* Cao Thoại Châu
Tôi không biết mặt cả ông nội lẫn ông ngoại. Hai con người để lại hai cơ ngơi to mà khác nhau này đã không còn khi tôi sinh ra. Tới tuổi có trí khôn, nhìn thấy hai cơ ngơi hai phong cách ấy, tôi cũng hình dung được hai người ông lớn cỡ nào. Riêng ông nội, gom góp những gì mọi người trong làng kể thì đó là một nông dân ít học, hiền từ, cần mẫn và sống kham khổ ngay cả khi đã giàu có. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ nếu ông đừng mất sớm khi mới ngoài 50 thì cuộc đời tôi đã khác. Hai người anh con bác cả tôi được ra Hà Nội học đến nơi đến chốn là do sắp đặt của ông nội. Ông có dành hơn chục mẫu làm ruộng học điền giúp con cháu học hành, đủ biết ông tôi không muốn đời các cháu tiếp tục phải nhúng chân trong bùn sau lũy tre làng.
Dinh cơ ông nội tôi để lại cho các bác và cha tôi là những dãy nhà dài song
song, lợp ngói dùng làm nhà ở đồng thời có thể chứa thóc lúa. Một căn nhà lầu sàn
bằng gỗ, mặt tiền đắp hoa văn họa tiết cầu kỳ là nơi tiếp khách. Ngăn những dãy
nhà là 3 cái sân gạch rộng, tạo ra một không gian mặt tiền tách khỏi khu sinh
hoạt riêng cho gia đình phía sau. Đó là phần của cha tôi, ông bác cả ở một khu
khác kề bên có kiến trúc Tây hơn ăn thông với gia đình tôi bằng một cổng không
có cánh, nhờ vậy mà bước chân tôi thả dài trên đất của ông nội để lại.
Ông ngoại tôi ở một làng khác không xa lắm nhưng khác huyện- huyện Xuân
Trường tỉnh Nam Định. Những người dân xã Kiên Hành thuộc huyện quê tôi từ khi
có đổi mới đã tái lập, trùng tu miếu thờ thần hoàng làng bị đập thời cải cách
ruộng đất vào những năm 1956. Và người được thờ đó chính là ông ngoại tôi,
người đã đưa dân đến đây lập ấp dựng làng từ thế kỷ 19. Ngoại tôi có hai bà,
khu nhà ông ngoại để cho các bác toàn là nhà xây, nhìn ra một con kinh bé có bờ
kẻ bằng xi măng rất sạch và gọn gàng có những chiếc cầu gạch cong cong. Bên kia
con kinh là khu của bà ngoại tôi, cũng gọn gàng ngăn nắp nhưng là nhà nhỏ. Hai
cơ ngơi cho thấy vai vế của hai người phụ nữ là vợ của ngoại tôi. Mẹ tôi là con
bà hai nên dù lâu lâu mới về bên ngoại nhưng tôi nhận ra sự khác biệt khó nhận
ra này. Cho đến ngày lên thành phố và đi hẳn, tôi chỉ được về quê ngoại vài
lần, sau này khi đọc "Quê
ngoại" của Hồ Dzếnh tôi
thấy mình quá thiệt thòi.
Không có ông nội ông ngoại, bà nội rất có ảnh hưởng đến tôi dù thời gian sống
trong gia đình của tôi không nhiều lắm. Khoảng 12 tuổi tôi đã xa quê và từ đó
không trở về nữa. Khi tôi đi, cả hai bà nội ngoại đều còn sống và đã già.
Bà nội tôi hưởng huê lợi từ ruộng của ông tôi để lại, căn nhà nhỏ bà ở chung
sân với gia đình tôi nhưng khác bếp, bà có người ở chăm sóc không phải cậy tới
con cháu. Tôi còn nhớ đó là một phụ nữ lưng còng, đi lại bình thường nhưng bà
tôi phải cầm theo cây gậy. Đội nón nồi rang rộng vành, mặc váy, cho biết bà tôi
thuộc thế hệ nào. Cái niêu cơm bằng đất của bà tuy chỉ một người nhưng khá lớn
vì con cháu, nhất là tôi thường là khách thường trực của bà. Đồ ăn ngon, được
thương yêu đặc biệt của người bà vốn ít nói, dịu dàng nên cứ đến bữa tôi hay
liếc qua cơm nhà mình thấy không thích là sang nhà bà nội. Bà rất thương tôi vì
hình như bà biết tôi là đứa cháu bị cho là cứng đầu cứng cổ, khó thích hợp với
khuôn phép gia đình, ham ăn ngon, bạ đâu ngủ đó và hay phản ứng cứng trước
những đòn roi vì thế mang tiếng là khó dạy so với anh tôi. Không chỉ là chỗ cho
tôi những bữa ăn, bà còn là nơi tôi tỵ nạn khi bị đòn.
