______________
Song Thao
Anh Trà Lũ và tôi thỉnh thoảng lại điện thoại cho nhau. Người ở Montreal, người ở Toronto, xa mặt nhưng không cách lòng. Chuyện mưa nắng, chuyện văn nghệ văn gừng, chuyện sinh hoạt nơi chúng tôi đang sống. Cũng là những chuyện vui thôi. Duy có một chuyện chúng tôi chia nhau đứng thành hai phe riêng rẽ, chưa bao giờ đồng ý với nhau. Đó là chuyện già. Anh Trà Lũ thì lúc nào cũng than thở mình già, còn tôi nhất định không cho mình là già, chỉ nhiều tuổi! Vậy mà khi cho xuất bản hai cuốn “400 Chuyện Cười” và “Đất Thiên Thai”, anh gửi lên Montreal biếu một người có cái tên là “Cụ Song Thao”! Tôi bèn phôn xuống Toronto tức thời. Đại ý tôi nói là trên Montreal không có ai là “cụ Song Thao” cả và tôi đã định không nhận! Anh Trà Lũ cười xòa. Anh đánh trống lảng không nói chi nhưng tôi biết anh ấy nhất định giữ lập trường…già như thường lệ.
Cầm hai cuốn sách trên tay tôi mới chợt nghĩ ra. À! Hóa ra ông này giả bộ. Cứ than van già mà ra một lúc tới hai cuốn sách: cuốn 350 trang, cuốn 400 trang. Viết như vậy thì già chi được! Cả hai cuốn đều không phải là văn phong của người già.
Cuốn “400 chuyện cười” thì làm sao mà già. Già thì phải nghiêm trang, ai hỏi thì cứ ậm ừ làm oai, chờ cho tới khi người ta mỏi miệng mới…phán! Chứ cười toét ra tới 400 lần thì trẻ đứt đuôi chứ già chi. Già chăng là ở cái phúc. Tên cuốn sách là “400 chuyện cười” nhưng thực sự trong sách có tới 440 chuyện tất cả. Già nên rộng lượng bonusthêm cho người đọc tới 10%! Đọc cuốn này thì chỉ có cười. Chọc cho người ta cười là khó. Chứ chọc cho người ta khóc như cô đào Kim Cương ngày xưa thì dễ ẹc. Nước mắt thường rẻ hơn tiếng cười vì nước mắt làm cho cuộc đời thêm bi lụy. Đó là mảng tối của cuộc sống. Ngược lại, tiếng cười là khúc nhạc xuân làm rạng rỡ cuộc sống. Tạo ra tiếng cười thì xuân hết sức xuân. Vậy mà ông Trà Lũ cứ nhất định mình già. Tin sao nổi.
“Đất Thiên Thai” là cuốn thứ 11 của nhà văn…đất này. Nào đất hạnh phúc, đất mới, đất hứa, đất thiên đường, đất yêu thương, đất tình nồng, đất quê ngoại, đất anh em, đất nhà, đất an lạc và đất thiên thai. Tất cả những thứ đất thân thương này là chỉ đất nước Canada, đất nước chúng ta đang sống và nhận làm quê hương thứ hai của mình. Tất cả chúng ta đều tri ân mảnh đất đã cưu mang chúng ta, yêu mến sông biển núi rừng của mảnh đất tạm dung này, nhưng bày tỏ lòng yêu mến một cách khỏe khoắn và rốt ráo như nhà văn Trà Lũ thì chúng ta chưa đạt tới được. Nghĩ vậy nên tôi cứ thắc mắc là tại sao đến bây giờ mà vị Toàn Quyền Canada chưa gắn cho nhà văn của chúng ta một mảnh huy chương nào. Đó là một thiếu sót.
