Links

Thursday, August 29, 2013

Cây Khế Trăm Năm


            

______________

Hoa Hướng Dương
Tôi tiễn đứa cháu gọi bằng dì ra khỏi cổng, vội quay lưng bước nhanh vào nhà trong lúc cặp mắt còn đang đỏ hoe. Tôi đã khóc mùi, khóc mẫn, khóc nức nở khi hay tin cây khế ngày xưa nay đã không còn. Khi chúng tôi vừa đủ trí khôn đã thấy cây khế ấy hiện diện từ bao giờ, nó được trồng sau vườn nhà bà cố tôi.  Ngôi nhà đã xây cất cách đây gần hai trăm năm,  có lẽ cổ xưa, cũ kỹ nhất, nhì tại hải đảo Phú Quốc.  Cây khế độc quyền một thân, một mình đứng vững vàng vươn cao cành, nhánh giữa vuông sân rộng. 
            Nghe đâu ông sơ tôi tìm được giống khế  ngọt nầy ở một nơi khác, rồi ông trịnh trọng mang về hải đảo và chính tay ông trồng nó xuống trong phần đất của tổ tiên.  Là giống khế ngọt hiếm quý, trổ trái quanh năm, trái to gần bằng cái chén, lại sai nữa!  Khi chín thì tỏa hương thơm ngào ngạt, vàng ươm, bóng láng, vị ngọt thanh tao thật hấp dẫn đối với chúng tôi ngày đó. Gốc khế to, thân cao nên sản sinh ra nhiều cành, nhánh sum sê, hoa trái đơm đầy. Trái non xanh màu lá, trái già xanh màu mạ xen lẫn giữa những chùm hoa tím tươi vui. Còn những trái hườm hườm nửa vàng, nửa xanh treo lủng lẳng  như trêu ghẹo, như mời mọc chị em chúng tôi, chúng tôi chỉ biết đứng dưới nhìn lên với ánh mắt thèm thuồng rồi nuốt nước bọt. 
            Ba tôi có tám đứa con nhưng chỉ có anh hai tôi là được quyền trèo, leo lên cây khế ấy để hái trái chín theo lệnh của bà cố và hai cô là em gái ruột của ba.  Làm xong công tác thì anh tôi sẽ được thưởng vài ba trái chín, thế là chúng tôi cũng được chia phần. Ăn trái chín là hiếm hoi, ít có dip, thế nên anh tôi cho ăn trái sống để đỡ ghiền. Trong khi hái anh tôi cố tình đụng mạnh vào mấy trái khế non bên cạnh để chúng rơi xuống hầu chị em tôi  có được một bữa ăn khế non chấm muối ớt  thật đã vô cùng.  Tôi nhớ có lần vào buổi trưa lúc bà cố và ông chú tôi ngủ say còn hai cô tôi thì bận đi lo công việc, anh hai cũng đã cắp sách đến trường. Chị em chúng tôi lén rủ nhau ra sau nhà ngay cây khế chơi trò nghịch ngợm, phá phách.  Gốc khế to quá, thân lại cao còn chị em tôi thì chưa đủ lớn, không đứa nào trèo lên được đành phải chạy vô nhà kho tìm một cây tre dài trên có đầu móc. Nhón chân, ngước mặt tìm những trái chín hườm, đưa móc, móc một cái là cả chùm khế rớt xuống. Đứa hò reo, đứa vỗ tay, đứa nhào tới lượm liền, ăn hả hê, thỏa thích.
