Links

Tuesday, December 21, 2010

Mây - Lâm Kim Loan

__________





Này bạn! (cho phép tôi được gọi như vậy) Khi bạn đọc được những dòng này trong một tuần báo Việt ngữ hải ngoại, tôi đoán bạn có trẻ nhất cũng ngoài tuổi ba mươi. Nghĩa là, bạn đã qua cái gọi là tuổi thơ, thời niên thiếu. Qua khá lâu hoặc quá lâu. Bạn đang ở tuổi trung niên, đang đầu tắt mặt tối mưu sinh xứ người, đang dồn hết thì giờ vào đám con để chuyển những giấc mộng không thành của đời bạn thành ước vọng có thể thành ở đời con. Bạn có thể đang vào ra, thở dài thở vắn ở cái tuổi quá huốt không tìm được việc gì làm cho qua  ngày đoạn tháng; hoặc bạn đang bù đầu với lũ cháu nội ngoại cho đúng với thân phận “làm ông bà” ở xứ người. Tôi tin rằng, không ai có thể quên được tuổi thơ và thời niên thiếu của mình. Vì nó đẹp quá mà! Cái tuổi chỉ biết vui chơi, lạ lẫm với các từ ngữ như buồn tình, chán đời, thất vọng, đau khổ, hạnh phúc, hận thù... vân vân và vân vân. Bạn cứ thêm vào những tĩnh từ lạ quắc lạ quơ đi! Tuổi thơ trắng trợm. Tuổi thiếu niên mơ mộng, ăn chưa no lo chưa tới.
Vâng! Tuổi thơ, thời niên thiếu của bạn. Bạn nhớ lại chưa? Còn tuổi thơ của tôi như vầy:
Các xã nhỏ Việt Nam thường có rất nhiều con hẻm. Ở cuối một hẻm nhỏ xã Vĩnh Thanh, Rạch Giá là một xóm lao động chen chúc hơn chục căn. Hai căn cuối hẻm là nhà của tôi và  Vân, sát vách nhau. Tôi gọi ba má Vân là dượng Tư, dì Tư. Dượng Tư làm nghề góp chợ. Mỗi sáng mặt trời vừa lên khỏi cây tầm ruột đầu ngõ, dượng máng cái cặp đen cũ mèm lên sườn chiếc xe đạp đòn dông, sửa lại chiếc nón vải rộng vành, một chân đặt lên bàn đạp, một chân đẩy xe cho có trớn, xong dượng quẳng người lên yên xe và chạy về hướng chợ, một tuần bảy ngày không dư không thiếu.
Đó là lúc tôi chạy ù qua nhà Vân. Tôi phải chờ cho Dượng Tư đi xong bằng mọi giá. Không hiểu  tại sao tôi sợ dượng Tư như sợ cọp dù tôi chỉ biết cọp qua sự diễn tả của má tôi. Có lẽ vì nét mặt nghiêm nghị và tiếng tằng hắng lớn rất thường xuyên của dượng chăng? Dì Tư thì hiền hòa, miệng hay cười và rất đẹp gái. Dì xấp xỉ tuổi má tôi. Vân còn đẹp hơn mẹ. Da trắng, mũi cao, dáng thon gọn, tính dịu dàng, nổi bật là đôi mắt buồn thăm thẳm. Tôi, ngược lại, rất lanh chanh, liếng thoáng từ đi đứng đến nói năng, ú na ú nần do háo ăn. Thêm nước da đen. Tôi đen đúa đến nỗi khi mới sinh ra, má tôi kể lại, ở một xóm Miên, tôi được mọi người gọi là “Cay Mao”, tiếng Miên có nghĩa là Chó Đen. Tên thật của tôi, Tiên, do má tôi đặt, rất hay và nhiều ý nghĩa. Tên tôi là niềm ước mơ bà được thoát tục. Không biết có phải vì má tôi khổ quá ở kiếp người, nhất là kiếp đàn bà sinh nặng đẻ đau, tối ngày trong xó bếp, trên giường, phục vụ chồng con nên  bà mộng làm tiên chăng?
