Links

Tuesday, January 4, 2011

Hai bài bình bài thơ Thầy Tôi


__________________

Tiếng gọi "Thầy ơi"
vẫn còn đó trên dòng sông chữ


Diệu Tâm

______________________

Tiếng gọi "Thầy ơi"
vẫn còn đó trên dòng sông chữ







Người thầy là một hình tương đẹp, cao cả trong đời sống tinh thần của dân tộc. Tiếng gọi "thầy" là cả niềm tôn kính đối với những người đem tình yêu thương, trí tuệ, đạo đức đến với cuộc đời. Cho nên người thầy trong văn chương là hình ảnh đầy thi vị, là hình ảnh trân trọng và tràn đầy cảm hứng ngợi ca. Người thầy được gọi gần gũi với một so sánh " Người lái đò". Cách so sánh ấy được Nguyễn Thúy Quỳnh tạo nên một tứ thơ lạ, thể hiện một cách cảm chân thực, sâu sắc về người thầy. Với bài thơ " Thầy tôi", người đọc cảm nhận về nỗi ưu tư, một sự giằng xóc, nhói đau, chất chứa trong lòng người thầy. Cảm nhận như thế về người thầy trong cuộc sống hôm nay, theo tôi là mới và tạo được một dư âm . Bài thơ kết bằng tiếng gọi:" thầy ơi" có sức lay từ một cảm xúc trong sáng, thiết tha và ấp áp!
Mở đầu bài thơ là hình tượng người thầy trong cảm hứng ngợi ca của tác giả:

Một đời tích nghĩa nhân
Thầy tôi đóng con đò đưa người qua sông Chữ.


Trên dòng sông Chữ ấy, con đò và người thầy như là một điểm sáng ngời, cái tâm cảnh chính là "Thầy tôi" - người thầy dành trọn "một đời", người thầy của "Nghĩa nhân". Và như thế, trên dòng sông chữ ấy, con đò của thầy là con đò nhân nghĩa, tình thương, trí tuệ .... Tưởng mạch thơ sẽ phát triển theo hướng ngợi ca ấy. Không. Ta gặp một dòng sông Chữ - Con đò và người thầy như một phần của huyền thoại đầy trắc ẩn . Đoạn thơ gồm ba khổ như diễn biến của một cổ tích đời thường:


Kẻ thất học đi qua
sau một năm
cầm rìu chặt đò làm đôi
thầy ngậm ngùi đóng con đò mới.

Kẻ tiểu nhân đi qua
sau mười năm
vung búa chặt đò làm ba
thầy dằn lòng đóng con đò mới.

Người tâm phúc đi qua
sau ba mươi năm
trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh.

Đã có bao nhiêu người sang khỏi bến mê từ con đò nhân nghĩa của thầy. Câu chuyện thơ ghi lại với ba khoảng thời gian " sau một năm", " sau mười năm", " sau ba mươi năm". Nhà thơ chia làm ba hạng người: "kể thất học", "kẻ tiểu nhân" và " người tâm phúc". Mỗi hạng người lại phá con đò nhân nghĩa của thầy một cách . Có kẻ "cầm rìu chặt đò làm đôi", có kẻ "vung búa chặt đò ra làm ba", có người phá con "đò tan vạn mảnh" chỉ bằng một cái "trở bút". Đoạn thơ mộc mạc tưởng như dễ dãi. Nhưng mà không. Hình tượng hóa thái độ ứng xử của người đời với người thầy đến mức cụ thể như nhìn thấy được, như nghe được tiếng búa rìu chặt phá . Rõ ràng, đây là một cách viết thô và mộc của một sự khổ công lựa chọn. Cái phần đời lắng sâu, giấu kín sau nụ cười và lời giảng ấm ápcủa thầy là thế. Cái phần trắc ẩn này đâu phải đã có nhiều trong thơ. Hãy đọc và ngẫm kĩ bạn sẽ thấy nhà thơ nói cái điều sâu thẳm , nỗi nhức buốt, ngậm ngùi mỗi khi con đò bị chặt làm đôi, làm ba rồi tan vạn mảnh. Có thể "ngậm ngùi", có thể "dằn lòng" khi con đò nhân nghĩa bị những kẻ thất học, kẻ tiểu nhân chặt phá . Nhưng mà có nỗi đau sâu thẳm chìm vào đâu đó sau lớp ngôn từ khó nói hết được. Đúng là vậy, còn có nỗi đau nào hơn từ người "tâm phúc" phá con đò "tan vạn mảnh". Thật nhẹ, thật tinh mà dữ dội, chỉ từ cái "trở bút". Có lẽ, còn một câu thơ nữa, đó là câu thơ lắng xuống, chìm đi và cả sự tan nát khi thầy không thể dắn lòng nỗi nữa. Phải chăng đây là khoảng lặng có sức gợi về những gió sóng trong lòng người đưa đò qua sông chữ. Tôi muốn nói cái chân thực đáng quý của bài thơ là thế. Bài thơ đã gợi nỗi đau, niềm trăn trở rất thật và sâu đậm của người thầy giữa đời thường.

