Links

Tuesday, January 4, 2011

TƯƠNG QUAN THÀY TRÒ XƯA VÀ NAY

_________________


Một nhà giáo đã ra khỏi ngành




Lương tâm, sự tự trọng của nhà mô phạm ở đâu, sao chúng ta lại nỡ cầm tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ học sinh mình mà không thấy nhột nhạt? Rồi hệ quả của việc cầm tiền, là chúng ta phải “để tâm hơn” đến học sinh này! Thế còn các học sinh khác mà cha mẹ không có bao thư thì sao?
Tương quan Thầy Trò xưa và nay

Lời nói đầu: Trước hết, tôi xin xác định giới hạn chữ thầy mà tôi nói đến ở đây, là thầy dạy ở các nhà trường từ mẫu giáo cho đến đại học, và lên trên nữa, nói chung là người làm nghề dạy dỗ, mở mang, đào tạo học sinh về trí dục và đức dục, chứ tôi không nói đến người dạy bất cứ ngành nghề gì, từ sửa xe, lái xe, uốn tóc, vẽ, hay ngành sản xuất, kinh doanh…, vì hiện nay thường thấy những người dạy các nghề này cũng nhận mình là “nhà giáo”. Chẳng hạn khi tôi gặp lại một anh tài xế cũ, anh cho biết anh hiện là “thầy dạy” chứ không đi lái xe nữa, và “học trò” của anh toàn là “các quan chức trong đủ mọi ngành”, nhưng cái tính chất thô lỗ ngang xương của anh thì vẫn còn như cũ, dù anh đã lên bậc “thầy” như anh nói!
Mấy ngày nay, tôi luôn bị ám ảnh bởi đoạn video về cô giáo chửi mắng học trò trên trang web NVCL. Tôi thật choáng váng, và tâm tư bất an với những bức xúc về mối tương qua giữa thầy và trò thời nay, nhất là về tư cách của những người “làm thầy” này, cùng những “hoa trái” mà họ cung cấp cho xã hội, thật não nề cay đắng!

- Ngày xưa, tương quan thầy-trò được quy định như một lề luật đạo đức bó buộc: nó mang tính vừa cao siêu vưà đầy tình nghĩa, gần như tương quan giữa cha mẹ và con cái. Do đó mới có câu : “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”! Tôn kính thầy là tôn trọng đạo lý. Mọi người quan niệm: cha mẹ sinh ra ta bằng con người thân xác, còn thầy sinh ra ta bằng con người tinh thần, trang bị cho ta những kiến thức học vấn đã đành, nhưng còn tạo cho ta nên người, một người gồm tài đức, một người hữu dụng, là rường cột tương lai của gia đình và xã hội. Có nhiều câu răn dạy về đạo làm trò, chẳng hạn : “không thầy đố mày làm nên!”, “kính thầy mới được làm thầy”, “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Ngày tư tết, học trò phải chia thời gian theo trình tự: “Mồng một ở với mẹ cha,mồng hai nhà vợ,mồng ba nhà thầy”. Khi đang còn học cũng như khi đã rời ghế nhà trường, nếu nhà thầy có chuyện vui buồn,học trò phải có mặt. Khi đã công thành danh toại, cũng vẫn phải đến thăm thầy với thái độ cung kính vòng tay cúi đầu, bất kể mình đang ở địa vị lớn lao nào, hay quyền cao tước trọng trong xã hôi.
Nói như thế không có nghĩa là đạo lý chỉ quy định bổn phận của học trò đối với thầy, nhưng ngược lại, để được học trò cư xử như vậy, thì thầy phải “Chính Danh”, tức là thầy phải ra thầy, phải có trách nhiệm yêu thương và đem hết tâm lực ra dạy dỗ, rèn luyện cho học trò về hai lãnh vực trí và đức, để chúng phải vừa thành tài và nhất là thành người, thậm chí thành tài còn được đặt nhẹ hơn thành người: “không thành công cũng phải thành nhân”, đó là trách nhiệm của thầy đối với trò. Không làm được như vậy thì thầy đã lỗi đạo làm thầy với chính học trò, với cả xã hội! Vì vậy trong lịch sử mới có những vị thầy mà khi học trò ra đời vi phạm luật pháp, vi phạm kỷ cương đạo lý, thì thầy vì trách nhiệm và vì danh dự, đã lo buồn lâm bệnh mà chết, hay tự vẫn vì phải mang nhục! Vai trò của thầy cũng rất nặng nề với xã hội, với tiền đồ đất nước: “Lương sư hưng quốc”. Người thầy tốt sẽ làm hưng thịnh đất nước, bằng cách đào tạo nên những nhân tài đóng góp cho xã hội! Cũng trong tinh thần ấy, báo Tuổi Trẻ ngày 3 tháng 12 năm 2010 còn ghi câu: “Một nền giáo dục tốt có vai trò quyết định trong việc xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, nhân văn và bền vững”.