Tên Vân và tên tôi gọi liền nhau là Vân Tiên. Má tôi thường hay đọc hai câu thơ “Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa, dừa khô rụng xuống bể đầu Vân Tiên”, và bà thường kèm theo câu “Hai đứa nhớ đừng ngồi dưới gốc dừa, có ngày bể đầu a!”. Nhưng chẳng những chỉ ngồi gốc dừa dọc bờ biển rất nhiều lần, mà hai đứa còn thi leo dừa cùng vài bạn khác. Còn cây khế nhà cô Bảy Nhạn đâu lưng vào nhà tôi nữa. Khế chua nhưng đầy trái, thấp lè tè quằn nhánh qua mấy cái vại nước như khiêu khích, gọi mời. Thỉnh thoảng thèm chua, hai đứa bắt cái ghế đẩu lên trên nắp lu nước. Vân vịn ghế cho tôi leo trước. Leo được lên bờ tường gạch của cô Bảy, nó cẩn thận đưa chén nước mắm đường cho tôi để qua bên trước khi đưa tay cho tôi kéo lên. Hai đứa ngồi lắt lẻo trên nhánh khế. Khế chua chấm mắm đường. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên nét mặt nhăn nhó vì chua của nó dù đã có nước mắm đường. Nhăn xong lại cười. Lúc nhăn nhó vậy mà trông Vân vẫn đẹp mới là lạ kỳ.
Này bạn! Bạn đã nhớ ra được những trò chơi tuổi thơ của bạn ở Việt Nam chưa?
Là con gái với những trò chơi rất gái con. Trò đánh đũa.Trò búng dây thun. Tay trắng tay đen xì bùm: “tay trắng tay đen, tay xách lồng đèn, tay cầm ống thụt,  thụt ra thụt vô, thụt  nhằm bụi chuối, thúi ùm ngón tay”. Trò cất nhà chòi, làm mẹ làm cha. Con là chiếc khăn tắm đưọc cuộn tròn từ hai đầu, xếp hai, bên ngắn bên dài, cột một cọng dây thun để phân biệt phần đầu cổ và tay chân. Vân hoặc tôi luôn nhớ lấy ngón tay ấn làm hai mắt em bé rõ thêm. Hai đứa thay nhau ru em bằng những câu ca dao, câu hò má tôi hay hát ru em tôi ngủ: “Má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau má nhờ”, “Đèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Kiên giang ngọn tỏ ngọn lu, Anh về anh học chữ nhu, Chín trăng em đợi mười thu em chờ”. Đặt em ngủ, khi nghiêng khi ngửa nhưng luôn đắp mền cho em bằng chiếc khăn mù xoa của ba tôi hoặc của dượng Hai.
Rồi trò xem bói bằng giấy học trò, xé ra xếp thành bốn ô như bốn cái núm vú, có tám chỗ để viết các điều may rủi. Trò nhảy dây. Dây thun từng cọng, hoặc hai cọng, nối nhau xỏ xâu, dài đủ để hai đứa cầm hai đầu, quay đều cho các bạn khác nhảy. Chia hai phe. Đứa nào vấp chân thì thay bạn đứng quay. Sau cùng hết, tính xem đứa nào sẽ cõng đứa nào và cõng bao nhiêu lượt. Lại chuyện cõng. Một lần Vân bị té cây không đi được, tôi đã cõng nó tới lui cả tuần dù tôi chẳng bị thua trò chơi nào cả trong tuần lễ ấy. Nhớ khi đang cõng tới lui phát mệt, Vân ước một cách dại dột: “Tao muốn được mầy cõng hoài, tới chết luôn”. “Còn lâu”, tôi trả lời cụt ngủn và tự dưng tôi buông tay. Vân không đề phòng nên té ngửa, đập đầu vào nền đất. Vậy mà nó nín khe. Chắc nó đã quen tính khí bốc đồng trời đánh của cô bạn thân và chấp nhận những  tai nạn tương tự như một sự việc rất ư là bình thường.
Có lần, không nhớ Vân làm tôi giận điều gì, tôi rượt nó chạy vào nhà. Dì Tư chụp lại không cho tôi nhào tới Vân. Đố các bạn biết điều gì xảy ra? Tôi nằm lăn kềnh ra đất và đái một vũng làm nư. Mỗi lần nhớ lại chuyện này, dù còn nhỏ, tôi vẫn cảm thấy rất xấu hổ. Má tôi lấp láp cho con gái: “Tại nó tuổi con cọp, không dữ thì đâu phải chúa sơn lâm”.
