Mặc Nhân
Hôm
ấy cả nhà dậy sớm lên một chiếc xe đò cọc cạch, thùng xe bằng cây sơn màu đỏ
choét, hai cái đèn pha giống như hai cái gàu tát nước, một cái kèn mà mỗi lần
bóp lên phát ra một âm thanh toe toét khó nghe. Theo sự sắp xếp, tôi được ngồi
giữa anh tôi và bác tài xế ở hàng đầu. Mọi người đã lên xe. Giờ khởi hành bắt
đầu. Bác tài xế ra hiệu, chú lơ dùng ma-ni-quên quay máy. Chú quay cật lực, máy
mới chịu nổ. Cả chiếc xe rung lên, khói phun mịt trời. Để khởi hành, tôi thấy
bác tài có những thao tác vừa tay vừa chân lộp cộp lạc cạc, chiếc xe mới chịu
từ từ tiến lên tuy vậy cũng phải cà giựt cà giựt mấy cái.
Tôi
có dịp nhìn bác tài rõ ràng hơn. Với bộ râu trái ấu trên vẻ mặt phong trần, một
cái nón kết nhớp nhúa trên đầu, một khăn rằn quấn quanh cổ, bác tài quả là tiêu
biểu chuẩn mực nhứt cho các bác tài thời bấy giờ.
Xe
chạy một thôi đường phải đậu lại để chờ chuyến phà qua sông. Xe đợi khá lâu.
Trên xe giờ đây chỉ còn duy nhất một hành khách là tôi, tất cả đều phải xuống
xe đi bộ. Khi có tiếng còi hoét hoét của một công nhân cầm cờ đỏ, cái cổng tre
sơn trắng đỏ được giở lên, xe xuống cầu. Xe lại phải đậu trên một cái “thớt” để
một số mạch-lô đẩy cái thớt cho xe quay đít lại hướng về chiếc phà. Xe xuống
phà.
Qua
sông, xe chạy qua một thành phố với những dãy phố ngói san sát, hai bên đường
tráng nhựa êm ru có những hàng cây cao cho bóng mát. Người ta qua lại đông đảo
dập dìu, xe đạp cốc keng, xe kéo ê ép, có cả những cỗ xe ngựa lốc cốc… Cái kèn
xe có nhiều cơ hội phát huy tác dụng, nhưng có điều tiếng toe toét, tóet toe vô
duyên của nó làm cho tôi buồn cười. Cặp mắt đăm đăm nhìn về phía trước, bác tài
phải trổ hết tài năng của mình để giữ cho cỗ xe được an toàn. Bác ghì chặt vào
“tay bánh” giống như cái vòng xe tôi đánh chơi nhưng nhỏ hơn, không ngừng lắc
qua lắc lại. Qua ngã tư ngã ba, hoặc có ai băng qua lộ, hay một xe nào đó vượt
qua, bác luôn miệng càu nhàu và lắm lúc chửi đổng một tiếng.
Dù
sao tôi cũng thích ngồi gần bác tài để được nhìn sự vật rõ hơn. Hai bên đường
hầu hết đều là đồng ruộng mênh mông, có nơi ruộng vừa mới cấy, có nơi lúa đã
trổ đòng đòng. Một bầu trời bao la xanh mát, những cánh cò loang loáng bay lên
đáp xuống. Dọc theo con đường thiên lý chạy dài không ngớt trước mắt tôi là
những đường dây thép lượn lên lượn xuống. Cảnh vật mới lạ, gió đồng mát rượi
khiến cho tôi vui sướng phấn chấn vô cùng.
Tôi
nhìn ra sau thấy nội tôi bỏm bẻm nhai trầu, dường như cũng hả hê với cái hả hê
của tôi lắm. Ba mẹ tôi cũng vui lây, thỉnh thoảng chỉ cho các anh tôi tên những
địa danh của vùng đi qua cũng như tên những cây cầu mà các anh tôi chưa từng
biết.
Xe
chạy gần đến một cây cầu mà từ xa đã thấy đồ sộ, lừng lững một giàn sắt đen sì
cao nghều nghệu, dài thăm thẳm. Đến nơi xe bị chặn lại bởi một cổng sơn đỏ.
