Links

Friday, December 16, 2011

Bài tình ca đêm Giáng Sinh

BÀI TÌNH CA ĐÊM GIÁNG SINH   - PHẠM PHONG DINH
                                                                                  ****************

Chỉ còn có một tuần lễ nữa là hết cái thời hạn ông chủ bút báo Thời Đại ấn định mà Sơn cứ tắt tịt. Dù đã cố gắng bóp trán tưởng tượng đến mấy đi nữa, chàng vẫn không nặn ra được một cái truyện ngắn nào coi được để đăng trong số Giáng Sinh. Ông chủ báo kiêm chủ bút vốn là người bạn văn nghệ vong niên hơn Sơn vừa đúng hai con giáp, nhưng vẫn cứ nhất định buộc chàng kêu ông ta bằng anh. Có lẽ ngụ ý ông ta là bậc đàn anh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chăng. Sơn vốn có tính lễ phép quá đáng, nên lần đầu tiên vác xác đến tòa báo trong đêm dạ tiệc phát giải truyện ngắn, mà không biết trời xui đất khiến thế nào chàng đã trúng được cái giải gọi là khuyến khích mầm non đang lên, mặc dù chàng đã không còn trẻ lắm nữa. Chàng cảm động nhận chiếc phong bì từ tay ông chủ bút và lí nhí mấy tiếng cám ơn chú. Ông chủ bút đã thân mật vỗ vai chàng cười cười:
- Chú chiếc gì. Cứ gọi tôi là anh được rồi. Mình là chỗ anh em văn nghệ cả. Cậu viết có nét lắm, cứ viết gửi về, có gì tôi nhuận sắc thêm cho.
Có lẽ chàng là mầm non đang lên thật. Liên tiếp mấy cái truyện ngắn chàng gửi đến đều được ông chủ bút nhận đăng cả, thậm chí cũng không phải nhọc công ông anh văn nghệ nhuận sắc cho. Được một thời gian, bỗng nhiên ông chủ bút gọi Sơn đến tòa soạn hỏi là chàng có khoái làm phóng viên và viết phóng sự cho báo Thời Đại không. Đang ngất ngư con tàu đi vì kiếm không ra việc làm, chàng liền trả lời là chàng khoái lắm chứ. Nhưng phóng sự cũng có năm ba đường phóng sự. Viết phóng sự nghị trường kể chuyện mấy ông bà dân biểu xắn quần chửi nhau hay rút súng bắn đùng đùng trong nhà hát lớn vui lắm, nhưng chàng không có hứng. Hoặc giả viết phóng sự giang hồ về giới du đãng Khánh Hội, kiểu như Loan Mắt Nhung hay Trần Đại cũng rất hợp thị hiếu độc giả, nhưng sợ viết không khéo dễ bị ăn thẹo dữ lắm. Còn nếu ông anh văn nghệ giao cho cái phóng sự chiến trường thì lại càng chết lớn. Vì chàng vừa mới từ ngoài đó về lại thành phố Sài Gòn này. Một viên đạn từ phía bên kia chiến tuyến xoi phủng ngực chàng, đi từ đằng trước ra đằng sau vớt mất một miếng phổi cũng tạm gọi là kha khá. Nhờ vậy mấy ông bác sĩ trong ban giám định y khoa thấy tội nghiệp, đã ký giấy cho chàng về vườn. Tuy nhiên những ưu tư suy nghĩ của chàng đã được ông chủ bút giải tỏa nhanh chóng. Sơn cố giấu một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông anh phân công cho chàng làm phóng sự giáo dục và sinh hoạt học đường, rồi bảo chú Sáu tùy phái kê một cái bàn nhỏ xíu nằm tận cùng trong một góc tòa soạn làm giang sơn múa bút cho chàng. Ông anh móc trong hộc tủ ra một xấp thư đứng dậy nồng ấm vỗ vai Sơn vừa trao cho chàng vừa nói:
- Từ nay phận sự chính của cậu là làm phóng sự, nhưng nếu còn hứng thì cậu cứ viết truyện ngắn đều đặn cho báo của mình. Cậu đừng có đứng ngớ người ra nữa. Đây là thư của độc giả gửi về khen ngợi cậu, nhân tòa soạn khuyết một tay phóng viên nên tôi chọn cậu. Cậu đã hết thắc mắc chưa. Cậu hội đủ hai điều kiện mà tôi cần. Thứ nhất, cậu viết được. Thứ hai cậu cũng thuộc giới trẻ, dễ xông xáo thân cận trong giới sinh viên học sinh hơn mấy cụ phóng viên già.
Sơn xoay người một trăm tám chục độ định phóng ra Duy Tân làm cái phóng sự đầu tiên về ngày khai trường, thì ông anh đã dúi vào tay chàng một cái phong thư:
- Cậu chưa lãnh lương lính tháng này phải không? Cầm cái này xài tạm đi.
Ông anh tốt quá ngần. Vậy mà chàng cứ nghe người ta đồn mấy ông chủ báo rít róng và tính toán dữ lắm. Đối với ông anh khả kính của chàng thì những lời đồn này đều trật tuốt luốt hết. Những ngón tay của Sơn nắn mấy tờ giấy bạc cồm cộm bên trong cái bao thư. Có lẽ khoảng năm xín thì phải. Hồi đó lương thiếu úy lúc còn đi đánh giặc của chàng cộng thêm bằng sình lầy và một lô lốc bằng quân sự khác khoảng chừng hai mươi lăm ngàn. Giờ lãnh lương thương phế binh chỉ có mười mấy ngàn, sống làm sao được hỡi trời. Chàng bỗng cảm thấy muốn hôn lên cái trán hói bóng loáng của ông chủ bút một cái quá. Để tỏ lòng tri ân ông đã nhận cho chàng một chân phóng viên, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của một người cựu lính tay trắng, giữa cái thành phố Sài Gòn phồn hoa đô hội này.
Ông chủ bút quả có mắt nhìn người thật. Những bài phóng sự của Sơn đều nhận được nhiều thư độc giả gửi về khen ngợi. Chàng không nhớ là chàng viết ba hoa những gì trong đó. Còn chừng mươi ngày nữa là đến ngày Chúa Giáng Sinh, trong lúc Sơn đang ngồi hí hoáy sửa chữa cái bài phóng sự mới nhất, thì chú Sáu tùy phái đến bảo chàng vào gặp ông chủ bút. Sơn vừa ngồi xuống ghế là ông anh văn nghệ nhập đề liền:
- Cậu có thể viết cho báo mình một cái truyện ngắn thật đặc biệt cho số Giáng Sinh không?