Canada của ông Trà Lũ kinh lắm! Ông tìm tòi, nặn ra những thứ mà Canada là nhất. Như cây mù tạc. Đó là thứ chúng ta thường dùng với thịt bò bí tết. Cây mù tạc đã có mặt trên đất nước Canada từ 5 ngàn năm trước. Đó là thứ cây…Canada vì hiện nay Canada sản xuất 90% tổng số mù tạc trên thế giới. Mù tạc đi với bí tết thì rượu cũng đi với bí tết. Nói tới rượu người ta nghĩ tới nước Pháp và các nước ôn đới ở châu Âu. Rượu Pháp là số một trên thế giới. Nhưng ông Trà Lũ lại tìm tòi và chứng minh rượu Canada mới là số dách! Chuyện xảy ra vào đúng ngày 29 tháng 8 năm 2006. Cũng mới đây thôi. Ngày đó ông sâu rượu người Canada Marc Chapleau đã mời một số những người sành rượu trên khắp thế giới về đất Quebec chúng ta để nếm rượu của khắp năm châu gửi về dự thi. Dĩ nhiên cũng như chúng ta thi cử ngày xưa dùng phách để giữ kín tên thí sinh cho khỏi thiên vị, các giám khảo rượu cũng chỉ được biết những con số chứ không biết đó là chai rượu nào, của nước nào. Ai cũng đinh ninh rượu Pháp sẽ ăn trùm thiên hạ. Vậy mà rượu Canada lại đoạt giải nhất, Đó là chai rượu “Le Clos Jordanne Claystone Terrace 2005” được sản xuất tại Niagara. Cuộc đăng quang của rượu Canada làm chấn động giới nhậu nhẹt quốc tế.
Canada của Trà Lũ còn nhiều cái nhất khác: xứ sở đa văn hóa thành công nhất, cảnh trí xinh đẹp và hùng vĩ nhất, lá vàng mùa thu rực rỡ nhất, có tự do nhất, có nền y tế miễn phí đại chúng tốt nhất, là cha đẻ của môn thể thaohockey, có trữ lượng nước ngọt lớn nhất và cuối cùng là có cà phê Tim Hortons! Đúng là…đất thiên thai.
Từ mảnh đất thiên thai này đã có 103 người Canada tử trận trên chiến trường Việt Nam. Chắc quý vị cũng như tôi đều ngạc nhiên vì con số thương vong này. Bởi vì Canada làm gì có binh sĩ tác chiến tại Việt Nam mà chỉ có những quân nhân trong Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát Đình Chiến. Có ai dám đụng tới lông chân của các vị giám sát này đâu. Sự thực là từ thời thập niên 1960 đã có tới 20 ngàn thanh niên Canada qua Mỹ nhập ngũ và sang chiến đấu tại Việt Nam trong các binh chủng của quân đội Hoa Kỳ. Con số 103 người nằm xuống trên đất nước chúng ta là hình hài Canada nhưng được phủ quốc kỳ Mỹ.
Như vậy mảnh đất thiên đàng này có liên hệ tới mảnh đất quê hương của chúng ta. Nhà văn Trà Lũ rất khoái chuyện kết nối giữa quê nội và quê ngoại này. Bởi vì ông tin là người da đỏ tại Canada chính là hậu duệ của năm chục người con theo cha xuống biển của truyền thuyết một mẹ trăm con từ ngày lập quốc của Việt Nam. Chuyện này có lẽ là chuyện ông Trà Lũ thích thú nhất trong cuốn “Đất Thiên Thai”. Ông viết: “Các cụ có biết sắc dân đầu tiên đến Canada là sắc dân nào không? Thưa, đó là sắc dân Da Đỏ đến từ Á Châu. Các cụ cứ quan sát hình người da đỏ mà coi. Họ da vàng rõ ràng nhưng không biết tại sao người Việt Nam mình lại gọi họ là da đỏ. Nét mặt của họ hoàn toàn Á Đông nhưng đoàn thám hiểm da trắng đầu tiên gặp họ ở trên đất nước này đã gọi họ là Indian vì nghĩ rằng mình đã tới xứ Ấn Độ. Theo nhân chủng học thì đoàn người Da Đỏ đầu tiên đã tới xứ này cách đây mấy chục ngàn năm. Họ khởi hành từ Á châu, men theo eo biển Bering miền cực bắc, rồi tỏa xuống phía nam, định cư ở miền đất thiên đàng Canada hiện nay, và một số đã xuống tới Hoa Kỳ. Hình như ngày xưa triết gia Kim Định đã cho rằng tổ tiên người da đỏ có gốc Việt Nam và phát xuất từ miền Bắc Việt Nam. Ông căn cứ vào lịch sử: mẹ Âu Cơ đã dẫn một đoàn con lên miền núi phía bắc, còn cha Lạc Long dẫn một đoàn con xuống miền biển phía nam. Đoàn người da đỏ tiên khởi tới Canada rồi tỏa đi khắp nơi, chia ra nhiều bộ tộc, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau”.
