Links

Saturday, January 18, 2014

Năm Ngọ tản mạn về ngựa

___________________

 Nguyên Trần

Tác giả  NGUYÊN TRẦN,tên thật là NGUYỄN TẤN PHÁT hiện định cư ởToronto,ngoài viết văn anh cũng là một thi sĩ sáng tác nhiều bài thơ Đường.
Anh tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và là nguyên phó tinh trưởng Vĩnh Bình .
Tha Hương hân hạnh chào đón anh đến diễn đàn Tha Hương và xin trân trong giới thiệu Năm Ngọ tản mạn về Ngựa của anh  đến cùng bạn đọc 

HTTL

  Theo thông lệ hằng năm, cứ Tết con gì nói chuyện con đó, năm nay là năm Giáp Ngọ nên tôi  lại có dịp  tản mạn cùng chư vị độc giả về một con vật oai hùng được nhắc nhở nhiều  trong thập nhị địa chi là con ngựa cũng là con vật cầm tinh mạng tuổi của người viết.
          Về đời sống khoa học, loài ngựa hoang hiện diện trên quả đất nầy từ 55 triệu năm qua, nhưng chỉ được con người thuần hóa  vào khoảng 4.000
năm trước Công Nguyên.

          Còn về sự sinh sản thì ngựa cái (Mares) mang thai  lối 340 ngày và thường chỉ sinh ra có một ngựa con. Ngựa là loài sinh vật sớm phát triển, ngưa con (Foal) thường sinh ra vào mùa Xuân  và chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh là chúng có thể đi đứng chạy nhảy được.
            Đời sống trung bình của ngựa từ 25 tới 30 năm. Theo thống kê, con
ngựa sống lâu nhất là con Old Billy ở thế kỷ thứ 19 sống tới 62 tuổi . Riêng trong thế kỹ thứ 21 con ngựa đạt kỷ lục sống thọ là con Sugar Puff (có ghi trong sách Guinness) sống  được 56 năm,mới chết năm 2007.  
  

       Ngựa trung bình cao 1.60m năng 500 kg, tuy nhiên có giống to lớn như Mammoth cao tới 2.20m và nặng 1.000kg. Ngựa thường có màu trắng, đen, nâu, hạt dẻ. Ngưa chạy trung bình 50 km/giờ. Riêng ngưa đua thì tốc độ có thể lên tới 88km/giờ. Tuổi lý tưởng của ngựa đua là từ 5 tới 8 tuổi là độ sung sức nhất của đời sống con ngựa.
          Hiện nay có tới 300 giống ngựa khác nhau trên thế giới.
Theo bộ môn sinh vật học thì ngựa có nhiều danh từ khác nhau tùy theo số tuổi  và giới tính:
-Foal:dưới 1 tuổi
-Yearling:1 tới 2 tuổi
-Colt:từ hai tới 4 tuổi
-Filly: ngựa cái dưới 4 tuổi
-Mare:ngựa cái trên 4 tuổi
-Stallion:ngựa đực không thiến trên 4 tuổi
-Gelding:ngựa đực thiến ở mọi tuổi
          Ngựa lùn (Pony) khác với ngựa thường về chiều cao. Pony chỉ cao dưới 1.42m và có  bờm dày, đuôi dày và cả thân dày. Chân và cổ ngắn hơn. Tuy nhiên pony rất nhanh nhẹn khỏe mạnh. Chính vì thế mà trong phim cao bồi viễn tây 1959 Rio Bravo (starring John Wayne, Dean Martin, Ricky Nelson, Angie Dickinson người đẹp tóc vàng chân dài đã có bảo hiểm cặp giò  trị giá 2 triệu mỹ kim thời giá thập niên 50) từ ông cò John Wayne cho tới nhân viên cảnh sát sữa Ricky Nelson chưa bắn đã run và cả dân giang hồ tứ chiến như Dean Martin đều xài pony. Thế nên có bản nhạc trong phim là My Riffle, My Pony and Me do hai tài tử ca sĩ Dean Martin và Ricky Nelson hát.
          Ngựa có 13 màu khác nhau nhưng tựu trung thường là đen, trắng,
xám,nâu hồng. Ngoài ra còn có loại ngựa mà thân mình có những sọc màu đen gọi là ngựa rằn (zebra)
          Ngựa có thể ngủ đứng hay nằm và chỉ cần lối 3 tiếng một ngày là đủ nhất là không cần ngủ thắng một giấc.
          Ngựa cần nhiều nước, trung bình một con ngựa phải uống ít nhất là 40 lít nước mỗi ngày,
          Theo thống kê của tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO:Food and Agriculture Organization) thì tổng số ngựa trên thế giới có khuynh hướng giảm dần mỗi năm. Năm 2010 từ tổng số 60.001.310 xuống còn 59.584.428 năm 2011 và tới năm 2012 thì con số là 58.472.151 mà trong đó đứng đầu là Mỹ với 10.150.000 con.
          Ngoài ra có những con tuy không thuộc dòng họ ngựa những cũng mượn tên ngựa như cá ngựa (seahorse), bọ ngựa (mantis),hà mã (hippopotamus)
          Có lẽ trong các loại gia súc, ngựa là loài thú được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử, trong dân gian và cả huyền thoại.
          Nói tới ngựa là phải nhắc tới đoàn ngựa viễn chinh Mông Cổ của Thành Cát Tư Hản đã chinh phục gần cả Âu Châu kể cả Đức, Nga vào thế kỷ thứ 13. Ngựa Mông Cổ đã mạnh chạy nhanh lại thêm mỗi kỵ sĩ có từ 2 tới 4 con ngựa để thay đổi khi chúng mệt nên đội kỵ binh Thành Cát Tư Hản đã bách chiên bách thắng tới độ Thành Cát Tư Hản tự cao ngạo:“Thật là dễ dàng để chinh phục thế giới từ phía sau một con ngựa” (It’s easy to conquer the world from the back of a horse).
          Ai đã từng đọc truyện Tam Quốc chắc đều biết tới hai con chiến mã hay cũng có thể gọi thần mã nhưng sát chủ là ngựa Xích Thố và Đích Lư.
          Con Xích Thố màu đỏ thẩm vốn là ngựa của tướng trẻ đẹp trai Lữ Bố, sau đó Tào Tháo giết Bố và dâng ngựa quý cho tướng quân Quan Vân Trường  để mua lòng. Chính vì điểm nầy mà sau đó Tào Tháo bị kế hỏa công của Khổng Minh đánh tan tành trên sông Xích Bích, kéo đám tàn quân chạy tới Huê Dung Đạo thì gặp quân của  Quan Vân Trường chận đường, Tháo bèn ca bài con cá nên Quan Vũ nhớ chút ân tình xưa mà tha mạng cho Tào Tháo (Tha Tào) để cam đắc tội và bị quân sư Khổng Minh ra lệnh chém đầu nhưng nhờ có Lưu Bị xin tha cho tội chết.
          Riêng ngựa Đích Lư lại là con ngựa màu trắng oan nghiệt sát chủ. Nó là ngựa của Lưu Bị nhường lại cho quân sư Bàng Thống. Thống vì tình nghĩa với Lưu Bị nên tình nguyện mang quân tới Tây Xuyên đánh nhà Thục của Lưu Chương (cháu Lưu Bị)  nhưng tới đồi Lạc Phượng thì bị Trương Nhiệm phục binh loạn tiễn cả Bàng Thống và ngựa Đích Lư đều chết.
          Dã sử phương Tây cũng có con ngựa nổi tiếng vào thế kỷ 12 là ngựa Trojan Horse hay là ngựa gỗ thành Troy(wooden horse of Troy). Chuyện kể lại cuộc chiến giữa quân Hy Lạp giúp vua Memelaus đánh quân Trojans để đòi vợ là nàng kiều nữ Helen bị hoàng tử Paris dụ dỗ. Tướng tài ba của Hy Lạp là Achilles bị Paris biết Achilles có chỗ tử huyệt là gót chân (Achilles Heel) vì không được thắm máu rồng nên bắn tên vào đó giết Achilles khiến quân Hiy Lạp không đánh chiếm được thành Troy. Họ bèn lập mưu chế tạo ra con ngựa gỗ lớn chứa 30 lính thiện chiến  trong đó rồi bỏ ngay trước thành Troy. Quân Trojans ăn mừng chiến thắng kéo con    ngựa gỗ vào thành như chiến lợi phẩm.
Helen of Troy

     Tới nửa đêm, quân Hy Lạp nằm trong  ngựa lẳng lặng mở cửa ngay bụng con ngựa leo xuống mở cổng  chính để quân Hi Lạp đang phục kích bên ngoài tràn vào tiêu diệt quân Trojans.
       Sài Gòn năm 1956 có chiếu cuốn phim Helen of Troy do nữ tài tử kiều nữ mắt xanh Rosana Podesta  và nam tài tử Jack Sernas đóng vai chính đã ghi lại câu chuyện nầy. Nếu Tây Phương có con ngưự gỗ thì Việt Nam chúng ta cũng có con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương phun ra lửa chở Ngài đi đánh tan giặc Ân xâm lược.
          Truyện cổ La Hy cũng có nhắc tới Đại Đế A Lịch Sơn (the Great Alexander) vua xứ Macedonia và là học trò của triết gia Aristote,  với con ngưa bất kham Bucephalus (chỉ có ông là người duy nhất thuần hóa được nó) đã chinh phục hết vùng trời Á Rập,Tây Á, Trung Á ...truyền bá văn minh văn hóa tới  mọi nơi làm rạng danh đế quốc Hy Lạp.



  
Bức tượng Đại Đế Alexander đang thuần hóa con ngựa Bucephalus
          Ngựa rất gần gũi trong đời sống hằng ngày của con người. Thê nên có rất nhiều câu nói mượn ngựa để mô tả nề nếp sinh hoạt, cá tính con người trong xã hội.
          Thí dụ như để chỉ nhân tình chia sẻ với nhau lúc hoạn nạn thì người ta nói“một con ngưa đau cả tàu không ăn cỏ”. Người ta gọi  những người còn trẻ hăng say quá lố là “ngưa non háu đá”.Với những người gian ác kết hợp lại với nhau thì  có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Muốn đền ơn đáp nghĩa thì “làm thân trâu ngựa, làm thân khuyển mã”(Tái sinh chưa dứt hương thề-Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai-Kiều”. Mấy bà già trầu thời xưa thường la mắng con gái lả lơi là “Đừng có ngựa quá nha” hay nặng hơn là “đồ đ. ngựa”.Làm việc vất vả cực nhọc quá thì xem như là “thân trâu cày ngựa cỡi”. Giới giàu sang phú quý thì “lên xe xuống ngựa” (Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước áo quần như nêm-Kiều. Mùi phú quý nhử làng xa mã-Bả vinh hoa lừa gã công khanh-Cung Oán Ngâm Khúc. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,Nền cũ lâu đài bóng tịch dương-Thăng Long thành hoài cổ). Ca ngợi người độ lượng quân tử là  “không đánh người ngã ngựa” hay “anh hùng mã thượng”.  Đề cao tình đoàn kết bạn bè qua câu “ ngựa chạy có bầy, chim bay có đàn”. Chỉ tật xấu hay thói quen khó chừa “ngựa quen đường cũ”. Còn với những người tài giỏi nhưng khó tính “ ngựa chứng là ngựa hay”. Cái mode thời thường ở Sài Gòn ngày xưa là  mấy cô gái trẻ ngay cả em bé gái thích cột tóc đuôi ngựa (pony tail-queue de cheval).Muốn đánh giá việc làm hay thành quả phải xem xét trong một thời gian dài như là “trường đồ tri mã lực-đường dài mới biết ngựa hay”. Việc may rủi ở đời thật khó lường là  chuyện “tái ông thất mã”. Việt Nam chúng ta vào cái thời tôi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường thì thường thường nhà nào cũng có một cái giường cở queen size bằng hai hay ba tấm ván gõ đen mun láng bóng kẹp sát nhau gọi là bô ván ngựa hay ngựa gõ mà Tết đến thì chủ nhà thường trải chiếu bông lên đãi tiệc hay đậu chếnh tứ sắc, cách tê... Một hình phạt tử hình thời cổ xưa là “voi dày ngựa xéo” hay “tứ mã phanh thây”. Trong cuộc đời nầy, có tranh tài  thể thao có nhiều lúc một đội hay cá nhân không được chú ý mấy vì tầm thường mà giờ chót lại bất ngờ đoạt giải thì người ta gọi là “con ngựa ô” (dark horse). Cũng trong ý nghĩa đó, ở đời có nhiều công việc, kết cuộc không ai hy vọng trông mong gì mà lại xảy ra thì thiên hạ gọi là “ngựa vè ngược”. Những teenager bắt đầu lớn lên xinh đẹp thì người ta gọi là “trổ mã”. Ngựa chạy nhanh gọi là “ngựa phi nước đại” còn chạy chậm lại thì là “nước kiệu”. Ngày xưa các toán quân cỡi ngựa gọi là kỵ binh. Mấy chú nài ngựa đua càng trẻ tuổi càng nhẹ cân càng tốt, nhắc tới ngưa đua là phải nhắc tới trường đua Phú Thọ Sài Gòn là nơi từng giúp cho nhiều người...sớm tán gia bại sản. Cảnh Sát Hoàng Gia Gia Nả Đại (RCMP:Royal Canadian Mounted Police) có một đội cảnh sát viên cỡi những con ngựa to lớn trông thật hùng dũng.  Những anh chàng họ Sở sau khi “rởi đứa con trong bụng” người đẹp rồi hát bài tẩu mã hay là “quất ngựa truy phong”. Ngày xưa ở Việt Nam, giới trưởng giả có thói quen cầu kỳ nhưng tàn nhẫn là cho ngựa ăn trà rồi mổ bụng lấy trà từ bao tử ngựa pha trà uống mà theo họ là rất thơm ngọn và bổ vì trà thắm chất vị toan từ ngựa, đó là “trảm mã trà”.Trên trường chính trị nhiều lúc người lãnh đạo hay giới chức quan trọng bị truất phế rồi thay thế bất ngờ thì người ta gọi là “thay ngựa giữa dòng”. Thời chiến tranh Quốc Cộng, trong lực lượng quân đội đồng minh chiến đấu tại Việt Nam, Đại Hàn có sư đoàn Bạch Mã thiện chiến mà Việt Cộng mỗi khi đụng độ với họ là hồn phi phách tang chạy tóe khói. Đi thăm viếng thắng cảnh trong thời gian ngắn ngủi không thưởng thức gì nhiều thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”. Quân sĩ thời xa xưa cưỡi ngựa ra trận bảo vệ giang sơn bờ cõi với lý tưởng “da ngưa bọc thây” (Chí làm trai dặm nghìn da ngựa-Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao-Chinh phụ ngâm khúc). Ám chỉ những người bất lương tàn ác người ta gọi là phường “đầu trâu mặt ngựa”. Những người có tính cương trực, ăn ngay nói thẳng được xem là “thẳng ruột ngựa” (vì phần ruột già nối từ bao tử tới ruột non ngựa dài cả thước, rất thẳng và to).Trước khi đoàn kỵ binh lên đường giết giặc thì người hậu phương luôn chúc tụng “mã đáo thành công”. Tướng Triệu Tử Long thời Tam Quốc nhờ có cú hồi mã thương vô địch mà giúp Lưu Huyền Đức gây dựng cơ đồ. Danh thủ cờ tướng Đặng Thanh Mai nổi tiếng một thời Sài Gòn, đánh cờ huề với kỳ vương Hồng Kông Lý Chí Hải nhờ tài xử dụng con ngựa với thế pháo đầu bình phong mã tuyệt chiêu. Đánh cờ tướng mà gài được con tướng địch vào thế mã thành điền trong vòng chiếu tướng thì cấm chắc cái thắng. Đàn ông lâm chuyện gối chăn trong khi mệt mỏi có thể bị “thương mã phong” rồi đi luôn như tài tử Lý Tiểu Long với nàng nữ kiều nữ  Đinh Phối chết năm 1973 tại phòng ngủ người đẹp ở Hồng Kông. Về cái chuyện “ngã ngựa trên đỉnh Vu Sơn” thì người viết nghe kể lại rằng ngày xưa mấy bà mẹ đạy dỗ con gái khi xuất giá vu quy thì lúc nào cũng ghim cái móc tai vào búi tóc hay giữ trong túi áo để khi “thẳng nó” có lỡ bị thượng mã phong  ra thì phài lập tức lấy móc tay chích ngay vào xương khu thì cứu được. Hư thực thế nào phải hỏi lại quý bà mới được. Chỉ biết rằng Việt Nam thời đó, móc tai bán chạy như tôm tươi vì mấy bà dành nhau mua hết ráo. Để chỉ những thuyền trưởng hai tàu (chữ của nhà văn Văn Quang ám chỉ đàn ông hai vợ) mà sống chung hòa thuận trong một nhà- nhà em xin bái phục-người ta có câu ví von là “một ngựa hai yên”, ngược lại cũng có câu phê phán là “ngựa nào mà gác hai yên”. Chiếc xe đạp ngày xưa Việt Nam ta gọi là “ngựa sắt”. Hồi nhỏ, tôi rất thích tới trò chơi cá ngựa với những đầu ngựa bằng nhưa bốn màu xanh đỏ trắng vàng và con xúc xắc đổ xuống chén để xem số bước mà đưa ngựa mình về tới mức ăn thua ai về trước nhất thì thắng.
          Truyện Tây Du kể chuyện Tôn Hành Giả có 72 phép thần thông biến hóa nhưng bị Ngọc Hoàng ém tài cho giữ chức vụ Bật Mã Ôn(người giữ ngựa) nên Hành Giả tức giận múa thước bảng náo loạn thiên đình. Cũng trong truyện Tây Du con ngựa trắng đưa thầy Đường Tam Tạng qua Tây Phương Phật thỉnh kinh vốn là con rồng thần con Long Vương  vì làm bể viên ngọc của Ngọc Hoàng nên bị đày làm ngựa cho Tam Tạng. Còn truyện Bá Lý Hề  là người thông minh uyên bác nhưng chưa gặp thời phải lận lận lao đao còn bị
 bị Sở Vương nghi ngờ bắt phải chăn ngựa mãi tới năm 70 tuổi mới được Tần Mục Công biết là người hiền tài cho đón về phong quan tước Tả Thừa Tướng.


                                     Xe thổ mộ Sài Gòn
         Thác Niaga Falls ở Bắc Mỹ gồm có hai thác:thác nhỏ là America Falls ở bên Buffalo(Mỹ), thác lớn hơn và được hằng triệu du khách tới thăm viếng là thác Horse Shoe (vì có hình thể móng ngựa) nằm tại thành phố Niagara.  Đơn vị đo lường sức mạnh các máy xe hơi, máy tàu, máy bôm...được gọi là mã lực (horse power).
          Tại Tòa Án, phạm nhân đứng ngay sau một hàng rào thành gỗ sơn đen gọi là Vành Móng Ngựa vì có hình thù giống cái móng ngựa.
         Ở Texas và Calgary thường tổ chức những cuộc thi lái ngựa chứng gọi là Rodeo Drive Contest.                                          
          Chắc tất cả chúng ta không bao giờ quên hình ảnh chiếc xe thổ mộ với vó ngựa lọc cọc chở bạn hàng từ chợ Bến Thành vô Bà Chiểu, Tân Định, Bà Quẹo. Đó là một hình ảnh kỉ niệm khó quên của Sài Gòn một thời êm đềm trên quê hương.
          Trong nền văn thơ ca nhạc Việt Nam kim cổ , ngựa cũng chiếm một vị trí quan trọng. Khi còn học Việt Văn Đệ Nhất Cấp, chắc chúng ta còn nhớ cău truyện “Lục súc tranh công” của tác giả Vô Danh kể chuyện sáu con vật nuôi trong nhà là Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà , Heo tranh nhau kể công với chủ nhà mà gây gỗ um sùm khiến ông chủ phải can thiệp. Chú ngựa nhà ta có câu nói mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Ớ! Này, này, tao bảo chúng bây-Đố mặt ai dày bằng mặt ngựa”. Nói về nỗi  lòng của những người xa xứ nhớ quê hương như thân phận chúng ta hiện nay, có câu “Hồ mã tê Bắc phong-Việt điểu sào Nam chi”. 

Thi cưỡi ngựa chứng tại Calgary

 Tương tự như thế cũng có câu:
“ Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai-Nước sông trong chảy lộn sông ngoài-Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Để đề cao giá trị lời nói, người ta có câu: “Nhất ngôn ký xuất.tứ mã nan truy”. Nhà thơ Nguyễn Bính với bài thơ “Trăng sáng vườn chè” tả lại cảnh quan trạng nguyên vinh quy bái tổ về làng như sau: “Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy-Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng”. Chàng trẻ tuổi trong Chinh Phụ Ngâm Khúc oai hùng khoác
          chiến bào lên ngựa chiến chinh:
“Áo chàng đỏ tựa rán pha-Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”.
          Dân ca Việt Nam có bài hát nổi tiếng “ Lý Ngựa Ô” thật tình tứ dễ thương với những câu: “ Khớp con ngựa ngựa ô-Khớp con ngựa ngựa ô-Ngựa ô anh khớp-Anh khớp cái kiệu vàng-Ứ ư ừ ứ ư- Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen-Búp sen lá dặm,dây cương nhuộm thắm-Cán roi anh bịt đồng thòa-Là đưa ý a đưa nàng, đưa nàng-Anh đưa nàng về dinh-Là đưa ý a đưa nàng, đưa nàng-Anh đưa nàng về dinh....”
          Riêng về tân nhạc cũng có những bản nhạc “ngựa” nổi tiếng như “Ngựa phi đường xa” của Phạm Đình Chương, “Vết thù trên lưng ngựa hoang” và “Ngựa hồng” của Phạm Duy.
          Trên thế giới ít có người ăn thịt ngựa nhưng ở Việt Nam ngày nay thịt ngựa là món ăn nổi tiếng và phổ biến, nó được bày bán tại rất nhiều quán nhậu và nghe nói là ngon ngọt mềm và rất bổ dưỡng.
          Để kết thúc bài nầy, người viết xin kể hầu quý vị một câu chuyện vui sau năm 1975, có một gia đình nọ tính chuyện vượt biên nhưng bà vợ còn tin chuyện dị đoan may rủi nên tới nhờ ông thầy bói xem lành dữ thế nào. Thầy gieo quẻ xong đưa cho bà một tấm hình có con rùa ở tay trái rồi con ngựa ở tay phải. Bà chủ nhà bèn hỏi tấm hình nầy có liên quan gì tới chuyến đi của bà thì ông thầy bói nói: “ Có  chứ! Kết quả là chuyến đi suôn sẻ vì như bà thấy con rùa là quy còn con ngựa là mã, quy mã tức là Qua Mỹ đó !!!”
          Bài viết về ngựa xin chấm dứt ở đây. Thân chúc quý độc giả một năm Giáp Ngọ nhiều an bình thịnh vượng. Đặc biệt riêng quý ông thì may mắn phát tài để có nhiều dịp “cỡi ngựa đưa nàng về dinh”

                      Mississauga Xuân Giáp Ngọ 2014
                             Nguyên Trần

         


3 comments:


  1. Quá đầy đủ về chữ NGỰA ,đông tây kim cổ,từ thanh thị đến thôn quê chỗ nào có dinh dáng đến ngựa Nguyên Trần đều đề cập đến.
    Anh MVN từ đây về sau anh có đối thủ xứng tay với anh rồi.
    Còn một con vật có chữ ngựa nữa là con rắn hổ ngựa.Sở dĩ goi là rắn hổ ngựa là vì con rắn nầy có một chiêu rất là tuyệt .Ai rượt nó phải coi chừng ,khi phóng chạy trốn nó có thể quay đầu lại làm một cú HỒI MÃ THƯƠNG,cắn người rượt nó,do đó người ta nó là rắn hổ ngựa.
    BẠN LÁNG GIỀNG.

    ReplyDelete
  2. Kính chào sư huynh BLG !
    Chim có bạn cùng hót, tiếng hót mới hay.
    Ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh.
    Blog Tha Hương có thêm một nhân tài cộng tác. Chắc là cô Chủ Vườn rất vui vẻ welcome.
    Tiểu đệ là thằng bá láp đâu dám so sánh với ai.
    Bài viết của tác giả chứng tỏ ông là người thật thông thái. Tiểu đệ không dám làm đối thủ.
    Đa tạ sư huynh.
    MVN.

    ReplyDelete
  3. Ông NT ơi , Thành Cát Tư Hản muốn chinh phục thế giới từ phía sau con ngựa thì chắc không xong rồi . Đại Hản sẽ " eat dirt " pể pụng luôn . Tôi nghĩ chắc ổng phải ngồi trên lưng ngựa thì mới mong thu thiên hạ được . Phải hông ?

    Chọc ông chơi vậy thôi . Cảm ơn bài viết rất hay , rất công phu .

    ReplyDelete