- Được chứ anh, nhưng anh muốn đặc biệt như thế nào?
- Thì cũng truyện tình cảm lãng mạn ướt át. Nhưng mà sao trong mấy cái truyện cậu hay cho cái đoạn cuối nó bi thảm quá, lần này cậu thử cho các nhân vật của cậu một cái cái kết cục hạnh phúc trong đêm Giáng Sinh cái coi. Cuộc đời khổ nhiều quá rồi mà cậu!
- Nếu anh đã muốn vậy thì có ngay. Sẽ có mấy cái đám cưới rình rang hết sẩy.
Ông chủ bút xoa tay cười:
- Ừ, thì cậu cứ viết như vậy đi. Chặt, có đám cưới nhưng cũng chưa chắc là có hạnh phúc đâu nghe. Nhưng có còn hơn không!
Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng đến khi khênh cái bàn đánh máy về căn gác trọ để gõ bài, Sơn đã ngồi ì ra mấy ngày mà vẫn chưa phác họa ra được cái cốt truyện nào vừa ướt át, vừa kết cục vui vẻ coi cho được. Có một lúc chàng đã định lấy ngay chính cuộc tình tan tác của chàng đem ra sửa chữa lại, rồi cho hai nhân vật chính chúng nó cưới nhau và đi hưởng tuần trăng mật trên Đà Lạt chẳng hạn. Nghĩ đến cuộc tình sương khói buồn thiu đã quá xa tầm tay với của mình, Sơn nghe con tim quặn thắt và buồn nẫu cả lòng. Không biết bây giờ người em gái phố huyện ấy có còn nhớ đến anh và mối tình lãng đãng một thời. Một ngày cuối năm bọn chàng đổ quân xuống một cái thị trấn nhỏ xíu, cũ mốc, nằm cô đơn chơi vơi giữa một con sông ngoằn ngoèo và một rặng núi khô héo úa. Cái thị trấn nằm trên vùng đất đá cằn cỗi, nắng thì bụi, mưa thì bùn. Mỗi lần những đoàn quân xa chở lính hành quân chạy trên con đường nhựa cũ loang lổ chánh của phố huyện, bụi đỏ mù mịt cuốn lên theo vết bánh xe như những cơn trốt xoáy. Đại đội của Sơn đóng quân bên rìa thị trấn một thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để định mệnh dun rủi cho chàng gặp gỡ cô nữ sinh trường tỉnh về thăm nhà. Anh lính trẻ miền Tây và cô em gái miền Trung dường như có cùng một mối đồng cảm về sự huyền nhiệm của tình yêu, mà đã cột chặt cuộc đời họ vào nhau ngay từ phút đầu tiên hai người quen nhau. Mối tình của chàng và nàng nụ tầm xuân mới nở phơi phới. Nhưng nụ hoa ấy cũng thật mỏng manh và biết có còn nguyên vẹn mùi hương ngát thơm, hay là sẽ bị dằn xé tan tác trong cơn giông bão tàn nhẫn của chiến tranh.
Cuối cùng thì chàng cũng phải từ biệt người yêu trở lại quân trường chọn đơn vị và vác ba lô lên vùng rừng núi biên khu. Ngày đêm đối diện với những hung hiểm kinh khiếp, Sơn thấy cái cuộc sống bọt bèo bé nhỏ của mình hoàn toàn không còn có ý nghĩa gì hết. Nên chàng đã quyết định làm một cái chuyện mà chàng cứ mãi tự mắng vào mũi mình có lẽ đến suốt đời, cho là chuyện ướt át kiểu mấy anh kép cải lương. Con tim vỡ vụn vì xúc cảm, chàng đã trăn trở viết cho nàng một lá thư tuyệt tình. Để cho nàng rời bỏ chàng và xây dựng hạnh phúc với những chàng trai có may mắn không phải xông pha tiền tuyến như bọn chàng. Dù nó không đẫm nước mắt nhưng những giọt máu ứa từ trái tim chàng đã rải những cơn đau lãng đãng trong từng dòng chữ. Trong lá thư, để có lý do chính đáng đoạn tuyệt với nàng, chàng đã phịa ra, dù rất đau đớn, câu chuyện chàng đã lỡ lăng nhăng với một cô gái Thượng lai... Pháp và không thể từ bỏ trách nhiệm. Cô em gái có tin câu chuyện phịa ấy không, chàng không biết. Nhưng kể từ sau cái lá thư rất ư là cải lương chi bảo đó, không còn một lá thư màu xanh nào, với những nét chữ học trò tròn trịa dễ thương đến bồi hồi gửi những lời tình tứ lên cho chàng nữa. Có lẽ nàng hờn dỗi và cay đắng tưởng tượng cô gái Thượng lai Tây của chàng tay bồng tay bế vào ở trong tiền đồn nấu cơm cho chàng ăn và quấn quít ân ái. Như bất cứ một người vợ Thượng có chồng đóng đồn nào khác. Chắc là nàng sẽ đau khổ lắm vì bức thư tuyệt tình kỳ quặc này. Nhưng biết làm sao được. Chàng đã thấy những cái chết quá đỗi dễ dàng của những người lính. Chàng biết chắc rồi cũng sẽ đến lượt của mình trong một ngày nào đó không xa lắm. Chàng đã mang một mối tự ti mặc cảm quá đáng của một người lính chiến nghèo, tương lai mịt mờ, với một cô nữ sinh trong trắng ngây thơ con nhà nề nếp. Viên đạn lẽ ra đi chệch về bên trái sẽ xuyên thủng trái tim sầu não của Sơn và tống tiễn chàng xuống địa ngục, thì nó lại bạt qua bên phải. Chàng đang dẫn quân xung phong lên thì bỗng chàng cảm thấy như có một tảng đá nặng nghìn cân đập mạnh vào ngực làm chàng ngã bật về phía sau ngất lịm.
Sơn tỉnh dậy trong quân y viện mấy ngày sau, việc đầu tiên chàng làm là dùng tay sờ từ đầu xuống đùi và lúc lắc hai chân xem có cái phần nào của cơ thể của chàng đã bị cắt cụt hay không. Sờ đến lần thứ mười chàng vui mừng tin chắc rằng hình hài của chàng vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có mỗi một dải bông băng dày cộm quấn quanh ngực hăng hắc mùi cồn lẫn vị tanh của máu. Sơn đưa tay nắn nhẹ chỗ nổi cộm và thấy đau. Chàng từ từ nhớ lại cái sức mạnh có lẽ là của một viên đạn đã bắn trúng vào ngực, nhưng tại sao chàng không chết thì chàng không biết. Một nữ thiên thần mặc áo trắng có đôi mắt trong vắt cúi xuống nhìn chàng dịu dàng hỏi:
- Anh đã tỉnh rồi, anh có thấy đói em pha chút sữa cho anh uống?
