Links

Wednesday, May 27, 2015

Ngũ Hành Miếu( Miếu Cô Tư)



_____________
Mạch Vạn Niên

Ông Dượng tui người quê ở Cái Mơn, Vĩnh Long, nơi mà nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã mang cây giống Sầu Riêng Măng Cụt Chôm Chôm... từ Mã Lai về trồng rồi sau nầy nhân giống cho cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ khiến quê hương ta đủ thứ cây ngọt trái lành. Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày mà quê hương là tất cả những kỷ niệm ấu thơ. Người thành phố như Tố Lang thì quê hương là Bánh Xèo Bánh Cống Xôi Vị Bánh Tầm Cơm Tấm Bún Cá Chả Giò...(kể ra thiệt là mệt và thèm nhỏ dãi !).


 Dân miệt Vườn thì Quê Hương là Đu Đủ Chuối Già Chuối Hột (ăn thứ nầy coi chừng rặn không ra!) Quài Dừa Xiêm Ổi Xá Lị  Ô Môi Long Nhãn... Còn dân miệt ruộng như Lanh Nguyễn thì Quê Hương là con Ểnh Ương Ếch Nhái hoà một trường ca không bao giờ dứt sau cơn Mưa Chiều Kỷ Niệm hay sau cơn mưa sáng Cua Đồng bò lểnh nghểnh trong đám lúa non xâm xấp nước. Hoặc như lật đất cày bắt dế mèn rủ bạn bè đá chơi bắt xác hay dẫn chó ra đồng bắt chuột về rô ti...Ôi ! Quê Hương là đủ thứ thú vui của trẻ thơ thuở một thời thanh bình xa xôi còn xót lại trong ký ức kể làm sao cho xiết....

                Khi tui chưa ra đời thì ông Dượng tui là dân giang hồ tứ chiến. Ông không thích bị ràng buộc bởi mảnh vườn xanh ngát sau hè mà ông lại bỏ quê hương để tha phương cầu thực. Ông thọ giáo Bác Bảy Thiên nắm đầu nắm cổ thiên hạ làm thầy hù (người Bắc gọi là thợ cạo) hay oai một chút gọi là coiffer. Khi đã thạo nghề, ông  xách thùng đồ nghề vỏn vẹn gọn gàng như mấy đứa đánh giày chu du khắp Đông Dương như Chú Tư Cấu. Dĩ nhiên là dân tứ chiến thì chắc phái gặp gái giang hồ ?! Ông coi trời bằng vun, đầu đội trời chân đạp đất ta là quỉ thì nào có ngán thánh ngán thần. Ông chẳng biết đến Phật Trời vì ông chưa có lấy một ngày ăn chay hay cúng rằm. Không biết vì chơi bời quá độ khi còn làm giang hồ quái khách hay sao mà khi cưới Cô tui thì Ông Bà bặt đường tử con tôn cháu.

            Còn Ông Già Tía tui thì cơm nhà ngày ba bữa nên sản xuất đúng một chục đứa con đủ cả năm trai năm gái. Thiệt đúng là Ngũ Long Công Chúa và Ngũ Hổ Tướng. Nhưng có hai vị Tướng Trẻ đã hy sinh trong trận Xích Bích nên sau nầy còn lại có ba vị Tam Tài là ông anh cả với tên Vạn An nên đến tuổi 85 vẫn còn lái xe tà tà đưa cháu đi học. Còn tui Vạn Niên thì ngàn năm lưu xú ! Riêng ông anh Vạn Quốc thì đã có bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc đưa ông lên đến tận trời xanh ! Ông chết một cách lãng xẹt. Sau khi bị tù về ông không quên gốc gác Ba Tàu của mình là đóng xe bán hủ tiếu mì. Ông thích ca bài Tô Hủ Tiếu Tô Hủ Tíếu Muôn Năm nên ông chở Hủ tiếu bằng cách để xề hủ tiếu trên ghi đông xe đạp Made In Cholon. Ghi Đông gãy ông đập đầu vào ghi đông tưởng không có gì nguy hiểm không ngờ năm ngày sau máu ứ đọng trong não ông về với ông bà nhanh chóng.

