Links

Saturday, January 21, 2012

Cũng có một chút mùa xuân

____________



alt
- Đoàn Dự

Năm ấy, vợ chồng tôi dạy học tại trường cấp 3 thuộc một thị trấn nằm cách Sài Gòn 25km. Vì có con nhỏ, đi lại bất tiện nên chúng tôi thuê nhà ở đấy, lâu lâu mới về Sài Gòn một lần.
Cứ mỗi buổi sáng đi dạy, tôi thường gặp một người thanh niên mù, thân hình gầy guộc, vai đeo chiếc túi dết cũ kỹ, tay chống cây gậy, tay kia cầm xấp vé số, quờ quạng đi dọc theo con đường chính ở gần khu chợ.
Hình ảnh người thanh niên tội nghiệp hai mắt chỉ còn là những nếp da nhăn nhúm đó thì đã quen thuộc với dân chúng trong thị trấn này lắm rồi. Ai cũng khen chú ấy chăm chỉ, cần cù, đặc biệt là tuy mù nhưng rất minh mẫn, thối tiền không bao giờ lầm. Tôi ngạc nhiên lắm, người mù thì làm sao nhìn thấy các tờ giấy bạc mà không lầm được? Vợ chồng tôi gần như chẳng bao giờ mua vé số. Không phải chúng tôi nghèo đến độ không có tiền mua mà là do không có phương tiện theo dõi. Đi ở trọ, không có TV, không radio, không báo chí, cái gì cũng không hết, chỉ có hai vợ chồng và đứa con trai nhỏ mới bập bẹ tập nói mà thôi. Nếu mua vé số, không so thì tiếc mà so thì ngại, phải ra ngoài đường chỗ mấy bà bán vé, mượn sổ để so, chắc chắn không trúng nhưng so xong lại phải mua nữa kẻo sợ bà ta không bằng lòng. Tôi nghĩ nếu lúc nào rảnh, mua của chú mù vài tấm thì sẽ biết chú ấy thối tiền như thế nào.
Tuy nghĩ như vậy nhưng rồi tôi cứ quên đi, chưa bao giờ có dịp dừng xe đạp lại để mua.
Một hôm, vui miệng tôi nói chuyện với học trò trong lớp. Các em nhao nhao: "Ổng sờ đó thầy! Ổng sờ hay lắm, cứ đồng nào bao nhiêu là ổng biết liền!".
Sờ tiền? Tôi rất ngạc nhiên. Tôi hiểu người mù thì cảm giác trên các đầu ngón tay của họ rất tinh, nhưng chẳng lẽ chú ấy lại tinh đến mức chỉ sờ mà biết được tiền?
Tôi nói chuyện với cậu Út, con trai bà chủ, làm ở nhà ga xe lửa. Cậu cười ngặt nghẹo: "Không phải vậy đâu thầy ơi! Trong lúc sờ thì ổng đo đó thầy. Mỗi lần nhận tiền ổng đo trong lòng bàn tay. Loại giấy bạc nào chiều dài chiều rộng bao nhiêu ổng đã nhớ rõ hết nên khi đo, ổng nhận ra liền không thể nào lầm được".
Thì ra vậy, cậu Út nói có lý. Ít nhất cũng phải như thế chứ cứ sờ tờ giấy bạc mà biết thì tôi không tin.
Hôm ấy, buổi sáng đi dạy, tôi được lãnh tiền coi thi chấm thi Tốt nghiệp Phổ thông (tức tương đương với thi tú tài trước năm 75), do cô thư ký nhà trường mới lãnh ở Ty Giáo dục về. Buổi chiều, nấu cơm xong, ngồi bên hiên cạnh bếp kéo võng cho con, tôi chợt nhớ tới số tiền cất trong ngăn kéo trước khi đưa cho nhà tôi, bèn vào lấy ra, đem so các tờ với nhau xem chúng lớn nhỏ khác nhau thế nào.
Không, tất cả các tờ 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng đều cùng kích thước, chỉ riêng tờ 5000 đồng thì tuy có dài và rộng hơn các tờ kia thật nhưng giá trị của nó lúc ấy rất lớn, dân chúng trong thị trấn ít khi có mà dùng tới. Tôi bèn nhắm mắt, đổi sang sờ độ dày mỏng của chúng. Cũng không biết luôn, chúng dày giống nhau, không phân biệt được.
