Links

Tuesday, August 14, 2012

Tiếng dương cầm trong đêm vắng

____________

Đoàn Dự ghi chép


Một chiếc đàn dương cầm được đưa từ xứ sở hoa anh đào, vượt muôn dặm đường đến với ngôi trường tiểu học trên đất Việt. Đây là vật kỷ niệm duy nhất của cô gái tuổi vừa đôi mươi, xinh đẹp, nhân hậu, song chẳng may chết thảm vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có người nói rằng chiếc dương cầm đặt tại ngôi trường được xây dựng bằng tiền gửi tiết kiệm, tiền bạn bè, thân hữu phúng điếu đám tang, đêm khuya thanh vắng thỉnh thoảng lại ngân lên những tiếng đàn như than như oán. Sự thật, có phải hồn ma của cô gái hiện về đánh đàn như lời đồn đại hay không?

Những giấc chiêm bao kỳ lạ của người gác dan

Kể lại câu chuyện về những giấc chiêm bao kỳ lạ của mình, nét mặt anh Nguyễn Tấn Tùng hiện rõ sự hoài nghi. Anh nói: “Ngay sau đó, tôi đổi chỗ ngủ. Không ngủ tại phòng có bàn thờ của cô ấy thì không thấy gì nữa. Tôi không còn cái cảm giác bức bối khó chịu nên ngủ rất ngon”. Anh Tùng nói với giọng nhỏ nhẹ, rồi nhìn quanh, như thể sợ “cô ấy” nghe tiếng.


Ông hiệu trưởng Trần Công Trường ngồi bên cạnh tiếp lời, úp mở: “Cũng lạ lắm! Trước đây cứ đến mùa gặt hái là dân chúng địa phương sống cạnh trường thường đem lúa vào, mang lên sân thượng phơi nhờ. Nhưng về sau nghe đồn đại là ở tầng hai, nơi có bàn thờ cô ấy, họ đã gặp điều gì đó, thế là chẳng ai dám tới trường phơi lúa nữa”.

Được hỏi những người đến phơi lúa có nói họ nhìn thấy gì không, thì ông Trường chỉ ậm ừ, mãi rồi ông Tùng mới ngập ngừng: “Nghe nói họ nhìn thấy... ma”. Lát sau, anh chống chế: “Đấy là họ đồn vậy thôi chứ đêm nào tôi cũng ngủ trong trường một mình, có thấy ma quỷ gì đâu. Tôi chỉ chiêm bao thấy có một lần...”.

Anh Tùng hiện là nhân viên kế toán của trường Tiểu học Junko - ngôi trường mang tên cô gái Nhật - được xây tại thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. “Làm kế toán sao anh lại phải ngủ tại trường?” Anh Tùng cười: “Tôi trông coi thay cho bà xã. Vợ tôi là nhân viên bảo vệ trường”.

Thì ra là vậy. Sau khi chị Nguyễn Thị Ngọc Thuận là bảo vệ của trường nghỉ hưu về sống tại thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thì chị Phan Thị Oanh được tuyển vào thay thế. Anh Tùng là chồng chị Oanh. Phần vì thương vợ, phần lo con cái ở nhà ban đêm không có người trông nom, nên anh Tùng để vợ trực ban ngày, còn ban đêm thì anh vào ngủ thay.

Anh Tùng kể rằng, đêm đầu tiên trực thay vợ, anh chọn căn phòng trên tầng hai, nơi có bàn thờ cô Junko, kê cái giường xếp phía trước bàn thờ mà nằm. Đêm đó, anh thấy trong người bứt rứt, khó chịu vô cùng. Khi đang lơ mơ, anh nhìn ra ngoài hành lang thì thấy bóng một cô gái mặc áo kimôno màu đỏ thêu hoa, đi ngang qua cửa phòng rồi biến mất. “Vì cô gái chỉ đi ngang qua nên tôi không nhìn rõ mặt, nhưng với bộ đồ kimono, mái tóc búi cao, tôi tin chắc đây là người Nhật. Tự nhiên tôi liên tưởng tới cô Junko rồi giật mình, ngồi dậy...”.

Anh Tùng kể tiếp rằng sau đó anh vén mùng, cầm chiếc đèn pin đi ra ngoài hành lang, rọi đèn soi khắp mọi nơi nhưng không thấy gì cả. Trở vào giường, anh nghĩ rằng có lẽ tại mình ngủ trong căn phòng có bàn thờ của cô, cô không bằng lòng nên mới xuất hiện như vậy. Anh bèn thắp mấy nén nhang, vái mấy vái, cắm lên bát hương trên bàn thờ cô Junko, rồi thu dọn mùng mền, đem chiếc giường xếp sang ngủ ở phòng bên cạnh thì ngủ rất ngon, không thấy gì nữa. Từ đấy anh ngủ ở phòng bên đó...

