Links

Tuesday, September 24, 2013

ĐỌC TRUYỆN “ÔNG GIÀ TRÊN BÃI RÁC BÓT SỐ 10” của TBT

______________

 GS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG


GS Nguyễn văn Trường
       -Cựu Giáo sư Đại học Sư Phạm Sàigòn
   -  Cựu Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục  trước 1975.
“Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà.”[1] Ông Năm không đi chơi. Ông bỏ nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc quê cha đất tổ, để... chạy giặc. Giặc “xã nghĩa.”
Từ “xã nghĩa”, không là của tôi. Nó là lời lẽ của chú tài xế Chi, người lái xe Honda ôm đưa ông Năm từ Cần Thơ về Phụng Hiệp, thăm một người bạn cố tri. “Xã nghĩa” là rút ngắn của “xã hội chủ nghĩa,” “chủ nghĩa anh hùng cách mạng,” là “hướng đi tất yếu của thời đại,” là “đây rồi,”[2] “sông có cạn núi có mòn, nhưng chân lý “xã nghĩa” ấy không bao giờ thay đổi,” và không biết bao nhiêu ý nghĩa ẩn tàng mà có thể suy ra từ đó. Tài thật! Súc tích, rõ ràng, chính xác. Hai từ thôi! mà bao hàm cả một triết thuyết vĩ đại. Một triết thuyết đã làm loài người mê muội, và triệu triệu người khiếp đảm suốt non một thế kỷ.
Nhưng tài dùng từ của anh tài xế  không ngừng ở đó.
Anh càu nhàu:
“Biết mà vẫn không tránh khỏi!”


“Biết mà!” cái âm vận đó như đánh thẳng váo tâm tôi.  Hồi nhỏ, và ngay những năm tôi còn học trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, lớn đại rồi chớ, thế mà  còn hư lắm, nên lắm khi anh chị tôi, hay ba má tôi, vẫn còn than phiền: “Tao biết mà...”
“Biết mà!” Vì thế mà thân thiết với tôi. Biết mà!” nói lên một  bất như ý, phiền não, bực mình. Biết trước đấy; nên  trong lòng hi vọng sẽ không gặp, không đến nổi nào phải gặp; vậy mà sự việc cũng đến, một “sự cố”, một nguy cơ, một vận rũi, bất chợt phải ôm lấy. Cho nên, tuy đọc thầm, nhưng nghe vang dội, cái giọng Cần Thơ, Cái Răng, Cái Vồn, Cái Côn, Cái Sắn,..ấy.
Ở Mỹ nầy, đã gần hai thập niên, “chơi lâu,” tưởng như trong một chuyến trở về, được nghe lại: “Biết mà!”, thật là thấm,  thấu tận  trong lòng. Thật khéo làm  động lòng người.
Khéo! Vì với hai tiếng “biết mà”, tài xế Chi hoàn tất một bức tranh: Chi, ông Năm, xe Honda ôm, xẹp cả hai bánh, ở khoảng Lộ Tẻ Hàng Gòn. Hàng Gòn có thể mất đi từ lâu theo luật vô thường của tạo vật, nhưng cái tên Lộ Tẻ Hàng Gòn, bình dị, dễ thương, gần gũi ấy  đã gắn liền trong bộ nhớ của ông Năm, nhớ tới già, tới  chết. Tác giả không mô tả cảnh vật bên đường, nhà cửa, con người,.., để cho người đọc tung tăng trong tưởng tượng, hay bới móc tro tàn dĩ vãng.
Khéo hơn! Vì “biết mà!” cũng mở đầu câu chuyện, chánh đề của truyện:

“Rác”
***
-Biết mà!
-Cái gì vậy?
-Thì cái vụ rãi đinh xuống mặt đường.
-Thường xảy ra lắm sao?
-Không thường thì bọn nó lấy gì ăn.
-Ăn đinh?

