TRẦN BANG THẠCH
truyện.
Qua khỏi thị trấn
Cái Răng, chỗ gần đường Lộ Tẽ Hàng Gòn thì bánh xe sau của chiếc Honda ôm bắt
đầu xẹp. Bánh trước cũng lần lần xẹp theo. Chú tài xế tên Chi càu nhàu:
-Biết mà vẫn không
tránh khỏi!
Gió ngược. Ngồi
phía sau xe, ông Năm cố nói lớn tiếng:
-Chú biết cái gì
vậy?
-Thì cái vụ rãi
đinh xuống mặt đường.
-Thường xảy ra lắm
sao?
-Không thường thì
bọn nó lấy gì ăn.
-Ăn đinh?
-Bố ơi, mấy thằng
vá vỏ xe ở đằng trước kìa. Nó không ăn đinh, nhưng mình bị ăn đá.
-Chuyện xã nghĩa
mà bố. Cái gì cũng lạ hết. Ai mà dám mở miệng cằn rằn mấy thằng vá xe về cái
việc chúng nó rãi đinh, cả cái việc tụi nó tính tiền thẳng tay, thì coi chừng
bị tụi nó. Bánh xe mình ăn đinh còn mình thì ăn đòn.
-Dân Cần Thơ, Cái
Răng mình hồi nào tới giờ hiền lành lắm mà. Bây giờ sao lạ vậy?
-Thì có những kẻ
lạ từ đâu kéo tới đây từ sau cái ngày ông cột đèn biết vượt biên nên cớ sự mới
ra nông nỗi nầy. Dân Cái Răng mình cũng đi tứ tán nhiều. Kẻ lạ càng ngày càng
nhiều và càng hung hăng con bọ xít.
-Còn chánh quyền ở
đâu?
-Ở khắp nơi, nhưng
cá mè một lứa. Có quyền mà không có chánh thì trị ai được. Mỗi người ăn mỗi
kiểu. Chức quyền ăn theo quyền chức. Dân khu đen ăn theo dân đen khu. Bố lưu
lại vài tuần ở cái Việt Nam nầy, bất cứ nơi đâu, bố sẽ thấy hết những điều mà
mấy mươi năm cuộc đời của bố chưa từng thấy.
Ông Năm không nghe
rõ vì còn bận nghĩ tới cái vỏ xe sắp hết hơi. Định xuống Phụng Hiệp thăm thằng
bạn nối khố từ thời tiểu học, nhậu quắc cần câu với nó một bữa rồi chiều tối
trở về Cần Thơ để sáng mai lên Sài Gòn bay về Mỹ. Trục trặc kỷ thuật như thế
nầy thì biết bao giờ mới tới Phụng Hiệp. Ông Năm cũng chợt nhớ đoạn đường nầy
lúc ông còn là cậu học trò trung học hàng tuần từ nhà trọ ở Cần Thơ về thăm nhà
ở Cái Chanh. Ngay ở đây ngày xưa là bót Tây số 9. Thêm 1 cây số nữa ở đằng
trước là bót số 10. Thuở đó ông Năm mười mấy tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ người
lớn bàn tán thật nhiều về trận đánh đoàn công-voa Tây trên đoạn đường nầy. Trận
đó có một thiếu niên trạc tuổi ông tên là Hai Cọp đã gan dạ chạy lăn xả vào
chiếc xe jeep có viên đại úy Tây tên gọi là Tây Râu Đỏ. Cậu bé quăng trái lựu
đạn vào xe, giết ngay tên Tây Râu Đỏ. Dân quân thắng lớn. Từ đó người thiếu
niên Hai Cọp phải bỏ xứ đi đâu mất. Cũng từ đó Tây dựng thêm bót số 10 ở ngay
nơi xảy ra trận đánh.
Đến lúc hai bánh
xe bắt đầu xẹp lép thì cũng là lúc ông Năm thấy hai, ba cái lều nhỏ che tạm bên
lề đường với những vật dụng vá xe lỉnh kỉnh. Khỏi mấy cái lều là đống rác to và
cao như một quả đồi nhỏ. Gió từ hướng phía trước đưa mùi rác rưởi về phía hai
người. Ông Năm lấy tay che mũi. Xe chưa dừng lại hẳn trước cái lều đầu tiên thì
đã có mấy thằng nhỏ giành giựt khách. Đứa thì nắm cổ xe, đứa thì đẩy yên xe về
phía lều vá xe của nó. Tài xế Chi hình như đã quen với cảnh nầy nên để mặc mấy
đứa nhỏ muốn làm gì thì làm với cái xe xẹp bánh của mình. Chi dẫn khách vượt
khỏi đống rác, đi về hướng cái quán nước trên gió. Quán cũng lụp xụp nhưng được
hai mái che bằng lá, vách thì bằng mấy tấm giấy dày. Hai cái bàn thấp với mấy
cái ghế mũ cũng thấp lè tè, đầy bụi bặm. Bà chủ quán đon đả mời khách, còn
người đàn ông đang nằm võng trong góc đang đọc báo, không buồn ngó đến khách,
có lẽ là ông chủ quán.Tháng mười trời hơi âm u, sắp mưa. Gió thổi mạnh nên mát.
