Links

Tuesday, November 29, 2011

Tắm trăng - Lê Minh Nhựt





Quãng sông ấy, ngày xưa hai bên là bạt ngàn dừa nước, bần cùng các loại cây đặc trưng của vùng đất ngập mặn. Hình như là ở đoạn giữa sông có một gốc mắm cô đơn, già cỗi. Cạnh gốc mắm ấy, ngày xưa có một bến đò ngang…
Lúc tôi học lớp một trường làng, ngày hai bận đều ngồi trên chiếc đò ngang ấy sang sông. Khi ấy cô còn trẻ và đẹp lắm. Đẹp nhưng không chồng. Ở quê tôi trạc tuổi cô mà chưa chồng là có vấn đề: hoặc thất tình hoặc tật nguyền gì đấy. Thất tình thì chưa biết nhưng tật nguyền hẳn là không, vì có lần tôi nghe lỏm được thầy Nguyên kểlại với các thầy khác trong trường khi say rượu rằng thầy đã nhìn thấy cô khỏa thân tắm trăng ( chữ của thầy ). Ôi trời ơi ! " Dày Dày đúc sẳn một tòa thiên nhiên ". Tôi có hiểu cái quái gì đâu nhưng xem điệu bộ diễn tả của thầy và những cái miệng há hốc của các thầy khác thì cô trăm phần trăm chẳng tật nguyền chút nào.
Thế là từ đó tôi nảy ra ý định được một lần chiêm ngưỡng cô tắm trăng. Từ " tắm trăng " nó gợi lên trong tôi sự tò mò trẻ thơ không thể diễn giải được. Vừa lạ lẫm vừa rờn rợn kỳ bí như chuyện ma da mà mẹ thường đem ra dọa tôi mỗi khi tôi lò mò ra sông vọc nước.
Đêm mười lăm. Trăng tròn vành vạnh lững thững treo trên đám lá ngoài mé sông.Nước lớn chảy róc rách qua các khe bẹ dừa nước nghe từa tựa tiếng đàn kìm của lão Tư trong xóm. Tôi thừa lúc mẹ rửa chén sau nhà, liền rón rén ra cửa đi xuống mé sông, nơi có cây mắm và ngôi nhà của cô. Gió se se lạnh. Tôi bậm môi nấp sau một gốc bần cổ thụ để trông ra phía nhà cô. Đợi mãi, buồn ngủ quá tôi thiếp đi khi nào không biết. Đến khi tỉnh giấc thì thấy thầy Nguyên đã ngồi cạnh, đùi kê đầu cho tôi nằm còn thầy cứ ngồi rít thuốc liên tục. Thấy tôi tỉnh giấc, thầy cốc đầu tôi và khẽ quát:
- Thằng quỷ, đêm hôm gió máy ra đây làm gì ?
Tôi ấp úng thưa thật:
- Con…con ra coi cô tắm trăng !
- Trời đất, con nít con nôi mà bày đặt! Có thấy gì không ?
- Dạ chưa ! tôi lí nhí - Buồn ngủ quá, con ngủ quên mất tiêu. Mà thầy thấy không ?
- Thấy chớ sao không ! Thầy chợt hào hứng nhưng rồi lại thở dài – Mà thôi, con còn nhỏ, biết chuyện ấy để làm gì.
Chẳng biết đêm ấy thầy Nguyên thấy cô tắm trăng ra làm sao, mà sáng sớm hôm sau thầy viết đơn xin thôi việc gửi cho ban giám hiệu. Chiều lại, không đợi quyết định của trên, thầy khăn gói lên đường. Trước lúc đi, thầy xuống bến đò đứng đợi cô bước ra, rồi chỉ nắm tay nhìn vào mắt cô thật lâu. Hai người không ai nói gì với nhau nhưng sao thấy buồn thiệt là buồn.
Hai mươi lăm tuổi tôi trở về quê. Sau hơn mười năm mưu sinh vất vả ở vùng kinh tế mới, cuộc sống có phần khấm khá hơn trước. Ba mẹ muốn tôi trở lại quê hương – nơi có ông bà nội tôi đã yên giấc vĩnh hằng. Trước khi mất, ông nội đã dặn đi dặn lại với chú Út là phải giữ cho cha tôi mảnh vườn trái cây mà ông đã dày công chăm sóc. Bởi ông chắc thế nào rồi cha tôi và gia đình cũng sẽ quay về. Chú Út đã y lời dặn của ông, vẫn còn giữ lại mảnh đất ấy.
Quê tôi giờ đã được quy hoạch thành khu công nghiệp của tỉnh. Tương lai các nhà máy xí nghiệp sẽ được di dời từ nội ô thị xã về đây, còn bến tàu, bến xe…tất cả đã được lên kế hoạch xây dựng. Sớm hay muộn chỉ còn là vấn đề thời gian. Đám dừa nước dưới mé sông đã biến mất từ lâu, thay vào đó là những bờ kè bằng xi măng vững chãi thách thức chiếc lưỡi của thủy triều. Ngay cả bến đò ngang trước kia chỉ còn trơ lại gốc mắm bị cưa ngang gốc, nó cũng sắp sửa được an táng dưới dòng sông như bao anh em khác của nó. Như là một giấc mơ ! Tuyệt nhiên không còn thấy chiếc đò ngang nào nữa.