Câu hỏi ngớ ngẩn làm tôi phải bật cười, cái cười vô duyên, vì nghĩ lại, ngược gió, nghe không rõ, lặp lại để được xác nhận là bình thường.. Nhưng tài cế chi đã vội giải bày: “Nó không ăn đinh, mà mình ăn đá.” Mà còn lôi thôi, có thể “ăn đòn” . Lời qua lại chỉ ba lần, gói gọn trong  6 câu, mà từ ‘ăn’ lập đi lập lại những 6 lần, ‘ăn, ăn đinh, ăn đá, ăn đòn’, đối đáp, nhảy nhót gieo âm vận, gieo ẩn nghĩa dị biệt, nối tiép như đối chọi, khác mà không khác, vì họ ‘giao banh’ nhịp nhàn qua lại một cách dân gian, tự nhiên.
Nếu được hỏi về cổ nhạc Miền Nam, tôi sẽ đáp: miến Nam chỉ có nhạc mới, vì  Miền Nam là đất mới; trong cái mới đó, bài Vọng Cổ, từ sơ khai  ‘Hoài Lang’ đến bây giờ luôn là hồn, là tình tự, tâm tư, lý luận, là cái chất—thực chất—của người Nam.
Trong chiều hướng đó, người Nam không có văn chương, trong cái nghĩa khoa bảng, bóng bảy, trao chuốc, tinh xảo, nhiều hình tượng, mượn sự tích trong cổ văn Trung Hoa. Văn thơ miền Nam vì vậy có tiếng là chân chất, thật thà, bình dân, không màu mè, thẳng sâu vào lòng người,  thiếu tinh tế, thiếu cái thanh nhả thượng lưu, không có cái thâm sâu tri thức.

Nhưng ngôn từ của tài xế Chi là một thứ văn chương của người sành đời, sành điệu  ngày nay. Nó cho ta hình dung  một con người biết marketing, biết tâm lý khách hàng, không chỉ đơn thuần bán dịch vụ, tiền trao cháo múc. Ông khách Việt Kiều, thì gần như nơn 90% trước kia là nạn nhân xã nghĩa. Gọi ông Năm bằng bố là thân thương, tạo cơ duyên cho giao lưu, đối thoại.  ‘Xã hội chủ nghĩa’ gút thành’xã nghĩa’ bao hàm  một pejorative meaning. Rồi thêm cái cliche ‘cái ngày mà ông cột đèn nếu có chân cũng vượt biên’[3].

Tài xế Chi tiến bộ lắm, hiện đại lắm, nhưng vẫn  không ra khỏi cái ngôn từ dân dã, thật thà, bình dị của nhịp điệu song lang.

‘Sự cố’—từ mới mà đã vào ngôn ngữ bình dân, và dùng như để cân bằng vói’xã nghía’—là xe ăn đinh, tạo  duyên lành cho tài xế Chi và ông Năm dừng lại quán cốc bên đường, mà phía dưới gió,  tọa lạc  một  ‘đống rác to, và cao như một ngọn[4] đồi nhỏ’, và mở đầu cho chánh đề, như đã thưa trên:

RÁC

Mấy đứa  nhỏ vá xe vốn là rác, vì là cái ‘thứ’ bị thảy, loại bị vức bỏ, sống bên lề xã hội; không ai muốn gặp chúng, gặp chúng là có chuyện, thường là chuyện rũi. Vì gặp chúng, xe ông Năm phải ăn đinh. Cái thứ ‘đá cá lăn dưa, nằm cầu tàu thổi ống tiêu’ nầy, xưa nay đâu cũng có, nhưng với ông Năm, người Cái Răng, hay miệt Phong Điền chung quanh đó, của thời đất còn rộng, dân thưa, rác Cần Thơ còn ít, chưa lan đến đây, nên Ông Năm ngạc nhiên:
‘-Dân Cần Thơ, Cái Răng mình hồi nào tới giờ hiền lành lắm mà’. Sao lại như vậy?’
‘Thì có những kẻ lạ từ đâu kéo tới đây..càng ngày càng nhiều, càng hung hăn con bọ xít’
Kẻ lạ, người ngoài, xa lạ, là thứ bá vơ đâu đó, một thứ bò xít hôi hám khó chịu, phá hại cây trái, nếp sống an bình ở đây. Nó lạ, vì xác nó là VN, mà hốn thì du nhập tận Phương Tây. Mấy đứa nhỏ rác ruới vá xe, vì đói khổ, chận khách đòi chút cháo, còn mấy người xa lạ đó, thì chiếm đoạt nhà cửa, đất đai, tất cả mọi phương tiện sinh sống—mà họ gọi là phương tiện sản xuất—và luôn cả lễ nghĩa. Họ đặt ra một lễ nghĩa mới, không giống ai: con cái thoát ly gia đình, hài tội mẹ cha, anh chị em ruột thịt, nếu cần,.....
Tài xế Chi không nhiều lời, mà tôi, người đọc , có sống gần hai thập niên ‘xã nghĩa’, cảm nhận,  thấm, hoài tưởng những vết thương không bao giờ lành mà những vi trùng  xã nghĩa gây nên trong lòng dân tộc.
Thế nên, tôi thích thú cách ăn nói của tài xế Chi, tuy cảm nhận một hậu vị đắng và xót.  Nhưng xếp chánh quyền và đám đói rách vá xe nầy chung vào một loại, thiết nghĩ không đúng. Không thể sánh bọn cướp vặt với bọn cướp nước, chiếm đoạt mọi phương tiện sinh sống, tóm thu mọi thành quả lao động, để tùy tiện phân phối và chi phối quấn chúng, áp đặt một lễ nghĩa khác, một thang giá trị khác, để biện minh tính cách chính đáng của một sự nô lệ hóa có bài bản.
Thế nhưng, cũng không trách được sự vô tâm nhầm lẫn của  tài xế Chi. Đó là tâm lý thường tình của người yếu, người bị hiếp, bị cái chánh quyền đó áp đặt, bị mấy thằng nhỏ nầy chận đường đòi chút cháo: thật là ‘cá mè một lứa’.
Trên khoảng đường vào cái quán lụp xụp bên gần đó, trong cái khoảng trống vô ngôn vô sự ấy, ông Năm hồi tưởng lại nơi nầy, xưa kia, 25 năm về trước ,...., có một con hổ kiêu hùng, một thời là huyền thoại dân gian: Hai Cọp.
Vào cái tuổi thất thập, và hơn nửa đời [5] vắng bóng trên quê hương, chỉ một cấn thoáng, những ký ức thời niên thiếu trở lại, như mới hôm qua. Tâm lý tuổi già, cũng là tâm lý của ông Năm.
Hai Cọp là người hùng đánh trận Cái Răng, Bót số 10, Tây Râu Đỏ. Vang vội một thời.   Có trí, có tài, có gan, có mật, có lòng với đồng bào, quê hương đất tồ, và cũng có cơ duyên may mắn. Đó là cái một thời được báo chí ca tụng, dân gian truyền tụng, rộng khắp Miền Sông Hậu. Nhưng rồi mọi việc được lãng quên theo thời gian. Không ai nghe tiếng tăm gì về ông nữa.  Nơi phục kích, được dựng lên Bót số 10, mà giờ đây, là một đóng rác vĩ đại. Việt Nam cái gì cũng lớn cũng vĩ đại. Thành công chưa đủ, phải đại thành công. Rác rến thành công vĩ đại, rác từ trên xuống, từ dưới lên, lan rộng “cùng khắp”. Ở bất cứ đâu, thời nào cũng có rác, nhưng từ ngày được “giải phóng”, rác đã tự do phát triển, nhân điển hình tiên tiến, hàng đầu trong các “chiến sĩ thi đua xã nghĩa”.
Hai Cọp vô tình đem rác xã nghĩa vế đây, và nơi cái bót nhỏ bé mà có một lần ông hủy diệt, giờ đầy là một ‘quả đồi rác’. Khi trước là Tây—thực dân[6]—giờ là rác ‘xã nghĩa’, ‘ăn dân’, và làm ô nhiễm môi trường dân tộc Việt..