            Sẵn có cây móc trong tay chúng tôi móc luôn hai miếng vải che kín hai chiếc lồng cu của ông chú treo cách nhau hơn một mét trên nhánh khế to. Ông chú tôi thích nuôi cu gáy để nghe nó gáy cho vui tai nên ông đã đặt mua từ những người bẫy cu trong Suối Đá. Miếng vải vừa kéo ra, hai con cu nãy giờ đang nằm lim dim cặp mắt bỗng đứng dậy thật nhanh giơ chân, đập cánh, rướn cổ nhìn nhau gáy vang trời "Cù cúc cu…cu! Cù cúc cu… cu"  Bọn tôi đứng dưới khoái chí hô to: "Gáy nữa đi cu! Gáy nữa đi cu!… "Cù cúc cu… cu, cù cúc cu…cu…" Trong nhà có tiếng quát to của ông chú: "Tụi bây gan thật! Đứa nào xử đầu đây?" Cả đám chúng tôi giật mình chạy tán loạn, giữa lúc ấy hai cô tôi cũng vừa bước chân vào nhà. Thế là chúng tôi ăn một trận đòn nên thân nên từ đó về sau không đứa nào dám hó hé, hay quậy phá lung tung nữa!  Nghe đâu sau năm 1975 trong thời kỳ bao cấp, nhiều người nghèo xác, nghèo xơ thiếu thốn mọi mặttrộm cắp thường xuyên xảy ra nên hai cô tôi thay phiên nhau thức suốt đêm để canh chừng… Bà con hàng xóm cũng rất ưa thích giống khế ngọt nầy, thường khi thấy họ ghé vào nhà mua vài chục trái về ăn.
            Đến mùa khế chín, lúc nào trên bàn thờ ông sơ tôi cũng thấy chưng bày năm bảy quả, mùi thơm dịu nhẹ lan tỏa cả căn phòng. Khi đi ngang qua chúng tôi đưa mũi hít lấy, hít để xong rồi cắm đầu chạy một mạch vì sợ… Ngoài bàn thờ ông sơ tôi trong gian phòng của ngôi nhà từ đường nầy còn có rất nhiều bàn thờ khác, dù là ban ngày khung cảnh vẫn tối om om dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu mù u leo lét. Ông bà tổ tiên của chúng tôi nhiều đời đã ngồi ở đây, nhiều hình ảnh, bức họa chân dung và bài vị vẫn còn tồn tại, hiện hữu qua hằng trăm năm.
            Trong phần đất hương hỏa nầy cây khế của ông sơ tôi là chứng nhân cho nhiều cuộc tình duyên trao thân gởi phận, gieo trồng mầm nhân sinh, tiếp nối dòng giống cho gia tộc nhà họ Nguyễn của chúng tôi.  Bà cố tôi là con gái độc nhất của ông sơ, là tiểu thư đài các sống trong nhung lụa bao đời.  Ngày bà đi lấy chồng cây khế đã già được mấy chục năm, tiếp theo sau ngày ông nội tôi cưới vợ cây khế thân yêu kia lại chồng chất thêm mấy mươi tuổi đời nữa. Đến lượt ba tôi thì cây khế vẫn còn mạnh mẽ, sung sức, vẫn tiếp tục ra hoa, ra quả cũng giống như cuộc đời của ba tôi đã lần lượt sinh ra tới tám người con. Thời gian trôi nhanh đến phiên anh tôi cưới vợ cây khế vẫn còn khỏe lắm! Quanh năm hoa, trái đơm đầy giúp cho lũ chim sẻ tụ đàn, tụ nhóm gọi nhau ríu rít trên cành để rồi làm khổ cho bầy kiến vàng ngốc nghếch, tôi nghiệp kia. Trước ngày đám cưới, bà cố tôi cho gọi những thành viên cột trụ của gia đình: Ông chú tôi là con trai của bà cố, và ba tôi là cháu nội đích tôn cùng hai cô tôi là người từ trước đến nay lúc nào cũng lo chăm sóc, phụng dưỡng bà nên cả bốn người được bà gọi ra đứng dưới gốc khế già, rồi bà trịnh trọng cất tiếng: "Hơn nửa thế kỷ qua, di vật của ông Sơ để lại vẫn còn ở đây. Ta thấy ta đã già rồi nên cần cho các con, các cháu biết, dưới gốc khế nầy