Links

Monday, April 1, 2013

Những Giấc Mơ.

___________


 Sưu Tầm (từ Lý Thanh Phong )

Có lúc trăng soi dạng lưỡi liềm, nhọn như dao, không khắc vào tim mà lòng vẫn nhói đau. Cũng có lúc trăng chênh chếch như giọt nước mắt khổng lồ thổn thức giữa bầu trời hiu quạnh đen tuyền màu u uẩn. Bao tiếng gió miên man rầm rì giữa hàng cây lá vẫn không làm trăng tươi. Trăng ủ rũ, trăng tư lự, trăng ngẩn ngơ buồn, trăng soi rọi tâm tư lũ con gái chúng tôi.

Tôi nằm bên chồng, nghe tiếng ngáy đều của anh mà thấy lẻ loi, cô độc vô cùng. Chợt thấy thương má, thương mình. Má đã bao nhiêu năm nằm một mình, hẳn má thấy lạnh lẽo, cô đơn trong đêm về tịch mịch. Nhưng còn tôi, hơi thở của chồng xoắn xít quanh đây mà sao sương đêm vẫn hoang lạnh?


Tôi phải tập yêu chồng tôi, vị cứu tinh cho đời sống chật vật của gia đình tôi. Điều này trên lý thuyết cũng không khó lắm. Nhưng trong trái tim ngoan cố của tôi, cho đến bây giờ sự biết ơn vẫn còn rõ nét hơn nỗi rạo rực yêu thương.

Tôi như hàng vạn người con gái Việt Nam về quê hương chồng Đài Bắc này để tìm một lối thoát cho cuộc sống vô vọng đã đeo đuổi chúng tôi ngay từ thuở lọt lòng. Quê mẹ nghèo quá, bàn tay mẹ gầy guộc quá, vì thế dù lòng mẹ có thật bao la cũng không giữ được lũ con gái chúng tôi ở lại vùng đất quê hương.

Tôi ra đời sau thời chinh chiến. Nhưng má luôn đăm chiêu thở dài, hòa bình đã về nhưng sao đất nước lại đìu hiu tiêu điều hơn lúc nào hết. Ánh mắt má ngày càng da diết nỗi sầu muộn. Sau ngày thống nhất là ngày hận thù được thăng hoa, ba phải đi vào tù cải tạo. Má là cô giáo một trường tiểu học. Đất nước thanh bình, ai cũng nghèo, người ta cần gạo cơm chứ đâu cần chữ nghĩa nữa. Má như một kẻ thua trận, gồng gánh đưa lũ con về quê ngoại. Má giã từ Sài Gòn nhốn nháo, giã từ dĩ vãng, giã từ cuộc sống an bình ngày xưa. Má tảo tần nuôi con, nuôi chồng. Rồi ba cũng về sau những tháng ngày lao tù học làm người của Xã hội Chủ nghĩa. Rồi tôi ra đời. Và rồi ba lại ra đi kiếm tìm tự do trên những con tàu chơi vơi. Ba đi tìm tương lai cho cả gia đình, nhưng ba đã không bao giờ trở lại. Ba đã yên nghỉ trong lòng đại dương. Đã không còn phiền não, không còn trầm tư trong đôi mắt ôn nhu ngày nào. Chỉ thương cho Ba, ra đi trước khi được về thăm quê nội ở bên kia bờ Bến Hải. (Tôi đã được nghe chuyện kể về một dòng sông nhỏ nhưng đã có một thời là lằn ranh ngăn cách lãnh thổ độc tài phía Bắc và vùng đất tự do phương Nam). Ba ghé nhân gian ngắn ngủi nhưng để lại nỗi đau dài cho người cô phụ. Nụ cười hiếm hoi trên môi má đã tắt lịm từ ngày ba vĩnh viễn ra đi. Má vượt qua nỗi chết của tâm hồn, gắng gượng sống cho đàn con.

