Links

Saturday, April 12, 2014

CON KIẾN CÀNG BẠC SỐ

________________

Mạch Vạn Niên
            Rừng Hoàng Liên Sơn không hổ danh là rừng thiêng nước độc. Bạn đi trong rừng thật khó mà nhìn thấy mảng trời xanh vì cây cối dày đặc, trời đất lúc nào cũng tối tăm, suối lớn suối nhỏ đan nhau chảy hoài không siết dù mùa mưa hay mùa nắng.

            Giữa năm 1976 chúng tôi từ Long Giao bị chở tàu từ Tân cảng Sài Gòn đến Hải Phòng thì được đưa lên xe lửa đến Yên Bái. Qua chiếc phà kéo dây vượt sông Hồng, tại đây chúng tôi lại lên xe Molotova chạy ngược lên mạn đông bắc để đến dãy núi trùng trùng điệp điệp Hoàng Liên Sơn. Chừng ba tiếng đồng hồ thì xe dừng lại kế bên con suối thật lớn. Chúng tôi xuống xe và lội bộ ngược con suối đó rồi qua con suối nhỏ hơn để đến một cái trảng khá lớn đầy lau sậy.
Chúng tôi tự vào rừng đốn nứa (một loại tre vỏ mỏng không có gai) cất lán trại và làm hàng rào dưới sự chỉ dẫn của Cán Bộ Quân Đội. Từ chỗ nầy chúng tôi lại dùng cuốc sẻng phá núi làm đường trở ngược ra. Con đường dài khoảng năm cây số có thể cho hai xe cải tiến tránh nhau. Chúng tôi cũng tự đào giếng mà uống dù nước suối chảy ào ào trước hàng rào, vì uống nước suối dù trong vắt nhưng hoà lẫn đủ thứ những lá rừng trở thành độc hại thì chỉ mang bệnh mà thác. 


            Ở đây chúng tôi phá rừng làm rẫy. Cưa cây gỗ làm củi, chặt nứa theo chỉ tiêu để bán lại cho bên ngoài mà chúng tôi không biết thuộc cơ quan quốc doanh nào. Mỗi đứa chỉ tiêu 15 cây và tự mang ra đường theo con đường xe cải tiến mà chúng tôi vừa làm xong. Có con chim từ sáng đến trưa lúc nào cũng cất tiếng hót ngắn ngủn " Bắt Cô Trói Cột" nhưng chúng tôi nghe rõ ràng nó nói là "Khó Khăn Khắc Phục". Mỗi lần chúng hót là chúng tôi hát theo "Khó Khăn Khắc Phục" rồi cười đùa vui vẻ dù mệt nhọc muốn đứt hơi.

            Riêng tôi được phân công đi lấy măng trong rừng. Lấy măng thì được trang bị ba lô và dao để cắt và mang măng, chỉ tiêu là 15 kí măng non và không có Cán Bộ đi theo nên được tự do muốn làm sao thì làm chỉ cần đủ chỉ tiêu mà thôi. Đường rừng lạ hoắc không có lối đi và trơn ướt nên tôi phải đi chân không vì mang dép thì dễ bị trợt ngã, nhưng đi chân không thì cũng nguy hiểm vì lá cây dầy đạc nứa khô và rắn rít bò cạp nằm ẩn dưới đó mình không thể thấy. Rừng rậm như vậy, để khỏi bị lạc tôi phải lảm dấu trên những thân cây mà mình vừa đi qua để nhớ lối trở về và chặt măng ở đâu thì gom ở đấy, khi đi ngược trở lại mới mang vác cho đỡ nặng nhọc.  Có lần vì quá mừng rỡ thấy bụi nứa có quá nhiều măng tôi vội chạy đến thì nghe một tiếng "rốp" dưới chân. Thì ra tôi đạp nhầm cây nứa khô, nó cắt thật sâu bàn chân và máu tuôn xối xả. Tôi vội lấy dao cắt một ống quần để cột bàn chân và lấy thuốc lào đắp vào cầm máu rồi bỏ đi về được Cán Bộ Trại Trưởng cho nghỉ mấy ngày dưỡng thương. Lần khác thì đạp nhầm rắn độc tôi phải cắn răng dùng dao rạch chỗ bị cắn ngay mắt cá chân mà nặn cho hết máu rồi dùng cây củi đang cháy một đầu đỏ hỏn dụi vào vết cắn. May mà chỗ đó có lửa vì mấy anh em khác đang đốt rừng làm rẫy. Rồi cũng nhờ thuốc lào tôi nhai thuốc để đắp vào chỗ ấy và băng nó lại. Tôi lúc đó sao thật bình tĩnh và nghĩ mình không thể chết vì rắn cắn. Thoải mái nhứt là vào mùa mưa măng mọc đầy, chỉ cần hai ba tiếng đồng hồ là tôi đoán mình đủ chỉ tiêu nên thản nhiên "đánh giấc bên đồi dạ lan" một cách say sưa rồi mới chịu về.