Khi vào ngưỡng trung học, tôi đậu cao nên được vào trường công lập Nguyễn Trung Trực, Vân phải vào trường bán công Lâm Quang Ky vì ít điểm hơn. Thầy Việt văn giảng: “Vân có nghĩa là mây”. Từ đó, Vân càng thích tên nó hơn: “Tao là mây, mày là tiên, hai đứa đều ở trên trời, ngon há?”. Vân ngửng mặt lên nhìn mây, nói tiếp: “Nhìn mây có thấy Tiên không?”. Rồi nó cười khúc khích đắc chí . Những chiều mát trời, hai đứa thường lững thững sóng đôi ra bãi biển hóng gió. Gọi là bờ mới đúng, vì biển Rạch Giá không có bãi cát mà là một bờ đá khá cao. Cạnh bờ là đá đen lỏm ngỏm, nhọn hoắc. Nước biển đục nâu đập mạnh vào bờ như những cơn thịnh nộ của trời đất. Không hiểu sao mỗi lần nhìn xuống, tôi có một cảm giác vô cùng bất an. Nhà mát cuối đường nhô ra khỏi bờ khá xa, sóng đập vào chân nhà mát còn hung hãn hơn khi đập vào bờ.  Hai đứa ngồi trên bờ, nhìn mây và vẽ rồng vẽ rắn theo mây. Tôi nói mây có hình giống cái này, Vân nói mây giống cái kia. Có khi mây giống cái kỳ kỳ khó nói của thằng em Út tôi khi nó tắm mưa. Vậy mà hai đứa đều ngầm hiểu và cười nức nẻ. Lúc ấy chúng tôi khoảng mười hai mười ba tuổi. Tuổi bắt đầu biết mắc cỡ với con trai đồng lứa, bắt đầu mặc áo nịt dù vú còn nhỏ xíu. Con gái vùng quê thời bấy giờ còn non dại lắm. Chúng tôi chưa biết trang điểm. Nước hoa còn không có, nói chi đến phấn son. Móng tay giả có được là khi hai đứa ngắt những cánh hoa huệ hường nhạt nhỏ nhắn, dọc theo  đường vào cổng  trường nữ tiểu học tỉnh lỵ, đưa lên miệng liếm cho ướt và gắn vào mười đầu ngón tay. Giữ kỹ lắm cũng chỉ được năm mười phút vì nước miếng khô đi. Tình yêu trai gái hoàn toàn chưa nếm trải. Có thể, tình bạn của Vân và tôi  đã đầy ứ trong tim hai đứa đến nổi người khác phái không được để ý tới.
Này bạn! Tuổi niên thiếu của bạn vui nhiều hơn buồn, hay buồn nhiều hơn vui? Có khi nào bạn từng đau như bị dao cắt đứt tay thật sâu, đau như vặn ruột, như bị lọi chân không? Đó là ngày tôi rời xã Vĩnh Thanh đi định cư ở Úc vào năm mười lăm tuổi ba tháng. Bạn có tưởng tượng ra không, trước mấy tuần khi được tin, Vân và tôi đều thẫn thờ như người mất hồn. Hai bàn tay nắm chặt nhau hơn như sợ không còn dịp nắm. Tôi hay vuốt bàn tay đẹp của nó. Dù không để móng tay, ngón vẫn dài trang nhã. Hai đứa tâm sự đủ điều... Nói trong nhà, nói ngoài ngỏ chưa đủ. Nhà tắm và nhà vệ sinh của nhà tôi và nhà Vân đều ở cuối nhà, cách nhau một tấm vách lững. Khi tắm, khi đi cầu cũng nói! Tôi đứng nhón gót trên bồn tắm, khoanh tay chồm qua tấm vách, nói chuyện với Vân khi nó đang ngồi chồm hỗm đi cầu. Quen cả cái mùi bài tiết không thơm tho. Có vài câu bị ngắt quãng vì phải chờ nó rặn cho xong. Tôi nhớ chiều hôm trước khi đi, ráng chiều vàng ánh rướm thêm màu đỏ gạch tôm chói chang.
Vân thắc mắc:
- Không biết mây bên Úc có giống mây bên này không?
 Nó nhắn gởi:
- Qua đó, có nhìn mây, mày đừng quên tao nghen. Vân là mây mà, nhìn mây thấy tao. Tao đi theo mày hoài luôn.
- Cách nào tao quên mày được. Mày là tuổi thơ, tuổi niên thiếu, là kỷ niệm chồng chồng của tao. Tao gói theo hết.
