Links

Wednesday, November 26, 2014

Nắng hàng cau


______________



Khuất Đẩu

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên (Hàn Mặc Tử)

Chừng mươi năm nữa thôi, khi những bà nội, bà ngọai, những cô dì không còn mời nhau những miếng trầu,cưới hỏi không quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau, khi mà những khu vườn được chia nhỏ bề ngang bốn thước để mọc lên những ngôi nhà ống, thì cây cau chỉ còn trong ca dao và thơ của Hàn Mặc Tử mà thôi.



Cây cau ở thôn Vĩ Dạ được các ông hoàng xứ Huế trồng thành hai hàng, khiến khách đi vào nhà tưởng như được gia nhân cung kính cầm lọng đứng che. Khi nó cao lên cùng năm tháng, vượt hẳn những xoài những mít, với thân thẳng, tàu lá xanh đen, các ông hoàng phong nhã lại tưởng đó là những cây bút lông khổng lồ đang viết những chữ đại tự lên nền trời xanh. Có bao nhiêu cây cau là có bấy nhiêu tháp bút tả thanh thiên.

Vườn cau của bà tôi, một bà già trầu đúng nghĩa, không có được cái ý cao sang và văn vẻ như thế. Nói theo kiểu bây giờ, nó đúng là một loài cây kinh tế. Chỉ một buồng cau được cắt tỉa gọn gàng, đặt trong rổ lót lá chuối tươi, bà đi ra chợ thong dong như đi chơi, khi trở về là có cả một chục cá nục hấp thơm phức, một gói bánh hỏi trắng muốt, nghĩa là có đủ quà sáng cho ông cháu tôi và thức ăn cho cả ngày. Rồi quanh năm, không thứ lá rụng nào hái được nhều tiền như tàu cau. Bà tỉ mẩn ngồi tướt bỏ lá, rồi cột bốn hay năm tàu thành cây chổi quét nhà. Và cũng chỉ cần vài ba cây chổi, thêm một vài nải chuối là đủ cho bà ra chợ đổi lấy một miếng thịt sườn, vài cái bánh ú. Bẹ cau, bà kết thành gàu múc nước, cắt thành quạt mo cho cả nhà phe phẩy. Mo miểu (bẹ trong) thì dùng vắt cơm bữa trưa cho những ai đi xa không kịp về nhà. Cơm xắt thành lát, đưa lên miệng nghe có mùi thơm của hương lúa, hương cau. Chỉ cần một ít muối đậu hay một con tôm rim là bữa cơm đã thấy ngon chi lạ.

Vườn cau của bà, với hơn một trăm cây được trồng từ ngày bà theo chồng, khi tôi lớn khôn, chúng đã vươn hết cả lên trời xanh. Chẳng có con mèo nào dám trèo lên tận ngọn để mà hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chỉ có mỗi mình bà leo lên, mỗi mình bà biết cây nào ngon cây nào dở, biết buồng nào có thể đem ra chợ, nghĩa là không quá non cũng không quá già, quả cau bổ đôi phải mịn như sáp, phải dịu như mật, mới bắt mắt được người mua.

Cây cau đứng một mình đương nhiên không xinh bằng em đứng một mình. Nhưng đứng thành hàng trong vườn phải nói rừng bạch dương của Nga cũng thua xa. Không có loại cây nào vừa cao, vừa thẳng lại thanh nhã như thế. Chỉ có những cuộc thi hoa hậu quốc tế khi trình diễn áo tắm mới có được những hàng chân ngọc duỗi song song như những thân cau. Mà những đôi chân ấy phải được chiếu sáng bằng những ngọn đèn hàng ngàn nến mới đẹp đến thế. Còn cau, thì chỉ cần ánh nắng thôi. Không phải nắng đổ lửa buổi trưa, cũng không phải nắng quái chiều hôm, mà là nắng mới mẻ tinh khôi, nắng mới lên của mặt trời vừa thức dậy.

Chết mê chết mệt với một nhà thơ là thứ nắng mới lên chiếu qua hàng cau ấy. Cái thứ nắng xiên ngang mặt đất chưa đủ sức nóng làm tan sương đêm, chỉ vừa đủ làm cho những thân cau già trở nên trẻ trung tươi mát. Nắng chưa lên tới ngọn cho nên lá vẫn còn đen ướt như những mái tóc vừa mới gội.

Thế thì, khi cô gái hỏi: sao anh không về thăm thôn Vĩ/ nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, là có ý trách anh sao không về mà xem em đẹp nhường này, em chân trắng nuột nà tóc thề đen nhánh, em đang đợi anh trong vườn xanh như ngọc đây. Và vì vốn tính e lệ, thêm một chút điệu đà nên em sẽ vin cành trúc mà che ngang mặt trốn anh. Áo em trắng quá nhìn không ra, chỉ là cái cớ dấu che nỗi đau của một người mang bệnh nan y, chứ thực ra chàng đã yêu nàng, yêu rất đậm đà qua hình ảnh nắng hàng cau nắng mới lên.

Những hàng cau, ôi những hàng cau, bây giờ cũng mọc thành hàng trên những dãi phân cách của các khu đô thị mới. Những cây cau ngoại nhập, to như những đứa trẻ béo phì cũng đứng thành hàng đấy nhưng chẳng phải cầm lọng che cho xe cộ chạy qua, mà giống như những cây chổi chà dựng ngược với khói bụi mịt mù, không phải để làm sạch mà làm bẩn thêm nền trời. Và những cô, cả những bà, chân có nhiều ngấn như chân bàn bida, diện quần ngắn tận háng để có ảo tưởng chân dài, không dùng lá trúc mà dùng khẩu trang để che mặt chữ nhật, thì ôi thôi, dù Hàn Mặc Tử có sống lại cũng không làm nổi nửa câu gọi là thơ.

Mặt trời vẫn mọc, nhưng khi những cây cau thanh mảnh xinh đẹp như những cô gái vừa tắm dưới sông lên không còn nữa, thì nắng mới lên cũng không còn!

Lại tiếc đứt ruột!

1 comment:

  1. Tôi rất thích nội dung "Nắng hàng cau" của KĐ. Cây cau dây trầu là linh hồn của vườn Việt Nam. Cây cau là nỗi nhớ nhung nơi chôn nhau cắt rún. Cây cau là hình ảnh biểu tượng của nét đẹp nông thôn. Cầy cau trồng chung quanh một ngôi nhà, nhà ngói nhà lá, sang trọng hay nghèo nàn vẫn nói lên tình quê hương đậm đà. Cây cau trồng sau ngôi đình làng, chung quanh một ngôi cổ tự mới nói hết tính văn hoá của Việt Nam. Hình ảnh trẻ thơ ngồi xe tàu mo trong ngỏ nhỏ quanh con trong thôn xóm, hình ảnh mẹ già nhặt tàu mo khô bó chổi...Ôi! thương nhớ làm sao.
    Anh Chị và tôi dù trong nước hay ngoài nước mà mỗi khi nhìn thấy "Hàng cau già trước cổng" hoặc đọc câu thơ của ai đó "Hàng cau còn đó vườn sau. Mẹ già đâu nữa hái cau làm gì!"
    Vậy mà bây giờ người ta cũng tôn trong cau nhưng có điều là cau nhập từ Thái Lan, Nam Mỹ ...dáng vóc thô kệch. lùn xịt, mập ú không có dàng vẻ nên thơ lãng mạn. vô tình vô cảm trồng nhan nhản từ thành thị đến thôn quê. Ôi Cây cau Việt Nam!

    ReplyDelete