____________
Chân Diện Mục
Các cụ nói : Thơ có cùng rồi sau mới hay ! Quả đúng vây . Nhiều người đã từng sống trong những hoàn cảnh khó khăn , o ép , buồn bực nên có những tâm trạng âm u , buồn dai dẳng , nhớ loăng quăng, mơ mộng lều bều ... ! NHững người này chắc đã hơn một lần hứng thơ bị tịt ! Bị tịt vì nút lọ bị đóng hay cảm giác bị treo lơ lửng giữa vòm trời đen kịt , không thể với tay hái xuống ! mà khi thoát ra được khỏi vùng trời đó thì hứng thơ như vạn ngọ vô cương cứ thế tuôn tràn ra ngón tay mỏi mệt , ngọn bút mốc meo và tâm hồn hoang mạc . Hứng thơ cứ thế , qua cánh đồng cổ mộ , qua chùa tháp quay lưng , trở về những căn lều thở dài . Và rồi những " biệt thự hoang thơ đó ( không phải những nhà thơ ) cứ tuôn tràn ra những tâm trạng , những cảm nghĩ , những lất lây của những con người nửa người nửa ma một phần ba thần thánh ấy .
Tôi muốn nói đến những tuyệt phẩm thi ca của gần nửa thế kỷ qua của những con người bộ lạc TÀ RU
Khi mà thế sự đã lắm lời thì các chàng thi sĩ lại kiệm ngôn , trở về thì thào với chính mình , hoặc viết lăng nhăng để lại cho đàn sau . Nhưng chính vì ý tại ngôn ngoại ( nghề của chàng mà ) nên ta đọc thấy ở những chàng này những thống khổ mơn trớn , , những an ủi trêu ngươi và những tỏ tình giựt mắt .
Trong một tâm hồn lấn cấn , mâu thuẫn , chàng thi sĩ có một chút hơi Thiền trong góc tim , đã tìm thấy tình yêu giữa rừng khuya tàn bạo
Nhưng ánh mắt không căm thù đã cháy
Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai
TS
Sự cao cả của thi sĩ là trong cái tầm thường hèn yếu của rừng khuya , đã hướng tới một tình yêu rất thiền !
Mười năm trời lang thang trong dằn vặt , thi sĩ không ngừng nhớ về quê hương đau khổ :
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông , từng huyết lệ lan tràn
TS
Trước sự thúc vào be sườn thi sĩ đòi thơ , chàng đã cởi áo thầy tu , bước chập chờn heo hút giũa tiếng gọi ma thiêng đó
Ai tóc trắng hững hờ trên tuyết lãnh
Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương
TS
Trong khi bị những hạt mưa cứ cứa mãi vào hồn , Khoa Hữu không thể nào tịnh tâm được , ông chỉ thở dài đưa tay vuốt vuốt vào khoảng không , không biết là vuốt nước mưa hay vuốt mắt cho người hay tự vuốt mắt cho mình :
Ngón tay vuốt mãi bàng hoàng
Tóc ta còn nắm cỏ hoang trên đầu
Ngồi chờ mưa tạnh kiếp sau
Nén nhang mưa thắp chiều sâu mộ phần
Ôi ! Những ngày mỏn hơi trong ngõ hẹp , thiếu sụ an ủi của ả Phù Dung , hẳn Vũ Hoàng Chương đã nghĩ đến những giây phút ( tôi nhấn mạnh giây phút chứ không phải tháng ngày ) hạnh phúc bên chén cơm khô ít ỏi :
Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
VHC
Còn nhớ tới vợ con là còn tỉnh táo và còn yêu đời (?)