Sơn cảm động gắng nhấc đầu lên, vết thương ở ngực đau nhói lên làm chàng nhăn mặt, cái đầu héo úa của chàng rơi trở xuống gối. Cô y tá lo lắng đặt tay lên vai chàng:
- Anh còn yếu lắm đừng cử động mạnh không tốt...
Sơn bần thần nhìn xuống ngực:
- Xin cô làm ơn cho tôi biết, tôi bị... vết thương của tôi, làm sao...
Cô gái mỉm cười trấn an chàng:
- Xin chúc mừng anh đã qua cơn nguy hiểm. Anh bị đạn xuyên qua phổi phải, nhưng bác sĩ đã giải phẫu căt bỏ phần phổi bị dập nát...
Một cảm giác mất mát dấy lên trong lòng chàng:
- Chắc miếng phổi to lắm hả cô?
Cô gái nheo mắt hóm hỉnh:
- Sao anh biết là to?
- Là bởi vì tôi cảm thấy tôi không còn đủ... phổi để thở nữa...
Nàng bật cười:
- Không lớn dữ như vậy đâu, chỉ có một chút xíu chừng bằng nửa bàn tay thôi.
Sơn nhìn màn trời đêm qua khung cửa sổ. Những ánh sao như những viên ngọc khảm trên tấm thảm nhung đen. Bên nhà hàng xóm văng vẳng những bài hát Giáng Sinh từ chiếc máy thu thanh. Mùa Giáng Sinh đang về trên khắp đất trời, không gian bàng bạc tình thương bao dung của Chúa ban cho những con người ở thế gian. Giờ đây trong nỗi cô đơn quạnh quẽ hồi tưởng lại một mối tình đã thật quá xa tầm tay với, thì chàng lại phải cố sáng tạo nên những cuộc tình có những giây phút tương phùng chứa chan hạnh phúc. Chàng phải dùng văn chương chữ nghĩa vẽ nên thành những nụ hoa tình ái nở ngát thơm điểm tô cho đêm Giáng Sinh.
Sơn uể oải trở lại chiếc bàn mòn cũ cố phác họa thêm lần nữa một câu chuyện tình đẹp và có cái kết cục sum vầy. Chợt chàng nghe có tiếng bước chân quen thuộc của bà chủ nhà. Những mảnh ván mỏng long đinh cựa mình rên rỉ dưới sức nặng của người đàn bà tròn trịa mơn mởn da thịt. Đã từ rất lâu, từ khi Sơn giã từ cao nguyên trở về Sài Gòn chưa từng có cô gái nào một lần ghé thăm chàng trên cái gác trọ buồn thiu này. Vậy thì tiếng bước chân ấy chỉ có thể là của bà chủ nhà thôi. Chàng đoán đúng khi khuôn mặt ửng hồng của chị Xuân hiện ra dưới ánh đèn vàng. Đôi mắt của chị Xuân long lanh, dường như tình tứ quá mỗi lần nhìn chàng. Hoặc là chàng cứ tưởng tượng như vậy, nên chàng rất sợ nhìn vào mắt chị. Bất giác Sơn nhìn lên tờ lịch để xem có phải chị Xuân lên thu tiền nhà không, nhưng mới có hơn nửa tháng. Chị Xuân góa chồng từ hơn một năm nay khi anh Xuân chồng chị tử trận mãi tận ngoài Quảng Trị. Anh chỉ để lại cho chị có căn nhà nhỏ lợp tôn và cái gác lửng mà chàng đang ở thuê. Ngày nhận được tin chồng mất, chị Xuân ôm chiếc bụng bầu gần ngày sinh khóc vật vã chết lên chết xuống. Sơn phải chở chị vào bệnh viện, chàng ngồi ngủ gà ngủ gật trên chiếc băng gỗ ngoài hành lang đến nửa khuya thì một cô y tá bước ra hớn hở báo tin:
- Chúc mừng ông, bà nhà sanh con trai...
Sơn giật mình sửng sốt đứng bật dậy ú ớ:
- Xin lỗi tôi... tôi...
Cô y tá không để cho chàng kịp phân giải đã hối thúc:
- Ông có muốn vào thăm bà nhà với cháu thì có thể được rồi đó!
Có lẽ vì cái kỷ niệm không mong muốn và chết người ấy mà chị Xuân ngày càng tỏ ra có một mối cảm tình gì rất lạ, rất khác thường dành cho chàng. Dù chị đã không còn trẻ lắm nữa và hơn chàng khá là nhiều tuổi, nhưng trông chị cứ tươi mát như những cô gái chưa quá ba mươi. Theo lời chị Xuân kể thì vợ chồng chị kết hôn sau khi anh đã mãn khóa trên Đà Lạt, nhưng mãi đến nhiều năm sau chị mới cấn thai. Cũng có thể là vì anh bận hành quân liên miên có mấy khi được về phép. Gần gũi đôi ba ngày rồi anh lại đi, đâu có được những tuần trăng mật lu bù như người ta để mà có con sớm. Sự thay da đổi thịt sau khi sinh nở đã biến chị Xuân thành một người đàn bà nẩy nở và quyến rũ. Gần như là thông lệ, cứ mỗi ngày cuối tuần là chị mời Sơn xuống ăn cơm. Nàng thường hay bóng gió nói anh Xuân là lính Nhảy Dù thì Sơn cũng là lính Biệt Động, anh Xuân là sĩ quan đền nợ nước thì chàng cũng là sĩ quan thương phế. Dường như chị muốn tự cáp độ chị với chàng. Thằng bé con đã quá ngày thôi nôi rồi mà chị vẫn không chịu cai sữa cho nó. Cứ vô tình hay cố ý cũng không biết chừng, đợi những lúc chàng ngẩng mặt lên nói chuyện, thình lình chị bật cúc áo ngực và vạch bầu vú nõn nà lờ mờ những mạch máu xanh nhạt nhỏ li ti như những sợi chỉ dưới làn da mịn cho nó ngoạm vào. Sơn biết, khi một người đàn bà đa tình, đẹp và bốc lửa muốn quyến rũ một người đàn ông thiếu vắng đàn bà lâu ngày như chàng, sớm muộn gì chàng cũng phải giương cờ lên đầu hàng. Sơn không biết mình còn chống cự được bao lâu nữa. Chàng là người chứ có phải là thánh đâu mà không biết rung động trước một thân thể đàn bà mời gọi. Với số tiền lương phóng viên và tiền lương lính chàng định bụng sẽ cuốn gói bỏ chạy tìm một cái nhà trọ khác an toàn hơn. Càng sớm càng tốt. Nhưng không hiểu sao chàng cứ nấn ná lần lữa tự hẹn với lòng là khi nào chị Xuân cai... sữa thằng bé thì chàng sẽ ra đi.