Tài xế Chi kéo ghế.
-Ngồi xuống đi bố,
nghỉ chưn một chút. Bây giờ muốn đi gấp cũng không được.
Hàng trong quán
thật sơ sài, trên kệ mấy chai nước lọc bên cạnh mấy chai 7-up, vài chai bia Hậu
Giang và một rỗ ổi, cốc, chuối xiêm, chuối già. Tất cả mốc cời vì bụi.Tài xế
Chi kêu một ly đá lạnh, Chi biết ông khách sẽ không dám rớ tới ly nước đá ở
đây; kể cả nước lọc trong chai đóng nút, nên không mời. Chi biết mọi thứ bày
bán tại những nơi kém sang trọng như vầy mấy Việt kiều mười người như một sẽ
không dám đụng tới. Họ nói đó là nước lọc giả, bia giả, thuốc lá giả. Một số
còn nói cả tánh tình, tâm sự, lời nói của người ta cũng giả. Nghĩ cũng ngộ.
Thời nầy ở đây cái gì mà không giả! Giả từ lâu lắm rồi. Nhớ hồi hai, ba mươi
năm trước thằng bé Chi nghe người lớn nói anh y tá đi bộ đội lâu năm trở thành
bác sĩ. Có ông cán bốn túi từ Bắc vào chễm chệ ngồi vào ghế Viện trưởng cái đại
học duy nhứt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long này; về sau biết ra thì cán ta chỉ
xong lớp 7! Còn bây giờ thì anh công an huyện cũng có bằng phó tiến sĩ. Chị
giám đốc thì cái bằng tiến sĩ coi như bình thường; ai không có mới là điều lạ. Chiều
nay có hoa vàng trước ngõ. Lúc trước người ta ca như vậy. Bây giờ thì chiều
nay tiến sĩ giấy bay đầy trước ngõ! Có nhiều giai thoại nói về các tiến sĩ
hàm đời nầy. Người ta kháu nhau rằng có cô tiến sĩ chủ nhiệm nông trường gốc
miền ngoài trong một bữa tiệc chiêu đãi báo chí, tới món tráng miệng bằng kem,
cô tiến sĩ giám đốc dùng bàn tay bự như cái quạt ba tiêu lia lịa quạt quạt ly
cà-rem đang bốc khói, người bên cạnh thắc mắc hỏi nhỏ, cô giám đốc nói là “nàm
cho cà-lem bớt lóng mà lồng chí ” !!! Đồng rận lúc đó chắc chỉ muốn chui
xuống gầm bàn huống chi là “lồng chí”. Không biết cà-lem xã hội
chủ nghĩa “lóng” hay cái hàm tiến sĩ của cô sắp cháy! Bằng cấp để treo
chơi thì có chết thằng tây nào đâu. Tài xế Chi nghĩ tới đó bỗng cười. Ông Năm
không biết nó cười vì cái gì. Ông lấy cái bị đeo sau lưng để xuống bàn, lấy ra
chai nước lọc, tu ngon lành. Ông Năm ngó lơ ngơ về hướng bãi rác. Bên kia bãi
rác là hai hàng xoài chạy dọc theo con lộ nhỏ dẩn vào xóm nhà và khu vườn nằm
phía sau cánh đồng sát mặt lộ. Ông Năm loáng thoáng nhớ là bót số 10 lúc trước
nằm bên nầy lộ, đối diện với con lộ hàng xoài. Hơn năm mươi năm rồi, hàng xoài
đã bao lần thay cây đổi lá. Bãi rác nay đã thay chỗ của cái bót số 10. Ông Năm
bắt gặp một ông già đi về hướng quán. Gió ngược làm cho cái bọc ny lông to ông
quẩy trên vai như muốn bay về phía sau. Ông già cẩn thận để cái bọc ny lông dựa
vào vách, uể oải bước vào quán, kéo ghế ngồi bên chiếc bàn trống. Ông già mặc
cái quần kaki xanh lá mạ bạc màu, vá tứ tung và cái áo thun 3 lỗ màu đất, ướt
mồ hôi. Có điều ông Năm lấy làm lạ về cái đôi dép bằng vỏ xe trên đôi chân ông
già; loại dép nầy trước ngày xuống tàu hải quân tại bến Bạch Đằng vào đêm 29
rạng 30 tháng Tư bảy lăm, chàng thanh niên Năm Hùng chưa hề thấy nhưng nghe nói
nó đã biến mất từ mấy năm nay rồi mà. Bây giờ cán bộ văn minh hơn nhiều, giày
da, áo vest, xách samsonite. Ông Năm đoán ông già cỡ tuổi mình, chắc cũng đã
trên bảy mươi. Tự nhiên ông Năm xàng qua ngồi chung bàn với ông già. Ông muốn
mời ông già giải khát. Ông già từ chối. Ông Năm hỏi chuyện, ông già không mặn
mà trả lời, có thể vì ông mệt, cũng có thể ông không muốn nói chuyện nhiều với
người lạ, mới gặp ngoài đường.