- Làm gì còn đò để mà qua sông ! giọng ai đó cất lên từ sau lưng.
- Thầy Nguyên ! Là thầy ? Em tưởng… Tôi ngỡ ngàng một hồi lâu mới nhận ra người đàn ông đứng sau lưng mình tự nãy giờ là thầy Nguyên.
- Em là…?
- Em là học trò cũ của thầy hồi lớp một.
Thầy nhíu mày, cố hình dung ra một khuôn mặt, một cái tên.
- Em có lần đã cùng thầy rình xem cô tắm trăng ! – Tôi cố tìm gợi lại một hình ảnh xa xưa, nhòe nhoẹt từ tâm trí của một đứa trẻ từ lâu tưởng không còn gặp lại được quê hương cố quận.
Tắm trăng ! Không ngờ chỉ mới nhắc đến hai từ đó thôi thì giọng thầy đã toát lên sự đau đớn tột cùng. Đến giờ tôi đã hiểu ra phần nào lý do để thầy quay lại. Quay lại để thất tình !
Thầy yêu cô ấy, cô ấy cũng yêu thầy ! Tiếng của thầy mà tôi ngỡ tiếng của đám dừa nước từ năm xưa vọng về. Vừa xa xôi trầm lắng, vừa buâng khuâng ray rứt. Nhưng thầy quá nhu nhược, yếu đuối không vượt lên được định kiến xã hội, rào cản gia đình. Đến khi có được can đảm gạt bỏ chuyện thị phi để trở lại thì bến đò xưa đã không còn đợi khách nữa.
Nói rồi thầy gục vào vai tôi khóc rưng rức như một đứa trẻ. Tóc thầy đã bạc nhiều so với cái tuổi của thầy, có cần phải như thế không thầy ? Sao thầy còn quay lại, sao thầy yêu mà không dám yêu để rồi đau khổ ? Tôi không muốn thốt lên những câu hỏi đó đối với thầy, vì như thế sẽ là quá tàn nhẫn. Nếu vào trường hợp của thầy chắc gì tôi đã trả lời được. Thầy ơi, thầy tự trừng phạt mình như vậy là đủ lắm rồi !
Đêm ấy, hai thầy trò cùng nhau đồi ẩm như hai người bạn tri kỷ. Đối với thầy thì trên cõi đời này ngoài người ấy và tôi ra thì còn có ai hiểu được nỗi lòng của thầy. Nhưng người ấy của thầy đã như cánh nhạn mù khơi, chỉ còn lại mình tôi. Xét về góc độ nào đó thì tôi cũng là chứng nhân cho chuyện xưa được dịp cứ tràn tuôn theo ly rượu cay nồng…
Thì ra cái chuyện tắm trăng nó không lạ lẫm ở quê tôi. Ngay cả mẹ tôi cũng từng tắm trăng nhưng kín đáo hơn cô. Hồi đó, nước ngọt khan hiếm vô cùng, khi tắm người ta phải dùng nước mặn sau đó mới lên bờ xối lại bằng một hai gáo nước ngọt. Đàn ông thì dễ, chỉ cần nhảy ùm xuống sông. Riêng phụ nữ phải đợi đến đêm, lúc mọi người nghỉ ngơi hết mới tắm. Cầu tắm của cô chỉ che tạm bợ bằng vài tàu lá dừa nước, nên khi tắm ban đêm vào những lúc có trăng thì bên ngoài nhìn thấy rõ mồn một. Từ đó mới có từ „ Tắm trăng „ và mới xảy ra chuyện tình giữa thầy Nguyên và cô chèo đò.
Thầy đã để ý cô ngay buổi đầu tiên khi sang sông về trường nhận công tác. Kể từ đó ngày nào dù không có chuyện gì thầy cũng kêu cô chở sang sông. Sang sông rồi lại đi đò về. Cô chẳng tỏ thái độ gì nhưng thiên hạ đồn rùm beng rằng thầy Nguyên đã dan díu với cô lái đò. Cả ban giám hiệu cũng mời thầy lên làm tờ tường trình và kiểm điểm mấy lần. Lần cuối cùng, thầy nói thẳng với hiệu trưởng rằng: thầy chẳng làm gì vi phạm pháp luật. Trai chưa vợ, gái chưa chồng yêu nhau thì có gì mà phải tường trình với kiểm điểm. Yêu cầu mọi người nên tôn trọng quyền tự do cá nhân của người khác.
Thấy thầy quyết liệt, ông hiệu trưởng đành nhượng bộ:
- Thì chúng tôi đã làm gì vi phạm quyền tự do yêu đương của thầy đâu. Chẳng qua thể hiện sự quan tâm tới thầy mà thôi. Thầy không thích thì từ nay không bàn đến chuyện này nữa, được chưa ?
