Nguyên Nhung
Rau càng cua
Thời gian sống ở miền Tây, tôi được làm quen với các loại rau hoang như rau càng cua mọc tràn lan trong vườn, trong sân như cỏ dại. Chỗ nào có bụi cây thấp, bên bờ giếng, ven hàng rào mà đất ẩm, chỉ cần vài cơn mưa là rau càng cua mọc lên từng mảng xanh rờn. Không ngờ loại rau có lá hình trái tim hơi tròn trĩnh như đồng xu, màu xanh non ngọc thạch mượt mà dễ thương, lại là một món rau bổ ích mà mãi sau này khi tìm hiểu tôi mới biết công dụng dược thảo của nó, tốt hơn nhiều thứ rau nhà được vun trồng tưới tắm.Trên mâm cơm của người miền Tây thuở ấy, từ Trà Vinh cho đến Cần Thơ thường có rổ rau sống ăn kèm với thịt, cá kho, mắm kho, vì vậy mà chất tươi mát này đã thấm đẫm trong xương tuỷ cũng như tâm hồn của người miền Nam. Một rổ rau tươi đủ loại để ăn mắm bao giờ cũng có sự hiện diện của nắm rau càng cua, hương vị nồng nồng nhưng giúp những gia đình nghèo đưa chén cơm vào miệng thật ngon lành.
Bà chị dâu của tôi người miền Nam thường làm món rau càng cua trộn dầu giấm thịt bò, ngon hết biết. Nhưng sau này khó khăn, đâu phải lúc nào cũng có thịt bò, nên mẹ tôi chế biến thành món rau trộn chay giản dị mà cũng rất ngon. Vài trái cà chua chín thái ngang, mấy củ hành khô ngâm dấm và chừng hai cái hột vịt bày xung quanh đĩa rau, trộn dầu giấm chấm nước mắm chua ngọt là cả nhà đã được một bữa ngon cơm rồi.
Bây giờ ở quê người, cuối xuân sang hè tôi chỉ mong trời mưa, tiếng sấm động ì ì với những cụm mây đen ùn ùn kéo đến, vài trận mưa lút đầu ngọn cỏ là lúc đó rau càng cua cũng chuẩn bị mọc lên chen nhau dưới những bụi cây thấp. Một sớm mai ra vườn, nhìn thấy những cụm rau mát như ngọc thạch vươn lên chen lẫn trong lá cỏ, người xa quê mới cảm thấy nỗi ao ước hưởng lại hương vị “cây nhà lá vườn” của món rau hoang dại này, giờ đây cũng lạc loài nơi xứ lạ.
Hoa Thiên Lý
Dễ chừng đã nửa thế kỷ tôi mới được thưởng thức lại tô canh hoa thiên lý nấu với nhúm tôm khô và vài miếng thịt nạc. Chao ơi! Vị canh ngọt mà thanh, mát đến tận đáy lòng. Chị bạn thân có tay trồng cây, từ cây đu đủ cụt đầu oằn trái ngọt lịm, cho tới gốc thiên lý nằm thu mình trong chậu cũng lẹ làng leo lên giàn, lá chen hoa, hoa chen lá, hoa thiên lý khiêm nhường như vẻ đẹp nhu mì hiền hậu của con gái nhà quê, nép bên rèm len lén nhìn chàng trai đứng bên hàng giậu.
Ăn tô canh hoa thiên lý, tôi lại ngậm ngùi nhớ mẹ tôi, nhớ giàn hoa thiên lý mát rượi che khoảng sân trước căn nhà lá đơn sơ, nhớ những chiều mẹ đi chợ xa mãi chưa về, hai chị em tôi tha thẩn ngồi chơi dưới giàn hoa thiên lý chờ mẹ. Chị tôi mới lên mười đã biết bắc ghế hái hoa thiên lý nấu canh tôm. Mẹ về, bên ngọn đèn hoa kỳ tỏa sáng, mâm cơm được dọn lên, tô canh hoa thiên lý chiều xưa ngọt ngào thanh đạm như tình mẹ con, dưới mái tranh nghèo mà nhớ mãi trong tâm khảm.
