______________
Thường thường người ta viết chung chữ nghĩa dính vào nhau, không ai viết chữ và nghĩa bao giờ vì mỗi chữ đều có một cái nghĩa của nó hay nhiều nghĩa khác nhau. Hôm nay tiểu bối tôi bày đặt lạm bàn vào cái yếu điểm của mình để mà múa rìu qua mắt các nhà mô phạm văn chương trên toàn thế giới thì quả thật là kẻ có mắt không tròng và là tên liều lĩnh ngu muội. Tuy nhiên vì rảnh rang ngứa tay ngứa miệng nên lạng quạng đôi ba hàng để loạn bàn cùng quí bạn. Nếu có gì sai sót xin niệm tình tha thứ và coi như mua vui cũng được vài phút phù du...
Trước tháng tư 1975, người miền Nam chúng ta không ai là không khoan khoái khi mở miệng xài mấy chữ SỨC MẤY, BỎ ĐI TÁM, CÀ CHỚN v.v...dù chẳng biết nhà ngữ học nào sáng tác ra. Khi gặp một anh CÀ CHỚN thì bạn muốn tống cho một thoi hay đạp cho một đạp mà bạn hỏi nghĩa chữ CÀ CHỚN là gì thì tiểu bối tui xin chịu ! Hoặc gặp một người nói chuyện lấp biển vá trời thì bạn phán cho một câu SỨC MẤY hay BỎ ĐI TÁM ! Không cần cắt nghĩa người nghe và người nói chắc cũng đồng thanh tương ứng kẻ tiu nghỉu người cười rù !!!
Vậy thì bạn thấy tiểu bối tôi có lý khi phải phân biệt chữ và nghĩa. Này nhé ! Nếu tiểu bối nói chữ HOÉT, LÈ, KHÈ, TOÁT, HỀU thì bạn có hiểu nghĩa của nó là gì không ? Chắc là không ! Nhưng nó đi kèm theo một chữ khác thì cái nghĩa của nó thật trong sáng và rõ ràng. Thí dụ như ĐỎ HOÉT, XANH LÈ, VÀNG KHÈ, TRẮNG TOÁT, NHẸ HỀU. Vậy là từ vô nghĩa nó đã trở thành có nghĩa thật minh bạch.
Riêng những chữ nó phản nghĩa thật " cực kỳ " như ẤM và LẠNH hoặc THẮNG và BẠI mà ghép chung cùng một chữ khác thì nó bỗng nhiên trở thành đồng nghĩa. ÁO ẤM = ÁO LẠNH hoặc ĐÁNH THẮNG = ĐÁNH BẠI. Sáng mùa đông hôm trước, trước khi đi làm chàng nói lấy cho anh cái ÁO ẤM đi em. Sáng mùa đông hôm sau chàng nói lấy cho anh cái ÁO LẠNH đi em, nàng cũng đều lấy cho chàng cùng cái áo. Thế mới chết cho những người muốn học chữ Việt. " Quân đội ta trung với Đảng hiếu với dân khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng ĐÁNH THẮNG ". " Cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào, quân đoàn 1 và Lữ Đoàn TQLC của VNCH đã ĐÁNH BẠI 3 sư đoàn VC... " ĐÁNH BẠI ĐÁNH THẮNG đồng nghĩa ! Ai đúng ai sai ?!
Còn nữa ! Khi bị bệnh thì thay vì nói đi bác sĩ để khám bịnh thì ta nói ngược là ĐI KHÁM BÁC SĨ. Vậy mà chữ đó nó trở thành thông dụng đến đổi ta thấy nó thật bình thường và ta hiểu nó cũng bình thường không hề thắc mắc đúng sai !
