Links

Monday, March 14, 2011

NGẬM NGẢI TÌM TRẦM

______________
Bảo Tâm

                        
      
                
             Dù cho giàu có bốn bề,
             Không bằng giữ lấy một nghề trong tay
                            ______
             
        Câu ca dao nói trên là một trong cả rừng ca dao tục ngữ, lời thơ bình dân giản dị nhưng lại chứa đựng lời dạy đầy khuôn vàng thước ngọc của các bậc tiền bối để lại cho các thế hệ con cháu đời sau. Quả thật đúng như vậy! Cái nghề trong tay mà tôi muốn đem vào trong câu chuyện nầy là nghề "Ngậm Ngải Tìm Trầm", đó là một trong những nghề làm ăn lương thiện tồn tại rất lâu đời trên quê hương tôi. Ở hầu hết các nơi, "Đi Điệu" là tiếng lóng, là tên gọi chung cho những người chuyên làm nghề nầy, riêng ở quê tôi còn được quý cụ bô lão âm thầm phong cho cái danh xưng nghe thật oai, đó là dân "Sói Rừng" (2). Bạn là người Quảng Nam? Vâng! Hằng năm, nếu có dịp về thăm quê hương vào những ngày đầu xuân, đặc biệt trong những năm gần đây, đi tới đâu hẳn bạn cũng không ngớt nghe thiên hạ bàn tán xôn xao về những gia đình có nguồn lợi thu nhập kết xù, nói rõ hơn là hốt được bạc tỷ nhờ Trầm. Hiện tượng nầy xảy ra nhiều nhất tại các huyện có nhiều rừng núi như Đại Lộc, Thường Đức, Đức Dục, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình và Trung Phước... Điển hình gần đây nhất là có hai nông dân tại xã Lộc Nghĩa thuộc huyện Đại Lộc, trong khi đang mang tâm sự lo buồn bởi vụ lúa mùa tháng 8 bị thất thu vì nắng hạn, họ bèn rũ nhau mang hành trang lên rừng đi tìm Trầm. May mắn làm sao, mới luồng lách hơn hai ngày đường họ liền trúng đậm một gốc Kỳ Nam với giá trị lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nghe đâu ở xã Lộc Quang cũng có một trường hợp tương tự như thế. Qua rồi những năm tháng cơ hàn đói rách, nhà tranh vách đất, nghèo xơ nghèo xác, bỗng dưng tất cả đều vùng lên làm chủ những ngôi nhà tường đúc kiên cố thật khang trang bề thế, tiền bạc của cải dư thừa, tiêu xài vung vít, coi trời bằng vung. Trước khi đi vào phần cốt lõi của câu chuyện nầy, tôi xin sơ lược về hình dáng, nguồn gốc và những giá trị kinh tế từ Trầm để nội dung câu chuyện được thêm phần phong phú.
                     
                              ***

        TRẦM, đây là tên gọi chung của Kỳ Nam và Trầm Hương, là hai sản phẩm đặc biệt vô cùng quý hiếm nằm trong cốt lõi của cây GIÓ (có nơi gọi là Gió Bầu). Đó là loài đại mộc, vỏ cây màu xám sậm có nhiều thớ dọc, thân gỗ mềm và trắng. Lá có hình thể giống mũi mác, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu xanh xám, có gân hình lông chim. Nét nổi bật của cành và lá non đều có phủ một lớp lông tơ màu vàng nhạt. Hoa màu trắng, hình cụm có tán, có cuống đài giống hình cái chuông. Trái hình trứng gà màu nâu, mùa trái chín rộ thường ở vào thời điểm cuối xuân, tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, ăn rất ngon, là món ăn rất hấp dẫn đối với loài khỉ rừng, sóc, và diều hâu. Tùy theo phong thổ, có cây cao đến 50 mét, tuổi thọ ngoài thế kỷ. Tin tức loan truyền từ báo chí và các đài phát thanh trong nước, cây Gió đâu có phải của trời dành riêng cho dân Quảng Nam mà còn có rất nhiều ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Long Khánh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Kontum và còn nhiều nơi khác nữa.
  