            Một lần nọ đói bụng quá tôi lấy một mục măng tươi thật ngon đem nướng ăn dù biết ăn như vậy là nguy hiểm vì muốn nấu măng rừng thì phải ngâm cho hết chất độc rồi mới nấu. Lần ấy tôi mang bệnh thiệt. Không biết bệnh gì, nhưng tôi nóng sốt cả tuần đến đổi bại liệt hai ba ngày sau đó. Mỗi lần muốn làm vệ sinh thì phải nhờ đến anh Nguyễn Hữu Cải nằm kế bên cõng đi. Anh Cải trước khi vào lính từng là Lực Sĩ thành viên Hội Con Kiến Càng của Lực Sĩ lừng danh Đông Nam Á đoạt nhiều giải Lực Sĩ Đẹp Nguyễn Công Án. Không có thuốc nhưng tôi nghĩ mình không thể chết. Mà may mắn ông bà độ, nhờ còn trẻ hay nhờ hồi nhỏ tôi bị bịnh liên miên nên cơ thể tôi có kháng sinh mạnh mà chống chọi với cơn bệnh. Hồi ở Long Giao cũng vậy, tôi cũng bị phù thủng rồi kiết lỵ mà cũng qua dù chẳng có thuốc men điều trị chỉ nhờ các bạn cùng phòng đi làm ngoài hái cỏ mực về đâm nát hoà với nước uống. Thế mà khỏi.

            Ở Hoàng Liên Sơn chừng một năm chúng tôi bị đưa lên SaPa,Trại Phong Quang, gần Lào Kai. Ở đây các quản giáo là Công An, không còn là những Cán Bộ thuộc Quân Đội. Chúng tôi không còn làm việc trong rừng mà chủ yếu là làm rẫy trồng khóm, trồng lúa, đan lát v.v...Anh Nguyễn Hữu Cải không chung phòng vì mỗi phòng chỉ chứa 42 người. Sáu tháng sau thì nghe nói anh bị bệnh sốt rét rồi qua đời mà con vịt khô của vợ anh mang thăm nuôi cho anh vẫn còn nguyên vẹn.

            Nhân Tháng Tư xin thắp một nén hương cho Con Kiến Càng Bạc Số nằm lại SaPa. Không biết gia đình anh có nhận lại hài cốt để tái an táng hay không. Dù sao cũng cảm ơn anh đã giúp đỡ tôi trong những ngày tháng cận kề với cái chết. Chúc linh hồn Con Kiến Càng Nguyễn Hữu Cải chắp cánh bay cao trên chốn bình yên.

            Mạch Vạn Niên

7 comments:


  1. Bệnh năng thập tử nhứt sanh cũng không chết
    Rắn hổ mang cắn cũng không chết,
    Trúng độc măng tươi có chứa cyanure cũng không chết.
    Hơn mười cuộc tình bay bướm vật lên vật xuống,chết đứng chết ngồi cũng không chết.
    Con kiến càng vai u thịt bắp lại chết.
    MVN đúng là con người BẤT TỬ.
    BLG

    ReplyDelete
  2. Anh Niên ơi,
    Anh ở Long Giao lâu không hở?

    ReplyDelete
  3. Ông Thầy BLG ơi !
    Còn nữa nè ! Vượt biển cũng không chết. Hì hì !!!
    Cát Vân ơi !
    Anh ở Long Giao khoảng một năm.
    MVN.

    ReplyDelete
  4. Anh Niên,
    Chị L chỉ có những kỷ vật từ Long Giao rất dễ thương - không phải từ anh, dĩ nhiên ( hihihi)- nhưng mà vì em sợ bị cốc đầu nên em sẽ không kể cho ai nghe.

    ReplyDelete
  5. Vân nè ! Hôm nào "bật mí"chị sẽ đãi V. 1 chầu ...chịu đi nhen! N.

    ReplyDelete
  6. Chị Ngọc ơi, chị không thấy đang có im lặng sấm sét hay sao!!
    :))

    ReplyDelete
  7. Người ta thường nói "số trời",MVN có số trời cho "không chết".Xem cái tên của anh ta là biết liền. Mạch là họ ,Vạn là mười ngàn,Niên là năm.Anh chàng nầy số trời cho sống đến "Mười ngàn năm " ha ha...Ghê thiệt .
    Du lịch.
    Ngày nay muốn đi du lịch SaPa phải tốn bao nhiêu tiền ,Mvn được người ta chở đi du lịch tham quan Sapa không tốn một đồng xu !
    Hay thiệt.CRD

    ReplyDelete