            Cái Ông anh tên Quốc nầy cũng xâm mình không thua gì ông Dượng tui. Hồi làm con nuôi ông Dượng sau khi tốt nghiêp trường Tàu Trọng Ni bằng Sơ Trung ở Rạch Giá ông bèn dông tuốt lên Sài gòn thọ giáo Đông y Sĩ Nguyễn Văn Ba chủ nhà thuốc Kim Điền định theo nghề Tiá nuôi (tức ông Dượng) làm Y Sĩ coi mạch bốc thuốc Bắc . Nhưng không biết sao ông bỏ nghề đi làm thư ký cho một trường Trung Học Tư Thục nọ ở Phú Nhuận. Ông rị mọ tự học thêm vì sách vỡ ở Trường đầy rẫy. Kịp đến Trường Bộ Binh Thủ Đức chỉ nhận những thanh niên có bằng Tú Tài I mới được học làm sĩ quan nên phong trào luyện thi Tú tài I phát triển như cá linh mùa nước nổi. Ông không có Bằng Tú Tài I vậy mà nhà trường (vì thiếu thầy) đưa ông dạy luyện thi Tú Tài I mới thiệt là hết cỡ thơ mộc. Nhưng chó ngáp phải ruồi ông dạy rất hay và học trò thi đậu rất nhiều. Sau cùng để xứng đáng là một giáo sư thứ thiệt ông nôp đơn ở Mỹ Tho để đi thi Tú Tài I (vì sợ nộp ở Sài Gòn đụng mặt học trò).

            Năm đó Ông anh tui về quê Rạch Giá ăn Tết. Lúc nầy thì Ông Dượng tui đã là Phật tử thuần thành và ông là người của Đình Chùa Am Miếu. Ông cũng là một nhân viên trong Ban Trị Sự Đình Nguyễn Trung Trực. Đêm ba mươi đó ông dẫn hai anh em tui đi Đình Ông Nguyễn hái lộc khuya. Ông anh Quốc cũng nghiêm chỉnh xin xăm dù anh đã cải đạo Công Giáo. Ông nhận được quả xăm Hạ Hạ nghĩa là không có gì thành công, thi cử thì không công thành danh toại. Ông anh tui không tin vì nghĩ rằng với tài của mình thì thi thế nào cũng đậu. Nhưng đúng như quả xăm, năm ấy ông rớt nghe một cái bịch. Ông Nguyễn thiệt là linh !

            Bây giờ tui xin trở lại tại sao Ông Dượng tui từng là tay tứ chiến giang hồ mà tại sao sau nầy trở thành một Phật Tử thuần thành và hay giúp người nghèo khó. Khi còn làm thợ cạo nghèo rớt mồng tơi ông phải đôi khi đạp xe đạp đi đến tận nhà các quan lớn để cắt tóc cho họ dù đêm hay ngày....

            Ở Rạch Giá có rất nhiều Đình Chùa Am Miếu của người Tàu lẫn người Việt. Trong số Am Miếu có Miếu Cô Tư nổi tiếng linh thiêng. Không biết Cô Tư là ai (bạn nào biết sinh bổ sung) nhưng người đời thường gọi là Cô Tư Bà Lớn. Chắc Cô Tư là vợ của một ông Quan Lớn hay Quan Đầu Tỉnh nên người ta mới gọi như vậy. Mộ Cô Tư nằm trên đường Nguyễn Trung Trực gần Cầu Đúc phía bên phải nếu đi từ Chợ về Cổng Tam Quan. Miễu Cô Tư không đồ sộ lắm (vì không có đất) thì nằm cạnh lộ ở bên hông Toà hành Chánh. Ngày xưa nó chỉ là một cái Miếu nhỏ có cây đa cao ngất bao trùm. Có một cái là lạ là trong rạp hát Đồng Thinh ở trên lầu cũng có một trang thờ Cô Tư.

