Links

Monday, April 9, 2012

Người yêu của lính

_____________

Phan

Từ hồi qua Mỹ bà Thời chỉ ở nhà. Nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ... cho chồng con đi học, đi làm. Đôi lần ông Thời có nói: "Tụi nhỏ đã lớn hết rồi, để tụi nó tự lo bữa ăn, cái mặc... cho biết cách xoay xở khi xa nhà. Bà cũng nên ra ngoài, đi làm công việc gì đó cho có tiếp xúc..." Nhưng chuyện ông nói đâu phải lần đầu mà quan trọng; phần con cái đả đảo: Má đi làm. -Vì quyền lợi được ăn ngon, mặc sạch, không phải dọn dẹp phòng, nhà cửa... tụi nhỏ phản đối kịch liệt làm bà cũng thương con. Nhưng không ra ngoài thì bà cũng biết đời sống Mỹ, con cái đi đại học không phải chỉ là 4 năm, 6 năm hay 8 năm... nó đi tới hết cuộc đời. Hôm đứa nào đi đại học cũng run như đi quân dịch, làm cha mẹ lo không hết. Nhưng năm sau là gọi rát cổ nó cũng bận - không về. Rồi từ đó kệ nó, chừng nào về thì về. Và nó chỉ về khi gặp khó khăn gì đó! Thời ba nó 18 tuổi đi lính, khi trở về đâu còn như lúc ra đi; thời nay con đi cũng đâu có về, một đứa nhỏ đi ra khỏi nhà; nhưng chỉ có một người khác hẳn nó trở về... Bà Thời tin suy nghĩ của mình đúng lắm! Thằng lớn đó, đã lập gia đình thì vợ con nó về thăm ông bà nội còn nhiều hơn nó.


