Links

Thursday, November 10, 2011

Thú văn chương, phần 3

______________

Tăng ngọc Minh

Văn chương lạ 
 
Lạ ở đây là mới lạ chứ không hẳn lạ lùng, lạ lẫm tức chưa từng nghe thấy, không thể ngờ nổi bởi đâu có hiện tượng, sự vật nào hoàn toàn mang tính đặc thù như thế. Cảnh tượng như Vạn lý trường thành, Kim tự tháp…dù độc đao mấy cũng chỉ gây sự cảm nhận đặc biệt với người mới thấy lần đầu chứ với dân địa phương, với những người thợ xây khi xưa thì cũng bình thường thôi. Thành ra tính chất mới lạ chủ yếu chỉ là sự nhận xét của tác giả, sự cảm nhận gây xúc động đến nổi tác giả cần nói ra, cần chia sẻ, cần thông báo. Và điều mà độc giả tò mò muốn biết chính là cái cảm nhận ban đầu đó chứ không hẳn là cảnh lạ, vật lạ, chuyện lạ. Nếu bài viết chỉ kể chuyện một cách khách quan, chỉ mô tả chiều cao, chiều dài, quy mô, chất liệu của một công trình xây dựng v.v. thì chỉ là sách hường dẫn du lịch chứ  không. là tác phẩm văn chương.

 Yếu tố mới lạ còn là một yêu cầu của độc giả đối với nội dung văn chương.  Nghệ thuât nói chung và văn thơ nói riêng đòi hỏi luôn phải có những khám phá mới. Sự mới lạ đó nằm ngay trong nội dung chuyện kể hoặc bài thơ và chính nó kích thích sự tò mò tìm đọc của độc giả. Chính sự mới lạ đó thúc đẩy tác giả chia sẻ với người khác những cảm giác kỳ tuyệt, những xúc cảm lạ thường mình đã trãi qua. Tương tự như thế một nhận xét, một ý tưởng đã có người nói rồi, phổ biến rồi, dù người phổ biến là chính tác giả, nếu lại cất công phổ biến nữa chỉ gây sự nhàm chán. Bởi thế mới có câu châm ngôn: “ kẻ thứ nhất ví phụ nữ với hoa hồng được coi là vĩ nhân, người thứ hai lặp lại chỉ là anh hề”.

 Đã thế ngay trong khi viết lách, sáng tác chính nhà văn, nhà thơ cũng đối diện với sự mới lạ mà họ phải từng bước gọt dũa , uốn nắn mới tao thành sản phẩm nghệ thuật. Tất nhiên lúc bắt đầu nhà văn, nhà thơ có thể có một ý tưởng nào đó, một cảm nhận nào đó nhưng điều này xuật hiện như một tia chớp thoáng qua chứ không hẳn là một ý tưởng rõ ràng, dứt khoát và bằng tài năng và nỗ lực riêng họ dần định hình nó qua trang viết. Theo Alain, “ bí mật lớn nhất của các ngành nghệ thuật và cũng là bí mật được dấu kín nhất là con người chỉ sáng tạo được khi lao động cật lực và khi hắn cảm nhận đầy đủ nhất điều hắn làm. Ví dụ như nghệ nhân sành sứ chỉ sáng tác khi làm việc (trên caolin, trên thạch cao); và điều gì làm hắn thích thú khi lao động hắn sẽ tiếp tục điều đó…Nhà văn ( vả cả nhà thơ nữa) cũng nằm trong định luật này, họ chỉ sáng tạo đang khi viết lách; và khi điều họ viết ra có giá trị như một vật thể ( tức là trở thành một thực thể mỹ thuật), họ bị lôi cuốn vào việc viết thêm nữa và viết về cái khác nữa”. Nói thế có nghĩa tác phẩm cũng mới lạ đối với nhà văn, nhà thơ trước thời điểm sáng tác, chỉ đến khi nghiên cứu nghệ thuật họ mới dần khám phá và định hình ra nó, “sáng tạo ra những  câu văn hay câu thơ đẹp đẽ, ẩn chứa hình ảnh sáng ngời chẳng có gì giải thích được và cũng chẳng có gì giải thích được yêu cầu làm (văn) thơ”.( Alain). 
Nhưng bảo rằng nhà văn, nhà thơ khởi đi từ một cảm hứng, một cảm nhận chưa ẩn chứa nội dung rõ ràng như một bản thiết kế của kiến trúc sư, thế thì hắn dựa vào cơ sở nào để xây dựng ra câu chuyện hay bài thơ?

Thực ra cái gọi là tia chớp ý tưởng hay cảm nhận ban đầu là do nó chưa phải là một ý tưởng, một phán đoán rõ ràng chứ không phải là không thể ý thức được. Cảm nhận đặc biệt này còn được gọi là cảm hứng hay thi hứng mà người trong cuộc bằng trực giác biết rất rỏ nó là gì. Đó có thể là sự cay đắng, sự va chạm trước một cảnh đời. Đó cũng có thể là một khát vọng thầm kin, là sự rung động ngỡ ngàng trước một hiện tượng…Những cảm nhận như thế thuộc phạm vi cảm tính nên khó có thể diễn giải  rành rẽ bằng các công cụ của tri thức cũng như không thể diễn giải được tình yêu bằng lý lẽ. Muốn hiểu tình yêu  là gì thì phải yêu cái đã, tức phải trải qua những kinh nghiệm chính nó. Tương tự như thế muốn làm lộ rõ cảm nhận về sự ray rức, sự ngỡ ngàng văn chương cố vận dụng nhiều biểu tượng, nhiều cá tính, nhiều ý niệm, nhiều bối cảnh đời thường để tạo ra đối tượng hay hữu thể nghệ thuật mà độc giả chỉ trải qua những kinh nghiệm có  được bằng sự nhận xét và cảm nhận của mình 

No comments:

Post a Comment