___________
Mặc Nhân
Tặng
tác gỉả MVN nhân đọc Túc Cầu & Đệ nhất ngu
MN
Năm 1944 tôi ra Sư phạm tiểu học
được bổ về vừa làm trưởng giáo vừa dạy hai lớp hổn hợp Đồng ấu và Dự bị tại
trường Sơ cấp làng Vang Quới tỉnh Mỹ Tho. Bấy giờ dưới thời Pháp thuộc, nền học
vấn của Việt Nam còn phôi thai lắm. Thậm chí có làng chưa có trường học. Do vậy
tôi về một cảnh quê mà mọi hình thái dưới mắt tôi sao mà nghèo nàn, sao mà heo
hút. Ngôi trường chỉ có một gian lợp ngói âm dương chỗ lành chỗ lũng, nắng rọi
xuống thành những bóng hột vịt đều đặn vui vui, những tấm vách bổ kho ván dầu
quá tuổi, nên vào giờ trưa thầy và trò đang buồn ngủ nghe tiếng mọt kéo gỗ êm
tai. Lúc tôi đến nhận nhiệm sở, thầy trưởng giáo trước có bàn giao cho tôi một
cái đồng hồ ré để coi giờ đánh trống ra vào. Cái đồng hồ ré nấy đã quá cũ nếu
ngày nay tôi giữ lại có thể bán cho các anh chơi đồ cổ sẽ được giá lắm.
Thế đấy, một nhà giáo trẻ như tôi
ngoài việc đem chữ nghĩa cho bọn trẻ con trong chốn đồng quê hẻo lánh, tôi còn
hãnh diện là đem đến nơi đây một ánh sáng văn minh cho sinh hoạt có giờ giấc,
nề nếp chớ không thể nào sống theo nhịp gáy của con gà trống cồ hay tiếng gọi
nước lớn nước ròng của con quốc lẻ bạn. Nhưng cái việc...làm nghĩa gián tiếp
nầy đã vô tình đưa tôi đến một ngày kia bị “phá sản”.
Số là như tôi đã nói, khi đến
nhận cái di sản của ngôi trường ọp ẹp nầy tôi cũng được giao một cái đồng hồ ré
có lẽ hồi ngôi trường mới “chào đời” nên nó cũ rích cũ rang. Do vậy nó phục vụ
cho trường khi tôi “nhậm chức” chỉ trong vài tháng là mặt kiếng bể, chuông hết
ré, kim hết chạy...vì mỗi ngày mấy đứa học trò của tôi sáng xách vô trường,
chiếu xách về nhà....lắm khi quánh lộn với nhau, “nó”, cái đồng hồ tội nghiệp của tôi bị văng lên
văng xuống mấy lần.
Trường học mà không có đồng hồ
thì làm sao giờ giấc học tập có nề nếp, ngoài ra những bà nội trợ trong xóm đâu còn điều kiện thể hiện được tính đảm đang và
nếu để vậy tôi tự đánh mất tư cách cao cả của một nhà sư phạm lẫn một người có
công đóng góp văn hoá cho xã hôi.
Đồng hồ hư, tôi nhớ câu thứ nhất “ngộ
biến phải tùng quyền” câu thứ hai “cái khó nó bó cái khôn”. Thế là tôi phát huy
cái khôn của tôi là tự tay tôi làm một cái...đồng hồ theo thầy tôi dạy khi còn
đi học tiểu học. Đơn giản là một miếng cạt-tông hình tam giác vuông, gắn trên
một bảng cây mỏng có phân khoảng tương ứng từng giờ mà tôi dày công đem ra giữa
trời canh bóng nắng khắc vào. Chiếc đồng hồ của tôi khá chính xác trong những
ngày đầu nhưng, điều nầy thì tôi dốt đặc, dần dần mặt trời theo vận hành chuyển
hướng theo bốn mùa trong năm nên xê dịch, khiến cho các khoảng ghi giờ của tôi cũng sai bét.
Tôi thì không biết “cái ngu” của
mình nhưng thím Ba Mẹo vợ ông trùm trong làng thì biết. Một hôm thím đến cằn
nhằn tôi: “Thầy giáo ơi, thấy báo hại tụi nầy quá”. Tôi hỏi lại: “Thím Ba, vụ
gì vậy thím Ba”. “Tôi tin thầy hễ tan học chiều là tụi tôi dọn cơm cả nhà ăn.