"Ủa, thầy! Thầy làm gì vậy thầy?". Đó là cậu Út. Cậu đi làm về, thấy tôi nhắm mắt, hai tay lần lần mò mò thì kêu lên như vậy. Tôi nói cho cậu biết tôi đang bắt chước người thanh niên mù, sờ và đo thử xem có thể nhận biết được các tờ giấy bạc không. "Sao thầy, có nhận ra được không?". "Không, tờ nào cũng như nhau, xếp lại thì vừa vặn bằng nhau, riêng tờ 5000 đồng có hơi lớn hơn một chút nhưng người mua vé số mấy khi xài tới tờ 5000 đồng". "Kỳ há thầy, vậy thì lúc bán cho người ta, chú mù làm sao biết mà nhận hay thối tiền?". "Tôi cũng không hiểu, có lẽ chú ấy sờ hoặc đo để đoán sơ sơ vậy thôi, cái chính là trông cậy vào sự thành thật của mọi người, chẳng ai nỡ lừa dối một người mù". "Còn nếu như họ lừa?". "Thì chú ấy sẽ đau khổ lắm, rất mất tinh thần, không còn dám tin tưởng vào ai nữa". Rồi tôi giải thích rằng người mù sống trong một biển bóng tối, tâm hồn họ yếu đuối và họ bị mặc cảm chứ không như người bình thường. "Dạ", cậu Út chào tôi rồi dắt xe đạp vào bên trong để đi tắm. Cuộc sống ở tỉnh nhỏ thì vẫn đều đều và đơn giản như vậy.
Một buổi tối, tôi bế con ra chợ chơi.
Nhà tôi là giáo viên dạy Anh văn, còn tôi dạy môn Khoa học. Lúc ấy, mới sau 30 tháng Tư được vài năm, học sinh các lớp 12 đi thi tốt nghiệp không phải thi môn ngoại ngữ nên học hành trong năm hết sức lơ là. Ngoài ra, lương giáo viên chúng tôi cũng rất thấp, có thể nói là hạng bét trong xã hội, còn thua cả người hốt rác, quét đường nữa. Chúng tôi hiểu, tại vì dạy học là lao động trí óc, còn hốt rác quét đường là lao động chân tay, chế độ mới ưu đãi lao động chân tay hơn lao động trí óc thì như thế, không trách ai được. Vợ chồng tôi đều là giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chỉ mới có một đứa con nhưng phải hết sức tiết kiệm thì mới sống nổi.
Mấy năm sau, manh nha phong trào vượt biên và Việt kiều đã bắt đầu được phép bảo lãnh người thân trong gia đình mình ra nước ngoài. Đang nghèo đói, cả nước phải ăn bo bo, khoai lang, khoai mì, hễ ai được bảo lãnh hay vượt biên thoát là chúng tôi phục lắm, coi như họ được lên thiên đàng. Vợ chồng tôi không có bảo lãnh mà cũng chẳng dám vượt biên vì có con nhỏ, nên đành phải chịu vậy thôi.
Giữa lúc đang khó khăn thì có mấy em học sinh nói nhỏ với tôi rằng các em có mấy người bạn sắp được bảo lãnh ra nước ngoài, họ muốn nhờ nhà tôi mở lớp tối dạy cho họ học. "Sao các em không nói thẳng với cô mà lại nói với thầy?". "Tại nói với thầy dễ hơn, nhờ thầy về hỏi cô giùm, hễ cô đồng ý thì họ sẽ đến thưa chuyện với cô về giờ giấc, thời khóa biểu nọ kia chớ việc chưa ra sao, lỡ người khác biết đồn rùm beng lên rất nguy hiểm". Các em nói bấy nhiêu là tôi hiểu, những người kia muốn học với ý định vượt biên hay sao đó nên mới giữ gìn như thế chứ học tiếng Anh đâu có tội gì. Kệ, chuyện đó không liên quan gì tới chúng tôi, đang nghèo, cứ có người học là chúng tôi mừng rồi.