               Cây Gió mọc hoang trong rừng rậm, rất hợp với khí hậu nóng trong rừng ẩm nhiệt đới như Việt Nam. Có thể tìm thấy ở độ cao 1.000 mét, nhưng nhiều nhất là ở độ cao từ 300 đến 700 mét so với mặt biển. Có rất nhiều những loài đại mộc khác có hình dáng tương tự, cho nên nếu không phải là những tay Sói Rừng sành sõi chuyên nghiệp thì rất khó mà phân biệt được. Hơn nữa, một khi may mắn tìm gặp đúng một cây Gió nào đó cũng chắc gì trong đó có Kỳ Nam hoặc Trầm Hương. Dân chuyên nghề còn phỏng tính theo tỷ lệ, cứ 100 cây Gió tìm thấy ở tuổi trên 30, thì may ra chỉ 5 cây có Trầm (tỷ lệ 5%).  Chỉ có những cây Gió nào có nhiều ổ bộng, mang mầm bệnh lâu năm vì bị nhiều u bướu ở thân và gốc lẫn rễ do nhiều lý do như loài kiến càng nhã nhựa làm tổ, hoặc do loài chuột rừng khoét đục làm hang v.v.., làm chất nhựa chảy ra như để bảo vệ vết thương của cây, lâu ngày biến thành Trầm. Càng thuận lợi hơn là trong mấy mươi năm chiến tranh, nhiều nơi núi rừng bị bom đạn tàn phá nặng nề, chính những mảnh vỡ của bom đạn ghim vào thân cây tạo nên sự kích thích làm nhựa chảy ra lâu ngày rồi tích tụ thành Trầm. Đặc biệt hơn nữa, loài mối kiến có đời sống rất thích nghi với cây Gió, cho nên nếu may mắn tìm gặp cây Gió nào có nhiều gò mối đùn lên dưới gốc là nắm chắc nơi đó có Kỳ Nam lẫn Trầm Hương.

        Cây Gió, theo giải thích của dân chuyên nghề, thì Trầm Hương chỉ khai thác được ở phần thân, còn Kỳ Nam được tận dụng toàn bộ gốc và rễ. Gỗ Trầm Hương nhẹ, thớ hơi lớn, có vị cay, nồng, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng phảng phất, tinh dầu hơi loãng, khi cho vào lửa khói từ tinh dầu bốc lên hình vòng tròn rồi từ từ tan trong không khí. Ngược lại gỗ Kỳ Nam nặng, thớ nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, mùi thơm ngạt ngào vô cùng quyến rũ, chứa rất nhiều tinh dầu gần như đặc quánh cho nên khi bị đốt cháy lửa tỏa ra một màu xanh dương, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không gian rất lâu. Để bảo quản tốt hầu dễ dàng tiêu thụ, người ta thường gói Kỳ Nam cũng như Trầm Hương trong nhiều lớp lá chuối rồi bọc kín ở ngoài nhiều lớp giấy thiếc, bọc thêm lớp giấy bóng thật dày nữa, xong rồi bỏ vào thùng nhựa có nắp đậy kín để tinh dầu khỏi bay hơi ra ngoài. Cả Kỳ Nam lẫn Trầm Hương đều có giá trị kinh tế rất cao trong ngành bào chế dược phẩm, các thầy thuốc cả Đông lẫn Tây và Nam y đều nhìn nhận. Đồng bào ta ở quê thường cất giữ thật kín một thỏi nhỏ gỗ Trầm Hương trong nhà phòng bệnh tật trong lúc trái gió trở trời, trừ sơn lâm chướng khí, có khi còn cho chút nhựa Kỳ Nam vào túi vải nhỏ có bọc nhựa thật kỹ để luôn trong người gọi là bùa hộ mạng, nhất là dùng đeo vào cỗ đối với trẻ em khó nuôi hoặc hay khóc đêm. Vì ở hương thơm thật quá quyến rủ của Kỳ Nam lẫn Trầm Hương vượt hẳn lên trên các loài có hương thơm khác, cho nên còn được dùng nhiều nhất trong các ngành sản xuất mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng thơm, dầu xoa bóp, nhang trầm v.v.. Đặc biệt trong kỷ nghệ làm đồ trang sức, đồ vật trang trí nhà cửa, có những loại được dùng trên vài chục năm mà vẫn còn mùi thơm phảng phất, nhẹ nhàng. Vào những dịp Tết Nguyên Đán, Giỗ Kỵ, những gia đình phong lưu giàu có, họ luôn để sẵn trên bàn thờ một lọ Kỳ Nam hoặc Trầm Hương, mùi thơm thoang thoảng luân lưu trong không khí, giúp sinh hoạt gia đình thêm hài hòa đầm ấm. Trung Quốc, Ấn Độ, Tân Gia Ba, Thái Lan, Miến Điện cũng có Trầm nhưng phẩm chất thì thua hẳn Trầm Việt Nam, vì thế cho nên hằng năm thương lái chuyên nghiệp của họ thường đến nước ta để thu mua Trầm, đặc biệt là Kỳ Nam dù giá có đắc bao nhiêu đi nữa họ cũng cố tìm mua cho được. Hồi thế kỷ thứ 16, theo lời một du khách người Bồ Đào Nha hiện còn khắc ghi trên bảng đá lưu niệm tại Đình Chùa Cầu thuộc Phố Cỗ Hội An (Quảng Nam) bây giờ, một khối Kỳ Nam nặng 800gr và một khối Trầm Hương nặng 500gr do một nông dân đồng ý bán cho ông ta với giá 10 ký vàng. Năm 1956 tại Nha Trang (Khánh Hòa), có gia đình ông bà nọ bán cho một thương lái người Quảng Tây (Trung Quốc) một khối Kỳ Nam nặng 2 ký với giá 20 ký vàng, thế mà ai cũng cho là quá rẻ. Kể từ sau 30-4-1975 đến nay, tại các tỉnh miền nam luôn có phong trào khai thác Trầm xuất khẩu do chính quyền đương thời khởi xướng, từ đó dẫn tới nạn phá và đốt rừng bừa bãi vô tội vạ để chiếm đất canh tác, đưa tới hậu quả lũ lụt triền miên, nguồn đặc sản có giá trị kinh tế vô cùng quý hiếm nầy cùng bị hủy diệt hầu hết ở nhiều nơi. Hiện tại ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai, Lâm Đồng đang có kế hoạch xúc tiến chương trình trồng rừng toàn một loại cây Gió, đặt tên là "Rừng Gió". Rất nhiều chuyên viên kỹ thuật trong lẫn ngoài nước đang tập trung về nghiên cứu thực hiện mô hình nầy.  