Người gác cổng cầm cờ đỏ ra dấu cho tất cả xe dừng lại. Bác tài nói trỏ ra sau:
-
Chết cha kẹt xe lửa rồi.
Tôi
nghe từ xa tiếng rầm rầm lần lần lớn lên đinh tai điếc óc, từ từ hiện ra từ
trong hầm cầu một cỗ xe đen thù lù, phun khói đen ngòm chạy trên hai đường sắt…
phát ra một thứ hòa âm hỗn loạn chát chúa của đá xanh và sắt thép. Xe lửa chạy
qua, cổng giở lên, xe chúng tôi qua cầu. Tôi lẩm bẩm đếm một, hai, ba… bốn…
năm… và khi xe qua khỏi cầu là hai trăm mười sáu. Cây cầu Bến Lức theo luật dâu
bể đã không còn nhưng trong ký ức tôi nó vẫn còn hiện diện mỗi khi tôi nhớ nó.
Chúng
tôi lại phải qua một thành phố nữa, lần nầy lớn hơn, nguy nga hơn, nhà cao cửa
rộng, người qua kẻ lại tấp nập, xe cộ chật đường… huyên náo, nhộn nhịp… Ra khỏi
thành phố nầy, xe lại chạy giữa những cánh đồng dường như cao ráo hơn, khô cạn
hơn và ở đây tôi thấy nhiều bò hơn là trâu như ở xứ tôi. Lại nữa nhiều lúc xe
phải lên dốc rồi xuống dốc. Chiếc xe cà khổ của chúng tôi có lẽ phải ráng sức
lắm nên máy nổ ầm ầm, khói bốc đen ngòm … ì ạch, ì ạch … Nhưng mỗi khi xe xuống
dốc, ruột tôi hơi thót lên một chút. Đến một nơi có cái cua khá vắng vẻ, bác
tài cho xe dừng lại bên đường rồi lớn tiếng vọng ra sau:
- Bà
con xuống xe “xả xúp-páp”, tôi đổ nước xe luôn.
Thì
ra người ta thì xả nước còn xe thì vô nước.
Xe
lại chạy, bác tài lại nói:
-
Qua cái cua nầy mình thấy núi Bà Đen rồi.
Quả
thật trước mắt tôi một ngọn núi thực sự đã hiện ra. Tròn như cái tô lật úp,
xanh lam trên nền trời xanh lơ, trên đỉnh có những làn khói bạc lơ lửng bốc
lên. Núi đây rồi, núi Bà Đen đây rồi. Lần đầu tiên tôi thấy núi, tròn trịa,
không nhọn hoắt, không lồi lõm, hiền hòa, êm ả… Tôi nôn nao để được leo núi.
Không
có nhiệm vụ gì trong đoàn như dẫn nội, xách giỏ trầu cho nội nên tôi là người
leo lên gộp đá đầu tiên. Sương đêm còn đọng, nền đá lạnh và trơn trợt. Như một
con sóc tôi thích thú nhảy nhót, leo trèo, hết nhìn lên ngọn cây cao chớn chở
lại nhìn xuống vực sâu hun hút. Êm đềm cái êm đềm của thiên thai chăng? Thanh
lặng của bồng lai chăng? Tâm hồn tôi thư thái. Trí óc lâng lâng. Tôi tung tăng
chạy nhảy như con chim sáo vẫn biết rằng từ nội, ba mẹ, các anh đều dõi mắt
trông chừng tôi.
