Nguyễn Phương
Các bạn trong viện Cao Niên Rosemont khi hàn huyên tâm sự, thường nhắc lại những kỷ niệm vui buồn mà mình đã trải qua khi còn ở Việt Nam. Nhiều bạn hỏi tôi những kỷ niệm khi tôi còn đi theo đoàn hát, các anh thường nghĩ là những nghệ sĩ đào, kép vì cuộc sống “gạo chợnước sông, ăn quán ngủ đình” nay đây mai đó nên khó mà có cuộc sống ổn định với người vợ hay chồng ngoài nghề. Các bạn cũng nghĩ là đào kép hằng đêm trong tuồng hát, đêm nay đóng vai hoàng hậu vợ vua, ngày mai hát tuồng khác có thể đóng vai vợ của tướng cướp Bạch Hải Đường, đêm khác nữa: vai Thị Kính, vào chùa tu làm ni cô… nghĩa là các bạn cho là vì ảnh hưởng của nghề nghiệp, đào kép hát ít người chung thủy trong tình yêu lứa đôi.
Vì sân khấu là một xã hội thu nhỏ, lại được dư luận và báo chí quan tâm nên những chuyện xấu hay đẹp thường được loan truyền đi khắp bàn dân thiên hạ, khi nghe chuyện xấu, người ta thường ghi nhớ và truyền miệng để chê bai, ngụ ý mình tốt hơn người được kể trong truyện. Thật ra, trong giới nghệ sĩ thì cũng có người xấu kẻ tốt như mọi giới trong xã hội loài người.
Có thể kể những cặp nghệ sĩ hơn 60 năm chung sống một vợ một chồng như: cặp Kỹ Sư Kỉnh và đào Tư Thanh Tùng, Quân Y Thiếu Tá Khai và đào Kim Thoa, vợ chồng các soạn giả Tư Trang, Năm Nở, Nguyễn Phương, Quy Sắc, Thiếu Linh, Viễn Châu…; hay những mối tình đẹp như thơ giữa hai nghệ sĩ tiền phong Năm Châu – Phùng Há, những mối tình dang dở đau thương như mối tình không trọn vẹn giữa đào Thu Ba và một viên thiếu úy quân đội, và… còn rất nhiều chuyện tình đẹp như thơ như mộng mà sau này khi có dịp tôi sẽ kể lại cho các bạn nghe.
Trời chiều ngả bóng về tây,
Em thương nhớ bạn như cây nhớ rừng!
Đó là tâm sự của nữ nghệ sĩ trẻ đẹp Thu Ba, đào chánh của đoàn hát Thanh Minh năm 1952. Mối tình đầu bất ngờ, xảy ra như một tia chớp sáng giữa đêm thâu, nhưng lưu lại dấu ấn trong tâm hồn của Thu Ba và người bạn tình sâu sắc đến mấy mươi năm sau vẫn không thể nhạt nhòa…
Tháng 10 năm 1952, đoàn hát Thanh Minh bán dàn cho thầy Su Hai Mạnh (surveillant đồn điền cao su) về hát trong Sở Cao Su Dầu Tiếng – Tây Ninh. Tuy giá tiền mua dàn không cao nhưng bà Bầu Thơ, vợ của ông Bầu Nghĩa quê ở làng Thái Hiệp Thạnh, tỉnh Tây Ninh nên biết một số điểm diễn ở các huyện Trảng Bàng, Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành sẽ đắt khách, bà chấp thuận bán dàn hát ở Dầu Tiếng xem như là điểm diễn khởi đầu của chuyến lưu diễn Miền Đông.
Nghệ sĩ của đoàn hát được cho ở trong một lán trại gần văn phòng của Sở Cao Su, sân khấu được dựng ngoài sân bãi, một bên là bìa rừng, kế bên một khoảnh đất rộng và một bên là khu dành làm nhà ở cho các thầy Su và công nhân chuyên môn trong nhà máy hấp mủ và ép cao su.
Tôi còn nhớ đêm đầu tiên dọn vô hát ở Sở Cao Su Dầu Tiếng là ngày 16 tháng 10 năm 1952, đêm đó hát tuồng Cô Giang Nguyễn Thái Học, thành công về nghệ thuật và số thu rất cao.
Trong tuồng Cô Giang Nguyễn Thái Học, có nghệ sĩ Năm Nghĩa, kép ca Minh Tấn, hề Kim Quang, nữ danh ca Út Bạch Lan. Năm Nghĩa, Minh Tấn và Út Bạch Lan là những giọng ca được khán giả ưa thích nhứt lúc đó, ca vọng cổ rất mùi, khán giả vỗ tay từng chập. Hề Kim Quang và Hề Núi diễn quăng bắt nhịp nhàng với Hoàng Giang, tạo ra những trận cười nghiên ngửa cho khán giả.