Nhắc đến vợ con , không thể không nhớ tới Hoàng Hưng :
Bàng hoàng biết thực hay mơ
Bừng con mắt dậy nát nhừ ruột gan
Nửa đời sự nghiệp tan hoang
Con là còn lại với ngàn năm sau
Trời ơi , xin chớ hại nhau
Cha xin gánh hết thương đau kiếp này
HH
và khi nhắc tớ cơm , ta thấp nghẹn nghẹn khi một tác giả vô danh đã tả một chén cơm đổ xuống :
Xuất cơm tôi một hôm đánh đổ
Tôi còn đương đau khổ nhìn theo
Thì nhanh như một đàn heo
Bốn năm đầu bạc giẫm trèo lên nhau
Bốc ăn một lúc sạch làu
Miêng cơm , miếng đất , làu bàu chửi nhau
Vô danh
Và cũng cái ông Hoàng Hưng kia lại chan nước mắt vào cơm và ... nghẹn :
Nhai miếng cơm khô giữa nắng
Trệu trạo trong mồn nuốt khó trôi
Bạn giục ăn nhanh không người mắng
Bỗng nghẹn lưng chừng nước mắt rơi
H.H.
Cũng có người không nhớ những bữa ăn mà lại nhớ đến những giấc mơ , giấc mơ được ăn thịt :
Tôi hãy tưởng tượng một hôm tôi được ăn thịt
Tôi vui vẻ cười
Trần vàng Sao
Có những người trong hoàn cảnh ẻo ẹo , chẳng ra ngô khoai , chẳng là sáng tối , chẳng chiều bước người , khiến người ta nửa khóc nửa cười , lại sinh tâm nổi loạn , muốn cười cùng Phật Tổ , muốn bá cổ Diêm Vương , nói tóm lại là những chàng muốn phá bĩnh ... và ngông tới bến ... tỷ như Liêu Tiên Sinh muốn uống rượu say rồi cùng bạn ... " kéo bé đi đái rong "
Đó là cái ngông tự phát , không có ai chỉ đạo . Cái ông Liêu Tiên Sinh này không biết là say hay tỉnh mà ông tả cảnh âm dương lộn tùng phèo
:
:
Quần thần mặt mũi như trâu ngựa
Quân lính sai nha khác tính người
Quan lại tham tiền nên tối mắt
Dân đen có miệng phải câm lời
Dưới trên một lũ y khuôn đổ
Có mắt nhưng mà chẳng có ngươi
không biết là ông chán nhân gian tới cỡ nào mà ông xuống cõi âm tới ... ba bận lận . Một bận chính tay Diêm Vương viết thiếp mời :
Trộm cướp nhóm bầy xanh ngắt mặt
Nhà tu từng lớp nín khe hơi
Âm ty chẳng khác gì nhân thế
Cũng lắm hoa thơm lắm bọ giòi
Liêu Tiên Sinh
Ngông đến thế ... thì cụ Tản Đà cũng chào thua
Một nữ cư dân bộ lạc là bà Cao Mỵ Nhân , một người mà tôi rất ái mộ . Bà không có giọng than vãn oán hận nhiều , và gần đây bà lại càng làm thơ tình cảm nhiều . Nhưng đọc hết thơ bà ta vẫn thấy nhiều câu phảng phất vẻ đẹp của núi rừng bộ lạc:
Chưa hề thấy một làn mây
Chỉ toàn sương tỏa khói bay mịt mù
Tháng ngày ảm đạm màu thu
Lá hoa cây cỏ mơ hồ đi hoang
Xòa diêm xem giấc hồng hoang
Xa xăm tiếng dế gọi đàn chiên xưa
và cư dân dù nam hay nữ cũng vang vọng bên tai câu hỏi của lửa chiến chinh :
Chị đứng bên song hay đóng cửa
Cửa nào khép kín được cơn mê
Đang vùng vẫy hỏi thời binh lửa
Ai thắng ai thua sớm trở về
C.M.N.