            Ông Dượng tui một hôm xách đồ nghề đến Dinh Tỉnh Trưởng cũng nằm cạnh Toà Bố (Toà hành Chánh) để cắt tóc cho quan Tỉnh Trưởng người Pháp. Khi về ông đi ngang Miễu Cô Tư tuy tối om nhưng ông cũng liếng khỉ bóp kèn (cây kèn xe đạp có hình ống loa giống trái bầu). Bất thình lình từ trên cây đa cao một bóng người trắng xoá bay xuống trên đầu Miễu, ông hết hồn té quỵ. Khi ấy ông chỉ biết nhắm mắt và cầu nguyện Cô Tư có linh thiêng thì phù hộ cho ông làm ăn phát đạt ông hứa sẽ xây dựng Miếu to rộng hơn. Cầu nguyện xong ông mở mắt ra thì bóng người biến mất. Về sau quả thực ông đổi nghề bán Cao Đơn Hoàn Tán và thọ giáo thấy Huỳnh Học (Hội Trưởng Hội Khổng Học Rạch Giá) bắt mạch cho thuốc mà giàu lên. Từ đó ông mới tin có Thánh Thần và Đình Chùa nào có cúng quảy ông đều đến đốt nhang thờ lạy và yểm trợ tài chánh.

            Về sau khi xây lại Miễu Cô Tư, ông được rất nhiều người ủng hộ cả mặt tinh thần lẫn tài chánh. Trong số đó có cả Tỉnh Trưởng là Đại Tá Đặng Đình Thụy cùng với Phó Tỉnh Trưởng...

            Bạn tin có ma hay không thì tui không biết, nhưng tui tin có những Thánh Thần Phật Chúa linh thiêng phù hộ nếu bạn có lòng tin và cầu nguyện thì Thánh Thần Phật Chúa không bỏ rơi bạn./.

            Mạch vạn Niên

            

            

29 comments:

  1. Sư Huynh !
    Tiểu đệ hồi nhỏ phá phách dàn trời, nhưng cũng tin trên có Trời, dưới đất có Thổ Công, dưới sông có Hà Bá...
    Đệ cũng không quậy tới nổi phá miểu, phá đồ cúng như mấy đứa ở gần nhà...
    Đệ tin Trời Phật để còn có chổ dựa cho tâm linh mình thế thôi. Chứ không chịu tin thần thánh phù hộ cho mình giàu có đâu. Tận nhân lực mới tri thiên mạng mà.
    Ông Dượng của SH nếu không đổi nghề, mà suốt đời ôm thùng đi cắt tóc dạo thì không có Ông Thần bà Thần nào phù hộ độ trì cho giàu có lên được đâu.
    Những người suốt đời đi" bán cháo phổi"thì không có thánh thần nào phù hộ cho họ giàu được. May ra phổi không nát bấy là mừng rồi. Vậy mới nói đời người đầy rãy sự bất công, càng nghĩ càng thêm buồn vậy thôi nghen...

    ReplyDelete
  2. Tui nghe ở RG trước kia có ông biện lý rất liêm chính, tên là Đặng Đình Mậu. Không biết ông biện lý nầy có pà con gì với ông Tỉnh Trưởng Đặng Đình Thụy không? YT

    ReplyDelete
  3. Anh Niên ơi, tui ở, khu hành chánh chánh củ hơn mười mấy năm lúc trường NTT mới chưa xây, ở cứ xá gì nhỉ trước đồn Bảo An bên khám lớn. (Thằng bạn tui Đoàn công Khai vô học Thủ Đức khóa 1962 chỉ huy đồn). Tui đống đô ở cây đa đình NTT sau giờ tan học (lúc đó Sân vận động củ (chung lỗ chó đá banh), ty Khì Tượng, (bố chị Kim Chi = bố vợ thâỳ Viên) mỗi sáng thả bong bóng vẫn còn). Nhưng tui không nhớ nổi miếu anh kể. Anh tả lại 1 chút đi. Đường Hùynh tình Của, Tự Đức, cây xoài hôi, bót Công an v.v. trường Vỉnh thanh Vân là quê hương của tui đó. Cám ơn anh