                               ***

        Đã nhiều đêm rồi không ngủ được, tâm tư bồi hồi nhớ lại thuở còn niên thiếu sống lăn lóc trong thời chiến tranh Việt Pháp sau 1945, cả làng Giáo Ái quê tôi chỉ có gia đình ông Thủ Huấn là biết làm nghề đi tìm Trầm, họ chỉ biết thôi chứ không phải là dân chuyên nghề. Kể từ sau ngày kết thúc Hội Nghị Genève chia đôi đất nước kể từ 20-7-1954 bằng vĩ tuyến 17, nghề tìm Trầm bắt đầu nở rộ, các làng trên dưới lân cận thôn nào cũng có người đi tìm Trầm. Họ khuyến khích lẫn nhau nêu cao tình đoàn kết để cùng nhau truyền đạt kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, cái hổn danh "Sói Rừng" dường như cũng bắt đầu từ đó. Dù không có ai là người cầm đầu, nhưng tất cả đều tự đặt mình vào tổ chức tập thể và phó mặc vào sự hên xui may rủi. Dần dần về sau xuất hiện khá nhiều gia đình thuộc hệ cha truyền con nối, như gia đình ông Trùm Thước, hầu hết các cháu nội lẫn ngoại của ông đến nay vẫn còn bám kỹ với nghề nầy. Có gia đình còn cho con vào tận các lò võ ở Bình Định để học cấp tốc một vài thế võ tự vệ để dùng những khi cần thiết. Sau mỗi chuyến đi tìm Trầm dài ngày hoặc ngắn ngày, kẻ được người không đều cùng ngồi lại với nhau chia đều thành quả đạt được, có khi tất cả đều trở về với đôi bàn tay trắng. Hồi ông Nội tôi còn sống, ông có kể cho anh em tôi nghe câu chuyện trúng Trầm thật khá hi hữu của hai người con thầy giáo Khâm làng trên:

        Hai người con trai của thầy giáo Khâm đều là nhà giáo, con nối nghiệp cha cũng là chuyện thường tình thôi. Không hiểu vì sao cả hai cùng bỏ nghề một thời gian khá lâu, rồi sau đó tự nguyện theo dân "Ngậm Ngải Tìm Trầm" lên đường đi luồng rừng. Ròng rã hơn hai tháng trời, gian lao vất vả không kể xiết, đêm nọ cả hai mệt nhoài nằm ngủ ngay trên gốc cây Gió đã chết rục nhiều năm rồi mà họ đâu có biết. Đến khi mặt lên cao, may mắn có ông bạn đồng hành ở cùng xóm đi ngang trông thấy liền đánh thức dậy rồi thúc giục lên đường đi tiếp. Thấy hai anh em cứ ngồi ngáp dài ngáp ngắn trông uể oải quá nên ông bạn thương tình chịu khó ngồi chờ. Nhờ ở kinh nghiệm dày dạn trong nghề tìm Trầm nhiều năm, bỗng ông cúi mặt xuống đất nhìn kỹ sinh thái ngay chỗ hai người bạn nằm ngủ đêm qua rồi hớn hở tuyên bố thật chắc nịch là có Trầm dưới đó. Thế rồi cả ba mỗi người một tay ra sức đào bới, chẳng mấy chốc họ từ từ lôi lên nhiều khối Kỳ Nam màu đen nhánh còn nguyên vẹn với nhiều hình thể tuyệt đẹp khác nhau. Làm sao tả hết cái tâm trạng vừa quá hồi hộp, vừa quá vui mừng của họ lúc đó. Đến khi lấy lại bình tĩnh, họ cùng nhau nhất trí đặt tên cho món của cải nầy là "Những Con Chim Ưng Không biết Bay". Hơn một tháng sau, cái "gia tài khổng lồ" nầy được trao về tay một thương lái dày dạng kinh nghiệm trong nghề buôn Trầm người Thái Lan, đổi lại họ rất vui được giao nộp cho ba người chủ của nó đủ 90 ký vàng ròng. Ôm được trong tay số vàng khổng lồ nầy, ba người đồng thỏa thuận chia đều nhau, hai người con trai của thầy giáo Khâm ôm gọn 60 ký. Liền mấy ngày sau đó, chiêng trống đình làng ầm ầm vang dậy, đại diện cho hơn hai trăm gia đình được chọn là rất nghèo trong làng được cha con thầy giáo Khâm và ông bạn cùng xóm mời đến để đích thân trao tặng đều nhau "những món quà vàng". Rõ đúng là của tìm người, chứ người làm gì tìm được món của cải cực kỳ quý hiếm dễ dàng như thế. Tiếng đồn vang đi khắp nơi, người người ai cũng tin như thế. Tấm lòng hào hiệp vì lòng thương người của họ đời đời để lại trong mỗi tấm lòng của người dân xứ Quảng.

        Vào một ngày sau Tết Nguyên Đán, bỗng không biết từ đâu có tin loan truyền miệng rất nhanh khuyên dân tìm Trầm nên tôn thờ thần "Thiên Y Ana", tức hóa thân của cây Gió có Kỳ Nam lẫn Trầm Hương, và chỉ có những người nào thật sự làm ăn lương thiện, dù gia cảnh nghèo khó nhưng lúc nào cũng biết xả thân bố thí thì Ngài mới cho gặp. Vì thế cho nên dù là đang hành nghề hay mới vào nghề họ đều tự khuyên bảo nhau phải biết vâng lời và làm thật đúng lời Thần dạy. Thêm vào đó tất cả cũng đều tự nguyện ăn chay ít nhất là một tháng, không được gần gũi đàn bà dù đó là vợ mình, không được tham lam của người, không được nói dối và cũng không được hờn giận điều gì với bất cứ một ai. Trước khi lên đường phải chọn ngày lành tháng tốt, tắm gội sạch sẽ, rồi lập bàn hương áng trước nhà van vái cầu nguyện Thần phò hộ cho không vướng phải bệnh tật, sức khỏe được bền bĩ dẻo dai và may mắn thoát được tai nạn hiểm nghèo trong những ngày đi luồng rừng. Tuyệt đối không khấn xin một điều gì khác. Có cha con ông Năm Viễn ở gần nhà tôi vì quá nông nổi vái xin Thần cho được trúng Trầm thì ngay đêm đó cả cha lẫn con đều lâm trọng bệnh, oái mửa ra toàn máu, báo hại gia đình ngày đêm van vái xin Thần tha tội, đồng thời cuống quýt lo rước thầy chạy thuốc chữa cả tháng sau mới bình phục. Chuyện nghe như có vẻ hoang đường nhưng rõ ràng đó là chuyện hoàn toàn có thật.
 
