Links

Friday, April 26, 2013

Say

________


Bạn Láng Giềng




Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh dài cha nhậu đủ năm canh.
 Nhậu là một tiếng vừa quyến rũ, vừa thân thiết, vừa kêu gọi một số anh em ( T…..V ) tập họp để nhậu một chầu túy lúy cho thỏa chí bình sanh, không say không về.
Một anh chàng kể lần đầu tiên anh say, vợ của anh lo sợ cuống quít, đỡ anh vô giường, lấy khăn lạnh đấp trán, làm nước chanh cho anh uống dã rượu. Sáng hôm sau thấy anh còn chóng mặt, nhức đầu, liền gọi điện thoại vào sở xin phép cho anh nghỉ, sung sướng biết bao cho một kẻ say rượu! Qua mấy lần say sau không được như vậy nữa, sự sung sướng được thay thế bằng một bài kinh kệ của nàng:


 -Uống chi mà uống dữ vậy, chỉ làm khổ vợ con,khổ ơi là khổ!Ngày mai còn nhức đầu,chóng mặt phải nghỉ ở nhà,mất một ngày lương,anh không thấy lảng phí hay sao?
- Từ đó  sau buổi nhậu trở về nhà,anh len lén đi vào phòng ngủ đánh một giấc tới sáng.Thức dậy anh bình tĩnh chịu đưng cơn nhức đầu,đi rửa mặt,ăn sáng,chào bà xã đi làm.Anh lái xe tới một cái PARK,đậu xe dưới bóng mát của tàng cây,lấy điện thoại cầm tay gọi vào sở xin phép nghỉ.Gió mát lành lạnh của buổi sáng,chim hót ríu rít trên cành đưa anh vào một giấc ngủ ngon lành không ác mộng,không nghe tiếng tụng kinh.Gần tới giờ tan sở,anh thức dậy,cơn nhức đầu đã tan,tinh thần thơ thới,anh tà tà vừa lái xe vừa hút gió những bản tình ca.Chạy ngang qua tiệm bán vịt quay,anh ghé vào mua một con vịt vàng lườm,tươm mở để anh cùng bâ xã thân yêu ăn một buổi cơm chiều thật đầm ấm,thật vui vẻ” hạnh phúc biết bao”!
Trong quân đội ,anh em quân nhân trong những lúc không bận việc đao binh thường tụ họp nhậu nhẹt để quên hết những nỗi nhọc nhằn ở chiến trường,nhậu cho say túy lúy càn khôn,ai chê cười mặc ai vì ngày mai không biết sẽ ra sao?
Thi sĩ Nguyển Bắc Sơn khi hành quân ở Sông Mao đã viết một bài thơ thật hào sảng đúng với tâm trạng của lính ở chiến tuyến :
                   Ngày mai đánh giặc may còn sống,
                   Về ghé Sông Mao phá phách chơi.
                   Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm,
                   Đốt tiền mua vội một ngày vui.
Ngày xưa, Vương Hàn tác giả bài thơ Lương Châu Từ cũng diễn tả tâm trạng nầy của lính nơi sa trường:
                   Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi,
                   Giục ẩm Tỳ Bà mã thượng thôi,
                   Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
                   Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Rượu Bồ Đào rót vào chén lưu ly sáng chiếu, kỵ mã muốn vào nhấp một chén rồi có say nằm trên bãi cát,ai chê cười cũng mặc kệ nhưng ngựa Tỳ Bà đã hí vang tung gió ngựa ra sa trường khiến chàng kỵ mã ngoái nhìn bầu rượu mà ngậm ngùi luyến tiếc.( Anh em nào muốn uống rượu Bồ Đào hảy hỏi tác giả Cây sầu riêng vườn củ Vỏ kỳ Điền,anh vừa phát hiện chỗ sản xuất rượu Bồ Đào,chỉ có 12$ một chai ).
Mấy tuần trước đây, thi sĩ đa tình, đa tài Mạch Vạn Niên đã múa bút làm một bài thơ tựa là Túy Ngọa Sa Trường.Bài thơ nầy thi sĩ không đề cập tới rượu, nhưng đã ẩn ý 3 loại SAY :
