Links

Monday, May 20, 2013

Góc của Phan: Chơi vơi

______________

Góc của Phan: Chơi vơi




Ông Lý lại thừa hưởng sự di truyền của gia đình là ít ngủ, ông nằm thao thức, cố ngủ lại vì đồng hồ trên tường mới hai giờ sáng. Sáng mai lại là ngày đầu tuần, công việc trong công ty chắc chắn là ngập mặt. Nhưng ngủ nghê gì nữa với cái đồng hồ sinh học trong người còn đúng hơn cả đồng hồ thời gian-đúng quá hóa phiền với thói hư tật xấu, hễ mở mắt ra là phải đốt điếu thuốc. Mà đốt xong điếu thuốc thì ngủ nghê gì nữa với đàn kiến bò trong xương bò ra... kiếm cà phê. Ông Lý đi pha cà phê.
Trời đã vào hè nhưng đêm còn khá lạnh, ông khoác thêm cái áo văn hóa vì vợ chẳng cho mặc ra đường bởi nó rách bươm, nhưng rất thoải mái khi viết lách vì mặc áo rách thường viết được chữ lành; văn chương áo thụng không hợp với ông, và sự hiểu nhau của vợ chồng đã bỏ đi chơi sau nhiều năm cãi nhau đến phát chán mà thầy bói gọi là khắc khẩu. Cái áo khoác đã nhiều lần bà Lý bỏ thùng rác vì coi kỳ quá khi khách đến nhà, bởi ông cứ máng trên lưng ghế ông thường ngồi, tênh hên trong trung tâm văn hóa của gia đình là cái thư phòng mà ông thường ngồi vần chuột còm, cũng là nơi mà bà Lý thường để mắt dọn dẹp cho khang trang, sạch sẽ. Nhưng mỗi lần không thấy cái áo trên lưng ghế thì ông Lý lầm lũi ra thùng rác nhặt lại chiếc áo phong sương vì lý do riêng! Bà có nhằn ông gàn, dở hơi... ông làm lơ, rồi lải nhải áo cũ như vợ già, quen hơi thôi chứ ấm áp gì đâu! Gần đây, ông đọc được tài liệu khoa học nói về sự biến đổi tâm sinh lý của phụ nữ sau khi giã biệt kinh kỳ, nhưng không chó cắn như đàn ông ở tuổi nắng không ưa mưa không chịu mà trời mát thì lại thấy buồn... phiền. Dường như ông Lý dạo này thường suy tư về chủ nghĩa xét lại trong quan hệ vợ chồng sau nhiều năm cà khịa chống xâm lăng với vợ...
Giờ thì ông đã có thể ngồi đồng ngoài garage với chiếc áo tình thù rực nắng. Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây của ông Trịnh ngoài cửa; trong nhà xe này chỉ có ông Lý với bóng mình, và cái bóng đèn vàng hiu hắt như người trăm năm. Cả ba đều đã sắp phế thải nên buồn như nhau. Ông Lý để cái điện thoại trước mặt nhưng không cầm lên vì còn mải mê với ly cà phê nóng và điếu thuốc đầu ngày. Từ ngày cái điện thoại chùa của ông Lý bị bệnh không xạc, mà không phải là chết cục pin, ông đành đi mua cái điện thoại sau bao nhiêu năm ông chỉ xài điện thoại free; mở đường line điện thoại là họ cho không cái điện thoại. Ông quan niệm: điện thoại là dùng để gọi hay nghe nên ông không dùng những loại điện thoại phải để trên bàn ăn trong nhà hàng; trên bàn họp, cho người ta lé mắt. Rồi khi có ai chửi cha mình, hay đòi nợ thì lại phải đi ra một góc không ai nghe để xin lỗi, khất nợ; người nô lệ da vàng đã đắng cay tới biệt xứ, ông nhất định không làm nô lệ tự giác cho những thứ hightech để làm gì?