Cuối cùng là đời bà đã thổi sáu cây nến lớn trên ổ bánh sinh nhật lần thứ sáu mươi. Nếu còn ở Việt Nam thì lễ thượng thọ này lớn lắm... bà nghĩ thế thôi. Đâu có gì buồn khi đời sống thay đổi tốt đẹp hơn, thay vì thằng lớn đi đạp xích lô thì thằng kế làm thợ hồ; mấy đứa con gái lấy chồng cho xong chuyện... sao bì được với gia đình bà bây giờ toàn sư với sĩ,... đời bà không nghĩ đến chữ sư; chữ sĩ thì bà có chồng là trung sĩ tài xế cho ông đại tá - hồi xưa. Nhiều lúc nấu nướng mệt mờ mắt cho bọn trẻ ăn nhưng bà vui ghê lắm khi nghe con gái nói chuyện với bạn bè nó là bác sĩ, nha sĩ, họa sĩ... không tưởng tượng nổi con nhỏ chỉ ước đủ lớn để đi bán vé số mà bây giờ bạn bè với toàn sĩ; thì nó cũng hàng sư chứ thua kém ai.
Nhưng từ hôm nhà vắng đến chỉ còn hai người, bà Thời nói với chồng: "Ông ơi, bây giờ tui rảnh tới cháu nội cũng không được giữ; vợ chồng thằng Hai chạy theo việc đi xa. Tui theo tụi nó để giữ cháu thì ai lo cơm nước cho ông. Ở nhà thì buồn cả ngày... Ông coi, tìm việc cho tui đi làm được rồi!"
Ông Thời thở dài: "Tui nói bà ra ngoài có đã chục năm hơn thì bà không nghe. Bây giờ..."
"Ông đừng trách tui, tui biết ông cực khổ từ hồi qua đây, nhiều lúc tui cũng muốn đi làm để giúp ông, nhưng tui tính cho cùng, ở nhà lo cơm nước, giặt giũ cho ông an tâm đi làm, con cái đi học... tui không ân hận gì hết. Bây giờ, tui đi làm là cho bớt rảnh, làm cho tui..."
"Bà coi, đi chùa làm công quả cho vui. Đi làm, thời buổi này... mà mình cũng đâu cần tiền bạc gì nhiều nữa. Bà đi làm chi cho cực. Tui cũng tính đi làm vài năm nữa cho tới hưu rồi thôi. Mà cũng không biết có được không?..."
Lần thứ ba, bà đòi đi làm. Ông Thời chỉ nói: "Thằng Mỹ hàng xóm nó nói: Chó nhà mày ỉa bên sân nhà nó, bà phải qua hốt. Bà thank you rồi vô nhà đóng cửa. Bây giờ bà đòi đi làm, tui cũng không biết ai nhận bà già sáu mốt, tiếng Anh chỉ biết thank you!"
"Tui biết mà ông, tui nói là không hối hận từ hồi qua Mỹ, tui chỉ lo cho gia đình, con cái. Hôm nay tụi nhỏ không còn gì phải lo là tui thành công rồi..."
"Thì bà lo cho bà đi, lo hưởng thụ. Tội gì phải đi làm."
"Tui còn một chuyện, tui tính đi làm vài năm là đủ; cũng vừa tuổi nghỉ hưu".
"Bà cần bao nhiêu tiền? Làm gì, tui không cần biết! Cho bà xài hết tiền tui để dành được. Nếu thiếu thì nói tụi nhỏ cho thêm. Bà cứ nghỉ ngơi, đi chùa, đi chơi chỗ nào bà thích..."
Bà Thời thở dài, đầu hàng... nhưng không vui. Buộc ông Thời an ủi: "Hay bà nấu cho tui mớ thức ăn, bỏ tủ lạnh rồi đi thăm vợ chồng thằng Hai cả tháng cũng không sao. Người ta có dâu thảo để hưởng phước; bà có dâu biết phải quấy chỉ thêm mệt. Rồi nay mai mấy đứa con gái lấy chồng, bà bay không kịp tụi nó réo..."
Buổi tối hai người kết thúc không như ý, bà Thời thao thức tới canh khuya. Ông cũng không ngủ được, "Bà nghĩ coi, bây giờ bà làm được việc gì, tui đi xin việc cho bà".
"Tui tính hết rồi, vô hãng xưởng thì ai nhận tui, nhất là thời buổi đuổi người không kịp... nhưng tui đọc báo thấy nhiều người cần người lớn tuổi giữ con nít tại gia. Tui nhắm mình làm được đó ông!"
"Trời ơi, nhớ cháu thì bay đi thăm cháu, mắc gì phải đi coi con người ta".
"Nhưng mà..."
"Tui nói rõ với bà, tuy bà không đi làm từ hồi qua đây, nhưng bà đã làm nhiều giờ hơn tui đi làm; con cái có được hôm nay là do công sức của bà nhiều hơn tui. Chuyện con cái thì nước chảy xuôi, không tính. Chuyện vợ chồng thì... cũng không nói là của chồng công vợ được. Của bà hết đó. Trong bank có nhiêu, bà cứ việc xài việc gì bà thích. Không hơi đâu tuổi này rồi, không nghèo không khổ, mà phải đi coi con người ta".
Ông Thời đón ly cà phê sáng từ tay vợ như mọi ngày, nhưng hôm nay đi làm không yên bụng! Bả khóc suốt đêm qua, mình ngủ mê nên không biết, hai con mắt xưng húp. Chiều về, ông ngồi đợi dọn cơm với tờ báo. Bà vui mừng khi thấy ông đọc trang rao vặt... Khấp khởi trông tin rồi thất vọng... bà Thời nén lòng chờ đợi, chờ đợi đến cả tuần mới nghe ông báo tin: "Tui đã tìm được chỗ giữ trẻ cho bà. Gia đình này gần nhà mình, hai vợ chồng trẻ như thằng Hai nhà mình. Họ chỉ có một con gái, 3 tuổi. Yêu cầu chỉ giữ từ sáng tới chiều họ đi làm về, không phải nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì hết... Tuần năm ngày, tuần nào làm thêm thứ bảy thì họ báo trước và trả thêm tiền. Tui có nói chuyện với họ rồi, vợ chồng trẻ thì thỉnh thoảng đi chơi khuya, con họ sẽ theo bà về nhà mình. Khi nào họ về thì ghé đón. Tui không đồng ý cho bà ở nhà người ta qua đêm..."
Bà Thời nghe như được tuyên dương trước sân trường thuở bé, niềm hãnh diện hòa trong vui sướng biết bao... "Được quá rồi ông! Mà ông cho tui đi làm thiệt hả?" Giá như bốn chục năm trước mà bà ôm cổ ông, hôn lên gò má thì ước mơ của ông đã thành sự thật; thề không mộng mị lâu dài theo gót giày saut nay đây mai đó... Người lính già ngấn lệ sau lớp kính lão, ngồi yên. Mong thời gian ngừng trôi! Phút yên lặng thay câu trả lời: Tui đã đồng ý cho bà đi làm. Không khí gian phòng như chùng xuống. Ông Thời chỉ mong con cái đừng hiểu lầm ông...
Ngôi nhà sang trọng mở cửa đón tiếp ông bà Thời, đôi vợ chồng trẻ trí thức, phong độ có giáo dục gia đình là nhận xét đầu tiên làm ông Thời có thiện cảm. Đến cháu bé làm mê hoặc ông bà vì nó ngoan, sáng sủa... đúng là con gái nên nhẹ nhàng, không bậm trợn như thằng cháu nội bắt ông nội làm ngựa cho nó cỡi; ngủ thì gối đầu lên tay bà nội chứ không xài gối, bà nội tê tay, đau nhức tới ứa nước mắt cũng cắn răng chịu đựng...
Rất tiếc cho vấn đề đặt ra không phải là lương bổng, cha của đứa bé chỉ hỏi: "Khi ở nhà với bà, nếu cháu té ngã, ngất xỉu hay bị chảy máu... Bà sẽ làm sao?" Bà Thời không biết phải làm sao! Những biện pháp thoa dầu, kêu cha mẹ cháu đều muộn vì cha mẹ cháu bé muốn bà kêu 911 liền tức khắc!
Ông Thời không nói gì nhưng cảm phục đôi vợ chồng trẻ này lắm, người vợ vui vẻ, tế nhị... đúng là của cho không bằng cách cho, cô ấy vào phòng rồi trở ra với phong bì mới toanh, "Con xin gởi hai bác tiền xăng đã đến thăm vợ chồng con và cháu bé..."
Ông đưa bà Thời ra về mà cứ nhớ hôm mình đậu cái xe jeep lần cuối cùng, ném chìa khóa vô bụi cây, thay bộ quần áo dân sự, rồi tìm đường về nhà. Cái nhục, buồn, tủi, tự trách của một người thất trận đã 36 năm qua như hiện về trên gương mặt vợ! Hôm ấy, ông về được tới nhà thì bà cũng thất trận như ông, buồn ghê gớm lắm! Bây giờ ông cũng vẫn buồn mỗi tháng tư về; nhưng 11 tháng còn lại trong năm thì chẳng sợ ai, không hờn tủi gì hết. Không khoe khoang thì thôi chớ thua gì ai mà tủi hờn... nhưng bà, "Bà ơi! Họ là hai vợ chồng tốt nhất mà tui được gặp, từ hồi qua Mỹ. Họ nói hoàn toàn đúng là khi có chuyện gì ở nhà thì phải gọi 911, để cấp cứu trước, rồi mọi chuyện tính sau. Tiếc là bà..."
"Thì tui không biết tiếng Anh mà!" Bà Thời khóc thành tiếng...

