Links

Saturday, March 15, 2014

TẬP TỄNH VÀO ĐỜI



______________
Mặc Nhân
                         
Lúc bấy giờ còn thời Pháp thuộc, trường học ít lắm. Ra Sư phạm, tôi được bổ nhiệm về một trường nhỏ chỉ có 2 lớp hổn hợp, lớp đồng ấu và lớp dự bị tại một làng khá sung túc thuộc một tỉnh miền Tây. Trong khi đó mấy thằng bạn vô phước của tôi thằng thì bổ đi Bạc Liêu, nơi đây tìm người đẹp cũng có nhưng khi nói chuyện thì tiếng Tiều rành hơn tiếng Việt. Có thắng chui vô  Đồng Tháp Mười, vừa dạy học vừa đập muỗi, đàn ông còn ít gặp có đâu các cô. Còn có cậu xuống tận Trà Vinh, các cô có nước da bánh ít cũng mặn mòi dễ thương nhưng khi hẹn đi coi hát dù kê tâm sự thì bòn ơi bòn hởi ....Thầy bói  bảo tôi có quới nhơn độ mạng nhờ kiếp trước khéo tu.

Trời thương, mấy tháng đầu nghề dạy học của tôi cũng trôi qua suôn sẻ. Học sinh xem chừng cũng vui vì có ông thầy trẻ. Phụ huynh có vẻ hài lòng vì thầy giáo.... coi bộ cũng hiền. Ngôi làng tôi đến dạy xem ra trù phú, bên sông bên lộ, vườn tược sum suê, ruộng đồng phì nhiêu, nhà cửa khang trang… cho nên có khá nhiều cô gái đẹp. Trường tôi lại nằm bên vệ đường chính dẫn lên chợ, nên sáng nào các cô gái đi chợ thường hay nhìn vào trường không biết vô tình hay cố ý. Tôi cũng vô cùng đắc ý và nghĩ lại thấy thương hại cho mấy thằng bạn của tôi phải đi dạy nơi khỉ ho cò gáy làm gì có người đẹp.
          Lật bật tôi dạy ở đây cũng gần nửa năm. Gió bấc non đã về. Trời bắt đầu se lạnh. Mỗi ngày cơm nước chiều xong, tôi xách xe đạp xuống Lộ Ngang nơi đây có một ngã tư, đường chính cắt ngang làng với con đường ra Bến Lăng và trở vô Thới Lai. Tuy là lộ đất nhưng cao ráo, nước mưa chảy hết xuống ruộng nên cỏ cú mọc xanh rờn quanh năm. Trên đường là những rặng trâm bầu, lác đác những cây trâm tàn xanh mươn mướt khiến cho cánh đồng bát ngát đỡ trơ trọi. Bốn bên là ruộng lúa, lúc nầy lúa chín sắp gặt nên thoang thoảng mùi lúa mới.
            Tôi dựng xe bên lộ, ngồi trên rễ một cây trâm nhìn về phía chân trời tây bảng lảng hoàng hôn. Những cánh cò trễ nải đang sải cánh về tổ lướt ngang phần đỏ chói của mặt trời sắp lặn tạo nên một mảng trời chiều vừa hoành tráng vừa thơ mộng. Chiều nào cũng vậy, đường về chiều ít ai qua lại, tôi vu vơ ca hát mấy câu, tự mình thưởng thức, lòng lâng lâng vui sướng giữa cảnh trời đất sắp sang đông.
            Chạng vạng tối, những côn trùng của đồng ruộng bắt đầu trỗi giọng. Như một giàn nhạc hòa tấu có bàn tay vô hình điều khiển, khúc mở đầu rụt rè, chậm chậm, thưa thớt, với một vài điệu rời rạc… dần dần to hơn, dồn dập hơn. Như bắt được nhịp, những âm thanh trầm bổng khác nhập cuộc để như một dàn đại hòa tấu đi đến đoạn chính của một dạ khúc đồng quê tuyệt vời. Lần nào cũng vậy, tôi đợi cho đến khi khúc nhạc lên đến đỉnh cao của những thanh âm hòa quỵên với đất trời tôi mới lững thững lấy xe ra về.