Nhưng đó là nghĩ suy của riêng một đọc giả. Giờ hãy trở lại câu chuyện Rác

‘Xe chưa dừng lại hẳn  thì đã có mấy thằng nhỏ giành giựt khách....’ Đó là hiện tượng đói, không chỉ đói cái ăn, cái mặc, mà còn đói chữ nghĩa, đói lễ giáo, cũng là dấu hiệu của sự còi cọc, nói riêng còi cọc trí tuệ, khô trơ xa lạ với tình thương.  Cái tuổi mà bình thường giờ đó phải ở lớp học, hoặc được sưởi ấm trong sụ chăm sóc của mẹ cha, thì giờ đây bị đẩy ra góc đường nầy, Ngã Ba Lộ Tẻ, để...chỉ vì mót miếng ăn.  Những thứ nầy, rác rưới, mùi hôi thối, những đứa trẻ bất hạnh thành rác ở vệ đường, tài xế Chi, ông Năm đều là phụ, đã đến giờ của nhân vật chánh trong câu chuyện.
Đó là:
một ông già mót rác,
tuổi khoảng 70,
vai mang một bọc nylon, túi đựng rác
hướng vế quán cóc.
hỏi chuyện
‘không mặn trả lời’
‘mặc áo thung ba lỗ
quần kaki xanh á bạc màu’
chân—giờ nầy, mà còn— mang dép râu.

Một ông già xơ xát, lạnh nhạt với tha nhân. Nhưng ông Năm, cũng vào cái tuôi thất thập, trong tâm trạng  muốn sống lại thời niên thiếu xa xôi, như bắt gặp được đồng minh, đồng cảnh, cơ hội bằng vàng để bộc lộ, chia xớt ký sự ngày xưa.  Thế nên, ông ‘ tự nhiên xàng qua ngồi chung bàn với ông già. Ông muốn mời ông già giải khát.’ Ông già từ chối.
Và với mỗi câu hỏi của ông Năm ông già đáp nhát gừng,  ‘ngang như cua bò’, ông lạnh nhạt, như không xem người đối diện vào đâu. Nhưng gặp phải tay tài xế Chi, thì ông bị mắc câu, vì Chi gởi đúng vào chỗ ngứa của Ông :
‘-Trước 75, rác rưới đã có nhưng chưa nhiều, Sau 75, rác nhiều hơn, rác khắp nơi.
-Rác từ làng đến tỉnh, từ trên xuống dưới. Chú em nhỏ mà rành chuyện đời nay bộn há.’  Ông đáp ngay và tỏ ra đồng tình.
‘-Đúng y chang ! Tía nuôi nói đúng hết xẫy !.. Rác từ..., từ đồng bằng ra hãi đảo.’ Tài xế Chi mở rộng bẩy, và Ông Già  thoải mái bước vào. Ông sắp mở lòng mình thì ông Năm làm ông khựng lại, vì bị hỏi về gia cảnh. ‘Có con mà như không.’ Có nên chăng hiểu rằng thời xã nghĩa, con cái không là của mình mà là của chế độ, cho nên : có mà như không, ‘mạnh ai nấy lo’. Và như vậy hiểu rằng chúng nó vô nghì cũng được, hiểu rằng chúng không lo nổi cho tự bản thân thì làm sao mà lo thêm cho mình được,... hiểu sao cũng được.
Vào bẩy, Ông già gần gũi hơn với hai khách lạ.

-Ông anh chắc là dân cố cựu ở đây ?
-Ừ. Nhưng mà chỉ đúng một nửa.