Tuy nhiên, trước mặt không bàn đến thì người ta xoi mói sau lưng, miệng lưỡi thế gian làm sao cấm được. Thầy bỏ ngoài tai những lời thiên hạ, định bụng kỳ nghỉ hè sẽ về thưa chuyện với ba má để xuống coi mắt cô. Nhưng lại xảy ra một chuyện làm đảo lộn tất cả: một lần có công chuyện về ngang nhà cô vào ban đêm. Một đêm trăng tròn, tròn đến kỳ lạ, thầy đã bắt gặp cô tắm trăng ! Thầy không là Phật, thầy là người. Mắt thầy đắm đuối nhìn trăng dát vàng lên thân thể của người con gái. Giữa lúc ấy thầy đã nhìn thấy trên vai cô có hình xăm một bông hồng đỏ như màu máu. Thầy sững sờ đau đớn ! Nó giống như một bằng chứng xác đáng cho những lời xầm xì vô căn cứ của mọi người lâu nay về cô: cô chèo đò là gái giang hồ, bướm ong đã chán chường, nên trôi dạt về xứ này và vì thầy là trai tơ nên bị cô ta cho vào tròng một cách ngoạn mục.
Nhưng sau khi rời khỏi nơi ấy, thầy đã ngộ ra rằng: chính bản tính ích kỷ hẹp hòi của thằng đàn ông trong thầy đã dìm chết mầm hạnh phúc đang ươm. Rồi cái màu đỏ như máu, như lửa của bông hoa hồng ấy từng phút, từng giờ cứ thiêu đốt tâm can thầy. Sự hối hận dày vò đã đưa thầy trở lại nơi này, mong gặp lại cô. Và cứ thế, mỗi buổi chiều thầy đều đến nơi xưa cô chèo đò để chờ, để đợi.
Có một điều mà thầy chưa biết, sau này, lão Tư đờn mới thuật lại( chuyện này chẳng biết từ miệng ai hay do chính lão bịa ra). Đóa hoa hồng trên vai cô chẳng phải là hình xăm gì hết, chỉ là cái bớt son có từ lúc cô mới sinh ra. Có lẽ tại ánh trăng ma mị đêm ấy khiến đôi mắt thầy " trông gà hóa cuốc ". Sau khi thầy bỏ đi, cô cũng không còn chèo đò nữa mà đã cùng mẹ đi nơi khác, còn đi đâu thì không ai rõ.
Tôi cũng thuật lại với thầy y hệt những lời lão Tư kể với tôi. Nhưng có thêm vào đoạn cuối sau( trích ý trong một cuốn tiểu thuyết tình cảm mà tôi có lần đọc) rằng: cô chèo đò bây giờ đang sống hạnh phúc cùng chồng con và cũng không còn chèo đò nữa. Nếu có có dịp đi ngang qua quãng sông này chưa chắc cô đã nhận ra nó…Thầy cũng đừng tự dày vò mình nữa, biết đâu trong một góc khuất nào đấy của trái tim cô ấy vẫn còn dành riêng cho thầy. Thời gian nó không đợi chờ ai đầu thầy à !
Im lặng. Thầy Nguyên ngước mặt nhìn lên trời, mắt thầy hướng về những cụm mây trắng đang lững thững thôi. Không biết bao lâu, thầy đặt tay lên vai tôi giọng nhẹ hẫng:
- Thôi chiều rồi. Mình về !
Không ngờ rằng chiều đó là chiều cuối cùng tôi gặp thầy. Cũng theo lời lão Tư đờn kìm thì thầy đã trở về quê. Lão Tư trao cho tôi bức thư của thầy nhờ gửi hộ. Nhờ mấy câu nói của tôi mà thầy ngộ ra được nhiều điều, lâu nay thầy cứ sống trong hoài niệm dằn vặt và cứ tưởng đấy là tình yêu dành cho người kia. Nhưng nay,thầy đã hiểu được đó chỉ là một cái bóng ám ảnh mà thầy tự vận vào mình, suy cho cùng thì thầy trở về đây cũng là vì bản thân thôi. Và lần ra đi này cũng là vì bản thân.
Tôi không thể nào hiểu nổi những lời thầy nói và những lần đi về rồi lại đi của thầy. Trên đời này thực sự có một thứ mà khiến người ta từ bỏ mọi thứ khác chỉ vì nó có tên là tình yêu hay sao ? Hay chỉ là sự chấp niệm trong mỗi con người trên thế gian này ?
Lão Tư đờn kìm trố mắt nhìn tôi rồi thở dài: Chú mày hỏi chi mà phức tạp như đề thi triết học vậy ! Khi không muốn đem dây cột vào mây chi cho khổ. Như cây đờn kìm của lão già này có phải khỏe hơn hay không, động đến thì kêu, để yên thì thôi. Rồi lão xoa đầu tôi rất kẻ cả: Hãy cứ yêu bằng cả trái tim mình đi chàng trai trẻ !
Lão Tư đi rồi, tôi chợt như thằng ngố lẩm bẩm một mình: Yêu à ?

No comments:

Post a Comment