Links

Saturday, February 21, 2015

Xuân đất khách


Soạn giả: Viễn Châu
hát: M_R

https://www.box.com/s/6akm01bbrcla2yulcebs



Lối:
Con chim sắt đã lao vào trong khói trắng,
Bỏ lại nơi này tâm sự kẻ ly hương, 
Tôi đứng đây để mà nhớ mà thương, 
Mà chờ đợi ngày về trong mộng tưởng. 




VỌNG CỔ:
1/ Không tiễn đưa ai bởi không có ai để mình đưa tiễn, thế sao những buổi chiều mưa lạnh tôi vẫn đến đây để nhìn phi cơ cất cánh, rồi khuất dần trong khói trắng sương… mờ. (-)(-) Phải chăng nhớ quê hương và trông đợi ngày về. Kẻ vẫy khăn tay chào người ở lại, kẻ vội vàng nhấc mớ hành trang. (SL) Nghe họ chúc nhau câu thượng lộ bình an. Tôi nghe lệ rưng rưng từng giọt chảy trong hồn, vội gục đầu cúi mặt quay lưng để cố ngăn đôi dòng nước mắt./ 

2/ Nặng trĩu tâm tư khi làm thân viễn xứ nên một lần đi là khó thể quay về.(-)(-) Làm kẻ ly hương với tháng đợi năm chờ. Khói phi cơ đã tan dần trong mây trắng, sao tôi vẫn còn đứng lặng để nhìn theo. Một đàn chim vỗ cánh bay mau, trời ủ dột như nỗi sầu lữ thứ. Tôi muốn mượn cánh chim gởi về nơi đất mẹ, những tâm sự buồn của một kẻ lìa quê. 

Lối:


Đất khách bơ vơ lạ bốn bề 
Nên lòng cứ mãi nhớ quê hương 
Mùa xuân về nữa, xuân về nữa 
Tuyết trắng rơi nhiều dạ tái tê 


VỌNG CỔ:

5/ Mỗi bận xuân sang tôi thấy lòng se lại. Nhớ làm sao hương vị của quê… nhà. (-)(-) Dưa hấu Gò Công bưởi ngọt Biên Hòa, rượu Bà Điểm nem chua Thủ Đức, cam Cái Bè măng cục Lái Thiêu. (SL) Múi sầu riêng ngon ngọt biết bao nhiêu. Cơm nấu gạo nanh chồn thơm bát ngát. Mùi hương khói lẫn trong tiếng pháo, mấy cành mai nở rộ đón giao thừa. 

6/ Xuân đất khách lạnh lùng mưa tuyết đổ, xuân đã về trên cây cỏ xơ rơ. Ôi biết bao giờ được trông thấy cảnh xuân xưa. Ngày về quê cũ vẫn nay lần mai lựa, xuân năm trước hẹn mùa xuân tới, xuân năm nầy lại hẹn đến xuân sau. Âm thầm năm tháng qua mau, xuân này đến nữa là bao xuân rồi. (SL) Nóc giáo đường lạnh lẽo đứng chơ vơ, vài chiếc lá dật dờ bay trước gió. Tuyết rơi trắng xóa bên cầu, mùa xuân đất khách ai sầu hơn ai./.

5 comments:

  1. Nếu ngày xưa ở bên Trung-Quốc đời Đường, thi-sĩ Trịnh-Cốc đã tả cảnh biệt-ly giưã mùa xuân qua mấy câu thơ thật nồng-nàn thắm-thiết :

    “Dương-Tử giang đầu dương liễu xuân
    Dương hoa sầu sát độ giang nhân
    Sổ thanh phong dịch ly đình vẩn
    Quân hướng tiêu-tương, ngã hướng tần.”

    ( Đầu sông Dương-Tử liễu xanh
    Hoa dương khiến khách qua sông lệ tràn
    Sáo chiều vẵng tiếng ly tan
    Tiêu tương bạn đến, đường Tần tôi qua. )
    ( Chi-Điền dịch )

    Nguyễn Bính hình như có rất nhiều cái tết xa nhà. Trong ngôn ngữ của ông, hai chữ cố nhân thật là gợi đến nhiều hình tượng. Như, hình bóng của Huyền Trân, của một thời lịch sử.
    Bài thơ, có những điệp khúc kéo dài theo. Trong cố tình, thi sĩ đã dùng những hình ảnh cũng như từ ngữ để mường tượng lại một thời mà cố nhân đã có nhiều ân tình thề ước. Gọi cố nhân, trong cái bồi hồi bất định của cảm giác xuân, có còn hay đi biệt lúc nào. Những câu hỏi, và những liên tưởng từ hình tượng lịch sử Huyền Trân, chỉ là tiếng kêu thống thiết của một người tràn đầy nhớ nhung một hình bóng cũ. Hai chữ cố nhân, như ngân vang trong hồn người thơ, và cũng làm cho người đọc, thấy gần gũi hơn một biển sầu mênh mang…


    XUÂN ĐẤT KHÁCH
    Ai có về bên kia đất nước
    Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
    Tôi, con én lạc mùa xuân trước
    Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương

    Vẫn đếm xuân về trên đất khách
    Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
    Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
    Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười

    Bếp lửa than hồng sao chẳng ấm
    Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh
    Thèm nghe ai nói lời tha thiết
    Một lời chúc tụng bước sang năm

    Ai có về bên kia đất nước
    Chở dùm tôi nỗi nhớ qua sông
    Hỡi em, cô gái mùa xuân trước
    Còn đứng hong khô áo lụa hồng

    Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
    Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
    Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
    Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
    (Trần Trung Đạo).