Con đò tan vạn mảnh. Thầy cũng đã vắng trong khổ thơ trên. Vậy mà vẫn còn đó người học trò về lại, tìm lại thầy, tìm lại bến xưa. Không sắc cạnh nhưng đoạn thơ là một đối lập làm nên mạch cảm xúc thống nhất trong bài thơ. Bài thơ đã mở đầu bằng tiếng gọi đầy tôn kính " "Thầy tôi" để đến khổ thơ cuối này, nhân vật trữ tình là người trò nhỏ ngày nào về tìm thầy:


Tôi về tìm thầy
có người bảo lên sông Ngân mà hỏi,
có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông
những mảnh vỡ lặng câm
găm trong ngực.
Sông Chữ ngầu ngầu đang khóc
- Thầy ơi...

Câu này( "Tôi về tìm thầy") chẳng có gì là thơ cả. Thế mà nghĩa cử "tìm thầy" thật quý, nó ngời sáng vẻ đẹp, chất thơ của tình người. Và như thế, mạch thơ như mạch kể, một lối kể thực mà như cổ tích. Thầy còn đó trong đời thường hay đã về với trăng sao! Không rõ là phải rồi, ba mươi năm rồi, thời gian đủ để làm nên những đổi thay theo nhiều hướng khác nhau. Song, người thầy dù đã về đâu vẫn còn đó nỗi trăn trở, nỗi đau đời:" những mảnh vỡ lặng câm / găm trong ngực.". Không hiện hữu trên dòng sông chữ. Song vẫn còn nỗi đau nhức buốt trong trái tim nhân nghĩa của thầy - cái phần chìm khuất này thường ít thấy trong thơ. Cho nên, những người làm nghề dạy học như tôi có thể gọi đây là sự tri ân hơn cả những lời ngợi ca.


Bài thơ gợi về thầy, về cái phần chân thực trong cảm hiểu về thầy. Song xét cho cùng, cái đáng quý vẫn là tình thầy của chủ thể trữ tình:




Sông Chữ ngầu ngầu đang khóc
- Thầy ơi...

Giữa tất cả những gì tan nát, mất đi thì tiếng gọi "thầy ơi" này đáng giá lắm. Đấy là tiếng lòng trong sáng, thương yêu dành cho người thầy. Phải chăng chỉ cần một tiếng gọi tri âm ấy đủ thắp lên niềm tin của người lái đò trên dòng sông chữ!




Về bài "Thầy tôi"



Nguyễn Mậu Hùng Kiệt


Tôi hay bị dị ứng với những bài thơ viết về người thầy có hình ảnh dòng sông, con đò, người đưa đò - những hình ảnh quen thuộc đến mức gần như đã thành ước lệ. Thế nhưng tình cờ bắt gặp bài thơ Thầy tôi của Nguyễn Thúy Quỳnh trên nguyenthuyquynh.vnweblogs.com, cũng với những hình ảnh ấy, tôi lại có cảm tình ngay khi lần đầu đọc được.

Nguyễn Thúy Quỳnh đã rất khéo khi mượn chuyện thế thái nhân tình để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Trên không gian của "sông Chữ", chị đã tạo dựng được những hình tượng nghệ thuật - khách thể tinh thần - mang nhiều sắc thái biểu cảm. Không luận bàn những vất vả, lo toan khó nhọc của người đưa đò trên hành trình "đưa người qua sông Chữ", người thơ chỉ nói chuyện nghĩa nhân thông qua những đối tượng đã từng lên con đò của thầy - con đò được thầy đóng bằng "ngân quỹ" của "một đời tích nghĩa nhân" - qua sông Chữ.

Họ là ai? Một "kẻ thất học", "một kẻ tiểu nhân", "một người tâm phúc", vân vân và vân vân. Ai mà chẳng từng lên con đò của thầy. Bao thế hệ học trò được thầy dạy bảo nào biết sau này ai có nghĩa, có nhân. Chính lẽ đó mà vấn đề Nguyễn Thúy Quỳnh nêu lên, đặt ra lại khiến ta suy ngẫm.

