Links

Friday, May 10, 2013

Mẹ!




Lê Tam Anh

Hồi nhỏ, ở những lớp tiểu học, có lần tôi được thầy dạy một bài học thuộc lòng như sau:

Đêm khuya giấc điệp mơ màng
Kìa ai săn sóc bên giường của tôi,
Giấc sinh chợt tỉnh bồi hồi
Kìa ai bế ẳm, kìa ai dỗ dành
Ấy là công mẹ sinh thành
làm con phải hiểu phận mình làm sao!


Có lẽ lúc đó tôi còn ít tuổi nên học cho thuộc bài nầy cũng đã rất khó khăn. Tuy cố công học thuộc để lên trả bài lấy điểm, nhưng tôi cũng không hiểu gì về những ý ẩn chứa trong những câu thơ lục bát nầy. Tôi mơ hồ hiểu đây là một bài thơ ca ngợi người mẹ của mình, người mẹ sớm tối vì con, lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ... Thế nhưng, khi tôi đã trưởng thành, có vơ,ï có con, tôi mới thấy hết được cái ý nghĩa của tình mẹ đối với con như thế nào. Hèn chi trong tục ngữ ca dao Việt Nam ta cũng đã có mấy câu:
 
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẩu từ!



Người Việt Nam thường ít khi bày tỏ tình thương mẹ theo kiểu người Tây phương. Thậm chí cũng chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến sức khỏe hay để ý mẹ mình muốn ăn gì, thèm thứ gì và cũng chẳng bao giờ cho mẹ quà cáp khi đi xa về. Thường thì chỉ mua quà cho vợ cho con mà quên bẳng rằng mẹ mình cũng cần an ủi... Ôi! càng về gìa ta mới càng thấm thía và mới thấy hết được những suy nghĩ của người có tuổi. Người ta ví von rằng: Đời người ta được biểu diễn bằng một đường parapol, giống như một ngọn đồi, mới sanh ra là bắt đầu leo lên đồi. Đến 50 tuổi là đến đỉnh đồi. Từ đó là ta bắt đầu xuống dốc phía bên kia ngọn đồi. Gần cuối con dốc đó là tuổi già. Những ý nghĩ và thèm muốn trong tuổi ấy cũng giống như con nít vừøa sanh ra đến 10 tuổi. Cho nên mới có câu: “ Người già bằng con nít” là vậy.

Khi người mẹ già thấy con mình đi đâu về mà có món quà nhỏ, tuy chỉ là cái bánh ngọt hay một ít trầu cau cho mẹ... Người mẹ già sẽ vui sướng như đứa trẻ được quà! Cái tâm lý đó khi chúng ta còn trẻ không ai tưởng đến cả! Bây giờ, khi xa mẹ bao nhiêu năm mà không thể nào về Việt Nam một lần thăm mẹ, mới thấy hết được, cảm hết được những nghẹn ngào ! Ai cũng có một người mẹ và chỉ biết có mẹ mình lo cho mình mà không, hay ít khi lo ngược lại. Ông cha ta cũng thường nói, “giọt nước chảy xuống thì tình thương cũng chỉ từ trên nhỏ xuống mà thôi”. Điều này cũng là qui luật cuộc đời. Khi có thai, mang nặng chín tháng mười ngày rồi sinh con, cho con bú, canh giấc ngủ cho con, lo lắng khi con ốm gió trở trời, ôm con vào lòng dỗ dành giấc ngủ... Thì chừng đó ta mới cảm nhận được mẹ của ta như thế nào. Tình thương tuy cứ ban phát dần xuống, nhưng nó vòng vòng trong một hành trình đầy lòng thương yêu, chỉ có người nào từng làm mẹ mới cảm nhận được một cách tuyệt đối!

Ông Bùi Bảo Trúc thường viết những chuyện trên trời dưới đất, có khi viết những mẫu chẳng ra gì như đi máy bay ngồi bên người hôi nách hay bị ngồi bên cô gái đẹp mà đánh giấm chẳng hạn... Nghe nó chẳng ra chi! Nhưng lầøn nầy, khi tôi nghe ông đọc trên đài bài có đề tựa hình như là “Người đàn bà rẽ tiền nhất” thì thật tình tôi cảm động muốn khóc. Trong câu chuyện ông kể về người đàn bà không bao giờ muốn nhận quà của con mà chỉ muốn cho quà. Người đàn bà lo cho ông từng miếng ăn, thức uống, may áo cho ông dẫn ông đi học những ngày còn thơ, trông ngóng đàn con khi ra đi  hay về trể... Đến cuối cuộc đời người đàn bà ấy, người mẹ ấy vẫn chỉ muốn lo cho con mình mặc dầu biết chúng đã lớn , đã có gia đình... Người đàn bà ấy chỉ làm công không, không đòi hỏi tiền bạc gì cả! Ông Bùi Bảo Trúc muốn chạy về ôm người đàn bà ấy mà riết cho thật chặc, hôn thật lâu, nhưng bà đã là người thiên cổ mấy năm trước. Bây giờ, dầu muốn ôm mẹ vào lòng hôn cho thật lâu cũng không được...!

