Links

Friday, November 6, 2015

7 ngày đêm lênh đênh trên biển (kỳ 2)



_____________

Lanh Nguyễn

Ngày 1.

Vì đi trể hết 4 tiếng đồng hồ nên ông chủ tàu quyết định đi xa bờ về hướng Cà Mau, coi như đang đi đánh cá chứ không trực chỉ ra hải phận quốc tế. Lưới cá được chuẩn bị y như là sắp sửa hành nghề, hể thấy dáng ghe công an biên phòng thì thả lưới xuống cầu may cho chúng không tới xét... 
Hành khách vượt biên được ông ta cho trốn ở dưới hầm. Đàn ông con trai được cho ở khoan trước, còn đàn bà con gái thì cho ở khoan kế cabin, chín giửa tàu thì êm hơn ít bị sóng giật, đở bị ói. Ngày đầu biển êm sóng lặn nên tôi ngủ rất ngon. Gần chiều tối mới được lên khỏi hầm để hít thở không khí biển và ăn cơm chiều...
Nhưng mà buổi cơm chiều hôm ấy chỉ có các ngư phủ cùng tôi mà thôi những người khác vẫn còn mê cái hầm thơm mùi cá...
Chắc các bạn đang thắc mắc tại sao tui không say sóng. Nhưng nếu các bạn nhớ những chuyện mà tôi viết trước đây thì câu trả lời nằm ở đó. 
Tôi hồi nhỏ sống trên sông chứ không phải trên đất liền, lớn lên chuyện đi ghe xuồng đối với tôi còn rành hơn chạy xe nhiều nên không say sóng là điều tất nhiên rồi...

Đêm 2
Tuy không có la bàn nhưng ông chủ tàu cũng là tài công với kinh nghiệm mấy mươi năm đi biển nên ông chỉ cần nhìn sao rồi nhắm hướng đi trong đêm tối mịch mù. Tôi sau một ngày ngủ nhiều, tối đó không buồn ngủ nữa nên lên ca-bin ngồi tán dóc chơi. Tôi hỏi:
- Sao chú không chờ qua tết biển êm rồi hãy đi? Lúc nầy có khi biển bị động bất tử.
Ông chủ tàu cười:
- Chuyện đó tôi biết chứ. Tụi biên phòng cũng biết cho nên lúc nầy thì nó ít đi tuần tra, sau tết biển êm thì chúng tuần tra hà rầm, dể bị bắt lắm. Thứ nào cũng nguy hiểm vậy mình chọn cái ít hiểm nguy phải tốt hơn không? Chuyện biển có động hay không là do trời đất, hơn nữa tui đi biển lâu rồi biển động đối với tôi không đáng sợ bằng công an...
Ghe đi hơn nửa đêm thì trời kéo mây đen, gió bắt đầu thổi mạnh dần, những ngọn sống bạc đầu thi nhau lè ra như cái lưỡi trắng xoá, chiếc tàu chồm lên hụp xuống liên tục. Biển đang động mạnh. Mưa bắt đầu ào ào đổ xuống. Ông chủ tàu ra lịnh:
- Nhỏ ga lại phân nửa, quay theo hướng gió gối đầu 1/3 lượn sóng mà đi, tới đâu thì tới biển êm rồi thì mới lấy hướng lại...
Con tàu ngã nghiêng lảo đảo, trồi lên hụp xuống như người say rượu. Ngư phủ thay phiên nhau giữ vững Vô-lăng, còn đàn bà con gái thì thi nhau ói, rồi chấp tay nguyện cầu van vái cho phật trời phù hộ tai qua nạn khỏi...
Cuộc chiến với thiên nhiên kéo dài cho đến gần sáng thì trời bắt đầu bớt gió và mưa cũng nhẹ hột đi nhiều, chỉ còn lất phất rơi...

