Links

Thursday, November 8, 2012

Thầy Hoạch


 Phan
“.

.. Cộng những ngày cầm cục phấn viết trên bảng đen thì tôi có hơn hai mươi năm kinh nghiệm dạy toán cấp II, (nghĩa là dạy toán cho học trò từ lớp 6 đến lớp 9). Tôi đã từng vui trước với nghề tự chọn để rồi buồn theo tháng năm dài... Đến cách nay chừng hai năm, tôi có cơ hội có thể đi định cư ở Mỹ. Thử hỏi, còn chọn lựa nào khác để có thể giã từ cái bục giảng, viên phấn, tấm bảng, đặc biệt là những lớp học sinh càng về sau này càng lạnh lùng...”


Thầy Hoạch kể lể bên ly cà phê lạnh ngắt vì Dallas đã chính thức ly dị mùa hè tóe lửa. Trời sáng trưng nắng nhạt và gió thu lạnh teo, không một gợn mây trên nền trời điểm xuyến lá vàng bay... Thầy nói xảm lắm, “Theo tôi, bởi đời sống, xã hội, môi trường trong nước đều thay đổi. Khiến cho lớp giáo viên già không còn thích hợp chứ tôi từng nhìn kỹ những toán học sinh mới, họ có quan hệ với những giáo viên trẻ cũng không khác mấy những toán học sinh của tôi khi tôi còn là ông thầy giáo trẻ. Bây giờ họ cũng đi đá banh chung với nhau; đi chè cháo, ciné... rôm rả tiếng nói cười. Chỉ có những ông thầy già như tôi mới ngồi lại với ăn năn ở một góc sân trường...”