có một ít đồ gia bảo của ông bà tổ tiên để lại. Con cháu nhận được thì phải biết quý trọng, giữ gìn và luôn tưởng nhớ công ơn của ông bà tổ tiên nhà mình." Sau khi bà chấm dứt, ba tôi liền cho người đào sâu xuống đất theo phương hướng và khoảng cách do bà cố tôi chỉ dẫn. Mọi người hồi hộp đợi chờ, sau hơn nửa tiếng hì hục đào xới, cuối cùng cũng thấy một chiếc rương bằng gỗ khá lớn được khiêng lên, bị hư nát vài chỗ nhưng bên trong vẫn còn y nguyên những đồ đạc.  Mười mấy xâu đồng tiền kẽm, vài chục chén, dĩa kiểu, hai mâm gỗ cẩn xa cừ, một mâm đồng lớn đã xỉn màu. Hai bộ tách trà, hai chiếc bình sứ, tất cả là đồ kiểu của thời xa xưa mỏng như lá lúa, soi qua ánh mặt trời lộ ra những hạt mè, thấy rõ những hình hoa văn lạ mắt.  Ngoài ra còn có thêm ba xâu chuỗi hổ phách, hạt tròn như hạt bi, màu vàng cam trong veo như màu trái khế chín cây.  Có lẽ đây là vật trang sức của bà sơ tôi dùng hồi thời con gái.  Lại có thêm mấy bộ nút áo làm bằng đồi mồi, một bó đũa bằng ngà voi và một số các thứ linh tinh, lặt vặt khác. Tất cả được gói cẩn thận, kỹ lưỡng trong các bao giấy đã ngả màu. Điều đáng tiếc là không thấy một thỏi vàng nào, tuy nhiên cũng có được một xâu chuỗi hột bằng vàng y. Bà cố tôi cầm xâu chuỗi lên và nghiêm giọng nói cho mọi người cùng nghe: "Đây là món quà cưới vợ cho đứa cháu đích tôn của ta!" Ba tôi mang xâu chuỗi hột cùng vài bộ chén, dĩa kiểu và các thứ đồ dùng khác về nhà, thế là di sản, gia tài của tổ tiên để lại chia được chừng ấy.  Nhìn bề ngoài ngôi nhà cổ kính, đồ sộ, bề thế, đất đai rộng rãi nhiều chỗ, nhiều nơi cứ tưởng tổ tiên tôi giàu có lắm sẽ để lại cho con cháu  tiền của về sau, xài hoài không hết, nào ngờ chỉ một rương ấy là xong, là hết!
            Nghe người ta đồn rằng, ngày trước gia đình tổ tiên của chúng tôi thuộc thành phần giàu có, quyền thế  không thua ai. Ông sơ, ông cố đều là Cai Tổng, Chánh Tổng. Còn bà cố tôi là em cô cậu ruột với ngài Ngô Minh Chiêu người sáng lập ra đạo Cao Đài, đồng thời ông cũng là Tri Huyện tại hải đảo Phú Quốc vào thời  đó.  Người xưa có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời!" Có lẽ đúng. Ba đời tổ tiên tôi đã qua, tới đời ba tôi thì gia thế bắt đầu sa sút, suy vi nên đã vắng đi thời huy hoàng cũ. Chúng tôi vẫn hoài nghi, khó mà tin như vậy nên khi lớn thêm một chút tôi đánh bạo hỏi ba: "Ba ơi, ba có nghĩ rằng ở dưới gốc khế nầy sẽ có vài hũ vàng nén, biết đâu ông sơ chôn mà quên nói cho bà cố biết, ba có nghĩ vậy không?" Ba tôi cười cười: "Thì ba cũng đâu có biết, thôi thì mình chờ!" Tôi cũng cười rồi nói vuốt theo: "Dạ, thì thôi mình chờ nhé ba!" Lúc ấy tôi đâu hiểu được ý tứ gì của ba, nhưng cũng đoán mò, chẳng biết đúng hay sai ? Chờ đến khi bà cố mất, chờ đến lúc cây khế già rồi cũng chết đi hoặc chờ một ngày đẹp trời nào đó, bà cố tôi cho gọi tất cả con cháu từ lớn tới bé đứng dưới gốc khế rồi bà vui vẻ tuyên bố: "Dưới kia còn mấy hũ vàng của ông Sơ để lại, nào chúng ta bắt đầu đào để lấy lên…"Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra.