Ngày 2
Trời đã sáng hẳn nhưng mặt trời còn trốn ở một nơi nào đó trong đám mây mù dầy đặc, xa xa một con tàu to đùng xuất hiện. Tất cả mọi người đều vui mừng như được tái sinh. Tàu chúng tôi lướt sóng trực chỉ tiến về hướng đó. 
Ngoài biển cả, thấy thì tưởng là gần lắm nhưng thực ra chạy mấy tiếng đồng hồ sau mới tới nơi. 
Chổ đó là một cái giàn khoan dầu của Mỹ, chung quanh có mấy chiếc xà-lang, tàu tôi cặp sát một trong mấy chiếc xà lang đó. Tôi và 2 ngư phủ khác leo lên đó tìm hiểu sự tình. Từng tốp 4, 5 người ngồi tụm lại trùm cao su tránh mưa. Gió còn thổi mạnh làm tung những tấm cao su kêu nghe bạch bạch, nước mưa bắn tung tóe mọi người mình mẩy ướt nhẹp. Chúng tôi hỏi thăm thì người ta cho biết họ cũng là những người vượt biên ghé tránh bảo. Tàu của họ vô nước không thể tiếp tục cuộc hải trình. Có người còn tốt bụng khuyên nên làm cho tàu vô nước thì Mỹ mới cho lên tạm trú.
Chúng tôi trở lại tàu trình bày rỏ sự việc nhưng ông chủ tàu quyết định tiếp tục lên đường sau khi hỏi thăm hướng đi cho chắc ăn.
Mấy người Mỹ qua tàu chúng tôi xem xét một hồi, khi họ thấy tàu cũng còn an toàn cho nên họ chỉ cung cấp một ít đồ supply rồi chỉ hướng đi về phía Malaysia.

Đêm 3
Biển chiều nhuộm một màu vàng tuyệt đẹp vài con hải âu bay lượn trên nền trời trong vắt, chúng tôi đang vui mừng chờ đón bến bờ tự do...
Con tàu đang rẻ sóng ngon lành bổng kêu lên khịch khịch mấy tiếng rồi tắt ngủm. Nó chậm chạp trôi theo dòng nước đi về đâu cũng không ai để ý. Mọi người chỉ chăm chú chờ anh thợ máy đang ra sức sửa chữa. Đàn bà lại tiếp tục cầu nguyện... Cho đến hơn nửa khuya thì sửa được một block máy. 
Với một block máy nó chạy cà rịch cà tang như bà già đi âm phủ. Nhìn thấy những chiếc ghe câu, ghe cào đèn đuốc sáng trưng ông chủ tàu quyết định chọn đại một chiếc gần nhất rồi cố cho con tàu lết lại gần, chờ nó cào xong thì nhờ nó kè mình vô bờ...

Ngày 3.
Hôm sau trời trong mây tạnh, chiếc tàu cá Thái Lan vừa kéo xong mẻ lưới thì tàu tôi cặp sát vào. Trong tàu có một cô trước năm 1975 làm sở Mỹ nên biết tiếng Anh mà thằng thuyền trưởng cũng biết chút đỉnh nên cả hai người nói qua nói lại một hồi, cuối cùng cô ta cho biết chiếc tàu Thái nầy đồng ý chở hết người trên tàu tôi vô đất liền còn chiếc tàu thì phải bỏ lại vì chánh phủ nó cấm.
Ông chủ tàu bàn với anh thợ máy một hồi thì đồng ý theo nó vô bờ. 
Chiếc ghe cào của Thái lớn gấp mấy lần tàu tôi đi, cái ca-bin của nó có tới 2 tầng. Đàn bà con gái nó cho lên tầng trên còn bọn đàn ông chúng tôi thì chúng cho ở tầng dưới.
Chiếc tàu Thái chạy chầm chậm nhưng chúng tôi không biết nó đi về hướng nào. Một lúc sau thì ngư phủ Thái dọn cơm nóng với mực và tôm luộc cho chúng tôi ăn. Cơm gạo Thái thơm nồng nàn mà từ đêm qua đến giờ lo vụ tàu hư nên chúng tôi đâu có nuốt được cơm, bây giờ sẳn cơm ngon đồ ăn nóng tôi dứt liền mấy chén.
Ăn xong tôi định bước ra ngoài boong tàu xem thử cho biết tàu Thái khác tàu Việt ra sao. Vừa lú đầu ra cửa tôi gặp ngay một thằng ngư phủ mình mẩy đen thui như cục than hầm đang cầm cây dao phay đứng canh. Tôi la thầm trong bụng:
- Chết bà! Gặp cướp biển rồi. 
Tui bò lại nói nhỏ cho ông chủ tàu nghe rồi bò ra phía cửa bên hông kia xem thử, bên phía đó cũng gặp thêm một cây cột nhà cháy, tay cũng đang thủ cây búa tổ chảng. Tôi than thầm, "chuyến nầy bỏ mạng thiệt rồi". 
Thằng Mạnh nghe cướp là chồm đầu ra cửa xem thử coi con bồ nó thể nào. Vừa lú đầu ra là bị thằng Thái Lan nắm cổ kéo ra ngoài, nó ra dấu lột hết quần áo để trở thành người tiền sữ, xong rồi nó kéo ra mũi tàu, tụi tôi sợ muốn đứng tim, tưởng là nó xô xuống biển để kết duyên với người cá, ai ngờ nó chỉ tống vô hầm nước đá làm cá muối mà thôi. Sau đó nó từ từ kéo đầu từng người ra tái diễn cái màn cũ, tôi được đi hàng áp chót, sau cùng là ông chủ tàu. Trong hầm nước đá mà không có một mảnh vải che thân nên tôi vừa lạnh vừa run còn thằng Mạnh vô đầu tiên nên sắp biến thành cây nước đá rồi.
Tụi Thái Lan ở ngoài lục lạo đồ đạc quần áo của chúng tôi lấy đi sạch sẻ những gì có giá trị kể cả tiền Việt Nam chúng cũng không chừa. Gần một giờ sau chúng mới cho lên từ từ, tới phiên tôi rời khỏi hầm thì đã thấy thằng Thái Lan đang lội qua tàu mình mà cột dây rồi nó cặp sát hai chiếc lại, sau đó nó đạp từ người qua tàu cũ và quăng bừa bải trả lại cho chúng tôi quần áo cũng như vật dụng cá nhân. Trước khi đi nó thảy cho một bao gạo ân huệ...
Tụi tui mạnh ai nấy lẹ làng tìm lại quần áo của mình mà mặc vào, hổng biết có người nào can đảm mà quan sát thử xem những người đồng cảnh ngộ của mình ra sao hông, chứ tôi thì sợ quá nên quên...
Khi mọi người hoàn hồn lại chút đỉnh thì anh thợ máy bắt đầu cặm cụi xem xét để sửa block máy còn lại...