Tôi nói với thầy Hoạch, “Thầy, sáng nay thu về thôi đó mà. Đâu phải tận thế mà lằng nhằng dữ vậy! Uống cà phê mau đi, rồi đi chợ. Hôm nay chúng ta phải làm rạng danh nhà giáo Việt Nam. Dù không đi dạy học nữa thì mấy ông thầy giáo cũng không vô dụng đến nỗi không nấu được vài món nhậu, phải không?”
Thầy Hoạch bị bệnh liệu thì phải, khi đã nói tới chuyện gì thì nhất định không thôi, thầy nói nữa... “Tôi không đồng ý với nhận định của nhiều người quen, thân nhân ở hải ngoại cho rằng học sinh trong nước bây giờ vô giáo dục đến hết thuốc chữa. Thật ra cũng có một thành phần nào đó quá đáng, thậm chí quá quắt vì các em đó có được những điều kiện hơn hẳn bạn bè nhưng thiếu quan tâm của gia đình, cha mẹ; hay những em thuộc gia đình quá khó khăn, mà thành sai quấy...”
Tôi nói ngang, “Thầy đừng trách tôi vô tình. Dù tôi đã mất dạy lâu năm, nên tình nghĩa với thầy cũng lạt lắm rồi! Đừng bắt người mất dạy lâu năm phải nghe thêm những chuyện nhảm của người vừa mất dạy như thầy nữa...”
Ông thầy Hoạch nổi nóng, nhưng bụi phấn còn đậm trong cuống phổi nên dễ nguội. Lại dài dòng tâm sự, “Dù sao tôi cũng đã điền đơn xin tự ý thôi việc để hoàn tất hồ sơ đi Mỹ. Những ngày vô công rỗi nghệ ở Sài Gòn trong thời gian chờ đợi đi xuất cảnh, tôi thường đến uống cà phê miễn phí ở quán của một đôi vợ chồng trẻ. Họ là học trò cũ của tôi, chỉ yêu cầu thầy đến uống cà phê bất cứ lúc nào - cho đến khi thầy đi xuất cảnh thì thôi; chứ thầy cứ ở nhà mãi thì chán chết. Mà chán thật, thật là chán hơn cái bục giảng, viên phấn, tấm bảng, học trò khi tôi giã từ những thứ đã gắn bó với mình mấy chục năm. Tôi chẳng biết làm gì hơn là phụ rửa ly khi quán đông; vì ngay cái việc bưng cà phê cho khách tôi cũng hết thời. Tôi không quá tệ đến độ chân yếu tay run, nhưng việc bưng cà phê là của những cô gái trẻ. Phải chính tay họ bưng cà phê đến tận bàn thì khách mới trở lại lần sau; chứ một ông già chẳng còn đường cong nào thẩm mỹ thì khách nào trở lại...”
Tôi chán ông thầy giáo này lắm rồi, nên liều nói thẳng một lần cho tiện bề sổ sách: “Tôi chán thầy quá rồi thầy Hoạch ơi! Thầy cho tôi rút lại lời lỡ nói với thầy là ngày xưa tôi cũng đi dạy học, được không? Coi như tôi với thầy không dây mơ rễ má gì sất! Sáng nay thu về, người ta nói tới những tà áo cưới đang lăm le ngoài kia kìa...” Tôi chỉ qua gian hàng cho thuê đồ cưới, mấy cô gái đang lượn tới lượn lui như kén chồng. Nhưng ông thầy bị bệnh liệu vẫn chưa ra khỏi được cơn liệu nên thầy tôi lại nói tiếp, “Nhưng đã uống cà phê không phải trả tiền của học trò, chẳng lẽ lúc quán đông, mọi người bận rộn, chạy không kịp thở mà mình cứ ngồi ung dung thì khó coi quá! Tôi đi phụ dọn bàn thì cô cậu học trò chủ quán không cho. (Thầy cứ để đó, tụi em lo...) Tôi lại thấy một người phụ nữ trạc tuổi mình, nhìn bà có vẻ lam lũ, nhà quê. Bà cặm cụi rửa ly, phin pha cà phê, v.v... Bà rửa tối mặt mà đống ly xài rồi vẫn không vơi đi chút nào, bởi nhà trên cứ ào ào bưng xuống. Những cô gái trẻ thật lanh lợi, nhanh nhẹn, họ không biết sự trút xuống nhà dưới từng khay, từng khay ly đầy ắp của họ là từng vạt mồ hôi trên áo phai của người phụ nữ quê mùa khô đi rồi lại ướt đẫm mồ hôi...”