Chưa hết. Nhà văn Trà Lũ còn xác nhận chủ quyền của Việt Nam chúng ta trên mảnh đất thiên thai này bằng ngữ học. Cái tên Canada của đất nước này chính là tiếng Việt! Khi ông Jacques Cartier và các nhà thám hiểm da trắng tới mảnh đất này vào năm 1533, họ hỏi người da đỏ tên mảnh đất họ đặt chân tới này tên là chi. Vì bất đồng ngôn ngữ nên mấy ông Việt Nam cổ này lại tưởng họ hỏi là nhà mấy ông ở đâu nên chỉ về mấy túp lều và nói “Kanata”. Tai ông Jacques Cartier là tai tây nên nghe ra là “Canada”. Vậy là tên đất nước này dính chết với sự nghễnh ngãng của mấy ông tây đi thám hiểm. Nhưng Kanata là cái chi? Đó chính là câu tiếng Việt “Cái nhà ta”. Tiếng Việt rõ ràng!
Ông Trà Lũ khoái truyền thuyết này. Tôi cũng khoái. Và tôi nghĩ chúng ta ai cũng khoái hết. Nếu bây giờ chúng ta cứ truy theo sự kiện này mà đòi làm người da đỏ thì chúng ta có rất nhiều quyền lợi. Ít nhất các ông nghiện thổi khói thuốc cũng được hút thuốc lá với giá rẻ không thuế!
Đất nước ta, theo suy luận của nhà yêu nước Trà Lũ, trải dài từ Á châu qua Mỹ châu. Đúng là rừng vàng biển bạc. Người Việt Nam, vẫn theo nhà yêu nước Trà Lũ, là thứ người dễ thương nhất thế giới. Chả thế mà đến tiên cũng phải yêu người Việt chúng ta. Trên thế giới có rất nhiều chuyện kể về tiên hiện xuống cứu người hoạn nạn nhưng toàn là những bà tiên già khằng, chỉ có chuyện tiên ở Việt Nam mới có các nàng tiên trẻ măng xuống trần kết duyên với trai Việt. Như nàng tiên Giáng Kiều bước ra từ bức tranh để kết duyên với chàng trai Tú Uyên trong chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ. Như chuyện nàng tiên Giáng Hương yêu quan huyện Từ Thức ở Thanh Hóa rồi dẫn ông nhập thiên thai. Như chuyện nàng tiên Chức Nữ hiện xuống kết duyên với Ngưu Lang bị cha gọi về trời khóc hết nước mắt làm mưa ngâu rả rích vào tháng 7 mỗi năm. Tại sao chỉ có ở Việt Nam tiên mới hiện ra thành những thiếu nữ xinh đẹp và kết duyên với thanh niên đất Việt. Theo ông Trà Lũ thì tại vì thanh niên Việt đẹp trai và dễ thương! Các bà có điều chi khiếu nại thì xin tìm gặp ông Trà Lũ ở…đất thiên thai.
Yêu đất Việt, yêu người Việt đến mức thiên vị, nhà văn Trà Lũ còn yêu món ăn Việt Nam. Điều này không có chi lạ. Ai trong chúng ta chẳng có cái miệng thưởng thức món ăn quê hương. Nhưng ông Trà Lũ có những điều mà riêng tôi không bao giờ có được. Chuyện bếp núc của tôi chỉ tới mức nấu mì gói. Tôi nghĩ có lẽ tôi là người Việt Nam giản dị nhất. Bởi vậy nên khi ông Trà Lũ trổ tài bếp núc, tôi phục sát đất. Cuốn “Đất Thiên Thai” gồm có ba chục bài, mỗi bài hầu như đều nói về cách nấu nướng một hoặc nhiều món ăn Việt Nam. Nếu kể hết ra đây thì tốn rất nhiều nước miếng nên tôi xin mạn phép thiên vị chỉ nhắc lại những món của ông Trà Lũ mà tôi thích.