Chị Xuân bước lên, mùi nước hoa quyến rũ ngập tràn căn gác nhỏ. Nàng nhìn chàng bằng ánh mắt lạ lùng khó hiểu:
- Cậu vẫn đang viết bài hả?
Sơn ậm ừ:
- Chị biết mà, tôi sống bằng chữ nghĩa...
Chị Xuân tiến đến đứng tựa vào thành ghế hơi khom lưng xuống nhìn vào mấy trang giấy còn trắng tinh. Sơn cảm thấy hơi mát từ da thịt của chị sau làn vải lụa chạm nhẹ lên vai chàng. Mùi hương của chị như một đám mây dịu dàng bao trùm lên những giác quan bối rối của chàng. Nhưng thật may mắn cho Sơn, chị Xuân đã lùi lại lạnh lùng:
- Có người kiếm cậu kìa!
Sơn giật mình nhìn lên toan hỏi thì chị Xuân đã nói luôn:
- Cậu vui nhé. Có một cô gái muốn gặp cậu đó. Cổ chờ ở dưới, cậu có muốn gặp không?
Sơn hứng trọn cái nguýt hờn dỗi của người đàn bà. Nàng xoay lưng ngoe ngoảy bỏ xuống thang lầu ném lại cho chàng một câu:
- Cậu khỏi xuống, để tui kêu cổ lên cho hai người tự do...
Sơn sửng sốt ngồi thừ không để ý giọng hờn mát của chị Xuân. Ai mà đến tìm chàng trong cái xóm nhỏ vắng vẻ này. Một hy vọng vô lý chợt lóe lên trong lòng Sơn. Hay là... Nhưng chàng đã bác bỏ ngay dự đoán huyễn hoặc đó. Chàng hoàn toàn thất vọng khi khuôn mặt của Thục Quyên nhú lên trên cầu thang. Thục Quyên là cô gái út cưng như vàng như ngọc của ông chủ báo Thời Đại. Thỉnh thoảng khi không bận buổi học nàng ra tòa báo ngồi tán gẫu với chàng. Những người trẻ tuổi dễ thông cảm nhau. Sơn lại là người chịu lắng tai nghe nàng kể chuyện học hành, chuyện bạn bè ở trường, nên Thục Quyên xem chàng như một người anh. Nói chính xác, nàng xem chàng như một cái... thùng để nàng thảy vào đó những tâm sự vụn vặt. Thấy Sơn gọi ba mình là anh nên Thục Quyên có vẻ kính nể, đôi lúc nàng có hỏi ý kiến, chàng đành đóng vai gỡ rối tơ lòng cho nàng, khuyên nhủ năm ba câu huề vốn.
Sơn nhận thấy vẻ buồn ủ ê trên khuôn mặt trái xoan của cô gái. Đây là lần đầu tiên nàng đến thăm chàng tại căn gác trọ này. Có việc gì mà nàng bất ngờ đến tìm chàng ban đêm như thế này. Hay ông anh văn nghệ của chàng có chuyện gì không lành rồi chăng. Chàng vội vàng đứng dậy tiến ra gần đầu cầu thang hỏi ngay :
- Kìa Thục Quyên, có chuyện gì mà cô ban đêm ban hôm tìm đến đây vậy, hay là ba cô có...
Thục Quyên đưa chiếc khăn tay nhò xíu lên thấm mấy giọt nước mắt long lanh còn đọng trên đôi má lắc đầu sụt sùi:
- Không ba em không có sao hết, em bỏ nhà em đi cho vừa lòng ba...
Sơn giật mình nhìn chăm chăm cô gái và đưa hai tay ra:
- Sao, bỏ nhà à. Thật kinh khủng. Cô là con gái cưng như trứng hứng như hoa của ổng...
Thục Quyên cúi mặt khóc òa lên:
- Vậy mà ổng hổng thương em!
Sơn kéo ghế cho cô gái ngồi, chàng nghe có tiếng chị Xuân đằng hắng dưới cầu thang. Chắc nàng đang cố lắng tai nghe trộm và đang đoán già đoán non, để xem cô gái đẹp này đang khóc lóc đòi bắt thường chàng cái gì ghê gớm lắm đây. Sơn biết là chàng lại phải đóng vai cố vấn gỡ rối tâm sự cho Thục Quyên. Chàng thầm tính trong lòng bằng mọi giá phải đưa nàng trở về nhà trả cho ông chủ bút thân mến của mình. Nhưng trước hết chàng phải biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai cha con nghiêm trọng đến đỗi Thục Quyên phải bỏ chạy ra khỏi nhà.
Thục Quyên vẫn cúi đầu không nhìn lên lí nhí:
- Anh Sơn cho em ở đây đêm nay... được hôn...
Sơn thiếu điều muốn nhảy dựng lên, chàng ú ớ:
- Hả, cô nói cái gì ? Không được đâu...
Cô gái hờn dỗi làm ra vẻ muốn kéo vạt áo đứng dậy:
- Nếu vậy em xin vĩnh biệt anh, em đi tìm chỗ khác!
Sơn nhăn nhó như khỉ ăn phải... miểng chai:
- Khoan, khoan cô làm gì dữ vậy. Chặt, con gái con giếc gì hở một chút là hờn với mát, ai chịu cho nổi. Tính cô cứng quá mai mốt có ông bồ nào chịu cho thấu...
Thục Quyên bật cười:
- Chính vì chuyện bồ bịch mà em với ba cãi nhau một trận quá trời!
- Chỉ vì chuyện đó mà cô dám giẫm lên đạo hiếu sao?
Thục Quyên vò chéo khăn tay cúi mặt ấp úng:
- Em... đâu dám.
Sơn tò mò:
- Bây giờ nếu không cho là tôi quá đường đột, Thục Quyên có thể kể lại cho tôi nghe chuyện đã xảy ra đi.
Thục Quyên cắn môi ngước lên nhìn Sơn:
- Hình như anh có quen với anh Văn phải không? Ảnh thích đọc truyện của anh lắm đó!
Sơn ngẩn người mấy giây, chàng vỗ trán:
- À, Văn Luật Khoa hả, tôi có biết...