Tôi cảm nhận có một cái gì đó làm ông nghẹn ở cổ, có một cái gì đó buột ông bảo là chỉ đúng phân nữa mà thôi.
Thêm một lần nữa bà chủ quán đở lời xác nhận, đờng thời giớ thiệu ông già mót rác :’anh Hai đây chỉ mới trở về sau 75’
Đúng ra, ông Năm phải hểu ngay là ông Hai đi theo cách mạng.  Nhưng cái bên ngoài tiều tụy của ông già Hai, cái nghề  mót rác sinh nhai buộc ông Năm phải nghĩ khác :  hoặc làm ăn xa, bị đánh tư sản, hoặc lính cũ VN cộng hoà tan hàng sau ngày Sài gòn thất thủ.
Bà chủ quán phải giới thiệu thêm quá trình cách mạng của ông già Hai.  Thì ra, ông đã hiến trọn tuổi trẻ và trung niên của ông cho nơi côn nhau cắt rốn nầy, ông đã vào sanh ra tử, trực diện chiến trường, ông phải hãnh diện và khẳng định  mình là người cố cựu. Ông có vắng bóng nơi quê mùa thân thương nầy trên dưới hai thập niên. Điều nầy, chỉ là bề nổi. Cái thật là quá trình cách mạng của Ông, mà rốt lại là dựng lên một chánh quyền ăn dân còn hơn thực dân gấp bội. Một chính quyền vĩ đại với một chương trình ăn dân vĩ đại. Thế nên ông già Hai  mang một mặc cảm tội lỗi với những người dân hiền lành ở đây, thêm một mặc cảm bất lực,  thủ phận lượm rác kiếm sống hơn là bương chải trong lợi danh nhơ bẩn. Khí tiết của ông là tâm trạng của Khuất Nguyên
[7], người đục ta trong, người say, ta tỉnh, nên ta không có đường sống..

‘-Vậy là ông anh đi làm cách mạng. Thật là hiển hách.’
Câu nói nầy của Ông Năm là nhát gươm tối hậu thẳng vào tim ông già mót rác.
Bà chủ quán lại phải đở. Các nói, cái ‘ứ hự’ cuối câu, hình ảnh bà cầm cây quạt đuổi ruồi, hồn nhiên, gần gũi, và đầy tình người.  Sau 1975, quán cóc mọc lên như nấm. Trên lòng lề đường ở tỉnh thành, quận lỵ, dọc theo các vệ đường ở thôn quê. Đó là hiện tượng nghèo và đói chạy ra đường, vì nghề nầy—nghề bán quán cóc—ít vốn, và vốn quay nhanh, chỉ sớm tới chiều là có lời đủ cho gạo muối cơm chiều và trưa hôm sau.
Bà chủ quán, có lẽ như bao nhiêu người khác, bị cái nghèo kéo ra đây, nhưng bà như bao nhiêu tâm hồn mộc mạc chân chất của miền quê, đồng ruộng nầy, bà không nghèo tình thưong, không nghèo sự thông hiểu, bà cảm nhận những trăn trở, xót xa bên trong của mót rác , vì bà biết cuộc cuộc tình của gian dở của ọng với đám người lạ không lương tâm ấy. Bà hiểu được cái đau khổ của một người mà đã có lần giao hồn mình cho quỷ dữ.
Mưa giữ khách. Khách lại vô tâm, một lần nữa,  khơi đống tro tàn, ngoáy vào vết thương lòng  đang ngủ :
‘-Sau nhiều năm phục vụ nhân dân chắc ông anh về nghỉ hưu từ lâu rồi ?’
Ông Năm quá vụng, cứ nghĩ rằng, ai đã đi cách mạng cũng vổ tay nhất trí với bọn ăn dân, và ăn bẫn. Một lần nữa bà chủ quán đở cho ông già mót rác, không vì ‘sao vàng’[8] bỏ đảng, mà vì khí tiết,  trả thẻ đảng.