Trước hết là món cá bống trứng kho tiêu, Chúng ta thử bước theo tài ẩm thực của ông Trà Lũ. “Đây là những con cá nhỏ bằng ngón tay út, chúng bám vào đám rễ lục bình trôi trên sông, chúng sống bằng bọt bèo lục bình nên trong ruột không có chất dơ. Dân Đồng Tháp chỉ cần quơ lưới dưới bè lục bình là bắt được chúng dễ dàng. Vì trong bụng không có chất dơ nên không cần mổ bụng cá, ta chỉ cần rửa cá sơ sơ rồi xóc muối, cho vào tã đất, thêm nước mầu, thêm chút dầu, lửa liu riu. Khi cá chín lúc đó mới cho tiêu…Hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất hết mùi thơm. Đây là bí quyết làm món cá thơm nhức mũi”.
Món hẩu sực thứ hai của tôi là món thịt heo nấu giả cầy. Lại theo ngòi bút của ông “nội trợ” Trà Lũ. “Chân giò heo đem về, đem nướng trên lửa hồng cho vàng, rồi ngâm nước, rồi cạo sạch, rồi chà với chanh cho hết mùi khét, rồi ướp với riềng, mắm tôm, đường, me chua, rồi xào cho thơm, rồi thêm nước luộc xương heo đã làm từ trước. Khi nồi thịt đã sột sệt thì cho rượu vang vào, chờ cho sôi là bắc ra ngay. Món này xơi nóng với bún. Nếu cụ ăn được ớt, xin cụ thỉnh thoảng cắn một chút ớt cay, và nhấp một chút whisky hay vodka. Ngon vô cùng!”
Món thứ ba cũng là một món ăn miền Bắc như món giả cầy. Đó là món bún chả Hà Nội. “Tôi cứ nghĩ miếng thịt heo nào cũng có thể làm bún chả miễn là mình nấu khéo. Thế mà không phải, các cụ ạ. Theo đầu bếp B.95 thì miếng thịt phải là thịt ba chỉ ở vai, chỗ này da mỏng, mỡ mỏng, mới ngon. Món bún chả Hà Nội gồm chả nướng và chả viên. Cái việc quan trọng nhất là ướp thịt. Xưa nay nói tới ướp thì ai cũng chỉ nghĩ tới hành tiêu tỏi nước mắm. Không đơn sơ thế đâu. Gia vị ướp món này cầu kỳ hơn nhiều và bí quyết nằm ở phân lượng các gia vị. Nào hành hương, hành trắng, nào tỏi, nào đường, nào mật ong, nào muối, nào nước mắm, nào dầu olive, nào rượu vang, nào hạt tiêu. Rồi ướp thịt. Năm phần thì bốn phần làm thịt nướng và một phần làm chả viên. Công phu nhất là cách nướng thịt. Cụ B.95 xiên thịt vào que tre, và nướng trên than hồng. Quạt nhẹ tay. Lửa xèo xèo. Thơm điếc mũi. Xâu thịt vừa cháy xém phía ngoài là được. Rồi thịt nướng được trút vào chén nước mắm cùng với chả viên nướng trong lò bỏ ra. Chén nước mắm này giữ phần quan trọng đây. Nó gần giống như nước mắm pha để ăn chả giò, nhưng nhiều tỏi hơn, nhiều ớt hơn, nhiều chanh hơn, lại thêm đồ chua cà rốt, đu đủ và củ cải ngâm dấm đường. Nào, mới các cụ xơi. Cụ gắp bún bỏ vào chén nước mắm, thêm chút rau xà lát, đặc biệt thêm lá kinh giới, một chút đậu phọng rang đập dập, và một chút lá hành phi thái nhỏ. Húng thì cụ cầm tay, ăn đến đâu thì cắn đến đó. Kinh giới và húng thì xin cụ chớ rửa và ngâm nước lâu giờ, chúng sẽ bay hết mùi thơm. Chỉ rửa chúng mấy phút trước khi ăn. Món bún chả này phải ăn nóng nha. Nên ăn cay một chút, vừa ăn vừa hít hà, vừa xuýt xoa mới ngon”.
