____________
Lanh Nguyễn
Hôm nay tui xin đổi đề tài một kỳ để nói về ngôn ngữ nước mình. Các bạn đừng có lo, tui không dại gì mà lạm bàn về nguồn gốc, ngữ pháp hay là gì, gì khác đâu chuyện đó để cho những bậc trí thức làm, tui có muốn nhảy vô cũng không có cửa cho mình, bởi vì tui có học được bao nhiêu đâu, chữ nghĩa chưa đầy lá mít mà. Cái tôi muốn kể là chuyện va chạm thực tế hằng ngày ví dụ như chuyện nhà của tui nè...
Mấy người Mỹ lấy vợ Việt hay là những đứa trẻ Việt Nam sanh ra và lớn lên ở Mỹ thường than phiền "Chữ Việt học khó quá Trời". Ừ! Mà tui thấy nó cũng khó thiệt đó nghen, chỉ nói về màu sắc không thôi cũng đủ làm cho tụi nhỏ nhức đầu rồi. Khi nói màu đen. Con chó đen thì kêu là chó mực, con mèo thì hổng gọi là mèo mực được mà phải là mèo mun, con ngựa thì không thể là ngựa mun hay ngựa mực mà là ngựa ô... Còn màu vàng thì ối thôi nào là vàng khè, vàng lườm, vàng ánh, vàng tùm lum... Thằng con tui nghe giải thích một hồi thì lắc đầu la lên:
- Lu bu quá, nhiều cái khác nhau làm sao con nhớ hết cho nổi, thôi thì "black" hết cho rồi đi, yellow hết cho yên chuyện... Con còn nhiều thứ để học lắm...
Vì thế cho nên nếu các bạn thấy tiếng Việt của các em nhỏ sanh ở nước ngoài "nửa nạc, nửa mở" nói một chút là pha tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý... vào thì cũng nên thông cảm mà đừng trách cha mẹ chúng không dạy dỗ để các con mất gốc tội nghiệp.
Nói thiệt nghen nó nói được một ít tiếng Việt là vợ chồng tui mừng lắm rồi, qua tới đời cháu không biết còn lại được bao nhiêu nữa...
Đó là chuyện tụi nhỏ ở Mỹ, ở nước ngoài, vậy còn tụi nhỏ ở Việt Nam thì sao?
Các bồ có khi nào để ý lối dùng chữ của chúng bây giờ ra sao không vậy?
Nếu chưa thì xin mời vào FB xem tụi nó nói chuyện với nhau thì rõ...
Tui còn nhớ lúc trước đây ở quê nhà, mấy ông bà già đặt tên cho con cái thật là ác đạn. Toàn là trái cây, rau cải, hoa lá đủ thứ hằm bà lằn. Nói chung cái gì hiện hữu ra trước mặt là đặt thành tên liền vì thế mới có câu "Thấy mặt đặt tên", đến khi tới trường đi học.
Trời đất ơi! Mổi khi cô thầy gọi tên mình thì muốn chun xuống bàn mà trốn cho khỏi mắc cở. Ấy vậy mà chưa hết đâu khi lấy vợ, lấy chồng có nhà riêng còn phải mang thêm cái thứ ở phía trước nữa kìa.
Tui có một người quen ở trong xóm, không hiểu lý do gì mà cha mẹ đặt cho cái tên tục vô cùng, ông ta thứ tư mà mang cái tên "C…" nên ai cũng gọi là "Tư C..." vì ở gần nhà, anh em tụi tui phải tiếp xúc thường xuyên, thấy cái tên kì cục như vậy mấy đứa em gái rất ngại không muốn kêu, nên tụi tui sửa lại là "Tư Bốn" bà con lối xóm thấy hay hay, ngộ ngộ nên ai cũng hùa theo gọi là Tư Bốn, một thời gian sau cái tên Tư C... hổng ai còn nhớ tới nữa. Tương tự như vậy, phong trào sửa tên cho mấy người có tên tục, bằng những tên mới được dựa theo tánh tình hay hoàng cảnh của từng người lần lượt được ra đời. Nào là Bảy Rùa, Hai Cà Chớn, Tư Nhà Mới, Tám Lò Rèn, v. v.
Bây giờ tên của mấy đứa trẻ người ta đặt toàn là những tên đẹp, con gái thì thường có những tên phổ thông như: Kiều Anh, Gia Hân, Như Loan, Diễm Huỳnh, Thúy Vi... Con trai thì nào là Minh Luân, Quốc Việt, Anh Dũng v... v... Những cái tên kỳ cục như tên tui bây giờ kiếm làm thuốc đẹn, đỏ con mắt cũng không ra nữa.