          - Say men chiến thắng.
          - Say men tình.
          - Say men rượu.
Ba loại say, ba tình huống khác nhau nhưng đều có một chữ men.Nói đến men là nói đến rượu.Người ta thường nói những người say rượu là những người bị ma men nhập vì men là chất xúc tác để làm rượu.
Kế bên nhà tôi ở VN là chỗ sản xuất men để làm rượu và cơm rượu cung cấp cho cả quận.Nhiều lần vì tò mò, tôi qua hỏi cách thức làm men nhưng đều được trả lời:
- Cháu muồn làm cơm rượu, bác cho cháu men, cháu học làm gì cho nó mệt, đành chịu vây thôi.
Tôi không biết cục men có những nguyên liệu gì trong đó, chỉ biết cục men khi đã hoàn thành công đoạn là một cục bột trắng ngà thoang thoảng mùi rượu xen lẩn mùi bột trương lên.Các công nhân ngắt từng miếng nhỏ,   vo tròn như cái bánh men để trên một cái nia lớn đem ra ngoài nắng phơi khô.
 Một sự trùng hợp là bánh men và cục men có hình dáng giống nhau, vậy cái nào ra đời trước để đặt tên cho cái sau??
Có nhiều cách và nhiều nguyên liệu để làm rượu.Nói tổng quát, hổn hợp nguyên liệu và men tác động, phản ứng lẫn nhau sinh ra một dung dịch rượu và nước.Đem chưng cất dung dịch nầy, rượu bốc hơi gặp lạnh đọng lại thành một loại rượu có nồng độ cao như rượu Rhum, Whisky, Tequila, rượu đế….Những loại rượu không qua hệ thống chưng cất như rượu nho, rượu trái cây có nồng độ thấp hơn.
Nguyên liệu để làm rượu có thể là:
- LÁ như rượu CẦN của người Thượng.Vò nát những lá thích hợp để làm rượu, cho hết vào một cái chum với một chút nước, chừng một tháng sau nước trong chum đã thành rượu.Ngày lễ hội chum rượu cần để ở giữa sân, trong chum có một ống hút dài giống như một cần câu, cho nên gọi là rượu cần. Lần lượt từng người đến ngậm ống hút để hút rượu trong chum.Rượu cần có nồng độ nhẹ, mùi nhân nhẩn của lá, nếu uống nhiều cũng gục tại chỗ, nhưng không sao đã có mấy cô sơn nữ Phà Ca ngực trần sẵn sàng cỏng vào nhà sàn vừa lấy xà rong đắp lên người vừa xuống 6 câu vọng cổ: Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn, nếu tỉnh dậy lúc đó chắc chắn những ai ở trong trường hợp nầy cũng làm bộ nhắm mắt ngủ luôn…
-RỂ như rượu TEQUILA của Mexico. Cây Tequila giống như cây dứa gai của VN, rể là rể củ có khi lớn tới 50cm đường kính, nghiền nát rể củ để làm rượu. Rượu Tequila có màu trắng trong. Uống rượu Tequila rất cầu kỳ. Ly uống Tequila là loại ly nhỏ có đáy thật dầy,  một cục pháo nổ để trước mặt, rót rượu vào ly ,bàn tay bịt miệng ly rượu giơ lên cao, cùng một lúc đập ly rượu lên pháo nổ, pháo phải nổ mới được uống và uống một phát một, cháy cổ nhưng sảng khoái.
-THÂN như rượu RHUM của Cuba, Republique Dominic làm bằng thân cây mía. Rượu Rhum có màu vàng sậm, nồng độ cao, nên đa số dân Cuba cả nam lẫn nữ đều mượn hơi men để quên nỗi sầu nghèo khó
-TRÁI như rượu nho hay rượu chát của Pháp. Làm rượu nho rất phức tạp.Trước tiên phải trồng cây nho, đã được chọn, ở nhũng nơi có đất và khí hậu thích hợp với nó.Nước ép trái nho khi đã thành rượu được cho vào những thùng làm bằng cây đặc biệt.Những thùng rượu nho nầy được chuyển xuống hầm có khí hậu điều hòa. Mỗi ngày có chuyên viên đến thử và đo nồng độ của rượu cho đến khi chuyên viên nầy gật đầu cho phép, rượu trong thùng mới được vô chai sản xuất.
