Mặc Nhân
1935. Bên hữu ngạn sông Tiền, nơi một trường làng gần vàm Rạch Miễu, trong năm học lớp Dự bị, tôi ngồi cạnh Nhung, một bạn gái nhỏ chơi nhảy dây, chơi nhà chòi.., cùng tuổi, cùng xóm, cùng thầy, đồng môn từ thuở mới cắp sách vào trường.
Trong những giờ tập đọc, cô chúng tôi thưòng có thói quen là bất chợt ngắt ngang đoạn đọc của bạn nầy rồi lập tức chọn một bạn khác và bảo:....suite (tiếp theo). Một giờ tập đọc như vậy xảy ra trong một buổi học trưa buồn hiu hắt. Ngoài sân nắng hè hừng hực. Nhìn lên ngọn cau gió im phăng phắc. Từ gốc cây đa cạnh đình làng, văng vẳng tiếng gà gáy trưa. Ôi! Sao mà buồn ngủ quá vậy! Bài tập đọc hôm nay là bài Kẻ ở người đi trong quyển Quốc văn giáo khoa thư.Trong giờ tập đọc nhàm chán đó, trong giây phút nửa mê nửa tỉnh của tôi đó, bỗng tôi nghe vang dội trong tai: Tuấn, Suite! (Tuấn, tiếp theo!).
Tôi đứng lên như một con rô-bô chính hiệu của hãng Sony bây giờ. Mắt tôi mở to nhìn trừng trừng vào dòng chữ in vô cảm trong quyển sách trên tay, mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Tinh thần bấn loạn, bỗng tôi nghe nho nhỏ bên tai như lời ban ơn của Đức Quan Thế Âm cứu khổ: Cha mẹ tiễn tôi ra tận bờ sông...Tôi lớn tiếng dõng dạc đọc: Cha mẹ tiễn tôi ra tận bờ sông...Đọc xong đoạn văn cứu khổ nầy, tôi vẫn chưa tìm ra chỗ nào để đọc tiếp. Tay tôi bắt đầu run lên, mắt bắt đầu hoa, miệng bắt đầu lập bập....thì may quá văng vẳng trong tai tôi đoạn tiếp: nơi chỗ thuyền đậu...Tôi mừng quá vừa muốn lớn tiếng đọc: nơi chỗ... Thì ông roi mây trong tay cô tôi nhịp trên bàn một cái cốp, tiếp theo hai tiếng tây quen thuộc mà nghiệt ngã: à genoux!! (quỳ gối lên!).
Chưa hết, vốn là tự nãy giờ, diễn tiến của sự việc làm sao qua được đôi mắt kinh nghiệm của cô tôi, ngay cả khi cô gọi tôi đọc tiếp là cô đã biết tôi đang thả mộng hồn phiêu diêu đâu đó rồi và cô cũng nhìn rõ là tôi nhờ Nhung ban ơn tế độ nhắc tôi, vậy mà tôi vẫn còn tiếp tục ù lì, nên cô nói tiếp: Còn con nhỏ đó nữa, à genoux!! Thế là Nhung ríu ríu quỳ gối bên cạnh tôi.
Bài tập đọc được tiếp tục cho đến gần hết giờ mà Nhung và tôi vẫn còn trong tư thế à genouxnhư vậy. Ngoài kia nắng hè vẫn đổ lữa, tiếng gà gáy trưa vẫn nhặt khoan. Trong nầy, tôi liếc thấy Nhung xê qua xê lại hai đầu gối tôi biết là Nhung đang đau, tôi lén cô lấy hai cuốn vở, ra dấu cho Nhung nhóm lên để tôi kê cho đỡ đau. Nhung làm theo tôi và nhìn tôi với đôi mắt dịu hiền.
Tan học, trên đường về tôi nhanh chân chạy theo Nhung và nói với Nhung: Nhung ơi, mầy có giận tao không? Không thấy Nhung trả lời vẫn đều bước nhìn về phía trước. Tôi lại chay theo: Nhung ơi! Đừng giận tao nghen! Lần nầy Nhung quay lại nhìn tôi với một giọng như hờn trách như mằng nhiếc mà sao tôi nghe ngọt ngào quá :” Hổng chịu dò bài! Nhắc hai ba lần mà còn hổng biết. Tối ngày cứ lội sông, bắn chim. Cứ lo chơi, học dở ẹt, hạng đứng sau người ta hoài!” Nghe qua câu mắng yêu đó, tôi vui trong lòng biết bao, nhảy chân sáo về nhà quên mất cái vụ bị cô bắt à genoux.