Nhưng dù cái điện thoại mới mua của ông Lý đã rẻ nhất nơi bán thì nó cũng bắt được internet mới ghê. Bao nhiêu năm qua, những công ty mà ông làm việc cho họ đều có trả tiền internet trên điện thoại cho ông nhưng bởi cái điện thoại free nên có mua internet cũng không bắt được, chỉ có text được đã đủ xài nên ông Lý cũng chẳng quan tâm, bởi điện thoại tốt quá thì không còn lý do mất sóng! Và còn một cái hiện đại của cái điện thoại mới này là nó thuộc loại phone quẹt mới vui tay, muốn đâu quẹt đó là có hết. Ông Lý quẹt tới tổng đài chóng mặt thì thôi, xóa mất progam mấy lần vẫn không hư... Có hôm giận bạn, ông Lý đập cái phone tan tành xuống nền xi măng. Người bạn ông biết lỗi càm ràm không đúng lúc nên nhặt lên, ráp lại cho ông Lý, cái phone quẹt của ông Lý chỉ trầy xước chút đỉnh chứ không sao. Đặc biệt là từ đó nó ngoan hơn, không trục trặc kỹ thuật gì nữa.
Với ông, đồ điện tử bây giờ không dễ tử như xưa, chỉ tại ông dị ứng với những người thích khoe khoang nên ghét lây sản phẩm hightech... Nhưng từ hôm điện thoại của ông Lý có internet thì có email tới nay, nó có mặt lợi là có thể check được email bất cứ lúc nào, nơi đâu... nhưng lợi bất cập hại là phiền phức vô kể, những chuyện không liên can đến ông nhưng người gởi ra email quá hào phóng đã đưa địa chỉ email của ông vào nhóm địa chỉ điện thư mà họ tự cho phép họ; những người bận rộn trong cộng đồng thì ngày càng nhiều theo đà thất nghiệp ở Mỹ. Nên cái phone của ông Lý đôi khi run lên như động kinh, ông Lý cứ coi như trong quần có vật không ổn nên thỉnh thoảng nó ồn, ông chả thèm xem. Ông chỉ đọc những cái text message khi có tín hiệu vì thường là bạn nhậu hay bà xã thường dùng text hơn email. Vô hình trung, bảo thủ hay cố chấp thì cũng phải quẹt khi nhân loại đã chuyển từ bấm sang quẹt.
Ông Lý ngồi nhâm nhi cà phê vô tư... cà phê cứ từ từ mà thấm vô phế phủ. Ông ngồi nhìn cái điện thoại trước mặt để lại nghĩ lung tung... đã nhiều nơi, người bán hàng không còn là một cô hàng xinh đẹp để xao xuyến tâm cang khách hàng nam giới; Những cô hàng mặt vuông ở siêu thị bây giờ chỉ chờ người ta touch là charge - quẹt là tính tiền! Touch lộn chỗ là double charge, ráng chịu! Chẳng còn nụ cười chết người của những cô hàng trong thế kỷ trước. Sao ông lại sống trong cái thời đại lạnh lùng như touch screen này nhỉ? Ông Lý thơ thẩn nghĩ ngợi bên ly cà phê nửa đêm thì đúng hơn là đầu ngày. Chợt nhớ đến lý do ông thức dậy trái giờ là bởi cái phone báo có text. Không biết ai text cho ông giờ này? Một người bạn quắc cần câu ở đâu rồi, kêu cứu không chừng! Còn nếu đã bị cảnh sát bắt thì sáng mai cảnh sát mới cho gọi về nhà hay gọi luật sư; Và một người bạn đi nhậu thì không hú, lúc lú rồi mới kêu... thì kệ cha nó đi! Cùng lắm sáng mai hùn tiền mua vòng hoa thăm viếng đã là... Hay một người bạn khác lác đác thơ say cũng không chừng; cánh làm thơ thường bấn xúc xích nửa đêm nên dễ mắc thằng bố; nửa đêm ra thơ rồi text đi muôn phương... Sáng ra, có ai chê dở thì đổ thừa đêm qua tôi say quá! Mấy cha viết nhạc cũng ăn lộn đũa nhà thơ nên cũng ưa ra nhạc nửa đêm bất tử. Nhìn lại, ông Lý không biết sao mình quen toàn người ít tỉnh. Suy ra...
Thế là canh tàn, ly cà phê cạn sớm quá so với giờ đi làm. Chả biết làm gì cho hết hết thời gian mà giết thời gian là điều ngu ngốc nhất đời vì thời gian không trở lại với ai bao giờ. Ông Lý đành ngồi delete bớt những rác rưởi trong phone. Ai dè cái text message trong phone lúc hai giờ đêm hoàn toàn không bạn bè với ông, nội dung text ngắn gọn: “Bố khỏe không? Con quá cảnh phi trường DFW chỉ 1 tiếng. Muốn gặp bố để uống cà phê quá nhưng giờ này chắc bố đã ngủ...”