Nhưng tài xế Chi không tha, tiếp tục hơi chữ :
‘Uổng vậy tía.  Một đời đi cầm bảng đỏ[9], giận một chút rồi bỏ... dảng sao tía ?’
Một lần nữa bà chủ quán phải đở. Bà làm đậm nét cái khí tiết của ông già lượm rác, khi ngộ ra cái giả liêm chánh, giả đạo đức, ‘phủi tay cái xạch’, ‘nghỉ chơi, về nhà làm ruộng.’ Và bà cũng chơi chữ. ‘Coi như bao nhiêu năm đi làm cách mạng mất cả chì lẫn chài. Đâu có sao. Dân Nam Kỳ mà, đã chịu chơi thì không bao giờ chơi chịu.’

Cái vụng về ngây thơ của Ông Năm, cái thông minh, lém lỉnh của tài xế Chi, cái nhạy bén, thông hiểu và lưu loát của bà chủ quán, như hoà nhịp đuổi bắt nhau, trong một hoà tấu thính phòng, mà chủ đề  là chân dung sinh động của ông già mót rác.  Một thân phận, võ chanh bị vứt bỏ, một thứ rác, bị loại ra khỏi giòng chính, nhưng vẫn cố giữ khí tiết, một chút gì đó còn lại, để ông còn là chính ông.

Khi cảm nhận rằng trọng tâm của khách—tài xế chi và ông Năm—giờ đây không còn là tạm chờ vá vỏ xe, mà là chính là con người của ông, ông cảm thấy đến lúc phải đi..mót rác. Ông xả rác, thì phải sống với rác. Luật nhân quả ràng ràng.

‘Ủa ? Đi sao ông anh? Ngồi cho hết mưa cái đã?  Ông Năm như cảm một mối thương tâm, buồn cho thân phận ông già Hai. Cái ý nghĩ phải giúp đở thoáng qua ông Năm và như một phản ứng tự nhiên, ông Năm lấy $50 đưa cho ông già Hai.
Ông già nghiêm khắc nói:
-         Tui không phải là người ăn xin. Không có danh nghĩa là kẻ ăn mày nên tui không nhận của bố thí. Xin lỗi.
Thêm một nét nói lên cái tính khí  của ông già.

***

Ông già Hai vừa khuất, thì ông chủ quán, nảy giờ im lặng— nhưng không một chi tiết nào là ông không nghe biết—mới ‘buông tờ báo rời võng, đến bên ông Năm, cắt nghĩa’ : ‘Đừng ngạc nhiên. Hai Cọp là như vậy.  Không bao giờ nhận sự thương xót của ai.’... Hai Cọp nguyện lượm hết mọi thứ rác của xã hội nầy. Và có thể, gần đây thôi rác sẽ chôn ông ta.
Thì ra đó là Hai Cọp, người hùng trong hồi ức của Năm Hùng.