Học xong ban sơ đẳng tiểu học nơi trường làng, chúng tôi, đám bạn tôi tất nhiên có cả Nhung, phải qua tỉnh lỵ Mỹ Tho để học tiếp ban tiểu học nghĩa là phải ba niên học: lớp nhì một năm, lớp nhì hai năm và lớp nhứt. Mỗi sáng khi tiếng chuông chùa công phu đầu tiên là chúng tôi thức dậy qua bắc sang sông để rồi theo lộ trình ngược lại chiều về đến nhà thì cũng đã đỏ đèn.
Ở ban tiểu học, chúng tôi con trai đã bắt đầu nhổ giò, con gái đã bắt đầu trô mã nên để tránh hậu hoạ nhà trường cách ly chúng tôi theo kiểu nam nữ thọ thọ bất thân. Chúng tôi, con trai học bên trường nam, con gái trong đó có Nhung, học bên trường nữ.
Vậy, chúng tôi, Nhung và tôi học khác trường, tiếng là khác cơ sở nhưng chỉ cách nhau cũng chỉ là cái giậu mồng tơi xanh rờn thấp chủng của Nguyễn Bính thôi, muốn qua chừng nào cũng được không cần trèo tường hay chun rào như Thuý Kiều tìm Kim Trọng.
Buổi trưa chúng tôi những học sinh, nam nữ ăn chung ở căn-tin. Ăn cơm trưa xong, chúng tôi, trai gái được các thầy gát chia làm hai nhóm hẳn hòi và đem “nhốt” ở hai nơi riêng biệt để đỡ lo, cho đến buổi học chiều.
Chúng tôi đã lớn – Nhung và tôi – chúng tôi không còn mầy tao với nhau như hồi còn nhỏ nữa. Bây giờ khi tiếp xúc với nhau chúng tôi thường nói trỏng với nhau hay gọi tên nhau, có lúc Nhung xưng em với tôi, tiếng em của người con gái không phải là em gái của mình nghe sao mà mát ruột mát gan. Mặc cho quí thầy gát căn-tin có ngăn sông cách núi, có rút cầu cấm ngõ...nhưng khi mà tình yêu nói lên tiếng nói rồi thì năm sông bảy núi gì cũng trèo...và nhất là lợi dụng những lúc thầy... ngủ trưa.
Những lúc nầy, Nhung thường hẹn tôi đến một góc rào vắng vẻ phủ đầy dây hoa ti-gôn. (Về điều nầy xin nhắn nhũ: Những kẻ yêu nhau đừng bao giờ hẹn hò gần với hoa ti-gôn, kinh nghiệm qua nhà thơ TT.KH. trong bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn. Xui lắm!)..Trong các cuộc hẹn hò của chúng tôi, xin độc giả đừng hồi họp theo kiểu chuyện tình Roméo-Juliette, vì khi Nhung lần theo dấu hài của Thuý Kiều, tìm đến tôi là chỉ để đưa cho tôi một... củ khoai lang hay một đoạn khoai mì có chút xíu tương, một cái bánh giá có con tép mòng nhỏ xíu hoặc một cây kẹo mút cứng ngắt... vì sợ tôi đói bụng.
Còn tôi cũng vậy do tiếng gọi tình yêu, ăn cơm xong có lúc cũng lén leo rào ra ngoài... lượm me chín đem tặng “nàng”. Tôi không ngần ngại leo lên mấy cây me cao nhưng trái lại ngọt mặc cho bà ngoại thường răn đe, không nên leo các loại cây có trái chua vì loại cây nầy ai leo lên dễ té lắm. Không sao, chỉ cần thấy Nhung nhận trái me còng vừa chín dốt với vẻ mặt cảm động là đủ rồi mặc dù có lúc Nhung nhỏ nhẹ bảo: Lượm thôi đừng có leo nghe hông!