Sơn tình cờ gặp Văn trong một lần đến sở thương binh lãnh trợ cấp và quen nhau. Mỗi cuối tháng hai người gặp nhau tại đó. Văn cũng là một thương phế binh như Sơn, anh ta đã chỉ cho chàng thấy vết thẹo vắt ngang cổ và cánh tay phải co rút của mình. Người lính biệt cách ấy đã nhảy xuống An Lộc và chiến đấu anh dũng trong ròng rã hai tháng trời, dưới những cơn bão pháo kinh khủng trong mùa hè đỏ lửa năm ấy. Hai miểng đạn pháo nóng như trui xợt qua cổ và chém cánh tay phải của chàng gần muốn đứt lìa. May mắn cho Văn là chiến cuộc đã hầu như tàn nên người đại đội trưởng gọi được trực thăng đáp xuống đưa khẩn cấp chàng về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ở đây người ta đẩy chàng vào phòng trực của một ông bác sĩ Đại Hàn được gửi đến trong chương trình trao đổi thực tập. Thoạt tiên ông bác sĩ thực tập này muốn cắt bỏ cánh tay của Văn, nhưng vị bác sĩ quân y Việt Nam cùng ca trực đã cực lực bác bỏ. Làm lính bị thương mà nghe nói được hay bị gửi đi nhà thương Đại Hàn Củ Sâm là coi như đời em tàn. Người bác sĩ Việt Nam kiên nhẫn giải thích cho người bạn đồng nghiệp biết, rằng những người chiến sĩ Việt Nam không nề hà hy sinh mạng sống để bảo vệ đất nước, vì vậy những người ở hậu phương nên tri ân và bằng mọi cách phải cố gắng đừng làm cho họ bị mất mát thêm nữa. Người bác sĩ bạn đột nhiên tỉnh ngộ. Hóa ra bấy lâu nay họ chỉ nhìn những chiến binh Việt Nam như là những con bệnh cần cứu chữa, chứ không phải là những người anh hùng cần được quí trọng và giúp đỡ cho được nguyên vẹn thân xác. Trong trạng thái đau đớn nửa mê nửa tỉnh, Văn đã nghe được cuộc thảo luận khá là gay cấn của hai người y sĩ. Nước mắt chàng trào ra ướt đẫm cả đôi má đen sạm và hốc hác, chàng há miệng muốn gào to lên:
- Xin đừng cắt cánh tay của tôi...
Nhưng tiếng nói của chàng đã bị vết thương ở cổ làm cho mất hút vào cõi thinh không. Văn chỉ có thể ngáp ngáp như sắp chết đến nơi.
Khi đã được giải ngũ, thỉnh thoảng Văn trở lại tìm người y sĩ trẻ ấy để nói lời cảm ơn, thì chàng đã quàng vai Văn thân mật hỏi:
- Nếu giả sử moa bị thương y hệt như toa, toa là bác sĩ thì toa làm thế nào? Toa cắt hay là toa để lại cho moa có cái để mà đánh đùng đưa với người ta?
Một buổi sáng đẹp đầu mùa thu, Văn ôm sách leo lên chiếc xe buýt đi học. Sau mấy năm ở lính, ngày đầu tiên trở lại mái trường xưa Văn thấy lòng dậy lên một mối cảm xúc rộn rã giống hệt như ngày nào chàng mới tập tễnh bước vào ngưỡng cửa trường Luật. Ngày khai trường năm học mới nhiều cô cậu sinh viên nghèo như chàng dùng xe buýt làm phương tiện. Khi leo vào trong, chàng chưa kịp thủ thế đứng cho vững thì anh soát vé đã thổi còi. Chiếc xe phóng tới trước làm Văn chới với. Chàng quên khuấy đi là một khi đã đứng trên sàn xe rồi, nếu không nắm được sợi dây da móc trên thanh sắt, thì chàng cũng phải chuẩn bị đứng... tấn giữ thăng bằng. Để khi chiếc xe lao tới thì chàng đã khỏi phải bật ngửa về phía sau, sách vở văng tùm lum, tay chàng bấu phải vai của một cô gái ngồi gần đó. Hú hồn, chỉ cần trệch xuống chừng một tấc chắc chàng ăn một cái tát nổ đom đóm quá. Hai người cùng đỏ mặt lên như ánh mặt trời mùa hạ. Văn lúng túng cuối xuống nhặt sách vở. Cô gái chợt nhận ra người con trai có cánh tay co rút tàn phế, nàng vội đưa tay nhặt giúp, Hai khuôn mặt vô tình áp sát vào nhau quá, suối tóc dài óng ả và thơm như mơ của cô gái chạm nhẹ vào mũi chàng. Văn ngất ngây như muốn hóa đá, bất giác chàng ngồi đực mặt ra giống như con ếch ngồi... chồm hổm. Cô gái bỗng bật cười:
- Trông... chú dị kỳ quá, thôi chú lên ngồi đi để cháu đứng cho...
Trong đời Văn, chàng ghét nhất những cô gái gọi chàng bằng chú.
Nhưng sáng hôm sau, không hiểu cái gì thúc giục mà Văn đã hối hả chạy ra đợi đúng giờ chạy như ngày hôm trước. Nhưng khi Văn leo lên xe buýt nhìn quanh quất, một nỗi thất vọng tràn ngập lòng chàng. Nàng không có mặt trên chuyến xe này. Ngày thứ ba, chàng đang đứng bên cạnh cây cột có tấm bảng xe buýt, thì chợt chàng trông thấy một cô gái cỡi xe Honda Dame chạy từ xa đến trông rất giống cô gái gọi chàng bằng chú. Quả đúng là nàng, nhưng cô ta đã phóng xe chạy vù qua. Một vài chiếc lá mùa thu quyện lên cao bay lả tả. Văn thở dài nhóng cổ nhìn theo. Ô hay, đột nhiên cô gái quành xe lại và đang phom phom chạy về hướng Văn, rồi cuối cùng đậu ngay trước con mắt sửng sốt của chàng. Cô gái gỡ chiếc kính mát nhỏ nhắn xuống nheo mắt mỉm cười:
- Chào... chú! Chú có muốn quá giang cháu một khoảng không?
Văn ngẩn ngơ:
- Cám ơn cô, tôi học luật, biết có cùng đường với cô...
Cô gái reo lên:
- Vậy là cùng đường, cháu học văn khoa. Thôi chú lên xe cháu chở và đừng nhìn cháu như nhìn người hỏa tinh nữa.