Nhà tôi nói chuyện với bác chủ, nhờ bác cho dạy tại ngôi từ đường của gia đình bác ở phía đằng trước, mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ tối tới 9 giờ tối, tiền điện chúng tôi trả và sẽ gửi thêm tiền thuê nhà. Bác chủ mừng lắm, phần vì gia đình ít người, ngôi từ đường suốt ngày đóng cửa im ỉm, ban đêm không bật điện, lặng lẽ như ngôi nhà hoang, bây giờ có người học càng vui. Phần vì bác rất quý mến chúng tôi, thấy chúng tôi có thêm được chút thu nhập bác cũng mừng giùm.
Cứ những buổi tối nhà tôi dạy thì tôi phải giữ con. Ôi chao, hai tiếng đồng hồ sao mà dài thế! Tôi thường giết thì giờ bằng cách bế thằng bé đi lòng vòng ra chợ, mua cho nó một chiếc bánh tráng rồi về, trải chiếu xuống đất hai bố con ngồi chơi với nhau, chờ cho đến khi nhà tôi dạy xong thì tôi... bàn giao công tác!
Buổi tối hôm đó, như thường lệ, tôi bế con ra chợ. Sau khi đi một vòng, định tới chỗ cô hàng bán bánh tráng thì không thấy cô đâu cả, lò than hồng và chiếc sọt đựng bánh tráng vẫn còn để đấy. Phía bên kia đường, một đám đông đang đứng bàn tán lao xao, hình như có chuyện gì hơi lạ. Đoán là cô bán bánh tráng cũng ở bên ấy, tôi bồng con sang. Tôi thấy người thanh niên mù bán vé số đang đứng khóc ở giữa đám đông. Dưới chân cột đèn, hình ảnh của chú ấy với chiếc túi dết đeo trên vai và cây gậy rơi dưới chân trông mới thảm thương làm sao! Tôi nghe nói người mù khóc không có nước mắt, bởi vì các tuyến lệ của họ đã bị teo đi, không còn tạo ra được nước mắt nữa. Người thanh niên mù này khóc và hai tay luôn luôn dụi mắt nên tôi không hiểu chú có nước mắt hay không.
Cô hàng bánh tráng đứng ngay trước mặt. Thằng bé con tôi kéo tóc cô. Cô quay lại, mỉm cười bẹo vào má nó và hơi cúi đầu chào tôi. 'Chuyện gì vậy cô?". "Bị giựt đó thầy. Ổng bán vé số, bị tụi nó làm bộ mua rồi giựt cả xấp vé lẫn tiền không còn đồng nào...". Tôi lấy làm lạ, ở thị trấn này dân chúng đa số đều biết mặt nhau, không hiểu tại sao lại xảy ra một chuyện cướp giựt như vậy. "Bọn chúng người lớn hay con nít?". "Dạ thưa người lớn. Nghe nói thằng ngồi đằng trước là thanh niên, lái xe Honda, còn thằng ngồi phía sau là đàn ông, ăn bận đồ tây đàng hoàng. Tụi nó ngừng xe, kêu chú mù đến làm bộ mua rồi giựt cả vé lẫn tiền phóng xe chạy mất...". "Tội nghiệp! Vậy là chú ấy mất tất cả bao nhiêu?". "Dạ, em hổng biết. Em thấy lộn xộn nên cũng mới ở bển bước qua bên này". Một người đàn bà hơi mập quay lại. Nhận ra tôi, bà gật đầu chào rồi nói: 'Nghe đâu mười sáu ngàn với sáu chục tấm vé số đó thầy giáo. Thiệt, quân thất nhơn ác đức, đến người mù nó cũng hổng tha!".