Theo đề nghị của các phóng viên, ông hiệu trưởng Trần Công Trường và anh Nguyễn Tấn Tùng dẫn mọi người lên căn phòng trên tầng hai, nơi có bàn thờ cô Junko. Nhìn tấm hình của cô Junko hiền lành, sang trọng trong bộ kimôno màu xanh nhạt thêu hoa, mọi người càng ngạc nhiên bởi vì nếu bị ảnh hưởng bởi bức ảnh thờ thì anh Tùng đã thấy cô Junko mặc áo kimôno màu xanh, đằng này lại thấy cô mặc kimôno màu đỏ, điều đó hơi lạ. Đặc biệt, mọi người cho biết, khi cô Junko sang chơi ở Việt Nam, chưa ai thấy cô mặc kimôno bao giờ cả, tấm hình mặc kimôno là cô chụp ở bên Nhật.

Theo một số tài liệu về kimôno - quốc phục của Nhật Bản - biểu tượng của đất nước mặt trời mọc, người Nhật mặc kinomo ít nhất là 4 lần trong đời: vào ngày lễ 7-5-3, lễ trưởng thành, lễ cầu hôn và lễ tang. Khi các cô bé được 3 tuổi và 7 tuổi, còn các cậu bé thì 5 tuổi, đến ngày 25 tháng 11 của năm 3 tuổi, 7 tuổi và 5 tuổi đó họ sẽ mặc những bộ kimôno đẹp nhất trong đời (trẻ em con trai cũng có kimôno con trai – xin xem hình) để dự lễ, rồi nhận được kẹo bánh và các quà mừng của cha mẹ cũng như thân nhân, đó là lễ 753. Khi các cô, các cậu tròn 20 tuổi, đó là lễ trưởng thành, các cậu sẽ mặc com-lê, đeo cra-vát, các cô thì mặc những bộ kimôno đẹp nhất để nhận những lời chúc mừng của người thân và bạn bè. Với bộ kimôno đó, họ như cảm nhận được tuổi thanh xuân căng tràn sức sống của mình. Junko đã làm lễ trưởng thành năm 20 tuổi và đã chụp hình với bộ kimôno màu xanh nhạt, tóc búi cao, gương mặt thánh thiện như một thiên thần... Nhưng chẳng may, cũng vào năm 20 tuổi đó, bất ngờ cô bị tai nạn giao thông trên đường phố Tokyo. Cô mất đi, để lại bao nhiêu tiếc thương cho cha mẹ, người thân và bạn bè.

Theo ước nguyện của Junko lúc còn sống là sau khi tốt nghiệp đại học cô sẽ làm điều gì đó cho trẻ em Việt Nam, bởi vậy nên ông bà Kotaro Takahashi - cha mẹ của cô Junko - đã lấy số tiền mà ông bà đã gửi ngân hàng để dành cho Junko từ khi cô mới ra đời, cộng với tiền bạn bè, thân hữu phúng điếu khi cô mất, sang Việt Nam xây dựng một ngôi trường tiểu học tại thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mang tên Junko Takahashi.

Khi ngôi trường này xây xong, trong ngày lễ khánh thành họ cũng mang sang tặng nhà trường cây đàn dương cầm mà Junko vẫn chơi từ hồi còn nhỏ.

Hiệp hội Junko Takahashi

Ông hiệu trưởng Trần Công Trường kể lại rằng, trong ngày lễ khánh thành trường Tiểu học Junko hôm ấy, ngoài ông bà Kotaro Takahashi còn có rất đông các thành viên trong Hiệp hội Junko cùng nhiều giáo sư, giảng viên cũng như sinh viên trường Đại học Meiji Gakuin (Đại học Minh Trị Thiên Hoàng), nơi Junko đang học năm thứ 3 ngành Quan hệ quốc tế. Họ đem sang bức chân dung của Junko trong ngày lễ trưởng thành năm 20 tuổi với áo kimôno màu xanh nhạt có hoa văn sang trọmg, treo lên bức tường nơi bàn thờ có chiếc đàn dương cầm khiến mọi người rất cảm động.

Theo lời Giáo sư Ebashi - vị giáo sư hướng dẫn của Junko tại trường Meiji Gakuin về khoa Quan hệ quốc tế - Junko học rất giỏi, mới 20 tuổi đã học năm thứ 3 đại học và được giáo sư giao cho nghiên cứu đề tài “Sự phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á”; Junko cùng một vài người bạn thân tranh thủ kỳ nghỉ hè để đi du lịch Việt Nam. Trong chuyến đi này, Junko và những người bạn của mình đã đến Đà Nẵng, Quảng Nam v.v... Đặc biệt, khi tới thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cô rất cảm động vì thấy có những em bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng vì nhà quá nghèo phải đi mò cua bắt ốc và ngôi trường tiểu học trong thôn thì nhà tranh vách đất, trường không ra trường trông rất tội nghiệp.