              Như vậy, cho đến một hôm, như thường lệ tôi đang ngắm trời trăng mây nước thì từ đàng xa có hình dáng một người con gái đi về phía tôi. Cô đi ngược lại những tia nắng vàng vọt của mặt trời chiều tạo nên một bóng hình huyền ảo. Đôi chân nhịp nhàng bước đều đặn, mạnh dạn nhưng không thiếu phần duyên dáng, lần tiến đến gần chỗ tôi ngồi. Chợt nhận ra bên đường có người, cô tránh sang một bên rồi tiếp tục đi. Tôi cố nhìn theo người lữ hành cảm thấy có một cái gì quen quen, nhớ nhớ nhưng mãi không có trong ký ức. Nhưng dù sao buổi dạo mát hôm nay có dịp diện kiến một mỹ nhân chẳng là đáng nhớ lắm sao.
             Chiều hôm sau cũng vào giờ ấy, cũng nơi gốc trâm bầu ấy, tôi đang nhớ lại cuộc gặp gỡ hôm qua và vái trời cho ngày hôm nay người đẹp trở lại nếu có duyên phần. Lòng chân thành của tôi có lẽ làm xúc động đến đấng thiêng liêng nào đó nên hiện thực là đây, cô em đã xuất hiện từ xa và đường xưa dẫn lối, cô em đi ngang tôi và đoạn phim chiếu ngày hôm qua tái diễn với hai diễn viên, vẫn không có diễn xuất nào khác.
             Rồi chiều hôm sau nữa, ngồi chờ đợi bên gốc trâm bầu, tôi bỗng ngâm nga một câu thơ trong bài “Tình tuyệt vọng” của bài  bài thơ năm chữ của Félix Arvers đã được Khái Hưng dịch ra: Nhìn ta như thể nhìn người không quen”. Nhưng đúng theo số tử vi, tôi có số đào hoa, lần nầy cô dừng lại khẽ nghiêng đầu chào tôi với hai tiếng:
           - Thưa thầy.
           Tôi lính quýnh không biết phản ứng thế nào thì cô đã đi xa trong sự tiếc nuối và tự trách mình vụng về. Nhưng dù sao đêm về tôi ngủ với nhiều mộng đẹp.
            Lại chiều hôm sau tôi đi sớm hơn một chút. Ơn trời, tôi không phải chờ lâu, từ đàng kia bóng hồng tiến đến nơi có một kẻ đang chờ với trái tim đập nhanh, với đôi tay như thừa thải, với đôi môi mấp máy câu gì đó đã học thuộc lòng. Cô đến gần tôi, tôi đứng lên chận đường như kẻ đón đường đòi nợ. Cô chào tôi giống như một đứa học trò:
           - Thưa thầy.
           Tôi lặp bặp một câu khá vô duyên:
           - Cô đi đâu vậy?
           - Em đi thăm người chị ở Bến Lăng.
         Tôi muốn hỏi tiếp: Đi thăm gì mà mỗi ngày vậy?”. Nhưng may quá thần khẩu chận tôi lại đúng lúc. Trời độ nên cô nói:
          - Thầy quên em rồi sao? Em là chị của Ỷ Lang.
            À thì ra hổm rày tôi cứ mang máng nhớ một người mà ngày tựu trường đã để trong tôi một hình bóng khó phai. Số là ngày tựu trường cô đã đưa em là Kiều Ỷ Lang vào học. Thế là cái đoản tính của tôi không bắt nhịp được với con tim của tôi. Tôi hoàn hồn nên mạnh dạn nói:
            - Tôi nhớ ra rồi. Ngày hôm ấy cô là người đẹp nhất.
            Lại một câu nịnh đầm vô duyên. Ngày đó toàn là các cha mẹ học sinh đều lớn tuổi có ai là thiếu nữ đâu mà đẹp nhứt đẹp nhì. Không biết cô có nhận định điều nầy không nhưng cô nói:
           - Cám ơn thầy
           Rồi chưa chi đã:
           - Thưa thầy em đi.
           Tôi muốn bảo cô khoan đi, nhưng thấy trơ trn quá nên đành câm như hến nhìn theo. Bỗng nhiên cô dừng lại nhìn vào mắt tôi hỏi:
           - Ngày mai Thầy có ra đây không?
           Tôi sung sướng đáp ngay:
           - Chiều mai tôi chờ cô ở đây.