Cao thoại Châu , một cư dân bộ lạc , tuy không nhiều thâm niên , nhưng đã là TÀ RU thì đều có tâm trạng không thần thánh hóa chàng chiến tranh và rất không ưa trò chơi đánh đấm
Biển coi thế mà dìm người xuống đáy
Cướp của nhau sự sống tự ông trời
Người coi thế mà không hơn như vậy
Giết nhau xong còn vỗ tay cười
Chàng nhạc sĩ tình yêu nổi tiếng một tho72iCung Trầm Tưởng khi nhập vào bộ lạc cũng đem nàng Diva của chàng nhập vào với tuyệt bích đau thương
Đau thương nhuốm mắt em kỳ ảo
Ngời tỏ lưu ly tuyệt bích hồn
Ôi ! Tâm hồn người Tà Ru , ta không mổ xẻ để kiểm điểm được , nhưng ta vẫn có thể cảm thông cùng họ . Những con người rất quý trọng phần hồn , họ không muốn ai " lục lọi " tâm hồn họ :
Chúng ta bực mình khi thấy người khác
Lục lọi đồ đạc của mình
Có lý nào chúng ta lại làm thinh
Khi người ta lục lọi một thứ
Quý hơn đồ đạc
Quý hơn cả tự do
Đó là tâm hồn con người
Nguyễn hữu Nhật
Vũ Hoàng Chương hẳn không thích cái sự nhòm ngó vào tâm hồn con người , nên ông mượn bức tranh gà lợn để lộng ngôn thành những câu thú vị :
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng .....
Nói chung người của bộ lạc này đều buồn , buồn vì thân phận , gia cảnh và môi trường chung quanh :
Trẻ con đói xanh như tàu lá
Cày bừa phụ nữ đảm đang
Chốn thôn trang vắng bóng trai làng
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ
Buồn tất cả
Chỉ có cái loa là vui
Vô danh
Đã buồn , rất buồn , nhiều buồn và dĩ nhiên là sở hữu nhiều đêm trắng :
Đêm hãi hùng
Ta ở đâu đây
Đêm không chợp mắt chờ sáng
Sàn xi măng vảy ghẻ rụng đầy
Hoàng Hưng
vì sở hữu nhiều đêm trắng như thế nên kéo theo sự sợ hãi luôn đeo bám lên gáy , lên vai :
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch sùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong bóng tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
Một cái vỗ vai
Hoàng Hưng
bài thơ người về này đã nhận được một giải thưởng , không biết tác giả có vui không ? Ôi ! Một sự vui trên nỗi buồn !
Nhưng buồn nhất là rừng cỏ ngượng ngùng , sơn hà rét buốt và đêm trường tê dại
Xuân đây rừng núi vạn trùng
Đồng hoang cỏ dại ngượng ngùng đâm bông
Hạ đây nắng rực lửa hồng
Bắt người đổ lệ tưới đồng cho xanh
Thu đây thôi hết chuyện tình
Bỏ nàng thui thủi một mình sao đang
Nhác trông hai sắc xanh vàng
Sắc xanh mồ cỏ sắc vàng màu da
Đông sang rét buốt sơn hà
Khói sương cũng trắng như là vải tang
Trần Minh Hải
Nếu Trịnh công Sơn gọi tên bốn mùa thì người Tà Ru bị bốn mùa trù ẻo . Tiếng Đỗ Quyên của ông Trần Minh Hải đã kêu suốt bốn mùa khiến ông rớt từng đoạn xương :
Nghe như rơi rớt xương từng đoạn
Tuyết rụng từng bông trắng mái đầu
và ông
Hóa cột đèn tôi đứng khóc trong mưa
Cũng như Nguyễn Du , Trần Minh Hải rất thâm cảm nỗi đau của đàn bà . Người đàn bà lấy chồng trong bộ lạc tà ru có nhửng nỗi đau ứ máu trong tim , muốn xé trời gào thét cho đến khi tê lòng trước bia mộ , trước lóng xương xủa chồng :
đi lấy xương chồng
Về anh nhé bàn tay em mở lối
Đây đàn con đang đợi thắp hoa đèn
Bao năm dài mái tóc vẫn còn đen
Anh vẫn trẻ trong lòng em mãi mãi
và cắt tóc để lại bên mộ chồng
Nửa khuya chợ thấy mơ màng
Bông lau hóa hiện tóc chàng bạc phơ
.........