Ngày tôi đi theo một người buôn hàng chuyến từ quê là vùng Việt Minh lên tỉnh vùng
do Tây quản lý, bà nội biết nhưng không ngăn cản dù phải xa đứa cháu trong khi
tuổi bà không còn bao lâu nữa. Sau này nhớ lại, tôi hiểu bà buồn nhưng không
muốn cho tôi lớn lên ở vùng quê này, mà tôi cần một tương lai xây nên bằng con
đường học hành. Tôi còn nhớ, sáng đó khi ra bến đò để đi theo người hàng xén,
tôi chỉ rất buồn có một nỗi là phải xa bà nội, mọi thứ khác không có tiếng nói
trong lòng tôi khi ấy. Nhưng còn nhỏ và thói quên miền quê, tôi đã không làm
được như sau này hối tiếc là ôm lấy bà, nói một câu gì đó. Từ ấy tôi không còn
gặp bà nội hiền từ và luôn có rất nhiều quà bánh của tôi nữa.
Sau này, khi thống nhất có người trong gia đình, trong làng từ Bắc vào tôi mới
biết về những năm cuối đời của bà nội. Bà vẫn khỏe dù lưng đã còng nhiều, thời
gian cải cách ruộng đất người ta mang bà tôi ra trước dân để chờ dân kể khổ,
nhưng không một ai có những lời có hại hay xúc phạm bà nội tôi, đủ biết bà là
người nhân đức như thế nào. Nhưng cuối cùng chính quyền xã cũng bắt bà tôi ra
quét chợ, không biết là hình phạt hay là “cải tạo lao động” dành cho giai cấp
địa chủ? Người làng tôi kể rằng những ngày như thế (cũng chỉ có mươi ngày) thì
người mõ làng thời trước đều ghé chỗ bà làm, nói oang oang một câu gì đó “đúng
quan điểm” nhưng lặng lẽ trao cho bà nội tôi một gói đồ ăn hay quà bánh. Ông
mõ, cầm chổi vừa quét vừa la bà tôi phải làm như như vầy như vầy, thực ra thì
đó là cách ông ấy quét giùm bà tôi để bà sớm về nghỉ.
Chuyện những người làng vào kể khiến tôi có thêm suy nghĩ đầy đủ hơn về bà nội
mình. Bà tôi hiền lành nhân đức, và ông mõ vốn xưa kia là người ở thang bậc thấp
nhất trong làng nhưng khi được “thoát” khỏi thân phận ấy lại bộc lộ nguyên hình
một tâm hồn nhân hậu có trước có sau.! Trái tim nhân hậu của bà nôi tôi từ bao
giờ đã gieo vào con người ấy, và ông mõ giữ nó thắp nó lên trong tình huống
người ta mang ra phủ dụ để kích động sự thù oán cấu xé nhau vốn không phải là
tất yếu giữa những người giàu với những người nghèo. Hận thù không phải bản
chất con người, nó bị gieo vào và những tâm hồn chất phác như ông mõ là nền xi
măng không thế nào hạt gieo xuống nảy mầm ra được!
(Viết để nhớ
ngày giỗ bà nội)
ReplyDeleteĐọc bài Bà Nội Tôi của CTC làm tôi nhớ thời 45 tản cư. Tuy quê Nội và quê Ngoại cách nhau không hơn 10 km,nhưng gia đình tôi chọn quê ngoại để tản cư.Tôi cũng không biết lý do tại sao bất cứ chuyện gì cũng lấy quê ngoại làm đầu còn quê Nội ít khi được nhắc tới.
BLG
Người ta nói " Tấn về nội , thối về ngoại " . Tản cư là bỏ của chạy lấy người thì rỏ ràng là phải ... dìa ngoại rồi .
ReplyDeleteÔng BLG chịu chưa ?
YT
Mới nhận được từ Cô Tố Lang tập thơ " Mời Em Uống Rượu " của Thầy Cao Thoại Châu . Thật bất ngờ và hân hạnh !
ReplyDeleteVì không biết email của Thầy , tôi mượn trang nầy để cảm ơn Thầy , và cảm ơn Cô Tố Lang đã gởi cho tôi .
Trân trọng
Y Tả