Với trách nhiệm nặng nề như thế, trước hết để làm thầy, cần có sự TU THÂN, hầu trở nên gương mẫu thực cho học trò. Nhất nhất mọi cử chỉ, ngôn ngữ, hành xử của thầy phải thực sự mực thước, mô phạm, để trở nên THÂN GIÁO cho học trò nhìn lên và noi theo. Chính vì vậy thầy dạy trò phải nghe, lệnh thầy ra trò phải tuân, không thể phản kháng hay chống cãi lại.
Như vậy, để làm được công việc truyền tải kiến thức và đạo đức, cả hai bên thầy và trò đều phải hội đủ điều kiện, nhưng trước hết kẻ bề trên phải sống xứng đáng vai trò, trách nhiệm là thầy, kẻ dưới mới buộc phải tuân phục. Có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “càng cao danh vọng, càng dày gian lao”, để nhắc nhở kẻ bề trên phải sống “CHÍNH DANH”. Danh có chính thì ngôn mới thuận, danh bất chính thì ngôn cũng bất thuận. Nếu người trên bất xứng thì lời nói không đáng cho kẻ dưới nghe, lúc đó rối loạn đương nhiên sẽ xảy ra! Đạo lý ngày xưa không quy định kiểu một chiều như nhiều người chúng ta thường lầm tưởng, mà bao giờ cũng rất khe khắt cho người trên. Thông thường chúng ta cứ nghĩ là đạo làm con phải hiếu với cha mẹ, dù cho cha mẹ có thế nào: “Muốn nói ngông làm chồng mà nói! Muốn nói ngoa làm cha mà nói”! Không, đó là một sự lệch lạc của xã hội, còn Đạo Thánh Hiền (Đạo của Đức Khổng Tử) thì quy định rõ ràng: đạo CHA-CON là đạo TỪ-HIẾU, tức là cha mẹ phải sống nhân từ, thương yêu bảo bọc con, thì đương nhiên con phải hiếu kính cha mẹ. Chúng ta thường chỉ sài một vế, nên mới bị lệch lạc khập khiễng, đạo thầy-trò cũng vậy.
Từ đó đem đến hệ quả là học trò ngày xưa rất yêu kính thầy, một cách thật lòng, có chiều sâu, có ý thức rõ rệt như một bổn phận không thể sai sót, và học trò nào vi phạm thì không cần ai phân tích, giải thích, cũng tự biết sự sai trái của mình để nhận lỗi. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến đoạn video ghi cả âm thanh và hình ảnh về một vị cô giáo chửi thậm tệ học trò, loan tải trên internet, trong đó ta thấy rõ phong độ, lời ăn tiếng nói lẫn vẻ mặt của “người thầy dạy” này, thật đáng lạnh gáy, và tôi thầm nghĩ: chính vị “thầy” trong video còn chưa được giáo dục để làm người cho đúng nghĩa, huống chi làm thầy! Và như thế thì học trò nên người làm sao?