Má tôi vẫn mặc cảm, sợ lũ con thất học, cho nên vẫn cố gắng dạy chúng tôi học. Tựa như trong thời buổi gạo châu, củi quế, má bất lực không tìm được thức ăn đưa vào miệng mồm nên để bù lại má ra sức nhồi chữ nghĩa vào đầu chị em tôi. Bây giờ đôi khi nghĩ lại tôi vẫn thầm trách má làm những việc tào lao. Chút vốn liếng sách vở đã không đem được sự no ấm cho gia đình chúng tôi, có chăng chỉ rọi sáng tâm tư khắc khoải, nỗi hoài nghi trong một xứ sở đã thống nhất thanh bình. Nỗi bâng khuâng ngày càng lan tỏa, và cái nghèo túng như những mạng lưới chằng chịt, dù đã vùng vẫy chúng tôi vẫn không tài nào thoát khỏi sự bủa vây của túng quẫn, nhọc nhằn. Chị em tôi bó gối nhìn nhau, nhìn má ngày càng võ vàng vì những cơn bệnh trầm kha không phương tiện chữa trị. Để rồi một ngày, tôi vùng mình đứng dậy, đốt hết những giấc mơ vốn dĩ rất đơn giản đến tội nghiệp của mình, nhắm mắt, khép lòng đi tìm tương lai trong những nơi chốn lạ lùng. Ở đó chúng tôi đã hết là người, đơn thuần là những món hàng, quên hết kiêu hãnh ngượng ngùng, tôi đứng trơ khoe bày tấm thân thể ngà ngọc, danh từ má gọi yêu thương ngày nhỏ. Tại nơi chốn bát nháo đó, nơi mà ranh giới người và vật đã thật mờ nhạt, tôi gặp chồng tôi.

Chồng tôi thoát chết sau một cơn cháy lúc còn bé. Tai nạn này đã để lại những vết tích không xoá được trên gương mặt nhăn nhúm của anh làm cho anh có vẻ dữ dằn, hung tợn.

Cũng may là còn đôi mắt lấp lánh tình người, đôi mắt thật đôn hậu tương phản với nét cau có gây nên bởi những vết sẹo phỏng năm xưa. Cũng may là ngày đầu gặp gỡ, giữa chốn chợ người, anh đã không sờ soạng, nắn bóp tôi cho tôi quên đi cái mặc cảm mình là món hàng biết khóc, biết nói, biết đau, biết tủi.

Mãi sau này tôi mới biết tại sao chồng tôi đã chọn ngay tôi giữa bao nhiêu cô gái khác. Tôi đã biết tại sao anh đã chọn tôi mà không cần vạch mắt, căng miệng tôi ra khám xét như những người đàn ông khác. Tôi không đẹp nhưng tôi có cái may mắn nhang nhác giống cô láng giềng mà anh thầm yêu trộm nhớ ngày xưa. Sau này anh tâm sự, ngay khi chạm mặt tôi lần đầu anh đã giật mình tưởng được tao ngộ cùng cố nhân. Tất nhiên cố nhân đã thật xa ngoài tầm tay với của anh. Tất nhiên, người con gái ngày xưa đã chẳng bao giờ đoái hoài đến cậu thanh niên tật nguyền, dị dạng. Và bây giờ chồng tôi tìm niềm an ủi bên tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi vẫn cám ơn Thượng Đế về sự trùng hợp huyền diệu này. Nó đã cho tôi cơm ăn, áo mặc, tiền thuốc men cho má và một mái gia đình với một người chồng dù dị hình, xấu xí, dù không đồng ngôn ngữ, không đồng quá khứ, dù gia đình chồng nhìn tôi bằng những ánh mắt lãnh đạm, đôi khi rõ nét miệt khinh. Mà có sao đâu những cuộc hôn nhân lệch lạc, má vẫn nói nghĩa vợ chồng bền chặt hơn tình yêu lãng mạn, mong rằng tôi và chồng tôi vẫn sóng bước đồng hành để trong đời sống của tôi không phải chỉ có những mất mát. Tôi nhớ ơn chồng nhưng chưa yêu anh được. Cho đến bây giờ mỗi lần ân ái, tôi vẫn phải nhắm nghiền mắt để che dấu nỗi e dè, ngại ngùng khi khuôn mặt nứt nẻ những vết thẹo dọc ngang của anh thật cận kề. Có lẻ vì chưa yêu nên tôi chẳng hề ghen tuông với người trong mộng của chồng. Hay khi người ta đã quá nghèo khổ, quá cơ cực, quá tuyệt vọng thì điều chúng ta băn khoăn nhất không phải là những yêu ghét giận hờn. Vả lại, ở xứ sở này, trong hoàn cảnh chúng tôi, cứ hãy ngu ngơ như cỏ cây, và phẳng lì như phiến đá để tâm hồn được an tịnh hơn là để những suy tư chao động cho lòng thêm chất ngất những niềm đau.