“Thầy Hoạch! Thầy dạy toán chứ đâu phải dạy văn mà xài chữ hoa lá thế!”
“Anh đúng là mất dạy lâu ngày. Quên cả phép lịch sự tối thiểu là ưa chen vào họng người ta. Để tôi nói,”
Ông thầy bệnh nặng lại vào điệp khúc: người phụ nữ quê mùa...
“Hôm bà bị đứt tay vì ly bể, tôi thấy miếng vải vụn buộc sơ sài trên tay bà nên hỏi: Chị bị đứt tay à?
Bà dạ dạ vâng vâng, nhưng tay vẫn thoăn thoắt rửa ly; chốc chốc lại phải buộc lại miếng vải vụn trên ngón tay máu tươi còn nhỏ giọt.
Tôi thành người phụ việc rửa ly từ hôm ấy; một công việc không bị đôi vợ chồng chủ quán ngăn cấm nữa; các cô gái trẻ làm việc cho quán không ngăn cản tôi nữa. Đa phần họ là học trò, sinh viên đi làm thêm để kiếm sống. Nên tiếng thầy họ gọi tôi có một tình cảm đặc biệt trong quan hệ dạy và học thời nào cũng thế! Chỉ tiếng thầy mà người phụ nữ kia gọi tôi - làm cho ai cũng buồn cười...”
“Thầy em?” Tôi hỏi?
“Nào có. Từ hôm tôi giúp bà rửa ly vì thấy tay bà chảy máu ròng ròng. Bà dạn miệng gọi tôi bằng thầy - rồi tự trách mình có đi học ngày nào đâu mà gọi tôi bằng thầy. Nhưng gọi bằng ông hay anh thì... nên gọi tôi bằng thầy.
Thật không ngờ; bà cố tình, tự làm mình đứt ngón tay khác, sau khi ngón kia lành vết thương, để tiếp tục được tôi giúp rửa ly”.
Tôi nói, “Tôi không ngờ chuyện tình của thầy thuộc loại nhuốm máu đỏ hoe... Kinh quá!”
“Để tôi nói.”
Thầy liệu như ma nhập, nói không cần tôi nghe, thầy Hoạch nói như nói với mình, “Những cô bé học trò, sinh viên trong quán cà phê ấy đã bắt đầu râm ran cười khúc khích mỗi lần dì Nấm rửa ly gọi tôi: Thầy ơi!... (Bà thật sự rửa nổi nhưng bưng không nổi những khay ly rửa xong, rất nặng...)
Đã bao đời học trò gọi tôi hai tiếng: Thầy ơi! Nhưng ngữ âm của bọn trẻ ngỗ nghịch hay làm nũng với ông thầy không khắc khoải người nghe như dì Nấm. Dì quê ngoài Vĩnh Phú, Phú Thọ gì đó; tôi chỉ biết thuộc vùng trung du bắc bộ. Tôi nghe dì kể những lúc tôi phụ dì rửa ly: chồng dì là thợ xây nhà và chết vì tai nạn ở công trường xây dựng. Mấy mẹ con dì không có đường sống vì nhà thầu xây dựng chỉ cho chút tiền chôn cất người chồng xấu số đó thôi. Dì dắt hai con, bỏ làng vô nam với chút tiền còn lại sau đám tang chồng. Nhiều năm tối tăm đã qua đi. Bây giờ người con trai lớn, sau nhiều năm làm lơ xe khách miền đông, đã lên tài xế. Con trai của dì lại sắp thành hôn với cô gái bán hàng rong ở bến xe. Nhưng dì tin tưởng con trai và con dâu tương lai của dì chắc chắn sẽ có một ngày đôi trẻ ấy mua được một chiếc xe đò.
Tôi thật kính phục ba mẹ con nhà họ theo những chuyện kể của dì khi vãn việc, bởi cô con gái của dì đang học làm bác sĩ. Cô bác sĩ tương lai đang cần chút đỉnh tiền bạc để chạy chọt, để được đi tu nghiệp nước ngoài thì mảnh bằng khi ra trường mới có giá trị. Cũng vì thế mà dì Nấm cặm cụi rửa ly để có tiền giúp cho con gái, máu người mẹ chảy đến bao giờ, anh nhỉ?”