Ngày thứ hai 17 tháng 10, bà Bầu Thơ và ông quản lý Hai Núi ra thị xã Tây Ninh ký hợp đồng mướn rạp và bán dàn cho các suất hát tuần sau, sau khi hết hợp đồng hát trong Sở Cao Su.
Thầy Hai Mạnh thu lợi nhiều, bán rẻ cho ông bầu Nghĩa một con bò để đoàn hát nấu cơm hội cho nghệ sĩ ăn. Ông Bầu Nghĩa chơi điệu nghệ, dành nguyên một cái đùi bò cho các nghệ sĩ kiêm cầu thủ đá banh Hoàng Giang, Minh Tấn, Quang Phục, Vinh Sang… tổ chức một bữa nhậu kết bạn giữa cầu thủ của đoàn hát và cầu thủ của đồn điền Cao su Hai Mạnh. Ngoài cái đùi bò dùng làm mồi nhậu, anh Năm Nghĩa còn mua hai con gà mái tơ để nấu cháo và làm gỏi gà. Thầy Hai Mạnh cho một canne rượu đế hai chục lít, bảo đảm là nếu đêm nhậu đó nghệ sĩ nào dự mà không say té bò càng thì thầy chịu thua, hứa sẽ chung thêm một canne rượu hai chục lít nữa.
Trong khi đoàn đang diễn thì tẩm khậu của đoàn hát nấu nướng chuẩn bị tiệc nhậu đặt ngay trong lán trại, nơi đoàn hát được bố trí làm chỗ để ăn, ở của các nghệ sĩ khi diễn tại Dầu Tiếng.
Cũng cần nói rõ là lán trại nầy chiều dài 6 lòng căn, nóc lợp tôn, hai bên đầu mái tôn sát nóc để trống. Vách bao quanh cũng bằng tôn, có thể mở ra cho thoáng. Nguyên lán trại này dùng để làm chỗ xếp những bánh crêpe cao su, tiện cho xe hàng bốc vác, vận chuyển đến nơi làm lốp xe hơi. Vì mới cất, lán trại còn để trống nên thầy Hai Mạnh mới để cho nghệ sĩ tạm trú trong thời gian hát ở Sở Cao su. Nghệ sĩ chúng tôi để ghế bố và trải chiếu tập trung ở một đầu lán, còn đầu lán kia dành cho nhà bếp. Tiệc nhậu đêm ấy cũng tổ chức tại đây, nghệ sĩ tha hồ nhậu, dẫu say quắc cần câu thì chỉ cần bò đi trong mươi bước là tới chỗ ngủ của mình rồi. Khỏi sợ té bụi té bờ, không ngại phải nằm mương nằm vũng như những lần say trước đó.
Đêm đó, hát tuồng Núi Liễu Sông Bằng, có Hoàng Giang, Minh Tấn, Thu Ba. Đoàn hát diễn đến lúc gần 10 giờ đêm thì có gió lớn và mưa nặng hột. Khán giả lúc đầu còn ngồi nán lại xem, các anh dàn cảnh và các em nghệ sĩ phải chạy ra nắm ghịt lại những cánh màn và đề co, vì gió thổi càng lúc càng mạnh, tấm phông trắng và tấm màn nhung bị thổi bung lên cao. Đèn điện chớp nháng vài lần rồi xẹt lửa vì dây điện đứt chạm vào nhau. Ông Bầu ra lịnh ngưng hát, nghệ sĩ chạy vô lán trú ẩn, khán giả chạy tán loạn… Tiếng gió rú càng lúc càng lớn, mưa như thác đổ, nước dưới chân chảy ào ào. Anh mười Âm phi chỉ kịp gỡ vài cái micro thì dàn cây treo màn và mấy tấm phi đổ ập xuống.
Tiếng gió rít, cuồng phong lay động cây lá. Từng tiếng ầm ầm vang động kéo dài như những thân cây lớn trong rừng bị gió thổi ngã, cây nầy ngã đè cây kế bên ngã theo và ngã hàng loạt cây trong rừng sau lán trại. Mái tôn của lán trại chúng tôi đang ở run lên bầng bậc, tiếng gió quất mạnh từng đợt vô mái tôn tạo những tiếng vang ầm ầm như sấm sét nổ ngang đầu.
Thầy Hai Mạnh cầm cây đèn pin lớn, từ văn phòng chạy qua, la lớn: “Bão…Bão lớn lắm…Anh em ai có đèn pin, lấy ra cầm tay, quần áo hay tiền bạc thủ cho gọn nhẹ và mau lên, đứng tập trung chờ coi sao, đừng chạy lộn xộn…” Bỗng đèn điện phụt tắt, trời tối đen như mực, thỉnh thoảng sấm chớp, ánh sáng xanh lóa mắt, sau đó cảnh chung quanh càng thêm tối đen. Nước chảy cuồn cuộn dưới chân, mưa và gió ào ào gào thét quanh nơi chúng tôi đang đứng.