Tuy nhiên cái nghèo đói quá độ cũng có những khuyết điểm của nó. Cái nghèo đã như màn đêm dày dặc chôn kín giấc mơ tươi đẹp thời con gái. Những cánh đóm lập loè trên cánh đồng chết không có đủ sức để thắp sáng những giấc mơ đầu đời. Và những ngọn gió èo uột đã không chở nổi những suy tư của chúng tôi ra khỏi tầm hạn cơm gạo đói no. Hình như vì thế tôi đã đánh mất thói quen mơ mộng, có lẽ như thế lại hay.

Có những buổi chiều ra chợ, tôi thoáng gặp những đồng hương. Những cô gái thất thểu, mỏi mệt lạc lõng giữa rừng người. Tim tôi luôn nao nao nỗi xúc cảm, không phải vì đôi khi phát giác ra những vết tím bầm trên mí mắt vành môi của một hai chị bạn mà là nét đặc thù của nhân dáng Việt Nam trên thành phố Đài Bắc này; những chiếc bóng xiêu xiêu chịu đựng, những ánh mắt thảng thốt, hoang mang và buồn vô tận. Tôi tưởng tượng trong vô vàn cảnh vật, tôi khó mà lẫn lộn được những hình hài tang thương và lẻ loi đó. Các chị nhìn tôi ước ao thèm muốn: chị may mắn, một chồng một vợ. Còn tụi tui không hơn một món hàng hết qua tay người này lại đến tay người khác. Riết rồi không còn biết ai mới thật là chồng…Hay là: kiếp trước tui ở ác, nên bây giờ phải chịu nghiệp quả. Mà thật, tôi đã quá may mắn, tôi không bị đánh đập, không bị chuyền tay từ người đàn ông này qua người đàn ông khác. Nhưng tim tôi vẫn khắc khoải, hồn tôi vẫn cô đơn, tâm tư tôi vẫn chia xẻ niềm tủi nhục của những chị bạn. Có nơi nào trên trái đất tuổi đôi mươi đồng nghĩa với những đường cùng ngõ hẹp như ở quê hương tôi? Tất cả chúng tôi đều ôm ấp một niềm đau, chúng tôi đã không bao giờ có tuổi thanh xuân. Hạnh phúc là một từ trừu tượng, tương lai đồng nghĩa với bấp bênh, vực bẫy. Có ai hiểu những khuấy động trong tâm hồn đã chịu nhiều thương tổn của lũ con gái chúng tôi mà xót xa tội nghiệp?? Chúng tôi thường đọc thấy những nét rẻ khinh trong mắt người bản xứ, tôi thường phân vân tự hỏi mình đã làm gì nên tội ngoài cái tội dám mơ ước thoát cảnh khốn cùng. Chỉ mong sao những người cùng tiếng nói đừng khinh miệt những cánh chim phiêu bạt đáng thương của lũ chúng tôi.