Tôi đáp một cách chắc nịch.
Vậy mà những cánh thư tôi gởi Vân thưa dần theo thời gian. Tôi bị lún theo nhịp sống quay quắt trên đất Úc. Ngày nín thở cày mười tiếng. Chiều về còn lo cho chồng con, bắt phần cơm trưa ngày hôm sau cho cả nhà. Lo cho con đi học. Mỗi lần phải đứng trong cái hàng dài dằng dặc chờ trả tiền điện, tiền rác, tiền nước. Tôi nổi nóng còn hơn khỉ ngồi phải than, vì chờ lâu sẽ mất giờ ăn trưa. Vợ chồng, thỉnh thoảng cũng thưởng thức nhưng đa số tôi ngủ gà ngủ gật trong khi chồng tôi tự biên tự diễn. Đôi khi, tôi chỉ tuột một ống quần cho xong chuyện. Này bạn! Có bao giờ bạn tự hỏi: “Sống ở một nước tự do, giàu mạnh như nước Úc, được nhiều giúp đỡ của chính phủ và dân Úc, sao mình vẫn cực như trâu?”. Một người bạn đồng nghiệp nghe tôi than rã ruột, buột miệng: “Muốn chơi, không muốn làm thì bịnh đi”. Con quỷ miệng xui như cú vì sau đó tôi bịnh thật. Không phải thứ bịnh húp cháo vài ngày hoặc ực vài viên Panadol, uống chanh, ngậm gừng là khỏi. Cũng không phải thứ bịnh do vi trùng vi khuẩn, đến một cách hùng hổ, nhưng gặp đúng thuốc là co giò chạy tuốt hoặc chết không kịp trối, không kịp vẫy chào khổ chủ, giống như mấy cái quảng cáo thuốc xịt gián trên Ti Vi. Tôi bị loại bịnh mà ai cũng sợ, nó đến  âm thầm, len lỏi nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng thâm độc. Thứ bịnh ám ảnh tương lai, làm tiều tụy dung nhan, đe dọa mạng sống. Nhân một ngày nghỉ vì công đoàn làm nư biểu tình, tôi chuồn đi mua vài quần áo lót. Tấm gương trong phòng thử áo quần lồ lộ tôi trong đó. Bộ ngực còn khá săn dù đã hai con. Vậy mà tôi ít khi để ý đến nó. Chồng tôi từ khá lâu dường như chỉ biết có một chỗ trong tôi. Tội nghiệp cặp vú bị bỏ bê. Tôi đưa tay sờ soạng. Một cục gì  cồm cợm dưới bàn tay... Ung thư vú ở tuổi ba mươi mốt.
“Ba mươi mốt bước qua, ba mươi ba bước lại”! Đúng như lời ông bà đã nói. Hai năm sau tôi bị ung thư tử cung. Sao vậy trời?! Kiếp trước tôi làm gì nên tội? Tôi ăn phải cái giống gì hoặc hít phải hơi sắt hơi chì của hãng mà ung thư loạn cả lên!!! Tôi than trời trách đất, khóc lóc, sợ hãi và măc cảm đủ thứ. Cảm thấy không còn ai xấu số hơn mình! Chồng tôi an ủi: “Anh cho em về hưu non, như 'thằng nhỏ' của anh vậy. Em không ra đường, anh khỏi ghen”, vừa nói vừa nhăn nhăn cái mặt chọc ghẹo. Tôi bật cười. Chưa bao giờ tôi nguých chồng một cái đáng giá như hôm ấy. Cái nguých mà chính tác giả cũng không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó. Vừa thương chồng, thương thân, vừa buồn tủi, vừa thỏa mãn với tình yêu của chồng, vừa nhắn gởi ngầm một thông điệp rất đàn bà.
“Bịnh đi thì được chơi!”, câu nói gở vậy mà đúng thật. Bịnh, tôi bắt đầu có thì giờ đi bộ sáng và chiều. Nhìn lại mây và nhớ về cô bạn cũ. Vân là mây. “Mày vẫn lặng lẽ theo tao từ bao năm nay, không hờn không trách một kẻ vô tình!”. Bỗng nhớ quay quắt vùng trời Rạch Giá êm đềm của tuổi thơ. Tôi quyết định làm một chuyến thăm nhà sau hai mươi năm trầy da tróc vảy và xứt mẻ xác thân nơi xứ người.