           Một cuộc hẹn hò đầu tiên của đời tôi sao mà chóng vánh, êm đềm, thơ mộng quá. Tôi muốn hát lên một bài hay ít ra một câu gì đó. Và tôi đã hát giữa cánh đồng bao la bát ngát như rộng mở đón tôi vào hạnh phúc “Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm. Bao chim đua hót…”
            Đêm về không ngủ được chỉ trông đến giờ cuộc hẹn đầu đời. Nhưng tôi bỗng nhớ ra là ngày hôm sau tức là ngày ch nhựt tôi phải về thăm gia đình theo thường lệ. Thôi chữ hiếu để một bên, định bụng sẽ về thăm bù lại một ngày nào đó.
             Lần nầy tôi tự tin nên chững chạc hơn nhiều. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt cô, nhìn gương mặt khả ái của cô, nhìn mái tóc đen huyền phủ bờ vai của cô… tôi tự cho mình là con người tốt phước. Cô trầm tĩnh hơn tôi, đôi mắt không còn xa lạ nữa ánh lên một cái gì đó quyến rũ, mời gọi, khiêu khích. Tôi chập chờn chìm trong ánh mắt của người con gái. Bỗng cô lên tiếng:
           - Anh chờ em có lâu không?
           Tôi mát ruột mát gan làm sao, đã anh em rồi. Tôi mạnh dạn hơn:
           - Mình lại đằng nầy ngồi đi.
            Cô ngoan ngoãn theo tôi. Chúng tôi ngồi trên một gộp đất phủ cỏ xanh, dưới tàn một cây trâm xanh mướt, nhìn ra cánh đồng vàng ối thoang thoảng mùi lúa chín. Cô chọn một chỗ ngồi vẫn giữ khoảng cách khá xa với tôi. Nhưng con trai phải chủ động hơn, mấy đứa bạn tôi bảo vậy, tôi xích lại một chút, không thấy phản ứng, lại một chút nữa cô vẫn ngồi yên.
           - Cô tên gì?
           - Em tên Diệu Lang.
           Tôi đỡ lời:
            - Kiều Diệu Lang, tên đẹp quá phải không?
            - Sao anh biết họ của em?
            - Vì em là Kiều Ỷ Lang chị phải là Kiều Diệu Lang rồi.
           Tôi tiếp:
            - Diệu Lang, cô đẹp lắm.
            - Cám ơn anh
            Rồi cô rụt rè sửa lại:
            - Em chớ sao lại cô.
           Tiếng em để gọi người yêu đầu tiên sao mà tha thiết đến như vậy. Câu chuyện giữa hai người mới yêu nhau sao mà rời rạc thế. Tôi chỉ biết loanh quanh qua mấy câu nói về bé Ỷ Lang chăm học, ngoan ngoãn, lễ phép… Còn Diệu Lang cũng không hơn gì tôi, tay luôn ném những mảnh đất vụn xuống ruộng. Nhưng dù sao tôi vẫn thấy được ngồi bên cô gái đẹp như thế nầy kể ra cũng hạnh phúc lắm rồi. Tuy nhiên vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì.
          Bỗng tôi chợt nhớ ra, cũng mấy thằng bạn, không biết chúng học ở đâu, dạy tôi: “Đàn ông phải biết tấn công”. Nên tôi làm như vô tình chạm vào tay em. Em không giựt tay lại mà dường như cố tình để nguyên trạng. Tôi mạnh dạn nắm tay em. Em vẫn để như vậy. Có điều tay em sao nóng hổi còn tay tôi lại lạnh ngắt. Bầu nhiệt huyết của tuổi hai mươi đã giúp cho tôi thêm phần can đảm:
          - Anh yêu em, Diệu Lang.
          Không thấy trả lời. Tôi lặp lại. Cũng không có câu trả lời, tuy nhiên tay em vẫn nằm trọn trong tay tôi. Tôi lại nói, em không trả lời mà nói:
         - Đây nè, anh còn muốn gì?