    ReplyDelete

  4. Hôm nay mới được rảnh rang, các em cựu học sinh Hà Tiên sau khi tham dự Đại hội KG đã kéo qua Montreal chơi. Lúc trước ai đi qua miếu Cô Tư cũng phải cúi đầu,lưng khom khom , mắt ngó xuống đất, vừa đi vừa rung. Cho nên các tiểu thư RG ở phía bên kia cầu Đúc, mỗi ngày đi học đi ngang qua miếu đều khom lưng, riết rồi nhìn tiểu thư nào lưng không được thẳng là biết côc ta ở phía bên kia Cầu. Thật ra Cô Tư là vợ một ông tỉnh trưởng Tây hồi thời Pháp thuộc, cô Tư rất thích đờn ca xướng hát, chẳng may cô ta chết sớm nên ông tỉnh trưởng xây một cái mộ rất lớn và bắt dân chúng hồi đó ai đi qua mộ cô ta cũng phải cúi đầu, thét rồi mới sinh ra sợ sệt như vậy. Vì cô Tư thích đờn ca cho nên ông tỉnh trưởng bắt buộc các rạp hát phải để một chỗ trống trên hàng ghế đầu cho cô Tư. Sau này có máy Bà Bóng tụ họp ở đây mấy ngày rằm, Lễ lớn để lên đồng dưới danh nghĩa Cô Tư, coi cũng đã lắm.
    Anh MVQ là bạn đồng khoá Thủ Đức và cũng là bạn ở Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp Ở Bà Rịa. Khác Với MVN, anh MVQ người ốm roi roi, nói chuyên rất tếu, anh cũng viết thường xuyên cho các báo, biệt Tài của anh là huấn luyện súng cối, anh bắn đâu trúng đó kể cả các ngươi đẹp.
    Anh YT, ông biện lý Đặng Đình Mậu đúng là em của ông Tỉnh Trưởng Đặng Đình Thụy sau nầy đổi về làm Tư Lệnh phó sư đoàn 9. Anh YT còn nhớ ông TỨ XUYÊN có tiệm tạp hoá ở cạnh bờ sông sau chợ không? Chính ông Tứ Xuyên là người Liên lạc với các ông Chánh án và biện Lý mỗi khi trong người trong HOA HỘI có chuyện Cần nhờ.
    BLG



    ReplyDelete
  5. Gửi Người Bạn dấu tên !
    Mộ Cô Tư thì ở gần Cầu Đúc. Nhưng Miếu Cô Tư thì nằm cạnh Toà Hành Chánh. Nếu Bạn thích đá banh thì đi từ Bưu Điện cũ ngang qua Toà hành Chánh để xuống Sân Vận Động thì khi qua khỏi Toà hành Chánh là con đường đâm thẳng vào Khu Gia Binh. Cuối con đường cũng là cuối Khu Toà hành Chánh thì Miễu Cô Tư nàm bên trái. Khi tui biết thì cây đa sau Miễu đã chết chỉ còn thân cây cao nghều nghệu.
    Cám ơn Sư Huynh BLG đã trả lời dùm cho Y Tả chứ thật ra có một ông Biện Lý tui không biết tên suýt bị tui đánh ở Cầu An Hoà, may mà thằng bạn Võ Sĩ Thái Cực Đạo Nguyễn Sử Sinh can (năm 1970?). Không biết có phải ông nầy không ? Ông nầy hách xì xằng chứ không biết có liêm chính không ?
    Sư Dệ Lanh Nguyễn,
    Chuyện Huynh kể là có thật 100%. Cô Dượng huynh sau nầy rất đạo đức. Ông thì có mặt ở các Đình Chùa mỗi khi có lễ cúng. Bà thì đi đọc kinh ở Chùa hoặc đi đọc kinh sám hối tại nhà những người sắp chết.v.v...
    Ông giàu có lên chắc cũng nhờ Cô Tư xui khiến ông có duyên gặp dịp mà đổi nghề. Vậy đi nghen.
    MVN

    ReplyDelete


  6. Ông biện lý Đặng Đình Mậu rất Hiền từ trái với chức vụ của ông ta. Ông ta đến nhậm chức biện Lý thay thế cho ông biện lý mà suýt nữa anh so găng với ông ta. Đúng như anh nói, ông ta rất hách dịch muốn bắt ai là ông ta tự làm không Cần cảnh sát. Mỗi buổi trưa cuối tuần, sau khi đánh tennis xong là tụi tui hay gầy sòng tứ sắc, xập xám. Không biết làm cách nào mà ông ta biết được, ông ta mở cửa sân chạy vào đinh HỐT Ổ tụi tui, nhưng không may cho ông ta lúc đó ông thiếu tá chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân đang đánh thấy ông ta liền chận lại lấy Lý do là hội tennis là một hội tư nhân, ai không phải là hội viên không được vào. Trong nhà tui tụi hay được chạy ra bao vây ông ta, thấy không làm gì được ông ta bỏ đi một nước. Sau nầy tụi tui mới biết là ông ta muốn làm nhục ông Chánh án, lúc đó làm hội trưởng hội Tennis. Đung ngay gốc cây cổ thụ, một tháng sau ông bị rút về Bộ tư pháp ngôi chơi sợi nước.
    BLG