Tôi
chợt nhìn thấy một gốc cây đồ sộ, không biết mấy vòng tay người lớn ôm cho
giáp. Tôi ngước nhìn lên thân cây cao vút theo một đường thẳng rất chuẩn, lại
không có tàn nhánh bâng quơ. Chợt một vật gì từ trên cao bay loáng thoáng, nhẹ
nhàng và đáp xuống nền đá một cách duyên dáng. Tôi cúi xuống nhận thấy khá
nhiều rơi rớt đây đó và lượm lên một chiếc. Một vật gì đó có một cái hột tương
tự như củ nén đeo theo hai cánh mong manh hình vòng cung. Tôi tung lên cao, vật
nầy bay vòng vòng, hai cánh xoay tít trông rất vui mắt, từ từ hạ xuống. Thế là
tôi lượm lên bỏ vào túi để thỉnh thoảng quăng lên theo chiều gió. Hầu hết chúng
đều không bay xa, lẩn quẩn rồi lại về với tôi.
Thế
là tôi có một trò chơi để quên cái nhọc mệt leo núi. Trong khi đó nội tôi luôn
miệng niệm Nam mô Quan thế âm Bồ tát với một giọng thành kính và đôi mắt từ bi
luôn nhìn theo tôi đang chơi đùa với một vật mà tôi không hề biết tên.
Mải
mê với trò chơi mà ở quê tôi không có, tôi không để ý đến một nhân vật nhỏ bé
mặc một bộ đồ đầm bông đủ màu sắc, khuôn mặt bầu bĩnh, tóc hớt bôm bê, đôi mắt
lồ lộ đen huyền, đôi chân nhỏ xíu trắng tươi trong đôi xăng đan màu đỏ… từ lúc
nào đang chăm chú nhìn theo trò chơi của tôi một cách thích thú. Bị lôi cuốn,
cô bé vừa chạy theo vừa đưa tay để chụp lấy cái vật mà tôi vừa tung lên đang
vòng vo rơi xuống. Cô bé không với được vật mình muốn bắt lấy, đang từ từ bay
ra khỏi tầm tay, sắp rơi ra ngoài triền núi. Hụt hững, cô bé tròn xoe đôi mắt
vẻ tiếc rẻ và nhìn tôi nũng nịu như hờn dỗi, như muốn bắt đền. Chợt có tiếng
gọi:
-
Mai, con coi chừng.
Thì
ra cũng có một đoàn hành hương cùng lên núi với chúng tôi mà mải mê chơi, tôi
không để ý. Cô bé Mai, à thế là bé Mai rồi. Bé Mai lại nhìn tôi với đôi mắt
tròn vo hột nhãn, nửa như ra lịnh nửa như cầu khẩn để tôi lại tung lên cái vật
kỳ lạ nầy để bé Mai chụp lấy. Bé Mai có biết đâu rằng thoạt đầu nhìn bé Mai tôi
đã bị thu hút bởi vẻ mặt ngây thơ, đôi má bầu bĩnh, cặp mắt tròn xoe đen lay
láy, nhứt là vẻ phụng phịu của một người con gái… mà tôi thì không có chị kể cả
em gái. Cho nên tôi hạnh phúc biết bao khi nhìn bé Mai nũng nịu nhìn tôi van
lơn.
Tôi
lấy ra một cái tung lên, nhưng không quá cao không quá xa để bé Mai chụp được.
Lòng hào hiệp của tôi được tưởng thưởng, cô bé nắm được đồ chơi. Dường như bé
Mai biết được là trong sự thành công của mình có một chút xíu gì đó ẩn tình của
tôi. Bé nhìn tôi với một nụ cười rạng rỡ trong đôi môi nhỏ nhắn rồi đột nhiên
chạy lại nắm tay tôi ra dấu cho tôi lại tung lên lần nữa để bé lại chụp.
Và
tôi cũng không biết từ khi nào, bé Mai và tôi đã tay trong tay tung tăng chạy
nhảy không rời nhau nửa bước. Gia đình chúng tôi từ nội đến ba, mẹ… và bên kia
gia đình của bé Mai nhìn chúng tôi quấn quít bên nhau, tự dưng có một sự đồng
cảm nào đó nên đều nhìn chúng tôi một cách trìu mến. Mối tình cảm tương quan
bất chợt nầy đã làm vơi đi sự mệt nhọc của hai đoàn hành hương nên tôi không
nghe tiếng niệm Phật của nội nữa mà chỉ thấy nội nhìn sự quyến luyến của chúng
tôi mà luôn nở một nụ cười với cái miệng hóm hém dễ thương của nội. Và cũng nhờ
vậy mà chúng tôi lên đến Chùa Trung hồi nào không biết.