Hồi xưa tuy là tên xấu, lạ đời nhưng mà ít trùng tên với nhau, nếu lở có trùng tên thì còn có cái thứ phía trước để phân biệt, vì vậy muốn hỏi thăm hay tìm ai cách xa chừng 1, 2 cây số người ta cũng biết mà chỉ cho. Còn bây giờ tên ai cũng mang tên đẹp hết, đi học thì thầy cô còn dùng họ để phân biệt hoặc là thêm số vào ở quê thì đành bó tay, muốn đi tìm Tố Anh hả.
- Con ai vậy?
Nếu bạn không biết tên cha mẹ chúng thì sẻ nhận được lời chỉ dẩn như sau:
- Có 6 đứa tên Tố Anh. Con bà Ba câu cá trong kinh là 1, con Tư gà Cồ xóm dưới là 2, con... Bạn sẻ bị chóng mặt, nhức đầu liền. Nhưng mà thời đại thông tin điện tử mà, đâu còn ai đi tìm nhà bằng cách hỏi thăm đường nữa. Chỉ cần móc cái cell phone ra thì mọi chuyện đâu vào đấy. Chỉ có người già là lạc hậu, bị bỏ quên.
À! Mà không phải chỉ có người già ở Việt Nam bị tuột hậu, bị bỏ quên không đâu nha, ở Mỹ cũng vậy mà thôi.
Chuyện nói với nhau bằng tay, tôi đã kể cho các bạn nghe hồi nẩm, lúc mới qua Mỹ đó, còn nhớ hong? Tới nay 35 năm rồi cũng vẫn còn đó, y chang, chưa có hết đâu. Bạn không tin à? Thiệt đó. Má vợ tui nè, bà bị "bệnh già quên lảng" tuy là không nặng mấy chỉ mới có nói trước quên sau, nhưng đặc biệt là muốn gì làm nấy không chịu nghe lời ai cả. Đơn giản chỉ vì bà lớn nhất nhà mà, cho nên ai cũng phải nghe lời bà hết.
Một hôm bà nổi hứng muốn lội bộ đi mua đồ, mặc dù đồ đạc ở nhà đã mua đầy đủ.
- Món gì thiếu mà má muốn đi mua? Vợ tui hỏi.
- Kệ tao. Đi coi chơi hổng được hả?
- Được mà. Vậy má lên xe chồng con chở cho má đi.
- Hong. Gần xịt hà, đi xe làm chi cho tốn xăng? Tao đi bộ một mình.
Bà má vợ tui tám bó bảy que rồi, tuy sức khỏe còn khá nhưng cũng đi ba chân, mặc dù có cái walker đi mệt có thể ngồi nghỉ nhưng bà không bao giờ chịu xài nó. Bà vừa xách gậy ra khỏi nhà thì vợ tôi gọi:
- Ông Xã! Anh đi theo coi chừng má dùm em đi. Em bận nấu cơm chiều rồi. À! Hay là anh nấu thế em, để em theo má cũng được.
Nghe tiếng "nấu" là tui run mình rồi. Đang đấu cờ tướng trên mạng tới hồi gây cấn, vậy mà phải đầu hàng đối thủ để chạy đi xem chừng mẹ vợ.
Thiệt ra chuyện đó tui có thâm niên cả năm nay rồi, tôi chỉ lặng lẻ theo sau cách bà chừng vài chục mét phòng khi bất trắc, nếu bị phát hiện, mẹ vợ sẻ đuổi tôi chạy có cờ, nếu chậm chạp có khi còn bị cằn nhằn ghê lắm.
Khoảng đường từ nhà tôi đến khu thương mại gần một cây số, mấy tháng trước đây, bà vừa đi vừa về chưa đầy một giờ, lúc nầy bà hơi yếu nên phải mất hơn 2 giờ đồng hồ.