Tôi sợ nhất những câu hỏi tu từ của người đối thoại; nó như câu giăng tung ra, mình né đường nào cũng dính vài lưỡi. Nhưng hình như chất sến trong tự truyện của thầy Hoạch đã lây sang tôi; hay trong mình cũng còn một chút nhúc nhích của lương tâm sau tháng năm dài không bằng lương thực. Bởi ở hải ngoại, tay làm hàm nhai, mất việc là bơ mỏ, nên câu chuyện lòng nào cũng có hồi kết khó khăn, dẫn đến điều kiện ắt có và đủ là cho tôi mượn đỡ ít tiền. Tôi sợ nghe tâm sự loài di tản kinh tế lắm rồi! Nhưng thần thái thầy Hoạch không có ánh thăm dò, cử chỉ đong đo nên tôi an tâm nghe tiếp,
“... Rồi câu chuyện tạm dừng khi tôi tạm biệt mọi người trong cái quán cà phê nhiều kỷ niệm ấy để lên đường vô định. Một người đàn ông đã qua tuổi năm mươi cả khúc, không vợ con, không nghề ngỗng gì đối với nước Mỹ - thì tôi sẽ làm gì để sống? Tôi đặt cuộc với số phận tới đâu thì tới khi đã quá chán nghề gõ đầu trẻ. Không ngờ qua Mỹ tôi thành trẻ cho một cô giáo Mỹ chỉ tuổi học tôi gõ đầu, cô dạy tôi tiếng Anh. Chừng biết tôi làm thầy giáo mấy chục năm trước khi sang Mỹ thì cô giáo có phần chiếu cố tôi hơn. Cô mời tôi về nhà ăn tối với gia đình cô, để giới thiệu tôi với cha của cô - ông đang là ông chủ của một hãng điện tử nho nhỏ. Nhờ vậy tôi có việc làm. Nhưng điều kiện của tôi là không quen biết ông chủ hãng. Cứ để tôi điền đơn xin việc như mọi người; chứ đừng dẫn tôi vào hãng với lời giới thiệu này nọ. Tôi ngại lắm!
Anh biết không? Từ hôm tôi đi làm, thỉnh thoảng cô giáo gọi điện thoại hỏi thăm tôi về việc làm và việc học, bởi cô giáo đã tạm nghỉ việc để sanh em bé. Tôi thì an tâm với vòng luân hồi mình đã từng hết lòng hết sức với học trò thì nay cô giáo Mỹ trả nợ thay cho những học sinh của tôi.
Mọi việc đều tốt đẹp cả anh ạ! Tôi đi học, đi làm. Cảm thấy cuộc sống thật dễ chịu. Nhưng vài tuần nay, có cô Mỹ đen vào làm chung. Cô ấy là tình nhân của ông manager Mỹ đen đã có vợ. Cô ấy mới vào làm, chưa biết việc gì hết nhưng đương nhiên là xếp trực tiếp của chúng tôi. Từ nay, không việc gì phải đi gặp ông xếp lớn ấy nữa; ai thắc mắc, khiếu nại gì thì cứ nói với cô ấy là được.
Cánh chị em phụ nữ - cả Mỹ lẫn Việt - thì ghét cô ta ra mặt vì cô ấy rất kênh kiệu, muốn vào làm mấy giờ thì vào; muốn về mấy giờ thì về. Chẳng biết tí gì công việc nhưng quát tháo nhân viên rất to tiếng... Cô ấy thấy tôi già cả và hiền lành nên không quát tháo thị uy; cô ấy chỉ sai tôi đi rửa cho ấy cái ly cà phê. Tôi trả lời cũng nhỏ nhẹ là tôi vào đây làm thợ lắp ráp linh kiện điện tử chứ không phải rửa ly cà phê cho ai hết. Cô ấy bảo tôi liệu hồn! Cô ấy sẽ tống cổ tôi khỏi hãng, cô ấy không chấp nhận được nhân viên vô kỷ luật như tôi...
Nhưng tôi thì chỉ để mắt xem cô ấy rửa cái ly cà phê của chính cô ấy bằng cách nào? Đó là một cái ly nhựa, có nắp đậy. Cô ấy pha cà phê liên tục, hết ly này đến ly khác; và ly trước khi cô ấy ra về bất thường - không giờ giấc - thường là đang uống dở dang và để bất kể nơi đâu trong phân xưởng. Hôm sau vào, cô thường gào lên, có ai thấy cái ly cà phê của tôi ở đâu không? Rồi cười xòa lơ láo khi có người chỉ - cho chỗ làm bớt ồn chứ chẳng ai ưa.
Tôi để ý mới thấy một cách rửa ly kiểu Mỹ. Cô ta bưng ly cà phê hôm qua của mình vào phòng ăn, mở nắp ly để trút hết cà phê cũ vào bồn rửa chén. Đặt cái ly xuống bồn, đúng tầm vòi nước xả vô. Cô ấy lấy chai xà phòng rửa chén, rửa ly, xịt vào cái ly cà phê dơ bẩn. Sau đó xả vòi nước nóng tuôn xối xả vào cái ly cà phê cho đến khi nào hết bọt xà phòng thì lấy cái ly ra, đi pha cà phê mới. Có khi cả 5 phút đồng hồ, không hề ngượng với người đứng sau lưng, chờ cô rửa xong cái ly của cô để họ có thể sử dụng cái sink. Khi thì bọt xà phòng tràn cả ra ngoài sink rửa chén - cũng kệ; khi lại nhờ vả người đàn ông nào đó đứng gần, lấy hộ cô ấy cái ly ra khỏi sink vì nóng quá... Chung quy cũng chỉ vì mười ngón tay sơn đỏ chót nên không thể đụng vào bất cứ thứ gì. Chả biết cô ấy ở nhà thì sao nữa...”