Chúng
tôi ra sau chùa nơi có những hồ lấy nước suối từ những ống tre dẫn từ thượng
nguồn để rửa ráy sạch sẽ, chuẩn bị hoa quả nhang đèn lên lễ Phật. Theo sự sắp
xếp của hai gia đình, hai chúng tôi quỳ đàng trước và cạnh bên nhau. Nhìn lên
tượng Phật uy nghi, nghe tiếng mõ vang vang, tiếng nam mô đều đều… tất cả tạo
nên một bầu không khí huyền diệu khiến cho tôi chưa có một ý niệm gì về tâm
linh nhưng cũng thấy lòng xao xuyến. Tôi hé nhìn những người lớn, tất cả đều có
một tư thế, một phong cách, một ánh mắt đầy niềm tin. Tôi lại nhìn Bé Mai, Bé
Mai cũng vậy, hai tay chắp trước ngực, đôi mắt tròn xoe đăm đăm nhìn lên tượng
Phật, thân bất động. Trong khi đó chưa chi tôi đã cảm thấy bất an, mỏi tay mỏi
chân.
Theo
từng hồi chuông, mọi người thì thụp lạy, miệng lâm râm niệm Phật hoặc cầu
nguyện một điều gì. Tôi có biết gì cho cam, như cái máy mọi người lạy, mình lạy,
mọi người lép nhép mình cũng vậy. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn sang bé Mai
thấy bé lâm râm một câu gì đó dường như có ý nghĩa, đôi mắt sáng rực nhìn vào
Đức Quan Âm. Lễ xong tôi là người đầu tiên bước ra khỏi chiếu trong khi mọi
người kể cả bé Mai còn lễ thêm ba xá.
Bé
Mai lại nắm tay tôi ra sau chùa nơi lấy nước từ trên suối. Bé Mai đưa tay hứng
những dòng nước trong vắt từ ống tre tóe vào tôi và nhìn tôi cười còn ra hiệu
cho tôi làm như vậy với bé Mai. Tôi tham gia vào trò chơi, nhưng có lẽ nhiệt tình
hơn. Tôi vốc một vốc nước từ trong hồ đầy tạt vào mặt bé Mai. Nước khá nhiều đủ
để vào mắt vào mũi khiến cho bé Mai sặc sụa chạy né tránh vấp vào một gộp đá
ngã sóng soài trên nền đá cứng.
Tôi
hốt hoảng chạy lại đỡ Bé Mai lên. Đầu bé Mai nằm trong tay tôi, mắt đỏ hoe,
trong mũi nước còn đọng khiến cho Bé Mai sặc lên mấy lần, tóc tai, bâu áo ướt
sũng. Bất giác tôi bật khóc. Nước mắt ràn rụa. Không biết tôi khóc vì sợ ba mẹ
mắng hay ba mẹ bé Mai giận hay tôi sợ bé Mai đau. Rồi như tự trách mình sao lại
nông nổi thay vì che chở cho bé lại làm cho bé đau. Bé Mai nhìn tôi khóc, đưa
tay vuốt lại tóc, dụi mắt nhoẻn miệng cười rồi lại lấy tay chùi nước mắt cho
tôi. Bé Mai nhìn vào tôi hỏi:
- Bộ
thương lắm hả?
Tôi
đáp không suy nghĩ:
-
Ừa.
Chớ
không lẽ trong tình huống nầy mình đáp là không. Bé Mai lại hỏi:
-
Sao thương?
Tôi
chịu, không trả lời được. Nhưng may quá tôi nghĩ ra một câu:
-
Tại làm bậy.
Bé
Mai chưa tha, trời ơi sao con gái lại khôn hơn con trai nhiều quá vậy, lại bảo:
- Nội bảo làm lỗi thì phải sám hối mới hết tội.
-
Sám hối là làm sao?