Đành rằng lỗi là từ phía học trò, nhưng tư cách đạo đức của một nhà giáo đâu cho phép thầy “mày tao” mới học trò như người buôn bán ngoài chợ trời?! Trong khi đó, cô giáo này nhiếc mắng học trò cả hơn 15 phút không dứt, toàn là những lời bất xứng: “Mày phải biết mày là ai. Mày là thằng học trò, tao là cô giáo của mày, mày thì đứng dưới, tao đứng trên…, rồi “đồ nọ, quân kia” cô lôi ra phát thanh với dọng “đanh thép”, nghe mà tôi thấy quá ngượng ngùng! Tại sao ta biết chọn tuyển học sinh, sinh viên mà thầy cô lại không được tuyển chọn?! Nếu là cha mẹ, chúng ta có dám giao con mình vào những “khuôn đúc người” như vậy không? Sự việc xảy ra trong lớp, tại trường, mà ban giám hiệu không quan tâm, không hay biết, để khi bị tung lên mạng thì ban giám hiệu lại lo chạy chữa ém nhẹm, mà lẽ ra phải mở phiên họp các giáo viên để bàn tính cách ứng xử, chấn chỉnh, rồi phải họp phụ huynh để xin lỗi, và họp học trò để trấn an, xin lỗi chúng mới đúng! Không phải người lớn là luôn luôn đúng, không phải thầy cô luôn luôn là chân lý! Nếu ta sai, ta phải biết nhận lỗi và xin lỗi ngay, đó là ta làm gương, ta dạy học trò phải biết khiêm nhường, phục thiện vậy.
Chẳng qua chỉ tại cách suy nghĩ sai của ban giám hiệu và các giáo viên, là không muốn người khác biết cái xấu, cái kém của mình, của trường, sợ mất uy tín của BGH, của thầy cô! Nhưng theo tôi nghĩ, như vậy thì trường còn uy tín đâu mà sợ mất, cô giáo còn tư cách đâu mà bảo vệ? Tốt hơn là phải ngay thẳng, mạnh dạn làm một cuộc sửa sai, chỉnh đốn lại đội ngũ giáo viên của trường, và quyết tâm cải tổ cho tốt hơn. Đây không phải là một “tai nạn học đường” duy nhất, nhưng từ trước đến giờ những tai nạn tương tự đã xảy ra quá nhiều! Kể cả về phía học sinh: thiếu lễ giáo, bạo hành…, lẫn phía thầy với nhiều trường hợp thiếu nhân cách, thiếu đạo đức, sống dâm loạn, bạo lực hoặc xúc phạm danh dự của học trò. Những trường hợp ấy hầu như các BGH đều xử sự theo lối thoái thác, bao che, ém nhẹm hay né tránh trách nhiệm! Đó chỉ là một thái độ thiếu ngay thẳng thành thật, thiếu cả đạo đức và lương tâm của nhà giáo dục, nếu không muốn nói nó giống như một nghề kinh doanh mang tính man trá, lừa lọc! Làm sao qua mắt được học trò mà sự tinh ranh của chúng “chỉ sau quỷ ma” (nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò!). Chưa kể còn nạn bè phái, tham nhũng, buôn điểm, bán bằng! Trước mặt phụ huynh nhiều cô thầy tỏ ra như thánh sống, nhưng sau đó, trước mặt học sinh thì như một kẻ gian ma! Nhiều bạn tôi đưa con cháu đến gặp thầy cô để gửi gấm, để “cám ơn” bằng bao thư, hầu mong con cháu được thầy cô quan tâm chứ không bị bỏ lơi hay trù dập, nhưng cả người “cảm ơn” lẫn người “nhận cảm ơn” đều nhìn rõ về nhau: chỉ là giả dối với nhau cả, phụ huynh thì mua chuộc, hối lộ, còn thầy cô thì giả trá, chỉ khiêm nhường, vuốt ve học trò đầy vẻ yêu thương trước mặt cha mẹ nó, nhưng nhận xong bao thư thì trò kệ trò, còn nhiều phụ huynh đưa bao thư “dày” hơn, hơi đâu mà để ý. Có trẻ về nói lại với cha mẹ: “con sợ cô lắm, cô không thương con như cô nói với mẹ đâu, cô đánh con hoài khi không có mẹ!”