Có những chiều nhìn từng đàn chim bay về cuối trời, đôi khi nghe tiếng cánh vỗ chấp chới hai tiếng “về đâu”, “về đâu”; tim tôi rưng rưng khóc. Ở quê nhà tôi cũng nghe tiếng chim kêu trong nắng chiều chập choạng nhưng không thê lương như ở quê chồng. Về đâu, biết đâu mà về. Chúng tôi đã nhận nơi này làm quê hương nhưng tại nơi này biết bao nhiêu thân phận đàn bà Việt Nam đã bị vùi dập. Còn quê nhà tuy không xa tít mịt mờ nhưng như đã khép lối. Tôi nhớ hoài những ngày tuổi nhỏ, bên thân cầu, nhìn đám lục bình lênh đênh giữa dòng sông, lòng cứ thầm hỏi những cánh hoa tim tím này sẽ trôi về đâu. Bây giờ, bâng khuâng nhớ lại những cánh lục bình ngày xưa, tôi chợt ngậm ngùi, số phận mình đã như đám lục bình nổi trôi. Ôi những mảnh đời trôi giạt giữa dòng đời vô tình, biết sẽ ra sao ngày mai.

Thật ra tôi vẫn còn quyến luyến quê hương mình. Một quê hương đã không biết nuôi dưỡng, bảo vệ những người con gái yếu đuối, đa cảm. Để trong đêm về trên thành phố Đài Bắc, có bao tiếng khóc Việt Nam, tỉ tê nức nở, khóc cho mình, cho những giấc mơ sớm bị tàn lụi. Lỗi về ai, trách nhiệm về ai? Trên đất nước với ngọn cờ máu, không ai có can đảm nhận. Và từng đàn thiếu nữ tựa những thiêu thân vẫn cứ ào ạt ra đi như nước tràn thác lũ. Có bao nhiêu thiêu thân đã cháy rụi trong ngọn lửa hững hờ, và có bao nhiêu người được sự may mắn tình cờ như tôi.

Dẫu nhiều cay đắng, dẫu lắm oan khiên, quê hương ta đó, làm sao quên được.

Đến một ngày, tôi không có tháng, người uể oải, chếnh choáng với những cơn nôn mửa bất chợt. Rồi giật mình, mình sắp có con. Tôi nhớ mãi cái cảm giác ngất ngây trước những diệu kỳ của đời sống. Lần đầu tiên trong đời, lạc lõng nơi thành phố này, trong tôi có sự kết tạo, có nỗi chờ mong và một tình cảm tuy đang manh nha nhưng đã thật dạt dào, mãnh liệt. Đêm đã thôi âm u trầm mặc, ngày đã bớt lê thê muộn phiền. Tiếng khóc chào đời của con chưa rơi xuống trần, nhưng ước mơ hạnh phúc đã vội vã vươn cao. Ôi cái sinh linh nhỏ bé đang nhỏ từng giọt hồi sinh nhiệm mầu trên tâm hồn héo úa của tôi. Ngọn lửa đã được khơi dậy từ những tàn tro. Tôi đã sống dậy từ bao nỗi chết. Trong tôi bao phác họa muôn màu về một ngày mai khi đứa con bé nhỏ của tôi bước những bước thơ ngây vào đời. Tôi lại bắt đầu nuôi dưỡng những giấc mơ. Rồi từng ngày tháng trôi đi trong háo hức lẫn băn khoăn tư lự. Con chưa mở mắt, nhưng tim đã ấp ủ bao lời tâm sự của má. Quê hương Việt Nam ngàn trùng xa mà những điệu hò ru con đã rất nồng nàn quanh đây. Con sẽ được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ, bằng trái tim tha thiết tình hoài hương. Ước ao sao con sẽ yêu thương quê ngoại như má luôn trân trọng nơi chốn má chào đời.