    ReplyDelete
  7. Như vậy thì đúng rồi, tui cũng nghe nói ông Mậu là người Bắc, rất hiền và rất đàng hoàng. Người thường kể chuyện ông Mâu cho tui nghe là người anh bạn dì với tôi, làm dưới quyền ông Mâu mấy năm.
    Nghe kể là ai lo hối lộ ông chỉ từ chối và dặn nếu làm nữa là ổng còng. Quà cáp không đáng kể thì ông nhận, rồi để dồn lại đến Tết đem ra chia đều cho mọi người trong sở, ông cũng lấy một phần.
    Công chức như ông Mậu thiệt là đáng phục.
    Cảm ơn ông thầy, ông kể về mấy ông nầy rành như ông biết bộ bài 52 lá.
    YT

    ReplyDelete
  8. Cám ơn anh Niên trã lời chỉ chổ. Bạn dấu tên

    ReplyDelete
  9. Anh MVN nói đúng mình có lòng tin cầu nguyện thì Thánh Thần phật Chúa sẽ lắng nghe.. Lần Hội Ngộ kỳ rồi nghe nói chị LSN phu nhân của trại chủ LSH có đốt nhang khấn nguyện ngoài trời , nghe nói chị cắm từng cây nhang cho mỗi cây .Có một điều lạ là mấy ngày ở đó trời khô ráo màt mẻ nhưng cách đó vài chục miles thì mưa to gió lớn... trên đường lái xe đến trại tui bị mấy trận mưa lúc đi cũng như về nhưng đến gần trại thì trời lại nắng...Chắc Ông Trời thấy chị LSN có lòng tin cho nên phò hộ đó...

    Một người quen xa..
    .

    ReplyDelete
  10. Anh Bạn mình ơi,còn nhớ Qúan cơm Bình Dân kế bên Cầu Đúc đó không ? Kế bên là Trường dạy Đánh Máy chữ, cạnh bên là Mộ Cô Tư tên thật là LA THỊ MINH;vợ của Ông Chánh trào Pháp. Có sanh được ba đứa con;khi về Pháp,dắt theo 2 đưá lớn,còn lại đứa con trai út cho bên Ngoại tên là Louis.Thật ra Bà Xã của mình gọi Cô Tư Minh là Bà Cô,tức Chị ruột của Ông Ngoại(người Em Thứ chin của Cô Tư tên là Chín Nghị).Phan Hữu Lợi,trước học Lâm Quang Ky,sau nhập ngũ(Trung Uy Lôi Hổ,tiểu khu KG)cũng gọi Cô Tư bằng Bà Cô. Thầy Liêm & Cô Mai(GS.NTT,con của Hội Đồng Thống)thì gọi tới bằng Bà Cố Tư lận. Rạch Gía mình có đến 2 Cô Tư linh thiêng :Một là Cô Tư có Mộ gần Cầu Đúc ngang nhà GS.Lý Thành Lễ.Hai là Miếu Cô Tư ở gần Sân Vận Động.

    Toronto,May 30, 2015.
    TP

    ReplyDelete
  11. Anh TP đi chơi Toronto có gặp CV hong vậy anh P.? Chúc Anh Chị vui vẻ nha ! HTX

    ReplyDelete
  12. Hihihi...
    Đố Chị HTX biết tui là ai???

    ReplyDelete
  13. Tui đoán chắc bạn có bà con với Bạn dấu tên , hỏng chừng đoán mò vậy mà trúng phóc. Vậy đi nghen ! HTX

    ReplyDelete
  14. Vậy đi nghe đoán trật rồi. Bạn dấu tên thôi há HTX ơi.