Trở về Nhật Bản, Junko đem những điều tai nghe mắt thấy ở Việt Nam kể lại cho cha mẹ, bạn bè và các thầy cô trong trường Đại học Meiji Gakuin nghe. Trong bức thư gửi cho Giáo sư Ebashi, cô nói rằng sau khi tốt nghiệp, cô sẽ làm điều gì đó để giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam, trước nhất là các trẻ em nghèo ở Đà Nẵng và Quảng Nam, “Thưa thầy, hiện tại em chưa biết em sẽ giúp gì được cho các trẻ em Việt Nam về mặt kinh tế. Nhưng em nghĩ rằng cần phải tạo điều kiện cho các em đó có những ngôi trường tốt đẹp hơn và được hưởng một nền giáo dục hoàn thiện hơn. Muốn được như vậy, mọi con người cần phải rộng lượng hơn...”.

Nhưng, chỉ 3 tháng sau, một tai nạn giao thông trên đường phố ở Tokyo đã cướp đi sinh mạng của Junko.

Ngay sau khi vụ tai nạn xa?y ra, thực hiện ước nguyện của Junko, các sinh viên trường Đại học Meiji Gakuin đã thành lập Hiệp hội Junko (Junko Association) nhằm quyên góp, giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam. Ông bà Kotaro cũng đã đến gặp Giáo sư Ebashi để đề đạt nguyện vọng sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm, tiền bồi thường bảo hiểm nhân thọ và tiền các bạn bè, thân hữu phúng điếu trong đám tang Junko, nhờ Hiệp hội Junko xây dựng ngôi trường Tiểu học Junko tại thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trường được xây dựng 2 tầng, mỗi tầng gồm 8 phòng học và các phòng làm việc, phòng dành cho hội đồng giáo viên, nhà thi đấu thể thao, thư viện v.v... Ngoài ra, Hiệp hội còn vận động, quyên góp kinh phí trang bị cho trường bàn ghế, bảng đen, sách vở, đồ dùng dạy học v.v...

Niên khóa 1995-1996, trường khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên. Đến năm 2000, cha mẹ Junko và Hiệp hội tiếp tục quyên góp, xây dựng thêm 5 phòng học nữa trên lầu tầng dành cho hội đồng giáo viên.

Ông hiệu trưởng Trần Công Trường cho biết, từ đó đến nay, năm học nào các thành viên Hiệp hội Junko cũng sang thăm trường, trao học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học của trường Junko và một số trường khác cả ở Quảng Nam lẫn Đà Nẵng. Trung bình trường Junko có khoảng 600 - 650 học sinh, Hiệp hội Junko trao tặng từ 20 đến 30 suất học bổng có giá trị, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo hiếu học.

Tiếng dương cầm trong đêm khuya


Như trên đã nói, sau khi khánh thành, ngay trong niên học đầu tiên, ông bà Kotaro và các thành viên trong Hiệp hội Junko không quản ngại đường sá xa xôi, tốn kém, đã đem chiếc đàn dương cầm là kỷ vật của Junko từ bên Nhật sang trao tặng cho nhà trường. Di ảnh của Junko được thờ ở phía trên chiếc đàn dương cầm đó. Theo các giáo viên và dân chúng chung quanh cho biết, cứ đến đêm khuya thanh vắng thì người ta thường nghe từ căn phòng trên lầu, nơi có đặt bàn thờ cô Junko và có chiếc đàn dương cầm của cô, có tiếng dương cầm thánh thót phát ra nhanh nhẹn, réo rắt, hình như tươi vui nhiều hơn là tha thiết, buồn thảm.



Ông hiệu trưởng Trần Công Trường tâm sự rằng hiện nhà trường chưa có giáo viên chơi đàn dương cầm, vì vậy mọi người cũng chỉ nghe đồn chứ chưa ai biết những âm thanh từ cây đàn phát ra trong đêm vắng là nhạc Nhật, nhạc Tây phương hay nhạc Việt. Dù sao nó cũng làm cho người ta sợ. Cộng với tin đồn rằng trường có “ma”, ngay cả dân chúng cũng không ai dám đem thóc lên sân thượng phơi nhờ nữa.

Để giải thích hiện tượng “tiếng đàn trong đêm vắng” nói trên, ông hiệu trưởng nói rằng trong trường có chuột. Cứ đến ngày rằm hay mồng Một âm lịch, chị Oanh vợ anh Tùng hay trước đây là chị Thuận – gác dan trong trường – có thói quen mua trái cây đặt lên bàn thờ cô Junko. Ban đêm, chuột thấy vắng, chạy tới chạy lui trên mặt chiếc đàn dương cầm để leo lên ăn trái cây trên dĩa nên gây ra các âm thanh “nhanh nhẹn, réo rắt, tươi vui” chứ không âm thầm, não nề, ai oán. Nếu đóng nắp chiếc đàn lại thì dù có trái cây cũng không có tiếng đàn nữa. Đó là cách giải thích của ông hiệu trưởng còn sự thực ra sao thì chưa ai biết, vì... ai cũng sợ, ban đêm chẳng ai dám đến để “thí nghiệm” cả. Ngoại trừ một mình anh Tùng, anh rất bạo nhưng anh cho biết anh chẳng nghe thấy gì, bởi vì cứ đặt mình nằm xuống là anh ngủ say tít.

No comments:

Post a Comment