Mạch vạn Niên
Linh Xuân Thôn là một thôn ấp thật đẹp, nghe tên tưởng như là một thôn ấp nào đó xa xôi thành thị. Thực ra chỉ cần đi bộ qua một con hẽm bên hông chợ Thủ Đức chừng 50 thước là gặp một thôn ấp nằm khiêm nhường trên những khu đất chỗ cao chỗ trũng và những thửa ruộng xen lẫn những vườn rau xanh ngát trong một không khí trong lành. Những ngày chủ nhật tôi và Cương thường đạp xe đạp từ Ngả Tư Bình Hoà, Gia Định, nơi nhà dì Út của Cương mà tôi ở trọ để học Cao Đẳng Kiến Trúc, lên đó chơi. Má Cương thứ Tư nhưng ở Rạch Giá còn Cương và tôi thì cùng ở nhà dì Út. Riêng dì Hai thì làm y tá trong một trạm xá ở Linh Xuân Thôn và có ngôi nhà sàn tương đối khang trang ở đây. Chung quanh nhà có vườn rào bông bụp. Bên trong hàng rào là những liếp khoai mì và bắp. Bên ngoài thì có một cái ao thả cá. Khung cảnh thật hữu tình và đáng được là nơi để chúng tôi không ngại mệt nhọc đạp mười lăm cây số lên đó mỗi cuối tuần thăm dì Hai. Vả lại thuở ấy ít xe cộ và khói bụi ô nhiễm như bây giờ nên cũng đáng để chúng tôi có một ngày nghỉ ngơi thoải mái cuối tuần.
Trinh là con gái lớn của dì Hai. Dì có ba gái một trai nhưng dượng Hai thì mất sớm nên sau khi đậu Tú Tài I, Trinh vào sư phạm và làm cô giáo dạy tiểu học ở đây để phụ giúp dì hai nuôi các em. Trinh bằng tuổi Cương nhưng nhỏ hơn tôi hai tuổi. Vì là vai em nên dù bằng tuổi Cương vẫn phải gọi Trinh bằng chị. Tôi cũng bắt chước Cương gọi Trinh bằng chị. Không biết có phải vì lỡ đóng vai chị mà Trinh rất sung sướng lịch sự tiếp đãi chúng tôi mỗi tuần cơm nước thịnh soạn và chúng tôi thì đàn ca thoải mái như ở nhà mình. Trinh thích tôi hát những bài nhạc trữ tình của Trinh Công Sơn và Lê Uyên Phương. Và bài hát Trinh thích nhất là Tình Khúc Cho Em của LUP. Trinh nói bài nầy Trinh mê nhất vì lúc đó Trinh được nghe vợ chồng Lê Uyên Phương hát lần đầu tiên ở Quán Cà Phê Thằng Bờm trên đưởng Đề Thám Sài Gòn với một người bạn. Bài nhạc như than thở như ray rứt với một mối tình vừa thắm thiết vừa nghẹn ngào muốn xa mà không xa muốn níu kéo mà không níu kéo...mở đầu cho một loạt bài kế tiếp mà Phạm Duy đã lăng xê đôi vợ chồng tài hoa son trẻ nầy tại quán Cà Phê do Vũ Thành An làm chủ.
Tôi hát giọng chính còn Cương hát giọng bè. Trinh nói hai đứa hát thật hay nhưng tiếc rằng hai đứa đều là đực rựa, phải chi được một nam một nữ như Lê Uyên Phương thì thật tuyệt vời. Tôi cười nói thì Trinh hát với tôi nhé. Nàng đồng ý nên tôi tập nàng hát giọng chính còn tôi thì bè. Nàng yêu nhạc nhưng kiến thức về nhạc lý thì còn quá yếu nhưng tôi cũng tế nhị khen nàng cho nàng đỡ ngượng và tôi cũng thấy rất hạnh phúc khi được hát cùng nàng. Từ đó mỗi lần lên chơi là mấy đứa chúng tôi vui đùa thỏa thích. Lúc nào tôi cũng gọi Trinh bằng chị nhưng tôi biết mình đang dối lòng cái khoảng cách không cần thiết đó.
Nhưng chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Tôi và Cương đều là những sinh viên nghèo sáng nào cũng ăn cháo bằng cách đổ gạo vo vào bình thủy cùng với nước sôi chiều hôm trước để sáng hôm sau có cháo ăn với củ cải muối rửa sạch mà đến trường. Muốn ra trường làm Kiến Trúc Sư thì phải cần đến bảy năm dài đăng đẳng. Tôi và Cương bỏ cuộc, xếp bút nghiên theo việc đao binh. Trước ngày lên đường tôi tặng Trinh bản nhạc Cho Em Tình Khúc do tôi viết và quyển sách Yêu của Chu Tử. Tuy mang tên ngược với Tình Khúc Cho Em của Lê Uyên Phương nhưng nội dung là tôi đi chinh chiến không biết có ngày về Em hãy quên tôi và sống cho tương lai mình. Trong bản nhạc tôi mới dám xưng anh em với nàng.
Ra trường tôi đổi tuốt lên Vùng II Chiến Thuật lúc thì đánh nhau ở Ban Mê Thuột lúc thì Kon Tum lúc lại Pleiku và những mối tình vụng dại qua đường làm tôi quên mất hình bóng Trinh trong trái tim nhỏ bé nhưng chật cứng những giai nhân kinh thượng một nhà ! Cuối cùng tôi bị thương sau năm năm lấp biển vá trời, bắn thiên bắn địa bắn người bắn ta. Tôi xin đổi về quê quán là Rạch Giá.