Này bạn! Tâm trạng được về Việt Nam lần đầu sau bao năm xa xứ của bạn ra sao? Có giống tâm trạng của tôi không?
Nằm ôn lại những kỷ niệm cũ. Những khuôn mặt tưởng đã quên khuấy bỗng chốc hiện rõ mồn một. Đương nhiên người đầu tiên là má tôi, kế đến là Vân. Còn ai trồng khoai đất này? Thăm lại biển xưa. Hữu cảnh hữu tình. Vân sẽ được nghe cặn kẽ về đời sống ở Úc, và tôi được dịp tố khổ mấy cục ung thư quái ác lần nữa. Dượng Tư mất hai năm sau khi tôi rời quê. Tôi tha hồ chơi, ngủ ở nhà Vân mà không còn lo sợ những tiếng tắng hắng của Dượng.
“Nhàn cư vi... rất thiện” nếu đem ra áp dụng cho tôi trong khoảng thời gian nầy rất đúng. Người đàn bà trung niên lắm bịnh hay nhăn nhó càm ràm biến đâu mất biệt. Thay vào đó là một phụ nữ hay ngồi tư lự mơ màng, thỉnh thoảng mỉm cười vu vơ... Tôi về quê nội trong giấc ngủ ngày, thăm xứ ngoại vào cơn mộng đêm...
Lúc nhỏ, mỗi dịp nghỉ hè cuối năm, ba má thường cho tôi về thăm quê. Quê ngoại,  phải đi bằng đò máy từ Tràm Chẹt, rồi đổi qua xuồng ba lá vào Giồng Đá. Dọc hai bên bờ sông là hai hàng dừa nước rậm rì. Con sông tôi không biết tên, nước đục, cạn lòng, chảy chậm và nhiều lục bình hoa tím. Có lần lội ruộng, dọc theo bờ sông với cậu Mười. Một chiếc ghe cắm sào nhưng tròng trành dù trời hôm ấy không một gợn gió, tôi hỏi: “Sao không gió mà ghe lắc quá vậy cậu?”. Cậu Mười không trả lời thẳng mà ngâm nga: “Sông yên gió lặng chỉ hai mình lắc lư”. Tôi hỏi lại: “Vậy là sao?Ai vậy?”. Cậu nghiêm mặt nạt: “Chuyện người. Thấy. Biết. Vậy đủ rồi. Tò mò chi?”.  Xong cậu tiếp tục nói về đề tài khác. Mặc chuyện thiên hạ.
Còn nữa, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp một cậu thanh niên đang lái thuyền, thình lình đứng lên, bóc “của quí” ra đổ thêm nước cho sông, vẻ mặt rất ư là tự nhiên, thư thái, bất kể có hay không có con mắt trần gian đâu đó rình mò. Bình chân như vại. Có nhu cầu thì giải quyết...
Đàn bà ở Giồng Đa có một kiểu tóc thời trang: tóc bới. Chỉ khác nhau ở chỗ tóc nhiều hay ít, đầu bạc hoặc đầu xanh, tóc khô vì gội đầu với xà bông đá rẻ tiền hoặc láng mướt dầu dừa. Mợ ba Sen với búi tóc bằng củ tỏi và trỏng trơ chỉ hai cái răng cửa, nhưng Mợ vẫn búi kỹ và xỉa thuốc để giữ lại cái được gọi là gốc con người. Tên dân trong làng được ông bà cha mẹ đặt theo giống chó mèo, hoặc thấy sao đặt vậy nên trong làng có nhiều Phèn, Vá, Đực, Mun, Mướp, Đen, Đẹt, Cà Thọt... Nhớ ngày xưa dịp giỗ ông bà, họ hàng lối xóm tề tựu xúm lại nấu những món ăn ngon đầy tình. Còn tôi và vài người em cô cậu, bạn dì, vắt theo cơm nguội, lén rủ nhau băng đồng, lội bộ dọc theo bờ ruộng, bắt cá lia thia đủ màu thật đẹp, bỏ vào chai cho cá đá nhau rồi vỗ tay cười khoái chí. Dì Bảy, Mợ Năm và sòng bài tứ sắc các bà mãi mê. Tôi không bao giờ quên hình ảnh thằng bé người Miên đòi bú, khóc bù lu bù la bò bên mẹ. Mê đánh bài, mắt không rời mấy con Tướng, Sĩ, Tượng, Pháo, Chốt đang xòe trên tay; bà kéo áo, quăng cái vú qua bên, vậy mà thằng bé mừng rỡ ôm chầm bầu sữa bên hông mẹ bú chùn chụt ngon lành. Nó không đòi hỏi là bú phải được nằm trong vòng tay ấm cúng, hoặc ánh mắt trìu mến nồng nàn của tình mẫu tử. Hạnh phúc thật giản đơn!