    THÈM
    Thèm nghe pháo nổ phút Giao Thừa
    Thèm mùi nhang toả nức hương xưa
    Thèm câu đối đỏ treo ngày Tết
    Thèm xin xăm giữa tiếng chuông chùa

    Thèm chút mưa xuân tưới lên cành
    Lộc non trổ quả, bánh chưng xanh
    Mai vàng, đào thắm hồng má phấn
    Thèm xác pháo tươi ngập thị thành

    Thèm dưa hấu đỏ trái to tròn
    Thèm hàng bánh mứt, kẹo thơm ngon
    Khô nai, khô cá thiều, giò chả
    Thèm nghe trả giá nhộn Sài Gòn

    Thèm đi chúc Tết viếng người thân
    Bao lì xì đỏ trẻ quây quần
    Thèm chơi Tam Cúc, thèm cờ bạc
    Thử vận đầu năm phúc hay bần

    Thèm đi chơi phố ngắm hàng hoa
    Giữa đám nữ sinh áo lụa là
    Có cô em gái cười ríu rít
    Làm anh ngơ ngần đến thật thà

    Mấy chục năm làm kẻ tha phương
    Những mong tìm lại chút dư hương
    Lạ thay thừa thãi mà vẫn thiếu
    Vẫn thèm không khí Tết quê hương

    Còn hiện tương lão hóa, theo nhiều nhận định cũng là một hiện tượng tốt. Lão hóa , cũng có khi là trẻ hóa như bài kệ của thiền sư Mãn Giác. Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn,chu kỳ ấy là tự nhiên của trời đất. Hôm nay, trong ngày xuân, nghĩ về văn học Việt Nam hải ngoại, tự nhiên nhớ đến những câu thơ xuân dịch thơ thiền sư Mãn Giác :

    Xuân ruổi trăm hoa rụng
    Xuân đến trăm hoa cười
    Trước mắt việc đi mãi
    Trên đầu già đến rồi
    Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước nở cành mai.

    Và như thế, có phải là ý nghĩ lạc quan nhất …

    XUÂN VIỄN XỨ
    Xuân này vẫn mãi chưa về được
    Anh mượn thơ lòng gửi gió sương
    Gửi chút tình Xuân trong nắng mới
    Cho hoài mộng đẹp chuỗi ngày thương

    Chiều nay Xuân đến nắng thôi hồng
    Tuyết trắng rơi nhiều ai có mong
    Nhớ quá đi thôi chiều dạo phố
    Áo dài tha thướt đón Xuân nồng

    Thiên hạ đua nhau đón Tết hờ
    Mình anh phòng vắng dệt vần thơ
    Xuân sang đón Tết hoa thôi nở
    Giá lạnh đêm Xuân ai có ngờ

    Nhạc réo mừng Xuân sưởi ấm lòng
    Tết này xa vắng vẫn hoài mong
    Tha hương mơ gặp người tri kỷ
    Cạn chén men say má đỏ hồng

    Đêm nay thức trắng chào Xuân đến
    Chờ pháo năm xưa đón Tết về
    Kẹo mứt đem ra vui đãi bạn
    Xuân nào thôi hết nhớ về quê ...
    (Nguyễn Vạn Thắng).


    ST.

    ReplyDelete

  2. Đầu năm được nghe Hòang Châu Cát...Cát ca bốn câu vọng cỗ mùi vô tận.Với lời văn kết cấu của sọan gỉa qúa ưu buồn làm người nghe khó mà quên được nơi mình đã phải lìa xa !
    Xa quê nhớ mấy cho vừa
    Nỗi lòng quặn thắt gío mưa dạc dào
    Rào thưa bìm phủ bờ ao
    Giờ đây cảnh ấy ra sao,hoang tàn ?
    Lịm trong giấc ngủ mơ màng
    Xóm làng vui vẻ hân hoan Xuân về
    Ngồi bên nồì bánh tỉ tê
    Trông coi ngọn lửa,giao thừa đến nơi
    Xuân nây mãi vẫn xa khơi
    Với thân Viễn Khách chơi vơi xứ người!

    tp

    ReplyDelete
  3. Hãy trả lại mùa Xuân.
    Xuân Tha Hương, thiếu nụ cười
    Thiếu tình bằng hữu, thiếu người viếng thăm
    Tiết xuân trời vẫn lạnh căm
    Giao thừa thiếu pháo, đêm nằm nhớ ai?
    Xuân xưa, ngoài ngõ đầy mai
    Bà con chòm xóm, lai rai viếng nhà
    Bây chừ, thân ở xứ xa
    Một mình đón Tết, lệ sa trong lòng
    Đắm chìm trong nổi nhớ mong
    Thương cho số kiếp long đong không nhà
    Xuân xưa trả lại cho ta
    Để dân tộc Việt hoan ca đón mừng
    Lanh Nguyễn

    ReplyDelete

  4. "Xuân Xưa !"

    Xuân Xưa canh nồi Bánh Chưn
    Nước sôi ừn ực đó Xuân giao thừa
    Xuân nầy pháo Tết nổ chưa ?
    Chưa tan ca tối,giao thừa đã qua
    Về nhà mệt lã ngả ra
    Đánh cho một giấc đến ca đi làm
    Riết rồi Tết Nhứt cũng nhàm
    Tiền tài bill bọng phải làm xở xoay
    Xuân ôi xứ Mỹ thiệt thòi
    Hẹn Xuân năm tới đến hồi về hưu
    Việc nhà hết chuyện lu bu
    Mừng Xuân cạn chén tạt thù thâu canh.

    tp

    ReplyDelete

  5. Xin chỉnh lại câu 2:

    Nước sôi ừn ực đó..Xuân giao thừa

    =>Nước sôi ừn ực đón Xuân giao thừa

    tp

    ReplyDelete