Sau tháng 4 năm 1975, chúng ta lại tập làm quen với những từ ngữ mới như KHẨN TRƯƠNG, TRỢ LÝ, HỘ LÝ. THỦ TRƯỞNG v.v... Theo giáo sư Trần Ngọc Dụng, trước kia dạy Anh ngữ ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội và hiện thời dạy Việt Ngữ cho các Đại Học UCLA (Los Angeles) và UCI (Irvine) - ông cũng tinh thông Hán học - thì cho rằng những chữ đó không thuần chữ Hán nguyên thủy mà là chữ Phổ Thông ( Mandarin ) mà các học giả miền Bắc bắt chước đọc trại theo như TRỢ LÝ người Tàu đọc là CHÒ LÝ...Rồi ta còn phải điên đầu với những chữ XỬ LÝ, KÍCH CẦU, VĨ MÔ, VI MÔ v.v...
Bên cạnh đó ta còn nghe những tiếng lóng mới sáng chế sau nầy như CHẢNH, VÔ TƯ, XIỀNG, BÈO, HẺO, CÂY và nhiều nhiều nữa khiến ta lơ mơ như người nằm mộng...
Nhưng nói như vậy không có nghĩa ta chê tiếng Việt lung tung, thiếu trong sáng như tiếng Pháp trong động từ ĐI (aller). Je vais, Tu vas, Il va, Nous allons ....Bạn thử nghĩ đi chỉ cần bốn chữ TÔI ĐI VỀ NHÀ mà bạn đảo ngược, lộn qua lộn lại, ta có những nghĩa hoàn toàn khác nhau :
Tôi đi về nhà ( I go home )
Về nhà tôi đi = Đi về nhà tôi ( Let's go to my house )
Nhà tôi đi về ( My wife/husband goes home )
Về đi nhà tôi ( Honey ! Let go home )
Tiểu bối tôi thách bạn có ngôn ngữ nước nào làm được những đảo lộn tài tình như vậy, ngay cả tiếng Pháp mà tiểu bối tôi tạm viết là Je vais à la maison (không biết đúng sai) cũng khó mà đảo ngược cho có ý nghĩa khác nhau. Bởi vậy nhà nước ta mới nói rằng làm kinh tế thị trường theo định hướng xã hôi chủ nghĩa là SAI ĐÂU SỬA ĐẤY. Nhưng mà người dân thì nói SAI ĐẤY SỬA ĐÂU, SỬA ĐẤY SAI ĐÂU, SỬA ĐÂU SAI ĐẤY !
Thiệt là hết ý kiến cho ngôn ngữ Việt Nam chỉ cần lộn tới lộn lui vui chơi chút thôi mà đã thật là dồi dào ý nghĩa !
Mạch Vạn Niên
Hi Anh MVN.Có người hỏi "Trường Tôi" là,nếu mình làm càng sai thì càng sửa mà sao càng sửa thì càng sai...Xin anh giúp dùm.Thanks.N.
ReplyDeleteThế mới có chuyện để nói mà có chịu sửa đâu mà đòi đúng
ReplyDeleteChào anh Trường Tôi !
ReplyDeleteCám ơn bạn đã đồng cảm chơi chữ cùng tác giả !
CÀNG SAI THÌ CÀNG SỬA
CÀNG SỬA THÌ CÀNG SAI
Vậy tôi xin gợi ý với bạn là :
SAI CÀNG THÌ SỬA CÀNG. Chúc bạn vui vẻ !
MVN
Hi Anh MVN.Bộ tui giống "nình ông" lắm hay sao mà gọi tui là anh,nhớ hồi đi học tui để tóc dài lắm mà, chắc phải nhờ cô tui "xử lý" chuyện nầy mới được...Cô ơi tính sao "bi giờ"??(hic! hic!).N,
ReplyDeleteAnh Niên ơi Trường tôi là "Em học trò trường tôi " đó . Dạ em là dân kẹp tóc anh Niên ơi . Dân NTT mà
ReplyDeleteTL
Sorry nghe cô TRƯỜNG TÔI !
ReplyDeleteTôi thấy cô cũng tếu tếu nên tưởng là nình ông !
Đừng bắt tôi lên " làm việc ", tôi sợ lắm ! Huhu !!!
MVN