_______________
Mạch Vạn Niên
Viết để thanh minh với HTTL là tui chưa bao giờ "dám" chê con gái Rạch Giá
MVN
********
Bà già tui mê tướng số tận mạng. Không biết bả học tới đâu vì tui đâu có dám hỏi bao giờ, nhưng sách tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn hay của các nhà văn nổi tiếng thuở ấy như Bà Tùng Long, Dương Hà, Trọng Nguyên v.v...hoặc ngay cả sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê bả mua về chất đầy tủ. Nhứt là sách tướng số thì khỏi chê. Nào là Diễn Cầm Tam Thế, Tướng Mạng Mộng Bốc, Đời Người Qua Nét Bút, Đời Người Qua Chỉ Tay, rồi ngay cả Sách Tướng tầm bậy nói về Đàn Bà (xin lỗi quý Bà tui không có nói thêm) v.v và v.v... bả cũng mua đem về tuốt luốt. Nhờ vậy mà tui có dịp làm thầy bói hàm thụ bất đắc dĩ.
Tui biết lõm bõm Thập Can (Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý) rồi Thập Nhị Chi (Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi). Tui biết thế nào là Tam Hạp hoặc Tứ Hành Xung. Vì tui tuổi Dậu mà tuổi hạp của Dậu là Tỵ và Sửu (Tỵ Dậu Sửu Tam Hạp) còn khắc là Mẹo Ngọ Tý (Tý Mẹo Ngọ Dậu Tứ Hành Xung). Cho nên cô nàng nào mà tuổi nằm trong Tứ Hành Xung của tui là tui né xa. Còn ngoài ra thì tui chẳng kỵ gì cả, nhất là các cô tuổi Sửu và Tỵ thì tui kết liền. Thật ra tui đụng đâu (trong Sách Tướng Số) đọc đấy nên tẩu hoả nhập ma. Đừng tưởng tui là thầy bói thứ thiệt mà hỏi lung tung thì tui cứng họng..
Tui biết lõm bõm Thập Can (Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý) rồi Thập Nhị Chi (Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi). Tui biết thế nào là Tam Hạp hoặc Tứ Hành Xung. Vì tui tuổi Dậu mà tuổi hạp của Dậu là Tỵ và Sửu (Tỵ Dậu Sửu Tam Hạp) còn khắc là Mẹo Ngọ Tý (Tý Mẹo Ngọ Dậu Tứ Hành Xung). Cho nên cô nàng nào mà tuổi nằm trong Tứ Hành Xung của tui là tui né xa. Còn ngoài ra thì tui chẳng kỵ gì cả, nhất là các cô tuổi Sửu và Tỵ thì tui kết liền. Thật ra tui đụng đâu (trong Sách Tướng Số) đọc đấy nên tẩu hoả nhập ma. Đừng tưởng tui là thầy bói thứ thiệt mà hỏi lung tung thì tui cứng họng..
Năm đó tui mê cô nàng tuổi Kỷ Sửu như điếu đổ. Nàng làm y tá ở nhà thương Rạch Giá nhưng lại là làm ở Phòng Phát Thuốc có Cố Vấn Mỹ trông coi vì phần lớn thuốc tây trong nhà thương đều do Viện Trợ Mỹ. Dĩ nhiên nàng nói tiếng Mỹ thông thạo và thỉnh thoảng cũng đi ăn chung với mấy chàng nầy vì lịch sự. Tui biết bà già tui mê tướng số nên nói tuổi của nàng với tuổi tui rất hạp và đòi bả cưới nàng cho tui. Dù ở Sài Gòn, tuy là lính nhưng lính biệt phái cho cơ quan dân sự nên tuần nào tui cũng lái xe Honda dù về Rạch Giá du hí với nàng. Gia đình nàng dĩ nhiên chấp nhận tui vì dù sao tui cũng là sĩ quan. Nhưng bà già tui thì nói con gái mà đi chơi chung với Mỹ là không đàng hoàng, bả nhất định không chịu cưới. Cuối cùng nàng và gia đình nàng cũng tự ái. Vâng ! Cuối cùng là tình bơ vơ. Tui đau khổ nói lời Đoạn Tuyệt của Nhất Linh :"Má mà không cưới nàng cho con thì từ rày về sau nếu con lấy vợ thì không nhờ tới má nữa". Trời đất ơi ! Tại sao lúc ấy tui nỡ đoạn lòng nói với bả như vậy !