Ông Bầu Nghĩa quơ quơ đèn pin cho mọi người chú ý, ông hét thật lớn tiếng: “Anh em nghe đây: Nếu phải ra ngoài khỏi cái lán nầy, mấy anh chị phải nắm tay nhau cho chặt, để đừng bị gió cuốn rời đi. Mình nắm tay nhau thì người nầy ngã, người kia còn giúp kéo cho đứng lên được.”
Anh Hoàng Giang lớn tiếng la: “Tôi lớn con, tôi đi đầu, anh em xen kẽ nhau, một nam rồi một nữ, tay nắm chắc cổ tay nhau.”
Ông Bầu Nghĩa la: “Hoàng Giang có đèn pin, đi đầu, Nguyễn Phương có đèn pin, đi giữa, tôi cầm đèn pin, đi chót. Mình nắm tay nhau như một con rít, nắm tay cho chắc, đừng buông ra, ai để lạc trong rừng giữa cơn bão là chết đó.”
Gió vẫn thổi giật từng hồi, tiếng gió quật lên mái tôn càng lúc càng mạnh, mái tôn và căn lán trái như bị vặn xiêu vẹo. Chúng tôi hò hét với nhau, dặn nắm tay cho chắc. Tôi nghe Minh Tấn la lên: “Tôi nắm tay Thu Ba với Hoàng Vân”. Vinh Sang la lên: “Tôi nắm tay Hoàng Vân với Thu Cúc”. Văn Son la lên: “Tôi nắm tay Thu Cúc với Liễu Thuận”… Tiếng la nối tiếp để nhắc cho nhau nhớ ai đứng gần bên ai.
Thầy Hai Mạnh rọi đèn pin nhìn chúng tôi, nói: “Anh em nhớ, phía trước cửa là sân rộng, bên kia đường là nhà của chúng tôi. Đường đi quẹo tay mặt độ vài chục thước là lên gò cao có nhà nền đúc của ông chủ Sở. Gia đình của tôi đã lên đó tránh bão. Lát nữa anh em mình ráng dìu nhau lên đến đó nghe hông? Nhớ lên mặt lộ thì quẹo tay phải…”
Bên ngoài gió rít từng cơn, từng luồng quật vô nhà cửa, cây cối, có tiếng cây gãy ngã nghe răng rắc, rầm rầm. Vách tôn bị thổi tróc ra, bay đập vô đâu đó nghe lảng chảng như ai đập thùng thiếc chát chúa ngay bên lỗ tai.
“Nước ngập trong lán rồi anh em ơi! Nước ở đâu ào ào vô nhiều quá!” – Tôi la lớn và rọi đèn pin, quật qua quật lại cho mọi người nhìn thấy nước đang dâng lên cao rất mau dưới chân mình.
Chưa ai có phản ứng gì, bỗng gió quật mạnh, xô sập mái nhà, may là mái tôn úp xuống như cái nắp nồi úp xuống, chúng tôi lum khum nắm tay nhau một dọc dài ở giữa lán chỉ bị hoảng sợ chớ không có ai bị thương. Ông Bầu Nghĩa la lên: “Hoàng Giang, dẫn anh em chui ra mau, không thì nước ngập chết hết.”
Hoàng Giang vừa bò ra, gió quật cho anh một phát, té nhào. Hoàng Giang la lớn: “Gió mạnh lắm, người nầy ôm eo ếch người kia, mình đi một chùm, dầu chậm mà còn bám được với nhau. Nắm tay, gió thổi bay đi mất.”
Bầu Nghĩa la: “Ôm eo ếch…Ôm eo ếch!”
Chúng tôi không phải là lính trong quân đội nhưng nhờ sống tập trung trong một đoàn hát, cùng ăn cơm hội, khi tập tuồng thì nghe chung lịnh của ông thầy tuồng, mọi chuyện di chuyển, ăn ở thì theo lịnh của ông bà Bầu và ông quản lý, nhờ quen cái nếp sống đó nên khi nguy cấp, Hoàng Giang la lớn, biểu ôm ngang eo ếch thì nhiều người nói truyền với nhau là ôm eo ếch. Ai nấy đều thi hành răm rắp như tuân theo một mệnh lệnh hành quân trong quân đội.
Bỗng cô đào Thu Ba phát la lên: “Ôm ngang eo ếch chớ không phải ôm ngang ngực. Sao anh ôm ngang ngực của tui vậy?”
“Thằng nào dê quá vậy? Mầy đá tréo lại cho nó dập dế đi…” – Chị Ngọc Chúng, vợ của Hoàng Giang, la bài hãi lên.