Thế
là bé Mai dẫn tôi trở vào điện. Hai chúng tôi quỳ trước đấng Quan Thế Âm, bé
Mai lại nhỏ nhẹ bảo tôi:
-
Sám hối đi.
Tôi
lại ngơ ngác:
-
Nói gì?
Bé
Mai lại dạy:
-
Tôi không tát nước vào Mai nữa.
Tôi
lặp lại câu của bé Mai trước Đức Bồ Tát, không biết người có chấp nhận lời sám
hối chân thành của tôi không, nhưng tôi thấy lòng tôi thư thái vô cùng.
Chúng
tôi lại tay trong tay ra sân chùa, thi nhau tung những vật gì quay tròn theo
gió để cùng nhau chạy theo chụp lấy. Lần nầy khi tung lên tôi cố tình nhẹ tay,
vừa tầm với của bé Mai vì vậy mỗi lần chụp được, bé nhìn tôi với ánh mắt ngây
thơ và một nụ cười biết ơn. Riêng tôi cảm thấy một niềm vui khó tả. Cũng có
chiếc bay lên gặp cơn gió mạnh chao đi ra khỏi lan can sân chùa rơi xuống sâu
thẳm của triền núi để lại cho chúng tôi một tiếc rẻ của hạnh phúc tan đi.
Sau
khi lễ xong ở Chùa Hang trời đã xế chiều, cả hai gia đình đồng xuống núi ra về.
Vẫn hai chúng tôi, tay trong tay dung dăng dung dẻ tiến lên trước vui sướng
nghe chim ca hót đâu đây hòa điệu với tiếng ve sầu vào hạ, gió núi vi vu mát
rượi, chúng tôi nhảy nhót như đôi chim non nên chẳng mấy chốc đã đến cây cổ thụ
nơi mà chúng tôi nhặt những vật có cánh quay tròn, đã tạo cho chúng tôi một
niềm vui sướng và một thứ tình cảm mơ hồ mà tôi không rõ lắm.
Chúng
tôi ngồi lại dưới gốc cây. Tôi hỏi bé Mai:
-
Nhà ở đâu?
Bé
Mai đáp:
- Ở
trên Thủ.
Bé
Mai lại hỏi:
-
Còn nhà ở đâu?
- Ở
tuốt dưới Bến Tre.
Tôi
không biết Thủ ở đâu, bé Mai chắc cũng không biết Bến Tre là ở đâu. Một phút im
lặng. Chợt bé Mai hỏi tôi:
-
Chừng nào mình gặp lại nữa?
Trời
ơi, câu hỏi bất ngờ của bé Mai khiến tôi trở về thực tế. Tôi có nghĩ gì đâu,
chẳng qua đi chùa gặp nhau, nô đùa với nhau rồi nhà ai nấy về. Thế là xong. Rất
đơn giản. Nhưng khi câu hỏi của Mai đưa ra, tôi cố tìm câu trả lời mãi không
ra, kịp khi một ý nghĩ thoáng qua trong trí óc của tôi để có thể bật thành
tiếng thì nước mắt tôi đã tuôn tràn ngăn không cho tôi nói thành lời. Câu đó
là: “Mình làm sao gặp được nữa”.
Tôi
nghẹn ngào nhìn bé Mai đang ngước mắt nhìn tôi trông chờ câu trả lời không bao
giờ có. Tôi nhớ lại mới sáng nay, khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt ngây thơ của bé
Mai nhìn tôi như cầu khẩn để được làm quen, giây phút tôi tạt nước làm bé Mai
té xuống nền đá để bé Mai gối đầu trên tay tôi đưa tay chùi nước mắt cho tôi
với nụ cười tha thứ, giây phút tôi quỳ bên cạnh Bé Mai để sám hối trước Đức
Quan Âm… và tôi đã chẳng nói là tôi thương bé Mai sao. Vậy có phải là tôi đã
thương Bé như đứa em gái mà tôi hằng mong ước không, hay là cái gì đó khác hơn…
mà tôi không biết. Một cái gì đó kết hợp chúng tôi mơ hồ nhưng chân thành, sâu
lắng, thánh thiện, gắn bó, buộc ràng…
Chừng
nào mình gặp lại nữa. Tôi nghẹn ngào với câu hỏi nầy nên chỉ biết nhìn bé Mai.
