___________
Mặc Nhân
Năm 1944, tôi ra sư phạm
tỉnh Mỹ Tho cùng với 19 nam và 6 nữ đồng nghiệp. Thời gian học hai năm chung
trong khóa sư phạm đã tạo cho chúng tôi một tình bạn thắm thiết giữa người nầy
và người kia, không phân biệt.
Ra
trường tôi được bổ đến một trường bên hữu ngạn sông Tiền còn nàng bên kia tả
ngạn. Khi còn học chung, tình bạn học thân thương và ai cũng nghĩ vậy, nhưng
khi xa nhau rồi mới tự hỏi có phải tình bạn hay tình yêu ? Tự hỏi rồi đâm ra
tiếc, tiếc rồi thương, thương rồi nhớ, nhớ rồi yêu…
Ngày xửa
ngày xưa, đường lộ giao thông còn nhiêu khê lắm. Nhớ chuyện đời xưa có nói tình
yêu phân cách chỉ một con sông Tương chàng đầu sông nàng cuối sông. Còn thời của tôi không
có sông Tương, nhưng cũng phải mấy chặng đường xe ngựa lộc cộc, hai ba con
đò chòng chành sóng gió
để có thể gặp người trong mộng.
Hơn nữa
bận với công việc dạy dỗ làm sao mà mấy
sông cũng lội mấy đèo cũng leo thôi thì đành... thả lá đề thơ. Thơ tình thì
dễ rồi chỉ tốn nửa giờ viết lách bay bướm hoa lá cành, thấm một chút dầu thơm hiệu Chiều Paris (Soir de
Paris) dán 2 xu tiền cò, bỏ vô thùng thơ nhà dây thép
là xong. Chỉ còn ngồi chờ... tin nhạn hồi âm chớ không dám nói chờ sung rụng.
Rồi thì
sớm tối trưa chiều cứ ngong ngóng đón anh trạm của nhà việc trong làng hỏi thăm
có thơ không. Ngày nào cũng hỏi, thét rồi anh trạm thấy thương hại bảo: Thầy đừng nóng, có là tôi đem liền cho thầy
mà! Thằng cha trạm nầy có viết thơ tình lần nào đâu mà nóng với hổng nóng!
Ngày qua
ngày, tháng qua tháng…mỏi mòn con mắt, dù mối tương tư chưa đến đổi làm cho bạc mái đầu, nhưng bức thư hồi âm trông đợi lại biền biệt tăm hơi. Cuối cùng nghĩ là mình
bạc phận không được người ta thương. Rồi lại nghĩ dù không thương cũng phải
viết một bức thơ an ủi chớ! Ai lại vô tình đến thế. Thời gian là liều thuốc an
thần tốt nhất…tuy nhiên lòng cũng mgậm ngùi thương hại cho chính mình không có
số đào hoa.
Đời
người chưa chấm dứt là vở kịch đời chưa kết thúc và bức thơ tình của tôi cũng
vậy. Ngày…tháng…năm 2004, nghĩa là đúng 60 năm sau ngày bức thơ tình đầu tiên
của tôi gởi đi mặc cho tôi trông đứng trông ngồi bức thơ hồi âm không bao giờ
có. Tuổi
đã về chiếu không còn hơi sức đâu mà nhớ bức thư tình bị xếp xó nữa. Thì hôm nay đang ngồi ngoài sân vừa đếm lá vàng rơi rụng, vừa nhổ mấy
sợi râu mọc vô trật tự, thì chợt có một
người khách nữ vào
nhà tự giới thiệu là từ bên Úc về, đến thăm.
Tôi ngờ
ngợ nhìn
người khách, cố moi trong ký ức để nhận ra người khách lạ nếu
không nhận ra sẽ bị cho là vô tình vô nghĩa. Nhưng bộ nhớ của tôi không bì với
bộ nhớ của Gu-gồ, nên tôi vẫn ngẩn tò te ra đó.Khách
vẫn nhìn tôi, cười mà không nói, tôi nhìn khách mà bối rối tâm can. Cuối cùng
khách hỏi tôi:
-Nhớ ai
hôn?