Anh nằm rét gió lạnh xương
Lá khô đắp mặt cỏ vàng ủ thân
.........
Hồn anh nương ngọn cỏ may
Bông nghiêng chiều gió theu đầy áo em
.........
Tóc em xin gởi lại người
Buộc lên bia mộ giữa trời heo may
Trần Minh Hải
Nhưng ở đời dường như luôn có những mâu thuẫn , những ý nghĩ chạy suôi lên ngược . Giữa những oán hận có những bao dung , giữa những sầu thương có những hy vọng . Và các thi sĩ hay hốt nhiên có những câu hỏi và những mong ước bâng quơ .
Nếu Tuệ sĩ có những câu đau đớn :
Bóng tối vương đầy đôi mắt sâu
.....
Giấc mơ không kín dãy song tù
thì ông cũng có những câu mơ mộng :
Cho ta chút nắng bên song cửa
Để vẽ hình em theo bóng mây
Đoàn viết Hoạt sống trong quán trọ :
Trong quán trọ này
Giữa bao la trời đất
Và hiu quạnh lòng người
Ta như nghe thấy
Từng ngọn gió mùa Đông Bắc
bị gió Động Bắc quất rát da rát thịt , và bị cơn lốc xoáy :
Như cơn lốc cuốn vào vòng đáy thẳm
Vào vưc sâu im vắng đến vô cùng
nhưng ôn vẫn muốn truyền đi ngọn lửa sưởi ấm
Nguyện đem sưởi ấm lòng nhân thề
Cho đời bừng nở đóa từ tâm
Đoàn viết Hoạt
TRong khi Tô Thùy Yên , bậc thầy của dùng chữ và đặt câu , đưa ra những câu hỏi trừu tượng , siêu thực :
Đã hơn thế kỷ mòn trông đợi
Mù mịt giang sơn rẽ lối hoài
Trời cao không lẽ quay lưng mãi
Thức dây đi nào gỗ đá ơi
thì Tú Kếu , bậc thầy của thơ chém treo ngành lại đi tới chỗ phá chấp , buông xả trong những ngày cuối đời . Chàng đã bỏ lại những nỗi buồn ở sau lưng :
Ôi những buồn chất ngất
Trôi sạch tự khi nào
để vung tay vừa đi vừa hát :
Hãy cứ đi trên đường
Cất tiếng ca cùng gió
và:
Gối đầu lên đá nhìn trăng sáng
Rừng núi sương mù ướt chẳng hay
Tú Kếu
Nhưng Khoa Hữu không có cái xả buồn cuối đời như Tú Kếu , ông buồn cho đến cuối đời , nhưng ba phần buồn tự mình , còn bẩy phần buồn ... nhân thế !
Chị của ông ( bài chị tôi ) cũng chỉ là một điển hình của thời thế :
Bước chân đất trượt trên oan nghiệt
Đường xa từng vết xước trong hồn
Lăn lóc hết thời lăn lóc hết
Cánh tay còn níu nỗi tang thương
.........