Bé Mai lại nhìn tôi với đôi mắt trông chờ một câu trả lời không bao giờ đến. Bé
Mai đứng lên bước vài ba bước rồi quay lại bảo tôi: Mình lượm cái nầy đem về
nhà đi. Chúng tôi gom lại những vật có cánh bay vòng tròn đã từng giúp cho
chúng tôi quen nhau, rồi bé Mai lại chia ra:
-
Cái nầy anh, cái nầy em, cái nầy anh….
Và
vật cuối cùng lẽ ra thuộc về bé Mai nhưng bé Mai bảo:
-
Cái nầy đem về Bến Tre đi….
Luôn
luôn là bé Mai hướng dẫn tôi, chỉ bảo tôi… vậy rồi đây nếu tôi không có bé
Mai….
Đã
đến những gộp đá cuối cùng, nhìn từ trên đã thấy xe đậu, giây phút xa nhau
không còn bao lâu, bé Mai kéo tôi lại và hôn trên trán tôi, cặp mắt buồn hiu,
lí nhí mấy lời dường như là… về rồi buồn lắm…
Tôi
thẫn thờ lên xe cố dõi mắt theo gia đình bé Mai. Hai xe cùng khởi hành một
lượt. Xe bé Mai trước, xe tôi sau. Bé Mai ngồi phía sau nên tôi vẫn còn có thể
nhìn thấy bé Mai thêm một đỗi đường. Tôi thấy bé Mai giơ tay ra dấu chào tạm
biệt. Rồi bé Mai lại tung lên những vật nhỏ có cánh xoay vòng tròn, có cái đập
vào kiếng xe tôi. Xe bé Mai chạy nhanh hơn nên lần lần bỏ xe tôi lại phía sau.
Tôi cố nhìn theo, nhìn theo cho đến khi lớp bụi đường xóa mờ bóng dáng chiếc xe
còn tôi màn nước mắt cũng đã xóa nhòa hình ảnh bé Mai.
Tôi
lần vào túi lấy ra mấy vật nhỏ có cánh xoe xoe trong lòng bàn tay. Bác tài
trông thấy bảo tôi:
-
Biết trái gì hôn? Trái sao đó.
-
Trái sao là gì ?
-
Trái sao là trái của cây sao. Cây nó cao lớn lắm, mọc trong rừng trên núi, gỗ
nó dùng làm nhà, đóng ghe tốt lắm. Trái của nó đó.
Tôi
hỏi:
- Ừa
mà sao nó có cánh chi vậy?
-
Trong rừng có nhiều loại cây như vậy, trái nó có cánh để khi rụng xuống gió
thổi bay đi xa để truyền giống mà.
Tôi
mân mê trong tay mấy trái sao, nhìn vào hai cánh mong manh mà vừa mới đây đã
kết hợp hai chúng tôi thành một đôi bạn chăng, hơn thế nữa một đôi anh em
chăng, cũng chưa phải… mãi đến bây giờ tôi cũng chưa nhận định được mối tình
cảm mà chỉ trong khoảnh khắc vẫn còn tồn đọng mãi trong tôi mặc dù đã xa, xa
lắm rồi. Tôi không quên được hình ảnh Bé Mai ngồi trên xe, tay cầm mấy trái sao
nhìn theo tôi rồi dần dần mất hút sau lớp bụi mù.
******
Bảy
mươi năm sau câu chuyện trên, trong một gia đình nọ.....
-
Nội ơi, Lễ Phật Đản nầy ba mẹ và các con đi lễ Phật ở núi Điện Bà Tây- Ninh. Ba
mẹ sợ nội không khỏe nên không dám mời nội dẫn tụi con đi.
Nội
hỏi lại:
-
Phật Đản rồi à? Đi núi Điện Bà Tây Ninh hả?
- Dạ.
Ông
nội dõng dạc nói:
-
Vậy ông nội đi với tụi con chớ.