Đã mười sáu năm kể từ khi chúng tôi định cư ở Mỹ theo điện HO, chưa có lần về lại Việt Nam để hôn má, hôn ba. Ba tôi má tôi năm nay đã hơn 85, bà mẹ của vợ tôi trong tuổi 93! Thế mà chưa một lần những mong nhớ, chờ thương của họ được thỏa mãn. Tuổi già như chuối ba hương, Ba tôi năm ngoái bị xuất huyết nảo tưởng nằm liệt luôn, nhưng nhờ ơn phước, ông đang tập đi tập nói trở lại như hồi con nít... Má tôi cứ nói trong phône rằng “sao con không về cho má nhìn lần cuối...” Má đâu có biết con đang khổ như thế nào khi không được về thăm má một lần! Cách đây hơn 10 năm, nhân ngày mẹ của Hoa Kỳ, tôi có sáng tác một ca khúc tựa là “ Suối Nguồn”, nhưng cũng chỉ để hát cho các con tôi và bạn bè tôi nghe chứ chưa phổ biến. Lời ca như sau:
Mẹ bế con yêu, mẹ thức thâu canh,
ước mong con ngày khôn lớn,
Mẹ hướng con đi, vào biển bao la,
Sóng vỗ như đời xót xa...!
Từ lúc con đi, từ đó phân ly,
Chiến tranh, căm thù, nước mắt!
Mẹ vẫn ước mơ, lòng nhớ khôn nguôi,
Mong sớm con về bên mẹ...!
DK
Mẹ! là tiếng hát ngọt ngào,
Là ánh sáng yêu thương, là sóng lúa nương dâu trong hồn,
Mẹ là tiếng nói quê hương trong tim người suốt đời...
Mẹ vẫn xót xa, trời vẫn bao la
Trách ai chia lìa ngăn cách
Hẹn với quê hương, từ bến sông Thương
Con hứa có ngày quay về...

Tôi có di dự buổi tưởng niệm Bà Tùng Long qua đời tại Sai Gòn với tuổi 93 là cùng tuổi với má vợ tôi. Tôi là bạn Hướng Đạo với con của Bà Tùng Long, Trưởng Nguyễn Đức Lập và anh Nguyễn Đức Trạch. Tôi hỏi riêng các anh ấy rằng sao không về chịu tang mẹ. Anh Trạch nhìn tôi tâm sự: “ Mẹ tôi sinh chín đứa con, chúng tôi đều được mẹ hãnh diện là những tác phẩm ưng ý nhất của Bà. Nhưng hiện giờ tôi có một đứa em đang làm việc cho báo Tuổi Trẻ. Mẹ chúng tôi qua đời, có lẽ sẽ có những người bên kia đến phúng điếu... Tụi tôi về chẳng lẽ bắt tay được với những bàn tay ấy hay sao?” Tôi nghe mà nghẹn ngào nghĩ đến hoàn cảnh của mình!

Tôi muốn nói với những người đang còn mẹ và, hạnh phúc hơn nữa là đang được gần mẹ rằng: “ Chẳng có gì quý giá hơn khi mình đang có một người đàn bà hy sinh cả cuộc đời cho mình, không đòi hỏi phải đền bù, phải trả công lao. Hãy trân trọng và giữ gìn một món quà trân quí ấy, vì nó cũng có thể vuột khỏi tay bạn bất cứ lúc nào.” Đối với những ai đang phải bôn ba lưu đày: “ Cứ nghĩ rằng mình đang là những đứa con bất hiếu dù bạn đang làm đầy đủ bổn phận về tài chánh  cho những người thân ở quê nhà! Hãy nhìn lại mình và hy vọng một ngày ta sẽ vêà ôm hôn mẹ, riết thật chặc như ước mơ của nhiều người”

Má! Hãy ráng sống lâu chờ chúng con
!

No comments:

Post a Comment