Đôi mắt chị quầng đen thời thế
Nghĩa cố hương là nghĩa lưu đày
Giọt lệ lăn hết thời thơ trẻ
Ngậm ngùi như những bụi mưa bay
rồi lan man ông buồn cho Hà Nội :
Hỏi ngàn năm đã nghe chưa
Gọi ngàn năm dội tiếng thưa tuyệt tình
và Huế :
Ta về ta với trời xanh
Lòng ta đã vấn mấy vành khăn sô
Tự chiêm bao đến bây giờ
Huế ơi , máu thắm những tờ sử xanh
dến Sài Gòn :
Ta về mây phố về chưa
Mắt trông chớp bể vai mưa đầu nguồn
Về như sương khói hoàng hôn
Lao đao cơn gió ngõ buồn trăm năm
Về nghe đường đá ăn năn
Hàng cây sám hối nhà oan khuất người
Ba trăm năm Sài Gòn ơi
Bãi dâu đất lở cát bồi phù du
Về ta một bóng thiên thu
Áo che trời rộng lòng như sông này
Môi đoạn tình uống chẳng khuây
Một ly cố quận rót đầy oán sâu
Về bôi mặt nhọ tìm nhau
Hỏi trăng xưa khuyết
Hỏi châu ngọc chìm
Khoa Hữu
Cuối cùng , vị thượng tọa của bộ lạc đã buông xả trong máu lệ bi thương , đã phá chấp trên phím dương cầm hay máu xanh , đã đạt đạo giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao mai , và rất thiền khi nghe tiếng ve sấu ở trường sơn
HỒN AI ĐÓ
Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận
Lời ai ru tràn máu lệ bị thương
Hồn ai đó đôi tay gần sờ soạng
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương
Ai tóc trắng sững sờ trên tuyết lãnh
Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương
Viên đá nhỏ mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trên dấu vết hoang đường
T.S.
MỘT BƯỚC ĐƯỜNG
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình nước lạnh sao ?
Một bước đường xa , xa biển khơi
Muôn trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trong bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm hay máu xanh
T.S.
ÁC MỘNG RỪNG KHUYA
Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy
Thịt xương người vương vãi lối anh đi
Nhưng ánh mắt không căm thù đỏ cháy
Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy trắng thơ ngây
Đời lữ khách biết bao giờ yên nghỉ
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao mai
Để một thoáng giấc mơ còn kinh dị
Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay
T.S.
TỰ TÌNH
Còn nghe được tiếng ve sầu
Còn yêu đốm lửa đêm sâu bịt bùng
Quê người trên đỉnh trường sơn
Cho ta gửi một nỗi hờn thiên thu
T.S.
Việt Nam 4-4-14
C.D.M.
Kính thầy,
ReplyDeleteĐi làm về thật hạnh phúc vì được đọc bài này của thầy.
EmCV
Hình như trong TH có mấy người thuộc bộ lạc Tà Ru... :)
Nhà khảo cổ CDM đã đào xới cổ mộ của bộ lạc TÀ RU tìm ra những cổ vật quí giá đáng được vào Bảo Tàng Viện Quốc Gia của Bộ Lạc.
Cổ vật tưởng chừng không thể tìm được thế mà với sự cần cù nhẫn nại quét,phủi từng hột bụi của CDM nó đã hiện ra :
Đêm hải hùng
Ta ở đâu đây
Đêm không chợp mắt chờ sáng
Sàn xi măng VÃY GHẺ rụng đầy
Hoàng Hưng.
còn một cổ vật quí giá nữa không thấy nhà khảo cổ đề cập tới:
Thép gai vô cảm đập vào mắt
Hụt hẫng dời chân áo tả tơi
Một giỏ bàng mang tình sâu nặng
Ơn nầy sao nói được nên lời.
BLG
Xuất cơm tôi một hôm đánh đổ
ReplyDeleteTôi còn đương đau khổ nhìn theo
Thì nhanh như một đàn heo
Bốn năm đầu bạc giẫm trèo lên nhau
Bốc ăn một lúc sạch làu
Miêng cơm , miếng đất , làu bàu chửi nhau.
Thầy ơi !
Bài thơ nầy của cố thi sĩ Nguyễn chí Thiện viết năm 1966 khi còn ở Bộ lạc Tru Tòng miền Bắc chứ không phải của ông Vô Danh nào đâu.
MVN.
Những biến động lich-sử bao giờ cũng phải hơn 50 năm mới đánh giá hay làm thay đổi được.
ReplyDeleteMình chỉ không hên vẫn còn nằm vào giai đoạn đổi thay. Như Đặng Dung ngày xưa.