Minh Tấn vội đính chánh: “Bà nội ơi bà nội! cổ chới với, tôi chụp ôm giữ lại, quơ tay đụng một chút vậy thôi, chớ mập béo gì đó mà ham!”
Nhiều tiếng cười rút rít, không khí bớt căng thẳng. Thầy Hai Mạnh la lớn: “Tôi dẫn đường. Anh Hoàng Giang và anh em đi nghe không!” Anh em nghệ sĩ ôm nhau nối dài như chơi trò rồng rắn, nói chuyền với nhau: “Bắt đầu đi, ôm cho chặt nghe hông. Hễ sút tay, phải la lớn lên, người ta biết, người ta vớt cho, nghe hông!”
Ra khỏi lán, gió quật mạnh từng cơn, đoàn người chơi trò rồng rắn bất đắc dĩ nầy té lăn bên nầy, té lăn bên kia, nhưng người này ôm chặt người kia, nhứt định không buông ra. Ánh đèn pin phía trước quật qua quật lại soi đường. Tôi cũng rọi đèn, thỉnh thoảng la lên: “Coi chừng nhánh cây ngã, nằm ngang đầu, cúi xuống, coi chừng đụng đầu.” Tiếng người trước nói được người kế lặp lại. Ông Năm Nghĩa rọi đèn dọc theo đoàn người đang ôm nhau đi để mọi người thấy rõ nhau.
Nước réo dưới chân, nước sôi trào, nước chảy xiết… Mưa như thác đổ. Hai bên đường hướng về rừng già và rừng cao su, nước ngập mênh mang. Nước ngập khỏi mương lộ, nước ngập lên cao khỏi mặt lộ đá. Thầy Hai Mạnh rọi đèn, nắm tay Hoàng Giang đi hướng lên đồi cao, nơi có villa của ông chủ Sở. Chúng tôi cố gắng đi theo nhưng rồi nghe tiếng khóc của Thu Ba, Hoàng Vân và vài anh chị em, có người mang dép bị mất dép vì bị nước cuốn đi, có người không kịp mang giày, đi chân không trên lộ đá xanh là cả một cực hình nhưng không thể không đi dù biết đôi chân rướm máu. Gió tiếp tục quật chúng tôi té nhào bên nầy, bên kia nhưng không bức chúng tôi ra được.
Con đường từ chỗ lán trại đến villa của ông chủ Sở, nếu bình thường thì đi khoảng năm phút là đến, nhưng đêm ấy sao mà con đường đó xa quá vậy. Đi thật lâu mới tới. Thầy Hai Mạnh dùng đèn pin đập vô cửa, xưng danh tánh. Cửa hé mở, có người ló đầu ra nhìn, thầy Hai Mạnh xô cửa, chúng tôi tràn vô như một cơn lốc.
Vô được trong villa của ông chủ Sở, coi như thoát chết rồi. Mọi người yên tâm, tiếng cười nói ồn ào, khi thấy bà chủ Sở bước ra, thầy Hai Mạnh yêu cầu chúng tôi im lặng, xong ông khúm núm nói gì với bà chủ. Bà gật đầu rồi lẳng lặng lui vô phòng trong.
Villa đó rất rộng, nhiều phòng ốc, chúng tôi được cho ở tạm một góc phòng phía trước. Ông chủ Sở người Pháp đang ở Saigon, chỉ có bà vợ Việt ở trong villa.
Bây giờ mới thấy thấm lạnh. Áo quần ướt mèm, chân không giày vớ, nhiều người bị rướm máu ở chân vì đi chân trần trên lộ đá. Chúng tôi đói quá, tiệc rượu nấu xong nhưng chưa ai kịp ăn uống gì thì cơn bão ập tới. Lo mà chạy chết, không ai nhớ đến chuyện phải ăn một chút gì đó bỏ bụng. Bây giờ chui được vô trong villa của ông Tây, tường gạch dầy, cửa bằng gỗ, coi như tránh được cơn bão, nhưng cái đói, cái lạnh hành hạ chúng tôi không thua gì cơn giông bão ầm ầm phẫn nộ đã quất những đường roi mạnh vào người chúng tôi và xô chúng tôi ngã lăn trên lộ đá ngoài kia.
Bên ngoài mưa vẫn chưa dứt, gió rít lên từng cơn, có cây cối hay thứ gì đó bị gió cuốn đi, bay đập vô vách tường, đập vô mái ngói nghe rầm rầm, rổn rảng. Bây giờ có lẽ đã quá hai giờ khuya, gió bão vẫn chưa ngừng trút cơn thịnh nộ của đất trời lên khoảnh rừng cao su.