Về quê nội. Đi xe đò đến Long Xuyên, xong đón xe lôi ra Núi Sập. Thoại Sơn nghe hay nhưng Núi Sập tượng hình hơn. Thỉnh thoảng vài tiếng đùng đùng vang dội đầu trên xóm dưới. Bắn đá. Cái núi khổng lồ đủ nuôi dân xứ Thoại trăm năm. Đá được lấy năm nầy qua tháng nọ. Đủ  cho dân kiếm sống qua ngày. Đủ để họ nắm níu mảnh đất khô cằn từ đời ông sở ông sơ đến đời chắt chít, nối giống, nối nghề. Dân địa phương đa số làm nghề đập đá, khắc mộ bia, chở đá bán cho các vùng lân cận trên những chiếc ghe cũ kỹ, khẳm như không thể khẳm hơn. Nhiều gia đình không có nhà trên đất liền. Quanh năm bềnh bồng trên sông rạch. Sống, ăn và truyền giống trên một khoảnh diện tích dăm ba thước vuông. Vậy mà ít nghe ai ly dị vì nghèo.  Không ai thù hận ai, hoặc ai chơi khâm ai...
Tôi sẽ đi thăm Núi Bà có gần trăm bậc thang. Trên đỉnh là ngôi chùa bà Cốc chầm bằng lá. Chùa nhỏ thật yên tĩnh, thoát tục. Thế mới là chùa. Từ chùa nhìn xuống, thấy bao quát cảnh Núi Sập. Thiên nhiên hùng vĩ và bao dung. Tôi sẽ tìm lại thử cái giếng nước ngày xưa tôi thường múc nước, kẽo kẹt gánh về nhà thím Năm đổ đầy lu. Thím bảo: “Nước giếng xay gạo làm bánh rất tinh khiết, ngon và lâu hư”. Tôi sẽ đòi ăn cho được món canh măng nấu dừa ngon tuyệt của cô Sáu tôi, món đặc sản không quán ăn nào bán ở Sydney. Thêm măng non được cắt nấu ngay, tươi và ngọt thanh. Cây sa bô trước nhà cô Ba, tôi leo và bị té hai lần, lần nào cũng đi cà nhắc cả tuần, không biết còn đầy trái hay không? Lần này, nếu leo, tôi không để “nhất quá tam”.
Này bạn! Bạn có phải là người với óc tưởng tượng rất phong phú? Hãy phóng bút, quơ cọ viết hoặc vẽ một vài mảnh đời mà bạn có thể hình dung được.
Bỏ hành lý xuống, ôm chầm và hôn má tôi một cái thật dài, thật mạnh. Vài câu hỏi thăm sức khỏe. Ngắm lại má tôi sau bao năm xa cách. Bà già kha khá và mập hơn trước, chắc do ăn nhiều sô cô la do tôi gởi về. Bàn thờ ông bà nội và ông bà ngoại vẫn bốn cái hình cũ thân quen. Nhà sau, cây khế vẫn còn đó dù khoảng đất để mấy cái lu hứng nước mưa ngày xưa đã đưọc dời ra sân trước. Nhà vệ sinh được thay vào đấy.
Tôi đốt nhang trên bàn thờ ông bà Nội Ngoại, xong chạy u qua thăm Vân. Đi một mạch từ nhà trước đến nhà sau. Cảnh nhà dì Tư không có gì thay đổi sau hai mươi năm.
Dì Tư đang ngồi chồm hỗm giặt đồ cạnh bồn nước nhà bếp. Tóc bạc trắng, mặt thỏm.
- Chào dì Tư, con Tiên nè, Vân đâu?
Dì giật mình:
- Ủa Tiên, mới về hả? Lâu dữ hông mới về!
- Dạ, dì khỏe hông? Vân đâu?
- Vân, Vân hông có ở đây. Nó đi Sài Gòn.