Văn lễ mễ leo lên ngồi phía sau, chàng thận trọng đặt chồng sách ngăn đôi hai người. Khi chiếc xe phóng đi, gió cuốn mái tóc của nàng bay lõa xõa lên mặt Văn, chàng ước gì con đường Phan Đình Phùng cứ dài mãi đến vô tận. Được một lúc, không dằn được chàng hỏi:
- Cô có xe Honda, tại sao cô còn đi học bằng xe buýt vậy?
Chàng nghe tiếng cười giòn tan của nàng trong gió:
- Chiếc xe của cháu bị hư bugi. Bugi là cái gì vậy chú?
- À nó là một cái cục dài dài nhỏ nhỏ có nhiệm vụ nẹt lửa đốt cho xăng cháy trong lòng máy, rồi nhờ đó cây dên quay tròn và đẩy trục máy chạy...
Cô gái lắc lắc đầu:
- Rắc rối quá cháu không hiểu! Chú nói rõ hơn được không?
Văn nhận thấy đã đến lúc:
- Này cô, bộ tôi trông già lắm hả?
Một thoáng im lặng từ cô gái, nàng ngần ngừ:
- Cũng không già lắm, nhưng trông có vẻ phong trần quá!
- Vậy nếu cô còn gọi tôi bằng chú và xưng cháu thì tôi sẽ... nhảy liền xuống đường cho cô coi...
Câu chuyện giữa hai người tiếp diễn ngày hôm sau:
- Nếu anh còn gọi Quyên là cô thì Quyên sẽ không chở anh đi học nữa!
Thục Quyên kể tiếp câu chuyện:
- Không biết bằng cách nào mà ba biết, nên ổng kêu em ra ngồi mắng cho một trận, nói con gái gì mà chở con trai chạy ào ào ngoài đường.
- Như vậy cũng đâu có gì nghiêm trọng đến nỗi cô phải chạy tới đây làm khổ tôi...
Thục Quyên dùng dằng:
- Cái gì mà khổ!
- Nếu biết cô ngủ đêm ở đây ba của cô sẽ tống cổ tôi ra khỏi tòa báo và tôi sẽ thành Kiều Phong cái bang mất...
Đột nhiên chàng phun ra một câu ngu xuẩn:
- Tại sao cô không tìm anh Văn của cô có phải hơn không?
Thục Quyên giật mình nhỏm dậy:
- Ấy chết, em quên. Anh Văn đang chờ em bên dưới, để em xuống kêu ảnh lên đây!
Sơn ôm đầu kêu trời. Cô con gái con nhà giàu này cứ làm theo ý muốn của mình và cứ tưởng cuộc đời chung quanh toàn là màu hồng. Nàng yêu và cứ yêu với tất cả sự rung động của con tim, giống hệt như những cô gái mới bước vào ngưỡng cửa tình yêu như nàng. Họ chưa từng hay không cần biết phía bóng tối của tình yêu, với nhiều trắc trở và lo toan. Cứ tưởng chỉ cần yêu nhau là đủ, cứ tưởng những nụ hôn ngọt như mật và hơi thở quyện vào nhau là đã đủ sống đến hết cuộc đời với nhau. Căn gác trọ của chàng bỗng nhiên làm chỗ ẩn trú cho đôi tình nhân dại dột. Cái này thì phiền phức to đến nơi rồi. Không khéo ông Thời Đại cho là chàng cùng phe với họ để chống lại ông. Và đời chàng sẽ tàn. Chắc chắn chàng sẽ xách gói tếch ra khỏi tòa soạn, rồi mọi sự sẽ phải làm lại từ đầu.
Sơn ái ngại nhìn Văn dìu người yêu lên từng bậc thang. Văn ngước mặt lên gượng cười:
- Chào anh. Cái chuyện này là ngoài ý muốn của tôi. Đang ngồi gạo bài thi thì nàng đã đùng đùng chạy đến khóc lóc đòi tôi dẫn đi trốn...
Sơn nhún vai:
- Anh là lính rừng thì anh dẫn nàng vô đó xây mái nhà tranh đi!
Thục Quyên phụng phịu ngồi xuống ghế:
- Em muốn trốn ba em làm gì, mấy anh đâu có biết ngày mai có cái ông dược sư gì đó bạn của ba dẫn một ông con dược sĩ tới coi mắt em đó...
Văn nhảy nhổm lên như ngồi phải gai:
- Hả em nói cái gì ?
Sơn khịt khịt mũi:
- Dược sĩ thì đã sao nào...
Cô gái trề môi trông rất dễ thương:
- Người gì đâu mà trắng như cục bột, tướng tá thì ẻo lã như con gái, đâu có bằng anh Văn của em!
Văn sung sướng phồng mũi nhìn Sơn cười. Sơn lắc đầu:
- Nhưng bỏ trốn đâu có phải là cái cách giải quyết ổn thỏa, có thiếu gì cách đối phó...
Thục Quyên tươi ngay mặt lên hỏi dồn:
- Em biết ngay mà, bao giờ anh cũng là người cứu nguy cho tụi em, anh chỉ cách cho em đi?
- Thì dẫn anh Văn của cô về giới thiệu với ba cô...
- Không được đâu, em sợ lắm!
Sơn nói đùa:
- Nếu vậy thì cô cứ trở về một mình, ngày mai lúc ra mắt cứ giả bộ hụt chân hất nguyên mâm trà vô mình ông già chồng dược sư của cô là êm trời hết. Con gái mà sớn sác như thế ai thèm cưới cho !
Cả ba người tuổi trẻ cùng cười to lên có vẻ đắc ý, dù biết rằng cái kế xoàng xĩnh ấy chẳng có thể nào thực hiện được. Bỗng có tiếng ồm ồm rất quen thuộc từ phía đầu cầu thang vọng tới mà Sơn tưởng như tiếng sấm trên thinh không:
- Được lắm, để tôi coi mưu kế của mấy người hay ho đến bậc nào ...
Ông chủ báo Thời Đại hùng hổ bước lên, phía sau ông chị Xuân léo nhéo:
- Ơ hay cái ông này kỳ chưa, đã nói là không được lên...
Ông Thời Đại dịu giọng với chị:
- Xin lỗi cô cho phép tôi nói chuyện với quí ông đây chừng vài phút rồi tôi không dám làm phiền cô!
Không đợi chị Xuân có đồng ý hay không, ông quay qua Sơn:
- Sơn, cậu giỏi lắm hả, ngày mai cậu vào văn phòng gặp tôi ta nói chuyện phải quấy sau!
Thục Quyên hoảng hốt chạy lại nắm tay cha:
- Anh Sơn không có lỗi gì hết, chỉ tại con tự ý đến đây thôi ba à...