Chuyện đó đã ba năm, hôm nay nhà ông Thời tưng bừng kỷ niệm 30 tháng 04. Con cháu về đông đủ, vợ chồng đứa con nuôi là vợ chồng nhận bà Thời giữ trẻ sau một tuần từ chối! Ông Thời chờ họ giải thích vì sao sau một tuần mới gọi bà Thời giữ con cho họ? Con bé đã sáu tuổi, đi lớp 1, ăn ở nhà ông bà, gọi ông nội, bà nội như ruột thịt, không chịu về nhà cha mẹ...
Tiệc tùng đã sẵn, ông Thời giận trong bụng nhưng chưa tới lúc phát tiết ra ngoài: Người thân của ông có thể vui với ngày này hay sao? Rồi vợ chồng thằng con nuôi chưa bao giờ đến muộn, chúng nó đã đi đâu, để cả nhà chờ?!...
Chúng nó đã đến với chiếc xe jeep mới cáu, màu nhà binh... cả nhà ùa ra xem xe mới, trầm trồ: đẹp quá, ngầu quá!... Ông Thời không có hứng với bon chen nên là người duy nhất còn lại trong nhà để thấy bà Thời lặng lẽ nhỏ những giọt nước mắt hạnh phúc trong bếp, ông đến như ở đâu có Việt cộng thì lính quốc gia đến can thiệp... bà cười như mấy chục năm về trước, "Tui nhờ tụi nó mua cái xe jeep cho ông đó! Hồi đó, ông ước gì được chở tui đi xe jeep một lần. Tui cũng thích lắm, rồi qua đây thì nói là ráng mua cho ông... nhưng rồi...!"
"Thì ra bà đòi đi làm mấy năm nay là để mua xe cho tui?"
"Thì xong con cái rồi, thì tui lo cho tui-là lo cho ông. Chớ tui cần tiền hồi nào đâu?..."

Mặc kệ xấp nhỏ đã ùa vào nhà trao chìa khóa cho ba. Thằng con nuôi đứng ngậm ngùi một góc, "...Tiếc là ba con đã chết trong trại tù cải tạo. Nên khi con nghe má nói ý định đi làm để mua xe jeep cho ba. Con tin má không biết tiếng Anh, nhưng chắc chắn không có nguy hiểm gì cho con của con. Con thành con nuôi của ba má cũng vì giúp má cỡ nào má cũng không chịu; anh em trong nhà cũng giúp má khi biết ý má - cũng không được. Má tự làm tự mua cho bá đó! Chúc mừng ba".

Phan

No comments:

Post a Comment