Links

Saturday, April 18, 2015

22 năm giật mình nhớ lại



_________

Lanh Nguyễn


Mấy hôm trước tôi có vào Tha Hương viết comments trong đó có bài thơ ngắn với câu kết “Quê hương còn đó, có như không”. Tưởng là viết chơi cho vui không ngờ có một thằng bạn cũng lang thang vô xem rồi gọi phone hỏi:
- Ê! Câu kết của bài thơ mầy viết sao kỳ vậy? Bộ hết ý rồi viết đại cho đúng vần mà không cần đúng nghĩa sao? Hay là để tao đổi lại cho mầy thành câu “Quê hương còn đó ở trong lòng”. Tôi thì không muốn làm bạn bè mất hứng nên trả lời cho xong chuyện:
- Ừ! Thì đổi đi. Ai mà trong lòng không yêu quê hương mình?

Chuyện đổi thơ tưởng đã xong thì lại có một đứa học trò phàn nàn:
- Em vô Tha Hương đọc thơ, thấy thầy viết comments “Chợt nhớ quê mình mất đã lâu”. Thầy về Việt Nam hồi nào mà thấy mất vậy? Chứ em mới trở qua có một tháng nay thôi, làng xã cái gì cũng còn y nguyên đó, có mất mác gì đâu?
- Ừ! Chắc tại tui lẩm cẩm nên viết lộn. Định viết “Chợt thấy quê mình, mấy hàng cau”.
Nói thiệt với các bạn chuyện Quê Hương còn hay mất, đó là điều làm mọi người nhức nhối trong tim, mổ xẻ thì dể đụng chạm hoặc gây khó khăn cho người đọc còn ở trong nước, cũng như quan điểm của từng người khác nhau dể gây mích lòng vô ích, ai nghĩ sao cũng được. Chỉ có điều mấy hôm nay làm tôi nhớ lại câu chuyện 22 năm về trước nên muốn viết lại để các bạn cùng xem chơi thôi.
Năm 1991 tôi về Việt Nam lần đầu thăm nhà, sau 13 năm trốn khỏi nước, chuyện cảnh trí đường đi thay đổi như thế nào, viết rồi ở những bài trước, kể lại nữa thì kỳ lắm. Năm ấy Ba tôi bị bịnh mất trí nhớ, cơ thể suy nhược rất là trầm trọng cho nên năm sau cả nhà tôi cùng về thăm ông lần cuối. Chương trình đi là 1 tháng, ở quê 3 tuần rồi lên Sài Gòn chơi ít ngày trước khi về lại Mỹ. Tôi biết xứ mình ở, muỗi, mòng, rắn, đỉa dữ dằn lắm nên đã chuẩn bị thuốc chống muỗi tới mấy loại, tôi còn tính kỹ hơn kêu tụi cháu phát cỏ, dọn sạch sẽ chung quanh nhà cho bớt muối.
Gia đình tôi 3 người, sợ bà xã về quê buồn nên rủ thêm cô em vợ bà con theo chơi cho có bạn.
Năm trước đó tôi đã về, đường từ Mỹ qua Việt Nam tuy đi gần 20 giờ bay mà không thấy sợ. Chỉ sợ đoạn đường xe từ Sài Gòn về Rạch Giá mà thôi. Hồi chưa đi vượt biên con đường đó tuy có xấu, toàn là ổ gà ổ chuột, xe chạy lâu lâu nhảy tưng lên, tưng xuống, ngồi xe về tới nhà chỉ bị ê bàn tọa chút đỉnh. Vậy mà sau 17 năm “giải phóng”. Cũng con đường đó, ổ gà ổ chuột đột nhiên biến mất hết, thay vào đó ổ cọp, ổ voi, ổ sư tử lềnh khênh, ngồi xe không còn bị nhảy tưng, tưng nữa mà được <dancing with the stars> vì thế cho nên về tới nhà mình mẩy ê ẩm hết.
 Tôi với kinh nghiệm đau khổ của năm rồi, nên khi mướn xe bèn hỏi: 
- Hai con đường về Rạch Giá, ngã Cần Thơ với ngã Vàm cống đường nào ít dằn hơn vậy anh?
Bác tài xế cười cười trả lời:
- Đường nào cũng “địch xà nia” với nhau, chỉ có nhiều bụi hay ít bụi hơn mà thôi. Nếu đi đường Cần Thơ, ít bụi thì cho thêm 100 ngàn tiền xăng vì nó xa hơn mấy chục cây số cho nên xe đò, xe tải không đi đường đó.
- Vậy thì đi đường ít bụi, mà anh chạy chậm chậm dùm tôi, chừng nào tới không quan trọng hể ít dằn là tốt rồi. 
Bà xã tôi sống ở Mỹ, hằng ngày quen đi xe cũng như ăn cơm bửa, vậy mà ra khỏi Sài Gòn, nhảy chưa đầy 3 bản nhạc là đã cho chó ăn chè. Cô em vợ tình trạng cũng tương tự. Chỉ có 2 cha con tôi vẩn thản nhiên, “bình chân như vại” không hề hấn gì.
Chiều tối mới lết về tới nhà, nhìn thân tàn ma dại của người vợ yêu quý tôi thiệt đau lòng quá cở...
Nhà tôi tưng bừng náo nhiệt đón “Việt Kiều” cũng tiệc tùng rùm ben, khách khứa bạn bè ỳ xèo, ban đêm nhan ung muỗi, thuốc xịt muổi xài tối đa. Ban ngày bà xã và thằng con vừa thoa kem chống muổi vừa xịt thuốc trừ muổi vậy mà buổi chiều đó thằng con chạy lại kéo ống quần lên khoe:
- Ba! Ba coi nè, có 5 cái bánh cam mọc trên chân con đó thấy chưa?
Nhìn 5 cái dấu tròn đỏ chói, sưng vù tôi nóng ruột vô cùng, vội lấy chai dầu gió nước xanh thoa cho nó bớt sưng. Bà xã thấy vậy cũng chạy lại nói:
- Em cũng có 2 vít nữa nè.
Ở nhà khách khứa cứ tới thăm liền xì, vậy mà cứ vắng khách một chút thì hai mẹ con đến báo cáo:
- Em được mười mục rồi.
- Con có mười hai cái bánh cam...
Má tôi thì chỉ muốn được ngủ chung với thằng cháu nội đích tôn còn bất cứ vấn đề khác bà không hề quan tâm tới. Vì vậy thằng con tôi muốn gì bà cũng chìu, thấy nó bị muổi cắn, bà lo sốt vó, tìm mọi cách cho nó bớt đỏ nhưng vô phương. 
Có lẻ thịt dân Mỹ hay dân thành phố có mùi thơm hay sao hổng biết, mà muổi cứ tìm bà xã tôi với thằng con mà cắn. Còn tôi thì nó chê, cũng không chừng da tôi dầy, tổ tiên nhà muổi cắn đã rồi nên đến đời con đời cháu chúng nó tha...
Sang tới ngày thứ 4 thì hai mẹ con nó đếm hết nổi, tay chân mình mẩy nổi đầy mục đỏ. Bà xã tôi nóng ruột muốn rút dù về Sài Gòn nhưng thấy má tôi vuốt tay chân thằng cháu nội mà nước mắt chảy ròng ròng nên không dám mở lời. Còn tôi thì y như miếng thịt hamburger nằm giữa hai cái bánh kẹp, chưa biết giải quyết cách nào cho ổn...
Thằng con trai tuy bị muỗi cắn bấy mình nhưng vẫn hồn nhiên chạy đi chơi với mấy đứa em con của cô nó. Tuy tụi kia có đứa lớn hơn nó 6, 7 tuổi vẫn phải gọi nó bằng “anh hai” ngọt sớt. 
Nó khoái nhất là chụp hình cây cầu tiêu trên hầm cá vồ, nhìn bức ảnh đám cá bu lên trên mặt nước khi có người “thả mồi” xuống nó nói:
- Cảnh nầy mà kể cho Mỹ nghe chắc người ta không tin đâu, con phải đưa tấm hình nầy cho người ta thấy mới được.
Mấy đứa em con cô thi nhau dẫn nó đi chơi cùng làng, còn mò qua tuốt bên chợ Mong Thọ. Không biết tụi nhỏ rủ ăn món gì mà chiều tối thằng con tôi bị Tào Tháo rượt suốt cả đêm. Thuốc tiêu chảy đem theo uống vô không có chút áp-phê nào hết. Bà nội nó đâm hoảng hối:
- Hai đứa con kêu xe đem nó về Sài Gòn đi bệnh viện cho người ta trị đi. Chậm chạp có chuyện gì là chết với tao.
Bà xã tôi mừng quá nói:
- Anh ra chợ Rạch Giá kêu xe liền đi.
Thấy tôi còn do dự bả kề tai nói nhỏ:
- Em chịu sắp hết nổi rồi.
Vậy là gia đình tôi đành khăn gói về Sài Gòn trước thời gian dự tính 2 tuần. Thấy mấy đứa cháu mặt mày bí xị vợ chồng tôi tội nghiệp muốn cho tụi nó lên chơi cho biết Sài Gòn nhưng má tôi phán:
- Tụi bây theo hết một đám cả chục mạng làm sao mà chăn cho nổi? Mỗi nhà đi hai đứa thôi.
Đám cháu 10 đứa chẵn bon nhưng con của Út Ngân thì nhỏ quá không đi một mình được. Dắt theo chín đứa thì hơi nhiều với lại tụi nó chưa từng ra thành phố, cũng khó coi chừng chúng lắm, nghe lời bà già, tôi cho tụi nhỏ rút thăm theo từng gia đình. Trời xui đất khiến thế nào mà mấy đứa lớn rút nhầm thăm đi, còn mấy đứa nhỏ bị ở lại ráo trọi. Con nít thì thường hay nhỏng nhẽo đòi nầy đòi nọ với lại có cơ hội đi chơi xa ngàn năm một thuở mà không được tham gia nên mỗi đứa tìm một gốc ngồi ôm mặt khóc. Thằng con tôi thấy vậy can thiệp liền:
- Hay là ba cho Út Thạch và Út Nghiệp đi chơi chung với con đi. 
Tôi chỉ bà nội nó nói:
- Qua hỏi bà nội con kìa.
Nó chưa kịp tới thì má tôi đã đầu hàng nó rồi.
- Ừ! Hai đứa đi chơi với anh hai cho nó vui đi.
Còn lại ba đứa con gái nhỏ bị ở lại nhà, chúng khóc càng dữ hơn làm bà xã tôi quýnh lên không biết làm cách nào mà dổchúng. Túng quá tôi hỏi mấy đứa lớn:
- Tụi con nhắm coi chừng em mình được không?
Chúng nó đồng thanh:
- Được mà. Cậu mợ an tâm đi.
Chúng tôi chất nhau lên chiếc xe 17 chổ trực chỉ về Thủ Đô (cũ).
Thằng con tôi từ khi lên xe thì Tào Tháo chạy bộ nên không theo kịp nó. Lên Sài Gòn chúng tôi 13 người mướn 3 phòng khách sạn, đi chơi cũng vui lắm, tụi nhỏ tuy là dân quê nhưng nhờ có đi học cũng dể hội nhập lối sống thành phố, nên cái lo sợ của má tôi hơi thừa.
Ở thành phố rất ít muỗi, nếu sót lại một vài con thì chúng nó tìm tôi mà trả thù chứ không cắn bà xã và thằng con tôi nữa...
Ở chơi được 3 hôm thì tôi đâm chán, về thăm quê mà ở trên thành phố thì cũng như nhốt tôi trong tù, lòng tôi bần thần khó chịu, xe đi thăm chổ nầy chổ kia mà tôi lơ đảng như kẻ mất hồn. Nhưng thấy cả nhà cháu con đang vui vẻ tôi cũng cố vui cho tụi nhỏ yên lòng. Bà xã thì tinh ý nói:
- Hay là anh về nhà chơi với má đi. Em với con ở trên nầy được rồi.
Tôi mừng thầm trong bụng nhưng cũng đưa qua đẩy lại một hồi. Cuối cùng đưa tới quyết định tôi được về quê chơi một mình còn bà xã và đám cháu thì ở lại Sài Gòn chơi với nhau cho đã thèm...
Tôi lên chuyến xe đò Việt Đức, nếu lộ trình êm xuôi, xe không xẹp vỏ giữa đường thì khoảng 7 giờ tối là về tới nhà. Tới Lai Vung xe ngừng nghỉ cho bà con ăn uống hay đi vệ sinh. Tôi một mình ngồi ăn hủ tiếu uống cà phê nhả khói thuốc, xem ông đi qua bà đi lại, thiệt nhộn nhịp vô cùng. 
Xuống tới phà Vàm Cống thì trời đã gần chiều, gió mùa hè thổi mát rượi. Chiếc bắt 10 ít xe còn nằm chờ chưa rời bến. Hành khách có người xuống xe qua phà, có người làm biếng vẫn ngồi yên trên xe. Tôi theo chân đoàn người xuống phà. Phà ít xe nên người ta không lên tầng lầu mặc dù trên đó có chổ ngồi hóng mát, gió sông thổi lồng lộng đẩy đi hết cơn nóng bức của chiều hè. Hai bên từng trên vắng tanh chỉ có một già một trẻ đang ngồi dưới mặt bằng kế bên ca-bin. Tôi chậm rải tới ngồi kế bên trên băng ghế sắt. Thấy có người đến ông hát dạo bắt đầu lên dây đờn rồi cất tiếng ngâm thơ vô đầu bài vọng cổ. Giọng ca ngọt ngào mùi mẫn làm tôi chợt nhớ những lần say sưa với bạn bè, thường được nghe tụi nó hát hò đủ loại từ tân nhạc, vọng cổ, nam ai, lý con sáo...
Người hát dạo với một khán giả duy nhất vẫn say sưa hát, tôi vẩn lặng lẻ ngồi nghe, chiếc phà đã tới bờ bên kia sông mà cả hai đều không hay biết. Thằng nhỏ nhắc:
- Tới bờ rồi kìa chú, không lên bờ cho kịp, là xe bỏ chú lại đó.
Tui giựt mình tỉnh mộng:
- Xe bỏ lại thì chú đi xe sau, chú chẳng có mang theo đồ đạc gì cả chỉ mổi một cái túi xách nầy mà thôi.
Người hát dạo bây giờ mới chịu nở nụ cười méo mó:
- Vậy là ông vẩn còn muốn nghe tui hát nữa sao?
Tôi chưa kịp trả lời thì hai, ba đứa bán vé số chạy lên nhao nhao nói:
- Chơi vài bài tân nhạc đi Sư Phụ. 
Anh hát dạo lại chỉnh dây đờn rồi thả hồn theo tiếng hát với bài “Ngày xưa Hoàng thị”. Xe bắt đầu xuống phà để trở về bên phía bờ Lấp Vò tụi nhỏ lại chạy xuống lầu để bán vé số, tôi lại trở thành người khán giả độc nhất như lúc ban đầu. Nghe anh ta hát, làm tôi nhớ ray rức những ngày đầu mới về nhận nhiệm sở ở Xẻo Rô, tiếng hát của anh, sao giống ai đó hát mà tôi đã từng nghe qua. Tôi cố moi lại trí óc cằn cỗi của mình, để thử xem nó giống người nào đã hát qua. Nhưng tôi hoàn toàn tuyệt vọng, không nhớ nổi. Tôi móc gói thuốc Marlboro ra châm lửa rích một hơi thật dài để cố nhớ lại lần nữa. Người hát dạo bổng nhiên ngưng hát rồi gở chiếc nón lá rách ra, con mắt phía trái và cả mảnh xương mặt biến mất trên khuôn mặt nửa như đẹp trai, nửa như ác quỷ:
- Ông có thể cho tui một điếu thuốc. Tui bỏ thuốc 12 năm rồi kể từ ngày lấy vợ tới nay, nhưng mùi thuốc ông hút đó, khiến tui nhớ về ngày xưa không chịu nổi.
Tôi sực nhớ ra mình đã nghe anh ta hát hơn nửa giờ mà chưa trả tiền công. Tôi vội móc túi bỏ vào cái lon 50 ngàn, rồi kéo trong gói thuốc ra một điếu thuốc:
- Mời anh. 
Tôi bật diêm quẹt mồi thuốc dùm, anh ta rích vào một hơi thật sâu rồi nhắm nghiền con mắt còn lại và nhả ra những vòng khói tròn tuyệt đẹp. Những vòng khói đó tôi và đám bạn đã bỏ công khổ tập rất lâu nhưng vẫn chưa mấy thành công, rồi đến ngày mất nước không còn thuốc ngon để mà tập nữa...
Chiếc phà đã ra giữa dòng sông, hai điếu thuốc đã tàn mà chúng tôi vẫn ngồi bất động nhìn những tản lục bình trôi trên mặt nước...
Người hát dạo hất ngược mái tóc dài về phía sau rồi giọng hát bổng vút cao với bài “Đêm nguyện cầu”. Giọng hát ngân cao và cái hất đầu bất cần đời đó làm tôi nhớ tới một người... 
Phải rồi! Là thằng Vũ. Sinh Viên Sĩ QuanThũ Đức sắp ra trường đã về Xẽo Rô công tác 1 tháng trong chiến dịch Dân Vận trước khi hiệp định Paris được ký kết. Nó ở chung nhà với tôi cùng 2 người nữa cũng là dân Sài Gòn.
Tôi nhào tới chụp cho cây đàn ngừng lại hỏi:
- Xin lỗi! Anh có phải là Vũ, có một thời gian sống ở Xẽo Rô không?
Người hát dạo bổng nhiên la lên như bị chạm vào nổi đau sâu kính:
- Thằng Vũ đó đã chết rồi.
Chiếc phà sắp cập bến, hành khách xe cộ chuẩn bị lên bờ. Người hát dạo qua cơn xúc động cũng đứng dậy đưa tay cầm cây nạng gổ:
- Đi về thôi con.
Anh ta một tay vịn vào thành cầu thang, tay kia chống cây nạn gổ lần từng bước xuống tầng dưới rồi đi lên bờ, đứa bé vai mang cây đàn lủi thủi theo sau. Nhìn dáng đi khập khểnh với cái chân cụt ngang đầu gối của nó tôi tự hỏi “Sao nó không nhận mình vậy ta?” Hay là 20 năm mình đã thay đổi quá nhiều nó không nhớ ra. Tôi vội bước theo rồi đột nhiên hỏi lớn:
-  Một tháng sống chung không được kể là bạn sao?
Người hát dạo vẫn không quay đầu lại mà trả lời:
- Nếu mầy dám nhận tao là bạn thì cứ theo...
- Bịnh gì mà sợ?
Tôi mừng rở bước nhanh lên rồi theo hai cha con nó lên chiếc xe lôi về cầu Cái Dâu cách đó chừng 2 cây số. Trên đường về nhà nó vẫn lặng yên không nói một câu nào. Chiếc xe lôi dừng trước căn nhà lá nhỏ. Người thiếu phụ lam lủ bước ra đón chồng. Thằng Vũ vẩn không giới thiệu tôi với vợ nó. Buộc lòng tôi phải lên tiếng trước 
- Chào chị! Tôi là bạn anh Vũ 20 năm trước, hôm nay mới tình cờ gặp lại.
Thiếu phụ nở nụ cười, một nụ cười ẩn chứa nét kiêu xa đài các không phải nụ cười hồn nhiên chất phác như dân quê chúng tôi:
- Chào anh! Tôi tên Thu Hằng vợ anh Vũ, hôm nay hân hạnh được anh viếng nhà thăm, mời anh vào nhà.
Hai bên qua lại với những từ ngữ khách sáo tróng rổng tôi chợt hối hận cho cuộc viếng thăm không định trước nên xin phép đi rửa mặt rồi từ giã ra về. Vừa bước ra phía sau thì thấy thẳng bé đang vo gạo nấu cơm. Hai lu nước đầy một trong một đục, đứa nhỏ cất tiếng:
- Chú múc nước ở lu bên nầy đi, lu bên kia con chưa lóng phèn còn đục lắm.
Tôi chợt suy nghĩ “Nước sông đục thì chỉ cần lóng phèn là xong ngay, vậy còn đất nước hay lòng người vẫn đục thì làm sao cho trong đây?” Chắc không có ai trả lời dùm tôi. Nhìn thằng bé trạc tuổi con mình đang cặm cụi vo gạo tôi hỏi nó:
- Mẹ cháu chưa nấu cơm chiều sao?
Thằng bé ngước cặp mắt sáng ngời nhìn tôi trả lời:
- Dạ mẹ con nấu xong rồi, nhưng nếu ba con mời thêm chú thì con sợ thiếu cơm nên mới nấu thêm.
Tôi bước tới xoa đầu nó nói:
- Nhưng chú sắp về rồi, chắc không ăn được cơm cháu nấu đâu.
Thằng nhỏ nhe răng cười:
- Vậy thì uổng quá. Con định luộc 2 con vịt đãi chú, vậy mà chú không chịu ở lại ăn.
Tôi chưa kịp trả lời thằng nhỏ thì mẹ nó đã lên tiếng rầy:
- Con không được nói chơi với người lớn như vậy, vô phép, vô tắc lắm biết không?
Quay qua tôi chị ta xin lỗi:
- Xin lỗi anh! Tại thằng con tôi thường nghe ba nói chơi. Mổi khi không có đồ ăn, đem hột vịt hay hột gà ra luộc dầm nước mắm là ảnh luôn luôn nói vậy cho nên nó bắt chước.
Tôi cười tươi:
- Không sao, câu đó tôi ngày xưa  cũng thường nói với bạn bè như vậy.
Nói thiệt với các bạn thời đi học Trung Học lúc mà đường xá bị đấp mô, tôi ở trọ nhà bà con mổi khi làm biếng thì bắt nồi cơm lên chỉ cần bỏ vô 2 cái hột gà là xong, bạn bè nói tôi hà tiện, tôi lúc nào cũng biện hộ:
- Luộc một lúc 2 con gà mà tụi mầy còn chê nữa sao?
Tôi nhớ ngày đầu gặp thằng Vũ nhằm 4 hay 5 tây gì đó tôi bận, nên chưa đi Rạch Gíá lảnh lương. Ông xã trưởng Đông Yên đem tới 3 anh SV Thũ Đức nói :
- Nhà thầy ở một mình cho tui gởi 3 ông sĩ quan nầy nghen.
Thật ra căn nhà tôi trọ cũng là nhà của ông xã trưởng Đông Hòa cho ở không chứ chẳng phải tốn tiền mướn đồng nào cả. Ba người khách không mời mà tới, đúng vào lúc tôi đang dọn cơm ăn, thức ăn vỏn vẹn có một trái dưa leo, 2 cái hột vịt luộc bóc vỏ mà một ít nước mắm nguyên chất. Theo thói quen của dân miền Tây Nam Bộ gặp khách tới nhà vào lúc ăn cơm là mời liền, dù là cơm trong nồi chỉ còn có một chén hay là đồ ăn chỉ có một trái ớt hiểm với dỉa muối cục. Tôi có tới 2 con vịt lận mà không mời coi sao được. Hai ông kia nhìn mâm cơm thì hởi ôi buông gọn 2 tiếng « Cám ơn » rồi thả ra chợ tìm quán ăn, chỉ có thằng Vũ thì cười cười làm quen:
- Thường ngày anh vẫn ăn cơm như thế nầy sao? Hôm nay đầu tháng chứ đâu phải cuối tháng, vả lại theo tôi biết chỉ số lương của mấy anh còn cao hơn tụi tôi nữa mà.
Tôi cười trả lời:
- Vớt một lúc 2 con vịt mà anh còn nói thế nầy, thế nọ, hổng lẻ chơi hết bầy mới sang sao? Mà anh có ăn không thì tôi đi lấy thêm chén đủa?
- Anh khỏi bận tâm, chén đủa ở đâu ? Chỉ đi tôi tự đi lấy.
Chúng tôi quen nhau và căn nhà nhỏ đó được chia làm 2 phe thường hay đấu lý với nhau... cách ăn uống sinh hoạt có khác nhau chút đỉnh, triết lý sống cũng khác nhau  thằng Vũ thường đứng về phe tôi cho đều. Một tháng sống chung tôi cứ đinh ninh nó là dân lớn lên ở miệt vườn hay miệt ruộng như tôi nhưng không ngờ trước khi về lại trường Thũ Đức nó cho biết nhà nó ở Phú Nhuận Sài Gòn. Từ đó đến nay mới gặp lại...
Trở vào nhà định từ giã ra về thì vợ nó đã dọn sẵn mâm cơm:
- Sẵn gặp bửa, mời anh ở lại dùng cơm với gia đình rồi hãy về.
Chắc các bạn còn nhớ vào năm 1992 Việt Nam vừa qua cơn chết đói hụt sau thời kỳ hợp tác xã, dân ở quê còn nghèo lắm. Mâm cơm nhà nó gồm một tô canh cải bẹ xanh, dỉa cá chốt kho chừng chục con, một dỉa rau cần cua bốp giấm như vậy kể là giàu rồi so với những người dân ở gần nhà má tôi. Tôi tuy vừa làm một tô hủ tiếu ở Lai Vung chưa đầy 2 giờ nhưng cũng không muốn phụ lòng tốt của gia chủ:
- Vậy tôi xin làm xấu ăn ké một bửa, lâu rồi chưa ăn rau cần cua.
Tôi ngồi lên bộ ván ngựa nhỏ cùng với gia đình nó sau khi mời mọc qua lại tôi thẳng tay vớt sạch một chén cơm và hơn nửa dỉa rau, không nhớ là đớp một hay là hai con cá chốt của nó. Thằng Vũ vẩn chưa chịu mở miệng cóc. Thấy chén cơm tui hết sạch vợ nó lên tiếng:
- Anh đưa chén đây tôi bới thêm cho.
- Cám ơn chị, tôi lúc nảy đã ăn ở Lai Vung rồi. Ở chơi một chúc gia đình ăn cơm xong tôi xin phép từ giả ra về.
Đến khi đó thì thằng Vũ mới lên tiếng :
- Không ở lại nhậu chơi à? Tao có bình rượu mít mầy có muốn thử không?
Quay sang vợ mình nó nói:
- Em moi hủ rượu lên dùm anh đi.
Thu Hằng vào trong một lúc rồi rinh ra cái keo lớn bằng thủy tinh trong đó chứa toàn là mít nghệ vàng óng, rượu thì đầy tới nắp. Vừa đặt keo rượu lên bộ ván ngựa Thu Hằng vừa kể:
- Anh Vũ đã bỏ rượu có hơn chục năm nay, tự dưng tuần trước bẻ trái mít chín cây đem vô có người ngoài chợ hứa mua rồi không vô lấy, ảnh xẻ ra cho anh Ba xe lôi nửa trái, ở nhà ăn hết một gốc tư, còn lại một gốc tư thì đem nướng sơ rồi kêu tôi mua hai lít rượu gốc đem về ngâm. Thấy lạ tôi hỏi thì ảnh không trả lời mà chỉ đọc cho tôi nghe 2 câu thơ:
« Rượu ngon không có bạn hiền 
Không mua, không phải không tiền, không mua ».
- Nhưng mà hơn mười năm nay anh có người bạn nào tới thăm đâu?
Anh Vũ vẫn làm thinh cười cười mà không nói gì...
Tôi bậc cười trả lời:
- Tôi mỗi lần uống rượu xỉn, xỉn thường hay đọc 2 câu thơ đó, thì ra tôi chôm của người ta vậy mà lâu nay tôi cứ nhớ lầm là mình sáng tác mới chết chớ.
Thằng Vũ sau khi nốc vô một ly nở nụ cười đầu tiên nói :
- Vậy mầy có nhớ 2 câu thơ:
Xẽo Rô, dân ốm tong teo 
Dưới sông cá chốt, c... theo trên bờ”.
Tôi sau khi vô một ly rượu mít vừa ngọt vừa thơm thì thần trí tỉnh táo nhớ rỏ vanh vách bèn trả lời:
- Nhớ chớ sao không? Tao mới nhận nhiệm sở về Xẽo Rô, gặp học trò vừa nhỏ con vừa ốm đói, con đường từ trường về nhà trọ người ta nuôi heo nhiều quá nó ị đầy đường thúi chịu không nổi nên giận quá đặt một bài thơ định cho tụi nhỏ làm bài học thuộc lòng nhưng bị mấy bà chị dạy chung cự quá nên thôi chỉ còn nhớ 2 câu đầu còn cả khúc chót thì quên hết rồi.
Thu Hằng cũng nhập cuộc ôm bụng cười:
- Trời ơi! Vậy mà mười mấy năm nay mổi lần đọc 6 câu thơ tôi tưởng có hai vợ chồng tôi sáng tác chứ đâu vè có tới 3 người, nói xong thì nàng đọc luôn một hơi: 
“Xẽo Rô dân ốm tong teo 
Dưới sông cá chốt, kít heo trên bờ 
Cái Dâu cô giáo lờ khờ 
Cán bộ không lấy, lại chờ Ngụy Quân.
Ngụy Quân giờ đã cụt chưn 
Nhưng em vẫn lấy, vẫn cưng, vẫn chìu...”

