Links

Tuesday, September 27, 2011

TIẾNG MỸ & TÔI

________________



Có người nói thằng Mỹ làm gì có tiếng Mỹ. Tụi nó nói tiếng Anh mà ! Nếu có tiếng Mỹ thì chỉ là những thứ tiếng của dân da đỏ. Dù có nói thế nào ta cũng phải công nhận có một thứ tiếng mang tên là tiếng Mỹ. Thật ra tiếng Mỹ nó khác tiếng Anh cũng như ta có tiếng Việt giọng Huế và tiếng Việt giọng Nam Kỳ. Người Nam Kỳ lần đầu tiên mà tiếp xúc người Huế thì đôi khi vểnh cả lỗ tai lên mà cũng không hiểu.

Trên thế giới hầu hết các nước đều có dạy tiếng Anh cho học sinh khi bước vào ngưỡng cửa trung học. Đôi khi họ lấy tiếng Anh làm tiếng phổ thông chính thức nếu nước đó có xài trên ba bốn ngôn ngữ khác nhau, hoặc nước đó trước kia từng là thuộc địa của Anh Quốc như Úc Đại Lợi, Hồng Kông, Tân Gia Ba v.v.. . và cũng có khi coi Anh ngữ như ngôn ngữ thứ cấp cần có và học song song với ngôn ngữ chính như Phi Luật Tân , Ấn Độ v.v...

Tiếng Anh khi di cư sang Mỹ đã bị Mỹ hoá thành tiếng Mỹ ! Thật vậy ngày nay người ta thích nói tiếng Anh theo giọng Mỹ hơn là tiếng Anh theo giọng truyền thống từ xứ sở của nó, một phần là nhờ âm sắc giọng Mỹ không nặng chình chịch như giọng Anh chính gốc, và nhờ giọng trầm bỗng dễ nghe mà cũng nhờ một phần nước Mỹ là cường quốc số một khắp mọi mặt từ quân sự, kinh tế, chính trị lẫn văn hoá...
        
                        Nhưng không phải nước nào cũng nói được tiếng Anh theo giọng Mỹ dù nước đó lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Tôi còn nhớ cách nay 15 năm, hãng điện tử tôi làm dù ở Mỹ nhưng ông chủ là ngưới Tân Gia Ba. Nhân một chuyến sang thăm hãng của mình ông tập hợp tất cả nhân viên hơn 500 người để ban huấn thị và thông báo tình trạng của hãng. Ông nói tiếng Anh tràng giang đại hải. Cả ngàn lỗ tai trái phải cong lên nhưng 500 khuôn mặt thì đực người ra mà chả hiểu ông nói gì. May thay ông phó giám đốc là người Mỹ trắng chính hiệu từng qua lại Mỹ và Singapore nên hiểu hết tiếng Anh giọng Singapore của ông chủ mà tóm tắt lại cho chúng tôi ! Quả thật nghe và nói tiếng Anh trên hoàn cầu không phải là dễ !

Tôi tập làm quen với tiếng Anh từ Thầy Huỳnh ( có tu nghiệp ở Mỹ ) mà tôi không nhớ họ từ hồi năm Đệ Thất ở trường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá. Đệ Lục thì với Thầy Lê Thanh Hiền. Thầy cho chúng tôi học tiếng Anh theo giọng Mỹ với cuốn Let's Learn English Prat II và chúng tôi hùn tiền lại mua máy hát đĩa để học giọng đọc của người Mỹ trong máy đĩa. Phải cảm ơn thầy nhiều vì thầy không phải chính thức dạy Anh Văn. Môn chính của Thầy là dạy Sử Địa. Nhưng khi thiếu Thầy dạy Anh Văn, nhà trường phải điều Thầy qua dạy thế mà thầy vẫn hết lòng với môn học không phải chuyên môn của Thầy.