Tóm lại,

‘Ông già trên bãi rác Bót Số 10’ là một bi hài kịch, trên chủ đề RÁC !, ở một quán cốc bên đường, trong thời gian trên dưới một giờ.
Bi ! vì là thân phận của một người có khí tiết. Có thể, ông ta không có cấp bằng cao, không học rộng, không đọc được sinh ngữ, vì thiếu phương tiện, vì hoàn cảnh, nhưng lòng ông đầy tình người, tình quê hương, tham vọng ông lớn—xây dựng một nước VN giàu mạnh, người người, nhà nhà hạnh phúc, một hạnh phúc giản đơn, cụ thể, ăn, mặc, ở, an ninh là nhu cầu thiết yếu, trên đó con người có thể xây dựng tình thương, mà không là một đổi trao, buôn bán, tính toán thiệt hơn. Nhưng rồi, mộng lớn không thành. Tệ hơn : Ông phải hằng ngày mót rác, sống nhờ ở rác, vì rác, và cũng do rác mà ra.
Bi ! vì là một mối tỉnh lớn dỡ dang.   Mối tình xã nghĩa ! Mối tình lý tưởng ! Người đẹp xã nghĩa đã phản bội, và giờ đây, biến thể. Kinh tế thị trường là tự do kinh doanh, tự do tìm lợi nhuận, trong khuôn khổ luật định và qui luật khách quan của thị trường. Kinh tế thị trường vô tư, vô tình, và với xã nghĩa như nước với lữa.  Thế mà xã nghĩa vẫn sang ngang, gọi đó là cũng là ‘hướng đi tất yếu của lịch sữ’.
Bi ! vì cả tuổi thanh thiếu niên và trung niên, Ông hiến dâng cho Đảng của Ông, giờ cách mạng thành công, hai miền qui về một mối, thì Đảng của Ông trở lại ăn dân có bài bản, có tổ chức, có hệ thống một cách khoa học. Duy vật biện chứng trở thành duy tâm, lắm khi là duy-quyền-lực và bạo lực.
Bi ! cũng vì nhìn ngoài, ai cũng nghĩ rằng Ông một lòng một dạ với ‘cách mạng’, mà không hiểu  Ông ngậm đắng nuốt cay, vì những hành động ‘ăn dân’, ‘bán nước’ của Đảng của Ông.
Bi ! vì Ông thoát ra khỏi nơi chôn nhao cắt rốn của Ông.  Sống trong giằn xé bên trong, khổ sở vì những câu hỏi—ngây thơ hay như câm chọc, khuyấy quậy vết thương lòng— của ông Năm, của tài xế Chi, vì những giải thích, như biện minh của bà chủ quán, mà thiết nghĩ không cần thiết với ông. Bi cũng chỉ vì những thương đau ấy xảy ra ngay ở đây, trong cái quán nhỏ hẹp nầy, và cô động trong thời khoảng ngắn ngủi của lời qua tiếng lại.
Thật tội nghiệp co Ông Hai Cọp.
Nhưng cũng thất cười.
Thật sự, đây là một satire, con ong chích và chích sâu vào chế độ, chủ nghĩa và con người xã nghĩa :
‘Chi biết ông khách sẽ không dám rớ tới ly nước đá ở đây; kể cả nước lọc trong chai đóng nút, nên không mời. Chi biết mọi thứ bày bán tại những nơi kém sang trọng như vầy mấy Việt kiều mười người như một sẽ không dám đụng tới. Họ nói đó là nước lọc giả, bia giả, thuốc lá giả. Một số còn nói cả tánh tình, tâm sự, lời nói của người ta cũng giả. Nghĩ cũng ngộ. Thời nầy ở đây cái gì mà không giả! Giả từ lâu lắm rồi. Nhớ hồi hai, ba mươi năm trước thằng bé Chi nghe người lớn nói anh y tá đi bộ đội lâu năm trở thành bác sĩ. Có ông cán bốn túi từ Bắc vào chễm chệ ngồi vào ghế Viện trưởng cái đại học duy nhứt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long này; về sau biết ra thì cán ta chỉ xong lớp 7! Còn bây giờ thì anh công an huyện cũng có bằng phó tiến sĩ. Chị giám đốc thì cái bằng tiến sĩ coi như bình thường; ai không có mới là điều lạ. Chiều nay có hoa vàng trước ngõ. Lúc trước người ta ca như vậy. Bây giờ thì chiều nay tiến sĩ giấy bay đầy trước ngõ! Có nhiều giai thoại nói về các tiến sĩ hàm đời nầy. Người ta kháu nhau rằng có cô tiến sĩ chủ nhiệm nông trường gốc miền ngoài trong một bữa tiệc chiêu đãi báo chí, tới món tráng miệng bằng kem, cô tiến sĩ giám đốc dùng bàn tay bự như cái quạt ba tiêu lia lịa quạt quạt ly cà-rem đang bốc khói, người bên cạnh thắc mắc hỏi nhỏ, cô giám đốc nói là “nàm cho cà-lem bớt lóng mà lồng chí ” !!! Đồng rận lúc đó chắc chỉ muốn chui xuống gầm bàn huống chi là “lồng chí”. Không biết cà-lem xã hội chủ nghĩa “lóng” hay cái hàm tiến sĩ của cô sắp cháy! Bằng cấp để treo chơi thì có chết thằng tây nào đâu. Tài xế Chi nghĩ tới đó bỗng cười.’
Nh
ưng cười ra nước mắt. Đuổi thằng Tây, để cỏng lấy một thứ Việt Nam dốt nát và tham tàn houn thằng Tây gấp bội. Thằng Tây chỉ cho phép độc quyền một số giới hạn sản phẫm, như rượu, á phiện,..., dưới chiêu bài là để dễ kiểm soát, chế độ ta thì độc quyền tất—tất cả mọi phương tiện sản suất, rồi chia nhau—dưới chiêu bài là tài sản của toàn dân.  Sau khi chiếm đoạt nhà cửa, tài sản, tư bản, làm giàu trên xương máu của kẻ khác, bọn cướp ấy lại một lần nữa nhân danh nhân dân, nhân danh giai cấp,   phè phởn theo kinh tế thị trường.  Để giàu thêm giàu, và nghèo thêm nghèo.