Mấy cái chợ bán trái cây đều do người Mễ làm chủ, hàng hóa được ghi giá cả rỏ ràng cho nên việc mua bán hồi trước tới giờ không có gì trở ngại đối với bà. Chỉ là trước đây mua đồ xong người ta chất đồ vô bọc ni-lon để mình cầm về, bây giờ muốn họ chất vô bọc thì phải trả 10 xu cho tiền 1 cái bọc, không có 10 xu thì mình tự giải quyết lấy. Má vợ tui đâu có nhớ cái luật mới vừa đổi, chỉ nhớ chuyện thời xưa người ta phải chất đồ cho mình thôi. Hôm đó bà mua nửa nải chuối, hai trái khổ qua, bốn trái cà tím ba thứ đó được bà cho vào 3 cái bọc nhỏ nhưng vẩn phải cần bỏ vô cái bọc lớn để mà đem về nhà. Cô gái Mễ tính tiền xong, bà nhìn trên màng hình rồi móc tờ 10 đô ra trả, người ta thối tiền thiếu đủ chắc bà hổng biết đâu.Trả tiền xong mà cô Mễ không chất đồ vô cho bà. Tui đứng phía sau sợ thiên hạ chờ lâu họ sẻ cự nự định lên giải quyết vấn đề, vì tui biết má vợ tui không nói được tiếng Anh chứ đừng nói chi tới tiếng Mễ. Thấy con nhỏ bán hàng làm thinh hoài, bà kéo tay nó chỉ đống đồ rồi ra dấu bọc lại. Cô bán hàng chắc cũng thường gặp tình trạng đó nên trả lời:
- Ten cens.
Thấy má tui làm thinh nó nhắc lại lần nữa:
- Ten cens, lần nầy nó đưa 2 bàn tay trắng nõn làm dấu.
Sợ thiên hạ chờ phía sau chửi nên tôi vội móc 10 xu trả phức cho rồi, chứ nếu không có người ta chờ, chắc là tui làm thinh thử xem hai người nói chuyện với nhau ra sao cho biết.
Chuyện đó ở đây xảy ra hằng ngày giữa người già gốc Việt Nam với Mỹ, với Mễ, với Tàu... Còn người sồn sồn như tui vậy mà cũng phải ra dấu để nói chuyện mới chết chứ.
Số là mổi sáng khoảng 8 giờ hai vợ chồng tui bắt đầu ra khỏi nhà, cuốc bộ một vòng cho đến hơn 9 giờ thì về nhà. Trên đường đi đôi khi cũng có tán dóc chút đỉnh với mấy ông bà Mỹ già cùng đi bộ hoặc cùng chiều, hoặc ngược chiều, đi lâu rồi gặp nhau thường nên họ làm như là thân nhau lắm vậy. Khoảng hai tháng trước, hai đứa tui đang trên đường đi về, còn cách nhà chừng 3 blocks đường thì gặp một ông Tàu cũng sồn sồn như tui chận lại hỏi thăm. Ông ta châm một tràng tiếng Tàu, tui ngẩn tò te hổng biết ổng muốn hỏi gì nhưng cũng phải trả lời:
- Xin lỗi ông. Tui người Việt Nam.
Chắc ông ta không hiểu tiếng Anh nên tiếng Tàu ổng cứ tiếp tục xổ, tui không hiểu ổng muốn nói gì cũng vẩy tay chào từ biệt rồi tiếp tục bước về nhà. Câu chuyện không dừng ở nơi đó, hôm sau cũng vào khoảng giờ đó ngay góc đường đó, ông ta cũng đứng tại chổ cũ chỉ để xổ một câu tiếng Tàu cho tôi nghe và chờ nhận lại một cái vẩy tay chào tạm biệt.
Cả tuần lể mà chỉ có vậy thôi, tôi đâm chán nên gọi điện tìm mấy đứa quen học câu chào buổi sáng bằng tiếng Tàu. Hôm sau tôi xổ lại với ông ta:
- Chảo xành!
Hổng biết cách phát âm của tui hay tới cở nào mà làm cho ông ta cười nghiêng ngửa rồi ông ta vừa nói vừa ra dấu chỉ lên phía nhà tui:
--Phản xẻ.
Đài tới đó bị mất sóng nên nín khe không hát được nữa. Gần 2 tháng không nhích thêm chút nào. Thú thiệt tui không thích học tiếng Tàu nên ở San Francisco hơn ba chục năm mà không thèm học tiếng nào cả hổng lẻ gần xuống lổ rồi lại đi học để nói chuyện với ông ta, nhưng mà ông ta mổi ngày gặp tui cứ tiếp tục một câu tiếng Tàu và tôi thì chỉ đáp lại bằng một cái "vẩy tay chào nhau". Mổi ngày về gần tới góc đường từ xa là đã thấy dáng ông ta rồi, bà xã tui ghẹo:
- Bạn hiền anh chờ kìa.
- Bạn gì mà bạn? Có nói chuyện được khỉ khô gì đâu? Tên còn chưa biết nữa.