Ông Bầu Nghĩa ngồi ở một góc phòng, ôm đầu rầu rĩ. Tôi đến gần, ông khẽ nói: “May mà bà Bầu với cậu hai Núi đi ra tỉnh Tây Ninh hồi trưa, chớ nếu ở lại chắc sẽ bị nước lũ và bão cuốn trôi chớ không đủ sức đi như mình đâu!”. Ngưng một chút, ông nói lầm thầm: “Cả gánh hát chìm trong nước lụt rồi, chắc là trắng tay… Hỏng biết khi nước rút, có còn sót lại gì không?”
Tôi lặng im, không biết nói gì để an ủi ông vì chúng tôi cũng trắng tay. May là khi ở sân khấu chạy về lán trại, tôi còn được bộ y phục đàng hoàng dính da, còn cái bóp có vài chục đồng và một hộp dầu cù là con cọp trong túi, còn tất cả những gì trong rương, trong tủ làm tuồng để trong lán trại chắc là đã bị gió bão và nước lũ cuốn trôi vô rừng sâu. Rét lạnh, đói run, chúng tôi ngồi bó gối lắng nghe tiếng gió bão gào thét bên ngoài, chưa biết bao giờ mới dứt bão, chưa biết bao giờ mới trở về Saigon. Tôi băn khoăn không hiểu Saigon có bị bão không? Vợ con tôi có được yên ổn không?
Tôi đi vòng quanh chỗ ở tạm của nghệ sĩ, thấy cô Thu Ba mặt xanh dờn, đang run vì cảm lạnh, bé Hoàng Vân cũng vậy. Nhớ có hộp dầu cù là trong túi, tôi lấy ra cho Hoàng Vân cạo gió cho Thu Ba và chị Hoàng Giang cạo gió cho Hoàng Vân. Xong tôi đến hỏi mượn của thầy Hai Mạnh hai bộ y phục của vợ ông cho bé Hoàng Vân và Thu Ba thay chớ để mặc y phục ướt hoài sẽ bị nhiễm lạnh.
Gần sáng, gió bão dịu lại tuy vẫn còn mưa lâm râm. Thầy Hai Mạnh hé cửa nhìn ra, ông Bầu Nghĩa, Hoàng Giang và tôi cũng đến cửa nhìn ra, ước lượng tình hình bên ngoài để coi phải sắp xếp sao cho anh chị em trong đoàn hát. Nước vây quanh ngọn đồi có cái villa của ông chủ Sở khiến chúng tôi có cảm giác như mình đang ở trên một cái ốc đảo. Muốn ra đến con lộ tỉnh để đón xe về Saigon thì cần phải có ghe xuồng chớ không còn cách nào khác. Tránh bão trong villa nầy có ít nhứt là trên năm, sáu chục người, mai nầy hết bão mà chưa tìm được cách nào ra lộ xe để đi về Saigon hay ra tỉnh Tây Ninh thì ở đây lấy gì mà ăn? Bà chủ villa chỉ dự trữ đủ lương thực cho gia đình của bà thôi, chớ đâu có sẵn cho nhiều người gồm gia đình các thầy thợ trong Sở và cả một gánh hát cải lương.
Vừa hửng sáng, một bà nào đó ở phòng phía sau khóc thảm thiết. Bà chủ villa bước ra, vẻ bực bội. Thầy Hai Mạnh vội vô xem xét rồi ra nói: “Bẩm bà chủ, con của chú thợ máy ép cao su bị cây ngã đêm hôm đè bể đầu, đã chết rồi, bây giờ không biết làm sao mà chôn vì nước ngập tới thềm nhà, không thể đem xác đi đâu được.”
– Ông chủ không có ở đây, thầy lo liệu dùm, chớ tôi làm sao mà giúp họ được? Nước không thể rút trong vài ba ngày, cái xác…
– Dạ thưa bà, để chúng tôi lo liệu. Đúng là cả tuần lễ nữa, nước chưa rút hết đâu…
Thầy Hai chưa nói dứt câu, bà chủ đã lui vô phòng riêng, Hoàng Giang bước đến hỏi: “Thầy Hai, tính sao đây?”
– Chờ xem coi mực nước có rút không, mới có ý kiến quyết định được. Tôi biết vùng nầy đất trũng, nước lụt ngập đến ngọn cây cao su, mực nước ít nhứt cũng bốn, năm thước, mà cả một vùng mênh mông nầy, nước không thể rút đi trong vài ba ngày. Ba ngày mà cái xác chết không chôn được thì tất cả mọi người ở đây sẽ không thể nào thở được với cái xác bốc mùi…
Trong hoàn cảnh đó chưa biết phải làm sao thì anh thợ máy bất hạnh đó đến nói với thầy Hai: “Thưa thầy, nhờ thầy bẩm lại với bà chủ cho cháu mượn cái thùng phuy đựng nước sau nhà… Dạ cháu để con của cháu vô thùng phuy, lấy tấm nylon bịch kín miệng thùng lại, ràng dây cho chắc. Nếu vài ngày nước rút thì đem về sau nhà chỗ cháu ở mà chôn, còn nếu lâu quá nước mới rút thì cũng không gây ra hôi thối nơi đây…”
Thầy Hai Mạnh thấy không có cách nào khác hay hơn khi mà mọi người đang ở trên một cái ốc đảo, chung quanh là dòng nước đang chảy xiết, cây cối, xác thú hay bất cứ thứ gì lọt vào dòng chảy đều bị cuốn đi phăng phăng, không biết sẽ đến một phương trời vô định nào. Ông gật đầu đồng ý và nói sẽ bẩm với bà chủ sau.