Tôi mở
tròn đôi mắt, nói mở tròn cho nó lãng mạn một chút chớ thật sự là đôi mắt tôi còn tròn trịa gì nữa, mà không
đáp được. Đợi cho tôi nhìn khách như van lơn, khách mới thân mật nói:
-Trần Thị
Ánh nè.
-Trời!
Tôi chỉ
biết kêu Trời và nhìn trân trân người con gái mà tôi đã gởi bức thơ tình đầu
tiên mà chỉ đáp lại bằng một sự im lặng phũ phàng. Nỗi hận lòng qua 60 năm vẫn
còn trong lòng nên tôi quên mời khách ngồi, quên lấy nước đãi khách, quên cả hỏi thăm gia cảnh.
Chừng
lấy lại bình tỉnh, tôi mới hỏi và được biết người bạn đồng khóa, người bạn đồng
nghiệp, người yêu trong tâm tưởng nay đã là góa phụ và đã là bà ngoại, bà nội
sắp lên bà cố hiện đang định cư tại Úc về thăm quê hương…chợt nhớ đến tôi nên
tìm đến thăm tôi.
Tôi vẫn
còn ấm ức về sự vô tình của người bạn cũ nên cuối cùng không dằn được, tôi hỏi:
-Khi ra
trường đi dạy, Ánh có nhận được thơ tôi không?
Không đợi
khách trả lời, tôi tiếp với giọng còn hờn dỗi một chút:
-Làm gì
mà tệ dữ vậy, không thèm trả lời người ta một tiếng. Có chê có ghét thì cũng
viết vài chữ chớ. Làm người ta trông lên trông xuống.
Khách
nhìn tôi cười chúm chím và còn trêu chọc tôi:
-Rồi sao,
thất tình phải hôn? Sao không đi tu? Hay nhảy xuống sông tự tử?
Thấy tôi
hầm hầm muốn nổi giận, khách dịu giọng nhìn tôi:
-Anh biết
hôn, được thơ anh, liền ngày chúa nhật đó, tôi đi qua Vang Quới để tìm anh, khó
khăn lắm mới đến được nhà anh ở trọ. Nơi đây chị chủ nhà nói anh về Mỹ Tho. Tôi
định chờ anh, nhưng chỉ bảo không biết anh có về sớm không. Nhưng tôi vẫn chờ.
Nói đến
đây, khách nhìn tôi và dường như trong ánh mắt có cái gì đó như trách móc.
Khách nói tiếp:
-Ngồi chờ
anh nơi nhà chị chủ nhà, tôi nói tôi là cô giáo bạn của anh đi thăm anh vậy
thôi chớ... tôi vói ảnh hổng có gì hết. Chị chủ nhà nghe vậy mới kể cho tôi
nghe về anh nhiều chuyện nghe
phát ghét lắm.
Nói đến đây
khách háy tôi một cái rồi kể tiếp:
-Chỉ nói
nào là anh còn trẻ, bảnh trai mấy ông làng ai cũng muốn gả con gái cho anh, mấy
cô trong giồng trong rẩy gì đó cũng vậy đi ra đi vô ngó vô trường kiếm anh
hoài.…Mà coi bộ anh cũng khoái lắm. Chúa nhựt thứ năm nào anh cũng đi luồng
tuông vô trỏng...hổng biết làm cái giống gì ở trỏng.
Đó, anh
coi nghe thấy ghét hôn! Tôi nghe chị chủ nhà nói xong, xách dù bỏ đi về
một nước, cầm theo luôn ổ bánh mì lạp xưởng mua ở chợ Mỹ định đem qua cho anh.