Ông Thời Đại nghiêm mặt:
- Con làm khổ ba quá mà. Ba chạy khắp thành phố tìm con. Con gái cưng quá rồi... Hừm, chuyện trong nhà có gì cha con bàn với nhau.
Thục Quyên phụng phịu:
- Con đã nói rồi mà ba đâu có chịu nghe ý kiến của con!
Ông Thời Đại rút khăn ra lau mồ hôi trán và ngồi xuống ghế rên lên:
- Ý kiến của con là ý kiến của con nít ăn chưa no lo chưa tới. Ba đã lựa một chỗ cho con nương thân hạnh phúc sau này, người ta con nhà nề nếp danh giá như vậy con chê là chê chỗ nào?
- Chưa chắc có tiền là có hạnh phúc đâu ba!
- Vậy chứ má con không có hạnh phúc với ba à?
Thục Quyên bật cười:
- À há, ba thua con rồi, ba với má cưới nhau hồi còn nghèo kia mà!
Ông chủ báo đưa hai tay chào thua:
- Thôi được rồi, không cãi với con nữa. Vậy chớ cái hạnh phúc của con có phải là cái cậu đứng sau lưng tay phóng viên sắp bị đuổi việc đó phải không?
Văn từ đầu đứng trong một góc quan sát ông Thời Đại. Khi ông xuất hiện trên căn gác trọ này, tim chàng bỗng đập mạnh và đau nhói lên như có một mũi dùi lửa đâm vào. Thượng đế nhân từ đã sắp xếp những chuyện huyền diệu và ban rải tình thương chứa chan cho người ở dưới cõi trần gian vào những lúc tuyệt vọng nhất. Như chuyện cánh tay bị đứt của chàng mà vẫn có thể nối lại được. Rồi bây giờ là ông Thời Đại. Chính là ông ta. Nếu ông ta nhận ra chàng và tâm tính của ông ta vẫn là của hai mươi năm về trước, thì cuộc tình của Thục Quyên và chàng có cơ thành tựu.
Văn bước ra phía ánh sáng. Ông Thời Đại ngước mặt lên nhìn toan nói lời đay nghiến, thì ông giật mình. Một luồng cảm giác rần rật giống như một dòng diện chạy dọc theo sống lưng rồi xuyên phủng vào cõi ký ức mù sương trong tận tiềm thức sâu thẳm của ông. Sao trông nó rất giống cái người mà ông không bao giờ quên hai mươi năm nay. Có thể là một sự trùng hợp bất ngờ vậy thôi, chứ lẽ nào. Văn chầm chậm bước đến gần ông run giọng :
- Có phải bác là bác... Phong, Hoàng Văn Phong?
Ông Thời Đại sửng sốt đứng dậy:
- Sao cậu biết tên thật của tôi? Tôi trông cậu quen quen...
Văn xúc động:
- Như vậy bác đúng là bác Phong rồi. Bác không nhận ra cháu sao, cháu là thằng bé Văn ngày xưa đây!
Ông Phong chụp lấy vai Văn lắp bắp:
- Cậu là Văn... có phải cậu là con của anh chị giáo Thạch ở Cái Vồn?
Văn gật đầu nghẹn ngào:
- Dạ bác nói đúng.
Chàng cảm thấy hai bàn tay của ông Phong run rẩy trên đôi vai của mình:
- Ba má cháu bây giờ ra sao, có còn...
Văn bùi ngùi:
- Dạ ba má cháu đã mất hết rồi!
Ông Phong rên lên một tiếng lớn và ngồi phịch xuống ghế ôm đầu. Trong cõi ký ức lãng đãng đã thật quá xa hai mươi năm trước, ông thấy một khoảnh của con sông Hậu Giang rộng mênh mông, những đám lục bình trôi tấp vào rặng bần xen kẽ với những khóm dừa nước xanh rì. Ông thấy một chàng thanh niên, là ông, tay đang cầm cây súng lục chạy dọc theo bờ sông. Ông đang bị bọn mật vụ Pháp rượt đuổi ráo riết. Nếu bắt được ông có lẽ chúng sẽ bắn ông ngay tại chỗ. Vì ông mới vừa bắn chết một người sếp lớn của chúng. Chàng thanh niên lâm vào bước đường cùng, chàng định quay lại bắn nhau với bọn truy đuổi rồi có chết cũng cam lòng. Nhưng trong khẩu súng chàng chỉ còn có mỗi một viên đạn. Viên đạn đó là dành riêng cho chàng, nếu lỡ sa vào tay giặc. Chàng đứng bên bờ con sông Hậu ngơ ngẩn nhìn sóng nước mênh mang. Có lẽ thượng đế còn đoái thương đời một người chiến sĩ yêu nước, nên đột nhiên từ một con rạch, chiếc ghe nhỏ mui lợp lá tồi tàn của vợ chồng giáo Thạch và đứa con trai năm tuổi lừng lững tiến ra sông lớn. Phong mừng quá hú gọi:
- Ai đó làm ơn cứu tôi với! Tây đuổi!
Thạch mưu trí bảo Phong nhảy xuống lặn ẩn dưới bánh lái ghe và quẳng khẩu súng xuống nước. Mấy người mật vụ Pháp đuổi tới nơi, giáo Thạch nói tiếng Pháp trôi chảy cho biết chàng mới thấy một người Việt Nam nhảy xuống sông lội qua bờ bên kia rồi. Bọn Pháp hỏi vợ chồng chàng đi đâu, Thạch bình tĩnh nói chạy tản cư từ quận về thành phố tìm sự che chở của chính quyền. Những ngày sau đó đôi vợ chồng trẻ và chàng chiến sĩ quốc gia thay phiên nhau chèo ngược dòng Cửu Long lên đến biên giới Cao Miên. Phong nắm lấy tay hai người bạn mới quen rưng rưng nước mắt:
- Tôi còn sống là nhờ ơn anh chị, tôi sẽ không bao giờ quên. Nếu trời cho tôi còn sống thì thế nào tôi cũng tìm gặp anh chị sau này.
Dòng đời đưa đẩy vợ chồng Thạch về Sài Gòn lập nghiệp. Đất nước hòa bình mấy năm sau, Thạch cất công hỏi thăm tin tức của bạn, nhưng bặt vô âm tín. Phong trốn lên Lào, chàng nên duyên vợ chồng với một cô gái Việt, hai người chí thú làm ăn và trở nên sung túc. Thật oái oăm, trong lúc Thạch tìm chàng ở Sài Gòn, thì Phong cùng vợ xuống miền Tây tìm bạn. Hai người như hai con nước lớn nước ròng chảy ngược chiều nhau, vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại.