Ông thợ ra múc từng gáo nước trong thùng phuy đổ ra. Chúng tôi cũng tới phụ khiêng đổ hết nước trong thùng phuy ra. Ông cám ơn, xong lại khiêng mấy tảng đá xanh kế bên nền nhà, bỏ vô thùng phuy, ông nói: “Như vậy cái thùng phuy sẽ nặng hơn một chút, không thể bị gió thổi đi dễ dàng…” Sau đó, hai vợ chồng ông đem xác của cháu để vô thùng phuy. Cậu bé khoảng 12, 13 tuổi, đêm hôm mưa bão, bị cây ngã xuống, đập bể đầu. Máu ra rất nhiều, kế bị ngập nước nên tắt thở từ đầu hôm. Lúc đó cơn bão còn tung hoành dữ dội, ai ai cũng tưởng sẽ chết trong khoảnh khắc nên mãi lo chống chỏi với nước lũ và cuồng phong. Không ai chăm sóc cho ai được, dù biết người thân của mình đang bị thương. Đến sáng, gió bão yếu dần, ông bà mới biết là con mình đã chết. Không thể chôn cất cháu vì bốn bề nước lũ nên ông mới nghĩ ra việc xin cho con ông cái thùng phuy làm cái hòm bằng sắt để chôn con.
Cái quan tài sắt được bịt một đầu bằng tấm nylon xanh của bà chủ Sở cho, dây cột giữ cái nắp bằng nylon cũng của bà chủ cho, xong rồi ông thợ vần cái quan tài sắt đó ra xa xa villa, cột vào gốc cây bàng sau vườn. Nơi đây nước cũng ngập lé đé. Ông trở vô nhà cúi đầu cám ơn thầy Su, rồi chắp tay xá xá chúng tôi như người nhà đáp lễ khi khách đến viếng trước quan tài người quá cố. Chúng tôi cũng xá xá lại đáp lễ.
Gió lại nổi lên, cơn bão rớt như nổi khùng, ầm ầm xô ngã cây bàng sau vườn, xô cái quan tài sắt ngã nghiêng và lôi xuống dòng nước đang chảy xiết.
Bà vợ la lớn: “Con của tôi… xác của con tôi…” Bà chỉ tay theo cái thùng phuy đang bị nước cuốn trôi phăng phăng. Ông thợ tính mở cửa chạy ra vớt cái thùng phuy nhưng thầy Hai Mạnh nhanh tay giữ lại: “Anh nhảy xuống nước, không làm sao lôi về được cái thùng phuy đó mà cái mạng của anh cũng tiêu luôn. Anh muốn cho vợ anh vừa mất con lại phải mất chồng sao?”
– Trời ơi! Tôi làm sao bây giờ?… Ông thợ ôm mặt, lắp bắp nói như người mất hồn.
– Anh yên tâm! Cái quan tài của cháu sẽ dừng lại ở bất cứ nơi phần đất nào của Sở, tôi cũng xin ông bà chủ cho anh chị chôn cháu ở chỗ đó, coi như ý muốn của cháu như vậy đi… Vậy, được hông?
Sáng đó đói quá, tôi hỏi thầy Hai, hy vọng kiếm được chút gì bỏ bụng. Thầy Hai cũng đang lo rầu vì tuy gia đình của ông được bà chủ Sở cho vài ổ bánh mì nhưng rồi biết bao giờ nước mới rút để có thể ra con lộ tỉnh đi kiếm cái ăn? Không bị chết vì nước cuốn, không bị cây ngã đè, nghĩ đến cái chết đói sẽ đến từ từ thì càng thêm khủng khiếp!
Mười hai giờ trưa, khi chúng tôi vô kế khả thi thì nghe tiếng phi cơ L.19 bay quầng trên đầu. Thầy Hai mừng quýnh, lấy khăn trắng cầm tay, mở cửa ra sân quơ quơ khăn trắng ra hiệu. Chúng tôi cũng túa chạy ra sân, ai có khăn cầm khăn hay cởi áo cầm tay, quơ ra hiệu. Cái sân không ngập nước chỉ rộng độ mươi thước vuông, chật người đứng vẫy khăn kêu cứu, phi cơ bay quầng hai vòng trên cái ốc đảo có villa đó để quan sát, sau đó nó bay luôn về phía rừng sâu.
