Links

Thursday, January 23, 2014

Xuân về nơi xứ người


_________


Hà Việt Hùng



Khá vất-vả Thủy mới tìm được chỗ đậu xe trong một khu chợ Việt-Nam. Hôm nay đã là 28 Tết. Mọi người đang bận-rộn, náo-nức đón thêm một cái Tết Việt trên đất Mỹ. Người ta đi chợ đông như đi trẩy hội. Ngày mai chợ-búa bớt đông người hơn, vì người ta còn để thì giờ lo chuẩn-bị đón giao-thừa, và cũng vì đã mua đủ mọi thứ cần dùng trong nhà vào những ngày trước rồi.


Thủy đã định sắm-sửa từ mấy hôm trước để hôm nay được rảnh-rang ở nhà, nhưng rồi những công-việc không tên ở sở cứ nhè những ngày cuối-cùng của năm hết tết đến ùa tới, khiến ngày nào Thủy cũng phải làm thêm giờ để cho xong. Trong sở, mấy người Việt-Nam xì-xào to nhỏ là lão giám-đốc Gordon định bày trò “đì” người Việt-Nam và người Tàu, vì lão biết Tết là ngày lễ truyền-thống rất quan- trọng đối với những người này, “đì” chơi cho bõ ghét.
Họ còn bảo là lão Gordon kỳ-thị chủng-tộc. Chỉ có Thủy là không nghĩ như thế. Thủy không nghĩ là lão Gordon lại tệ như vậy. Nếu thực-sự ghét người Việt-Nam và người Tàu, với tư-cách và quyền-hành giám-đốc, lão đâu cần phải làm như vậy. Ngược lại, lão có nhiều cách khác, êm-ái hơn và có thể còn ghê-gớm hơn đối với những người bên dưới lão, mà chẳng ai làm gì được. Tuy trong lòng bênh-vực lão giám-đốc nhưng phải làm bù đầu bù cổ vào mấy ngày cận Tết, Thủy cũng thấy khổ thật. Lẽ dĩ-nhiên làm thêm giờ là sẽ lãnh thêm tiền. Nhưng ai cũng biết là tiền-bạc đôi lúc chẳng có giá-trị gì.

Sau khi đã khóa xe, Thủy bước vào trong chợ. Đây là một ngôi chợ do người Việt-Nam làm chủ. Hôm nay, Thủy sẽ có dịp nói tiếng Việt mệt nghỉ, bù lại những tháng qua, ngày nào cũng 8-9 tiếng Thủy phải nói hay đọc tài-liệu bằng tiếng Anh, chán chết. Đợi lúc lão Gordon vui-vẻ, Thủy xin nghỉ một ngày để đi lễ chùa. Đã lâu Thủy không có thì-giờ bén-mảng tới các cửa chùa. Ở quận này bây-giờ có những ngôi chùa rất lớn làm Phật “phân-vân” không biết vô chùa nào. Thủy chỉ đi lễ 1-2 chùa thôi, chùa nhỏ cũng được, và không cần phải đi cả 10 chùa như người ta. Vậy là ngày mùng một Thủy sẽ đi chùa. Lúc đầu lão Gordon có vẻ không bằng lòng. Thủy phải nói mãi, lão mới chịu. Thủy định bụng, nếu lão Gordon không chịu, Thủy cứ nghỉ “đại” rồi “ra sao thì ra”, một năm mới có 1 lần mà, nhưng may quá, sau cùng, lão đã chịu thua “con Việt-Nam” bé nhỏ.

Ngôi chợ khá lớn, bán gần như đầy-đủ mọi mặt hàng cần-thiết cho đời-sống hàng-ngày của mọi người. Sự bề-thế của ngôi chợ cũng đủ cho thấy sự thành-công của chủ nhân. Sau tháng tư 1975, hàng triệu người Việt ra đi, tản-mác khắp thế-giới. Trong số này có những người trẻ thành-đạt trên đường học-vấn, nắm giữ những vai-trò quan-trọng trong guồng-máy xã-hội, kể cả chính-trị, và có những người thành-công về mặt kinh-tế, trở thành chủ-nhân nhiều cơ-sở thương-mại. Rất nhiều người bản xứ đã phải khâm-phục và kính-trọng người Việt-Nam. Chỉ tiếc rằng cộng-đồng người Việt chưa có được sự đoàn-kết đúng mức, nên còn có những điểm tiêu-cực hoặc thất-bại đáng tiếc. Có một số ít còn có tinh-thần bè-phái và tham-quyền cố-vị. Đã có một thời-gian dài, cộng-đồng người Việt ở Nam Cali có tới ba tổ-chức đại-diện. Tổ-chức nào cũng tự cho mình là đại-diện chính-thức của cộng-đồng. Nhưng khi gặp chuyện thì chẳng thấy anh-hùng hảo-kiệt nào cả. Bây giờ nói tới, người ta vẫn còn lắc đầu ngao-ngán.

Qua mấy kệ-hàng, Thủy thấy có những thứ rất đặc-biệt dành cho ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, mứt, hạt dưa, trái cây, có cả củ-kiệu và hành ngâm trong những hũ nhỏ xinh-xinh bằng thủy-tinh đậy kín.

Quầy thịt cá cũng là nơi thu-hút các bà nội-trợ mạnh-mẽ vào những ngày cuối năm. Người ta chỉ chỏ, chọn-lựa, khen-chê, nhộn-nhịp cả một góc chợ. Thủy ở cách đây hơn một giờ lái xe. Bình-thường Thủy đi chợ Mỹ ở gần nhà, mua những món ăn gần giống như người Mỹ và có cuộc sống cũng gần giống như người Mỹ bản-xứ. Mỗi tháng một lần, có khi lâu hơn, vì nhà xa, vì bận-rộn gia-đình và công- việc, Thủy mới lái xe tới đây, đi chợ Việt-Nam để mua những món ăn thuần-túy quê-hương. Hai đứa con của Thủy, đứa bốn tuổi, đứa sáu tuổi, không đứa nào thích ăn cơm Việt-Nam cả, nhất là khi phải ăn những món có mùi vị lạ, khó ngửi như nước mắm, mắm ruốc…

Dù vậy, hai vợ chồng Thủy vẫn dạy cho hai con nói tiếng Việt, tập cho chúng cách cầm đũa và ăn những món hợp với khẩu-vị của người Việt như cá-kho, canh mùng-tơi, bầu, bí hay khổ-qua…

Vợ chồng Thủy vẫn thỉnh-thoảng kể chuyện cho các con nghe về Việt-Nam, về thành-phố Sài-Gòn nơi Thủy đã ra đời, về những vùng đất quê-hương Thủy đã được bố mẹ đưa đi chơi vào những ngày còn nhỏ. Thực ra, sự hiểu biết của Thủy về Việt-Nam không bao nhiêu, vì ngày bố mẹ đưa Thủy lên thuyền vượt-biên, Thủy mới chỉ là cô bé 14, 15 tuổi. Sau này qua tới Mỹ, nhờ đi học những lớp đặc-biệt, đọc thêm sách báo, xem phim ảnh, và nghe kể chuyện, Thủy có thêm những hiểu biết mới về quê-hương của mình. Thủy đọc nhiều sách về lịch-sử, địa-lý, văn-học…để bù-đắp cho những thiếu-sót của mình. Thủy cảm thấy tội-nghiệp cho một vài người bạn cùng sở. Họ có rất ít khiến-thức về Việt-Nam, có người nói tiếng Việt cũng chưa rành. Hỏi họ về Nguyễn-Du, Cao-Bá-Quát, Tú-Xương, Nguyễn-Khuyến… họ chỉ cười trừ “ù ù cạc cạc”cho xong chuyện.

Thủy đứng khá lâu ở quầy thịt cá. Ở đây mọi thứ đều sạch-sẽ. Hồi còn ở Việt Nam, Thủy được mẹ dẫn đi chợ. Thủy đã thấy những khu bán thịt cá hôi-tanh, dơ-bẩn. Còn các bà bán hàng thì máu thịt cá văng dính đầy tay, đầy áo, có khi văng cả lên mặt mũi, nhìn thấy mà sợ. Điều đặc-biệt ở Mỹ, những người bán ở quầy thịt cá thường là nam-giới. Họ phục-vụ rất nhiệt-tình và vui-vẻ. Nhìn những miếng thịt sạch-sẽ xếp trong quầy kính, Thủy chợt nhớ tới nồi thịt heo mẹ nấu ở quê nhà vào những dịp Tết đến. Cái nồi thật to, bên trong óng-ánh mỡ với những miếng thịt xắt lớn chen với những quả trứng vịt no căng. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thèm. Ở Mỹ, những nồi thịt heo to, béo-ngậy như thế ít có người dám nấu. Nếu nấu, cũng chẳng ai dám ăn. Người ta sợ ăn vào sẽ bị bệnh, phải vô nhà thương nằm, khổ thêm. Nghĩ thật lẩm-cẩm. Ở Việt-Nam xưa đói ăn, nên ăn gì cũng thấy ngon, chẳng sợ bệnh-tật gì cả. Có ăn là may rồi. Còn ở Mỹ, thực-phẩm rẻ ê-hề, người ta lại sợ ăn vào mắc bệnh, nào là bệnh có mỡ trong máu, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tắc-nghẽn mạch máu não, đau gan, đau thận. Thôi thì tùm-lum đủ thứ bệnh trên đời.

Hơn một tiếng đồng-hồ đi qua, Thủy vẫn chưa mua đủ những món cần-thiết. Ngày hôm qua Thủy đã cẩn-thận làm một cái list dài, kê ra những món cần mua để cho khỏi quên. Nhìn cái list của Thủy, Bình cười, nói ghẹo vợ: “Em định 23 tháng chạp này lên chầu Ngọc-Hoàng, trình sớ táo-quân hả?” Thủy cười, đáp lời chồng: “Em đã lên thiên-đình trình sớ tuần trước rồi. Mua cả trăm thứ, em sợ lu-bu rồi quên món này món nọ.” Ở trong chợ, Thủy cứ đi qua đi lại mấy dãy hàng. Hết quầy thịt cá lại tới quầy bán thực-phẩm khô, tới chỗ bán trái cây, bánh mứt, rồi trở lại quầy thịt cá. Thủy nghĩ là không phải riêng mình, mà hầu hết các bà nội-trợ đều như vậy. Cuối năm, hình như ai cũng có vẻ tíu-tít, bận-rộn.

Trở lại chỗ bán trái cây, Thủy nhận thấy giá cả hơi cao một chút so với ngày thường. Không sao cả. Tết-nhất mà. Thủy lựa một trái măng-cầu, nâng lên ướm thử. Có lẽ cũng đến hơn 3 pounds. Rồi Thủy lại lựa một trái đu-đủ xanh, vừa lựa vừa ngẫm-nghĩ. Theo tục-lệ của người Việt-Nam, đặc-biệt là người miền Nam theo đạo Phật, ngày Tết người ta phải bày-biện trên bàn-thờ những trái cây như măng-cầu, đu-đủ, dừa, thơm và xoài cho đủ mâm ngũ quả. Người Việt hiền-hòa, dễ-thương, họ chỉ cầu mong vừa đủ xài thôi. Lúc đầu Thủy không hiểu, sau nghe mẹ giải-thích, Thủy mới vỡ-lẽ. Người miền Nam phát-âm chữ vừa và dừa gần như nhau. Còn chữ xài thì đọc chệch ra là xoài. Cũng vậy, vào dịp Tết có người còn kiêng không bày chuối trên bàn-thờ, vì không muốn bị trượt vỏ chuối hoặc là té chúi trong năm. Ngoài ra, cũng có nhà không muốn bầy cam, vì không muốn đành cam phận khổ-sầu quanh năm.

Nghe mẹ giải-thích như thế, Thủy đã cười lớn, tỏ vẻ không tin. Mẹ nói: “Đó là tín-ngưỡng và cũng là văn-hoá rất đặc-thù của người Việt-Nam mình. Tin hay không là tùy ở mỗi người. Không biết đó có phải là mê-tín dị-đoan không, nhưng theo mẹ thì…có kiêng có lành, con à.”

Thủy lựa một cặp bánh chưng. Cận ngày Tết quá rồi không thể đặt được. À, sao không mua bánh tét nhỉ? Không được, ăn bánh tét coi-chừng cả năm téc việc ra. Ngẫm-nghĩ, Thủy cười một mình. Thủy còn phải mua một cặp dưa-hấu để bầy bàn thờ tổ-tiên. Nhà có bốn người, ăn tới ra giêng vẫn chưa hết, phải đổ vào thùng rác, nhưng vẫn phải mua cho đầy-đủ.

Chợt nhớ ra, Thủy mua thêm một ít giấy vàng bạc. Chiều mai phải rước ông Táo về nhà theo đúng nghi-thức tập-tục. Rước cả ông bà về nữa chứ. Thủy định bụng sẽ đốt giấy vàng bạc ở trong bếp. Không được. Đốt như thế khói sẽ bay mù lên, rồi cái máy smoke detector sẽ kêu um-lên. Có thể bà Susan bên hàng-xóm tưởng là nhà có hỏa-hoạn, sẽ hớt-hải chạy qua, gọi 911 hay Cảnh-sát thì khổ. Thôi được, Thủy sẽ đốt ở ngoài vườn sau. Chuẩn-bị một cái thùng sắt và vòi nước là được rồi.

Thủy không quên mua một bó nhang, mấy cây đèn cầy và một hộp kẹo thèo lèo cứt chuột để cúng ông bà. Ờ, sao người ta không nghĩ ra một cái tên gì cho hay-hay và thơm-tho hơn cái tên “thèo- lèo cứt chuột” nhỉ? Cái tên này nghe thiệt là “quái-đản” và không “thanh-nhã”lắm.

Ngày xưa khi còn nhỏ, mỗi lần theo mẹ đi chợ Tết ở Việt-Nam, Thủy nhớ mẹ mua cả pháo nữa. Mẹ nói là Tết mà không có pháo không phải là Tết. Đêm giao-thừa Thủy buồn ngủ rũ người, nhưng vẫn cố banh mắt ra, đợi ba đốt cho hết bánh pháo. Tiếng nổ lách tách đùng làm Thủy phải bịt tai lại, vừa sợ vừa thích-thú. Trong tràng pháo thế nào cũng có vài trái pháo đùng, nổ to đến nỗi Thủy phải chạy vào trong bếp để trốn. Ở Mỹ không chỗ nào bán pháo nổ to như thế, vì rất nguy-hiểm. Ngày July 4, người ta chỉ được phép chơi pháo bông. Còn ở những đám cưới chỉ có loại pháo nhỏ, nổ lẹt-đẹt cho vui một chút vậy thôi.

Nhẩm tính lại một lần nữa, Thủy thấy là mình đã mua đầy-đủ mọi thứ cần-thiết. Chiếc xe đầy ắp, nặng-nề. Thủy thấy lòng mình reo lên một niềm-vui. Vậy là năm nay gia-đình Thủy ăn một cái Tết khá to và khá đẩy-đủ, chẳng thua gì Tết ở Việt-Nam. Đúng như nhiều người đã nói, chúng ta ra đi mang theo quê- hương. Chúng ta ra đi mang theo cả tình người và tình-tự dân-tộc. Chỉ tiếc là thiếu không-khí thực-sự Việt-Nam ở đây. Nhưng không sao cả. Cám ơn ngôi chợ này đã bán đầy-đủ các mặt hàng cần-thiết cho đời sống hàng-ngày của mọi người. Cám ơn tất-cả mọi người Việt-Nam đã đến bằng những nụ cười và bằng sự can-trường để tạo nơi đây thành một góc quê-hương. Cám ơn tình-người vẫn còn bao-la, tốt- đẹp. Cám ơn mùa xuân vẫn còn rộn -rã tiếng chim.

Sau khi trả tiền, Thủy đẩy xe ra ngoài. Mặt trời đang tỏa ánh nắng ấm-áp. Có những quầy bán hoa dọc theo hành-lang, bầy nhiều loại hoa rất đẹp, khoe màu-sắc tươi-thắm. Thủy dừng chân. Những chậu hoa vạn-thọ, hoa cúc, và những cành mai vàng chi-chít nụ đã làm Thủy nhớ quê-hương da-diết.

Tưởng là Xuân chẳng về đây nữa
Buổi sáng bừng lên những tiếng chim
Ríu-rít trên cành mai mới nở
Lòng ta thôi nhé hết im lìm…

- Mua hoa đi, cô. Hoa này nhà trồng, mới hái sáng nay. Bà bán hoa đon-đả mời Thủy.

Thủy chỉ chậu hoa cúc đại-đóa. Hoa chưa nở hết. Những cánh hoa khép-nép bên nhau, đẹp lạ- lùng.

- Chậu này lớn, cô cho 9 đồng.

- Thế còn chậu kia? Thủy hỏi.

- Chậu đó lớn hơn, 11 đồng.

Thủy ngần-ngừ, nửa muốn mua, nửa không. “Bác có nói thách không vậy? Nói đúng giá đi, cháu mua.”

Bà bán hoa lắc đầu.

- Giá-cả như vậy là đúng rồi, cô à. Không mắc đâu.

Cuối cùng, Thủy mua được hai chậu cúc với giá phải-chăng sau khi “cò kè bớt một thêm hai” với bà bán hoa. Người Việt mình có điểm “đáng yêu” là buôn-bán ưa nói thách. Các món hàng thường không ghi giá tiền. Có khi họ nói giá trên trời dưới đất làm cho người mua không biết đâu mà trả giá, nhất là ở Việt-Nam. Thủy nghe dì Giang kể, có lần bà bị bà bán trái cây ở chợ An-Đông chửi te-tua vì đã trả giá thấp. “Chúng ta ra đi mang theo quê hương”. Cách buôn-bán chua-ngoa, nói thách-giá như vậy đã được một số người mang theo ra nước ngoài. Bình-thường Thủy rất ngại mua những mặt-hàng không ghi giá bán, vì như vậy sẽ phải mặc-cả, và chuyện này thì Thủy lại rất dở. Thủy thích mua sắm ở tiệm Mỹ vì giá cả rõ-ràng hơn và sự phục-vụ cũng tận-tình, ân-cần hơn. Ở tiệm Mỹ, tùy theo món hàng, sau khi mua rồi, nếu không ưng ý, có thể trả lại trong vòng một thời-hạn nào đó, có khi tới 90 ngày.

Còn phải mua một cành mai nữa chứ. Tết dù ở đâu mà thiếu một cành mai đều không phải là Tết. Thủy có trồng một cây mai Nhật-Bản. Cây lớn lên, cuốn quanh hàng rào. Gần Tết, mai nở hoa vàng phủ xuống tới đất, cũng đẹp lắm. Nhưng có một cây mai Việt vẫn thích hơn. À, phải rồi, còn phải mua một cuốn lịch “giả” Tam-Tông-Miếu, nữa chứ. Mỗi buổi tối hay sáng hôm sau, Bình sẽ bóc một tờ để đánh dấu một ngày cũ đã qua đi, hay bắt đầu một ngày mới sắp tới. Và, sau cùng, thế nào cũng phải có một tờ Báo Xuân. Thế mới là…Tết chứ. Bình sẽ “phụ-trách” đọc mỗi đêm một bài cho đến khi không còn gì để đọc mới thôi. Lẽ dĩ-nhiên phải bỏ qua phần quảng-cáo “Đông trùng Hạ thảo” trị bá-bệnh. Báo Xuân bán 8 đồng một cuốn, lại còn biếu không một cái thẻ điện-thoại 2 đồng. Vậy là Giai-Phẩm Xuân chỉ có 6 đồng với gần trăm bài, chắc là hay, chỉ có 6 đồng một cuốn. Đọc cả năm. Quá rẻ. Rẻ hơn tô phở Kobé nữa. Ăn xong là hết.

Lái xe về đến nhà vào lúc 3 giờ chiều. Thủy nhìn thấy bà Susan đang ở ngoài vườn. Thấy Thủy, bà vẫy tay. Thủy chào lại.

Thủy đã ở đây gần mười lăm năm. Con đường có chữ Circle phía sau chỉ vọn-vẹn có tám căn nhà, nên mọi người đều quen biết nhau. Thậm-chí Thủy còn nhớ tên từng người một. Chỉ có gia-đình Thủy là người Việt-Nam duy-nhất ở đây. Có một nhà người Tàu, hai nhà người Mễ, còn lại đều là người Mỹ trắng. Mọi người đều vui-vẻ và thân-thiện với nhau như ruột-thịt, không phân-biệt gì cả.

Ông già Norman xuề-xòa, vui-tính, đã về hưu. Ông nói là trước năm 1970 ông đã từng sang Việt Nam. Ông kể về những địa-danh như Khe-Sanh, Đồng-Xoài, Bình-Giả, rồi là Chương-Thiện, Cần-Thơ một cách say-mê và rành-rọt. Những địa-danh đối với Thủy còn xa-lạ, chưa bao giờ đặt chân tới. Ông còn kể cả những món ăn độc-đáo mà ông đã có dịp nhấm-nháp, kể cả thịt rắn, thịt chó và thịt chuột với nụ cười hóm-hỉnh, thích- chí. Ông nói với vợ chồng Thủy: “Tụi mày biết không, tao khoái món thịt chó lắm. Từ ngày ở Việt Nam về Mỹ, tao không còn được ăn cái món đó nữa. Nhưng tao cứ nhớ hoài. Hết sẩy. Tao nhớ, lần đầu khi người bạn Việt-Nam cho tao ăn món đó, tao hơi ớn. Mãi vài lần sau tao mới quen. Nó ngon hơn món beefsteak cả trăm lần. Ăn vào là quên chết”. Nghe ông Norman nói, Thủy đã không nín được cười và thấy mắc thèm, dù chưa bao giờ được nếm cái món đó. Nhưng Thủy chắc cái món đó phải là độc đáo ghê gớm lắm nên mới hấp-dẫn được một ông Mỹ da trắng văn-minh như vậy. Có lần vui miệng, ông Norman nói: “Trong cuộc sống có nhiều người Mỹ cảm thấy rất cô-đơn, nên họ thường nuôi chó, nuôi mèo. Họ xem chó mèo như bạn. Vì lẽ đó, họ không ăn thịt chó, thịt mèo. Họ xem những người ăn thịt chó, thịt mèo là tàn-ác, không có nhân-tính, mọi-rợ. Vậy mà khi con chó, con mèo họ nuôi bị chết, họ sẵn-sàng quăng chúng ra đường vào ban đêm cho xe cán, không thấy ân-hận gì cả.”

Ông già Norman trông vậy mà nói rất đúng. Đã có nhiều lần Thủy thấy xác những con chó hay mèo nằm ngoài đường, trên lằn xe chạy. Có những con chết rồi còn bị bánh xe nghiến qua nghiến lại không biết bao nhiêu lần, cho đến khi tan xác, máu và da thịt quyện dính vào mặt nhựa đường. Thế là hết. Không thấy ai phàn-nàn, kêu-ca gì cả. Nếu có ai hỏi, họ chỉ cần trả-lời đơn-giản là “tai-nạn”. Thế là xong. Người được tiếng “yêu súc-vật”, vẫn được tiếng.

Bình giúp vợ mang đồ vào trong bếp. Thủy vào nhà thay quần áo, xong ra ngoài nói chuyện với bà Susan. Thủy thấy bà đang chăm-sóc mấy cây hoa tulip ở ngoài vườn. Bà ta có ngôi vườn thật đẹp.

- Cô Thủy đi chợ mới về hả? Nghe bà Susan hỏi, Thủy gật đầu.

- Đi chợ Việt-Nam à?

- Dạ. Hôm nay cháu cần mua những món đặc-biệt ở chợ Việt-Nam để ăn Tết.

Bà Susan nói như reo:

- À, Tết. Chinese Lunar New Year. Thế cô mua quần áo mới chưa?

Thủy lắc đầu:

- Dạ, chưa. Nhưng chuyện đó ở Mỹ, cũng không cần-thiết, bác à.

Thủy muốn giải-thích cho bà Susan biết là Tết của người Việt-Nam và Tết của người Tầu không hoàn-toàn giống nhau, mặc dù tập-tục này người Việt-Nam theo người Tầu. Thủy không thích người ta thêm chữ Chinese khi nói đến Tết Việt-Nam, không biết đó có phải là “tự-ái dân-tộc” không. Trong những ngày Tết, người Việt-Nam thường có những tập-quán, những cuộc vui chơi, hay đình-đám khác với người Tầu.

Trong số những người hàng xóm, Thủy thích nhất là bà Susan vì bà là người hiểu biết và rất giản-dị. Ông già Norman cũng hòa-đồng với mọi người, nhưng ông lại có tính hay phê-bình người khác. Bà Susan là người sống lâu năm ở đây, hơn ba mươi năm, theo như lời bà nói. Chồng bà, ông Mike, mất cách đây mấy năm. Hiện bà đang làm thư-ký ở học khu thành-phố. Bà có một cậu con trai hiện đang phục-vụ tại chiến-trường Iraq. Thủy thường mang qua biếu bà những món ăn đặc-biệt của người Việt Nam, như chả giò, gỏi gà, bì cuốn. Giống như ông già Norman, bà biết ăn cả nước mắm. Bà còn bập-bẹ được một số câu nói Việt-Nam bằng một giọng phát-âm trẹo-trọ, buồn cười. Bà Susan nói với Thủy là bà có nhiều cảm-tình với người Việt-Nam. Bà có mấy người bạn là người Việt. Họ là những người tử-tế, đàng-hoàng. Bà cho là người Việt-Nam có tính cần-cù, nhẫn-nại, rất chịu khó học-hành và làm-việc.

Bà Suzan trông có vẻ rảnh-rang, nhàn-hạ mấy ngày này. Bà đã sửa-soạn và mua-sắm cho những ngày lễ lớn, như ThanksGiving (Tạ-Ơn), Christmas (Giáng-Sinh), và New Year (Năm Mới), và bây-giờ những ngày đó đã chấm-dứt từ mấy tuần qua.

Bà Susan chợt quay sang nhìn Thủy, hỏi:

- Cô Thủy này, tôi còn nhớ Tết năm ngoái cô cho tôi ăn cái bánh gì dinh-dính ấy. Người Việt Nam có nhiều loại bánh ngộ thật. Cô nói lại đi. Cái bánh ấy tên là gì vậy, tôi quên mất tiêu.

Thủy cố nhớ lại, cười trả lời:

- À, đấy là bánh chưng. Bác nhớ dai thật. Thế bác có thích bánh chưng không? Cháu có mua một cặp đấy. Để ngày mùng một Tết cháu sẽ mời bác. Người Việt chúng cháu còn thích ăn bánh chưng chiên nữa.

Bà Susan cũng cười, đôi mắt nhấp-nháy:

- Cám ơn cô. Bánh chưng chiên à? Ồ, được ăn bánh chưng thì còn gì bằng nữa. Tết Việt Nam phải có bánh chưng chứ. Như thế mới đúng ý nghĩa. À, bánh chưng phải ăn với củ kiệu mới là đúng mốt, phải không cô Thủy?

Thủy không ngờ bà Susan lại rành-rọt như thế. Không biết ai đã nói với bà ta những chuyện như vậy.

Bánh chưng mua ở chợ hẳn là không bằng nhà nấu. Ngày xưa khi Thủy còn nhỏ, mỗi lần Tết đến, Thủy thường thấy bà ngoại nấu bánh chưng. Bà ngoại chuẩn-bị thật chu-đáo. Trước Tết độ một tuần, mẹ Thủy đi chợ mua gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong và nhiều thứ linh-tinh khác nữa. Thủy không nhớ là bà ngoại đã gói bánh như thế nào. Thủy thích nhất là lúc được ngồi cạnh bếp lửa, có những khúc củi-tạ cháy hừng-hực, bên trên kê nồi bánh thật to đang sôi ùng ục. Ngồi bên cạnh nồi bánh, miệng vui vui hát nhỏ bài Xuân Này Con Không Về của Nhạc-Sĩ Trịnh-Lâm-Ngân: “…Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng. Trông bánh chưng chờ trời sáng. Đỏ hây-hây những đôi má đào…” Lúc đó, dù là nghèo, vẫn thấy đời tươi-đẹp và ấm-cúng biết bao.

Bắt-chước mẹ ngày xưa, Thủy chuẩn-bị rất kỹ-lưỡng để cúng và đón giao-thừa. Đồng-hồ mới chỉ 11 giờ đêm, Thủy đã nhờ Bình bày sẵn một cái bàn nhỏ ở ngoài sân. Thủy đặt một bình hoa vạn thọ ở giữa, một đĩa trái cây, một đĩa kẹo thèo lèo cứt chuột. Thủy không quên trái dừa, đèn cầy và ly nước lạnh. Thủy cắm sẵn ba cây nhang vào một cái ly thấp bên trong có gạo để giữ cho cây nhang không bị ngả. Thế này cũng tươm-tất lắm rồi.

Hồi gia-đình Thủy mới qua Mỹ, số người Việt sinh-sống ở đây còn ít. Nhà hàng ăn uống chỉ lưa-thưa vài nơi. Còn chợ Việt-Nam hoàn-toàn không có. Khi thèm ăn một tô phở, không biết đi đâu. Muốn nấu ở nhà thì không có đủ gia-vị. Cho tới bây giờ không phải ở tiểu-bang nào cũng tiện-lợi như ở Cali. Và, ngay cả ở Cali, không phải ở vùng nào cũng tiện-lợi và đầy-đủ như ở Quận Cam. Thật may-mắn, Thủy chỉ ở cách Quận Cam hơn một tiếng lái xe. Quận Cam có khu Bolsa, thủ-đô của người Việt. Chính người Việt đã tạo ra sự sầm-uất cho Quận Cam nói chung và khu Bolsa nói riêng. Các bảng hiệu dần-dần được viết hoàn-toàn bằng tiếng Việt, không cần người bản-xứ hoặc các cộng-đồng khác có hiểu hay không. Ở đây có nhiều ngôi chợ bán đầy-đủ các sản-phẩm dành cho người Việt, và đặc-biệt là có rất nhiều nhà-hàng bán những món-ăn thuần-túy Việt-Nam. Thủy có một cô bạn thân hiện đang ở Sacramento, thủ-đô của tiểu-bang California. Sau đôi lần đến Quận Cam (Orange County) chơi, cô bạn này đã nói: “Nếu tao sống ở Quận Cam, tao sẽ không nấu cơm ở nhà nữa, mà sẽ đi ăn tiệm. Nhà-hàng ở đây nhiều quá, nấu lại ngon nữa, nhiều món quá. Đi ăn cơm tiệm cho sướng. Nấu nướng ở nhà làm gì cho khổ cái thân.” Thủy ngẫm nghĩ, thấy cô bạn này nói đúng. Từ mọi nơi, người Việt đã quy-tụ về đây để biến thủ-đô này thành một góc quê-hương. Bây giờ, ở đây, khi cần ăn một tô phở Bắc nóng hổi, một tô bún bò Huế cay-cay, một đĩa bánh xèo beo-béo, hoặc một đĩa cơm tấm bì, chả hay thịt nướng thơm-thơm… đều dễ-dàng, tiện-lợi như ở Việt-Nam vậy.

Khi Thủy chuẩn-bị xong mâm trái cây cúng giao-thừa, kim đồng-hồ chỉ 11 giờ 45.

Bình đem mấy bao rác đi đổ. Thủy nhớ đã dặn Bình chỉ đổ rác vào chiều tối ba mươi thôi. Ngày mai là mùng một Tết không được đổ rác nữa, vì sợ tiền bạc sẽ cắp nón ra đi. Thủy cũng còn cẩn-thận dặn Bình không được quét nhà, không được hút bụi nữa. Thôi kệ, cứ để dơ mấy ngày rồi quét dọn sau. Có kiêng có lành mà. Đã chết ai. Nghe Thủy dặn nhiều quá, Bình khôi-hài:

- Thế có phải kiêng tắm không, em?

Thủy cũng cười:

- Nếu anh kiêng tắm được thì càng tốt. Tắm nhiều hại da lắm.

Những tập-tục ngày Tết của người Việt-Nam và người Tàu có nhiều điểm giống nhau và đôi khi có vẻ mê-tín dị-đoan nữa. Tuy nhiên, nếu mê-tín dị-đoan không đem lại sự nguy-hại, người ta không cần phải bãi-bỏ, nhất là những tập-tục đã có từ rất lâu đời.

Mấy bữa trước Thủy chuẩn-bị cả tiền lì-xì nữa. Thủy đã tới ngân-hàng đổi một ít tiền mới, mua một xấp phong-bì mầu đỏ, bỏ vào mỗi phong-bì một tờ năm đồng mới-tinh còn thơm mùi giấy và mực in. Thủy định sẽ mừng tuổi cho hai con vào sáng mùng một, rồi tới con của mấy người bạn làm cùng sở. Mừng tuổi để lấy hên vậy thôi, chứ trẻ con ở Mỹ không thích có tiền nhiều, vì chúng đã có đầy-đủ mọi thứ rồi, không thiếu-thốn như trẻ-con ở Việt Nam. Còn người lớn không phải lì-xì gì cả. Đỡ hao.

Tới trưa ngày mùng một, hai vợ chồng sẽ đưa hai con đi chơi hội chợ Tết. Hai đứa nhỏ thích lắm, mấy hôm nay cứ nhắc ba mẹ hoài. Gần như năm nào Tổng-Hội Sinh-Viên Việt-Nam cũng đều tổ-chức hội-chợ Tết. Ngày xưa, hội-chợ Tết này do Cộng-Đồng Việt-Nam tổ-chức, nhưng làm-việc“lem-nhem” sao đó, nhất là tiền-bạc, phải giải-tán. Tổng Hội Sinh-Viên mới đứng ra tổ-chức.  Các “em” làm được. Mỗi năm, trừ chi-phí, lời cả 5 trăm ngàn đô. Thấy các “em” làm được, có uy-tín, Cộng-Đồng để làm luôn. Ở hội-chợ có rất nhiều trò vui-chơi lành-mạnh. Thủy thích đi hội-chợ để tìm lại không-khí ngày Tết ở Việt-Nam, với những sinh-hoạt đặc-thù như múa lân, đánh vật. Quán thả thơ trong hội-chợ cũng là nơi thu-hút mọi người. Thủy thầm mong những hoạt-động tốt-đẹp như thế mãi-mãi được duy-trì và phát-triển. Những năm sau này, từ nỗi nhớ quê-hương và từ lòng bao dung nhân-ái, người Việt đã thành -lập nhiều hội-đoàn để có dịp ngồi lại gần nhau và giúp-đỡ nhau thiết-thực hơn, như các hội đồng-hương và hội ái-hữu. Đó là những dấu-hiệu tốt của một cộng-đồng đang phát-triển về mọi mặt.

Hồi còn nhỏ, Thủy thích nhất là những dịp Tết đến. Trước hết là được mặc quần áo mới, mang giầy đẹp, được ba mẹ đưa đi chơi chỗ này chỗ nọ, sau là được ăn bánh chưng, cắn hột dưa, và nhất là có nhiều tiền lì-xì. Trong mấy ngày Tết, lại còn được chơi “bầu-cua-cá-cọp”nữa. Đây là một trò chơi ăn tiền rất phổ-biến. Nhà cái trải một tấm giấy hay một tấm bià chia đều sáu phần, mỗi phần có in hay vẽ hình một con vật như nai, bầu, gà, cá, cua và tôm. Không thấy hình cọp. Ba con xúc-xắc được bỏ vào một cái điã che kín bằng một cái tô. Mỗi con xúc-xắc có sáu mặt, mỗi mặt đều có hình của một con vật giống như trên tấm bià. Nhà cái lắc cái điã vài lần rồi mở tô ra. Sau khi cả ba con xúc-xắc đã đứng im, nếu ai đặt tiền vào ô nào có hình giống con vật trên mặt xúc-xắc thì sẽ được nhà cái chung tiền. Còn ai đặt không giống thì bị thua. Trò chơi này rất vui vì được nhiều người hưởng-ứng, bất kể già trẻ lớn bé.

Chiếc đồng-hồ quả lắc bắt-đầu gõ-nhịp, âm-thanh ngân-nga trong-trẻo. Khi tiếng gõ thứ mười hai vừa chấm-dứt, Thủy ra ngoài thắp đèn cầy, rồi đốt ba cây nhang đã cắm sẵn trong cái ly. Hương-khói tỏa ra thơm-phức. Nếu là ở Việt-Nam, giây-phút này sẽ linh-thiêng và long-trọng biết bao. Giờ giao-thừa. Cả một không-gian rộng-lớn sẽ rền-vang tiếng pháo và mịt-mù trong màn khói để tống cựu nghinh tân (tống khứ cái cũ, đón rước cái mới). Pháo sẽ thi nhau nổ suốt đêm ba mươi, qua ba ngày Tết và những ngày kế-tiếp. Tết ở Việt-Nam ngày xưa thật tưng-bừng, vui-vẻ.

Bây giờ, chỉ có một mình Thủy cúng giao-thừa ở ngoài trời. Căn nhà của bà Tầu Wuan Yang cách đó vài căn, đứng lặng-lẽ, im-lìm trong màn sương mỏng.

Thủy lâm-râm khấn-vái. Thời-gian như ngừng lại. Trời hơi se-lạnh. Những căn-nhà chung-quanh hoàn-toàn chìm trong bóng đêm. Con đường nhỏ vắng-tanh không một bóng người, ngoại-trừ vài chiếc xe-hơi đậu sát lề đang im-lìm trong giấc ngủ. Hình như có những đóa hoa đang bắt-đầu nở-rộ, hương-thơm tỏa ra nhẹ-nhàng.

Hà Việt Hùng
Giáp-Ngọ, 2014

No comments:

Post a Comment