Ngày về Rạch Giá tôi lên chiếc xe đò Liên Trung với vết thương trên lưng vừa lành. Xe vừa qua khỏi Ngả Ba Trung Lương thì bể bánh trái phía bên tài xế. Xe nghiêng càng lúc càng về phía bên kia đường và sắp nhào xuống ruộng thì gặp phải chiếc xe nhỏ hơn có lẻ là xe liên tỉnh chạy ngược chiều. Xe Liên Trung đụng và hất chiếc xe kia xuống ruộng và may mắn nhờ vậy mà xe ngừng lại an toàn. Thế là xe Liên Trung bỏ mặc hành khách muốn làm sao thì làm vì còn phải ở lại chờ "ăng kết". Tôi đứng xớ rớ như bao nhiêu hành khách khác để chờ đón xe khác tiếp tục lên đường. Thật bất ngờ ! Một phụ nữ bụng mang dạ chữa đi đứng khó khăn trong đám hành khách tiến lại phía tôi và tôi nhận ra người đó là Trinh. Trinh mừng ra mặt và tôi cũng không khác gì Trinh. Năm năm rồi không gặp giờ Trinh đã có chồng. Anh Hoàng phải không ! Tôi cười nói với Trinh bộ tôi thay đổi nhiều lắm sao và tôi ngần ngại hỏi chồng Trinh đâu sao đi một mình vậy. Trinh nói được tin chồng là Thiếu Úy Đại Đội Trưởng của Tiểu Đoàn Hắc Hổ đóng ở Miệt Thứ Rạch Giá đánh nhau ở Kinh Làng bị thương nặng hiện đang nằm ở Bệnh Viện Rạch Giá không biết ra sao. Lần đầu tiên Trinh đi về miền tây tưởng rằng ngồi trên xe qua phà qua bắc là tới nơi, không ngờ gặp tai nạn, may mà gặp được Hoàng nếu không thì chẳng biết cách nào mà đi tiếp. Tôi an ủi Trinh đường Sài Gòn Rạch Giá tôi rành như cháo, Trinh yên chí tôi sẽ là khách dẫn đường và chúng ta vui vẻ như những ngày xưa.
Hết qua phà Mỹ Thuận rồi đổi xe, lại qua phà vàm Cống lại đổi xe. Trinh yên tâm có tôi bên cạnh, tôi hỏi mấy tháng rồi, nàng nói tám tháng và có chồng vừa đúng một năm. Trinh vẫn chờ người ta trở lại từ ngày Cho Em Tình Khúc và quyển Yêu. Người đàn bà goá chồng thì chỉ cần thờ chồng ba năm, còn Trinh thì đã mong người ta hơn ba năm mà vẫn biền biệt chắc là quá đủ rồi phải không Hoàng. Tôi nghe thấy đau buốt trong tim. Nàng gục đầu vào vai tôi mùi hương tóc nàng hình như tôi nghe thấy vẫn trinh nguyên như tên của nàng. Tiếng máy xe vẫn nổ đều đều và tôi nghe trong tiếng nổ lời ai văng vẳng " Như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân,,,"
Mạch Vạn Niên
Hi Anh MVN ! Cuối năm đọc bài nầy đọan kết sao mà nghe buồn buồn , bên Anh ăn tết có gì vui vui kể tui nghe với , bên nầy mưa cả ngày buồn hiu . Kính chúc Anh và gia đình năm mới vui thật là vui. N.
ReplyDeleteHi N !
ReplyDeleteGiờ nầy bên Texas chắc đã giao thừa.
Anh đang vừa xem TV để cùng vừa đón giao thừa với ngưòi ta trên TV nhưng chỉ có mình ên ! Tết xa quê làm sao vui ! Mình cũng giống NHƯ CHIM ĐAU QUÊN MÙA XUÂN mà.
Chuyện đáng lẽ kết cục còn buồn hơn, nhưng Anh bỏ lửng nó tại Bắc Vàm Cống cho mọi người vui vẻ ăn Tết.
Thân mến.
MVN
Anh Niên,
ReplyDeletekhông ngờ ông em của bạn tôi tả xông hửu đột dử dằn như vậy mà số đào hoa cũng không thua gì!Bái phục.
Rể Rạch Giá.
Các bạn ơi !
ReplyDeleteXin phép Rể Rạch Giá cho tôi được phép bật mí một chút !
Rể Rạch Giá có bàn tay kỳ diệu. Vừa cầm phấn tức là Giáo Sư dạy TH Nguyễn Trung Trực, vừa cầm súng tức theo chân hoàng thân Vĩnh Lộc từ lúc ông còn là Trung Tá chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp Bà Rịa đến lúc lên tới Trung Tướng nắm giữ Tư Lệnh Sư Đoàn cho dến Tư Lệnh Vùng. Ngoài ra Rể Rạch Giá cũng còn có tài cầm bút viết văn không thua bất cứ ai. Vậy mà ông Thấy vào Tha Hương chỉ muốn dạo cảnh xem hoa.
Ông Thầy ơi ! Ông anh khen tôi chỉ vì tôi là em của ông bạn tâm giao của ông Thầy, tôi thấy mình quả là tài còn hèn sức còn mọn so với ông Thầy. Xin ông Thầy đừng điềm nhiên toạ thi nữa, hãy múa bút đóng góp bài vở và liên lạc với Bà Chủ Vườn Tha Hương cũng là cựu giáo sư Nguyễn Trung Trực Hoàng Thị Tố Lang tại emai tolang_hoang99@hotmail.com để cho vườn hoa Tha Hương thêm hương sắc.
Kính chúc ông Thầy và Cô (dạy Tiểu Học Rạch Giá) một năm mới an khang và tràn đầy sức khỏe. Thân kính.
Mạch vạn Niên.