    ReplyDelete
  15. Cám ơn Trần Sư Ca đi chơi mà còn không quên TH đã vào đây để bổ sung thêm bài Miễu Cô Tư cho quý thân hữu tận tường.
    MVN

    ReplyDelete

  16. Cám ơn Mạch Đệ đã lưu tâm.Chẳng qua Miếu Cô Tư,chính là bà con gánh bên Bà Xã của mình,đôi khi cũng có nhắc qua.Nghe Đệ nhắc đến Đoàn Công Khai;vậy Anh Ta có vượt biển không,hay là còn kẹt lại VN ? Lúc còn học NTT,thỉnh thoảng củng có đánh Ping-Pong vơi Khai,Trần Công Hạnh,Hồ Thiệu Chánh,Hồ Thiệu Trị,Lâm Hữu Thuận.

    Cô Ngọc ơi,mình đến Toronto ở chơi chỉ có 1 tuần lễ thôi,ban đầu định ghé New York dự lễ tốt nghiệp của đứa Cháu đã tốt nghiệp Trường Luật bên Canada rồi,nay gia đình chuyển qua Mỹ ở,nên phải thi lại.Thấy hơi mệt,nên dậm chân tại Toronton chờ.Hơn nữa thì giờ quá eo hẹp;mà đén 5 g/đ của 5 đứa Cháu thay nhau tiếp đãi nên chẳng có thì giờ tìm đến thăm viếng Cô CV,nên chờ cơ hội khác có Thầy BLG thủ Dinh sẽ ghé thăm luôn thể cho tiện.

    TP

    ReplyDelete
  17. Hai người họ Hồ tui kêu bằng chú, có người chị là cô hai Bích Liên, nghe nói cô hai đang ở San Diego. Lâm Hữu Thuận ngày xưa tui thưòng gặp ở SG.Tụi tui chơi thân với " Thằng Tiều Bến Tre" Lâm Tuấn Anh, dân QGHC. Sau 30 Thứ Tang, Thằng Tiều lại là Bí Thư Huyện Ủy Quận 5 Sài Gòn. Thiệt là tình mà!YT

    ReplyDelete
  18. Thiệt thì ra,A Tỷ Cũ kêu "Cụ Hồ" (Hồ Thiệu Nhậm) tới bằng Ông Chú lận ! Trước kia,tiệm buôn Lý Phong Mậu cũ dường như ở con đường Hoàng Hoa Thám gần Tân Hòa,Nam Long,Quãng An,Khiêm Lợi ...,rồi tới con đưòng ngang đâm lên Bến Xe,ở góc đường là tiệm Khiêm Tín Mậu rồi đến Cẩm Tú đối diện với Nguyễn Văn Tâm kế bên tiệm bánh mì Lưu Tường Ký đó.Sau Lý Phong Mậu sang cho Ông Hồ Thiện Nhậm mở tiệm Thuốc Tây lấy tên Ông Ta đó nhớ không? Vì mình có người Chị con của người Cô thứ Năm ở Nam Vang gã cho chủ tiệm Lý Phong Mậu,sau dời về kế bên tiệm Nam Mỹ cùng dãy với Đỗ Khuôn Mậu,Bùi Quang Xuân,Đông Quang rồi đến Khách Sạn Phú Sĩ đó.Nhà mình thì ở trong An Hòa,nên trong thời gian đi học phải ở nơi tiệm LPM đó. Ngòai giờ học phụ gíup bán buôn đôi chút.Chánh và Trị,còn có Ông Anh trai lớn tên Quang nữa đó nhớ không ? Còn Lâm Hữu Thuận (tên ngoài là Cáo, có người Chi tên Lâm Thu Hà cũng là nữ thủ Bóng Bàn)Cáo tức LHT,Anh ta đì QGHC,sau Lâm Hữu Xưa mấy khóa;nghe nói Anh Ta vắng số đã qua đời rồi ! TP

    ReplyDelete
  19. Xin điều chỉnh lại:

    vắng số => vắn số

    ReplyDelete
  20. Hello các bạn RG;

