20 nằm dọc biển, cách bờ biển chừng 6km, từ sông Cái Lớn cắt ngang mười con rạch hướng về Cà Mau để khai thác, vận chuyển tài nguyên của rừng U Minh như than đước, tràm, mật ong...
Tại mỗi ngã ba kênh rạch, dân cư đổ về tụ họp đông đúc để mua bán, trao đổi hàng hóa, riết thành chốn thị tứ, về sau là nơi đặt trụ sở cơ quan hành chính cấp huyện, xã nhưng vẫn giữ tên đã có từ xưa như: thị trấn Thứ Ba (trung tâm huyện An Biên), Thứ Bảy (trung tâm xã Đông Thái), Thứ Chín (trung tâm xã Đông Hưng), thị trấn Thứ Mười Một (trung tâm huyện An Minh).
Điều đặc biệt ngộ nghĩnh là sau này ở khoảng giữa đất Thứ Chín và Thứ Mười người dân đào thêm một con kênh nhỏ thông ra biển để tiện mua bán tôm cá, neo đậu ghe tàu và cũng theo thứ tự, vùng này có tên là Thứ... Chín Rưỡi (khu vực ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh ngày nay).
Một góc chợ Thứ 11
Ven sông Miệt Thứ
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều kênh rạch, nên phương tiện đi lại của người dân vùng Miệt Thứ chủ yếu là xuồng, ghe, vỏ máy và không biết tự bao giờ, những phương tiện đó đã trở nên đa năng, vừa là nơi trú ngụ, nghỉ ngơi, vận chuyển vừa là phương tiện mưu sinh của người dân nơi đây. Đến với Miệt Thứ, du khách sẽ ngạc nhiên trước cảnh trên bến dưới thuyền, trao đổi mua bán nhộn nhịp. tỏa đi nhiều hướng. Đặc trưng đó đã xuất hiện một loại chợ thật độc đáo - chợ nổi vùng Miệt Thứ, được hình thành bằng những chiếc ghe lớn, như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông nước, chở theo nhiều loại hàng hóa nhưng chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó là những người buôn bán trên các xuồng chèo, vỏ máy nhỏ... neo đậu, ngã giá mua hàng, rồi chuyên chở luồn lách vào các kênh, rạch xa chợ.
Chợ không quy định thời gian họp, tan, hay địa bàn riêng biệt, bất cứ xuồng ghe nào cũng có thể neo đậu, buôn bán. Những bạn hàng tập trung mua bán với nhiều hình thức khác nhau, có người bán các mặt hàng nông sản từ vườn nhà, có người chạy xuồng vào tận các nhà vườn mua gom, hoạt động mua bán đó diễn ra thường xuyên và dường như việc mưu sinh trên sông nước này đã trở thành nét sinh hoạt đặc trưng của vùng Miệt Thứ. Mỗi chuyến đi, họ thường mang theo mền, mùng, chiếu, gối và xuồng, ghe dù lớn hay nhỏ đều được xem là chiếc giường lý tưởng giữa trời nước bao la. Chợ càng về khuya thì càng náo nhiệt, bởi nơi đây được xem là chợ đầu mối trong trao đổi mua bán, nhiều bạn hàng ở các nơi khác đến mua hàng, họ thường chọn thời điểm hai, ba giờ sáng, để kịp bán phiên chợ buổi sáng. Những người mua bán ở chợ này không có khái niệm ngày, đêm, bởi lúc nào có khách mua hàng là họ đều đáp ứng.
Chợ trên sông Miệt Thứ
Làng ẩm thực Miệt Thứ
Dưới ánh đèn đủ sắc dập dềnh trên sông nước, hòa cùng tiếng máy nổ, tiếng cười nói xôn xao, tiếng chào mời nồng nhiệt, như muốn níu kéo chân người. Nếu như ở trên bộ, mỗi dịch vụ buôn bán đều có bảng hiệu được trang trí bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, thì ở chợ Miệt Thứ hình thức giới thiệu lại rất độc đáo, chỉ cần một cây sào ngắn, cắm trên mũi ghe, treo lên những loại hàng hóa mẫu, thế là khách mua biết ghe bán mặt hàng gì, không cần phải quảng cáo nhiều. Đến với Miệt Thứ, vẫn còn thấy đâu đó những phụ nữ xinh tươi, duyên dáng trong áo bà ba, xuôi mái chèo thanh thoát. Những đêm trăng sáng, vài ba chiếc ghe, xuồng chụm vào nhau bàn tán đủ thứ chuyện trong cuộc sống thường nhật, có khi nhâm nhi ly rượu, hát đôi câu vọng cổ giữa tiếng máy, tiếng reo hò... làm cho người ta thêm yêu đời, tươi trẻ, đó là cái thú mà hiếm nơi nào có được.
Không những thế, ở loại chợ độc đáo này, ngày càng xuất hiện nhiều quán trên sông, bán nhiều món ăn thật hấp dẫn, bắt mắt, góp phần làm cho chợ thêm náo nhiệt, đáp ứng nhu cầu của khách và những bạn hàng ở chợ. Ở đây, dường như người ta quên đi khái niệm mắc cỡ hay e ngại, ngồi trên chiếc xuồng bồng bềnh giữa chợ, cũng có thể tha hồ thưởng thức các món ngon.
Trải qua bao thay đổi, Miệt Thứ bây giờ không còn là vùng đất hoang sơ, dễ sợ như trước. Tuy nhiên, Miệt Thứ vẫn còn những nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của miền quê sông nước - chợ Miệt Thứ. Hình thức buôn bán trên sông này không biết đã xuất hiện từ bao giờ, nhưng nó đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo và không thể thiếu của người dân vùng này.
THẦY AN
Kính gửi Thấy An !
ReplyDeleteThưa Thấy, người ta không gọi Thứ Một nhưng em chắc chắn có Thứ Nhất vì Bà Nội em mất năm 1945 khi tản cư vể Thứ Nhất Biển lúc máy bay Đồng Minh dội bom Rạch Giá.Năm 1957, lúc còn an ninh em có xuống thăm mộ Bà và năm 1983 mẹ em trở lại lấy hài cốt bà mang về chôn taị Rạch Giá. Người ta còn gọi Thứ Hai Biển, Thứ Ba Biển v.v.để chỉ các con rạch cùng Thứ nhưng nằm về phía biển tức tả ngạn con kinh Cán gáo.
Kính tường ./.