Tui có tính dễ quên. Yêu chết bỏ nhưng cũng quên chết bỏ. Trong sở làm có cô mới vào làm tuổi chừng mười tám. Bố nàng làm ở Phủ Tổng Thống (vì trước đây là bạn của ông Thiệu) nên gửi gắm nàng vào làm mà không có qua kỳ thi nào cả. Nàng đẹp như Tây, từ nhỏ đã học trường Đầm. Ở Đà Lạt nàng học Mẫu Giáo trường Couvent Des Oiseaux (cùng với Nguyễn thị Tuấn Anh, con gái đầu lòng của ông Thiệu). Về Sài gòn nàng học Tiểu Học tại Regina Pacis, rồi lên Trung Học học Saint Paul. Không hiểu sao tới năm Đệ Nhị nàng chuyển qua trường Việt Nguyễn bá Tòng (ban C). Vì giỏi Pháp Văn nên nàng đậu luôn cả hai bằng Tú Tài liên tiếp trong hai năm và xin Bố cho phép đi làm. Nhà nàng đông con nên ông bà già đành chấp nhận. Nàng tuổi Tỵ mà lại là Quý Tỵ nên tui nhào vô liền. Tưởng giỡn chơi cho vui ai dè dính thiệt. Nàng nhỏ hơn tui tám tuổi vậy mà Bố Mẹ nàng cũng bằng lòng vì nghĩ có con gái trong nhà như hủ mắm treo đầu giường, nó lỡ yêu ai thì gả phức đi cho rồi kẻo rớt bể thì hôi hám cả nhà.
Tui dông về Rạch Giá nhờ ông bà già lên Sài Gòn hỏi cưới nàng, nhưng bà già buông một câu ngọt như mía lùi nhưng sắc như dao cạo :" Con còn nhớ gì không, nhớ lời Đoạn Tuyệt là không cần má cưới vợ cho con nữa mà". Tui nén lòng xin lỗi ca bài con cá. Vậy mà bả vẫn cứng lòng, thế mới chết một cửa tứ. Ông già thì OK sao cũng được. Tui đành nhờ tới bà cô ở Sài Gòn điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa và nói vớí ông già vợ tương lai rằng má tui bệnh không thể lên Sài Gòn dự tiệc cưới được. Thế mà cũng xong vì thuở ấy tui làm Trưởng Phòng Tiếp Liệu cho Bộ nên mọi việc đều trôi chảy và mọi người kính nể.
Tui lấy vợ đầu năm Quý Sửu. Tui nói với nàng mình nên sanh con năm nay vì Tỵ Dậu Sửu Tam Hạp làm ăn phát tài. Nàng cười cười ừ sanh thì sanh, cái đó là do anh chủ động chứ không phải là do em à nha ! Hên quá nàng cấn thai vào tháng Ba dương lịch và sanh con vào đúng đêm
Noel nhưng thay vì sanh công chúa (Nam Nhâm Nữ Quý) mới tốt thì lại lọt lòng một hoàng nam.
Ở đờí Cao Nhân Tất Hữu Cao Nhân Trị. Tui tưởng tui rành tướng số ai dè nàng là một cây Tử Vi. Nàng lấy lá số ngày sanh tháng đẻ của con rồi phán một câu cái số thằng nầy khắc cha không thể sống gần mà nó lại có số anh em hai giòng. Trời ơi ! Tui tưởng từ nhỏ tới lớn học Trường Tây nàng làm gì quan tâm đến ba cái Tử Vi Tướng Số nhảm nhí, nhưng không ngờ nàng nghiên cứu Tử Vi thật tận tình. Chẳng những vậy mà cả nhà nàng cũng lậm Tử Vi như nàng. Tui chống chế hơi sức đâu mà tin ba cái tử vi không có gì là căn bản khoa học của mấy cha Tàu ăn không ngồi rồi viết nhăng viết cuội.
Tưởng vậy là xong. Sáu tháng sau Bộ của tui giải thể tui phải bị trả về quân đội. Không còn cách nào khác tui xin chọn về quê quán Kiên Giang làm lính ông địa (Đia Phương Quân). Nàng được ông già xin chuyển qua Bộ Giáo Dục tiếp tục ở lại Sài Gòn với thằng con. Hai mẹ con phải tá túc nhà ông bà ngoại vì tui làm lính tác chiến nên không thể mang nàng và con theo. Thế là lời phán trong Tử Vi của nàng đúng một nữa. Nghĩa là cha con xa nhau, còn con hai giòng thì khi nghĩ tới mà ớn lạnh. Chắc tui sẽ vị quốc vong thân và nàng tái giá nên mới có con hai giòng !
Tui được đổi về một tiểu đoàn đóng tại Hà Tiên. Đường bộ Hà Tiên Rạch Giá rất xấu và kém an ninh, tôi phải đi tàu biển. Tàu đậu ở bến sông ngang bungalow và khởi hành khoảng 10 giờ đêm. Tui đến đó lúc chín giờ nhưng khách đã xuống khá đông, người nằm dưới sàn kẻ giăng võng. Thấy tui mang trên cổ hai bông mai vàng và quảy một ba lô mọi người hình như có cảm tình. Họ bảo Trung Úy mướn một cái võng từ chủ tàu mà nằm nghĩ hay ngủ nghê chứ tàu chạy tới sáng mới đến Hà Tiên, thức trắng đêm là mệt lắm. Một cô "trang trọng khác vời, khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang, hoa cuời ngọc thốt đoan trang, mây thua nước tóc tuyết nhường màu da". Tưởng là Thúy Vân ai dè là Nguyệt Nga. Nguyệt giúp tui giăng võng vì từ đó đến giờ tui có đi tàu biển kiểu nầy bao giờ đâu. Nàng thật tự nhiên giăng võng tui gần võng nàng. Tàu bắt đầu ra cửa biển tui với nàng cũng cảm thấy khá thân. Nàng đố tui con vịt tại sao ngủ phải co chân. Tui nhớ chuyện tiếu lâm trúng tủ của mình nên nói ngay ngày xưa con bò có 8 chân, vịt chỉ có một chân nên xin bò thêm một chân, bò ừ liền nhưng ra điều kiện phải giữ kỹ vì vậy mà khi ngủ vịt phải co chân sợ bị mất cắp. Nàng lại hỏi con chó khi tè tại sao lại co một chân lên. Cái nầy cũng trúng tủ. Tui nói chó ngày xưa có 3 chân cũng xin bò cho thêm một chân, bò cũng ừ và cũng ra điều kiện phải giữ chân cho sạch sẽ. Vì vậy khi tè chó sợ dơ chân nên phải co chân lên. Tui cũng định nói thêm đàn bà ngày xưa không có chân nào cũng xin bò cho hai chân. Bò cũng ừ và ra điều kiện, nhưng thấy chuyện nầy thuộc loại tiếu lâm đen (chuyện cấm đàn bà), tui kịp thời ngưng lại, kẻo suýt tí nữa trở thành tên nham nhở.
Sau nầy tui mới biết Nguyệt là con của một gia đình giàu có ở Hà Tiên, Ba Má nàng có ngôi nhà ba tầng hai căn để vựa và bán đủ mọi hàng hóa Thái Lan ở một con đường lớn gần chợ, một quán ăn ngay bến xe gần Cầu Nổi và một sạp bán vải cùng quần áo to đùng trong nhà lồng chợ. Tôi thỉnh thoảng ghé quán ăn để ăn trưa khi nào thấy có nàng trong đó. Mỗi lần lãnh lương tui đến sạp vải của nàng mua nào vải Mousseline, sà bông Cadum v.v... để gửi về cho bà xã ở Sài Gòn bán kiếm lời thêm nhưng tui ba xạo nói gửi về Rạch Giá cho má. Nàng tin thiệt. Cuối cùng nàng cũng lén má hẹn hò cà phệ tối với tui. Thật ra tui chưa dám quan hệ tình cảm sâu đậm với nàng nhưng đôi lúc nghĩ lại lời bà xã phán có con hai giòng tui cảm thấy tin tin. Biết chừng đâu duyên trời định để hóa giải Tử Vi có con hai giòng của tui. Nghĩa là có con với Nguyệt tốt hơn là mình nằm dưới mồ xanh cỏ để rồi bà Trang Tử quạt mồ chồng cho mau khô mà kiếm chồng khác !
Làm lính biệt phái hơi lâu tui quên chuyện cắc bùm nên ông Tiểu Đoàn Trưởng thay vì cho tui nắm Đại Đội thì ông lại đưa về Bộ Chỉ Huy cho học nghề bóp cò trở lại. Tui làm Trưởng Ban 3 Hành Quân kiêm luôn Trưởng Ban 5 Chiến Tranh Chính Trị (cái nầy thì đúng tần số). Tui liền viết một ca khúc riêng cho Tiểu Đoàn để sinh hoạt chung và khi hành quân thì lúc nào cũng cận kề bên Tiểu Đoàn Trưởng để rút kinh nghiệm và lên máy điều khiển các Đại Đội trong các cuộc đụng độ với địch quân.
Sau sáu tháng tui hoàn toàn tin tưởng ở tài chỉ huy của mình nên Tiểu Đoàn Trưởng cho tui trông một Trung Đội cộng và một Tiểu Đội Thám Báo mà tổng cộng quân số lên đến gần 50 người đóng tại Ngả Ba Hòn Chong. Cái đồn nằm trơ trọi giữa cánh đồng, phải đi một quãng xa mới tới ấp Xóm Rẫy. Ngay Ngả Ba là cái Nhà Thờ bị bom đạn đổ nát chỉ còn lại tượng Đức Mẹ là còn y nguyên đủ chứng tỏ cái linh diệu của Bà. Vì vậy mỗi lần đi hành quân tui đều ghé qua đôi phút nguyện cầu Đức Bà phù hộ mặc dầu thuở ấy tui là người ngoại đạo. Không biết ai là người sáng lập ra cái Đồn thật là ngu xuẩn nầy vì nó nằm kề chân núi Hòn Chong, chỉ cần địch quân từ trên núi chơi vài quả cối xuống là cái Đồn lãnh đủ. Vì vậy mà tui lúc nào cũng đặt hai cây cối 81 ly hướng lên núi sẵn sàng phản pháo mỗi khi cần.
Một hôm tui đang ngồi lai rai ở cái quán cốc gần Đồn thì một anh lính trong Đồn hớt hải chạy tới báo tin có Bình Xăng (tiếng lóng chỉ Bà Xã) từ Sài Gòn xuống thăm. Tui về Đồn cười vui hỏi nàng sao tiểu thư làm cách nào mà tới đây được vậy. Nàng nói dù anh có lên trời em cũng tìm tới chứ ở đây xe ôm họ chạy hà rầm mà. Tối hôm ấy VC pháo kích vào Đồn, tui chưa kịp chạy ra khỏi hầm để chỉ huy thì các anh em đã vội vàng phản pháo liền khiến địch quân im ngay. Tui hỏi nàng có sợ không, nàng âu yếm nói có anh bên cạnh thì sợ gì, có chết thì chết chung cũng vui lắm chứ !
Thấy có bà xã đến thăm, Tiểu Đoàn Trưởng liền cho tui nghỉ ba ngày phép. Nàng đòi tui đưa ra chợ Hà Tiên mua sắm. Tui chìu nàng nhưng lòng ngay ngáy lo sợ đụng độ với Nguyệt. Qua Cầu Nổi là quán ăn của gia đình Nguyệt nằm chình ình. Nàng nói đói bụng rồi vội vàng kéo tui vào. Tui chưa kịp phản ứng chỉ biết cầu Trời Phật cho đừng có Nguyệt trong đó. May quá lời cầu nguyện của tui linh ứng. Ăn xong nàng lại kéo tui vô nhà lồng chợ nói mua một ít quà cho bạn bè và quần áo cho con. Tui cố lái nàng vào các sạp khác nhưng nàng chỉ vào cái sạp to đùng của Nguyệt và nói sạp đó to quá chắc có nhiều hàng tốt. Nói xong nàng lôi tôi vào như lôi con bò sắp bị cắt tiết. Tui lại cầu nguyện Phật Trời lần nữa, nhưng lần nầy hết linh. Nguyệt đang ngồi chình ình trước mặt còn bà xã tui thì tự nhiên kéo tay tui chỉ vào bộ đồ trẻ con và nói :"Anh ơi ! Cái bộ quần áo nầy mua cho con có đẹp không". Tui chết đứng như Từ Hải. Nàng hỏi hai ba lần anh làm sao vậy tui mới hoàn hồn :"Ừ ! Thì đẹp thật, em mua cho nó vài bộ đi". Qua tấm kính trước mặt tui liếc thấy mặt Nguyệt xanh như tàu lá chuối.
Mạch Vạn Niên
Nhận được bài viết của ông anh thấy anh kể lại cá mối tình xa xưa là biết anh khỏe nên mới mộng mơ lại cái thời xa xưa ấy . Anh làm bộ đính chánh cái chuyện "dám chê " con gái Rạch Gía mà TL gán cho anh để mà anh "phe" chuyện tình 12 bến nước của anh . Tui biết mà . Thật ra nói 12 bến nước là ít MVN thì còn bao nhiêu bến nước khắp bốn vùng chiến thuật nừa kìa
ReplyDeleteSong dù sao ảnh phe thì kệ ảnh . TH cùng xin cám ơn anh bài viết thật vui nầy và thân chúc anh và gia đình một Thanksgiving thật đầy hạnh phúc
TL
ReplyDeleteAnh bạn trẻ sống một thời gian ở Hà Tiên mà không biết tới NHỊ LINH là '' chết chắc " nếu không là phải ôm hận suốt đời.
Người ta nói Tứ Linh là Long Lân Qui Phụng còn nhị linh chỉ có ở Hà Tiên là :
- Cái MIẾU ở gần chỗ cây DỪA BA NGỌN.Miếu nầy thờ những oan hồn uổng tử của nhà thương cũng cạnh đó.Ai thành tâm cầu khẩn sẽ được như ý nguyện,còn những ai bởn cợt sẽ lãnh hậu quả.
- Lăng thờ cô công chúa con của Mạc Cửu ( tôi không rõ tại sao gọi là công chúa vì Mạc Cửu không phải là vua ).Muốn viếng lăng Mạc Cửu,trước tiên phải bái công chúa.Phải nghiêm trang thành khẩn phúng bái.Những ai đùa cợt, không thành thật với thần dân của công chúa cũng sẽ lảnh hậu quả giống như miếu Dừa Ba Ngọn.
khi tôi còn dạy học ở Hà Tiên,một số bạn bè đến chơi,tôi có dẫn đi thăm Lăng Mạc Cửu.Trong Lăng Công Chúa chúng tôi cười đùa chụp hình mà không khấn xin phép,khi rửa hình tấm nào chụp ở lăng công chúa đều trắng không có hinh ai cả.Ngạc nhiên tôi hỏi ông chủ tiệm,tại sao kỳ vậy.Ông chủ hỏi tôi;
Vậy thầy có khấn xin phép Cô không?
À ra vậy !
Cho nên vừa đọc đọc đến đoạn cô Nguyệt ở Hà Tiên là tôi biết anh sẽ bị khổ rồi.
BLG.
Hi TL !
ReplyDeleteCám ơn lời chúc Thanksgiving của TL. Hình như Thankgiving ở Canada đã qua lâu rồi thì phải.
Thân mến.
Hi Ông BLG !
Ở Hà Tiên tui hết hành quân trong ruông vườn rừng núi thì hành quân với Nguyệt hoặc hành quân tại quán nhậu với Bác Sĩ Thuận nên tui đâu có thì giờ mà bái kiến Nhị Linh. Chắc vậy mà tui mới bị " Các Bà" phá đám.
Nhắc tới Bác Sĩ Thuận mới thấy trên đời có một không hai. Ông Bác Sĩ nầy không bao giờ tỉnh lúc nào cũng ngà ngà. Khi không có việc hay sau một ca giải phẩu hoặc đỡ đẻ thì ông ra quán cà phê Chú Sển (?) ở con đường phía sau chợ Hà Tiên ngồi lai rai một hai chai bia. Nhà Thương mà Ông BLG nhắc tới chỉ độc nhất có một mình Bác Sĩ Thuận take care mọi việc mà việc nào cũng toàn hảo.
Nghe nói ông ở Toronto và mới mất chừng hơn năm nay. Ông BLG sống ở Canada có bao giờ nghe nói tới Bác Sĩ Thuận không ?
Thân kính.
MVN.
Sau cái vụ nầy tui đóan chắc là Anh Niên bị Chị "Bình Xăng" của anh hành hạ anh te tua luôn !Còn chị Nguyệt anh còn gặp chỉ nữa không vậy ?Ai biểu anh là lính đa tình chi vậy?...N.
ReplyDeleteDấu cát còn ghi
ReplyDeleteHai người chung tâm trạng
đều bươ'c trên con đường
Dấu giầy in trên cát
Như giẫm nát tình thương .
Hai người dừng chân bước
Bên phiến đá bên đường
Một người sụt sùi khóc
Một kẻ ngậm ngùi thương .
Đưa tay vuốt làn tóc
Lấy khan lau bờ mi
Rồi hai người la.i bước
Trên sỏi đá đường đi .
VN
Hi anh MVN;
ReplyDeleteThì ra anh cũng có dạo ở HT, mà anh ở HT năm nào vây? tui cũng ở HT mấy năm, nhưng lúc đó tui không có quen với lính, một anh "Cánh Gà" cũng không có. Anh thường nhậu với bs Thuận thì chắc anh biết "Bình Xăng" của bs Thuận cũng là cô giáo, chị ấy dạy Pháp Văn tại trường HT, tui ở Toronto cũng đã lâu mà không biết bs Thuận cũng ở Toronto. Còn mấy cô gái con nhà giàu ở HT thì tui nghe nói cũng có nhiều lắm, nhưng tui không nhớ ra chị Nguyệt là chị nào? Giờ tui đang chờ coi đoạn kết xem anh trả nợ Phong Luu ra làm sao? :)). Chúc anh và gia đình vui vẻ. bc
Hi BC !
ReplyDeleteTui ở HT những năm gần tàn cuộc chiến. Tui chỉ biết BS Thuận chứ chưa bao giờ diện kiến "Bình Xăng" của ông bao giờ. Hai ông bà bây giờ đã ra ngưòi thiên cổ. Còn Nguyệt thì là con của một "đại gia" thời đó. BC cố vận dụng trí óc mà nhớ, tui không thể nói huỵch tẹt ra đây được. Còn câu chuyện thì tới đây là DỨT ĐƯỜNG TƠ rồi , may mà Bà Xã vô tư không biết. Chứ biết là tui te tua như lời cô HTX cảnh cáo.
Sau cái ngày ấy thì mỗi lần ra HT thì tui phải độn thổ sợ gặp lại Nguyệt chứ làm sao mà trả nợ Phong Lưu cho nỗi.
Than ôi ! Chiếc bóng bên đường
Tui qua Cầu Nổi đơạn trường từ đây.
MVN.