Uống rượu chát cũng phức tạp không kém.Chai rượu chát để trên một cái khăn trắng tinh, rót từ từ một ít rượu vào ly dành riêng cho rượu chát, phải xoay nhè nhẹ chai rượu để  rượu khỏi chảy ra ngoài.Cầm ly rượu đưa ngang tầm mắt,lắc nhẹ để coi độ sánh và màu của rượu rồi lắc mạnh vài lần để biết mùi của rượu.Nhấp một hớp rượu, dùng lưởi đưa rượu qua lại như súc miệng để biết vị của rượu, xong từ từ đưa rượu xuống bao tử.Cho nên uống rượu chát phải có bạn hiền mới biết rượu có ngon hay không?Nếu có một nàng mắt xanh mủi lỏ má hồng phơn phớt đối ẩm thì chai rượu chát nào cũng ngon,cũng tuyệt cả!
Rắc rối quá, tốn công quá, uống làm chi thứ rượu nầy cho hao tổn tâm trí.Chúng ta hảy trở về nguồn, uống loại rượu cây nhà lá vườn quen thuộc,   ngon hơn,nhộn hơn,vui vẻ hơn,đó là rượu ĐẾ.
Rượu ĐẾ có thể làm bằng gạo hay nếp.Rượu đế làm bằng gạo không ngon, không trong như rượu đế làm bằng nếp.Rượu đế được gọi là ngon phải trong ,cái trong tự nhiên.
ĐƯỜNG XUỒNG của Rạch Giá là một trong những nơi làm rượu đế ngon nhứt nước.
Ở thôn quê, bạn bè, chồm xóm gặp nhau thường là chén trà đi trước, rượu đế đi sau.Mồi nhậu không cần phải sơn hào hải vị, chỉ cần một trái xoài non, một trái cóc, một trái me cũng đủ đưa hơi đưa cay hết vài xị rượu.Xị là chai xá xị thuở xưa, dùng làm đơn vị đong rượu của các quán hàng xén ở thôn quê.
Lúc trước khi lúa gặt hái xong cũng là mùa tát đìa để bắt đủ loại cá đồng,nhứt là cá lóc.Cá lóc nướng trui là món nhậu đươc yêu chuộng nhứt của dân thôn quê.Lựa những con cá lóc lớn vừa vừa, nông miệng cá ra, đổ từ từ nước dừa xiêm vào bụng cá qua một cái quặng, xong lấy dao rạch một đường chỗ đuôi cá, rồi treo con cá lên cành cây để máu cá chảy ra hết thì thịt cá nướng mới trắng.Dùng rơm chất xung quanh những con cá lóc được dựng đứng bởi một cành cây nhỏ xuyên qua miệng.Người coi nướng cá phải là một tay đầy đủ kinh nghiệm để biết hướng gió ,sức gió, bao nhiêu rơm để khi rơm cháy tàn là lúc cá vừa chín tới..Gió đưa mùi thơm của cá nướng bay tỏa khắp xóm trên xóm dưới nên không cần mời,không cần hẹn,dân nhậu trong xóm lục đục người đem rau,bún,bánh tráng,kẻ đem rượu,người đem mắm nêm,người mang đệm đến trải kế bên chỗ nướng cá.
Mấy xị rượu Đường Xuồng cùng một cái ly nhỏ để ở giữa đệm,những con cá lóc nướng đã lột vẩy trắng phau nằm trên tàu lá chuối được xếp dài ở ba bên sao cho vừa tầm tay dân nhậu.Lấy một miếng bánh tráng,gấp một miếng cá nướng, thêm bún, rau sống đủ loại ,cuốn lại chấm vào mắm nêm,  cắn một cái,vừa nhai vừa thưởng thức đủ mùi vị tỏa ra trong miệng trong khi chờ ly rượu xoay tua.Vị nồng cay của rượu Đường Xuồng phối hợp với hương vị ngọt ngào của thịt cá tươi,the the của rau,mằn mặn của mắm nêm tạo cho ta một cảm giác khó quên.Cảm giác khó quên nầy sẽ tăng lên muôn phần nếu được thưởng thức ruột cá.Ruột cá là món ngon nhứt của cá lóc nướng trui,chỉ dành cho người trưởng thượng hay khách mời của buổi nhậu.Bộ ruột cá vừa đưa tới đầu lưởi, ta đã cảm thấy ngay cái béo ngậy của mở cá tươm ra,nước dừa xiêm còn đọng lại cộng với cái ngọt tự nhiên của ruột cá cho ta một cảm giác vừa ngọt dịu dàng vừa beo béo,vừa đăng đắng của mật cá.