Có một lần mãi la cà tìm một trái me ngọt cho Nhung, nên khi đến nơi hẹn thì quá trễ không thấy Nhung chờ tôi như mọi khi. Lỡ hẹn thì buồn, nhất là lỡ hẹn với người yêu thì buồn biết mấy. Chiều lại tan học, trên bắc sang sông về nhà, Nhung đến gần tôi tì tay lên lan can, nhìn ra sông làm như không phải nói chuyện với tôi, sợ các bạn trông thấy. Nhung nói nhỏ nhưng với giọng trách móc: “Hồi trưa đi đâu biệt vậy. Tắm sông hả? Chờ hoài hổng thấy, thằng Tư Lùn nó đến đưa cho Nhung trái me nè.” Tôi nghe tới thằng Tư Lùn cho Nhung trái me nè mà Nhung còn xoa xoe cho tôi thấy, tôi nổi giận: “Sao hổng ăn đi, ngon lắm mà!” Nhung không nói không rằng, quăng trái me xuống dòng sông cuộn sóng. Thấy vậy, tôi hả hê, mừng quá muốn nói cái gì đó, chưa kịp thì Nhung lại nói: “Nhớ nghe, ham chơi cho dữ, cứ đi sau đi trễ hơn người ta hoài, coi chừng nghe...”
Nhớ lời Nhung dặn :“đừng có ham chơi trễ nải, đi sau hoài coi chừng...” tôi luôn luôn cảnh giác cho nên ngay vào mùa đông lạnh thấu xương, chỉ với một cái quần xà-lỏn cụt ngủn, một cái sơ-mi mỏng te, run lập cập mà vẫn phải dậy sớm hơn Nhung, lên bến bắc trước Nhung để đợi Nhung...Tình yêu nào cũng vậy mà, phải vượt qua mọi thử thách. Tôi tự dặn lòng mình như vậy.
Ba năm đăng hoả, chúng tôi thi đậu bằng Tiểu học. Tôi thi rớt vào Trung học tỉnh. Có lẽ Nhung đã đoán trước nên có lần mắng tôi ham chơi hơn ham học, cứ luôn luôn đi sau, đi trễ. Nhưng Nhung có biết không, trong thời gian học tiểu học mãi lo lượm me cho Nhung có thời giờ đâu mà học. Tôi lên Sài Gòn học tại một tư thục danh tiếng lúc bấy giờ. Nhưng có được một cái may mắn nữa là Nhung thi đậu vào trường Áo Tím tức là Collège des jeunes filles, tiền thân trường Gia Long. Do đó ở Sài Gòn chúng tôi lại thường có cơ hội gặp nhau. Con người có số mà!
Những ngày chủ nhật, sọt-ti chúng tôi có dịp gặp nhau ở Sở thú, ở vườn Bồ-rô..., những ngày lễ chúng tôi hẹn nhau mua vé xe lửa hay vé xe đò Hữu Lợi về Mỹ Tho hoặc vé xe Đông Á Bến Tre về thẳng nhà. Vậy chúng tôi, Nhung và tôi đã có một sự ràng buộc đầy hứa hẹn cho một tương lai mà chúng tôi dù không nói ra cũng đã cảm nhận là hạnh phúc đã chắp cánh cho chúng tôi rồi.
Sau bốn năm, Nhung và tôi tốt nghiệp Trung học và trở về tỉnh. Tôi được tuyển vào một khoá sư phạm ngắn ngày và được bô nhiệm dạy học tại một trường làng bên bờ hữu ngạn sông Cửu Long. Còn Nhung lên Sài Gòn vào học ngành y tá tại bịnh viện Chợ Rẫy.
Thế là chúng tôi lại xa nhau. Ngày xưa có yêu nhau mà xa cách nhau trăm dặm thì cái nhớ nhau...đành chịu. Chưa có điện thoại, chưa có mobile, portable, chưa có hello!, allô!, chưa có “chat qua chat lại” như bây giờ. Còn thơ từ, nhà dây thép lúc bấy giờ đã mang danh là con rùa lật ngửa rồi. Thơ từ may mắn về đến quận xã..thì đối với các ông trùm, ông cai việc phụ trách phát thơ không lương, tự nguyện, cái kiểu “tự nguyện bắt buộc” nầy nên thơ từ cần phát đối với họ không hơn tờ giấy vụn. Vui phát chơi hổng vui quăng mất.