            Ngày tháng lặng lẽ trôi, trong ngôi nhà đó từng người, từng người lần lượt ra đi: bà cố, ông chú, cô Ba, cô Tư và cả ba tôi nữa bỏ lại cây khế già đứng trơ vơ, nghiêng bóng. Tàng nhánh vươn dài bám sát vào mái ngói phủ đầy rêu phong, bên cạnh đám rau càng cua xanh mướt như muốn níu kéo, giữ lại những người muôn năm cũ. Thấy cũng kỳ, ba tôi là con trai lại là cháu đích tôn thế mà không có quyền hành bằng hai cô, bởi lẽ cuộc tình duyên của ba má tôi đã bị bà cố phản đối ngay từ giây phút ban đầu. Nhưng ba tôi thì nhất quyết cưới cho bằng được cô thôn nữ quê mùa, hàng ngày gánh rau lên chợ bán để nuôi mẹ, nuôi em.  Ba dọa nếu không cưới được má tôi thì ông sẽ bỏ xứ theo ghe bầu đi biệt không thèm về đảo nữa, cuối cùng bà cố tôi cũng phải đồng ý. Cưới vợ xong ông khăn gói theo vợ về Cửa Lấp lập nghiệp, tay cuốc, tay cày sống đời nông dân suốt mười mấy năm liền.  Trong thời gian đó thỉnh thoảng hoặc những ngày lễ, Tết ông thường dắt chúng tôi về chợ Dương Đông thăm họ hàng, bà cố, ông chú cùng các cô.
            Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tình hình càng lúc càng khó khăn cho những người sống ở miền quê như sống giữa hai lằn đạn, nên ba tôi quyết định đành phải bỏ hết nhà cửa, vườn tược,  dắt díu vợ con về chợ ở để tránh hiểm nguy và chúng tôi có cơ hội cắp sách đến trường.  Còn về phần cô Ba và cô Tư tôi bởi vì hai người nầy không chồng, không con bao năm qua thay ba tôi lo việc cúng tế tổ tiên, phụng dưỡng bà cố và ông chú tôi trong mọi sinh hoạt hàng ngày, có lẽ vì thế nên ba tôi đã mất đi quyền huynh trưởng từ lúc nào không hay!
            Thật ra cô Ba tôi cũng có người yêu, cô là hoa khôi của đảo, cô đẹp nết, đẹp người dung mạo đoan trang thanh tú. Ở tuổi hai mươi cô đã có người mang lễ trầu cau đến xin hỏi cưới.  sau ngày lễ hỏi không lâu, trầu chưa nồng, cau chưa thắm duyên tóc tơ chưa kết sợi trăm năm mà người ấy đã lên đường đi vào nơi gió cát, để lại cho cô tôi bao nỗi thương sầu, nhung nhớ khôn nguôi.  Cây khế bây giờ là chứng nhân cho cuộc tình không đoạn kết…Họ chia tay nhau trong bịn rịn, trong cảm xúc nghẹn ngào.  Ánh trăng non vàng vọt xuyên qua kẽ lá, không soi rõ đôi mắt buồn của cô tôi ngày ấy đang đọng lại những giọt lệ u tình. Cô tôi như cánh hoa sầu lao đao theo dòng nước xiết. Đêm cuối cùng cô buồn lắm, buồn thắt ruột, gan không nói thành lời, dù một lời hờn trách xa xôi… Người ấy như thấu hiểu mảnh tơ lòng đứt đoạn của cô nên dỗ dành, an ủi, hứa sẽ sớm trở về, bảo cô tôi hãy ráng đợi chờ. Trong phút giây buồn ảo não đó, kỷ vật duy nhất người ấy trao lại cho cô tôi là chiếc áo sơ-mi trắng tinh mà người đã mặc trong ngày lễ hỏi, muốn cô tôi cất giữ để làm kỷ niệm, thấy áo như thấy người. Cô tôi xúc động ôm chặt chiếc áo vào lòng như ôm lấy người yêu… Thế rồi, đêm từ đó cô tôi mòn mỏi đợi, nhưng bóng hình ai kia vẫn biền biệt phương trời…Đường thiên lý người đi giong ruổi, để cô tôi thui thủi một mình! Những buổi chiều tàn, những đêm trăng muộn, cô ra gốc khế đứng thẫn thờ chờ người yêu trở lại. Bao mùa khế đã ra hoa nhưng bóng người xưa vẫn biền biệt tăm hơi, màu tím yêu thương, màu tím thủy chung, màu tím đợi chờ đã liệm kín hồn cô tôi từ dạo ấy.  Tháng rộng, năm dài cô tôi sống qua hình bóng người yêu bằng chiếc áo sơ-mi năm cũ mà nay đã úa màu.           