Thật không làm sao diễn tả hết cái khả năng khéo léo siêu việt của Trần tiên sinh trong cái tài dùng chữ, cái cách dùng sáo ngữ. Sáo ngữ là những từ ngữ mà người ta dùng quá thường, nát đi rồi.  Cho nên, văn nhân mặc khách thường tránh, và tìm những cách diễn tả mới lạ, lắm khi vì vậy mà câu văn trở nên tối nghĩa. Cách  sắp xếp sự việc hay tư tưởng, trước sau, mạc lạc mà tự nhiên, khuất chiết mà trôi chảy. câu văn vừa phải, có khi rất ngắn, dễ cho người đọc; nhưng cũng không vì cái dễ đó mà làm xáo trộn  âm vận, hay cái luật tự nhiên của ngũ vựng.
Thoạt, người đọc nghĩ rằng đây là câu chuyện của ông Năm, người trở về thăm quê nhà.  Nhưng, người đọc sớm thấy câu chuyện là về rác quanh cuộc sống dở khóc dở cười của nhà ‘cáh mạng’ Hai Cọp.  Hai Cọp ít môi miếng, luôn như muốn thu mình nhỏ lại, trốn đời, nhưng bà chủ quán, vì mến một tánh tình, thương một khí tiết mà không buông tha.  Bà cố cho khách hiểu Hai Cọp là một con người khí phách có và cón thừa, ‘trả thẻ đảng’, ‘phủi tay cái xạch, nghỉ chơi.’
Kịch tính được giữ luôn ở một mức độ thậc cao vì tất cả sự việc được xảy ra trong mộ thời gian ngắn ở Ngã Ba Lộ Tẻ, gần cái Răng, ở trong và quanh cái quán nhỏ đó.

Nhưng tôi đã quá nhiều lời.  Giờ xin mời đọc giả vào đọc Trần Bang Thạch trong câu chuyện ngắn Ông Già trên Bãi Rác Sót số 10.


[1] Tản Đà. Thăm Mã Cũ Bên Đường.
[2] Archimèdes “Eureka!”
[3] Nguyên bản:  cái ngày ông cột đèn biết vượt biên
[4] Nguyên bản là: quả. Tôi tự sửa cho cân với tọa lạc
[5] Tiền trừ niên thiếu hậu trừ lão, duy hữu trung gian tam thập niên. Trước trừ niên thiếu, sau bỏ tuổi già, tính lại đời người chỉ có 30 năm sinh động.
[6] Thực dân
[7] Nhân vật thời Chiến Quốc, thế kỷ thứ 3-thứ 4 trước Công Nguyên. Nguồn: Wikipedia Việt Nam
[8] Sang giàu
[9] bảng đỏ, nói lái lại là bỏ đảng, một các chơi chữ và chơi xỏ của tài xế Chi.

No comments:

Post a Comment