Links

Saturday, April 5, 2014

TIẾNG GÀ ẤY, LÀM SAO MÀ QUÊN ĐƯỢC !

_____________

Cao Thoại Châu
   

  


  
    Tinh mơ này lại vừa nghe thấy tiếng con gà từ nhà hàng xóm cất lên. Tiếng hơi yếu ớt và có chỗ đứt khúc. Thì ra nó bệnh, chiều qua nói chuyện với người chủ con gà mới biết nó bệnh đã mấy ngày. Chủ là người thương con vật nuôi nên không thịt nó hoặc là gà bệnh ăn thịt không ngon mà lại sờ sợ nên sáng nay còn tiếng nó đó. Nói chuyện, người chủ gà khoe là bà ta có quen một người thiến gà giỏi, “nhà ông ấy gà con nào cũng ú nụ”- người phụ nữ nói.
Sợ bà ta có thể chạy theo mã gà mà thiến nó nên đã có vài lời can, đại khái đánh vào sự sợ ác của phụ nữ, nói “Trời sinh nó ra như thế, nó sống được là bao, chị không thấy buổi sáng vắng tiếng nó là buồn hay sao ? Chị nên cho nó sống tự nhiên theo đời của nó. Trời sinh ra thế mà.”. Không biết cuộc vận động cứu con gà có hiệu quả hay không, nhưng lúc trò chuyện thấy người phụ nữ có hơi đỏ mặt về lời can thiến con gà.
     Gà thiến là gà không gáy, chắc cũng có phần khốn khổ như thái giám thời xưa, nó được cái xác ú nụ, nhưng sao lại không nhận ra tiếng gáy nhiều khi cần thiết hơn miếng thịt gà? Chuyện bọn thái giám trong các triều đại phong kiến xưa cho thấy con người khi bị làm cho bất bình thường thì dễ biến thành những thầy dùi, nhưng kẻ xu nịnh mất nhân cách. Bây giờ quanh quẩn xó nào của xã hội cũng thấy những con gà trống thiến! Những con gà đấy đâu có tự sinh, người ta tạo ra nó đó thôi. Kẻ mất lương năng khác chi gà bị thiến? Nghĩ một con gà trống thiến sẽ không còn là gì trước những bạn gà khác phái, thấy tội cho chúng. May mà con gà hàng xóm đã được cứu khỏi đại nạn. Và nó lại vừa gáy. Chờ hàng xóm mở cửa, sẽ sang cho nó một nắm gạo và cám ơn người chủ.
    Thế và cám ơn trời đã cho con người những giờ khắc tinh khôi của buổi đầu ngày. Cảm giác sạch sẽ tinh tươm và có chút hưng phấn này tôi có được ngay cả trong những tháng năm ở trong trại cải tạo.
     Lúc ấy, kể cũng lạ, giờ hồi tưởng lại thấy những ngày đó đúng là có nhớ cuộc sống tự do bên ngoài nhưng thật lòng là tôi, dù nóng nảy nhưng không có gì tuyệt vọng trước một ngày ra trại. Càng không nghĩ người ta có thể cầm giữ chúng tôi kiểu “mút chỉ cà sa”. Bình thản chờ, và điều nghĩ đến là khi ra sẽ sống thế nào  trong một xã hội đã lật nhào tận gốc rễ, cuộc đời mình cũng giống như sau một cơn bão. Vào những giây phút ấy, thường chép miệng kiểu triết lý vụn…không ai chết đói dưới gầm trời này. Thế cho nên tôi vẫn có cảm giác trong lành thư thái của những sớm mai khi thức dậy trong trại, ban đầu theo tiếng kẻng, theo đồng hồ sinh học và tâm tư thao thức của từng người, và về sau là theo tiếng gà gáy.
     Chẳng là, trong một dịp về an táng đứa con 3 tuổi qua đời, thấy mấy đứa còn lại quá nhỏ mà cũng vì cần tìm một cái gì đó để nuôi cảm giác mình vẫn ở trong nhà nên tôi đã lén mang một ổ gà đang ấp vào trại để nuôi. Con gà mẹ ấp ra mấy chục gà con, mẹ con nó sống nhờ thức ăn của hàng trăm người cùng cảnh ngộ với chủ nó. Một thế hệ gà lớn lên rồi vài thế hệ gà nối nhau ra đời, chúng lại được lén ra trại từng đợt về với các con tôi qua một người lính canh tốt bụng. Anh ta không hỏi gì, cũng có vẻ như thông cảm hoàn cảnh của chúng tôi mà đã nhiều lần đích thân mang những con gà đựng trong bao cát về cho gia đình tôi ở cách trại không xa và từ chối mọi món quà mà gia đình tôi tặng. Cảm lòng tốt của anh lính, vì tôi biết nếu bị phát hiện thì hành động lén giúp một người cải tạo sẽ mang lại hậu quả phiền phức không tốt cho anh, khi được ra trại tôi đã cố tìm anh nhưng chỉ biết một chút là anh ta đã được đưa ra chiến trường Tây Nam đánh nhau với Khmer Đỏ rồi không có tin gì nữa. Trong một phần triệu của sự may mắn, anh lính ngày nào đọc được mấy dòng này sẽ biết những con gà ấy- và chính là cả anh- đã giúp tôi giữ được cái “tôi” qua được những ngày thọ nạn. Và tiếng gà gáy lảnh lót đã chui tận vào lòng tôi!  
      Có tiếng gà gáy sáng, có tiếng gà gáy trưa khá lãng mạn ngay giữa những con người đang tạm bị tách ra khỏi cộng đồng là vì thế. Sáng sớm, tiếng Ò ó o o của chúng được anh em dịch thành…“tập thể dục đi” nghe cũng ổn ổn. Giờ nhớ lại, tôi không biết ngày về của mình trải qua mấy thế hệ gà như vậy, nhưng tôi nhớ rất rõ tiếng gà và con gà mẹ dắt con đi ăn trong trại cải tạo đã giúp tôi có những công việc lặt vặt ngoài giờ lao động, như chăm sóc mẹ con chúng một góc nhỏ có mái che yên ấm, không có lúa nhưng có cơm rơi, một ít rau muống rải cho chúng. Những khi buồn và cảm thấy lạnh lòng cô đơn tôi thường lùa bàn tay vào cánh con gà mẹ tìm hơi ấm từ nó. Những lúc đấy con gà như hiểu ý chủ, nó nằm im và dường như người nó tỏa ra hơi ấm nhiều hơn để san sẻ bớt cho tôi. Lâu lâu sợ nó chán ăn cơm tù, tôi đã đào trùn cho mẹ con, bà cháu nó có chút chất đạm.
     Một lần bỗng nhiên mất con gà mẹ, lòng tôi buồn thương không kể xiết, có một chút áy náy với lũ con ở nhà, lại thương cho con vật đã theo tôi vào đây mà không có ngày về. Bẵng một thời gian, khi cái buồn đã tạm nguôi thì một sáng con gà mẹ dẫn bầy con mới nở về, mẹ con chúng đến đúng gốc cây trứng cá cạnh chỗ tôi nằm, con mẹ cục cục lớn hơn lệ thường. Chạy đến đón nó mà lòng vui hơn cả tin được ra trại. Trong hoàn cảnh "gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu đời đắng cay” như thế, sự trở về của một con vật khiến lòng ấm áp biết bao nhiêu. Thì ra con gà nổi hứng ngại chỗ đông người đã tìm một bụi cây để đẻ và ấp trứng, khi mẹ tròn con vuông thì nó nghĩ đến tôi, không bỏ rơi con người cô đơn yêu thương nó trong hoàn cảnh mà chắc nó cũng hiểu và chia sẻ.
    Thế cho nên, giờ đây rất xao động với tiếng gà sáng và trưa. Kể cả những ngày làm việc ở Sài Gòn chợt nghe được tiếng gà thành phố đâu đó quanh những khối bê tông cũng ngẩn ngơ lắng nghe như đánh thức một nỗi niềm, không mang nhiều tính kỷ niệm mà đơn giản chỉ như một tâm trạng trước một thứ đang có thể bị tuyệt tự.
    Tất nhiên thịt gà là thức ăn tuyệt hảo nhưng còn tiếng gà nữa chứ? Ăn con gà biết gáy là ăn cả cung bậc trầm bổng mẫn cán của một âm thanh trầm bổng rất bài bản mà ngọt ngào vô tư lự giữa hồn người và làng quê VN.




