Links

Monday, March 16, 2015

Tản Mạn về Eo

_____________

Vũ đăng Khiêm



Trong mênh mông của chữ nghĩa, có những chữ hoặc những câu nói đeo đuổi, gắn chặt đến cả một kiếp người, đôi khi dài qua vài ba thế hệ hay còn có tồn tại với thời gian. Thí dụ chữ nghèo chẳng hạn:
         “Cây khô xuống nước cũng khô,
              Người nghèo đi tới chỗ mô cũng nghèo!”
Mà đâu chỉ cuốn quyện đến một người, một giòng họ, nó còn chiếu cố đến nhiều vùng, nhiều quốc gia nữa chứ.
Chẳng hạn Việt Nam ta, bốn mươi năm rồi, vẫn lẹt đẹt trong nhóm các nước Đông Nam Á, vậy mà các đỉnh cao trí tuệ lúc nào cũng huyênh hoang !. Nếu đề cập đến những câu nói thì nhiều vô kể, ở đây chỉ nêu ra vài câu nói tiêu biểu trong sử sách.
-“Thà làm qủi nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” của danh tướng Trần Bình Trọng.
“-Nam Quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đằng hành khan thủ bại hư “ của cụ Lý Thường Kiệt.

Đối với những người sinh ra. lớn lên hay ai đã từng ấp bầu sữa Mẹ Rạch Gía-Kiên Giang, không thể nào không biết đến Tuyệt Mệnh Thi của anh hùng Nguyễn Trung Trực.
“Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đởm khí hữu long tuyền,
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Báo hận thâm cừu bất đới thiên. “
Đối với người viết, chữ eo theo sát như keo dính, vừa chặt, vừa dai, vừa dài, bứt không ra, bỏ không được qua những chặng đường của cuộc sống.
Số là khi còn nhỏ, chạy nhảy tung tăng trong làng, qua các ngõ ngách xóm trên, xóm dưới, một hôm tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa hai người con gái đang tuổi xuân thì nói với nhau:
-Này Hương à, mày có biết tối hôm qua con Hà nó bỏ nhà đi theo thằng Hùng xùi rồi không ?
-Eo ơi, cái con nhỏ đó sao ngu qúa cỡ dzậy hè, thằng đó cù lần cù lửa hết cỡ thợ mộc mà sao đi theo nó!
Thế là cái “Eo ơi “ấy cứ bám riết lấy tôi, làm tôi nhiều lúc mơ mộng sau này lớn lên cũng được cù lần như anh chàng đó.
Thập niên 60, khi vào trung học, tôi và có lẽ hầu hết các bạn nam sinh trang lứa với tôi cũng khổ sở vì những cái eo  của những chiếc áo dài mà các thiếu nữ, đặc biệt nữ sinh Nguyễn Trung Trực thả bay trên đường phố, để cho những cặp mắt nam nhi dõi theo không chớp mắt !
                        Eo ai tròn đẹp qúa ta,
                  Mong cho nó trẹo để xà đến nâng.
Khốn nỗi nó không trẹo mà chỉ có vẹo qua, vẹo lại để trêu ghẹo
mới khổ chứ !
Trong địa dư thế giới, có những cáo eo đã đi vào lịch sử, ở đây cũng xin điểm qua vài cái xem thế nào.
1.-Eo Đối Mã ( Tsushima) nơi xẩy ra trận hải chiến ngày 27-28 tháng 5 năm 1905 giữa hạm đội Nhật Bản của đô đốc Heihachio Togo và hạm đội Nga do đô đốc Zinovy Rozhesvenky chỉ huy.
Kết qủa trận chiến là hạm đội Nga bị tiêu diệt 2/3 với 4300 chết, 5917 bị bắt trong đó có hai đô đốc. Phía Nhật mất 3 phóng ngư lôi số 34,35 và 69, số chết 117, bị thương 500. Trận chiến Đối Mã được coi là trận chiến hủy diệt lớn nhất của hải quân trong bề dày lịch sử nhân loại !
2.- Eo biển Đài Loan : Năm 1949 khi Mao Trạch Đông xích hóa được Hoa lục và Tưởng thống chế phải bôn ba ra Đài Loan mưu đồ gầy dựng lại sự nghiệp, từ đó eo này thường nóng theo thời gian, đơn cử là ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953, sóng đã nổi lên lần thứ nhất.
Ngày 23/8/1958, lúc 5giờ 30 cuộc đọ pháo giữa hai bên xẩy ra ác liệt, trong lần này Hoa lục đã nã vào Kim Môn 450.000 qủa đạn, kết qủa khiến 2500 quân Đài Loan thiệt mạng và 200 lính Trung Quốc đi chầu Karl Marx.
Có một chi tiết lý thú là vỏ đạn ở Đài Loan sau này thành nguồn
cung cấp kim loại tái chế cho kinh tế địa phương, một vỏ đạn làm được 60 chiếc dao phay nhập qua Trung Quốc.
3.-Eo biển Manche : được hình thành vào năm 1802( năm vua Gia Long lên ngôi) ý tưởng đào hầm qua Manche của kỹ sư người Pháp Albert Mathieu, đến 1830 ông Aimé Thome’ de Gamond thực hiện chuyến khào sát đầu tiên.
Tháng 6/1988 thực hiện việc đào đầu tiên ở bên Pháp.
Tháng 12/1988, tức sau sáu tháng, máy đào hầm TBM ở Anh bắt đầu hoạt động.
Tháng 5/1994 được nữ hoàng Anh và tổng thống Pháp Mitterrand cắt băng khánh thành.
Tính sơ từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn thành là 192 năm (1994-1802).
Ngoài những cái eo đã nói ở trên, cái eo của cụ tam nguyên Nguyễn Khuyến cũng cứ theo sát người viết.
Bây giờ xin mời đọc lại Thu Điếu của cụ :
                        Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo,
                        Một chiếc thuyền con bé tẻo teo.
                        Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
                        Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
                        Từng mây lơ lững trời xanh ngắt,
                        Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
                        Tựa gối ôm cần lâu không được,
                        Cá đâu đớp động dưới chân bèo !
Trong bài này cụ đã gieo vần Eo. Mùa thu khi hoa tàn, lá rụng, đất trời thay đổi sắc mầu, cảnh vật hầu như teo lại, vậy chỉ việc gieo Eo vào Thu Điếu đã cực tả được cảnh sắc của mùa thu, bút pháp này qúa tuyệt vời đi chứ. Lại nữa nếu chúng ta liên kết các chữ veo, teo, vèo, bèo, chúng ta có cảm tưởng tiếng thu lay động quanh ta làm ta liên tưởng đến Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Còn nữa, nếu chúng ta lấy ra những chữ trong veo, xanh ngắt cho ta nghĩ đến những giai đoạn của một con người.
Trong veo : Khi ta còn nhỏ, tính tình đơn sơ, trong trắng-Nhân chi sơ, tính bản thiện.
Xanh ngắt: Không phải là tuổi 17-18 bẻ sừng trâu hay sao ?
Còn qua hai câu kết : Tựa gối ôm cần lâu không được
                                                    Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Không phải là qua bao thăng trầm, toan tính. lo âu chờ hoài chẳng được gì, bất chợt nghe “cá động” làm ta chợt tỉnh giấc nam kha khéo bất bình đó sao.
Eo với chỉ hai mẫu tự mà cũng sinh ra nhiều chuyện ở trên đời, huống chi những chữ phức tạp, những câu lòng thòng có lẽ còn gây nhiều tranh cãi trong giao tiếp của chúng ta. Hiểu được một người, thưởng thức trọn vẹn một câu thơ, một bài văn cũng không đơn giản phải không bà con xa gần.