Nước mắt ràn rụa, ông Phong ôm Văn vào lòng nghẹn ngào:
- Ba má cháu đã mất rồi thì còn có bác đây. Tội nghiệp cháu tôi, thân thể của cháu đến nông nỗi thế này...
Văn cũng không nén nổi cơn cảm xúc dâng trào trong tim chàng:
- Ngày xưa bác chiến đấu vì nước non, thì ngày nay cháu cũng hãnh diện đóng góp phần của cháu.
Chứng kiến tấn kịch tương phùng của hai bác cháu, Sơn nghe lòng mình quá đỗi bồi hồi. Thật kỳ diệu. Mùa Giáng Sinh đang bàng bạc khắp đất trời. Chúa đã dang tay từ ái cứu vớt mọi nỗi khổ đau của người trần thế. Chàng là người ngoại đạo, nhưng chàng luôn tin chắc rằng Chúa luôn có mặt ở khắp nơi và nghe thấy tiếng kêu xin cứu giúp của chúng sinh. Và Ngài sẽ cứu.
Báo Thời Đại tổ chức Đêm Mừng Chúa Giáng Sinh, tất cả các nhân viên tòa báo và gia đình đều được mời đến tham dự. Làm báo như ông Phong mới là làm báo. Ông quan tâm và chăm sóc nhân viên, thì họ sẽ tận tụy đền đáp lại tấm lòng ấy. Ông cũng không quên nhờ Sơn trao tận tay chị Xuân tấm thiệp mời. Khi thấy chàng hóm hỉnh nhìn mình, ông Phong nheo mắt cười cười. Lại thêm một chuyện huyền diệu nữa. Bà Phong mất sớm, ông Phong sống vậy nuôi con mười mấy năm trời. Có lẽ bên kia thế giới bà Phong đã dun rủi cho ông và chị Xuân gặp nhau. Đêm Giáng Sinh chàng thấy chị Xuân trang điểm rất đẹp. Nàng giống như một cái cây khô vươn mình đâm chồi nẩy lộc nhờ những giọt mưa sau cơn nắng hạn. Anh Xuân chắc cũng sẽ sung sướng nhìn chị êm ấm hạnh phúc trong vòng tay một người đàn ông tốt. Từ trên khung cửa sổ nhỏ nhìn xuống, Sơn thấy chiếc xe Citroen màu trắng của ông Phong xịch vào lề đường, ông anh văn nghệ của chàng tươi cười mở cửa xe nắm tay dìu chị Xuân ngồi vào chiếc ghế bên cạnh tay lái.
Sơn nằm dài trên giường chăm chăm nhìn hai con thằn lằn đuổi cắn nhau trên vách. Mọi người đều đã có phần hạnh phúc của mình. Giờ đây chỉ còn mỗi chàng nằm gặm nhắm nỗi cô độc và tự đay nghiến lòng. Vì lá thư tuyệt tình ngu xuẩn của mình. Chắc nàng đau khổ lắm và có thể nàng đã nguyền rủa chàng. Hai người đã bặt tin nhau quá lâu rồi, không chắc gì nàng còn nhớ đến chàng. Có nhiều lúc chàng muốn lấy vé xe ra phố huyện nhỏ ấy tìm lại bóng dáng thướt tha ngày cũ. Nhưng chàng đã cố ghìm lòng. Lỗi ở chàng hết thảy, càng níu kéo kỷ niệm thì chàng càng cảm thấy nỗi mất mát quá lớn.
Sơn uể oải đứng dậy tìm áo. Sơn định không đến tham dự dạ tiệc, nhưng chàng không thể không đi. Ông Phong quá tốt với chàng, chàng không có quyền làm cho ông buồn. Chị Xuân đã rủ chàng cùng đi cho vui, chàng ậm ừ hẹn sẽ đến sau. Chàng muốn dành những giây phút riêng tư của chị cho ông Phong. Chợt chàng nghe có tiếng cười trong trẻo quen thuộc của Thục Quyên từ dưới cầu thang:
- Anh Sơn ơi, xuống mà nhận món quà này...
Sơn lừng khừng đếm từng bậc thang bước xuống. Khi chàng ngước mặt nhìn lên thì một sự ngạc nhiên quá đỗi đang chờ đợi. Sơn trông thấy tất cả những người chàng yêu mến đang tươi cười nhìn chàng. Này đây là chị Xuân đẹp lộng lẫy bên ông Phong. Đôi tình nhân trẻ Thục Quyên và Văn âu yếm nắm tay nhau. Nhưng Sơn đã sửng sốt dừng mắt ở một thiên thần áo trắng xinh tươi đứng ở giữa đang đăm đăm nhìn chàng, ánh mắt hờn trách lẫn yêu thương thiết tha. Chàng có cảm tưởng như hai bàn chân của mình đã bị đinh đóng chặt trên bậc thang cuối cùng. Một luồng hơi lạnh giá như một mũi dao đâm ngập vào tim chàng. Chúa ơi. Chính là nàng. Áo em trắng quá nhìn không ra. Chính là dáng em thon thả trong chiếc áo trắng mỗi buổi tan trường mà anh thường đứng ngóng trông bên đường. Em trong trắng và kiều diễm hiện ra trên khung cửa đen đầy ánh sao lấp lánh như một phép nhiệm mầu. Ông Phong vui vẻ bước tới nắm lấy tay Sơn:
- Chắc cậu ngạc nhiên lắm hả. Sao, cậu không nhận ra là ai à? Nó là con cháu từ ngoài Trung vào thăm. Ba nó là em của tôi lưu lạc ra ngoài ấy sinh cơ lập nghiệp...
Chàng và nàng đắm đuối nhìn nhau mặc cho Thục Quyên léo nhéo giải thích:
- Anh Sơn không biết, khi nhìn thấy bức hình của anh trong nhà em là nó ngã ra xỉu lên xỉu xuống rồi cứ một hai đòi dẫn đi gặp anh đó. Anh có nhớ bức hình anh mặc áo rằn và đội chiếc mũ nâu không? Trên đường đến đây em đã kể hết cho nó nghe mọi chuyện về anh rồi...
Từ trên cõi thinh không đen thẫm có một vì sao lớn chói chang ánh sáng. Sắp đến nửa đêm. Chúa sắp ra đời. Dường như có tiếng thiên thần ca hát vinh danh Thiên Chúa. Và tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà đã rộn rã ngân nga chào đón Đêm Chúa Giáng Sinh và nguyện cầu bình an cùng yêu thương cho tất cả đôi lứa ở cõi thế gian.

Phạm Phong Dinh

No comments:

Post a Comment