Chúng tôi tiu nghỉu, tuyệt vọng quay vô nhà. Thầy Hai chỉ hướng phía trước mặt, nếu đi theo đường chim bay thì cũng phải một cây số mới tới con lộ tỉnh, còn quanh villa thì đất lồi lõm, chỗ nông chỗ sâu mà nông cạn nhứt bây giờ cũng phải hơn hai thước nước. Còn phía sau villa là hướng đến các xã Định Thành, Hảo Đước, Phước Ninh, nhiều rừng già, đất trũng, trong cơn bão này, các nơi đó cũng ngập vài ba thước nước.
Bỗng nghe tiếng máy nổ vọng lại, không phải tiếng phi cơ… chúng tôi lại túa ra sân thì thấy một chiếc ca nô bằng xuồng bơm của quân đội đang phăng phăng chạy đến villa nơi chúng tôi đang tạm trú. Mọi người mừng rỡ, vẫy khăn kêu gọi. Bà chủ villa nghe tiếng la, bước ra trước cửa. Đến bây giờ mời thấy bà nở nụ cười.
Một thiếu úy Việt Nam đi với bốn người lính và một y tá quân đội có đeo băng hồng thập tự trên cánh tay trái. Thiếu úy cho biết ông chủ đồn điền Pháp gọi điện thoại cho ông chủ tỉnh nhờ đưa ca nô vô rước bà chủ ra tỉnh, khi phi cơ quan sát bay đến, thấy có quá đông người nên ông chủ tỉnh cho đưa thức ăn, nước uống và y tá vô cứu cấp tạm thời rồi rước bà chủ Sở ra dinh ông chủ tỉnh trước. Sau đó sẽ có xuồng máy vô lần lược đưa mọi người ra sau.
Chúng tôi được phân phát bánh mì, cá hộp và một canne nước. Thôi mừng quá mạng, hết sợ chết đói! Anh y tá đi phát thuốc ký ninh cho những người cần, thoa thuốc đỏ băng chân cho những ai lội trên lộ đá bị lủng chân. Đến cô Thu Ba, thì anh y tá nói với viên thiếu úy: “Bẩm Thiếu Úy, cô này bị sốt cấp tính, cần chở ra nhà thương cấp cứu, nếu để tới chiều tôi sợ là… không xong đó thiếu úy!”
– Ừ! được. Cô chuẩn bị quần áo, giấy tờ, thuốc men thường dùng đem theo!
Thu Ba phều phào nói: “Dạ, đồ đạt, áo quần của em bị nước lũ cuốn đi hết rồi!”
– Thôi được, tới nhà thương rồi tính sau. Ông Bầu gánh hát cho một cô theo giúp cô này. Chuyện nầy không lường trước được nhưng tôi sẽ báo cáo với ông tỉnh trưởng sau. Chúng tôi còn đem thực phẩm đến giúp những người đeo trên các nhánh cây mà phi cơ quan sát phátgiác được. Sẽ có xuồng máy đến cứu, chở họ ra lộ trước rồi sẽ chở hết số người ở đây ra sau.
Anh y tá và một người lính bồng Thu Ba đưa lên xuồng, bà chủ Sở và Hoàng Vân cũng lên xuồng máy. Xuồng máy đi xa rồi chúng tôi còn vẫy tay chào anh thiếu úy và các anh lính đầy lòng nhân đạo, cứu giúp người trong cơn hoạn nạn.
Chiều hôm đó chúng tôi được ca nô quân đội cứu, đưa ra tỉnh Tây Ninh. Về rạp hát, gặp bà Bầu Thơ. Bà đã cho nấu bữa cơm chiều, mua sẵn nhiều quần áo, giày vớ để cấp phát cho chúng tôi mỗi người một bộ. Bà biết cả gánh hát chìm trong nước lũ, đồ đạt cá nhân và của đoàn hát bị cuốn trôi hết, nên bà vay sẵn một số tiền để giúp mọi người trong đoàn và chuẩn bị gầy dựng lại gánh hát.
Anh thiếu úy tốt bụng đó tên Xuân, con của ông chủ tiệm vàng ở Tây Ninh, có lẽ vì gia thế giàu có nên vận động cho thiếu úy được điều về phục vụ trong tỉnh nhà. Thiếu úy Xuân đưa cô Thu Ba vô bệnh viện và nhờ quen lớn của Thiếu úy Xuân nên cô Thu Ba được các bác sĩ tận tình chăm sóc. Cô được vô nước biển, thuốc men đầy đủ. Vài ngày sau cô khỏe lại, trở về đoàn. Thu Ba cho biết anh Thiếu úy Xuân rất cảm mến Thu Ba, ngoài việc lo cho Thu Ba ăn uống, tẩm bổ, anh còn mua nhiều bộ y phục mới và tặng cho Thu Ba nhiều nữ trang.