    Đọc tới cuối các bình luận mới thấy chỗ bấm vô để BÌNH LỌAN cho vui ! Đọc các bình luận mới biết tin nhiều bạn thân quen khắp đó đây ! Lâm Hữu Thuận đã qua đời rồi sao ? Phải vậy không bạn TVPhiêu ?! Chị Thu hà hiện ra sao, ở đâu? Cầu cho Hương Hồn LHThuận đã tiêu diêu Miền An Lạc ! Thấy có bạn nhắc đến PHAN HỮU LỢI, anh LỢI hiện ở Melbourne, ÚC CHÂU . Tôi có gặp chừng hơn 10 năm trước, nhưng sau nầy không có dịp gặp lại vì anh LỢI rất âm thầm, không như thời học sinh LQK.
    Anh PHIÊU ơi, quên hỏi anh có phải LÝ PHONG MẬU có con trai tên là SAM LY ? Ông LPMậu ở Úc đây ! Nhưng có chuyện rất buộn là đứa con trai SAM LY đã chẳng may bị tử nạn trong vụ khủng bố ở LONDON hơn 10 năm trước ! Nhắn tin tôi (LHXưa) rất muốn liên lạc với anh MẠCH VẠN NIÊN để biết tin về anh LƯƠNG (hớt tóc) trong tiệm thuốc của gia đình anh NIÊN- Thân chào các bạn quen khắp nơi của một thời RG trước 1975- Kính chúc vạn sự lành !./- LHXưa

    ReplyDelete
  21. Hi Anh Xưa,
    Anh khỏe!
    Có rảnh vô TH thường hơn chơi cho vui.

    Con Cô Sáu Tiệm Thuốc Bắc (A.H)

    ReplyDelete
  22. Hello Anh AH ( Con của Cô Sáu );

    Cám ơn Anh AH tôi vẫn khỏe trong tuổi già - Mình gặp nhau trong đám cưới con trai của TRẦN MINH MẪN năm 2012 phải không ?! Hia NĂM ngồi chung bàn với tụi mình và Hia mới mất mà tôi không qua dự đám tang được! Chắc AH có thường xuyên liên lạc với gia đình Mẫn. Cho tôi nhằn thăm gia đình của anh AH nhé. Chúc gia đình luôn an vui và nhiều may mắn! LHXưa Rạch Sỏi.

    ReplyDelete
  23. NHẮN TIN MẠCH VẠN NIÊN;

    Xin lỗi tôi nhớ ra rồi nhà thuốc của gia đình anh NIÊN có tên là NGỌC HIỂN đúng không ? Có dịp xin cho nhau vài chữ về bạn bè và RG nhé ! LHXưa- NTT trước 1964.

    ReplyDelete
  24. Bạn Xưa mến,
    Về tin Lâm Hữu Thuận (tức Cáo) qua đời, tôi chỉ nghe tin đồn mà thôi, cũng chẳng có gì là chính xác. Mong rằng, đó là một nguồn tin thất thiệt! Sở dĩ mình biết Chị Lâm Thu Hà,Chi của Cáo, ngòai giờ học thường ra Tiệm vải xéo xéo Nhà Buôn Lý Phong Mậu,kế Sạp Báo Tiến Thành để coi bán tiếp với gia đình. Gần bên tôi ở cũng có mấy tay QGHC như Thi Sĩ Hàn Thiên Lương, Nguyễn Cao Thăng. Để tôi hỏi xem có biết tin tức gì về LHT không. Anh Chị của tôi(LPM) có qua Úc,sống tại Sydney,có qua Mỹ thăm gia đình tôi được một chuyến,rồi mấy năm sau qua đời. Anh Chị tôi qua Úc dắt theo 4 đứa con; 2 trai và 2 gái,cò một đứa có gia đình nên còn ở lại VN,thằng con trai lớn tên Lý Dũng Tỵ theo bên vợ (Khiêm Lợi)về CANADA ở. Còn đứa con trai nhỏ tên Lý Dũng Thành hiện cò sinh sống tại Sydney.Xưa nói Sam Ly, có lẽ là con của tiệm buôn Nam Mỹ kế bên Lý Phong Mậu đó.Hoặc là tiệm Lý Anh Mậu ở gần nhà Vẽ Nghĩa Tâm ngang hong Khách Sạn Phú Sĩ. Chúc Bạn vui vẻ,năm tới có qua Úc thăm mộ Dệt sẽ báo tin cho Bạn hay. T.Phiêu.