4 comments:

  1. Tự Thán
    Tam Nguyên Yên Đổ thả vần eo
    Tú thấy buồn tình cũng hoạ theo
    Xuân Hạ nóng lòng khôn vượt núi
    Thu Đông lạnh cẳng khó qua đèo
    Viagra chín hủ không thèm bự
    Minh Mạng mười toa vẫn cứ teo
    Thất thập lão tui buồn thấy tổ
    Bà nhà sáu chục tức nằm khèo!
    Tú Thoọc

    ReplyDelete

  2. Eo ơi! VDK thấy như dân Hà Nội chính cống, sao mà dùng chữ eo ơi chính xác vậy.
    Eo ơi! Con nhỏ đó có ngu đâu, nó mê cá Mã của thằng đó chớ!
    Biển có eo, vậy sông có eo không VDK?
    Nghĩa thứ ba của eo quá hấp dẫn cả Nam lẫn nữ. Khi Kim Kardashian hay Jennifer Lopez đi ngang qua, chắc chắn là các đâng mày râu ngẫm ngơ nhìn, còn phái kẹp tóc thì luyến tiếc, ước ao...vòng eo thắt đáy lưng ong.
    Sự so sánh nầy chắc chắn là không đúng rồi, phải không quí bà?
    Chắc chắn nhứt là sự nghiên cứu của các đấng thích thưởng thức vũ điệu múa bụng tuyệt vời của các vũ nữ Thổ Nhỉ Kỳ, đường cong thắt đáy lưng ong hấp nhứt phải hình thành 45 độ........
    BLG








    ReplyDelete
  3. Thương ai má thắm, eo cong
    Uốn qua éo lại cho lòng xốn xang
    Sớm mai núp ở đầu làng
    Lén nhìn eo mỏng, gánh hàng đi qua
    Lưng eo, da rám mặn mà
    Về nhà mơ mọng,gọi là tương tư
    LN

    ReplyDelete
  4. Người có eo, biển có eo,nên sông cũng có eo là cái chắc, ngay cả quê hương đất nước hình chữ S của chúng ta cũng có eo mà.

    ReplyDelete