Mà hổm rày giờ khắc của thầy gì đâu mà tan học, tôi dọn cơm chiều cả nhà ăn rồi mà hổng thấy tối. Vậy mà mới đỏ đèn là tụi nầy đói bụng quá trời. Thầy
coi lại cái đồng hồ “mắc dịch” của thầy coi.”
Cái đồng hồ do thành quả sáng tạo
của tôi không những gây cho tôi nỗi bẽ bàng nầy mà thôi đâu, còn thêm một
chuyện nữa. Và chuyện nầy là chính đề của bài: “Ở đời có mấy cái ngu?”
Số là, chiều thứ bảy, buổi dạy
cuối cùng trong tuần để về quê thăm nhà, coi giờ qua cái đồng hồ tự chế đó, tôi
cho tan học vội vàng đạp xe đạp dong rỗi đường trường. Đường xa, nên có “ăn
trộm” – từ nầy tôi ăn cắp trong Pháp văn - giờ học trò một chút rồi lại coi giờ cái đồng
hồ “mắc dịch” theo lời thím Ba Mẹo đó, Cho nên giờ tan học lẽ ra phải là 5 giờ
nhưng vì hai yếu tố chủ quan và khách quan đó, nên nếu chính xác chắc chừng 3
giờ. Cũng không sao, học trò con nít đâu có biết gì, được về sớm phá làng phá
xóm càng vui, còn bà con phu huynh cũng thông cảm cho nhà thầy của con mình ở
xa về sớm một chút thăm nhà, cũng có sao đâu.
Nhưng cái về sớm nầy lợi hại đâu
chưa thấy, chỉ biết khi tôi đạp xe rời trường Vang Quới chừng 3 cây số đến ngả
ba Thới Lai, một làng liên ranh với Vang Quới, thì một anh chàng áng chừng là
cầu thủ đá banh, áo may-dô xanh dương, quần sọt trắng...đi... chân không, đón
tôi lại: “Thầy giáo ơi, bữa nay đội banh làng mình đá với đội Thới Lai. Tới giờ
rồi mà chưa có ạt-bít. May quá thầy làm ạt-bít giùm tụi nầy đi.” Lúc đầu tôi do
dự nhưng máu anh hùng nổi lên tôi mạnh dạn nói “Được thôi”.
Thế là chẳng mấy chốc tôi trở
thành một ạt-bít chánh hiệu, cũng may-dô, cũng quần sọt, cũng tu-hít trên tay
dõng dạc ra sân. Đồng xu bảng quăng lên chọn sân rồi a lê hấp “hoét” tiếng
tu-hít vừa chấm dứt, bóng lăn, khán giả hai đội reo hò cổ động cho đội nhà vang
dội mà tôi cứ tưởng họ hoan hô ạt-bít nên chạy lên chạy xuống theo đường banh
muốn hụt hơi.
Thật là kỳ phùng địch thủ, cả hai
đội đều có những cuộc tấn công sắt bén nhưng những trái banh sút vào gôn đều nhắm
vào một con chim vô hình nào đó hoặc thay vì đá vào gôn cho thủ thành bắt lại đá
chạy toẹt ra hai bên rớt xuống ao. Phải có người lội xuống lượm lên cho cuộc
đấu được tiếp tục. Hết 45 phút, nghỉ giải lao. Tôi giữ thế, không đến nói
chuyện với đội nào nhất là đội Vang Quới của tôi, vì sợ bị cho là thiên vị, hay
bán độ.
Hiệp hai bắt đầu, tỷ số vẫn 0-0. Chiến
thuật hai bên vẫn không thay đổi, kẻ đá lên người đá xuống xem chừng các cầu
thủ đều mệt mỏi về thể chất nhưng tinh thần ham muốn thắng trận thì không mệt
chút nào.
Cho nên trong khi tôi áp cận với
anh thủ quân đội Vang Quới để can thiệp một pha gay cấn thì anh nầy nói nhỏ qua
tai tôi: “Thầy kiếm cớ phạt tụi nó một cái đi thầy”. Tôi kín đáo ra dấu “Được
rồi”.