    ReplyDelete
  25. Cám ơn Bạn Phiêu nhiều;

    Tôi nhớ ra rồi Sam Ly là con của LÝ ANH MẬU , không phải LÝ PHONG MẬU, tiệm LÝ ANH MẬU đối diện với Tượng Ông NGUYỄN TRUNG TRỰC, trước nhà lồng chợ RG mình. Gia đình LÝ ANH MẬU ở Úc đây, ông ta nhỏ con; hơn 10 năm trước tôi có gặp và nhận ra nhưng không có nói chuyện vì ông ấy đâu biết tôi là ai nên chỉ biết bà con RG thế thôi.
    Cám ơn Bạn Phiêu đã chỉ cho tôi nhận ra MVN trong tấm hình chụp nhân dịp tiếp đón Thầy Cô GS VINH-LOAN. GS VINH-LOAN cũng ở Melbourne đây nhưng cách tôi chừng 50 km và ít khi gặp vì trẹo đường. Ông ấy ở phía Tây , còn tôi thì ở phía Đông nên đi chợ búa khác nhau, ít khi gặp là vậy đó. Chào tạm biệt Bạn Phiêu ! Luôn vui, khỏe nhé - LHXưa

    ReplyDelete
  26. Hi Anh Xưa.

    Vui được tin anh hiện sống tại Úc và giờ đây biết được tin tức người quen qua khu vườn dạt dào thân ái Tha Hương. Anh cho em hỏi thăm gia đình anh Nguyễn văn Căn cũng sống gần anh, nghe nói anh ấy đã mất. Anh Căn là em Anh Nguyễn Công Chừ (Hải Quân). Lúc nhỏ nghe các Anh Đổ văn An, Trần văn Biểu thường nhắc tên anh vậy coi như biết anh nhưng chưa quen .
    Ngày xưa anh ở Hòa An
    Còn em thì ở đò ngang Hòa Bình.

    Người em xóm Nò

    ReplyDelete
  27. Hello Người em XÓM LỚN;

    Ngày xưa thì xóm NHỎ XÍU, nhưng bầy giờ từ ngàn trùng xa cách mà vẫn không quên nhau là XÓM LỚN rồi có đúng không ?! Không nghe nói về CĂN, có phải CĂN ở gần CẦU QUAY không ? Còn nhớ CHỪ thì nhà bên CĂN CỨ có đúng không ? Nhắc lại thì nhớ ĐỖ VĂN AN và TRẦN VĂN BIỂU rồi, cùng là bạn học hồi LỚP BA ở Trường AN HÒA do Thầy Trương Văn Miều dạy; chắc là nhớ không sai ? Có gì không đúng nhớ bổ túc giùm nhé !!! À mà sao không nói tên thì làm sao để biết mà nhận ra chứ !!! Thôi thì từ từ nhớ cho biết thêm vài nét đan thanh cho dễ nhận ra bạn cố tri nhé !!! Thân chúc luôn vui khỏe và nhiều may mắn nhá !!!LHXưa - Gốc CHỢ GIỮA RẠCH SỎI.

    ReplyDelete

  28. Hello,Anh Bạn Phó Q.hiền từ của mình ơi,

    Nghe nói Bạn Nguyễn Văn Lai,sau 75 có mở Tiệm Thuớc Tây ở Căn Cứ đã qua đời rồi phải không ? Từ từ những chiếc lá vàng sẽ lặng lẽ lìa cành rụng rơi tứ tán;để làm phân cho những hạt mới tiếp nối nẫy mầm vươn lên ! Tin đôn đãi đó có đúng không ? Mong rằng đó là tin vịt, tin gà cho giữ lại được thêm một mạng sống ! Chúc mọi người một ngày thật vui vẻ .

    GỐC XÓM BIỂN BẾN TRỐNG

    ReplyDelete
  29. Hello Xóm Biển Bến Trồng;

    Đúng ! NGUYỄN VĂN LAI đã không còn nữa, cách nay độ hơn 1 năm gì đó thôi. Thấy có đăng phân ưu
    và có kể là chôn cất ngay trong khuôn viên của CHÙA PHƯỚC THIỆN (?), sau lưng nhà máy cưa ĐẶNG TẤN PHÁT. Vì Ông Bà TÁM, Ba Má của LAI là cư sĩ trụ trì, chuyên về thuốc Nam lâu năm trong chùa đó. Thôi thì nhắc tới đâu sẽ ôn lại chuyện cũ tới đó, nhớ tới đâu nói dông dài tới bến nhé ! Chúc gia đình luôn như ý- Bạn cũ thật xa xưa- Thân mến-LHXưa

    ReplyDelete