Mấy câu thơ và hủ rượu mít đã phá tan tản băng vô hình ngăn cách chúng tôi sau 20 năm gặp lại, hai vợ chồng nó thi nhau kể cho tôi nghe cuộc tình ly kỳ, tại sao dân Sài Gòn phải lưu lạc về Cái Dâu, tại sao nó phải ôm đàn đi hát dạo, còn tôi cũng kể cho tụi nó nghe những câu chuyện hãi hùng trong chuyến vượt biên, cuộc sống chạy đua theo thời gian không kịp thở. Khi biết tôi không còn ở Việt Nam nó mới tâm sự:
- Tao nói thiệt với mầy sau khi bị đuổi khỏi Quân Y viện tụi tao cũng nhiều lần vượt biên nhưng không thành công, tiền bạc không còn nên đành bồng bế nhau về quê ngoại, bà con bên ngoại tao toàn cán bộ, không kháng chiến thì cũng là 30 vì vậy tao không có bạn bè cũng như bạn nhậu. Năm rồi hơi nới lỏng mốt tí, nhạc vàng được cho hát lại vì vậy tao quyết định dùng cây đàn và giọng hát của mình để nhắc cho mọi người nhớ về dĩ vãng, nhớ những gì mình đã đánh mất, tao cần làm một cái gì đó cho những người đã nằm xuống dù biết rằng việc làm của tao là việc làm của một lão già đục đá núi. Còn mầy cũng vậy, hãy làm một cái gì đi chứ, làm một cái gì cho đồng bào cho Tổ Quốc Việt Nam đi...