- Ngày nay, đặc biệt có “Tương quan bao thư”! (hay quà cáp có giá trị tiền bạc cao mà phụ huynh tặng): Một hành động bao hàm nhiều ý tứ, nhưng tiêu cực nhiều hơn là tích cực! Tại sao phụ huynh lại phải đưa bao thư cho cô thầy? Là thầy thì đương nhiên phải hết tâm dạy dỗ và thương yêu mọi học trò như nhau, sao lại muốn thầy cô phải ưu ái con mình hơn, phải chăng ta muốn sự bất công, sự lũng đoạn trong nhà trường? thầy cô đi dạy học không đủ sống sao? Thế tiền học phí, và đủ mọi thứ “phí” mà phụ huynh phải đóng hàng tháng, hàng năm cho nhà trường đâu, sao không trả lương đủ cho thầy cô sống, để họ yên lòng làm công việc dạy học? Tại sao thầy cô lại “nỡ” nhận bao thư của học sinh? Đó là tiền gì vậy? Có phải là “quà” mà học sinh tự nguyện biếu thầy cô không? Chắc là không, vì đứa nhỏ còn cắp sách đến trường làm gì ra tiền, ngoại trừ việc cha mẹ phải chu cấp cho chúng đủ thứ, lại thêm cả thứ “gửi bao thư cho cô thầy”. Ôi! Thế thầy cô không thấy gánh nặng trên vai của phụ huynh sao, nhất là những nhà đông con còn đi học, mà nhiều phụ huynh phải làm lụng đầu tắt mặt tối, còn chưa đủ lo cho con, chứ có phải ai cũng dư thừa tiền của? Lương tâm, sự tự trọng của nhà mô phạm ở đâu, sao chúng ta lại nỡ cầm tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ học sinh mình mà không thấy nhột nhạt? Rồi hệ quả của việc cầm tiền, là chúng ta phải “để tâm hơn” đến học sinh này! Thế còn các học sinh khác mà cha mẹ không có bao thư thì sao?
Nên nhớ nhất cử nhất động của thầy cô, bọn học trò đều biết hết. Thế thì lòng tôn kính ở đâu ra? Làm sao mà bảo chúng phải “tôn sư trọng đạo?” Có biết bao câu nói dể khinh của lũ học trò sau lưng thầy cô, liệu thầy cô có để tâm hay mặc kệ, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi?”. Nếu chúng ta có khó khăn, thì chúng ta cũng không thể ngửa tay cầm đồng tiền “cứu trợ” của học sinh, huống chi là nhiều thầy cô hoàn cảnh không đến nỗi, mà vẫn tỉnh bơ cầm những đồng tiền “không mấy đẹp” ấy?! Việc chăm lo đời sống cho thầy cô, nếu là trường công lập thì chính quyền phải lo, đó là trách nhiệm, vì họ phải bảo đảm một nền giáo dục tốt cho toàn dân, chưa kể trường công bây giờ cũng thu đủ thứ tiền! Còn nếu là trường tư, thì mọi khoản tiền đã được phụ huynh đóng góp đầy đủ cho nhà trường, bao gồm tiền trả lương giáo viên, tiền trường sở, sinh hoạt…, không cần phụ huynh phải trả thêm!
Cái “văn hóa bao thư” ấy cũng chỉ mới xuất hiện vài chục năm trở lại đây, từ sau năm 1975, còn trước 1975, tuyệt nhiên trong miền Nam không hề có hiện tượng “dị kỳ” này! Học trò ở miền Nam trước 75 vẫn hết sức kính trọng cô thầy, biết ơn cô thầy trong việc đào tạo mình nên người, nhưng cả thầy lẫn trò, không hề có lối giao tiếp bằng bao thư, trừ một vài trường hợp thầy đã về hưu, hay đau yếu nguy kịch, hay gặp thiên tai đại họa, mà hoàn cảnh đơn sơ nghèo nàn, thì các học trò tự xúm nhau gom góp những đồng tiền riêng được cha mẹ cho, chung lại gửi biếu thầy cô lúc cơ nhỡ. Cho dù ngay cả những trường hợp đó, thì rất nhiều thầy cô cũng không dám, không nỡ nhận của học trò, mà chỉ có giúp đỡ học trò khó khăn để nó tiếp tục học. Lương tâm, danh dự, và cả sĩ diện của người thầy không cho phép ta dễ dàng nhận tiền của học trò!