            "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
             Xếp tàn y lại để dành hơi!"
                        (Dục Tông Anh Hoàng Đế Tự Đức)
            Câu chuyện tình yêu của cô là thế đấy, rất đẹp nhưng cũng rất buồn, buồn như màu hoa khế giữa buổi hoàng hôn… Từ đó cô Ba tôi sống như vậy với người em gái  suốt mấy chục năm liền để phụng dưỡng bà cố và ông chú tôi cho đến lúc lìa đời.
            Trước khi cô Ba, cô Tư mất, hai người làm tờ di chúc để lại tất cả tài sản, nhà cửa, đất đai  cho anh hai tôi với điều kiện là phải tiếp tục thờ phượng ông bà, tổ tiên, giữ gìn nguyên trạng...  Nhất là không được mua, bán hay sang nhượng đất đai, nhà cửa với bất cứ một ai! Anh tôi ở Mỹ phải hồi hương về Việt Nam để tiếp nhận ngôi nhà từ đường ấy.   Cây khế già càng thêm già, trải qua nhiều thế hệ, bảy đời rồi còn gì!  Anh tôi bây giờ đã có chắt. Cây khế thân thương nầy đã gợi cho tôi nhiều kỷ niệm, trong đó có cả tiếng khóc lẫn tiếng cười… Một khung trời tuổi thơ hiện về, dâng cao như triều sóng, những ngày nắng hạ chói chang, chúng tôi tụm năm, tụm bảy dưới bóng mát của cây khế già chơi đánh đu, đánh đáo, chơi cùm nụm tay tiên. Chơi chán chúng tôi bày trò bán hàng rong, lượm bông khế làm nhưn bánh, trả tiền bằng những mảnh giấy thô nhỏ xíu, tếu hơn nữa trả bằng một cái móc gió là xong. Cây khế năm xưa vẫn còn hoài trong ký ức, nhớ thật nhiều con chim sáo nhảy tưng, chuyền từ cành nầy sang cành khác. Những buổi sớm mai, những đêm trăng sáng, những ngày gió bấc, mưa dầm, cành lá lao xao, ướt sũng. Bên trong ngôi nhà chúng tôi không ngủ, thao thức nằm chờ, lắng nghe, canh chừng khế rụng, tiếng chuông đồng hồ gõ nhịp canh ba. Sáng hôm sau mưa tạnh gió ngừng, chúng tôi tranh nhau chạy tìm "chiến lợi phẩm". Nhất là những ngày cuối năm, khí trời se se lạnh, như báo hiệu mùa xuân mới sắp trở về.  Nhà nhà đang chuẩn bị đón xuân, bọn trẻ chúng tôi cũng háo hức, chờ đợi từng ngày.  Làm sao quên được đêm hai mươi chín Tết, cũng dưới gốc khế nầy mọi người quây quần bên nồi bánh tét đang sôi. Ánh lửa hồng bập bùng cháy sáng, hơi ấm tỏa lan, nhưng vẫn không ngăn được cái lạnh của từng cơn gió bấc thổi về.  Trên manh chiếu nhỏ anh chị em chúng tôi cuộn mình trong chăn, nằm đếm sao trời chờ bánh chín. Vài chiếc bánh bể lá, sút dây  được vớt lên nóng hổi, thơm phức là phần thưởng cho những đứa trẻ thức quá nửa đêm. Mùi thơm của đậu, của nếp, của tiêu hành hòa quyện vào miếng thịt mỡ nhừ béo ngậy, chúng tôi vừa thổi, vừa ăn miệng xít xoa kêu lên: "Ngon quá, ngon quá!" Thời gian như có cánh, những mái tóc non xanh giờ đây đã đổi màu, kỷ niệm một thời nhưng nhớ  mãi suốt đời hương vị đặc biệt của nồi bánh tét cuối năm đã đưa chúng tôi trở về với giấc mơ hồng thật đẹp của những ngày xa xưa ấy…  