Đêm 4.
Mọi người mệt lả, rả rời nhưng không có người nào chớp mắt mà ngủ được. Đến nửa khuya thì 2 blocks máy nổ đều chạy ngon lành. Ông chủ tàu không nói một tiếng nào chỉ ngắm sao trời mà đi về hướng Mã Lai...
Ngày 4.
Tàu chạy được, mọi người như được cứu sống lại lần nữa cho nên nằm đâu là ngủ đó, mải đến gần trưa hôm sau thì ông chủ tàu la lớn:
- Thấy bờ rồi, tới nơi rồi.
Tất cả mọi người đều leo lên nhìn. Từ xa tít mù khơi ở tận cuối đường chân trời một dãy mây xanh ẩn hiện, nhưng đó lại là niềm hy vọng của sự tái sinh. Phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ sau thì mới thấy rỏ hàng cây xanh và nhà cửa ở ven biển.
Con tàu nhẹ nhàng lướt sóng đi cách bờ chừng vài trăm mét, gió mùa đông thổi lạnh thấu xương nhưng mà hình như không có ai quan tâm tới thời tiết, cái mà mọi người đang lo đó là trên bờ kia, nơi cách con tàu chưa đầy 400 mét là phần đất của quốc gia nào. Thái Lan, Malaysia hay là đã quay trở lại Việt Nam sau cơn bão...
Trên bờ biển hình như là vùng quê nên nhà cửa lưa thưa, tàu phải đi hơn một giờ sau thì mới thấy một bãi biển có đông người qua lại, trên đó còn có nhiều xe hơi...
Ông chủ tàu cho tàu sát bờ hơn nhưng cũng phải còn xa hằng 300 mét để tránh đá ngầm. Mọi người đang đoán già đoán non, người thì cho là Mã Lai người thì nói Thái Lan nhưng tuyệt nhiên không ai dám nhắc đến 2 chữ Việt Nam thân yêu cả...
Thằng Mạnh nói:
- Muốn biết là nước nào chỉ cần cặp tàu vô rồi lên bờ hỏi là biết liền, chứ ngồi đây đoán tới đoán lui hoài thì cũng bao nhiêu đó thôi.
Ông chủ tàu trả lời:
- Ai mà hổng biết dzậy nhưng biển chổ nầy là biển lạ, mình đâu có biết dưới đó có đá ngầm hay không, hơn nữa cặp sát bờ còn có sóng lưỡi búa chắc chắn chổ đó có cồn ngầm nên dội nước thành sóng lưỡi búa, mình cặp tàu vô rủi vướng đá ngầm lủng tàu mà nơi đó lại là Thái Lan hay tệ hơn nó là chổ nào đó ở Việt Nam thì chỉ có nước khóc ra tiếng Miên.
Tôi còn đang ấm ức trong bụng chuyện thằng Mạnh lợi dụng thời cơ đi ké mà còn cỏng thêm 2 người nên xỏ ngọt:
- Hay là mầy lội vô đó hỏi thử đi. Tao nhớ mầy cũng lội giỏi lắm mà...
Nó cũng đâu phải tay vừa nên móc giò lái lại liền tức khắc:
- Tao lội sông đâu có bằng mầy vậy sao mầy hổng lội mà lại kêu tao?
Tôi nổi sùng:
- Nhưng tao đâu có đề nghi vì tao chỉ lội sông thôi chứ chưa có lội biển lần nào, nhưng sóng lưỡi búa như vậy mà mầy dám đề nghị lội vô hỏi đường thì chắc là mầy biết cách lội.
Thằng Mạnh nín khe nhưng ông chủ tàu thì lên tiếng:
- Chổ có sóng lưỡi búa đó nước cạn queo khi mình lội vô thì nước chỉ chụp lên đầu không sao, nhưng khi trở ra phải quay mặt vô bờ mà lội ngược nếu không sẻ bị nước ụp vô mặt mà chết ngộp. Tại trong tàu tui mấy đứa nầy hổng biết tiếng nước ngoài chứ không thôi tui kêu tụi nó lội vô rồi.
Thằng Mạnh muốn làm anh hùng rơm và lấy le với bồ nó nên mạnh miệng lên tiếng để đè bẹp tôi:
- Mầy mà dám lội vô thì tao sẻ lội với mầy.
Nói xong nó đắc ý còn nhướng nhướng cặp chưn mày với tôi làm tôi ứa gan nên nhịn không nổi liền cổi áo cái rột:
- Lội thì lội chứ, tao sợ mầy sao?