Chuyện ăn uống có lẽ tới đây nên ngừng lại vì chẳng nên tốn nước miếng một cách phí phạm quá đáng tuy nấu ăn hình như là nghề của ông Trà Lũ. Nhưng sao trong đoạn trích trên lại có cụ B.95 len lỏi vào? Cụ là ai? Nếu đọc Trà Lũ nhiều chắc ai trong chúng ta cũng biết là ông Trà Lũ chỉ là người tường trình lại cho chúng ta những gì xảy ra trong làng của ông. Đó là làng An Lạc. Làng này gồm toàn các công dân ưu tú. Như ông ODP, ông HO, cụ Từ Hòe. Lại có cặp vợ chồng John và Ba Biên Hòa. Anh John người Canada nhưng rất thông thạo tiếng Việt, biết được cả những cái lắt léo trong ngôn ngữ của chúng ta. Còn chị Ba Biên Hòa thì khỏi phải giới thiệu vì cái tên đã nói lên hết rồi. Phía trưởng thượng có Cụ Chánh và cha Paolo. Hai cô tiểu thư xứ Huế là các cô Cao Xuân và Tôn Nữ. Cuối cùng là nhân vật tác giả của cách làm bún chả Hà Nội tên là cụ B.95, người qua Canada từ miền Bắc Việt Nam.
Làng An Lạc này có lẽ là làng…thống nhất vì có đủ nhân vật Nam, Trung, Bắc. Lại có cả người Canada. Thành phần còn gồm đủ các loại di dân Việt tiêu biểu qua đất thiên thai như ODP, HO. Mỗi bài viết của Trà Lũ là một buổi họp làng. Thực đơn của một buổi họp gồm những câu chuyện về lịch sử, văn chương, ngôn ngữ, lại có tin cập nhật về tình hình thế giới và Canada, chuyện tiếu lâm khi mặn khi nhạt, khi bỗ bã khi chay tịnh, và đặc biệt nhất bao giờ cũng có chuyện ăn uống được đề cập tới một cách tỉ mỉ. Nếu gọi đây là một làng chỉ khoái ăn nhậu thì có vẻ hơi quá lời nhưng người đọc có lẽ mặn mà nhất với tiết mục ăn uống này. Ít nhất tôi đã cảm nhận như vậy.
Vì ông Trà Lũ chỉ đóng vai người tường thuật lại những buổi họp làng mà buổi họp nào cũng có những tiết mục y chang như nhau nên ai cũng nghĩ là dễ nhàm chán. Vậy mà không. Mỗi bài vẫn có cái hấp dẫn lôi cuốn riêng. Những thành viên trong làng tung hứng những chuyện lan man một cách thú vị làm người đọc cảm được cái không khí vừa sôi nổi vừa vui tươi của mỗi buổi họp làng trong từng bài viết của ông Trà Lũ. Ông quả là người có tài.
Nhưng cái làng lý tưởng An Lạc có thật không? Biết tôi có mối thâm tình với ông nhà văn rề rà kể chuyện một cách duyên dáng này nên nhiều người đã tò mò hỏi tôi làng An Lạc có thật không? Tôi thiệt tình chẳng biết trả lời ra sao. Có thật hay ông nhà văn này hư cấu ra? Đã bao lần, trong lúc thân tình, tôi đã suýt buột miệng hỏi dùm bạn đọc nhưng may quá tôi đã giữ được mồm miệng. Tôi không muốn ông bạn chân chất rất sùng đạo của tôi phạm tội nói dối!
09/2011
Tôi khoái mấy ông này ( Trà Lũ , Bùi Bảo Trúc ... )Vì vừa là Đồng hương đồng khói ... vừa đồng môn ( Chu văn An )
ReplyDeleteĐọc văn mà thấy chảy nước miếng !
C.D.M.