Ôi! Ruột cá lóc nướng trui sao mà ngon vậy!
Rượu vào thì lời ra, tiếng cười, tiếng mời mọc, tiếng vô …vô…vô khuyến khích người có ly rượu xoay tua chậm uống, tạo cho buổi nhậu ồn ào, náo nhiệt lạ thường.
Tua một, tua hai ta thấy lâng lâng.
Tua ba, tua bốn mặt mày nóng hừng lên.
Tua năm tua sáu đầu óc trống rổng.
Tua bảy, tua tám không còn kiểm soát lý trí.
Tua chín, tua mười …. Chạy ra gốc cây cho chó ăn chè.
Giai đoạn chót nầy ta gọi là SAY.Khi say có người măt tái xanh, có người mặt đỏ rần có người nói huyên thuyên,nói không sợ ai hết,không sợ phiền lòng ai vì đó là rượu nói :
                   Hiu hiu gió thổi đầu non,
            Những người uống rượu là con Ngọc Hoàng.
                   Ngọc Hoàng đang ngự ngai vàng,
            Thấy con nói bậy hai hàng lệ rơi.
Khi say ta không còn  biết, còn nhớ những gì đã nói, đã làm.
Clinton một hôm được người bạn tỷ phú mời ăn tiệc ở nhà ông ta.Sáng hôm sau Clinton khoe với bà Hillary là nhà bạn ông quá giàu đến nổi chổ đi tiểu cũng bằng vàng sáng chói.
Bà Hillary vừa cười vừa nói:
-À…ra vậy, em đã tìm ra thủ phạm đổ nước tiểu vào loa cây kèn đồng sáng chói của anh rồi!!!!
Khi say chẳng những lý trí không kiểm soát được mà tứ chi cũng vậy.Tay chân quờ quạng, đứng không vững, đi ngã tới ngã lui.Với tình trạng nầy lần đầu bà xã còn nương tình chăm sóc, lần thứ hai vừa lú đầu qua cửa mắt đã nẩy đom đóm vì ngọn roi của bà xã đã chực sẵn.Cũng vì lẻ nầy mà các xứ Ả Rập cấm uống rượu.
Thử nghĩ một anh chàng Ả Rập say sưa bò lê bò lết tới trước cửa nhà thì thấy bốn bà vợ cầm roi trợn mắt như muốn ăn tươi nuốt sống thì còn chi tấm thân liểu yếu đào tơ, con của Mohammed? Để bảo vệ đệ tử,Mohammed đã đề ra luật cấm uống rượu.
Có rượu vô thì mới say nhưng có những loại say khác không cần rượu cũng vẫn say như thường.Đó là SAY MEN CHIẾN THẮNG.
Nhìn hai vỏ sĩ đang quần thảo nhau trên vỏ đài, họ  ghìm nhau tìm những sơ hở của địch thủ để tung những cú đánh như trời giáng vào mặt,vào thân  cho tới khi địch thủ đo ván .Trọng tài đếm đến 10  địch thủ không tỉnh dậy thì vỏ sĩ còn lại nhảy lên dây căng của vỏ đài  hướng về khán giả hai tay đưa cao lên mừng rở tỏ vẻ chiến thắng.Sự mừng rở nầy như là một loại men tác động  vào kẻ chiến thắng khiến cho vỏ sĩ lâng lâng sung sướng quên hết những đau đớn bị trúng đòn,mắt sưng,mủi chảy máu,má bầm tím.Chiến thắng hay chiến bại đều đau đớn như nhau,có khác chăng là kẻ chiến bại gục ngả còn kẻ chiến thắng còn đứng vững được.Có vỏ sĩ nào mà giữ được chiến thắng nầy mãi mãi,một ngày nào đó cũng sẽ tới phiên anh nếm mùi chiến bại
Một loại say nữa không cần rượu, thân thể không cần phải đau đớn mà vẩn say như thường, đó là SAY MEN TÌNH.
Thú thật loại say men tình nầy tôi không đủ bản lảnh, không đủ kinh nghiệm để lạm bàn.Tôi nghĩ người có đủ tư cách, thừa kinh nghiệm để bàn chuyện say men tình không ai khác hơn là anh thi sĩ đa tình Mạch Vạn Niên.Vậy xin anh Niên hảy múa bút làm một màn ngoạn mục cho đọc giả Tha Hương thưởng thức mùi vị của say men tình như thế nào??
                                     