Đã 22 năm qua từ ngày gặp nó cho đến giờ tôi chưa từng ghé lại Cái Dâu lần nào để thăm nó, không biết giờ nầy vợ chồng con cái sống thế nào. Việc làm đục đá núi của nó, lời kêu gọi của nó có ai hưởng ứng không? Hay chỉ là tiếng kêu thảm thiết của con cọp bị bẻ răng chặt móng mà còn bị nhốt trong lồng sắt khổng lồ, hay tiếng kêu của nó chỉ là tiếng kêu tuyệt vọng của con chuột lắc bị bẻ răng, còn bị nhốt trong tủ gỏ của Bác Mặc Nhân...
Còn tôi 22 năm qua tôi vẫn chẳng làm gì với lời kêu gọi thống thiết của nó, cũng vẩn là lo cơm áo gạo tiền, cũng vẫn là sống cuộc sống hèn nhát, trốn chạy cũng vẫn sống ung dung trên ốc đảo hòa bình giữa cái thế giới đầy chiến tranh...



6 comments:

  1. Sư Đệ được ăn cơm với hai con vịt luộc với SVSQTĐ Vũ vậy là đủ sướng quá rồi !
    Năm 1974 Tiểu Đoàn của Tiểu Huynh đóng ở Căn Cứ Thứ 9 đầu tháng thì huy hoàng Cá Lóc nường, Cua Đinh Xào Lăn...Cuối tháng thì đành còn mốt món duy nhất là Rau Ngổ Chầm Chao.
    Món nầy thì không sợ mất tiền vì rau ngổ mọc đầy xung quanh căn cứ cả Tiểu Đoàn ăn cũng không hết. Nói vậy chứ các Đại Đội thì ở rải rác khắp nơí, chỉ có Bộ Chỉ Huy và Pháo Đội 105 là đóng ở căn cứ mà thôi !
    Nước Mắt Quê Hương ở đây cũng ngon tới bến ! Nhưng cuối tháng phải qui y cửa Phật rồi đầu tháng thì phá... Chùa. Thôi ! Nhắc tới ...Buồn !!!
    MVN