Đấy, trong hoàn cảnh đó, tôi nhớ Nhung biết bao nhiêu, lúc đầu tôi cũng viết thơ hoa lá cành gởi cho người yêu, chờ thơ trả lời quả là cảnh...nàng Tô Thị trông chồng. Một bức thơ đi phải mất 3, 4 tháng hoạ may mới có thơ hồi âm. Chuyện gì muốn nói với nhau không còn ý nghĩa gì cả, thời khắc hò hẹn thì thôi đành chờ ...kiếp sau.
Rồi còn cái câu: Xa mặt cách lòng. Người xưa có nói!. Nhưng với tôi thì không! Hình bóng Nhung vẫn ngự trị trong tôi. Làm sao tôi quên được khi còn quá nhỏ Nhung đã vì tôi mà bị cô bắt quì gối. Làm sao quên được Nhung đã trốn thầy cho tôi từ đoạn khoai mì đến cây kẹo mút. Làm sao quên được khi Nhung đã ném trái me chín của thắng Tư Lùn “dâng tặng” cho Nhung xuống sông làm tôi hả dạ...
Cho nên như đã nói, ở cái đất tôi dạy có nhiều gái đẹp nầy, nỗi nhớ nhung người yêu mà không có điều kiện giải toả, lòng tôi ray rứt biết bao nhiêu. Trong khi đó, những bóng hồng cứ nhởn nhơ trước mặt nhìn thầy giáo chưa vợ với cặp mắt long lanh ướt rượt...mặc cho tôi vì lòng chung thuỷ vì mối tình đầu với Nhung nên lắm lúc tôi phải niệm Quan Thế Âm Bồ Tát cứu nạn cứu khổ gia hộ cho tôi được ....tai qua nạn khỏi. Vậy mà lòng thành của tôi không được Đức Bồ Tát chứng giám.
Cho đến một hôm, tôi nhận được một phong thơ bèo nhèo, đọc dấu nhà dây thép thấy đã trên 4 tháng và tên người gởi là Trần Thị Nhung, Y tá, số nhà... đường.......Sài Gòn. Ngoài phong bì có chữ “Thơ Gấp”. Tay tôi run lên, tôi xé phong bì ra đọc:
Anh Tuấn,
Ngày lễ mãn khoá y tá tổ chức tại nhà thương Chợ Rẩy, có ba em dự, em chính thức được bổ nhiệm làm y tá và làm việc lại tại nhà thương. Trước đó một tháng em cũng có thơ mời anh lên mừng cho em, nhưng em buồn biết bao nhiêu vì không thấy mặt anh.
Trong buỗi lễ nầy có một thằng bạn đồng khoá, nó đến cầu hôn em với ba em. Ba em đồng ý nhưng em khước từ bảo là em đã có anh rồi. Ba em cũng dễ dãi bảo em hãy viết thơ gọi anh lên gặp ba em, rồi ba em tính cho. Em lại viết thơ cho anh. Em lại chờ. Anh vẫn bặt tin. Bức thơ thứ hai...cũng vậy...
Cuối cùng ba em không chờ được và em cũng... không chờ được vì anh...anh luôn luôn trễ nải, đi sau, đi chót...bản chất của anh ngay từ lúc nhỏ đã như vậy rồi. Anh biết không???!!!
Tháng sau là đám cưới của em rồi. Em không mời anh đâu vì em biết là có mời anh, anh như thường lệ vẫn là người... đến trễ, đến sau.
Anh liệu hồn, em không còn bên anh để ...nhắc bài cho anh trong cuộc sống luôn luôn bê trễ của anh nữa đâu!
Em Nhung.
Tôi đấm ngực kêu Trời: “Lần nầy đâu phải tại tôi. Tại mấy ông nhà dây thép hại tôi rồi Nhung ơi.”
Chuẩn!
ReplyDelete
ReplyDeleteMấy tháng trước qua dự đám cưới con gái Hoàng Đảo Chủ, cô dâu và chú Rể cũng A GENOUX giống như MN và N. Nếu lúc đó MN nắm tay N, hai mái đầu gục xuống bàn hành lễ:
Nhứt Bái thiên địa
Nhị bái SƯ PHỤ
MN- N giao bái
Chắc chắn không có vụ thư tình đến trễ. Nhưng mà MN không làm thế để lúc nào cũng nhận thư trễ, cái thì 60 năm, cái thì vài năm....để MN cũng buồn hiu bên những thôn nữ duyên dáng mặn mà, dễ thương .....
BLG