Links

Sunday, November 18, 2012

145

____________


 Phan
Đêm đã sâu thật sâu, anh Nguyễn còn trằn trọc với lá số tử vi! Đã lúc túng thiếu, vợ anh còn xài hoang vào những chuyện không đâu. Nhưng người chết đuối nào chả hy vọng, vì thầy bà nào chả nói câu cuối mang hàm ý qua cơn mưa trời lại sáng; quá cơn bí cực tới hồi thái lai. Mà nói gì chị Nguyễn, chính anh cũng đọc đi đọc lại miếng giấy viết sai chánh tả tèm lem để tìm hy vọng!
Đêm đã sâu thật sâu. Nhớ giờ này-mấy tháng trước là giờ của rệp. Rệp tung hoành ngang dọc trong nhà; hai đứa con gái khóc rưn rứt vì khiếp sợ và không ngủ được. Nhưng cũng không ứa gan bằng trận cãi lộn đến có thể tát vào mặt bà manager của apartment. Bà ta cứ nhất định là rệp do gia đình Nguyễn đưa tới apartment của bà ta nên phải xịt thuốc diệt rệp; và anh phải trả một trăm bốn mươi lăm đô la. Chuyện tiền bạc đã khó nhưng cũng không bằng phải ký giấy chấp nhận là người mang rệp tới khu apartment đã cũ kỹ này. “Giả sử, khi rệp lan tràn nguyên khu apartment; rồi bà manager bắt anh Nguyễn chịu trách nhiệm tiền xịt thuốc nguyên cái apartment thì sao?” - Một người bạn góp ý với anh như thế, nên người ấy đã đến văn phòng của apartment với anh để cãi tới cùng!


