Links

Monday, December 3, 2012

Cung Đàn Xưa

___________

Nguồn Phù sa

Lâm Kim Loan







Kính tặng bà quả phụ Nguyễn Cao Đàm


Có lần, có người hỏi tôi, giữa chết chồng và thôi chồng, nếu phải chọn một, tôi sẽ chọn điều nào? Tôi trả lời nhanh nhẩu: làm góa phụ. Sự chọn lựa nầy cũng dễ hiểu thôi.

            Chia tay trong tình vợ chồng là một tiến trình cam go chân đi đá lại dùng dằng, tiếp tục không được, mà dứt đi có thể cũng chẳng xong. Sự liên hệ của hai tâm hồn đã không còn đồng điệu. Thuở ngọt bùi trở thành tháng ngày cay đắng với dầy đặc muộn phiền khổ não. Tiếng cười biến thể thành tiếng nấc, tô đậm thêm đôi quầng mắt thâm qua những đêm dài trăn trở. Hạnh phúc tan biến, chỉ còn khổ đau dằn vặt, hun hút như trượt chân rơi tõm từ thiên cung vào địa ngục...

            Quyết định chia tay trong hôn nhân, không phải là một quyết định dễ làm, nó giống như sự quyết định chặt đi một cánh tay ung thư, rã mục, để phần thân thể còn lại còn có thể sinh tồn hoặc làm lại một cuộc sống khác, dù què quặt. 
            Chết chồng thì khác hơn rất nhiều. Đó là sự tách rời hai-nửa-đã-thành-một ngoài ý muốn. Là phần đời của người còn lại bị chới với, hụt hẫng thình lình. Là sống dật dờ ôm ghì cái quá khứ của những ngày dấu yêu đầm ấm. Tôi chỉ có cái xui rủi phải thôi chồng, chứ không may mắn được mất chồng. Tôi chiêm nghiệm được điều nầy ở những góa phụ. Một người gần tôi nhất là bác gái Nguyễn Cao Đàm.
           Sau ngày bác trai mất, thỉnh thoảng có dịp, tôi thường ghé thăm bác gái. Sau những lời thăm hỏi thường lệ và trò chuyện nắng mưa, bác luôn nhắc đến bác trai. Bác cho tôi xem lại những album hình gia đình, rồi kể cho tôi nghe những kỷ niệm cũ. Một lần không lâu sau tang lễ của bác trai, tôi chở bác đến thăm một đôi bạn vong niên khác cho bác khuây khỏa. Câu chuyện đang giữa chừng, bác bỗng nóng nãy thốt lên: Chết chửa, tới giờ cơm của bác trai, mình về đi. Tôi chết điếng trong lòng lặng người nhìn bác! Mọi người có mặt lúc đó cũng sững sờ. Nói gì bây giờ? Không lẽ tôi lại nói lên một sự thật mà chính bác đôi khi cũng chưa chịu nhận là sự thật: bác trai không còn ở  với chúng ta nữa, bác đang nằm ở nghĩa trang? Người đàn ông đó đã nhập thân, thành máu thịt và tim óc của người đàn bà nầy. Nhịp sống thường ngày của đôi lứa đã đi vào vô thức của bác, tự nhiên như hơi thở, như niềm vui nỗi buồn hàng ngày của bác. Nhưng sự thực cuối cùng rồi cũng đến với bác. Bác ngậm ngùi than: Sao tôi đãng trí thế không biết!
            Bác vẫn ngũ trong căn phòng cũ, trên chiếc giường của bác trai. Chiếc giường riêng của bác thường kê song song đã được dẹp cất. Chiếc áo khoác mùa đông sọc vuông màu nâu của bác trai vẫn còn nguyên trên móc áo. Có những phút lặng yên nói nhiều hơn ngôn ngữ.Trong đêm sâu hun hút, ngoài anh linh của người đã khuất, còn ai nghe được tiếng thở dài và nhìn thấy được những giòng nước mắt lặng lẽ của người góa phụ?
            Ngày Giỗ thứ hai của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm. Bên bàn thờ chồng lần này, trước hơn mươi người thân thuộc, Bác gái không nói đôi lời với di ảnh của chồng như trong ngày giỗ đầu tiên. Chỉ vài lời cảm ơn khách, rồi bác nói tiếp: tôi muốn hát cho ông ấy nghe. Bác đưa tay bật nút chiếc cassette đặt cạnh bàn. Hai bản nhạc Cung Đàn Xưa và Ngàn Thu Áo Tím được bác thu sẵn. Bác hát không có đàn đệm, tiếng hát trầm ấm chơi vơi, đứt quãng vì nghẹn ngào, cung bổng cung trầm vương những dòng nước mắt của người quả phụ. Vây quanh bàn thờ là những nghệ sĩ, con cháu của hai bác. Thường ngày họ rất sống động, ồn ào. Vậy mà giờ phút này, bỗng dưng tất cả như bị chôn chân, hóa đá bất động. Có vài cánh tay đưa lên lau nước mắt. Tôi cảm thấy tay tôi run run.