Hoa Lục Bình
Đối với tôi miền Tây sông Hậu vẫn để lại nhiều kỷ niệm dịu dàng nhất trong đời người, vì đó là thời gian có bao nhiêu kỷ niệm đẹp của tuổi mộng mơ.
Nhà ở ven con sông nhỏ, có lẽ cũng là dòng sông đầu tiên mà tôi nhớ, theo con mắt nhìn hạn hẹp khi nghĩ về dòng sông tuổi thơ. Dường như đời tôi gắn bó nhiều với những dòng sông miền Nam, nước đục ngầu phù sa và cọng hoa lục bình lẻ loi trôi trên dòng nước.
Mỗi lần nhớ về chuyến phà qua sông Hậu, tôi lại bâng khuâng nhớ về hình dáng một cọng hoa lục bình lẻ loi bồng bềnh trên sóng nước lúc chiều buông, màu tím dìu dịu của hoa như lẫn với mảng trời mây bát ngát buồn, gợi nhớ hình bóng ai giờ đây lang thang cuối nẻo chân trời.
Sông mênh mông là nước, buồn ở đâu cũng cuồn cuộn chảy về. Mưa trên dòng sông trong một buổi nào tiễn biệt bạn ra đi, lòng cứ bâng khuâng khi bất chợt nhớ đến vần thơ cũ, “ mà lỡ khi mình không về...” đọc được trong đôi mắt người đi, kẻ ở. Mưa trắng xóa cả trời nước khi mình đứng lại bên này bờ, nhìn theo chuyến xe qua bờ bên kia đã nhạt nhòa trong màn mưa, tiếng sóng nhỏ vỗ vào mạn bờ nghe ngậm ngùi quá đỗi. Tiễn nhau một lần cũng đi qua sông, ở bờ bên này ngó ngút mắt qua bờ bên kia để chẳng thấy nhau mà vẫn thương vẫn nhớ.Hương Nguyệt Quế
Vườn sau nhà tôi có trồng một cây nguyệt quế, ngay khung cửa sổ dưới giàn hoa ti gôn, vì chỗ này kín gió. Vào mùa đông khi trời bắt đầu lạnh, chỉ còn lại những dây hoa tàn trên mặt giàn, bảo vệ cho cây nguyệt quế chịu đựng suốt mùa đông rét mướt.
“Sang hè nguyệt quế trổ hoa
Màu hoa trắng muốt, mượt mà dễ thương
Trên cành ướt đẫm giọt sương
Thoảng trong gió sớm mùi hương nồng nàn.”
Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện chị kể cho tôi nghe. Ngày xưa khi anh chị yêu nhau thường hẹn nhau ra cây nguyệt quế sau vườn. Mối tình ấy thật đẹp như những bông hoa nguyệt quế tỏa mùi hương dìu dịu, tăng thêm hương tình yêu đang nở hoa trong lòng hai kẻ yêu nhau.
Một thời quê hương khói lửa, anh lên đường nhập ngũ. Đêm nao trăng lên nguyệt quế phả mùi hương bát ngát, chị thường ra đứng một mình bên cây nguyệt quế nhìn trăng để nghĩ tới anh. Trăng nơi khu vườn nhà chị hay trăng nơi vùng anh đóng quân, cũng chỉ một vầng trăng ấy, chị nhớ anh và tưởng lẫn trong mùi hương nguyệt quế ở mảnh sân sau, có anh đang đứng gần bên nhìn chị thật âu yếm.
Hoa Giấy
Mùa hè nắng gay gắt, nhưng có một loài hoa vẫn tươi thắm, đó là bụi bông giấy màu xác pháo nơi góc sân sau, tạo thành một mùa hè rực rỡ, và cũng là bóng mát che chở cho loài hoa tím dại nở tràn lan khắp vườn. Hai loại cây này không cần nước, càng khô hoa càng nở thắm, khiến tôi liên tưởng đến sức chịu đựng của con người, với một tâm hồn lạc quan, họ vẫn cố vươn lên mặc cho số phận khắc nghiệt mà định mệnh đã phủ chụp lên cuộc đời họ.