Chú thanh niên mù vẫn khóc, cúi xuống quờ quạng tìm cây gậy. Tôi bồng con bước vô, nhặt chiếc gậy giùm cho chú, chú nói "Dạ, cám ơn" một cách lễ phép. "Sao, nó giâït của em như vậy là mất bao nhiêu?". Chú mù đang khóc, nghe không rõ nên không trả lời. Mấy người đàn bà đứng đó giục: "Kìa, thầy giáo hỏi sao không nói...". Chú mù nghe biết tôi là thầy giáo nên cúi đầu chào thưa thầy rồi kể lại rằng chú đem đi 100 tấm vé số, bán từ sáng tới giờ được 32 tấm, còn lại 68 tấm, đang tính đi ăn dĩa cơm rồi về, ngày mai sẽ đi bán tiếp thì có hai người đi xe Honda kêu lại mua. Chú đưa 8 tấm vé lẻ, họ coi rồi chê ít quá lại toàn vé đơn, chỉ có hai tờ cặp đôi; họ muốn mua nhiều, cặp năm hay cặp mười thì trúng mới đã. Chú mừng quá bèn lấy trong túi dết ra cả xấp 60 tấm đưa cho họ coi đặng họ chọn lựa. Họ nói họ lấy 5 cặp tức 25 "vé đẹp", có tiền thối không? Chú nói "Dạ, có" rồi lấy số tiền trong túi dết ra để chuẩn bị thối. Họ giựt số tiền đó và cầm cả xấp sáu chục tấm vé, sang số xe, chạy đi mất...
Kể xong, chú thanh niên mù quên là đang nói chuyện với tôi nên sụt sịt khóc: "Bốn mươi sáu ngàn bạc! Trời đất ơi, tiền tui nhận vé của đại lý, bán xong mới thanh toán cho người ta chớ tui làm gì có! Tui lấy đâu mà trả lợi cho người ta bây giờ nè trời!...". Nói xong chú lại khóc và kể lể: "Từ sáng tới giờ tui nhịn đói nhịn khát chớ có dám ăn uống gì đâu, bây giờ tính ăn miếng cơm rồi đi nhờ xe lửa về thì người ta giựt hết tiền có khổ thân tui không nè trời!...". Tiếng khóc của chú nghe rất thảm não. Tôi hơi ngạc nhiên, người thanh niên mù này ở đâu mà phải về bằng xe lửa? Tôi hỏi, chú vừa khóc vừa trả lời: "Dạ thưa con đâu có nhà, ở chung với đứa bạn trong cái chòi ngoài cánh đồng ở Thủ Đức. Nó cũng đi bán vé số. Tụi con chia nhau, nó bán dưới đó, con bán trên này chớ hai đứa cùng mù cả, bán chung một chỗ ai người ta thương...". Rồi chú mù lại khóc: "Bây giờ nó giựt hết tiền, con hổng có mà trả cho đại lý thì biết lấy gì để sống nè trời!...".
"Thôi được, để thầy bù lại cho em". Trong bóp của tôi có 120 ngàn là lương của tôi và của nhà tôi, hồi chiều đi dạy cô thư ký bảo tôi lãnh luôn thể. Nhà tôi mắc lo cơm nước, tối lại lo dạy nên tôi còn giữ đấy, chờ nhà tôi rảnh mới đưa để nhà tôi cất đi. Bây giờ tôi giúp chú mù 46 ngàn đồng, kể ra cũng hết hơn 1/3 số lương nhưng dù sao tháng này chúng tôi còn có học phí do học viên đóng, và tôi cũng có hai bài dịch trên báo Thanh Niên với báo Tuổi Trẻ, chưa lãnh nhuận bút, chắc không đến nỗi túng thiếu.
Tôi lấy ra 46 ngàn đưa cho chú mù nhưng chú nhất định không nhận. "Con cám ơn thầy, cái thân con đui tối tật nguyền, thầy thương như vậy là con mãn nguyện lắm rồi. Thầy là nhà giáo cũng nghèo chớ đâu có tiền bạc gì, dẫu chết con cũng không dám nhận của thầy!". Nói thế nào chú ấy cũng không nhận, mấy người đàn bà phải khuyên nhủ: "Thầy cho thì cầm đi cậu. Thầy cô dạy trong trường cấp 3, ngày trước kêu là giáo sư chớ không nghèo lắm đâu, thầy cho thì cầm đem về mà trả cho người ta, mơi lại lãnh vé đi bán nữa", bấy giờ chú mù mới nhận và cúi đầu cám ơn tôi: "Con đội ơn thầy!".