                               ***
        Hồi đó, khắp các chợ trời Đà Nẵng và Hội An đều có bày bán đủ loại quần áo và giày nhà binh cũ, đặc biệt quần áo có màu rằn ri bên ngoài là bán chạy nhất. Khách chuyên săn lùng đồ chợ trời ai nấy cũng rất ngạc niên bởi vì đất nước đã không còn chiến tranh mà ai cần tìm mua thứ đó làm gì, về sau mới vỡ lẽ ra là chỉ bán cho dân chuyên nghề tìm Trầm. Trước khi vào rừng, ngoài những đồ nghề đi rừng cần mang theo, tất cả cần phải có một ruột tượng lương thực khô gọn và nhẹ, thuốc men ngừa và trị bệnh, địa bàn tìm phương hướng, đồ dùng cá nhân thông thường, họ cũng không quên cho vào ba-lô cả chục lọ Nhị Thiên Đường để trừ muỗi rừng, sên, vắt, bởi vì các loài đó rất kỵ hơi dầu nầy. Đặc biệt trong tay mỗi người không thể thiếu một chiếc roi mây dài và một roi dâu thật già. Theo họ, công dụng của hai chiếc roi nầy ngoài việc xua đuổi ma tà còn dùng để quất mạnh vào không khí tạo nên tiếng kêu "trót trót" thật rợn người, chính những âm thanh ấy đã khiến cho các loài thú dữ như cọp, beo kể cả voi rừng phải lánh xa họ. Có người còn mướn thợ mã làm cho những chiếc mặt nạ thật chắc hình con sói rừng để thị oai với các loài thú khác. Hành trang mang theo như thế vẫn chưa đủ, tất cả đều phải để sẵn trong người (ngay trước ngực) một túi củ Ngải, đó là loại riềng dại mọc hoang, có vị the mùi thơm hăng hắc. Ngay từ lúc bắt đầu đặt chân vào bìa rừng, họ không bao giờ quên để một lát nhỏ củ Ngải vào miệng, họ có niềm tin rằng củ Ngải cũng luôn là hóa thân của thần linh sẵn sàng hộ giá cho mình may mắn tìm được nhiều Trầm, đồng thời còn có phép lạ cứu mình nếu rủi ro lâm nạn hoặc thất lạc trong rừng lâu ngày đang tìm đường về. Hơn nữa củ Ngải cũng là phương tiện dùng để chống đói nếu lương thực mang theo lâu ngày đã hết, bởi vì một lát củ Ngải ngậm trong miệng có thể chống đói và khát được trong nhiều ngày. Cái cụm từ "Ngậm Ngải Tìm Trầm" dường như cũng xuất phát từ đó. Người con rể của tôi, người gốc huyện Mê Linh (Hà Nội) có cho tôi biết, nạn đói thế kỷ kinh hoàng tại miền Bắc năm 1946 làm chết hơn hai triệu người, nếu không có "món thần dược" bằng củ Ngải thì số người chết đói còn cao hơn nữa. Dường như trong thang thuốc hồi dương của ngành đông y cũng có món "riềng dại" nầy. Có những cuộc hành trình chẳng may bị lạc trong rừng quá dài ngày lương thực cạn hết, củ Ngải cũng không còn, thân thể rã rời mệt nhoài, phần thì đói khát mất ngủ, cho nên người đi tìm Trầm trên đường về gương mặt ai nấy cũng đều hốc hác, râu tóc xồm xoằm, áo quần rách bươm tơi tả, mới nhìn chẳng khác gì loài dã nhân, người rừng thời tiền sử. Bù lại, những ai đó may mắn có được của Trời cho đèo trên lưng thì đó là nguồn an ủi lớn, ngược lại chỉ còn đôi bàn tay trắng vẫn cứ phải gượng miệng mà cười.
  