           Nửa vế trước làm ấm lòng tôi còn nửa vế sau… anh còn muốn gì? Muốn gì? Cái nầy mấy thằng bạn tôi không có mách nước cho tôi. Quả thật tôi có biết muốn gì đâu. Chỉ biết gặp em, một người con gái, trong tuổi đầu đời, làm quen với nhau, thân nhau, thương nhau, nhớ nhau… còn thì mơ hồ, bảng lảng…
            Trời tối dần, trăng non đã xuống khỏi ngọn tre, nơi chúng tôi ngồi lại vắng vẻ, hơn nữa giờ nầy ở thôn quê mấy ai ra đường ngoại trừ những kẻ yêu nhau, làm cho tôi can đảm hơn, trái tim cũng đập mạnh hơn. Tôi choàng tay lên vai em và đặt một nụ hôn trên trán em, cái hôn đầu tiên của người con trai với một người con gái nhưng tôi không cảm nhận được nó khác hơn cái hôn của tôi với đứa em tôi lúc nhỏ. Nhưng dưới bóng trăng tôi thấy vẻ mặt em, đôi mắt em, đôi môi em… toát lên một cái gì đó rạng rỡ, long lanh, nóng bỏng… tôi mới thấy lòng mình rạo rực khó tả.
              Trong một lần gặp gỡ sau vào một đêm không trăng sao, chúng tôi ngồi bên nhau thân mật hơn, gắn bó hơn… sau khi có một vài lời hẹn ước cho tương lai tôi có quyền được âu yếm hơn. Tuy nhiên tôi cảm thấy có một cái gì đó không ổn, không được bình thường, nhưng điều đó đối với tôi còn quá mơ hồ để nhận định nó là cái gì? Trời không lạnh mà sao em mặc khá nhiều áo, từ áo trong áo giữa ra áo ngoài ba bốn lớp. Tôi có cảm tưởng là em mặc áo giáp để ra trận hay lãng mạn hơn là những cô gái Nhựt mặc bộ ki-mô-nô truyền thống để đi chùa.
             Có một lần, nói có người khuất mặt làm chứng, tôi vô tình hay cố ý, tôi không nhớ, chạm vào, nói thế nào cho phải đây, vào thắt lưng của em. Một vật gì khá to dường như bằng vải se và gút lại. Tôi rất tiếc tôi không là nhà văn, càng không phải là nhà văn tả chân mà lại là một nhà giáo nên đoạn nầy tôi không thể viết rõ ràng, dễ hiểu hơn được. Tôi phải vận dụng vừa trí thông minh, vừa óc trinh thám kể cả năng khiếu tưởng tượng của tôi để hiểu được là em đã thắt lưng em bằng sợi dây vải hằng mấy chục gút để nó biến thành một củ năng cứng ngắt.
              Lúc bấy giờ làm gì có dây thun, phẹt-mơ-tuya hay nút tây nút u gì cho cam chỉ có một thứ dụng cụ đó mà thôi, vừa tiện lợi vừa rẻ tiền vừa chắc chắn. Đấy, người yêu của tôi như vậy, tôi không có gì để trách cả. Có điều việc nầy khiến tôi nhớ một câu chuyện trong chiến tranh lần thứ nhứt ở Âu châu giữa Pháp và Đức. Chuyện nầy không liên quan gì đến yêu đương cả.
             Số là quân Pháp, để phòng thủ có bố trí một chiến lũy vô cùng kiên cố, Chiến lũy Maginot mà họ lấy làm tự hào là bất khả xâm phạm. Nhưng sau đó chiến lũy nầy bị quân Đức... chọc thủng phá hủy tan tành. Vị tướng lãnh Đức đã nói: Không có một chiến lũy nào kiên cố cả, chỉ có ta không biết... chỗ yếu của nó thôi.
            Còn tôi không phải là tướng lãnh đó, chỉ là một thầy giáo tập tễnh vào đời, nên chỗ yếu của cái chiến lũy của tôi vẫn được bảo vệ vững chắc. Hơn nữa tôi vẫn bằng lòng với hạnh phúc mà em đã dành cho tôi, chiều chiều ngồi bên em được nghe em nói những lời êm đẹp, được nghe em hát những lời tình tứ.