Giờ thì câu chuyện đã êm, không do thắng cãi với bà manager của apartment mà do thời tiết trở lạnh, loài rệp ngủ đông nên anh Nguyễn được yên, không biết sang xuân, trời ấm lại, loài rệp tái xuất giang hồ thì sẽ ra sao? Anh chị chỉ còn cách thoát khỏi apartment này trước mùa xuân là
thượng sách, nhưng chuyện dời chỗ ở lần nữa cũng là chuyện trăn trở. Bởi vợ chồng anh Nguyễn đã lần lượt mất việc. Hệ quả đầu tiên là mất xe, do không trả nổi thì nhà bank kéo. Rồi theo thời gian mất nhà cũng vì không trả nổi. Người ta từ apartment dọn ra nhà riêng - vui bao nhiêu thì khi dọn ngược từ nhà riêng vào apartment sẽ ê chề, thê thảm gấp bội. Nếu vợ chồng anh Nguyễn không phải là những người có tinh thần vững vàng để chấp nhận thời cuộc thì hậu quả đã khôn lường. Vốn tính anh chị hơi âm lịch nên càng nhang khói phủ phê cho bề trên, nhưng đời sống gia đình chỉ ngày càng mù mịt...
Tiếng đề máy xe của ông Mễ bên hàng xóm làm náo động chung cư vì cái xe của ông bị bể ống pô - và ông cũng thuộc loại người nghèo nên không đếm xỉa tới những chuyện tốn tiền. Tiếng ồn buổi sáng ở khu chung cư này hoàn toàn không phải tiếng chim hót, lá reo, đón chào buổi sáng như khu nhà anh chị Nguyễn ở trước đây. Anh Nguyễn đi pha cho mình ly cà phê thì lon cà phê trong tủ đã trống rỗng từ mấy hôm; Anh pha trà vậy, vì đằng nào cũng đã lỡ nấu ấm nước sôi.
Anh Nguyễn dâng lên bàn thờ Phật chén trà sớm; định thắp nén nhang cho ấm khói hương thì bó nhang cũng đã hết từ bao giờ. Phật Bà từ tâm ban cho anh nụ cười buổi sáng. Bức tượng không lớn nhưng có duyên từ lần đầu tiên anh thấy được trong chuyến về thăm quê đã có cả chục năm. Vợ chồng anh Nguyễn thỉnh tượng về tận bên Mỹ và nhang khói từ đó. Phật Bà chia chung với gia đình anh những vui buồn trong đời sống xa quê; nhưng ơn đức Phật Bà vô kể là lúc nào cũng giữ cho gia đình anh được bình an. Cũng không biết đó là công lao của Phật Bà hay bà Phật trong nhà. Sáng đi bưng phở ở nhà hàng nhưng bao giờ cũng để cho anh Nguyễn khi thì tờ mười đồng, khi tờ hai chục để anh xài vặt. Sáng nay dự báo kinh tế hôm qua tiền tip ở tiệm phở không khá, anh Nguyễn bỏ tờ mười đồng vô túi áo như lá bùa hộ mệnh; niềm an ủi; niềm khích lệ cho anh bước vào một ngày mới.
Anh đi lo lắng mấy việc vặt cho hai đứa con ra xe bus - đi học xong. Trở về rửa hai cái tô mà tụi nhỏ ăn cheerios. Phải như cái sink có hàng núi chén bát dơ như thời còn ăn nhậu thì cũng là việc làm; oái oăm khi người ta chỉ rửa có hai cái tô - không cần đến xà bông thì rửa đến mòn cũng chỉ có hai cái tô. Anh trông mong ông già Mỹ đen bên hàng xóm sang nhờ anh giúp việc.
Ông già ấy hiền lành và tốt tính như người thiền. Ông ấy có người con trai và người vợ trong ký ức, nhưng người vợ đã bỏ ông không từ giã; người con cũng đã nhiều năm không về nhà, không liên lạc. Ông già chỉ khi chợt nhớ; thường là sau khi uống vài lon bia; ông đến bệ lò sưởi, lấy bức hình của đứa con trai, đi đến chiếc ghế bành - là món đồ nhặt ông ưng ý nhất. Ông già nằm đó, ngắm hình con, nghĩ gì? không ai biết, cho đến ông ngủ thiếp đi là hết một ngày.
Theo ông kể, ông cũng không nhớ ông đã làm nghề nhặt phế liệu từ bao giờ? Hình như sau một lần thanh toán nhau trong giới sống về đêm, ông bị thương phải nằm bệnh viện. Khi ra viện là hết đất sống vì phe nhóm của ông đã tan tác giang hồ... Ông chỉ nhớ hai món nhặt được nhưng không đành lòng bán là cái ghế bành bọc da đã lâu đời, thuộc loại đắt tiền, dù đã là đồ rác; và người đàn bà cùng thời với cái ghế da nên cũng cũ như một bà già đểnh đoảng.
Ngày ngày, ông dậy sớm, lái cái xe truck nhỏ chạy loanh quanh những chỗ quen trước (ông quen nhiều cơ sở sản xuất đến người ta có số điện thoại của ông). Thường là những nơi làm ăn nhỏ, nhỏ đến nỗi không có cái thùng rác lớn. Nên khi người ta cần bỏ mớ thùng giấy carton; cần bỏ mớ đồ kim loại cũ sét... cứ gọi ông; ông sẽ đến lấy hết, và đặc biệt là clean up sạch sẽ cho thân chủ nên người ta đằng nào cũng là bỏ rác; nhưng gọi cho ông để được clean up sạch sẽ là vậy.