       Trong mỗi chuyến đi tìm Trầm dù là cá nhân hay tập thể, mỗi khi may mắn tìm gặp được cây Gió và quan sát thật kỹ trong đó có chứa nhiều khối Kỳ Nam lẫn Trầm Hương, họ không bao giờ dám mừng vội. Để giữ mình được tinh khiết, trước hết họ đi tìm con suối nào gần đó tắm gội cho sạch sẽ, rồi lập đàn cúng vái tạ ơn Thần Linh vừa độ cho mình, rồi sau đó mới từ từ hạ cây Gió lấy Trầm. Có người lấy được Trầm nhiều quá, nhất loại Kỳ Nam quý hiếm, vì không có khả năng đem hết về nhà một lần nên họ dùng bao nhựa thật lớn gói kín rồi đào đất chôn kỹ, ngụy trang thật kín đáo, dùng địa bàn định hướng thật chính xác, rồi mang về một khối lượng vừa với sức lực của mình, sau đó âm thầm trở lại đem hết về nhà. Hồi năm 2006, có tin đồn ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có ông nọ tên Lương Bành (người Việt gốc Hoa) cũng có trường hợp như thế, nhưng khác thê thảm là ngày trên đường trở lại ông ta không còn trông thấy dấu vết gì về món của cải vô cùng quý hiếm, kiếm được bằng biết bao công sức lẫn mồ hôi nước mắt của mình nữa. Thế rồi trong một phút nông nổi thiếu suy nghĩ, ông Bành lao đầu vào đá tự vận mà chết. Ôi! Oan nghiệt đến thế là cùng. Của cải làm ra bằng mồ hôi nước mắt hoặc may mắn có được từ đâu đem tới đều là của Trời cho. Theo giáo lý Nhà Phật, có lẽ đâu từ kiếp trước ông Bành mắc nợ người lấy cắp của ông nhiều quá, cho nên kiếp nầy phải trả lại thôi. Ở đời, luật nhân quả nhãn tiền là như thế đó!

                                ***

       Từ sau ngày miền Nam rơi vào tay chủ nghĩa Cộng Sản 30-4-1975, có một thời toàn thể khu thương mãi sầm uất chuyên nghề bào chế và mua bán thuốc Đông Y (thuốc bắc) tại đại lộ Hải Thượng Lãng Ông (Chợ Lớn, Sài Gòn) hoàn toàn bị tê liệt. Với chính sách thẳng tay đánh mạnh vào giới kinh doanh bằng tội danh tư sản mại bản, nhiều gia đình lâm vòng tù tội, có kẻ bỏ của chạy lấy người hoặc trốn đi làm ăn nơi khác. Dần dần về sau nhờ chính sách đổi mới, nền kinh tế thị trường bắt đầu được mở cửa, khu thương mãi sầm uất nầy mới bắt đầu hồi sinh, nhộn nhịp trở lại. Cũng không một ai lấy làm ngạc nhiên ở nơi đó bây giờ là Trung Tâm Mua Bán Trầm trong cả nước. Điểm nổi bậc nhất ở trung tâm nầy là chuyên dùng ngoại tệ (Dollar Mỹ hoặc Canada). Nếu người bán Trầm đòi trao đổi bằng vàng, kẻ mua vẫn sẵn sàng cung ứng sòng phẳng. Trung tâm mua bán nầy luôn luôn mở cửa đủ 365 ngày trong năm, và thường xuyên có sẵn một lực lượng an ninh chìm lẫn nổi để bảo vệ cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn không tránh khỏi tệ nạn du côn ma đầu cướp bóc quậy phá dường như có sự che chở của những bàn tay thế lực vô hình nào đó. Những ai thường xuyên đọc báo hằng ngày, nhìn vào trang "tin tức đó đây" mà ngậm ngùi ngao ngán cho cái cảnh thế thái nhân tình.
   
                                             BẢO TÂM
Ghi chú.-
    (1) Tác giả viết câu chuyện nầy nhằm "trả món nợ
    tinh thần" cho quý độc giả của Thời Báo, do lời
    hứa ở đoạn gần cuối của bài "Kể Tội Ông Tý"
    được đăng trong Thời Báo Xuân Mậu Tý 2008.

    (2) Ở trong rừng rậm nhiệt đới Việt Nam, Sói Rừng
    là con vật rất hung dữ sống theo đàn, có đàn đông
    đến cả trăm con. Các loài thú hung dữ khác như
    Cọp, Beo, Heo Rừng..., kể cả loài thật lớn con
    như Voi cũng phải gờm mà lẫn tránh đi nơi khác.
                     

No comments:

Post a Comment