    ReplyDelete
  2. Chào anh Lanh Nguyễn.

    Tự nhận "Hèn nhát" là có bản lãnh rồi. Cứ bình thản mà đi, ung dung mà viết. Không tham vọng lấp biển, vá trời thì it nhất cũng góp phần vào việc vun đắp cho sự thật. Chúc anh và gia đình an vui, mạnh khỏe.

    ReplyDelete
  3. Hi Anh LN !Sau mấy chục năm xa xứ lần đầu tiên về lại RG thấy lại Cổng Tam Quan tự dưng nước mắt mình rớt xuống hồi nào hỏng hay..
    Còn chợ nhà lồng RG bị mấy ổng đập mất tiêu ...dời đi chỗ khác , buồn ơi là buồn !!! HTX

    ReplyDelete
  4. QUÊ EM NGÀY ẤY ĐÂU RỒI?

    Quê em ngày ấy thật thanh bình
    Bóng diều lướt gió,đẹp lung linh
    Bình minh chim hót trên cành liễu
    Họa một khung thơ, đẹp hữu tình

    Quê em tàn phá bởi chiến chinh
    Tha hương trôi dạt, kiếp lục bình
    Xót anh thương phế đời phiêu lãng
    Ôm trọn nỗi niềm một chiến binh.
    NGƯỜI DI TẢN BUỒN.

    ReplyDelete
  5. Nhà lồng Rạch Giá mất lâu rồi
    Bị lủ côn đồ đập lấy vôi
    Nuốt sạch hết trơn không chừa lại
    Cụ Nguyễn lắc đầu đỗ lệ thôi .
    Người Rạch Giá

    ReplyDelete
  6. Cám ơn sư huynh, anh VĐK, HTX, Người Di Tản Buồn và Người Rạch Gía đã ghé thăm.
    Ngày 30 tháng tư đã làm mọi người đảo lộn cuộc đời, mỗi năm đúng chu kỳ nó lại âm thầm đến để người ta phải đau đớn nhức nhối trong tim...
    Không biết chúng ta còn phải chịu bao nhiêu năm nữa ...

    ReplyDelete