Nhưng ngày nay sao lại dễ nhận thế, thậm chí không nhận không vui, hay còn nảy sinh tư tưởng “không ưa” đối với các học sinh mà “suốt mấy năm học không thấy nó đưa một bao thư nào”! Vậy ý nghĩa thực của việc đưa và nhận bao thư là gì, nếu không phải là một hình thức tham nhũng, hối lộ trong môi trường học đường? Chúng ta đừng đổ lỗi tại ai, vì không có người nhận thì đưa làm sao được, mà không đưa nhiều khi còn lo nghĩ hơn là đưa! Dùng tiền để mua sự an toàn, để có lợi cho con về điểm, về sự quan tâm, về nơi học tốt, thì có khó cũng ráng làm, kẻo con mình không được như con người! Hiện tượng “chạy trường, chạy lớp” mà báo chí la hoảng hàng năm trước khai giảng là gì, nếu không phải là các BGH, các thầy cô “bán chỗ cho học sinh có tiền”?! Các văn bằng giả đủ cấp đủ loại ở đâu ra, nếu không xuất phát từ ngành giáo dục, do các “thầy cô” làm trung gian hay rao bán?! Đó phải chăng là THAM NHŨNG, GIAN THƯƠNG trong học đường?
Trên báo BBC ngày 16/12/2010 có đăng tin về cuộc khảo sát của tổ chức “Minh Bạch Thế Giới” về tình hình tham nhũng tại VN, kết quả cho thấy một sự quá đau lòng: Ngành Giáo Dục VN tham nhũng thứ 2, sau nghành Công An! Không còn gì để nói nữa! Đất nước ta sẽ đi về đâu? Hậu quả là tàn phá xã hội về kỷ cương, về đạo đức, phá vỡ niềm tin, sự ổn định, và làm mất khả năng tiến lên của xã hội! Tôi dám chắc hầu hết phụ huynh đưa bao thư cho cô thầy đều có sự miễn cưỡng, kèm theo một sự khinh thường, dù bề ngoài thì vui vẻ, thân thiện, chỉ vì con!
Ngày xưa, các dịp lễ, tết, các học sinh cũng xúm vô tổ chức liên hoan, mừng thầy cô, nhưng là cả lớp, cả trường cùng làm, một cách danh chính ngôn thuận chứ không giấu đút, riêng lẻ, “chạy đua” như ngày hôm nay! Những món quà mừng chúc ngày xưa cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng: một bó hoa, một cái ví, cái bóp, hay cái khăn, tấm vải may áo tặng thầy cô nhân ngày tết (không có sinh nhật), của cả lớp tặng, thật thân tình và êm ái, chứ không bao giờ là bao thư nọ bao thư kia như bây giờ! Tôi còn nhớ khi học trung học, tôi chỉ tặng cho cô dạy Việt Văn của tôi một khăn mouchoir, mà cảm thấy rất ngại ngùng khi đưa (vì là quà riêng), chỉ sợ bạn bè nghĩ tôi “nịnh cô để cô thương”! thầy cô ngày trước tối kỵ những liên hệ có dính líu đến tiền bạc, quà cáp với học sinh, vì dễ bị nhà trường, đồng nghiệp và cả học sinh ngộ nhận. Điều tối kỵ nữa là không mua bán, làm ăn, hay bất cứ dính líu gì đến tiền bạc với học sinh, vì sơ sẩy làm mất uy tín thì không thể đi dạy được!
Còn bây giờ…, tôi miễn nói, vì đã có đầy trên báo chí! Hậu quả là tình nghĩa thầy trò nhạt nhẽo, giả tạo, thậm chí còn có sự coi khinh, bạo lực của các “môn sinh” tặng cho thầy cô, tất cả đều có lý do, có nguyên cớ, chúng ta muốn phủ nhận cũng chẳng được! Tình thầy trò mà không còn, thì còn gì?! Tại ai? Tại cả đôi bên, nhưng là bề trên, là thầy, là kẻ TRỒNG NGƯỜI, thì ắt lỗi về phía ta trước, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “trên bất xứng, dưới ắt khinh”! Chỉ tội cho những nhà giáo còn đủ lương tâm và đầy nhiệt huyết, họ làm được gì giữa thế giới của những người tham nhũng, vô lương tâm? Và thật tội nghiệp cho đám trẻ lòng dạ còn như tờ giấy trắng, chúng đã sớm phải ghi nhận những hình ảnh xấu xa của bất công, tham lạm, vô trách nhiệm, và chúng có nguy cơ bị “đúc” theo những khôn mẫu ấy! Sau đó là đến các phụ huynh phải trần thân vất vả kiếm tiền cho con ăn học nên người, thì con lại …nên ma! Với những “chủ nhân tương lai” của gia đình, của xã hội như vậy, còn phải tìm nguyên nhân ở đâu nữa, khi xã hội băng hoại, vô luân, vô đạo, con giết cha, chồng giết vợ, cư xử bất công, vô cảm, vô lương tâm…! Như thế, ngày nay để đối với câu “Lương sư hưng quốc”, chúng ta còn thấy có câu “ác sư hoại quốc”, cũng chí lý!
