Links

Friday, February 25, 2011

TƯỞNG NHỚ THẦY NGUYỄN KHẮC KHAM - Phạm Huy Viên

_______________

 Nguồn :http://daihocsuphamsaigon.org/




Thầy Nguyễn Khắc Kham không còn nữa!
Tôi có hân hạnh được là một học trò nhỏ của Thầy. Được tin Thầy ra đi, tôi rất buồn. Nhưng tôi rất hãnh diện vì Thầy đã ở tuổi thượng thọ 100. Thầy đã để lại rất nhiều: từ tác phong đạo đức tới gương gia đình hạnh phúc mẫu mực, tới những công trình sáng tác biên khảo đồ sộ, những bôn ba khắp năm châu để diễn thuyết và hội thảo về văn hoá Việt Nam. Ôi! thật là một tấm gương sáng ngời đáng để chúng ta muôn phần hãnh diện.
Nhớ xưa, Khoảng năm 1957-1958 tôi được học Thầy.Một số bạn tôi nói Thầy dậy khô khan, bèn cúp cua đi chơi. Nhưng tôi lại mê kiến thức uyên bác của Thầy. Tôi học được ở Thầy niềm đam mê đọc sách chăng?
Thầy không ngông như thầy Nguyễn thiệu Lâu.Thầy rất nghiêm, nhưng không phải là nghiêm khắc, nghiêm trang mà từ ái. Tôi tới thăm thầy ở đường Gia Long. Một căn nhà trệt trong hẻm. Trong nhà bày biện rất đơn sơ, giống căn nhà của một giáo sư đệ nhị cấp mới ra trường. Lúc đó Thầy đang làm Giám- Đốc Văn Hóa Vụ. Thời ấy chưa có bộ Văn Hoá. Chức vụ của Thầy gần giống Bộ Trưởng Văn Hoá sau này. Với tài đức và uy tín của Thầy lúc đó, Thầy thừa sức xin một căn biệt thự tiện nghi. Nhưng Thầy thích sống trong căn nhà đơn sơ đó.
Tôi vừa ngồi xuống,hỏi thăm sức khoẻ của Thầy,thì Thầy đã nói: Ờ , tiệm sách người Hoa (chuyên bán sách chữ Hán) ở đường Triệu quang Phục Chợ Lớn đang bán cuốn Hồng Lâu Mộng, mua mau kẻo hết. Ôi! Lúc đó Thầy bận trăm công ngàn việc, nào quản lý công việc ở nha vụ, nào dậy ở hai trường Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa, lại còn liên lạc với bạn bè Quốc Tế và dự các cuộc hội thảo về văn hoá Việt Nam ở trong nước và quốc tế, thế mà Thầy còn lưu tâm bảo ban ,dẫn dắt một học trò nhỏ mới năm thứ nhất, thứ hai khiến lòng tôi cảm kích vô cùng. Thật như là tấm lòng từ ái của người cha đối với con.
Tấm lòng khí khái của Thầy cũng giống như thầy Nguyễn Thiệu Lâu. Thầy Lâu được ông Diệm mời làm Bộ Trưởng Thông Tin, đã từ chối và thường nói rằng: Cụ Ngô cụ khoai e rằng cũng chẳng làm nên trò trống gì.
Tấm lòng không ham danh lợi của hai Thầy,thời đó đã là hiếm,e rằng bây giờ.....còn hiếm hơn.
Đạo đức tiết tháo của thầy đúng là:
"Nhất phiến băng tâm tại Ngọc Hồ"
Thầy đúng là Chính Nhân Quân Tử,l à vì sao Khuê, là Tuyết Giang Phu Tử.
Gần đây,khi Thầy đã rất lớn tuổi, Thầy vẫn cùng Thầy Nguyễn Đình Hoà lập ra hội Nghiên cứu Văn Hoá Việt Nam.
Thầy đã rành ngôn ngữ Đức, Tây Ban Nha, Pháp , Anh, Nhật (quê hương của Cô). Thầy và thầy Nguyễn Đình Hoà đã giảng dậy tại nhiều Đại Học và Hội nghiên cứu văn hoá ở Âu Mỹ, nhất là Thầy đã giảng dậy nhiều Đại Học ở Nhật và Thầy có chân trong nhiều Hội Nghiên Cứu và hội Hữu Nghị ở Nhật. Nhiều Học giả và Giáo sư Nhật khi nghiên cứu về Văn hoá Việt Nam và khi biên soạn cuốn từ điển Việt-Nhật đã nhờ Thầy chỉ dẫn và sửa chữa
Thầy và thầy Hoà đã dịch rất nhiều từ ngoại ngữ sang Việt , từ Việt sang ngoại ngữ và giao lưu hội thảo rất nhiều để giới thiệu Văn Hoá Việt Nam, để định vị Văn Hoá Việt Nam
trên Văn Đàn thế giới . Tôi không biết dùng từ nào để tôn vinh để sùng bái Thầy nữa.
Những công lao của Thầy, thầy Nguyễn đăng Thục , cụ Lê văn Siêu, thầy Nguyễn Thiệu Lâu, thầy Nguyễn Đình Hoà làm lớp học trò cảm kích và hãnh diện vô cùng.Tôi chắc rằng trong đám học trò sẽ có nhiều người noi gương, tiếp tục công việc của các Thầy.
Khí thiêng văn tự bao giờ giờ hết
Nước biếc non xanh vẫn một mầu
Bây giờ Thầy không còn nữa! Tôi không biết làm gì hơn gửi lời vấn an tới Cô. Xin chúc Cô và gia đình bên ấy an khang ,hạnh phúc.
" Thưa Thầy, gần đây, nhân dịp ghé Sàigòn, con có tới đường Gia Long (nay là đường Lý tự Trọng) tìm tới con hẻm cũ. Nhà lên cao tầng san sát, không còn một chút vết xưa, nào biết hỏi ai? Đã 50 năm trôi qua! Đứng giữa con hẻm nhỏ, bốn bề tường cao! trời giữa khuya, con nhìn lên, một vì sao sáng lung linh! Vì sao là chỗ dựa tinh thần mãi mãi cho con,sẽ hướng dẫn con mãi mãi.
Chiều nay con về tới nhà, một nơi hẻo lánh,vắng vẻ. Ngồi trước bàn làm việc, nhìn qua song cửa ra vườn....Những chiếc lá vàng rơi, thấy lòng bồi hồi....miên man tê tái....lòng chợt bật lên lời run run tự hỏi : « chúng con đã làm được gì ? »
Chân Diện Mục
Việt Nam 13-9-2009

No comments:

Post a Comment