4 comments:

  1. Đôc bài nầy tôi mới hiểu tâm tư người cải tạo thật cô đơn.Cám ơn nhà thơ.Anh rất đa tài

    ReplyDelete
  2. Kính chào thầy Cao Thoại Châu,
    Chào bạn Võ Linh,
    Tôi đọc bài này lại cảm giác là nhân vật chính không cô đơn, vì trong hoàn cảnh đó anh vẫn nhận được tình người.
    Và cả tình...gà. :)

    ReplyDelete
  3. cám ơn bạn CatVan (hay Cát Vân), đúng như bạn nhận xét, nhưng ngày đó tôi được ấm lòng nhiều nhờ...tình gà! và tình của anh lính cảnh vệ nữa.

    ReplyDelete
  4. Chào thầy,
    CV là học trò thầy Chân Diện Mục nên cũng xin được gọi thầy là thầy.
    Hồi nhỏ mấy anh em em cũng nuôi gà, là anh Lộc anh kế em ảnh nuôi toàn gà tre, gà trống tre rất đẹp và mấy con gà mái hiền lành thì đẻ trứng nhỏ tíu thôi mà tụi em thương tụi nó lắm, nuôi tới già không nỡ ăn thịt.
    Em thấy ở đâu cũng có người tốt, người xấu và chắc là xui lắm mới gặp toàn kẻ xấu.

    ReplyDelete