Vậy là xong, đám đông dần dần giải tán. Tôi vừa bế con đi được vài bước thì chú quơ quơ tay tìm kiếm: "Ủa, thầy đâu rồi thầy?". Tôi ngạc nhiên dừng lại: "Chuyện gì vậy em?". Chú lấy trong chiếc túi dết ra đưa cho tôi mấy tấm vé số còn lại: "Người ta cướp giựt con sợ quá rồi, chắc từ bữa mơi con không dám đi bán nữa. Còn mấy tấm này con xin biếu thầy!". Tôi bật cười: "Của em thì em giữ chứ thầy lấy làm gì. Số thầy không trúng được đâu". Từ chối thế nào chú cũng nhất định nhét vào tay tôi bằng được và chú nói rất khéo: "Hổng phải con dám mong thầy trúng. Có điều thầy thương con, giúp con có tiền trả cho người ta thì con biếu thầy đặng coi như chút kỷ niệm của đứa học trò tật nguyền này vậy mà". Bất đắc dĩ tôi phải cầm: "Thôi được, thầy cám ơn em!".
Tôi bế con đi, qua bên kia đường mua cho con chiếc bánh tráng rồi về.
Nhà tôi đã dạy xong, đứng chờ ở cổng và trách tôi sao cho con về muộn. "Được, để lát anh sẽ kể cho em nghe".
Chúng tôi ngồi chơi trên chiếc chiếu nhỏ trải ngoài hành lang trước cửa căn phòng nhà trọ. Ánh trăng miền quê chênh chếch chiếu xuống qua ngọn cây khế sáng rỡ và thật êm đềm. Thằng bé bám vào vai mẹ, tay nó cầm miếng bánh tráng, tay kia cứ kéo mặt mẹ lại đòi phải nhìn nó rồi nó nghiêng đầu, nhắm mắt, miệng kêu ư ư giống như người khóc. Nhà tôi ngạc nhiên: "Bé nó làm gì vậy anh?". Tôi cười: "Nó bắt chước chú mù khóc đấy". Đoạn tôi kể cho nhà tôi nghe chuyện chú mù bị giựt, đứng khóc, tôi giải quyết bằng cách giúp chú ấy bốn mươi sáu ngàn và chú ấy tặng tôi tám tấm vé số để làm kỷ niệm.
Nhà tôi hỏi lại: "Thế anh lấy của chú ấy tám tấm vé số đấy à?". "Anh đâu có lấy, tại chú ấy đưa thì phải cầm chứ lấy làm gì. Tụi mình đâu có trúng được mà lấy". "Vậy thì được, em sợ anh không để ý, đã cho con trâu lại còn cố lấy lại sợi dây thừng". "Anh không xấu như vậy đâu".
Thời gian qua đi. Cỡ hai tuần sau, một buổi sáng không có giờ dạy, tôi ra chợ uống ly cà phê. Ở gần khu chợ có quán cà phê bình dân kêu là cà phê 'vớ", pha sẵn trong bình, bán bằng các ly xây chừng nho nhỏ, rẻ nên người ta uống rất đông. Một cậu bé hình như học trò đến mời tôi mua vé số và cầm cuốn sổ ghi kết quả của các lần xổ chìa trước mặt tôi. Chợt nhớ tới mấy tấm vé của chú mù tặng vẫn còn gấp để trong bóp, tôi gật đầu bảo được, cho chú mượn sổ, lát chú sẽ mua. Thằng bé cho mượn rồi bỏ đó, đi sang bàn khác. Tôi dò. Cả sáu tấm vé trật lất không trúng lấy được một con số. Đến hai vé cuối cùng - vé cặp, tức hai tấm giống nhau - tôi bỗng sửng sốt không dám tin ở mắt mình nữa: một hàng sáu con số thì năm con sau xếp đúng y chang như kết quả đã ghi trong sổ, kêu là giải độc đắc. Ở Việt Nam, trước năm 75 cũng có xổ số nhưng mỗi tuần chỉ xổ một lần vào mỗi buổi chiều Thứ Ba, và mỗi vé in sáu con số, lô độc đắc phải trúng cả 6 con. Từ sau năm 75, cái lợi về việc xổ số rất lớn nên các tỉnh đua nhau xổ. Tỉnh nào cũng có Công ty Xổ số Kiến thiết (họ xài chữ của chế độ cũ), tự in lấy vé của tỉnh mình và phân nhau ra, mỗi tỉnh xổ mỗi tuần một lần vào một ngày nào đó nhất định như Thứ Hai hoặc Thứ Ba chẳng hạn - riêng Sài Gòn thì xổ tuần hai lần vào chiều Thứ Bảy và chiều Thứ Hai. Đặc biệt, tỉnh nào cũng in cả 6 con số giống như thời cũ nhưng lô độc đắc (gọi là giải độc đắc) chỉ xổ có 5 con thôi; bỏ con số đầu, cứ trúng 5 con sau là được.