Khách
nói với tôi xong, nhìn tôi cười:
-Cũng
may! Nếu bữa đó gặp anh, chắc hổng biết bây giờ đời tôi ra sao đây.
Nghe
xong, tôi vui vẻ khác thường vì bức thơ tình 60 năm mới được hồi âm, mới được
giải mã, nên tôi cũng cười, nhìn khách với lòng tự ái được vỗ về và bắt chước
cổ nhân triết lý ba xu với người yêu hụt một chút:
-Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện......
-Thôi ông ơi! Cở ông bây giờ chuẩn bị mua vé tàu suốt là vừa rồi còn ở
đó.....mà hữu duyên với vô duyên.
Đưa
khách ra cổng về, khách nói với tôi:
-Đừng
viết thơ cho tôi nữa nghe ông! Mấy đứa cháu nội cháu ngoại, chúng kè kè bên tôi
hoài.
Tiễn khách ra cổng, gió thổi bồng
mái tóc bạc trắng của khách, tôi buộc miệng nói thầm:
-Viết làm chi nữa.....bà ơi!
ReplyDeleteViết bài nầy rất hay,rất vui nhe sư huynh. Cũng đúng lúc tôi có một ông bạn cũng giống hệch sư huynh vừa được cô bạn thân yêu 40 năm về trước tìm gặp.
Khi biết là người tình 60 năm trước sư huynh có cà lăm không:
Ánh.....Ánh ....Ánh ....đó....đó ...hả?
Thôi thì sư huynh cũng thoả tình hả dạ rồi phải không?
BLG
Ôi ! Sao mà đệ tử hố hoài vậy không biết nửa ? Đọc bài viết của SƯ THÚC TỔ chắc đệ tử phải cầu cứu các vị sư thúc sư bá chỉ cho vài chiên để mà tập viết văn lại . Hay là sư thúc tổ làm ơn chiếu cố cho đệ tử vài chiêu đi ,để đệ tử viết cho bạn bè xem chơi cho tụi nó lé mắt .
ReplyDeleteBLG ơi, Hả dạ vì nỗi hận làng đeo đẳng 60 được giải toả còn cà lăm thì không, Miệng mòm móm xộm, răng cỏ như hàng rào thưa còn đâu mà cà lăm. MN
ReplyDeleteCác văn thi sĩ đa số là viết những chuyên ...lãng mạn, bay bướm, triết lý v...v...nhưng chưa dám viết sự thật "tội lỗi" của mình. Nói nhiều sẽ đụng chạm, xin phép dừng lại
ReplyDeleteEm nghĩ thầy quá là may mắn còn được người trong mộng trở về để giải tỏa nổi ấm ức của ngày xưa, mà lỗi là ở thầy.....hihihi.... Em thấy mọi chuyện tình sau 60 năm, người ta chỉ im lặng, hoặc tệ hơn nửa là người ấy đã ra người thiên cổ rồi.....Chúc thầy và gia đình có long weekend vui vẽ. bc
ReplyDeleteThầy ơi thầy
ReplyDeleteThầy viết thật hay.. mạch lạc hấp dẫn, tự nhiên.
Bài viết của thầy khiến con hết mặc cảm bởi trên có các thầy , dưới có học trò
Khi thầy tốt nghiệp ra trường lúc đó con còn chưa ra đời. Vậy mà bây giờ con đang... sắp lẫn!
Thầy cao niên mà còn sáng suốt minh mẫn thật là phúc báu, hiếm thấy. Tuyệt vời
Chúc thầy luôn vui khỏe, nhiều cảm hứng viết cho đám hậu sịnh được thưởng thức
KQ
Cám ơn em KQ. Không phải thầy - thầy trên danh nghĩa như TL đã gọi - ham khen nhưng những lời chân thậtcủa em khiến thầy còn ham sống để viết cho em. Văn thầy không hay không chảy chuốt như viết bằng trí óc mà văn thầy viết bằng con tim nên mộc mạc quê mùa.MN
ReplyDelete