-Khá hông ông anh?
-Lượm rác mà khá
cái nỗi gì!
-Không, tui muốn
hỏi là nghề nầy sống được hông?
-Nghề nào mà sống
hổng được. Không nghề cũng đâu có chết. Có khi còn làm cha thiên hạ.
Biết ông già nói
ngang như cua bò, ông Năm chuyển đề tài:
-Hồi tui còn ở
đây, đống rác nầy hình như chưa có?
Tài xế Chi chen
vào:
-Có rồi. Có từ
trước bảy lăm. Lúc đó rác rưỡi đã có nhưng chưa nhiều. Sau bảy lăm thì rác
nhiều hơn, rác khắp nơi.
Biết tài xế Chi ưa
nói chuyện ngoắc nghoéo, ông Năm không muốn xen vào. Nhưng ông già lượm rác như
bắt được cái ý lắc léo của tài xế Chi:
-Rác từ làng lên
tỉnh, từ trên xuống dưới. Chú em còn nhỏ mà rành chuyện đời nay bộn há.
Ông Năm giả vờ đưa
chai nước lên miệng, uống một ngụm.
Tài xế Chi vỗ tay
vào vế một cái bạch rồi oang oang:
-Đúng y chang! Tiá
nuôi nói trúng hết xẫy! Rác từ từng dưới lên từng trên, từ từng trên leo tuốt
lên sân thượng, từ đồng bằng ra hải đảo!
-Có cái gì mà
không trúng. Hỏi bất cứ thằng nhỏ nào trên đống rác kia, nó cũng biết như vậy.
Nó biết cái tòa biệt thự nầy có mấy đống rác, biệt thự kia có mấy ổ chí, ổ rận.
Nó còn biết cái tỉnh nầy có bao nhiêu chuột lớn, chuột nhỏ đụt khoét khắp mọi
nơi.
Thấy câu chuyện
mỗi lúc thêm trầm trọng, ông Năm lại chuyển đề tài một lần nữa :
-Ông anh có con
cháu gì nhiều hông ?
-Có mà như không.
-Chắc các cháu đi
xa ?
-Cũng có đứa ở
gần.
-Vậy thì cũng có
con săn sóc cho ông anh được.
-Thời nầy mạnh ai
nấy lo ông bạn ơi.
Nghe ông già gọi
mình bằng bạn, ông Năm biết ông già đang có vẻ cởi mở rồi đây. Ông Năm đi xa
hơn một chút, mục đích là để cho qua thì giờ đang khi chờ cái vỏ xe vá xong.
-Ông anh chắc là
dân cố cựu ở đây ?
-Ừ. Nhưng mà chỉ
đúng một nửa.
Bà chủ quán xen
vào :
-Tui mới là người
cố cựu. Còn anh Hai đây chỉ mới trở về sau bảy lăm.
-Chắc ông anh đi
làm ăn hay đi lính ở xa ?
Ông già ngó lơ,
làm như không muốn trả lời. Bà chủ quán chen vào gọn hơ :
-Đúng là đi lính
xa. Xa thiệt là xa. Mút mùa lệ thủy.
-Ở đâu lận ?
Bà chủ quán hăm hở
:
-Thì tận ở ngoải.
Ở ngoài Bắc đó, phải không anh Hai ? Kể chuyện Lạng Sơn Cao Bằng cán gáo cho
người ta nghe chơi đi anh Hai, nhứt là cái chuyện mấy anh tập kết nổi loạn đòi
dìa đó. Còn chuyện vượt Trường Sơn nữa.