Viết tới đây, tôi xin mọi người, nhất là các nhà giáo, hiểu cho lòng tôi không hề muốn chê trách lên án các nhà giáo, vì tôi cũng đã là một nhà giáo. Tôi chỉ thật sự đau lòng khi nhìn thấy xã hội chúng ta một ngày một xuống dốc, giới trẻ mỗi ngày thêm băng hoại, và tôi thật sự lo cho tiền đồ của Tổ Quốc, tương lai của các gia đình VN chúng ta! Lời cuối của tôi xin kính gửi đến quý vị, là xin quý vị hãy vì mình, vì gia đình mình, vì con cháu mình, và vì Tổ Quốc thân yêu, mà:
1/- Đừng hạ thấp, coi thường vai trò và trách nhiệm của nhà giáo trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội. Đó là một việc làm cao quý “trồng người”, đào tạo nên những nòng cốt cho gia đình, cho xã hội mai sau: quý vị đang cầm cân nảy mực về sự hưng, phế của tương lai Tổ Quốc, của nhân loại.
2/- Xin đừng coi nghề dạy học chỉ thuần túy là một kế mưu sinh, hay bám lấy nó vì nó mang danh là một nghề cao quý. Nghề giáo dục cao quý, là ở chỗ do những con người cao quý đang thi hành nhiệm vụ “vun trồng nhân loại”; bằng không, nó trở thành một nghề làm ăn lừa lọc, núp danh sự cao quý, như một số người ngày nay đã đánh giá! Vô tình, những người hành nghề này một cách gian trá, đã bôi nhọ cả tập thể nhà giáo, thành những người vô liêm sỉ, vô lương tâm, đáng khinh hơn cả những người làm việc vô lương tâm khác! Nếu chỉ vì mưu sinh mà bám nghề, thì xin cũng đừng nên, thà chúng ta kiếm ăn bằng một nghề khác để lương tâm thanh thản.
Sau năm 1975, trong trường tôi dạy, đã có hai đồng nghiệp của tôi tìm cách kết liễu đời mình vì cảm thấy không thể nói những điều trái lương tâm, không còn điều kiện để thể hiện một công việc đòi hỏi có lương tâm cao! Cũng vì đó, một số vị khác bỏ nghề, có người đi đạp xích lô, một thầy dạy tôi ở Đại học thì ra chợ bán gạo với vợ, còn cá nhân tôi thì “chọn” nghề muối dưa muối cà bán cho bà con lối xóm, sau chuyển qua bán nước giải khát, có sự giúp đỡ của học trò của tôi cũng đến phụ bán, trước khi tôi tìm được một công việc ổn định hơn. Tóm lại nghề gì cũng được, miễn là lương tâm được bình an.
3/- Nếu không yêu nghề, yêu giới trẻ, và muốn góp phần ổn định xã hội, mà vì một lý do nào khác, thì xin đừng làm nghề này, vì như thế chúng ta sẽ không thể hoàn thành trách nhiệm, sẽ lỗi với lương tâm, với học trò, với phụ huynh, với xã hội, với thế hệ mai sau và với tiền nhân, nhất là khi chúng ta sống giả trá, hoặc vi phạm vào những điều cấm kỵ, vào đạo đức làm thầy! Nếu không còn lương tâm trong sáng, thì không thể phù hợp với ngành giáo dục được! Nếu vì một mục đích riêng, vì lợi nhuận, hay vì hư danh, mà chúng ta quyết bám lấy ngành giáo, thì chẳng khác gì quan tham bám lấy ghế ngồi hòng trục lợi mà thôi!
Lời chia sẻ với tâm huyết trên, tôi xin kính gửi đến các thầy cô, những nhà làm giáo dục, ước mong được các vị đón nhận. Thay mặt các bạn học sinh, sinh viên và gia đình họ, tôi xin chân thành tri ân các “Kỹ Sư Tâm Hồn”, những “ Ân Nhân” của các gia đình và xã hội.
MỘT NHÀ GIÁO ĐÃ RA KHỎI NGÀNH

No comments:

Post a Comment