Anh Nguyễn quen ông từ hôm giúp ông một tay ngoài thùng rác apartment, anh giúp ông đưa lên xe cái máy giặt với cái máy sấy mà người ta bỏ rác. Hôm khác anh đi bỏ rác, thấy người ta bỏ rất nhiều dụng cụ tập thể dục ở nhà, toàn sắt là sắt, nên anh đã ghé qua phòng ông để cho ông hay mà ra nhặt. Lại còn giúp ông một tay vì một người không dễ đưa được những thứ ấy lên xe.
Ông già đáp lại anh lon bia hàng xóm; sang lon thứ hai là hợp đồng làm ăn - do ông đề nghị. Nhờ vậy, ngay sáng hôm sau anh Nguyễn đã theo ông già Mỹ đen đi nhặt rác phế liệu. Rồi thì tổ đãi người mới, hai thầy trò làm ăn khá. Hôm đầu chia nhau mỗi người được năm chục; hôm kế, mỗi người được chín chục, do may mắn, trúng mánh cái thùng rác của hãng điện tử, toàn đồ đồng với đồ nhôm.
Nhưng có vô nghề mới biết! Bị mấy anh chàng Mỹ đen khác bắt nạt, cảnh cáo: không được đến khu vực này nữa vì là khu của họ! Anh Nguyễn về kể chuyện gian hồ nhặt rác cho vợ nghe. Chị nhà sợ quá! Nhất là chi tiết ông già không sợ “nổ”! Ông còn nói chắc là tụi này không nổ vô đầu chúng nó thì chúng nó không biết tau là ai! Vợ không cho anh theo ông già Mỹ đen hàng xóm nữa.
Đã hai tuần đi tìm việc mỗi ngày không ra, anh Nguyễn lại thương cái khí khái giang hồ của ông già Mỹ đen, “Thôi. Vợ mày không cho đi với tau thì chiều cứ qua đây uống bia với tau. Tau biết mày đang thất nghiệp mà...” Chẳng bà con, dòng họ. Sao người ta tốt với nhau đến kính nể. Hơn nữa, những hôm đi chung với ông già dù là đi chui-không cho vợ biết! Ông già chẳng kể hôm đó được ít hay nhiều. Sau khi trừ xăng nhớt với tiền ăn trưa, còn bao nhiêu là ông chia đôi cái cụp. Những hôm kha khá, ông ghé chợ mua bia, mua thịt thà về nướng thơm lừng buổi chiều. Thương già nhất là thể nào cũng mua chút quà cho vợ. Ông kể, trên đường hành hiệp của gã nhặt ve chai, một lần đã nổi máu anh hùng không để mỹ nhân bị chà đạp. Từ đó, bà về ở với ông, xa rời thế sự âm binh của bà. Suốt ngày chỉ lo dọn dẹp trong nhà, giặt giũ, nấu ăn cho ông. Bà tính tình đểnh đoảng nhưng được cái không ngồi lê đôi mách với ai...
Chuyện ông già làm anh Nguyễn suy tư nhiều lắm! Ước gì mình có được cuộc sống và cuộc đời đơn giản như ông. Có lẽ người di dân nào cũng nuôi tham vọng lớn hơn sức mình nên không biết sống cho xứng đáng với mình trên xứ sở tự do. Ông già Mỹ đen thật là không uổng phí một ngày nào còn thở. Ông sống rất người và mãn nguyện với thành quả đạt được từng ngày...
Những ý nghĩ len lỏi vào cái đầu rỗng tuếch như buổi sáng vô công rỗi nghệ. Anh Nguyễn định thả ra quán cà phê, không chơi dại như hôm qua, hôm kia nữa; không dùng tiền vợ cho để uống cà phê mà đi mua vé số - làm gì có may mắn khi vận hạn đang xui tận cùng...
Anh gieo mình xuống ghế quán cà phê, một ngày nắng thu se lạnh gió thu về. Tí mơ mộng được dịp phục sinh sau mấy năm lận đận. Nhưng ông già cứu tinh làm hỏng giấc mơ xưa... ông gọi, “Nguyễn ơi! Tau đang trên đường đi thăm người bà con ở khá xa. Có lẽ chỉ gặp nhau lần cuối nên tau không quay lại được. Tức thời, có xưởng ABC gọi tau lấy thùng giấy. Nhiều đó. Nếu mày muốn thì sang nhà tau, nói vợ tau đưa chìa khóa xe truck lớn. Mày đến lấy một mình đi. Bán ở... Giúp tau đi vì chỗ này là mối của tau đó!...”
Anh Nguyễn nhanh chóng làm theo lời ông già. Lần đầu tiên lái cái xe truck như con voi khùng của ông già, làm anh sợ! Nó chiếm hết lane chứ không nhỏ nhắn, nhẹ nhàng như xe hơi thường. Chiếc Ford F350 cũ kỹ nhưng gói trọn ước mơ... của một ông già. Ông mong qua bầu cử, kinh tế khá hơn thì ông sẽ dành dụm tiền để mua cái trailer; phải có trailer thì lượm giấy mới lợi, không phải chạy nhiều chuyến-hao xăng; làm anh nhớ tới đôi lần, anh cũng đã tìm hiểu về một chiếc xe truck mạnh-nhưng để kéo tàu. Đúng là ở Mỹ dễ mơ nhưng tan tành một giấc mơ còn dễ hơn...