Một hôm, hai vợ chồng tôi vừa tới chổ cũ thì thấy ông ta đem theo anh bạn mới, đó là cây gậy cầm tay. Tôi giật mình chỉ cây gậy hỏi:
- What happening?
Lần nầy thì ông ta hiểu nhưng không biết hiểu tui nói, hay là hiểu tui chỉ. Ông ta chỉ vào 2 cái đầu gối của mình rồi ngồi xuống đứng lên với vẻ mặt cực kỳ đau đớn. Tui hiểu ngay chắc là ông ta bị thấp khớp rồi nên đầu gối bị đau phải chống gậy mới đi nổi. Tui muốn khuyên ông ta đi bộ tập thể dục để tự trị cho mình nhưng không biết nói cách nào. Bà xã tui liền ra tay tế độ.
Tay trái nàng cặp tay tui, tay phải nàng dùng 2 ngón tay ra dấu như 2 cái chân bước đi, rồi chỉ một vòng 4 blocks đường chung quanh. Ông ta cười cười gật đầu lia lịa, còn miệng thì nói:
- Tỏ chè, tỏ chè.
Hôm qua về ngang chổ cũ không thấy ông ta đâu, tui cảm thấy hình như mất cái gì đó, nên rảo mắt một vòng để tìm, đi thêm block kế tiếp thì gặp ông ta đang chống gậy trờ tới từ con đường ngang, sợ tui không thấy nên ông ta dơ tay lên cao vẫy vẫy, chào chào...
Thế mới biết dù khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, khi diễn đạt ý tưởng của mình ai cũng muốn cho đối phương hiểu rỏ ý mình muốn nói cái gì, bởi vậy tui không còn cảm thấy tức tối, bực bội vì cách dùng chữ khác nhau giữa 2 típ người Việt Nam cũ và mới, giữa người Miền Nam và người Miền Bắc, giữa người trong nước và người ngoài nước...
Người ta thích gọi Trung Quốc thì họ cứ gọi, tui quen gọi Trung Cộng thì tui cũng đâu cần bỏ mà gọi theo họ, vì chúng ta khi nói ra mọi người đều hiểu đó là China. Ở trong nước bây giờ có những từ mới rất ư là đặc biệt như "ấn tượng, hoành tráng, đảm bảo, bức xúc..." Khi người ta nói "Ngài chủ tịch tỉnh Bình Dương xây một căn biệt thự hoành tráng" thì mọi người trong nước đều hiểu rỏ đó là một căn biệt thự lớn vô cùng, đẹp lộng lẫy, đẹp không chổ nào chê... Bạn không hiểu ư? Vậy thì tìm hiểu đi như tui đang học tiếng Tàu nè có sao đâu?
Nhưng có điều những nhà văn, xướng ngôn viên hoặc MC ở hải ngoại bắt chước theo những từ mới đó làm cho khán giả hay người đọc ngẩn tò te thì thiệt là đau lòng quá xá.
Một bài văn, bài thơ hay là bài hát thì chỉ có hay hoặc dở, cảm động, có hồn hay không thôi chứ không thể nào nói là "hoành tráng" được. Bài viết hoành tráng, hát thật hoành tráng, làm thơ thiệt hoành tráng nghe thiệt không giống ai.
Ngôn ngữ Việt Nam bây giờ nghe thảm quá. Buồn thay... Thiệt là tình mà.
Hi Anh LN ! Hồi còn ở VN tui có quen với một Chị làm việc chung , một hôm nghe chị ấy kễ tên anh chị em cũa chĩ cho mọi ngừơi nghe như sau :Cưng,Hun,Hít,Hà,Nghiêm,Chỉnh,Bảnh,Bao,Bị,Đầy,Nhóc sau đó thì tui đi vượt biên hỏng biết hộ khẩu nhà chĩ có thêm tên nữa hay không ? Nghe tảng thần chưa ? Còn một chuyện nữa là cách đây không lâu tình cờ xem một video ca nhạc VN thấy một MC và cũng là nhà văn lại dùng chữ "sân khấu hoành tráng" thiệt là...tình nghe xong làm tui cũng chới với... nhưng mà biết nói gì đây bây giờ . Thôi vậy đi nghen..HTX
ReplyDeleteSH ơi! mượn đỡ chữ hoành tráng để học mần thơ nhe.