Đừng quên, ba mươi năm sau, Lê Thánh Tông trân trọng giao người viết lại bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
VôDanh
MVN ơi ! Tập thơ đó lúc đầu được công bố là vô danh . Mãi sau mới có bản đề là NCT Nhiều người tỏ ran nghi ngờ vì sau này ông không hề làm thơ nữa . Cũng có người cố tình gạ , cố tình gài ... nhưng ông cũng không làm !!!
ReplyDeleteTôi không hề hạ thấp NCT , bảo ông chiếm hữu thơ người khác . Nhưng từ xuất xứ mù mờ cho tới nội dung rất nhiều bài khác giọng hẳn nhau , và đặ biệt tôi thấy rõ một bài do nhiều người làm , mỗi người mấy câu !
Dù không làm (?) , nhưng cái công sưu tầm thành tập thơ như thế cũng là " Công Lớn "
BLG ơi , cái tên mà bạn nhắc đến đó , cũng dan bộ lạc , nhưng vì chưa lăn lóc nhiều nên thơ chưa hay , bạn đừng cười nhé !
ReplyDeleteTÔI MUỐN NẠM VÀNG
Cha tù chồng tội con đi hoang
Một gánh giang san đổ giữa đàng
Ra ngõ gặp toàn bầy quỷ dữ
Nằm đêm ác mộng chuyện nhân gian
Bo bo dằn bụng gầy xơ xác
Ngái ngủ chuông reo giựt quáng quàng
Hồ Dzếnh ông ơi xin mượn đỡ
Những lời thơ đẹp để trao nàng
C.D.M.
thơ Hồ Dzếnh :
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho tình cô gái Việt Nam tươi
Thầy ơi bài thơ viết trong bộ lạc Tà Ru ngày ấy của người học trò NTT đây :
ReplyDeleteĐiệp Khúc Cho Tháng Tư
Như những ngày đầu nhục nhã
Bọn vô nghì lấy troí xích tay anh
Đồng bào ơi hai đòng lệ long lanh
Khóc cho nước hay khóc mình lỡ vận
Như những mùa đông nối tiếp
Lạnh như lòng mình lạnh cuối tháng tư
Ôi chuyến tàu định mệnh buổi tàn đư
Mình ao ước một ngòi bom bộc phá
Như những tháng ngày mòn moĩ
Có cụ già cho lon gạo vừa xay
Hỏi anh rằng quân giặc ấy là ai ?
Anh không đáp chỉ mim? cười chua xót !
Như những bài thơ tiền chiến
Dạy con em thù giặc thuở còn thơ
Giặc là ai, ai là giặc bây giờ
Muốn đáp được xin hãy chờ lịch sử
Như những lối mòn xưa cũ
Mũi gai rừng bật máu gót chân anh
Máu tuôn chảy cho căm hờn thôi ngủ
Càng xót xa càng ngán ngẩm nhân tình !
Như những thiên thần gãy cánh
Nghịch cảnh nào vuì anh xuống bùn nhơ
Như đài sen còn mãi đựơc tôn thờ
Trong bùn nhớp vẫn còn hương còn sắc
Như những tội đồ liêm chính
Quyết một lòng băng tuyết dạ trung trinh
Máu có đổ nhưng lòng anh chẳng đổi
Hiếu với đân ,trung với nước trọn tình
Ngũ-Yên
Thầy ơi có bài Ta Về cuả Tô Thùy Yên đọc cũng nhức nhối lắm.
ReplyDeleten.h
Kính Thầy !
ReplyDeleteÔng Thầy bị tung hỏa mù. Vì sự an nguy của NCT mà người ta mới xuất bản lần đầu để là Khuyết Danh chứ không phải Vô Danh.
Thơ của ông đã dịch ra hàng chục thứ tiếng không lẽ người ta cũng lầm ?
Bên nầy họ cũng đánh NCT tơi bời hoa lá. Nhưng thôi ông chết rồi. Sự thật sẽ trả lại cho sự thật. Chờ xem.
Một học trò NTT.