Những ý nghĩ mông lung đưa anh đến xưởng ABC an toàn. Anh Nguyễn nhanh chóng chất đầy một xe giấy thùng, ràng buộc cẩn thận, dặn người quản kho để đó cho tôi, đừng cho ai lấy. Tôi sẽ quay lại nhanh chóng...
Lòng anh khấp khởi mừng, không ngờ đống thùng carton nhiều đến ba chuyến chưa chắc hết; và mỗi chuyến cũng được chừng bốn chục. Vậy, chiều về, đổ cho ông già bình xăng - coi như chia đôi. Nhưng không biết bình xăng xe này đổ đầy sẽ hết trăm hai hay trăm rưỡi thì chết!
Không ngờ anh Nguyễn chết lịm khi người ta tính tiền giấy. Lúc cái xe lên cân để chạy vô xuống giấy, thấy năm, sáu ngàn pound mà mừng! Nhưng khi ra cân xe không, nó chỉ nhẹ đi có không tới một ngàn pound giấy. Trong khi giá giấy chỉ có $40/tấn. Nhìn tờ hóa đơn thanh toán cho mình vỏn vẹn có $17.50. Anh thất vọng não nề, vì không biết có đủ tiền xăng cho con voi già này không nữa?
Nhưng nghĩ đến cái uy tín của ông già, cái uy tín khả kính của người nhặt rác phế liệu không hơn chính trị gia sao mà mình có thể làm lỗi với ông ấy là bỏ ngang, bỏ về... Anh Nguyễn kiên nhẫn chất, xếp giấy lên thùng xe cho chuyến thứ hai. Nhờ đã có kinh nghiệm từ chuyến trước nên chuyến sau được $20 chẵn.
Anh quay về xưởng ABC khá phấn chấn hơn chuyến trước. Chuyến này chuyến chót, phải chất cho thật hay để không phải đi chuyến thứ tư - sẽ lỗ tiền xăng. Nhưng cũng không thể chất cao quá, gặp rắc rối với cảnh sát thì khổ...
Những tính toán đến quên đói vì quá mệt. Anh Nguyễn mãn nguyện với sự khéo léo của đôi tay mình. Cuối cùng đã chất hết được mớ giấy còn lại. Anh nhanh chóng clean up khu vực bỏ rác cho xưởng ABC theo lời dặn của ông già. Làm việc cật lực để còn kịp giờ vựa ve chai đóng cửa. Cái gì cũng phải nhanh trong sức cùng lực kiệt; đường sá tới giờ kẹt xe mà con voi già rú ga một cái đã thấy đi hết một gallon xăng - trong khi chỉ nhích lên được một chút trên đường xe đông đúc...
Anh Nguyễn trút được hết xe giấy thứ ba không trễ giờ đóng cửa đã mừng, cầm được $21 như phần thưởng cho sự sắp xếp khéo léo của mình cũng vui bụng phần nào. Chỉ có cái mệt không tử tế, thấm thía vào phế phủ đến chỉ muốn lăn quay ra đánh giấc. Anh ráng cỡi con voi già về đến apartment cho xong chuyện trong hoang mang - không biết tiền kiếm được hôm nay có đủ tiền xăng! Chỉ mãn nguyện là mình đã hết sức.
Mùa đông tối sớm, mới hơn sáu giờ mà phố đã lên đèn, những dây đèn đã kịp quấn gốc cây ở những khu thương mại - báo hiệu mùa lễ với người nghèo như một bằng chứng tội ác. Không biết có mấy người giăng đèn thật sự có ăn lễ vì đa số họ là Mễ lậu, làm ngày nào ăn ngày nấy, còn gì đâu ăn lễ. Không biết người có ăn lễ có nghĩ gì trong đêm hoan lạc về những người thắp sáng đường phố hẩm hiu không?... Những ý nghĩ của anh Nguyễn chạy dài ra như ánh đèn xe nối đuôi nhau. Riêng ánh đèn quay của xe cảnh sát sau lưng, làm anh Nguyễn tỉnh cơn mệt đang díp mắt anh lại. Cơn lo ập đến, anh không tin mình mình chạy quá tốc độ vì con voi già còn chạy được nước kiệu và không nằm đường từ sáng tới giờ đã là may mắn! Không biết lý do bị quay đèn. Nhưng đèn xe cảnh sát đã quay thì phải có lý do: Cái xe đã bị warning đứt một bóng đèn trước, phải thay trong 7 ngày. Và hôm nay đã trễ hạn 3 ngày mà vẫn chưa thay!
Anh Nguyễn phải thao thức hết hai ngày trên màn hình computer thì ticket number của anh mới có trên system cảnh sát. Tiền phạt chắc chắn là $145. Con số một-bốn-năm như quỷ ám vào anh, nhưng $145 tiền rệp còn né được. Nay mùa đông đã về, rệp ngủ đông nên mạt rệp! $145 tiền phạt của cảnh sát lần này hết lối thoát.
Phan

No comments:

Post a Comment