Ông Hai vẫn làm
thinh. Câu chuyện có vẻ lý thú, ông Năm hỏi tiếp:
-À! Vậy là ông anh
đi làm cách mạng. Thật là hiển hách.
-Tui xin lỗi anh
Hai nhen : Hiển hách hay không thì không thấy chớ tui thấy anh Hai bây giờ càng
ngày càng rách như cái túi ny lông cũ.
Bà chủ quán buông
tiếng ứ hự ở cuối câu nói rồi cầm cây quạt mo cau đuổi ruồi bay quanh mấy nải
chuối. Mưa bắt đầu rải hột lắc rắc. Thằng bé dẩn cái xe tới, dựng trước quán.
Tài xế Chi trả tiền. Một phần vì trời sắp mưa lớn, phần khác là ông Năm thấy
câu chuyện tới hồi khá thích thú nên muốn ngồi nán lại một chút nữa. Ông Năm
biết gặp phải một đồng chí lão thành nên ăn nói cẩn thận hơn :
-Sau nhiều năm
phục vụ nhân dân chắc ông anh về nghỉ hưu từ lâu rồi ?
Ông Hai vẫn ngó
mông lung ra ngoài con lộ, tay vo vo mấy cọng râu bạc dưới càm. Bà chủ quán trả
lời thế :
-Nếu được cho về
hưu cũng là may. Cái nầy là bỏ việc đó. Chửi lộn một trận rồi bỏ hết sạch, phải
không anh Hai ? Lon lá, chức tước, đảng điếc, nhà cửa...bỏ hết. Không ở tù là
may. Nói đi anh Hai, nói hết nghe chơi.
Ông Hai vẫn làm
thinh. Tài xế Chi xen vào :
-Uổng vậy tía. Một
đời đi cầm bảng đỏ, giận một chút rồi bỏ...đảng sao tía ?
Ông Năm kề tai nói
nhỏ với tài xế Chi :
-Nói nhỏ nhỏ vậy,
nên cẩn thận nhen chú mầy. Tai vách mạch rừng.
-Bố đừng có lo.
Thời nầy những câu chuyện như vầy là chuyện nghe qua rồi bỏ. Người ta bận rộn
với mấy cái « cây » và mấy tờ « đô xanh». Chẳng ai mà để ý mấy cái chuyện bây
giờ được xếp vào loại chó cán xe như vầy. Chỉ những Việt kiều như bố mới run.
Tụi tui thì...còn khuya mới sợ. Nói đi tía nuôi, nói cái chuyện giận một chút
đó đi tía.
Bây giờ thì bà chủ
quán dừng tay đuổi ruồi. Bà ngồi xuống ghế, cạnh tài xế Chi :
-Không phải chuyện
một chút đâu à chú em. Ở trong chăn mới biết chăn có rận.Tui nghe anh Hai nói
cái gì là đạo đức cách mạng, cái gì là cần kiệm liêm chánh gì đó. Anh Hai nói
ảnh không sống nổi với mấy cái cách mạng giả, liêm chánh giả nên nghỉ chơi,
phủi áo một cái xạch rồi về nhà làm ruộng. Không chơi với mấy thằng người giả
đó nữa. Già, làm ruộng không nổi, đi lượm bao ny lông cho nhẹ. Coi như bao
nhiêu năm đi làm cách mạng mất cả chì lẫn chài. Đâu có sao. Dân Nam Kỳ mà, đã
chịu chơi thì không bao giờ chơi chịu. Cũng có nhiều người cán bộ hồi kết tàng
tàng như anh Hai vậy đó. Cuối cùng chỉ còn cái xác ốm o, thui thủi một mình.
Con cái đứa thì đi lính bên nầy, đứa bên kia rồi chết trận, đứa thì đi học tập.
Có đứa lại nghe lời mẹ, không nhận ông già.
-Con mà không nhận
cha ? Sao vậy ?
Tài xế Chi ra vẻ
sành đời :
-Nhiều nguyên nhân
lắm bố ơi. Nào là có ngài hồi kết đem bà vợ do cơ quan cưới từ Bắc vào, bà vợ
cũ và con cái không nhìn ; nào là có ông quan to nón cối súng ngắn súng dài đâu
dám đứng ra bảo lãnh đứa con đang học tập cải tạo. Vậy là hai đàng ô rờ lui, ba
đường ba, tui đường tui, tình nghĩa đen thui của cha con mình có thế thui ! Ôi
thôi, cả một ngàn lẻ một cái « nào là ».