- Nó đi lâu chưa, chừng nào về. Con muốn gặp nó.
- Nó đi xa, đi lâu lắm, không biết tới chừng nào.
- Đi lên đó làm gì? Cho cháu địa chỉ, cháu sẽ đi Sài Gòn thăm nó.
- Tui không biết nó ở đâu. Tui phải đi chợ.
Dì đứng dậy. Ở tỉnh, xã, ai cũng đi chợ sáng, ít khi đi chợ chiều, ngoại trừ phải mua thêm chút đồ vặt vãnh. Dì Tư muốn đi chợ chiều khi có đứa cháu hàng xóm lâu ngày không gặp từ nước ngoài về? Dì có gì giận má tôi mà không muốn tiếp tôi? Không, dì bối rối thấy rõ. Càng bị hỏi dồn dập, dì càng ngập ngừng lộ ra cái gì không thật. Nhìn thẳng mặt dì, tôi thẳng thừng:
- Dì Tư, có chuyện gì? Cháu muốn biết sự thật. Cháu nhớ Vân rất nhiều. Cháu biết nó cũng nhớ cháu. Cháu muốn gặp nó. Vân ở đâu, Vân đâu?
Càng hỏi, càng nóng nảy, giọng tôi càng lớn, càng khẩn khoản lẫn chút tức giận. Cái tánh “cọp” của tôi tái phát dễ dàng trong hoàn cảnh và tâm tình nầy.
Dì Tư chưa kịp trả lời. Vài tiếng ằng ặc pha lẫn tiếng khóc lớn dần từ phía cầu tiêu nhà Vân. Tôi la lên “Con Vân” và phóng tới. Dì Tư hốt hoảng định chụp tôi lại, như ngày xưa dì từng chụp và kéo ghì tôi, không cho tôi rượt đánh Vân.
- Tiên, đừng, đừng....
Đã muộn. Tôi kéo mạnh cánh cửa. Khoảng sáng mờ nhạt, cầu  tiêu cũ đâu rồi? Một dáng người nhỏ thó ngồi thu mình sát góc trên chiếc giường cũ kỹ. Đầu gục giữa hai đầu gối. Hai tay bụm kín mặt. Vân, chính nó với chiếc áo may bằng khúc vải tôi gởi tặng. Tiền lương đầu tiên trên xứ người, tôi mua xấp vải hoa vàng chấm đỏ chia hai. Một nửa gởi cho cô bạn thời thơ ấu. Một nửa may áo tôi. Chiếc áo kỷ niệm, tôi cất nó đã lâu vì quá cũ và lỗi thời. Tôi đứng khựng: “Vân, sao mày trốn tao? Giận tao hả?”. Không cần câu trả lời, tôi tiến tới và kéo tay nó ra dù nó cố cưỡng lại. “Trời ơi!”. Tôi kêu lên và lùi lại... một phản xạ vì không chuẩn bị tinh thần. Vân bụm mặt, khóc lớn hơn. Tôi định thần bước tới, tiến gần hơn cái thân xác gầy gò với khuôn mặt biến dạng mà tôi chưa biết nguyên nhân vì sao. Vòng tay ôm choàng cả người nó vào lòng: “Dù chuyện gì xảy ra, mày vẫn là con Vân, bạn tao ngày cũ. Trong lòng tao, mày vẫn đẹp như xưa”. Tôi gỡ tay nó ra,  mặt Vân nằm gọn trong hai bàn tay tôi. Nhẹ nhàng, tôi hôn lên trán nó. Dì Tư đang khóc rấm rức sau lưng tôi...
Má tôi kể: “Cách đây hơn bốn năm Vân bị đánh ghen giữa chợ Rạch Giá vì thương lầm một người có vợ. Nó xấu hổ và tìm cái chết bằng cách nhảy từ nhà mát cuối biển. May có người trên ghe cá thấy kịp đến cứu sống. Từ nhà thương về, má nhớ cái đầu nó băng kín. Sáng hôm sau, dì Tư nói có người giúp đem nó lên Sài Gòn chữa bịnh. Sau đó nó ở mướn cho gia đình người đó luôn, không thấy về nữa”...