Nghe tiếng thời gian âm thầm đưa
Ngẩn ngơ thương nhớ cung đàn xưa...
...Tôi vẫn thiết tha yêu ngày xưa
Ngày nào say đắm với cung đàn mơ
Ngày nào hai đứa dưới trăng mùa Thu
Hôm nay sầu lắng tâm tư...
Một mùa Thu xưa,
Dưới vầng trăng hai đứa đã hơn một lần mơ
Nào ngờ duyên tơ đã chìm trong thương nhớ...
Còn dư âm cũ nhớ nhau mà thôi...
Tiếc thương còn đó
Gió trăng còn đó
Thấy đâu người xưa...
            Chưa bao giờ tôi nghe một bản nhạc mà âm ba và ý nghĩa lời ca thấm sâu vào lòng tôi như dao cắt thế nầy! Lời ca là tâm tư của một người tình si gởi gấm trọn vẹn đến một người tình đã ra đi vĩnh viễn. Âm ba là tiếng khóc chồng, tiếc thương năm mươi lăm năm xẻ bùi chia ngọt. Cô gái tóc dài da trắng Đỗ Thị Hoàn của làng Hạ Thái, huyện Thanh Trì, Hà Đông, gởi trọn tình yêu đầu đời cho Nguyễn Cao Đàm, người con trai đứng đắn mà dí dỏm của làngVĩnh Trung. Bảy mặt con được sinh ra từ tình yêu mặn nồng đó. Cuộc hôn nhân ấy còn được thăng hoa và tô thêm nét bằng nghệ thuật. Chàng lăn xã mình cống hiến và phụng sự cho nghệ thuật. Nàng nâng niu trân quí tác phẩm của chồng và tảo tần chắt chiu năm tháng nuôi con, và nhìn con thành thân thành danh như những tác phẩm sống động nhất của cả mối keo sơn gắn bó đó. Và còn nữa, anh đàn em hát trong những giờ phút mà áo cơm và tha nhân được tạm gác qua bên....
            Có lần tôi hỏi bác gái: Bác yêu bác trai nhất ở điểm nào? Bác trả lời: Ông ấy rất hiền và trước sau như một. Không yêu sao được cái bóng - mát - cuộc - đời như thế! Và làm sao có thể quên dễ dàng con người thủy chung nghĩa tình như nhất sau mấy mươi năm má tựa vai kề.
            Tôi biết những ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm từ ngày tôi còn là một cô bé ngực chưa nhú nụ. Không biết từ đâu, ba tôi, một phó nhòm tỉnh lẻ, có những tấm hình cảnh phóng lớn trưng bày trong tiệm, như hình hòn Phụ Tử, Vịnh Hạ Long... Lúc ây, tôi chỉ thấy đó là những bức ảnh thật đẹp mà không biết  do ai chụp. Bẵng đi khoảng bốn mươi năm. Tình cờ vào giữa năm 2000, vài người bạn rủ tôi đến chúc thọ cho bác Đàm. Bác đem ảnh ra cho xem, tôi mới biết tác giả là ai.
            Thời gian trôi như vó câu. Mới ngày nào còn bé con vô tư, nay thành sầu cũng chất ngất với tuổi đời. Mới hơn hai năm trước, một Nguyễn Cao Đàm bằng da bằng thịt trước mặt nói cười, giờ chỉ còn di ảnh lung linh sau khói nhang. Tôi thấy như mắt bác trai long lanh với lời ca não nuột thấm nhòa nước mắt của người vợ hiền trong Ngàn Thu Áo Tím...
Mưa rơi rơi bóng anh như làn khói, bóng anh xa ngàn khơi...
...Từ khi xa anh, em vẫn yêu và nhớ, mà sao anh đi đi mãi không về nữa
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ, ướt trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa...
            Thưa bác gái. Có một người bạn đời đáng yêu như thế để mình khóc thương tiếc nhớ là một niềm hạnh phúc vô biên. Xin bác cứ khóc đi! Có người muốn khóc như bác mà đâu có được!

Lâm Kim Loan

1 comment:

  1. Hình như tác giả Lâm Kim Loan là ngừơi Rạch Giá?

    ReplyDelete