            Cũng trong chừng mực đó những cuộc hội ngộ đều đặn của chúng tôi ngoài những lời ca tiếng hát cho nhau, những câu chuyện về việc học hành của bé Ỷ Lang, thỉnh thoảng có trao đổi nhau những chiếc hôn thơm tho không khác gì những chiếc hôn mà tôi đã hôn em tôi thuở nhỏ. Thực sự tôi đã yêu Diệu Lang lắm rồi, ngày ngày đi dạy trông đến chiều để gặp em, vừa chia tay đã thấy nhớ, ngày chúa nhựt về quê chưa chi đã thấy cồn cào ruột gan.
    Ngày qua ngày, những con ve sầu trên ngọn cao vút của các cây sao bên Đình đã cất tiếng ra rả báo hiệu mùa hè đã về, có nghĩa là sắp đến ngày bãi trường cũng có nghĩa là ngày tôi và em sẽ xa nhau dù trong hai tháng.
    Cái buồn của buổi chia tay với các em học sinh ban sáng vẫn còn đeo đẳng tôi mãi đến khi chiều hôm ấy tôi đến nơi thường lệ để gặp Diệu Lang. Hôm nay em là người đến trước tôi. Từ xa tôi đã thấy em đang nhìn cánh đồng trơ gốc rạ, ném vu vơ những hòn đất vụn. Tôi đến và ngồi cạnh em, em không quay lại, mắt vẫn xa xôi nhìn vào khoảng không của bầu trời chiều ráng nắng. Tôi nắm tay em. Em ngả đầu vào vai tôi. Tiếng ễnh ương từng chập trỗi lên giữa cái im lặng của chúng tôi sao mà áo não quá.
  Em lần trong túi móc ra một vật gói trong lớp giấy bông dúi vào tay tôi. Tôi mở ra, mùi nước hoa lâng lâng, một chiếc khăn tay lụa trắng, viền xanh, trong một góc có thêu hai con chim đậu trên cành mai có hoa vàng, đầu châu lại như cùng song ca một bản tình ca. Tôi hôn vào chiếc khăn và hôn em để kịp nhận thấy đôi mắt em nhạt nhòa nước mắt. Thì ra em đã khóc tự lúc nào. Tôi cũng đau buồn không kém nên cố gượng nói với em:
     - Hè có hai tháng, rồi anh sẽ lại trở xuống dạy. Lại nữa nhà mình có xa gì đâu năm ba hôm anh lại xuống thăm em.
      Em vẫn khóc… rồi bật thành tiếng. Tôi cố dỗ dành nhưng nỗi buồn của em dường như không thể dùng lời mà xóa được. Tôi cũng buồn không kém gì em. Tôi cũng muốn khóc theo em nhưng dường như nước mắt của tôi thiếu một cái gì đó để có thể kết tụ được. Thật tình, tôi không hiểu tại sao tôi yêu em đến thế mà buổi chia tay lại thiếu chất lâm ly.
  Trong thời gian nghỉ hè mặc dù tôi vẫn nhớ Diệu Lang, nhưng lần lựa tự hẹn với mình ngày nầy qua ngày khác để rồi không có dịp xuống thăm người yêu. Đến ngày tựu trường tôi lại được lịnh bổ nhiệm đến một nhiệm sở khác rồi năm sau lại đến một nhiệm sở khác.
    Qua ba mùa khai giảng tôi vẫn không có tin tức nào cho em, lẽ tức nhiên em cũng không có tin tức gì cho tôi vì đối với em, tôi quả là chim trời cá nước. Nhưng em có biết đâu mỗi lần ghi danh học sinh vào học cho kỳ khai giảng mới là hình ảnh em nắm tay Ỷ Lang trình diện xuất hiện mãi trong tôi.
     Do vậy, ngày tựu trường nào cũng khơi dậy trong tôi một kỷ niệm buồn man mác, nhớ nhớ, thương thương. Ỷ Lang, em lên lớp mấy rồi, chị em hiện giờ ở đâu, chiều chiều có đi Bến Lăng để thăm chị nữa không? Diệu Lang, em có ra Lộ Ngang nơi chúng ta thường ngồi vào các buổi chiều, để biết là sáng hôm sau buổi chia tay, trên đường về nhà, anh đã ghé nơi đó khắc vào gốc cây trâm hai chữ Diệu Lang… Thật sự tôi chưa tìm ra mà đã đánh mất rồi cái gì đó của tuổi đầu đời thơ mộng, yêu đương.