                             BẠN LÁNG GIỀNG.

8 comments:

  1. Kính chào Ông Bạn Láng Giềng !
    Không ngờ bài thơ Túy Ngọa Sa Trường gây cho ông thầy cảm hứng viết Bài Say thật độc đáo, đọc thấy thật quá đã và SAY theo từng chữ ông viết. Nhưng cuối cùng thì thằng em tỉnh rượu vì bị ông đá giò lái bắt làm thơ SAY MEN TÌNH ! Chết chắc !?
    Còn chuyện Bồ Đào Mỹ Tửu thì (theo ngoại sử) là rượu chát Bồ Đào Nha được nhập vào Trung Quốc theo đường tơ lụa của thưong buôn Ả Rập vào thế kỷ thứ 7, ông Vương Hàn uống thấy quá ngon nên đã viết ra kiệt tác Lương Châu Từ. Tin hay không là chuyện trên trời !!!
    MVN

    ReplyDelete
  2. Dạ thưa anh Bạn Láng Giềng

    Hình như hai câu mở đầu của bài viết đã "bị sửa" cho đúng với chủ đề say thì phải . chứ nhớ không lầm thì nguyên văn như thế nầy :
    Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
    Năm canh chày thức đủ năm canh (hỏng phải "cha nhậu" đâu )
    Điệu nầy chắc Bạn Láng Giềng hồi đó cũng nhậu dữ lắm chớ hỏng phải chơi đâu cho nên chắc ru con ngủ mà hát như vậy riết rồi quen phải không ?

    ReplyDelete
  3. Ông Bạn Láng Giềng nầy ngày xưa chắc cũng là tay nhậu có hạng nội mà nghe ổng tả chưa uống mà tui thấy say quất cần câu rồi.