            Nhiều mùa xuân đến, nhiều cái Tết đã đi qua nhưng tuổi thơ của chúng tôi vẫn còn ở lại. Cây khế vẫn đứng đó, chứng kiến bao thăng trầm, bao sinh ly, tử biệt vẫn ung dung tung cao cành nhánh, kết lá đơm hoa tạo thành một chiếc lọng to, tưởng như tiền thân của ông sơ tôi vẫn còn hiện hữu để cháu con núp bóng nắng mưa, chở che gió bão. Còn cây khế là còn thấy được ông bà, tổ tiên ngày trước, bây giờ cây khế đã không còn thì hình ảnh của ông bà tổ tiên sẽ vĩnh viễn mất luôn. Tính ra cây khế đã hơn một thế kỷ, hơn một đời người. Một giống khế ngọt rất hiếm quý, sức sống mãnh liệt lại mang đậm nét lịch sử qua câu chuyện tình buồn u nhã của cô tôi đã tồn tại trên phần đất của dòng họ Nguyễn qua hàng trăm năm. Cây khế bây giờ dù ít ra hoa, ra trái nhưng đó là kỷ niệm, là di sản tinh thần, là biểu tượng của tổ tiên mình thế mà anh tôi lại nỡ lòng bứng gốc đào lên làm quà tặng cho ông bạn hàng xóm để làm cảnh, làm kiểng, làm bảng hiệu trong ngày khai trương cửa tiệm. Nghĩ cũng lạ: "Người già lúc trăm tuổi thì được chôn xuống đất; Còn cây khế già khi trăm tuổi thì lại bị đào lên" Thật đáng tội nghiệp!  Tôi là người luôn thương cây, nhớ cội nên rất đau lòng khi hay tin ấy. Không biết dưới gốc khế kia anh có thấy hũ vàng nén, vàng thỏi nào không nữa? Nhưng chắc chắn một điều ở cõi muôn trùng ông sơ, bà cố và hai cô tôi buồn không ít! Qua nhiều thời đại khó khăn, gia thế suy sụp, nhưng hai cô tôi vẫn quyết tâm bảo vệ, giữ gìn tài sản của ông bà, tổ tiên không để mất đi một tấc đất, một gốc cây hay một ngọn rau nào cả. Còn đối với anh tôi nghe đâu anh đã bán đi một phần đất của tổ tiên rồi, việc làm của anh sao giống như mấy ông cầm quyền trong nước! Hy vọng anh cũng như ai đó đọc được những dòng chữ nầy để biết dừng lại đúng lúc, kịp thời hầu không mắc tội với tiền nhân, tiên tổ. Nếu ba tôi còn sống chắc không làm loạn giống như anh, ông chỉ biết chờ và chờ mà thôi! Giống như cả nước đang chờ một sự đổi thay nào đó!  Hôm nay trong sự kiện đã rồi, tôi mang tâm tình giống như ba tôi ngày trước, cũng chỉ biết chờ và chờ…  Chờ một ngày đẹp trời nào đó anh tôi chợt tỉnh, hiểu thấu nỗi lòng của người em gái liền gởi qua Mỹ một vài bảng gỗ có vẽ hình cây khế năm xưa với cành lá xum xuê, hoa trái đơm đầy.  Như thế là chúng tôi sẽ được an ủi phần nào và luôn có cảm tưởng tổ tiên mình vẫn còn đây, vẫn quanh quẩn cận kề. Đây là niềm ước mơ, là hy vọng, là hạnh phúc nhất đời của đứa cháu gái đang sống nơi đất khách, quê người nhưng lòng luôn nhớ về nguồn cội qua hình bóng cây khế già trăm năm tuổi mà nay đã không còn./.
            Hoa Hướng Dương  cảm tác.
            Viết xong ngày 21 tháng 12 năm 2011.
            San Jose, California Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment