Links

Friday, February 7, 2014

Một cái Tết khó quên


trach_an_tran_huu_hoi

_____________________

Trạch An - Trần Hữu Hội


Từ Châu âu, Hòa qua Canada thăm hai đứa em, rồi từ đó về nhà, đã gần cuối tháng chạp. Anh chuẩn bị cho mấy ngày Tết, giản dị như tính cách của mình .

Vừa dọn xong bàn thờ, anh thắp ba cây nhang…Xoa hai bàn tay vào nhau, nhìn nén nhang tỏa mùi thơm và làn khói mỏng bay lên, anh nhìn tấm hình Cha và Mẹ… Tự dưng nước mắt Hòa rưng rưng !



Hòa là con trai thứ nhưng anh chứng kiến sự vất vã khốn khó của cha mẹ nhiều hơn ai cả. Những năm trước 75, Cha mẹ anh, với đồng lương công chức, lo cho sáu đứa con ăn học. Anh con trai trưởng thì đi tu từ nhỏ, hàng tháng cũng đóng tiền cho nhà dòng, nhưng không đáng kể. Hòa đậu tú tài phần hai xong anh thi vào Đại học, phải vào Huế chứ ở quê anh không có trường.

Sống xa nhà, ký túc xá buồn cũng còn chịu được. nhưng số tiền ít ỏi mẹ dành dụm hàng tháng không đủ vào đâu…May nhờ có một anh sinh viên lớp trước, cũng xa nhà và khó khăn như anh, đang làm Giám thị cho một trường tư thục bậc tiểu học, nhà trường tuyển thêm giám thị, anh được nhận qua sự giới thiệu của anh bạn. Anh bảo mẹ thôi gửi tiền hàng tháng, tự xoay xở với số tiền lương kiếm được.

Năm 72 quê anh phải di tản, gia đình vào Ninh Thuận. Còn anh, vào ở với chú ruột ở Sài Gòn, tiếp tục học ở trường Đại Học Văn Khoa.

Năm 75, anh chuẩn bị thi tốt nghiệp thì toàn bộ thay đổi. Cha anh đi cải tạo, mẹ anh chỉ làm Y tá nên không phải đi lâu, được làm Y tế thôn, không lương…

Ngày cha anh trình diện đi cải tạo cùng với những người trong thôn, trong xã… Cứ tưởng rằng chỉ vài tuần, ai ngờ sau khi phân loại, cha anh được đưa đến một trại khác, tận Tuy Hòa !

Sáu năm sau cha anh trở về, ông còm cỏi dần. Hai năm sau ông chết với chứng ung thư phổi.

Mẹ và mấy anh em vất vả làm thuê làm mướn cũng qua được, nhưng trong túng thiếu vô ngần,các em đều bỏ học, trừ bé Út,

Là lao động chính trong nhà, anh có mặt trong toàn bộ công tác nghĩa vụ: Từ thủy lợi, khai hoang đến lao động công ích địa phương…

Hòa đưa tay vuốt chút bụi nơi tấm hình mẹ, nhớ tới bà với những sáng đi chặt mía thuê, thức dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ bảy cây số đến rẫy mía chờ, có lúc chủ chê yếu không thuê, chỉ lấy đàn ông hoặc con trai ! Mẹ thất thiểu trở về, nước mắt rưng rưng !

Những khi có anh đi cùng, anh chặt, mẹ bó thì đỡ khổ, có việc cho cả hai người !

Nhớ tới những ngày ấy, anh còn cái cảm giác sợ sệt, lo lắng… dù đã qua rất lâu !

Cha anh mất ba năm, đến mẹ anh phải nhập viện ! Cũng vào những ngày cuối năm!

***

Nhà bươn chải vẫn không đủ cái ăn, người ta ăn cơm độn, nhà Hòa chỉ ăn toàn sắn lát, hoặc khoai , chế biến cách gì rồi cũng ngấy…Thau canh cũng là khoai, nhờ chút nước mà nuốt trôi được những lát sắn lổn chổn. mẹ và anh thì không sao, nhưng mỗi bữa ăn, nhìn các em , Hòa cúi mặt xót xa, còn mẹ thì nước mắt đọng khóe mi !

Trạm xá không tìm ra bệnh gì, bệnh viện tỉnh cũng chịu, nghi là ung thư, chuyển vào bệnh viện ung bướu tận Sài gòn, đành bỏ mặc cho mấy anh em ở nhà, nhờ hàng xóm trông giùm, anh đưa mẹ lên chiếc xe chạy bằng than, về tỉnh rồi vào sài gòn, lưng lối chỉ ba tờ máy cày, một trăm rưởi đồng bạc. Bà con ai cũng thương nhưng không có mà cho, may là anh mượn được của một bà buôn, hứa là sẻ lột hết tôn căn bếp cho bà sau khi mẹ về !

Mẹ bị ung thư gan thật! Anh nhớ lại mắt và da mẹ càng ngày càng vàng đi, trước thời gian phát bệnh !

Nhập được viện cũng là một khó khăn! Hơn 10 ngày anh chỉ ngủ ngồi ngoài phòng bệnh. Chiếc chiếu một người mới quen, cho sau khi thân nhân chết, anh trải một nữa để ngồi ban ngày, đêm đến mới trải ra nằm, nhưng hành lang cũng không nằm thẳng người được. Người bệnh đã đông, thân nhân càng đông hơn…Những gương mặt âu lo từng phút…!

Chuyện ăn uống cũng nhờ người mua hộ, anh chỉ ăn một bữa trưa, nhịn đói hai bữa sáng và tối! vậy mà số tiền mang theo cũng vơi đi rất nhanh.

Một mũi thuốc cũng hỏi thân nhân có tiền đóng không đã mới chích! Mẹ anh thều thào đòi về:

- Trước sau mẹ cũng chết, con đem mẹ về, chết ở nhà còn thấy được các em …

Bao giờ anh cũng nói đối :

- Bác sĩ bảo mẹ không sao, chỉ thời gian ngắn là xuất viện được thôi mà!

- Có Chú và Cậu ruột ở Sài gòn, nhưng sợ phiền nên anh chưa báo tin cho ai, với lại anh không dám để mẹ một mình. Đêm nằm vừa lo cho mẹ vừa thương các em ! Giá mà đứa em kế chưa lấy vợ thì cũng còn đỡ, chú ấy lấy vợ và sinh con rồi ở riêng, một gia đình cũng không hơn gì !

Đứa con gái đầu bưng lọ hoa vừa cắm xong, đến đặt lên bàn thờ, nói như trách móc:

- Ba lại khóc nữa rồi, thời đó ông bà nội có sống thêm thì cũng khổ thêm thôi mà ba !

Hòa bổng khóc òa, nói trong tiếng nấc:

- Ừ, ba lại nhớ… và thương …ông bà nội !

***

Vị bác sĩ đứng thẳng người nhìn Hòa nói, giọng nói khô không khốc, không chút cảm xúc :

- Tôi đã bảo không chữa được là không chữa được. đem về, chừa chổ nằm và thuốc cho người khác, bênh viên chật quá câu không thấy à !

Thất vọng và đau đớn đến tột cùng, Hòa không khóc mà chỉ thẩn thờ nhìn chiếc quạt trần chậm rải quay…Anh ra khỏi phòng bác sĩ trưởng khoa như kẻ không hồn. Hai ngày nay bệnh viện không chích, chỉ cho uống cầm chừng mấy viên thuốc…Mẹ chỉ còn thoi thóp, những cơn đau cũng thôi không hành hạ. Nhìn tấm thân chỉ còn da bọc xương của mẹ, anh khóc òa:

- M ẹ ơ i !!!

Thân nhân người bênh nằm chung giường với mẹ anh, an ủi :

- Giai đoạn cuối thì không chữa được nữa, thôi đưa bà về còn sống thế này dễ hơn là chết, khó khăn ngàn lần!

Hòa gởi người ta trông hộ mẹ, chạy ra thuê một cái xe ba gác. Trong đầu nghĩ ngay đến nhà cậu, chú thì không ruột rà gì với mẹ, cậu là anh ruột của mẹ, hy vọng nhờ vài hôm rồi lo xe đưa mẹ về quê !

Mẹ nhẹ hiều ! Anh và mẹ ngồi trên chiếc xe ba gác mà vẫn rộng thênh thang…người mẹ lạnh như không còn sự sống !

Về đến nhà cậu, anh gọi cậu, chiếc cửa sắt im ỉm thật lâu, chó sủa inh ỏi. Mợ ra mở cửa rồi quay vào thật nhanh :

- Ôi trời, tết nhất tới nơi mà đem cái gì tới đây nữa trời !

Lát sau cậu ra :

- Sao vậy, mẹ con sao vậy, bây giờ làm sao đây ?!

Hòa ấp úng :

- Mẹ con bệnh vào nằm đây hơn mười ngày nay, giờ bệnh viên bảo không chữa được. cậu cho mẹ con nằm đây con đi thuê xe đưa về quê .

Cậu bối rối hơn là xúc động, chỉ cái bàn bóng bàn:

- Đặt xuống đây rồi đi thuê xe mau đi, còn sống không ?!

-Dạ mẹ còn thở !

- Mau đi, biết bến xe Bình Triệu không? Cứ ra đó !

Anh chạy ra đường phóng lên chiếc xích lô !

Hai giờ sau anh quay lại với chiếc xe chở khách loại nhỏ, anh khóc òa khi ôm tấm thân mẹ lạnh ngắt. Mẹ vẫn nằm như lúc anh đặt vào chiếc bàn bóng bàn, không thêm một tấm chăn hay chiếu. Anh vừa trở về, cậu anh chạy ra, thấy anh khóc lớn…chạy lại xem, Mẹ anh không còn thở nữa !

Anh tài xế lẵng lặng bỏ đi, gần tết gần nhất không hơi đâu chở xác chết !!!

Cậu nói với anh, như người nằm đó là một kẻ xa lạ :

- Cháu chạy qua báo cho chú Ngân của cháu đi , nói chú qua đây !

Hòa chạy bộ đến nhà chú. Chú chạy xe thồ vừa về tới nơi. Hai chú cháu lên xe trở lại nhà cậu. Vừa thấy mặt chú, cậu đã than thở :

- Anh coi, tết nhất tới nơi rồi mà làm vậy thì chết tôi !

Chú không nói, chỉ nhìn cậu bằng ánh mắt buồn bã !

- Cháu ở đó với mẹ, chú đi thuê xe !

Hơn hai giờ sau chú trở về, sư thất vọng hiện rỏ trên mặt :

- Không có xe nào chịu chở !

Cậu nóng nãy:

- Giờ làm sao?!

Chú nói, giọng buồn thương :

- Đưa mẹ về nhà chú, tính sau con ạ, nằm đây lạnh lẽo quá !

Cậu như thoát gánh nặng :

- Ừ, nhờ anh lo giúp cháu, tôi nhiều việc lu bu quá !

Chú như hết chịu nổi sự vô tâm vô tình của cậu , trừng mắt :

- Không phải em ruột ông đó sao! Đồ…

Trong khi hai chú cháu loay hoay đưa xác mẹ ra xe ba gác, cậu đến nhét vào tay Hòa mấy tờ giấy bạc năm mươi đồng màu xanh, anh mím môi không nói, bỏ mấy tờ giấy bạc lại trên chiếc bàn bóng bàn, ẳm mẹ đi nhanh ra cổng.

Chó vẫn sủa inh ỏi sau lưng anh .

Chú của Hòa nghèo hơn cậu, nghèo hơn nhiều lắm, các con chú cũng phải đi làm đầu tắt mặt tối mới cầm cự được nơi thành phố này. Cậu thì giàu lại thong thả, các con qua Mỹ hết, Hai ông bà ở căn nhà lớn đến hoang lạnh, nhưng cậu mợ không sợ ma, chỉ sợ bà con nghèo khổ đến quấy nhiễu !

Mẹ nằm ở nhà chú hai ngày. Chú chạy vạy xin xỏ từ tổ dân phố đến phường. Cuối cùng, xin được chôn mẹ nơi nghĩa trang Gò vấp. Đưa mẹ ra nghĩa trang, chỉ có chú và đứa em gái con chú, tất cả ngồi trên chiếc xe ba gác. ..

Phu đào huyệt của nghĩa trang, xem qua tình cảnh, để mặc cho chú và Hòa tự đào tự chôn…

***

- Ba, có điện thoại .

- A lô, tôi nghe đây.

- Phước Hòa à, Phim vừa được thêm hai giải ở Đức, có giải Đạo diễn xuất sắc, cậu biết chưa ?!

- Mình phải qua Canada trước nên chưa biết gì cả…

- Vậy tất cả là bảy giải rồi nhé, chúc mừng cậu !

- Cảm ơn cậu, hẹn gặp nhé…

Đạo diễn Nguyễn Phước Hòa lại nhìn lên bàn thờ.

Mẹ mất hai năm, anh vào trường Điện ảnh, nhờ có ba năm học ban Tâm lý học, Đại học Văn khoa Sài Gòn từ trước 75, anh được tuyển thẳng.

Từ ngày tốt nghiệp, anh đã làm nhiều bộ phim., thể hiện nhiều ngóc ngách tình cảm của con người. nhiều cảnh đau khổ và hạnh phúc…Nhưng có môt bộ phim cưu mang từ khi tốt nghiệp, 27 năm rồi, anh không làm nổi. Không đủ can đảm, không đủ bất nhẫn…để làm, phim cũng không cần giải thưởng nào, đó là bộ phim “Đời Mẹ !…”

27 tháng 1 năm 2013.
Trạch An -Trần Hữu Hội

No comments:

Post a Comment