Nhận chân một con người không phải là chuyện dễ. "Kẻ thất học đi qua / sau một năm / cầm rìu chặt đò làm đôi", "Kẻ tiểu nhân đi qua / sau mười năm / vung búa chặt đò làm ba", "Người tâm phúc đi qua / sau ba mươi năm / trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh"... Với một kết cấu lặp, chị đã cho ta một hình dung về sự thay lòng, đổi dạ, tráo trở - một thực tế đau lòng của nhân thế. Kẻ thất học, người tiểu nhân trở mặt quay lại phản thầy là chuyện thường tình. Còn người tâm phúc sao lại "trở bút"? Chị đã gắn cho từng đối tượng một khoảng thời gian, một hành động tương ứng. Thời gian một năm, mười năm, ba mươi năm chỉ là những con số có tính phỏng đoán nhưng cũng là khoảng thời gian vừa đủ để những con người ấy bộc lộ bản chất và cũng vừa đủ để ta nhận mặt kẻ bất nghĩa.

Hình ảnh con đò bị chặt làm đôi, làm ba, tan thành trăm mảnh là hình ảnh có sức gợi về sự tàn phá ghê gớm của sự tráo trở. Con đò được đóng bằng lòng nhân nghĩa thế mà bị băm vằm thành khúc, thành mảnh làm sao lòng thầy không tan nát. Nỗi đau ấy đã được người thơ diễn tả thành những bức tranh tâm trạng. Với tấm lòng bao dung, độ lượng của một người thầy, thầy có thể "ngậm ngùi", có thể "dằn lòng" đóng con đò mới khi kẻ thất học, kẻ tiểu nhân "cầm rìu chặt đò làm đôi", "vung búa chặt đò làm ba". Nhưng đến lúc người tâm phúc "trở bút" thì chẳng còn gì để nói. Tất cả gần như sụp đổ, vụn vỡ. Thúy Quỳnh đã có dụng ý tạo ra khoảng lặng giữa lời khi để cho khổ thơ thứ tư "khuyết" đi một câu - dẫu cũng được lặp cấu trúc. Phải chăng người tâm phúc sau ba mươi năm "trở bút" đã không còn là "cú đánh" bên ngoài mà là "cú đánh" bên trong quật ngã thầy không còn khả năng gượng dậy đóng con đò mới?

Cứ ngỡ Nguyễn Thúy Quỳnh tách cái "tôi' trữ tình ra khỏi câu chuyện thơ hay nói đúng hơn "một cái gì tách biệt với mình" (Aristole) để trần thuật một vấn đề thế sự, thể hiện một triết lý nhân sinh. Nào ngờ, sau bao biến cố của thầy với rất nhiều nỗi niềm, cái "tôi" hiển lộ tìm về. Một sự trở về muộn mằn nhưng cần thiết để làm bật lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Và đến đây bài thơ được mở theo một chiều kích khác: thơ hơn, tình hơn, người hơn và đời hơn!

Tôi về tìm thầy

Có người bảo lên sông Ngân mà hỏi,

Có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông

Hình ảnh con sông đã được người thơ biến hóa một cách kỳ ảo và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Đó không chỉ là con sông "dù nhỏ cũng đôi bờ" để những kẻ tầm thường "qua cầu rút ván" hay sông Chữ với "biển học vô bờ" mà người học trò bất nghĩa "trở mặt quay lưng" mà còn là dòng sông Ngân hư ảo, vĩnh hằng vắt ngang trời mây trắng. Tất cả mờ nhòe đi trong niềm xúc động của người học trò cũ. Tìm về đứng trước sông Chữ, đối mặt với thực tế phủ phàng, nghĩ về nhân tình thế thái mà xót, mà đau:

Những mảnh vỡ lặng câm

găm trong ngực

Sông Chữ ngầu ngầu đang khóc

- Thầy ơi!

Nhân vật "tôi" tự vấn thấy mình như người học trò có lỗi. Câu thơ sắc nhọn "những mảnh vỡ" của một cõi lòng tan nát. "Găm" đau đến mức làm bật tiếng gọi "Thầy ơi !" Vâng, có một "Sông Chữ ngầu ngầu đang khóc" trong thơ của chị Nguyễn Thúy Quỳnh!
>

No comments:

Post a Comment