Khi qua đến Mỹ vào học ESL ( Anh Ngữ như ngôn ngữ thứ hai ) ở một trường dạy nghề, mỗi giờ học chúng tôi được trả một đô la. Học mỗi ngày 8 tiếng, 5 ngày một tuần. Vị chi mỗi tuần chúng tôi mỗi người được 40 đô la. Một số tiền không nhỏ thời đó (1981). Vì vậy để ga lăng một cô bạn gái mới quen người Afghanistan tên là Cobra ( Rắn Hổ Mang ), tôi ngỏ ý mời cô đi ăn trưa fast food gà chiên và tôi nói trước là pay for you chứ không phải chơi theo lối Mỹ người nào ăn nấy trả. Tức nhiên là cô OK liền. Mỹ mà ! Không có cái màn từ chối nếu được ăn free ! 

Tới tiệm chắc tiếng Anh còn kém, nàng Cobra bảo tôi order cho nàng 2 miếng gà chiên và một ly nước soda Dr. Pepper. Tôi tự hào mình đã từng học tiếng Anh ở Việt Nam rồi nên mạnh miệng bảo để tôi lo. Nghĩ rằng hai đứa cùng dùng một thứ dễ gây cảm tình của nàng hơn, tôi order hai phần gà chiên và hai ly nước Dr. Pepper. Chữ pieces mà bạn không bậm môi lại và xì dài ra thì nó dễ thành chữ fish. Còn chữ Dr. Pepper mà nói lướt chữ Dr thì nó nghe có chữ pepper không thôi, có nghĩa là trái ớt. Cho nên thay vì cô bán hàng đưa ra hai phần gà chiên và hai ly nước thì tôi mở ra thấy bốn miếng cá và 4 trái ớt ! Nàng là người chưa bao giờ ăn cá, chỉ quen dùng thịt. Thấy cá là nhăn mặt. Tôi thì ngẩn tò te cho cái tài Anh ngữ của mình, đành phải order lại với bàn tay năm ngón ! Từ đó tôi không dám mời nàng ăn trưa nữa vì chắc gì mời nàng mà nàng lại nhận lời lần thứ hai !

Học được hai tuần, tôi được nhận vào lảm cho tiệm fast food TACO BELL. Tôi đứng chiên taco và nấu thịt và đậu pinto. Thực ra đứng bếp dễ òm. Taco thì sắp vào vĩ nhúng vô thùng dầu khoảng 5 phút lấy ra. Thịt và đậu bỏ đó lâu lâu lấy cái dá xào qua xào lại và dùng thermometer (nhiệt kế) để duy trì nhiệt độ trong nồi. Một hôm thằng mananger (quản lý) cất cái thermometer đâu mất. Tôi vội gọi nó lại và hỏi cho tôi cái tẹc mô mét ( tôi quen nói giọng Pháp ), nó đờ người ra chẳng hiểu tôi nói gì. Tôi phải dài giòng cắt nghĩa nó mới hiểu và nó nói với tôi là phài nói là tờ MÁ mi tờ. Tức là phải nhấn mạnh ở chữ MÁ. Thì ra tiếng Mỹ nhấn không đúng chỗ thì đố ai mà hiểu ! Cũng như chữ Việt thay vì nói CHÀO ông CHÀO bà mạnh giỏi mà nhấn dấu không đúng thì thành CHÁU ông CHÁU bà mạnh giỏi !

Mấy hôm sau nó cũng cất cái thermometer đâu mất. Tôi tức quá gọi nó :" Hey ! Roy (tên của nó) ! Give me . hựm ...MÁ mầy "! Nó cười hề hề và mở tủ lấy cho tôi cái thermometer. 

Chuyện có thật. Nhưng mà bạn đừng bắt chước. Coi chừng có thằng Mỹ học được tiếng Việt, nó không cười mà cho bạn một quả đấm thay vì cái thermometer !!!

Mạch Vạn Niên

No comments:

Post a Comment