 Cho đến một hôm, tôi nhận được một phong thơ không có địa chỉ của người gởi, nhưng tuồng chữ tròn trịa đều đặn nắn nót… đánh thức kỷ niệm ba năm qua. Tôi hồi hộp đọc thơ:
 Vang Quới, … ngày… tháng... năm 194…
  Anh kính yêu.
  Anh ngạc nhiên lắm khi đọc thơ em phải không? Nhưng em thì không. Vì ba năm qua, năm nào, tháng nào, ngày nào em cũng nhớ anh. Đi ngang trường học vẫn biết không có anh, em vẫn quay mặt vào tìm. Qua Lộ Ngang vẫn mường tượng anh ngồi đó với em, một hôm không dằn được, em vào nơi chỗ chúng ta thường ngồi để được thấy anh có khắc hai chữ Diệu Lang vào cây trâm và em đã khóc… Em mãi dõi theo bước chân anh. Anh đổi đi trường nào em cũng biết, anh chưa lập gia đình em cũng biết.
 Anh, má em biết chúng ta thương nhau. Má không ngăn vì má nói má thích có thằng rể làm thầy giáo lắm. Má cho là thầy giáo trí thức, đàng hoàng, thật thà, chung thủy. Cho nên mỗi lần em đi gặp anh, má không rầy mà còn dạy bảo em.
 Má em người Hoa, truyền thống đạo đức còn ăn sâu trong tâm hồn. Cho nên từ nhỏ má đã dặn dò không ngớt: con gái phải biết giữ gìn, cái giá trị lớn nhứt là phải “đàng hoàng” - từ đàng hoàng em viết trong ngoặc kép - nên ra đường phải ăn mặc kín đáo, đừng “phô trương” cũng trong ngoặc kép… rồi má còn dạy em nên xem má mà làm gương. Hồi xưa ở bên Tàu, bà ngoại thường căn dặn má làm như vầy, như vầy… để giữ gìn thân phận con gái kể cả khi má đã được làm lễ hỏi với ba rồi. Và em đã vâng theo lời má mặc dù chắc không chuẩn mực lắm.
  Bây giờ đã trưởng thành, em đã hiểu ra. Má cũng đã hiểu được nên có lần hỏi em: lâu quá sao không thấy anh xuống chơi. Em thưa với má là em cũng không biết tại sao anh bặt tin, nhưng em biết một điều là anh thương em lắm lại nữa anh là người rất đàng hoàng. Má nghe qua chợt thở dài bỏ ra nhà sau. Viết đến đây em thấy tội nghiệp anh quá mà cũng tội nghiệp cho em nữa phải không anh?
   Tháng sau là đám cưới của em rồi. Anh có về dự lễ cưới em không? Má vẫn thương anh. Ỷ Lang nhắc anh mãi. Cây trâm anh khắc tên em chưa liền da, mỗi lần nhớ anh, em xuống đó đọc tên em, nhớ anh rồi khóc.
  Em cầu mong anh tìm được một người yêu đúng nghĩa của nó.
   Như mọi bức thơ tình, anh cho phép em viết lần cuối hai chữ “hôn anh”.    
   Em Diệu Lang.
   Tôi thẫn thờ xếp lại lá thơ trong khi đôi mắt tôi cay xé.


2 comments:

  1. Chời ... ông thầy giáo nầy đâu có nhát , mới gặp , mới nói chuyện lần đầu tiên đã khen ... Cô đẹp quá .

    Tình yêu đến chóp nhoáng như vậy thì cũng dễ quên đi . Xa mặt thì dễ cách lòng , với những mối tình thật keo sơn mà còn có khi khó tránh khỏi , thì cũng khó trách ông thầy giáo .

    Tình yêu ông dành cho cô gái đáng thương kia chưa đử sức làm ông nhớ , làm ông viết " vài chữ " cho người ông yêu thương . Ba năm dài lắm ... anh ơi .

    ReplyDelete
  2. Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết được
    Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
    Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài.

    Thơ Xuân Diệu

    ReplyDelete