Ông Lý đọc xong - thở dài. Giá đọc ngay lúc hai giờ đêm thì ông đã phóng ra phi trường, có mất cả tiếng lái thì ông cũng thoả mãn là được gặp mặt. Giờ chỉ còn ngồi ôm dĩ vãng... Hơn mười năm rồi, điện thoại của ông Lý thỉnh thoảng có số phone lạ gọi vào, nhưng chẳng bao giờ nói được câu nào. Cứ loạn xạ những tín hiệu viễn thông rồi thôi. Ông có hỏi bạn bè thì họ cho biết là số phone đó bên Việt nam. Trong khi ông là người tử tế nhất với V247 vì bạn bè có mua cho ông 5 đồng, rồi 10 đồng, có người ái mộ mua cho ông đến 20 đồng V247 để gọi Việt Nam, nhưng ông chưa hề gọi về bên nớ bao giờ. Thi thoảng bạn bè trong nước gọi qua chúc tết thì hầu như chỉ có vợ ông bắt điện thoại để cảm ơn những bạn bè còn nhớ đến những người đi. Ông Lý ngồi nhớ đã lâu lắm rồi, ông có gọi cho số phone ấy; nhớ rõ V247 lúc nào cũng nói là ông có cả ngàn phút, nhưng số điện thoại bên Việt nam đã ngừng sử dụng nên không liên lạc cho ông được!
Rồi cái phone của công ty cũ không xài nữa, mất hết tiền V247 không thành vấn đề. Họ có cho chuyển sang số phone mới, nhưng hơi đâu, đáng gì. Chỉ tiếc là mất số phone của người con bí hiểm – cứ thỉnh thoảng lại hỏi, “Bố khỏe không?” mà ông chẳng biết là ai!
Song, chừng hơn năm năm trước, ông bất chợt nhận được text message: “Bố khỏe không? Bố đổi số điện thoại rồi hả? Con không gọi được bố...” Ông vội vã trả lời, nhưng bặt vô âm tín thời gian dài. Hôm bỗng nhớ, ông ân hận vì cái phone mới lúc đó, nhưng khi nhớ ra thì đã mất việc, công ty lấy lại mất rồi! Trong khi ông đang xài cái phone khác của công ty mới, thời buổi bây giờ chủ cả siêng đuổi người còn hơn ông Lý siêng đi xin việc...
Ông Lý thấy vui-buồn lẫn lộn với cuộc rượt đuổi này. Sao lại có người mang tên con gái cứ thỉnh thoảng lại có liên lạc bất chợt với ông. Nói là hời hợt cũng không đúng vì đâu ai dư thời gian để làm chuyện không đâu! Mười mấy năm trước, cô ấy còn trong nước. Bây giờ chắc đã ra hải ngoại hay là người đi công tác ở hải ngoại. Cô gái này đã gọi điện thoại cho ông từ mười mấy năm trước thì nay cô phải chừng ba mươi tuổi, hay hơn chút đỉnh... Cô là ai? Và đêm qua, lần đầu tiên số điện thoại mới nhất của ông nhận được text message, nghĩa là cô ấy biết ông định cư ở đâu, hành tung của ông... kể ra số điện thoại và địa chỉ email của ông thì nhiều người biết nên chuyện cô biết không khó. Nhưng sao đời sống cứ còn những người tử tế đến bâng khuâng người khác; một lời thăm hỏi, một câu ân tình, không làm cho người ta bớt lo về việc làm, thu nhập nhưng an tâm mà đi giữa bầy thú dữ trong đời bây giờ. Lời han hỏi như sự xoa bóp trái tim cô lý. Cô là ai? Giá giúp được gì cho cô, ông Lý cũng sẵn lòng trả ơn ban phước theo nghĩa miếng khi đói bằng gói khi no; dường như mỗi khi ông bế tắc là lời thăm hỏi ân tình lại chợt đến – để chợt đi... Ông Lý ngồi làm công việc mà không ai giúp ông được là moi trí nhớ về chính mình cách nay chừng ba mươi tới hơn ba mươi năm chút ít thì sao chứ! Nhưng ông quyết định khi tia nắng mặt trời đã lọt khe cửa garage là cớ chi phải rõ ngọn nguồn/ nâng ly ta cạn nỗi buồn chơi vơi...

Phan

No comments:

Post a Comment