Vậy là tôi trúng hai vé số độc đắc. Tim tôi gần như ngừng đập, phổi tôi ngừng thở. Tôi coi đi coi lại thì thấy đúng như thế, không sai một ly nào cả.
Thằng bé trở lại lấy cuốn sổ, nó hỏi: "Trúng không chú?". Ở tỉnh, hễ để lộ ra mình trúng xổ số là rất nguy hiểm, tôi nhún vai, nói rất bình thường: "Trúng sao được mà trúng" rồi chọn mua của nó mấy tấm, coi như thưởng công cho nó.
Trả tiền ly cà phê xong, tôi bí mật ra lề đường mượn sổ của các bà hàng so lại, cũng đúng như thế.
Về nhà, vợ tôi đang ngồi giặt chậu quần áo ở góc sân. Nàng ngửng lên: "Bé nó ngủ, anh coi chừng giùm em lát em đi chợ". Tôi im lặng. Thấy mặt tôi chầm bầm như đồ tể đánh chết trâu, nàng ngạc nhiên: 'Anh làm sao vậy?". Tôi ngoắc tay ra hiệu và nói nho nhỏ: "Vào đây anh kể cho em nghe". Nhà tôi rửa sơ tay rồi theo tôi vào trong nhà. Tôi khép cửa và khẽ thì thầm vào lỗ tai nàng: "Anh trúng xổ số em ạ". Nhà tôi kinh ngạc: "Sao? Trúng số? Thật không?". "Thật. Trúng độc đắc một cặp hai vé". "Vậy là bao nhiêu?". "Anh cũng không rõ lắm nhưng hình như số độc đắc sáu mươi hai triệu rưỡi". 62.5 triệu là con số cực lớn đối với chúng tôi lúc bấy giờ, bởi vì giá vàng hồi đó là 2 triệu đồng một cây và 62.5 triệu có thể mua được 27.5 cây. Trúng 2 tấm có thể mua được 55 cây. "Anh đã so kỹ chưa?". "Kỹ. Anh so tới ba chỗ lận, chỗ nào cũng đúng như thế". "Đâu, anh đưa em coi! Lát đi chợ em phải so cho chắc ăn chứ anh coi lầm thì hỏng". Tôi đưa cho nhà tôi hai tấm vé số: "Em đem đi một tấm thôi, lỡ có chuyện gì cũng còn một tấm". "Được, em cẩn thận, anh cứ yên tâm".
Nhà tôi vào trong thay đồ còn tôi thì ra góc sân giặt tiếp. Lúc nhà tôi đi ngang qua, nàng ghé lại chỗ tôi, dặn nhỏ: "Hai chiếc vé em cất bên dưới chiếc va-li ấy nhé. Em không dám đem theo vì sợ lỡ rơi mất thì chết". "Không đem lấy gì mà so?". "Em đã ghi vào giấy các chi tiết giống như trong tờ vé số, làm vậy cho chắc".
Lúc nhà tôi về, tôi hỏi, nàng khẽ gật: "Đúng, em so hai chỗ đều đúng như anh nói".
Vợ chồng tôi bàn tính với nhau, lát ăn cơm trưa xong tôi sẽ về Sài Gòn lấy chiếc xe Vespa xuống, sáng mai sẽ xin phép nhà trường nghỉ một ngày, gửi thằng bé cho bác chủ nhà trông giùm rồi chở nhau lên Biên Hòa xem việc lãnh tiền thế nào.