Tôi ngồi bất động nghe má tôi kể, mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không trước mặt. Khoảng không gian có mây đang bay, có chim chóc đang lượn. Có người người qua lại nói nói cười cười dưới ánh mặt trời. Nhưng hơn bốn năm rồi, khoảng không ấy không có bạn tôi tham dự! Vân không thấy mặt trời! Không nhìn mây bay! Một đứa con gái đẹp đẽ, hiền lành, chỉ vì yêu lầm, xấu hổ vì danh dự bị chà đạp, dung nhan bị tàn phá bởi bờ đá lởm chởm nơi chân nhà mát sau lần tìm cách hủy hoại đời mình không thành... đã tự giam mình trong xó tối! Má tôi hoàn toàn không hay biết Vân đang im lìm “sống” cạnh bên. Và dì Tư, với niềm đau của người mẹ, đang ngày ngày âm thầm san sẻ nỗi bất hạnh của đứa con gái. Tội cho Vân biết bao. Yêu lầm! Có đáng bị trừng phạt đòn thù giữa chợ? Yêu không lầm! Có đáng để trả một giá quá đắt như vầy không? Ai không từng lầm lỡ, ai không từng gây lỗi trong đời? Mỗi người sống đời riêng của họ. Họ có quyền sống, được sống, dù số phận rủi hay may. Xóm tôi có một người con trai bị cùi. Người lớn gọi anh là thằng Mâu, nghĩa là xà mâu. Khi tôi còn ở Việt Nam, Mâu khoảng hai mươi mấy tuổi. Không biết anh bị cùi từ bao giờ. Mặt anh, chỗ sần sùi, chỗ láng cóng, không có lông mày.  Mũi chỉ còn hai cái lổ xâu hóm. Hai bàn tay với các ngón dài ngón cụt vì bị vi trùng hủi ăn. Một bàn chân thịt nhô lên cao trông rất ghê và dơ bẩn. Vậy mà anh rất vui vẻ,  hay cười hệch hạch. Hình dáng và bịnh tật của anh đã trở nên quá quen mắt với nhưng người trong xóm. Dưới mắt họ là một anh Mâu - không - cùi. Anh đi tới đi lui trong xóm tỉnh bơ. Có  lẽ  anh cũng không còn thấy mình cùi. Mà cùi thì đã sao?
Tôi đồng tình với dì Tư, giữ bí mật cho Vân. Không tiết lộ cho ai, kể cả má tôi. Chưa bao giờ bộ óc tôi làm việc cực kỳ mệt mỏi như vậy. Tôi đặt mình vào Vân và dì Tư. Có nên hành xử một cách giết đời như thế không? Có tàn ác quá đà với chính mình không? Bốn năm không bước chân ra khỏi nhà. Không dám cười nói tự nhiên, có miệng như câm. Bốn năm tập tành sống như cây cỏ thú vật. Không phải. Tệ hơn cả cây cỏ thú vật.!!! Phải chi Vân gan dạ như anh Mâu. Nghệ thuật sống. Như cậu bé đứng đái trên sông, có việc cần giải quyết thì làm. Đạt nhu cầu. Phải chi mọi người như cậu Mười tôi, không phê phán, dèm pha. Mặc chuyện thiên hạ. Những triết lý thật thông thường, đời sống này sẽ dễ thở và dễ dàng hơn biết bao!
Chuyến về quê dự trù năm tuần, rút ngắn còn ba. Một tuần ở quê Nội, nhìn lại Núi Sập và sống với người Núi Sập yên phận. Một tuần về quê ngoại với con sông xưa và những tâm hồn bình dị. Một tuần trọn vẹn cho má tôi và Vân.Tôi suy nghĩ mình nên làm điều gì cho cô bạn bất hạnh. Sớm một ngày thì hay được một ngày.
Này bạn! Nếu bạn là tôi, bạn sẽ hành động ra sao?
Tôi sẽ thế nầy: Giúp Vân đứng dậy và tự đi, đi một cách tự tin sau lần té nặng. Dù không toàn vẹn, vẫn có đời sống. Chặng đời tôi bước sang một ngã rẻ mới: Tự lập và giúp Vân bằng chính sức lao động của tôi. Tôi sẽ về lại Rach Giá dẫn nó sang Úc. Y khoa tiến bộ sẽ hoàn trả lại gương mặt cũ cho nó, dù không trọn vẹn thì cũng khá hơn.
Bằng tình người, tôi sẽ cõng nó, chưa kể đến tình bạn.

Lâm Kim Loan

No comments:

Post a Comment