“Đúng là chuyện của thầy Hoạch. Tưởng gì? Đàn bà không động móng tay đến bất cứ việc gì thì Mỹ - Việt đều dư giả lắm! Không tin tôi, thầy cứ ra Hội phụ nữ bốn mắt, rước thử một mụ về nhà thì thầy sẽ được đi rửa ly cà phê mỗi ngày cho mụ. Con Mỹ đen còn tự đi rửa lấy cái ly cà phê của nó là tốt lắm rồi, ông thầy hay mơ của tôi ơi!”
Tôi nói với ông thầy như thế, nhưng trên đường đi chợ về làm món nhậu, thầy Hoạch vẫn còn liệu, “...Tôi nghĩ, có thể mười ngón tay của dì Nấm - cả đời chưa từng sơn móng tay lần nào, anh Nhỉ?”
“Thì thầy đi học nail đi, rồi về mà sơn móng tay cho bà ấy! Hồi người ta mẹ góa con côi thì chả ai thương xót. Bây giờ, con trai đã làm chủ xe đò; con gái làm bác sĩ nhi khoa... thì khối kẻ mơ làm ông nội; ông ngoại con nít...”
“Tôi không có ý đó!”
“Vậy sao nói hoài? Có thư từ, chát chiếc thường không, khai mau...”
“Không.”
“... thì quên đi cho rảnh tuổi già. Hay... tình trong như đã...”
“... mặt ngoài còn e.” Ông thầy Hoạch vuốt đuôi câu Kiều bất hủ, rồi cười xòa. Chả biết ông có phải lòng dì Nấm hay không mà trên suốt đường về, lúc làm bếp, thầy lại nói về bàn tay của con người; đặc biệt là phụ nữ. Ông diễn giải mê ly, tôi thích sự logic của những người dạy toán. Ông nói,
“... Vẫn chưa ai trả lời được đích xác về nguồn gốc của con người. Những giả thuyết thôi, tổ tiên của loài người có xuất xứ ở châu Phi. Sau đó, một số đã du mục ra khỏi lục địa đen này, và sau nữa là đi khắp hành tinh. Do điều kiện thời tiết, địa lý... dần hình thành nhiều chủng tộc, nhiều màu da như hiện nay...
Năm 2008, người ta tìm được hai bộ xương ở Nam Phi, các nhà khoa học cho biết niên đại của hai bộ xương cách đây gần 2 triệu năm; chúng có những đặc tính tiến hóa khác với những giả thuyết tiến hóa được đưa ra trước đây. Như vậy tổ tiên của loài người đã thêm nghi vấn!
Nhưng đặc biệt là đôi bàn tay của bộ xương nữ. Tuổi xương chừng hai mươi tới ba mươi tuổi. Các nhà khoa học cho rằng đây là bàn tay của một người thợ với cấu trúc của xương bàn tay có khả năng nắm giữ được đồ vật. Các nhà khoa học còn cho rằng bàn tay ấy có nhiều đặc điểm của con người chúng ta hơn cả bàn tay của một giống người tiền sử trước đây được cho là giống người đầu tiên biết sử dụng dụng cụ.
Đôi bàn tay của người phụ nữ cách nay hai triệu năm đã thế. Chứa đựng không biết bao nhiêu điều mà khoa học, toán học không hề giải thích được. Người ta chỉ cảm nhận được những thông điệp phát ra từ bàn tay, chứ không có lý giải.”
“Ý thầy là...”
“Thì tôi thấy đôi bàn tay không dám rửa cái ly của mình, rồi nhớ đôi bàn tay rửa không biết bao nhiêu cái ly của người; rửa đến máu chảy thành giọt...”
“Như vậy là chắc chắn có nắm tay người ta rồi phải không? Miệng nói băng hộ vết miểng cắt nhưng kỳ thực băng bó vết thương lòng. Chứ không sao dì Nấm lại phải tự cắt tay mình lẫn nữa để được thầy em băng bó...”
“Toàn suy diễn bậy bạ!”
Ông thầy Hoạch không thèm tâm sự nữa. Nhưng đâu đó trong tiếng thở dài, trong hơi thu mờ chân mây xa xôi... bàn tay dì Nấm đã gởi thông điệp gì mà nhà toán học tính không ra. Chỉ có mười ngón tay đan xương xẩu nhớ về. Một ông già uống rượu trầm tư nhưng không hề thế sự; người ta nhớ một bàn tay thường nốc cạn ly đến quắc cần câu. Chắc bên kia bờ ảo vọng cũng có một bà nội; bà ngoại đong đưa võng cháu mà hát vu vơ mấy câu nhạc tình. Không chừng ra giêng này, anh bay về cưới em; chứ độc thân ở Sài Gòn còn có học trò an ủi, còn độc cô cầu bại ở Mỹ với tuổi đời đã cao thì buồn lắm Nấm ơi!...

Phan

No comments:

Post a Comment