Mấy ngày qua tôi thường trực vô ca-bin tán dóc với anh em ngư phủ và ông chủ tàu nên mọi người cũng có một chút cảm tình với nhau, thằng Thiện thấy vậy cũng lên tiếng:
- Em cũng lội vô đó với anh.
Ông chủ tàu lựa ra 3 cái "can" mủ tốt nhất rồi cho tàu chạy chậm chậm vô sâu hơn 100 mét nữa 3 đứa tui mới ôm "can" mà lội vào bờ.
Gió bất thổi đẩy từng cơn sóng đưa tôi tới miền đất tự do, con đường còn dài tôi lội từ từ mà dưỡng sức, gần sát bờ sóng cao dữ dội chụp xuống như một quả đồi nước phủ kín chung quanh chừng 1/2 phút thì nó mới rút qua khỏi và kéo lùi tôi trở ra. Tới lúc đó tôi mới ra sức lội vô bờ, rồi lượn sống thứ nhì thứ ba...lại tiếp tục trình tự cũ, còn chưa đầy 50 mét mà sóng cứ đẩy vô rút ra hoài làm tôi mệt muốn đứt hơi, chợt nhớ lời ông chủ tàu nói tôi thò chân mình xuống đất thử thì chạm đất từ lâu rồi.
Tôi cầm cái can bị mốp méo vì xẹp hơi chạy lẹ lên bờ để tránh đợt sóng kế tiếp. Ngồi trên bãi cát tôi cố tìm 2 đứa nó nhưng những cơn sóng bạc đầu chỉ để lại những bọt nước trắng xóa còn 2 thằng kia thì chưa thấy đâu...
Tôi bước những bước chân đầu tiên trên đất liền sau 4 ngày đêm lênh đênh trên biển...
Tôi thấy trước mặt mình là những trũng thật sâu, người tôi nghiêng ngã còn hơn là say rượu. Đang dò từng bước theo bờ thì thằng Thiện vô tới hai đứa tôi mừng quá ngồi bẹp trên cát để chờ thằng Mạnh bổng đâu có một cô gái mặc sắc phục, tôi đoán là cảnh sát đến. Cô ta xổ một loạt hổng biết là tiếng gì Anh, Pháp, Thái Lan hay Mã Lai nhưng nghe được tiếng Việt Nam trong đó tôi liền vận dụng hết những gì đã học ở trường còn sót lại chỉ ̣vừa đủ đưa tay về phía con tàu nhỏ bé đang neo ngoài khơi và chỉ xuống dưới chân mình rồi thốt lên vỏn vén 2 chữ:
- Thailand, Malaysia
Vậy mà cô gái cũng hiểu và trả lời ngon lành
- Thailand, Thailand. 
Rồi cô ta chỉ tay về hướng mặt trời sắp lặn:
-Malaysia, Malaysia
Cô ta còn đưa 2 ngón tay lên ra dấu nhưng tôi bí, không hiểu là cô muốn nói đi xe, đi máy bay 2 giờ thì tới, hay là đi tàu thì phải mất 2 ngày...
Dân Thái Lan nói nào ngay cũng tốt bụng lắm, kẻ mồi cho thuốc hút người thì lấy áo khoát của mình trùm cho chúng tôi bớt lạnh. Cách đó hơn 50 mét thằng Mạnh cũng được dân Thái dắt lại nhập bọn với 2 đứa tôi.
Ngồi nghỉ mệt hút thuốc một hồi thì tụi tôi cám ơn mọi người rồi lội trở ra tàu. Lượt ra tôi nhớ lời dặn của ông chủ tàu ôm cứng cái can mủ rồi quay lưng nhắm mắt lội ngược trở ra tàu, thiệt là dể dàng...
Đêm 5
Nghe chúng tôi tường thuật lại cả tàu vui mừng không tả. Cơm nước cá chiên cá kho cho ăn thả giàn. Ông chủ tàu quyết định ngày đi đêm nghỉ để tránh đá ngầm. Đêm đó ai muốn ngủ dưới hầm hay ngủ ở trên tùy ý. Tàu neo tới sáng mới khởi hành xuôi nam...
Ngày thứ 5 & 6 tàu đi từ từ sát bờ chúng tôi nhìn rỏ người và xe cộ di chuyễn trên đất liền nên rất vững lòng không một chút lo âu sợ sệt
Đêm 6 & 7 tất cả mọi người đều ngủ ngon với nhiều mộng đẹp. 
Nằm trên hầm tàu tôi an ủi Lục:
- Con bồ mầy kẹt lại tội nghiệp quá, hổng biết nó phải giải quyết thế nào với cái bụng ngày càng lớn đây?
Nó bổng nhiên ngồi dậy nhìn tôi rồi cười rủ rượi, tôi giựt mình tưởng nó buồn quá sắp phát điên:
- Bồ bị kẹt lại, buồn quá rồi bị điên hả?
Nó thôi cười trả lời:
- Bồ gì? Bồ lúa hả. Cái mặt láu cá của mầy coi dzị mà cũng dể gạt quá chừng...
Tôi sượng trân nên nín thinh mà trùm cao su ngủ...
Ngày thứ 7
Tàu chúng tôi tới trước cửa vào cảng Terengganu khoảng 10 giờ sáng ngày 25 tháng 10 âm lịch sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển cả. 
Terengganu, tôi không nhớ rỏ lắm thành phố lớn nhỏ cở nào cái cảng chứa được bao nhiêu tàu nhưng tôi nhớ rỏ ràng hôm vào cảng vô cùng nguy hiểm xém chút là cả bọn làm mồi cho cá rồi...
Con sông Terengganu không nhớ là lớn hơn hay nhỏ hơn con sông Cái Bé của xứ Rạch Giá chúng ta nhưng chắc một điều nó nhỏ hơn sông Cái Lớn. 
Lúc đó gió từ ngoài biển thổi vào đất liền, nước sông cuồn cuộn chảy ra nên dội lại và taọ thành những đợt sóng lưỡi búa còn lớn hơn bên Thái Lan. Ngoài khơi gần cửa sông có một chiếc tàu vượt biên còn thả neo, chúng tôi tấp gần lại rồi cũng hạ neo mà nói chuyện hỏi thăm tình hình. Chiếc tàu nầy đến ngày hôm trước cùng 2 chiếc nữa nhưng khi vào cảng thì vướng phải cồn cát ngầm rồi bị liên tiếp mấy đợt sống lưỡi búa làm lật ngang và bị nhận chìm, nghe đâu chết hết mấy trăm người, mất xác cũng bộn chỉ cứu được có 86 người mà thôi. Chiếc tàu đó chưa kịp chay vô nên sợ quá neo lại chờ người Mã Lai ra giúp nhưng chưa có ai tới...
Ông chủ tàu còn đang phân vân chưa biết tính sao thì thấy một dọc 3, 4 chiếc tàu đánh cá to lớn từ ngoài khơi hiên ngang chạy thẳng vô cảng. Ông gọi mấy ngư phủ lại nói:
- Chắc chắn là ngay cửa sông có cồn ngầm nên mới tạo thành sóng, tụi Mã Lai rành địa thế hơn mình nên nó biết chổ nào sâu, chổ nào cạn mà tránh, tụi mình muốn vô thì phải chờ nước lớn mới an toàn.
Ông cố công giải thích với người tài công tàu kia nhưng anh ta vẫn không dám vào...
Đến giữa trưa nước lớn dâng lên khá cao ông chuẩn bị chu đáo để vào cảng. Tất cả các nắp hầm đều được đậy kín cẩn thận, những can nước uống còn lại đều trút bỏ, dầu thì châm vô máy tàu, mỗi người đều cột một cái can không vào người. Đàn bà con nít cho vô ca-bin đàn ông và ngư phủ thì tìm chổ nào chắc chắn mà ôm cứng...
Ngoài khơi sóng thưa chỉ đưa tàu lên cao rồi hụp xuống mà thôi nhưng càng vô gần bờ sóng càng cao nó chụp từ trên cao xuống như ngọn thác không lồ. nó rượt theo chiếc tàu chực chờ nuốt trọn. Tàu vô càng gần bờ thì một lượn sóng bắt kịp tàu,  nước dội ào ào nhận lút nửa thân tàu. Ông chủ tàu đầy kinh nghiệm liền hạ bớt ga cho ngọn sóng đi qua trước, cả chiếc tàu chìm trong nước, khi ngọn sóng qua khỏi thì tàu lại nhô lên ông liền tăng hết tốc lực chạy theo nó, còn ngọn sóng phía sau thì lại tiếp tục rượt con tàu của chúng tôi, nhưng nó chưa bắt kịp thì chiếc tàu đã lọt vô bên trong cảng rồi...
Phía trong cảng có một bãi cát lớn chắc có khoảng vài chục xác tàu vẽ cờ CS trên cabin đang nằm nghiêng ngửa ông chủ tàu tìm một khoảng trống rồi ủi đại chiếc tàu thân yêu của mình cho nó nhập bọn với đám tàu đi trước...
Chúng tôi thất thiểu leo ra khỏi tàu rồi nằm thẳng cẳng trên bãi cát mà chờ cảnh sát Mã Lai tới...