Chiều về, cơn gió chiều mát rượi như muốn an ủi những cây lá trong vườn, thêm một ít nước mát cũng xoa dịu dần cái nóng ban ngày khắc nghiệt. Đi bộ trong khoảng sân nhỏ vuông vức ấy, nhìn hoa giấy màu hồng thắm la đà trên mặt đất, hoa phơi phới theo gió chiều lồng lộng khoe sắc với trời xanh, nhớ gì đâu những tà áo cưới và xác pháo hồng trong đám cưới nhà quê thuở ấy. Và nhớ cả mấy vần thơ của Nguyễn Bính khi bà mẹ dấu nỗi buồn để tiễn con gái về nhà chồng:
“Đưa con ra tới cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ, đêm đêm mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi”
Cây cối trong mảnh vườn nho nhỏ của tôi, đến rồi đi cũng nhiều, cũng chịu chung số phận sinh tử như con người vậy. Lũ cây non be bé được nâng niu như trẻ thơ, thì với mấy cây già cỗi sắp tiêu diêu về bên kia thế giới, mình vẫn có cái trân trọng như trân trọng người có tuổi.
Có lẽ cũng từ sự tương quan tuổi tác mà có sự săn sóc ấy chăng? Suy bụng ta ra bụng người, cây mười tuổi như người trăm tuổi, nhất là với những cây có đời sống ngắn ngủi, sự hiện diện của chúng trong khu vườn với một khoảnh khắc nào đó, vẫn cống hiến cho con người niềm vui thật nhỏ bé, khi những lộc non đơm đầy trên cành nhánh khẳng khiu.
Thế nhưng cảnh chia biệt giữa cây và người vẫn làm tôi nao nao một nỗi buồn thấm thía, như hai người bạn đã tới lúc chia xa, không hẹn ngày tái ngộ. Cây cam già đã cỗi, mua từ một vườn ương cây được chiết từ một thân cây mẹ, nên tuy thấp mà lại gìa, trông nhỏ nhắn mà đã có trái.
Vài năm sau cây không đơm hoa kết trái, đến lúc phải ra đi đã để lại trong mảnh sân nhỏ, hay trong lòng tôi một nỗi trống trải đến nhiều ngày mới quên được. Đành lòng là phải tiễn đưa nhau, nhưng trước khi hóa kiếp cho nó thành tro bụi, tôi cũng cảm khái được mấy vần ai điếu:
"Càng ngày cây càng nhỏ lại
Càng lúc trái càng bé đi
Mùa Xuân chờ hoài không tới
Mùa Đông đợi hoài chẳng đi."
Nguyên Nhung
ReplyDeleteCô Nguyên Nhung,
Đã lâu tôi không còn nghe ai nói tới rau càng cua,còn nói chi được ăn rau càng cua.Tôi cũng góp thêm vài chi tiết về rau nầy.Sở dĩ gọi là rau càng cua là vì bông của nó giống như càng cua.Ngoài món ăn thịt bò dầu dấm rau càng cua còn có thêm một món ăn Phủ Huyện nữa là rau càng cua dầu dấm với tôm càng nướng.Màu gạch tôm càng cọng với màu xanh Ngọc thạch của rau,nhìn không cũng rỏ dải rồi.
HOa tím lục bình mới có sau nầy,cho nên trước kia Cô không bao giờ thấy một thi sĩ ,hay Văn sĩ nào đề cập đến loại hoa tím dễ thương nầy.
Hoa tím lục bình nguồn gốc của nó là ở Nhựt đã được một người Pháp đem về VN vào đầu thế kỹ.Ban đầu ai cũng thích loại hoa tím nầy nên xin về trồng,nhưng hoa lục Bình sinh sản quá mau nên các gia chủ phải vứt nó xuống sông và từ đó những về lục bình trôi dọc khắp dòng sông tứ xứ.
Bài nhạc hoa tím lục bình của Lý Dũng Liêm đã nói một phần về hoa nầy.
BẠN LÁNG GIỀNG.