Đến đây thì nét
mặt ông già hình như chùng xuống, ông lia lịa vò vò mấy sợi râu rồi không nói
không rằng ông đứng lên định bước ra khỏi quán. Ông Năm kịp nắm tay ông già giữ
lại :
-Ủa ? Đi sao ông
anh? Ngồi cho hết mưa cái đã.
Ông già cố rút tay
về. Ông Năm phải buông tay ông già để lấy trong túi áo tờ 50 đô-la đưa cho ông
già. Thật bất ngờ, ông già cầm tờ giấy bạc để trên bàn, nhìn thẳng vào mắt ông
Năm, nói từng tiếng:
-Tui không phải là
người ăn xin. Không có danh nghĩa là kẻ ăn mày nên tui không nhận của bố thí.
Xin lỗi.
Ông già chừng như
không muốn nghe thêm. Ông bước ra khỏi quán, vát cái bọc ny lông, dòm hai đầu
quốc lộ rồi bước qua bên kia đường. Bóng ông khuất giữa hai hàng xoài dưới trời
mưa lất phất.
Nhìn cái vẻ tiu
nghỉu của ông Năm, bây giờ ông chủ quán mới buông tờ báo, rời võng đến bên ông
Năm, cắt nghĩa:
-Ông đừng ngạc
nhiên. Ông Hai Cọp là như vậy. Ông không bao giờ nhận sự thương sót của ai. Ông
còn có cái mộng khác người là lượm hết rác của cái xã hội nầy, cho nên chung
quanh căn chòi của ông đầy những rác, thượng vàng hạ cám. Ông nói một ngày
không còn đất chứa rác, ông sẽ đốt. Có người cắc cớ hỏi :« Như vậy là ông đốt
cái chòi của ông luôn sao ? » ông Năm không ngần ngại : Đốt luôn. Cái chòi mình
nằm giữa một đống rác to tổ bố của cả nước thì còn tiếc cái gì nữa. Cái nhà lầu
cũng không tiếc. Ông anh và chú tài nghĩ coi : Nhiều lắm là ông Hai sống thêm
chừng mươi năm nữa, không biết ông sẽ hốt hết rác hay đống rác sẽ mọc tay mọc
chưn tiến qua phía bên kia đường, chôn luôn căn chòi của ông Hai lúc ông đang
lum khum trong chòi, chưa kịp đốt lên cái mồi lửa.
Ông Hai Cọp ? Hai
Cọp ? Ông chủ quán mới nhắc tới cái tên nầy, phải không ? Ông Năm bóp trán. Hai
tiếng nầy bỗng hiện ra trong đầu óc ông Năm, mới đầu còn lờ mờ, sau rõ dần, rõ
dần. Hai Cọp. Cái tên Hai Cọp hiện ra cùng với cái tên Tây Râu Đỏ và trận đánh
đoàn công-voa của Tây. Hơn nửa thế kỷ rồi ! Đứa con của Cái Răng trước sau vẫn
vậy.
-Đúng rồi. Đúng
cha nầy ! Hèn chi!
Ba người trong
quán không biết ông Năm nói cái gì. Nhưng ông Năm biết ngày mai ông chưa về Mỹ
được. Ông muốn trở lại đây một lần nữa.
Rớt xuống từ trời
bây giờ là cơn mưa lớn. Những giọt mưa như những giọt lệ sót thương cho một đất
nước đầy rác mà ông Hai Cọp suốt một đời phục vụ và ông Năm đã nửa đời bỏ lại.
Trần Bang Thạch
Một bài viết thật tuyệt vời . Như một cuộc đối thoại thật bình dị song dẫn người đọc đi từ sự lý thú nầy đến sự lý thú khác . Nhiều đọan tác giả viết một cách rất linh động vừa khôi hài vừa châm biếm một cách hết sức tự nhiên mà vừa thật ngổ ngáo , thách thức chế giễu ...vừa đọc mà không nín cười được như :
ReplyDeleteCòn bây giờ thì anh công an huyện cũng có bằng phó tiến sĩ. Chị giám đốc thì cái bằng tiến sĩ coi như bình thường; ai không có mới là điều lạ. Chiều nay có hoa vàng trước ngõ. Lúc trước người ta ca như vậy. Bây giờ thì chiều nay tiến sĩ giấy bay đầy trước ngõ!
...
Cám ơn anh TBT với baì viết độc đáo vô cùng nầy...
Thanks
Lâu dữ tui mới nghe lại chữ " bót " hồi xưa .Đọc bài nầy quá đã cô TL ơi . Cám ơn tác giả với cách viết dí dỏm mà cay đắng vô cùng
ReplyDeleteMột học trò NTT