Kể ra làm giấy tờ cũng dễ. Quan trọng là hai tấm vé số. Kiểm tra xong, họ cấp cho mình một phiếu lãnh tiền, mình muốn lãnh tất cả một lúc cũng được mà chia ra lãnh làm nhiều lần cũng được. Nếu lãnh một lần họ sẵn sàng cho công an đi theo bảo vệ về tới tận nhà nếu mình đề nghị, nhưng làm như vậy mọi người sẽ biết nên chúng tôi xin lãnh làm nhiều lần, mỗi lần một ít cho đỡ nguy hiểm. Ngoài ra, một điều bất ngờ là lúc ấy các tỉnh đang khuyến khích dân chúng mua vé số, nên ở Minh Hải tức hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu hợp lại, cứ mỗi vé trúng độc đắc người ta tặng ba ký tôm khô xuất khẩu, còn ở Biên Hòa thì tặng một bao gạo trắng loại 100kg. Chúng tôi trúng 2 vé, vậy là được hai bao. Nhà tôi thuê xe lam, ngồi trên xe chở hai bao gạo còn tôi thì đi Vespa kèm theo, tiền đựng trong cốp xe, có khóa chắc chắn nên cũng yên tâm.
Về đến nhà, chúng tôi nói dối lên thăm bà chị ở trên Hố Nai, hai bao gạo là của bà chị cho nên chia ra, biếu bác chủ và hàng xóm mỗi nhà vài ký; đem về Sài Gòn nửa bao biếu đôi bên cha mẹ. Còn lại một bao nguyên, tôi thấy nhà tôi nhờ mọi người khuân giùm vào trong nhà, đậy đệm thật kỹ. "Em tính mình để dành nửa bao ăn dần, còn nửa bao thì giúp chú mù. Nhờ chú ấy cho nên mình mới trúng số". "Được, tùy em thôi, anh thì có biết tính toán gì đâu, chia bớt để đền ơn chú ấy là phải". "Em định mỗi lần lãnh tiền, anh chở em với thằng bé về Sài Gòn nhờ mợ mua giùm mấy cây vàng. Từ từ rồi mình sẽ trả cho chú mù một ít để chú ấy làm vốn sinh sống chứ mình trúng xổ số mà chú ấy vẫn nghèo không có miếng ăn, em áy náy lắm". Nhà tôi quê ở Hà Nội nên có thói quen gọi bố mẹ bằng cậu mợ. Ngoài ra, hồi đó còn đang trong thời kỳ ngăn sông cấm chợ nên người ta cấm mua bán vàng, phải quen thì mới mua được. Chỉ cần ba cây vàng là có thể vượt biên và nhà cửa rất rẻ, vài cây cũng đã mua được.
Nhưng hằng ngày đi dạy, tôi để ý song không trông thấy người thanh niên mù đi bán vé số. Hỏi học trò cũng không ai biết. Có lẽ chú ấy sợ nên đã bỏ nghề rồi chăng? Tôi đi xe Vespa xuống Thủ Đức tìm kiếm khắp nơi với hy vọng nếu không tìm được chú mù thì ít ra cũng tìm được người bạn của chú ấy. Nhưng hoàn toàn vô vọng, hỏi thăm cũng không ai biết.
Thời gian dần dần trôi qua. Ít lâu sau vợ chồng tôi được đổi về Sài Gòn. Năm 1990, bắt đầu thời kỳ mở cửa. Báo chí, sách vở xuất bản nhiều. Nhất là phim ảnh, dịch phim Việt Nam sang tiếng Anh cho đài Truyền hình Sài Gòn để họ bán cho nước ngoài dễ sống hơn làm nghề thầy giáo rất nhiều. Tôi xin nghỉ dạy, chuyên sống về dịch và viết lách. Đồng Tiền Xương Máu, Người Đẹp Tây Đô, Con Nhà Nghèo, Ông Cá Hô v.v..., tôi dịch tuốt luốt.