-
Hoan hô nội. Ba mẹ bảo không sao đâu vì bây giờ đâu phải leo núi nữa mà mệt. Có
cáp treo rồi.
Thế
là gia đình sung sướng được cùng nội đi lễ Chùa. Đến chân núi, trong khi mọi
người chuẩn bị mua vé đi dây cáp thì nội lại bảo:
-
Không đi dây cáp, đi bộ, nội muốn leo núi.
Mọi
người chưng hửng nhưng nội tiến bước lên phía trước như một vị tướng xung
phong. Thế là tất cả phải bồng bế theo nội. Cháu trai một bên, cháu gái một bên
thiếu điều khiêng nội lên. Nội còn cười bảo:
-
Nội đi một mình mà… hồi đó…
Thế
là ì ạch lắm chúng tôi mới lên được độ vài trăm mét. Bỗng nhiên nội đứng lại
nhìn chăm chăm vào một cây cổ thụ. Nội tháo mắt kiếng ra ngồi xuống gốc cây như
tìm một vật gì. Cuối cùng nội nhặt những vật gì đó cỡ hột đậu phọng có hai cánh
mong manh cong vút. Nội lại quăng lên, mấy vật bay vòng vòng theo chiều gió nhẹ
nhàng rơi xuống nền đá. Nội cười một mình. Cả đàn con, cháu nhìn nội ngơ ngác
kịp khi nội dõng dạc ra lịnh:
-
Thôi, xuống đi cáp treo.
Cả
nhà lại một lần nữa tuân lịnh mà không biết rồi sẽ còn gì nữa chăng?
Chiều
về, nội vẫn khỏe, nhưng có điều nội không nói gì. Nội lấy ra những vật nhỏ mà
nội đã lượm ở chân núi, lau chùi sạch sẽ rồi lại để vào trong một cái hộp đem
cất vào trong hộc tủ của nội. Công việc nội làm đối với chúng tôi quá tối nghĩa
nhưng xem chừng nội làm rất cẩn trọng. Nội trở lại nằm trên ghế xích đu, mắt
đăm chiêu. Tôi không thể chịu được nên đến bên nội, xoa xoa vào vai nội nịnh
mấy câu:
-
Nội đi chùa về có vui không?
-
Vui.
-
Vui sao hở nội?
-
Thì được đi lễ Phật.
Tôi
chưa khai thác được cái bí ẩn nầy nhưng không chịu thua. Tôi lại hỏi:
-
Còn cái vụ mà mấy cái gì đó nội lượm về bỏ trong hộp đó nội?
Không
thấy câu trả lời. Tôi thất vọng quá vì đây là cái tôi muốn hiểu. Kịp khi thấy
vẻ tiu nghỉu của đứa cháu mà nội cưng nhứt nhà, nội bảo:
-
Nhắc ghế lại ngồi cạnh nội, nội kể cho nghe.
Rồi
Nội kể rằng: “Mùa Phật Đản năm xưa….............”./-
ReplyDeleteNăm 55 lên Sài Gòn học tôi toàn dùng xe lửa. Đi xe hơi mau hơn nhưng nhiều lúc bị kẹt cầu ở Tân An hay Bến Lức vì đợi xe lửa có khi chờ cả tiếng đồng hồ. Nhứt là cấu Bến Lức, đường lên cầu rất dốc, từ trạm ngừng đón khách đến cầu vào khoảng 1km, xe lửa lúc đó cà xịch cà tang leo tới nữa dốc là hết hơi không lên nổi nữa nên đành sang số de qua khỏi trạm đón khách mới lấy trớn lên được dốc cầu, báo hại xe hai bên cầu phải đợi dài dài.
Cái trò liệng bông sao cho nó quay theo chiều gió mà được thêm một mối tình tuổi thơ. Trong mối tình nầy MN là người bị động, bị quay tròn như hai cánh của bông sao.
- còn cá vụ mà mấy cái gì dó Nội lượm về bỏ trong hộp đó Nội?
Mồ tổ cha mầy, lớn lên cháu sẽ biết? Hỏi làm gì?
BKG
,