Thế là nhân một cuộc tấn công của
đội Vang Quới vào vùng cấm địa của đội Thới Lai có một pha tranh chấp không có
gì trái phép, tôi dõng dạc....hoét hoét....chỉ vào chấm phạt đền : pê-nanh-ty “nớp”
mét – sân nhỏ nên mức phạt đền chỉ có 9 mét – cho đội Vang Quới mặc cho cầu thủ
Thới Lai phản đối ra mặt. Tôi cương quyết, mặt lạnh như tiền, ra lịnh cho cầu
thủ Vang Quới đá cú pê-nanh-ty. Hoét...trái banh oan nghiệt nằm gọn trong lưới.
Tiếng vổ tay hoan hô, tôi nghĩ là của cổ động viên Vang Quới, quá nhiệt liệt nhưng
với tôi đồng nghĩa là một lời cảnh báo về phía cổ động viên Thới Lai.
Chỉ còn lối 5 phút là hết giờ,
tôi nhìn ánh mắt của cầu thủ Thới Lai nhìn tôi, tôi biết tôi phải làm gì để chuộc
tội. Cho nên khi đội Thới Lai tấn công đội Vang Quới trong vùng cấm địa, tôi
kiếm chuyện thổi pê-nạnh-ty cho Thới Lai. Nhưng số phận an bài, trái banh gở
huề của Thới Lai cũng là trái banh cứu mạng tôi lại bay bổng lên trời.
Tiếng còi tan trận của tôi sao nhẹ
hều. Đội Vang Quới chạy lại định cồng kênh tôi lên để ăn mừng, tôi chạy trốn
kiếm chỗ thay bộ đồ at-bít rồi phóng xe về nhà. Lên xe rồi tôi còn nghe đội
Thới Lai gọi vói theo “ Thầy giáo ở lại ăn cháo gà”. Tôi càng phóng xe chạy
nhanh hơn.
Chúa nhựt về quê chơi mà không
thấy vui vĩ nghĩ rắng thứ hai đạp xe xuống trường dạy lại phải đi ngang ngả ba
Thới Lai, cái ngả ba có nhiều ân oán. Nơi đây chắc chắn chắn có người tiếp đón.
Đúng vây, vừa quẹo cua thì trong
một quán cà-phê có tiếng mời: “Thầy giáo, mời thầy uống cà-phê”. Chẳng đặng
đừng, tôi đi vào mà lòng dạ không an. Trước mặt tôi là ly cà-phê sửa đãi khách
nóng hổi, còn chung quanh lá các cầu thủ đội banh Thới Lai lạnh lùng. Không khí
ngột ngạt, không ai lên tiếng. Ly cà-phê vẫn im lặng chờ tôi. Cuối cùng anh thủ
quân đội Thới Lai nói: “Thầy giáo bữa đó chơi hổng điệu. Gặp người khác thì....
lần sau...”. Anh bỏ lửng không nói tiếp nhưng tôi cũng không muốn nghe đoạn
tiếp, ba chân bốn cắng kiếu từ, xách xe về trường, miệng lẫm nhẫm: “Không đời
nào có lần sau và cũng không bao giờ làm ạt-bít nữa”.
Từ đó về sau với câu: “Ở đời có
bốn cái ngu”, tôi tự động sửa lại: “Ở đời có... năm cái ngu. Làm mai, lãnh nợ,
gác cu, cầm chầu... và làm ạt-bít”
Cảm ơn Thái Sư Ca đã có ngẫu hứng viết bài tặng ngu đệ.
ReplyDeleteVậy là Thái Sư Ca và Đại Sư Ca BLG cũng đồng ý với ngu đệ là làm trọng tài túc cầu cũng thuộc vào hàng đại ngu. Vui thay chúng ta may mắn họp thành Tam Tài ! Hihi !!!
MVN.
Sư huynh vừa viết đệ ngủ ngu, đệ cũng vừa biết thêm một cái ngu nữa . Cái ngu nầy tương đương với đệ nhứt ngu: làm mai.
Nói tới đệ lục ngu đệ sợ bức mây động rừng, thôi thù đệ chờ tới khi nào Thuận tiện, đệ sẽ kể ra cho thiên hạ tường.
BLG