ReplyDeleteÔng Hoàng tránh qui mô hoành tráng
Thích môi trường phấn bảng đơn sơ
Vui cùng kinh kệ văn thơ
Lánh xa đen đỏ nương nhờ nâu lam
Bà Ngẫm ú quán nhìn ngũ ấm
Miệng không ngừng lẩm bẩm sắc không
Ông Hoàng bà Ngẫm vợ chồng
Cùng chung sở thích một lòng sửa sai.
Ngày xưa hơn 50 năm về trước, tui nhớ 1 gia đình gần bờ sông RG (qua chợ cá, cấu quay, quẹo tay mặt), có rất nhiều con Út: Út chị, Út em, Út trai, Út gái, Út cái, Út đực v.v... Nhà nầy có cây mận rất sai trái, mà tui học thi ban đêm lại chuyên môn đi ăn trộm mận, ăn chua bụng quá chừng khuya vẩn phải đi tìm mì ăn tiếp. Không biết nhà đó còn hông nửa. Còn anh LN, chị HTX ơi, mấy ông ViệtNam nhất là ngoài Bắc hay le lói xài chữ mới (mốt mà) khó hiểu mà tất cả là phải hiểu nghĩa bóng. HTquỷ
ReplyDeleteCòn nhà chú ruột tui sanh 9 người con tới cô Mười Nhỏ tưởng là hết rồi ai dè mười mấy năm sau trở về quê cũ, tụi nó đến trình diện thêm một giàn Út làm tui muốn xĩu luôn. Út Cường, Út Súng, Út Đèo, Út Mót, Út Chót, Út Diệu. Lúc đó thím tui bụng còn mang bầu còn chú thì cười hì hì nói :
ReplyDelete-- Kỳ nầy con trai hay là con gái gì thì tao cũng đặt tên là Út Nữa. Thử coi nó còn dám ra thêm hong.
Tui hỏi ổng:
--Sanh chi mà dữ vậy?
Ổng chỉ cười cười :
--Lao động tốt mà mậy. Cứ" vô tư" mà sanh cho đã. Không "khẫn trương"lên tới chừng có "sự cố"bố tao biểu sanh nữa cũng không được...
Vậy đi nghen...
Người Xì Hơi
Cô tôi có lần nói :
ReplyDelete--Ngôn ngữ nước mình đang gặp đại nạn. Tiền đồ u ám như đêm 30 tháng tư.
Chuyện đó có lẻ thi sĩ Tản Đà đã đoán trước rồi nên để lại cho chúng ta bài "vịnh bức dư đồ". Bài thơ đó tôi xin chép lại dưới đây
Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.
Là người Việt Nam lưu vong. Nếu chúng ta không làm được gì để ngôn ngữ nước mình ngày một trong sáng hơn, thì ít ra mình cũng đừng nên bắt chước theo đám nô bộc mà làm cho ngôn ngữ nước nhà u tối thêm.
Người trong nước đang bị đe dọa bởi cuộc sống hằng ngày, họ tiếp xúc thường xuyên, nghe nhiều lần có thế bị đồng hóa dần. Chúng ta người nước ngoài không hề bị kềm chế hay lệ thuộc bất cứ điều gì. Vậy thì tại sao lại đi bắt chước, copy theo những chữ, những từ quái đản đó? ? ?
Mong những ai vì thấy lạ mà dùng những từ ngữ quái dị đó xin hãy suy nghĩ lại rất cám ơn...
Học Trò Dở
Tui thì KỴ nhứt là chữ BỨC XÚC và KHÉP LẠI. Đụng tới cái gì cũng dùng "bức xúc". Đang muốn được yêu mà không cho yêu thì thật là BỨC XÚC. Rồi thì chương trình "tới đây là khép lại" thay vì nói chấm dứt...
ReplyDeleteChèn ơi ! Nếu tui đang "bức xúc" mà bả cứ "khép lại" thì làm gì có một đám Út nhóc tiếp tục trình diện... ! Vậy đi nghen ! Thiệt là ...tình !
Tía Thằng Út Nhứt.
Tới luôn đi Tía Thằng Út Nhứt!!!!!!
ReplyDeleteNăm Cà Ròn
Chữ nghĩa ngày nay thấy chán phèo
ReplyDeleteĐọc không có hiểu cũng hùa theo
Uổng công tiên tổ, dày công dựng
Bị lủ con hư, bẻ cong queo
Ai đem tro trấu bôi đầy mặt ?
Đặt những chữ chi quá ngặt nghèo
Ta ở bên nầy xa cố quốc
Đau lòng, nuốt hận chớ đừng theo