    Lưu Linh

    ReplyDelete
  4. Ha ha đọc bài xong thấy hơi rượu tùm lum quanh cái laptop anh BLG ui . Tối nay phải lục mấy cục men đi làm cơm rượu mới được ...
    Cám ơn ông anh về bài viết Say nầy
    Anh có nhớ bài thơ nầy không

    Buồn như ly rượu cạn
    Không còn rượu để say
    Buồn như ly rượu đầy
    Không còn một người bạn

    Buồn như đêm khuya vắng
    Bên cửa sổ trông trăng
    Buồn như anh nói rằng
    Nhớ em từng đêm trắng

    Buồn như yêu không được
    Dù người yêu có thừa
    Buồn như mối tình xưa
    Chỉ còn dòng lưu bút


    TL

    ReplyDelete
  5. - Anh MVN,khi say men rượu người ta té lên té xuống còn chưa chết huống chi khi say men tình chỉ có té vào vòng tay bao dung của người đẹp thì làm cách chi mà chết được!
    -Nghe giọng văn nhẹ nhàng như gió thoảng tôi nghỉ người viết comment nầy chắc chắn là phái nữ:Đúng như vậy,câu thứ 2 đã bị sửa vì mỗi khi đi nhậu về thấy bà xã còn ngồi ôm con tôi ngâm 2 câu nầy lên thì tất cả mọi sự đều yên lành.
    -Anh Lưu Linh,lúc còn ở Rạch Giá một hôm đi ngang qua Ty Bưu Điện,
    tô thấy một Trung Úy BDQ nhảy xuống từ một xe jeep đến trước một con dê đực râu xồm xá 3 cái.ngạc nhiên tôi mới hỏi anh Trung úy tại sao anh xá nó,anh trung úy tỉnh bơ trả lời:
    -Gặp thầy thì phải xá chớ sao!
    Trong giới nhậu LƯU LINH được tôn là SƯ TỔ,nay tôi phải xá 3 xá để cám ơn sư tổ đã có lời khen.Thật ra tôi chỉ uống "ÍT LY " mà thôi.
    - Cô TL,không còn rượu để say,
    vậy thì uống nước cơm rượu ngon hơn.Theo kinh nghiệm làm cơm rượu của gia đình tôi thì cơm rượu có thể để lâu mà không hư.Vậy cô TL có thể tháng 7 nầy cho anh chị em Tha Hương thưởng thức tài nghệ làm cơm rượu của cô không?
    Bạn Láng Giềng

















    -

    ReplyDelete
  6. Thưa THẦY,
    Đến kỳ Đại Hội tới,tại San Jose,gặp
    "Thầy".Tụi Em có cần "xá Thầy" 3 xá
    cho phải đạo không Thầy ? Xin Thầy cho biết để Tụi Em "thủ lễ.Trông lời dạy dỗ của Thầy.Kính xá Thầy 3 xá trước,lỡ lúc đó có quên để bù lại.Kính chào "Sư Phụ".
    Tiểu Dương,

    ReplyDelete
  7. Anh Tiểu Dương,
    Tên Tiểu Dương sao mà nghe hay hay vậy! Vì Tiểu là nhỏ Dương là con dê,Tiểu Dương là con dê nhỏ.Ca dao có câu:
    Dê non háu đá.
    Anh Trung Úy BDQ kia nếu thấy Tiểu Dương ,anh ta phải xá 6 xá chớ không phải 3 đâu!
    Nếu có xúc phạm đó là lỗi của MVN vì anh ta chỉ cho tôi cách chiết tự nầy.
    Bạn Láng Giềng.

    ReplyDelete
  8. Nghe nói Anh Bạn Láng Giềng của mình bị "Dê Con"đá.Hỏng biết có trúng đâu không?Nếu trúng nơi tử huyệt thì:
    Ôi!Thời oanh liệt từ đây đành vĩnh
    biệt.Nợ giang hồ,đành nhường lạiMVN
    Trót sa cơ,nên ...
    -Dễ gì trúng được.Nghe nói Ổng có tới 7,8 cái đai đen lận,Đang chuẩn
    bị mở võ đường nơi xứ lạnh,trong mùa nóng tới.

    ReplyDelete