5 comments:


  1. Đúng là số xui khởi hành không coi ngày, đem đầu nạp mạng. May mà nó cho trở lại ghe cũ.
    BLG

    ReplyDelete
  2. Không phải tại khởi hành hổng coi ngày mà tại hổng nghe lời mấy người trên chiếc xà lang. Phải mà ở đó thì được Mỹ cho vô Thailand rồi, đâu có bị cướp vét sạch...
    Người Không Bị Cướp

    ReplyDelete
  3. Vậy là lũ hải tặc Thái Lan chỉ bặt giữ lại mấy chị niềng bà và các cô gái mà thôi. Còn mấy trự nình ông hổng có xài được thì cho tiếp tục hành trình tìm tự do. Phải vậy hông anh Long nhà mình ?

    Người Thắc Mắc

    ReplyDelete
  4. Ủa ! Tui đâu có viết cái đoạn nào mà tụi Thái Lan bắt mấy chị Nình Pà con gái lại đâu? Chiếc Tàu của thầy Long đi hôm đó chỉ bị cướp có 1 lần nhưng mà nó lột sạch sẻ...
    Còn các Nị Nình Pà con gái có bị khám như bọn Nình ông hay không thiệt tình thầy Long hổng biết nên hổng có kể lại thì làm sao mà tui biết để viết lại cho bà con xem.
    Vô hầm nước đá mà hổng được một miếng vải quấn mình nó lạnh thấy mồ tổ, lòng dạ nào mà còn nghĩ tới người dưng, chỉ có mấy người mà vợ kẹt trên cabin, họ nhống lên nhống xuống như gà mắt đẻ. Rốt cuộc cũng làm thinh chịu trận chứ đâu có khác gì thầy Long đâu.
    Không một ai biết trên đó ra sao cả cho tới khi lên đảo họ vẫn nín khe...
    Ai mà biết được. Người thắc mắc chắc phải hỏi ông Trời họa may mới có câu trả lời...Vậy đi nghen...

    ReplyDelete
  5. Ngày đầu đi cập bờ ,gỉa đánh cá.Đây là kế hoạch CRD học được ở trong tù Thứ Bảy.Trời vừa tối phóng ra hải phận,sau một đêm,sẽ đi xa ,công an không thấy.Tụi nó lột trần truồng để khám coi có hột xoàn, vàng, tiền đô la không ,rồi trả quần aó lại và cho trở lại tàu mình là phước đức ông bà đó nghen .

    ReplyDelete