Thu Ba cũng cảm mến Thiếu úy Xuân, nhưng hai người hai nghề nghiệp khác nhau, cô Thu Ba không muốn rời đoàn hát, Thiếu úy Xuân chưa hết thời hạng phục vụ trong quân đội, nên hai người tuy yêu mến nhau, quyến luyến không nỡ rời nhưng không thể thành hôn với nhau.
Đoàn Thanh Minh về Saigon, Thiếu úy Xuân gởi cho Thu Ba một bài thơ. Thu Ba nhờ tôi đọc giùm vì cô mới tập đọc, tập viết chưa thông.
Một Mối Tình Si!
Ngày xưa có một phường ca hát
Trôi dạt quanh năm khắp chợ làng
Cái nghiệp cầm ca nhiều chua xót
Đã nghèo, thân thế quá gian nan.
Gánh hát bỗng chìm trong bão lũ
Gió mưa cuồng loạn ngập trời quê
Anh đi tám hướng đời chinh chiến
Lầm lũi em vui một nẻo về.
Anh lắng nghe tiếng em qua máy hát
Xóm đêm còn vọng nuối canh dài
Gối sương còn gợi lại trong tiềm thức
Một khối tình si chẳng lạt phai.
(Người chiến sĩ si tình)
Cô Thu Ba chỉ cảm nhận mối tình si của người chiến sĩ qua trang thơ vì cô còn theo đuổi nghiệp cầm ca, còn người chiến sĩ gởi hồn mộng qua trang giấy lại đang theo các cuộc hành quân bảo vệ quê hương, hai người hai nẻo đường không có một giao điểm, nên tuy tình yêu đậm đà tha thiết nhưng hai tâm hồn như lạc lỏng đôi nơi.
Thu Ba nhờ tôi viết vài câu gởi cho Thiếu úy Xuân, tôi ghi cho cô hai câu thơ và viết bằng viết chì thật lợt, Thu Ba đồ theo chữ đó bằng mực tím học trò:
Trời chiều ngả bóng về tây,
Em thương nhớ bạn như cây nhớ rừng.
Mùa xuân năm 1955, hòa bình lập lại, đoàn Thanh Minh có dịp về hát ở tỉnh Tây Ninh, dọ hỏi tin tức của Thiếu úy Xuân thì được biết anh đã hy sinh trong một trận chiến ở Sa Mát, gần biên giới Cao Miên.
Cô Thu Ba nhờ tôi viết một vài lời nhắn gởi cho hương linh người yêu không bao giờ gặp nhau nữa:
Tình đầu… Tình cuối… anh ơi!
Thương hoài ai đó dù vời vợi xa.
Mai vàng đang độ nở hoa
Mấy mùa mai nở, tình xa xa vời!
Nhớ những chuyện tình không trọn vẹn trong giới cầm ca.
Nguyễn Phương, 2015
ReplyDeleteÔng Nguyễn Phương ơi, cơn bảo rớt tối nay thổi đến Montreal, mưa bắt đầu rơi lớn hột, gió thổi mạnh làm cho nhứt diêp lạc của những cây phong đành phải lìa cành. Tôi đề nghị sẽ tới anh rồi cùng ban văn nghệ Hốc Môn của anh, dầm mưa lội nước, rồng rắn dưới những cơn gió mạnh hơn 100km để diễn lại cảnh ÔM EO ẾCH trốn bảo. Sau đó may ra sẽ có vài ông dùng dầu xanh cạo gió cho các nữ diễn viên bị cảm lạnh, đây cũng là một cách tích phước đó!
BLG
Tui rất mê Cải Lương, nhất là rất thích tò mò những chuyện riêng tư của nghệ sĩ nổi tiếng mà tui ái mộ như Út Trà Ôn, Bạch Huệ, Út Bạch Lan, Thanh Nga...Ước gì được sư thúc Nguyễn Phương rảnh rang kể thêm trên Tha Hương cho những người mê Cải Lương như tui lãnh hội thì thật là đa tạ.
ReplyDeleteMVN
Bước đi vài bước lại dừng
ReplyDeleteLau dòng dư lệ, rưng rưng tuôn trào
Cắn răng cố nén nghẹn ngào
Chỉ trong giấc mộng ? Chiêm bao sum vầy !
TP
MVN, ông vào Web : cailuongvietnam.com mà xem, bố Nguyễn Phương viết rất nhiều bài mà ông thích hoặc vào thời báo Canada mà xem.
ReplyDeleteNgười yêu cải lương.
Cám ơn NYCL.
ReplyDeleteMVN.
Bài nầy,Nguyễn Phương cũng đăng trên Thời Báo rồi.CRD
ReplyDelete