Một hôm, gần Tết, tôi có công việc phải xuống Vĩnh Long thăm một người bạn. Trong khi ngồi chờ trên xe ở Xa cảng Miền Tây, tôi trông thấy vợ chồng một người ăn mày và đứa con trai khoảng 6-7 tuổi của họ. Người vợ đi trước, tay dắt người chồng, vai khoác đồ nghề là chiếc bình ắc-quy kèm theo chiếc loa phát thanh nho nhỏ. Người chồng đi sau, hai tay ôm cây đàn ghi-ta có chiếc mi-crô cột trên cần đàn cao ngang với miệng. Đứa con đi bên cạnh, tay cầm chiếc lon đựng tiền. "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa... Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa... Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt, lá vàng nhè nhẹ đưa, tưởng như bước lê hè phố...", người đàn ông hát khá hay với cái giọng khàn khàn, quê mùa, dường như có gì quen thuộc. Vẫn chiếc áo blu-dông cũ kỹ. Vẫn chiếc túi dết đeo bên cạnh sườn. Vẫn hai hốc mắt sâu hoắm với những làn da nhăn nhúm và cái đầu cúi cúi nhưng trông chú có vẻ khỏe mạnh hơn. Nhận ra đó là người thanh niên mù hồi trước, tôi mừng quá bèn xuống xe, mang theo túi xách xuống.
Tôi vỗ vào vai chú mù trước sự ngạc nhiên sửng sốt của vợ và con chú: "Này em, dừng lại cho tôi hỏi thăm một chút...". Chú mù ngừng hát, lắng tai nghe ngóng: "Ai đó?". "Thầy đây, thầy là thầy giáo hồi trước dạy học ở Dĩ An đây. Em có nhớ buổi tối hôm đó em đi bán vé số bị tụi nó giựt mất tiền rồi thầy đền lại cho em...". Chú mù cố nghĩ rồi chợt nhớ ra: "Trời ơi, thầy tui! Hèn chi con nghe giọng quen quen!...". "Thầy kiếm em cùng khắp mà không thấy, không ngờ gặp em ở đây. Cô muốn giúp đỡ em, mình đi kiếm chỗ uống nước rồi thầy nói chuyện...".
Chúng tôi ngồi trong quán nước. Chú mù kể cho tôi nghe hồi đó chú sợ quá không dám đi bán vé số nữa, đứa bạn cũng sợ, hai đứa bèn bỏ chiếc chòi ở Thủ Đức, xuống bến xe Miền Tây làm nghề hành khất vì ở dưới đó xa quá, đi lấy vé số rất khó. Dần dần chú gặp cô gái mồ côi bán nước trà đá, hai đứa nương tựa vào nhau để sống. "Bây giờ các em ở đâu?". "Dạ thưa thằng bạn con về bên Mỹ Tho, còn vợ chồng con thì dựng cái chòi dựa vô bức tường bên lề đường cũng ở gần đây. Người ta cứ đuổi hoài...". 'Thầy mắc đi Vĩnh Long có chút chuyện. Em dẫn thầy về cho biết chỗ rồi vài hôm nữa thầy sẽ chở cô xuống. Cô mong gặp các em lắm để giúp các em". Và tôi nói thêm: "Ngày trước cô cũng dạy trong trường Trung học Dĩ An, sau mới đổi thành trường Cấp 3 Dĩ An...'. "Dạ".
Gọi là cái chòi nhưng cũng tạm được. Cứ có bàn tay phụ nữ là họ thu vén gọn gàng, sạch sẽ. Trước khi đi, tôi giúp vợ chồng chú mù một số tiền, chú cám ơn lắm.
Trong khi ngồi trên xe đò để xuống Vĩnh Long, tôi nghĩ rằng chiều nay hoặc muộn lắm là sáng mai, từ Vĩnh Long trở về tôi sẽ kể cho nhà tôi nghe chuyện gặp chú mù và đã biết chỗ ở của vợ chồng chú ấy, chắc nhà tôi sẽ mừng lắm. Với sự giúp đỡ và "trả ơn" của chúng tôi, dù hoàn cảnh của chú ấy thế nào đi chăng nữa thì tết nhất sắp đến, tôi mong cái gia đình bé nhỏ đó cũng có một chút mùa Xuân.

No comments:

Post a Comment