Nếu một ngày nào, theo bước của ba, con về quê ngoại tìm người bạn đời. Con hãy nhìn bằng mắt và bằng tim. Đừng sử dụng đôi tay mà gây vỡ vụn những trái tim mảnh khảnh, nhỏ nhít, đáng thương. Tội lắm cho người con gái. Con có biết sau những nụ cười gần như vô cảm là những tiếng nỉ non, thút thít đến não nề, ai oán. Con có hay sau những thân thể toàn vẹn là những tâm hồn tơi tả với những đắn đo, sợ hãi, tủi hờn bởi quá nhiều giông bão chung quanh.

Má ao ước, một ngày con lớn khôn, má để dành được tiền, ta về quê thăm ngoại. Về quê má, con sẽ hỏi tại sao quê ngoại nghèo quá, sao quê ngoại tiêu điều, buồn bã quá. Sao những người quê ngoại mang đôi mắt xa xăm, u hoài, như mắt của má. Má cũng như con đã không bao giờ biết đến một thời trên quê ngoại, mùa giáp hạt cũng là mùa nụ cười nở trên môi mọi người. Tiếng sáo diều dập dìu trên khắp nẻo quê hương, tiếng cười đùa trẻ thơ đã gảy nên những tấu khúc tuyệt vời của làng quê năm cũ, những năm quê ta chưa có ngọn cờ đỏ. Ta có sẽ bao giờ nghe được giọng hò trong thanh trên những cánh đồng thênh thang trĩu nặng bông lúa vàng của những ngày đất nước thật sự thanh bình. Ngày ấy có những thanh niên thiếu nữ sẽ để giấc mơ đầu đời, giấc mộng tình yêu bay bổng vươn cao qua gió ngàn, mênh mang trải trên những cánh đồng bát ngát để thấy tình mình cũng đơm hoa như những cánh đồng ngập lúa. Ôi những giấc mơ no ấm, an hòa bao giờ ta sẽ có…

Lời ngoại kể về quê hương êm đềm của ngày xưa cũ như một chuyện cổ tích. Nhưng má vẫn nuôi niềm mơ ước về một ngày mai quê ta hết nghèo đói cho những người đàn bà Việt Nam không phải thân cò lặn lội đường xa, làm dâu xứ lạ với những ê chề như những người trong thế hệ sinh sau ngày chiến thắng của phương Bắc.

Má sẽ đặt tên con là Sinh, sự Hồi Sinh của niềm hy vọng tưởng đã lụn tắt sau bao gió bão. Má sẽ dạy cho con làm người Việt Nam thật sự, những người sanh ra từ bên này biển Thái Bình với tâm tư chất chứa hồn Quốc Toản, Bắc, Giang. Qua bao đói no thăng trầm, qua bao hệ lụy thử thách, xa quê hương, hướng về quê mẹ, má chợt thấy mình chín chắn trưởng thành, lòng yêu mến quê cha đất tổ trỗi dậy thắm thiết. Hơn bao giờ hết má thấy mình thật gắn bó với quê nhà lận đận.

Việt Nam, Việt Nam, quê hương xa xôi quá, còn có bao giờ nhớ đến chúng tôi ? Xin một ngày quê tôi thật sự an bình để những người con Việt Nam có thể trở về nơi đất mẹ. Ngày ấy những giấc mơ sẽ thật sự được trổi mầm, cho trái tim Việt Nam được xanh một màu hy vọng, cho con người Việt Nam được kết sáng những giấc mơ kiêu hãnh. Ngày ấy đêm Đài Bắc sẽ thôi không còn tiếng khóc của những thiếu nữ lạc loài. Ngày ấy chúng tôi thôi hết kiếp luân lưu nhục nhằn.

Xin một ngày, giấc mơ trở thành hiện thực!



Cấn Thị Bích Ngọc





No comments:

Post a Comment