Links

Tuesday, November 24, 2015

Góc của Phan: Mái nhà xưa…

Góc của Phan: Mái nhà xưa…
Một hôm rảnh, mà lại tiện đường nữa, tôi tạt qua căn nhà cũ của tôi. Sáng cuối thu không lạnh lắm, nhưng nắng đầu đông đã nhạt đi nhiều so với mùa hè mới đó đã qua. Hình như người đi luôn thấy thời gian nhanh hơn người ở lại. Chào hỏi người hàng xóm cũ là một cựu chiến binh trên Đệ thất hạm đội của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông bị thương và giải ngũ. Hàng xóm với nhau hai mươi năm trời, tôi cứ tưởng ông không biết già vì thấy ông cứ như vậy mãi, tôi tin cái nhận xét chủ quan của mình là Mỹ đen lâu già hơn Mỹ trắng, chứ ai lại không già đi, và phần khác là gặp nhau mỗi ngày nên khó nhận ra những thay đổi. Ông Wilson trẻ mãi không già của tôi, mới mấy năm xa vắng mà ông đã tóc bạc nhiều, dáng đi chậm chạp hơn mấy năm trước thấy rõ… Nhớ khi tôi còn ở căn nhà này, những ngày cuối tuần, ông thường gõ cửa bờ rào sau nhà vì biết tôi ưa ngồi ngoài patio. Ông thường hỏi tôi về việc sửa chữa nhà cửa vì ông không biết, mà cũng không có nhiều tiền để kêu thợ. Sau đó là trò truyện trên trời dưới đất với nhau một lát.

Nhưng cuộc gặp lại hôm nay dù cả tôi và ông cùng rất vui, chỉ tiếc là thời lượng không nhiều như xưa vì ông cảm thấy lạnh! Ông mời tôi vào nhà ông để trò chuyện tiếp, nhưng tôi từ chối.
Nhìn ông lững thững vô nhà, chỉ còn là một người già chứ không còn chút dáng vẻ nào của một cựu quân nhân. Bước thời gian không chừa ai hết!
Tôi còn lại một mình, ngồi nhìn căn nhà đầy ắp kỷ niệm của chính mình. Nhớ hồi mới qua Mỹ, mua căn nhà này với bao hăm hở sửa sang, xây dựng thêm cho phù hợp với đời sống của một gia đình Việt nam trong tâm thức còn trĩu nặng văn hóa: an cư lạc nghiệp. Nhớ vợ chồng trông thuế trả về từng năm để có tiền tu sửa căn nhà, và công sức đổ ra biết bao nhiêu để hoàn thiện nơi ăn chốn ở. Sau đó là vợ chồng miệt mài đi làm để trả dứt nợ nhà, mua xe mới… Sự bắt đầu hăm hở đã vơi phấn chấn với những mùa về, ngồi nhìn tuyết rơi mà nhớ quê cũ đã bao năm không về, bao người thân đã ra đi theo thời gian mà mỗi người là một món nợ chờ đợi rất khó trả.
Bầu trời xám nặng của mùa đông buồn muôn thuở, sương mù lãng đãng với mưa thưa. Ngồi trong xe, nhìn ngắm căn nhà mà tôi đã hiện diện khắp nơi, từ trong ra ngoài đều có dấu bàn tay tôi sơn sửa. Căn nhà cũng có linh hồn nên nó lùa ra nỗi nhớ đón tôi ghé thăm; Cây sồi con tôi nhặt về từ Oklahoma năm hai ngàn, nó cao lớn hơn tôi nghĩ, nhưng chưa bỏ được tính thở than của trẻ con, hình như nó trách tôi bỏ bê cành lá không cắt tỉa; Đến cái bờ rào kiêu hãnh với xóm làng một thời chỉ còn thời gian lưu trú trên nó sự bạc phai theo mưa nắng nơi này… Nỗi buồn không gian hiện hữu như tuổi đời chồng chất nên người ta chỉ biết nhìn lại những công trình tạo dựng để hiểu ra việc giữ gìn những công trình đó mới đáng kể!
Biết là căn nhà trao lại cho con ở chứ đâu có bán cho ai đâu mà cũng cứ đau lòng. Con tôi cũng biết cắt cỏ, chăm sóc nhà cửa theo khả năng và hiểu biết của nó. Nhưng căn nhà vẫn già đi thấy rõ, màu gạch không phai đi bao nhiêu, nhưng bụi thời gian phủ lên sự mới mẻ hôm nào một nét buồn man mác như trời cuối thu, gió thu, nắng thu, trong mắt thu đã về. Nhớ tuổi thơ của thằng bé hôm nào còn chạy chơi khắp công viên trước nhà thì nay đã là người chủ căn nhà với đầy đủ trách nhiệm của một gia chủ. Nhìn nó ra lấy thơ mà như thấy chính tôi hồi mới mua căn nhà này. Chả bao lâu nữa, con tôi bằng tuổi tôi hồi cha con ròng rã với nhau suốt mùa hè mà làm bờ rào mới, cất patio, đổ nền xi măng, làm hệ thống tưới cỏ tự động, lợp mái mới, sơn lại trong ngoài ngôi nhà… Người ta bao giờ cũng muốn hoàn thiện nhất nên không tiếc công sức, nhưng trớ trêu là công sức để giữ gìn sự hoàn thiện là điều cần thiết hơn thì ít ai làm được.
Có lẽ, khi con tôi đọc bài viết này, nó sẽ thắc mắc. Sao bố ghé thăm nhà mà không vô? Thấy con ra lấy thơ thì biết con đang ở nhà, sao không vô?! Nhưng rồi con tôi sẽ hiểu sự rời xa quê xưa của tôi với bao tâm nguyện, thì nay chỉ còn tuổi già ập tới như mùa đông đang về; Sự an cư với ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt của một gia đình Việt hôm nào còn làm tôi mất ăn mất ngủ để hoàn tất vì tài chánh eo hẹp, thời gian không có. Nay nhìn lại thành quả của sự cố gắng hôm nào mới hiểu ra cái đạt được trong quá khứ không phải là những gì làm được hôm xưa mà là sự đồng tâm hiệp lực của vợ chồng con cái; mỗi người một tay dựng nên công trình chung để cùng sống, thì cuộc sống lại thay đổi hoàn cảnh theo thời gian để không giữ mãi được sự ấm cúng gia đình. Con lớn, có nhu cầu sống tách riêng ra khỏi cha mẹ; cha mẹ già đi, có nhu cầu sống yên tĩnh hơn nơi phố thị… Ngày xưa, tôi cũng từng rời khỏi gia đình sau đại học, mua nhà riêng sau khi lập gia đình; cuối cùng là rời khỏi quê hương vì tương lai con cái.
Trên quê thứ hai này, mọi sự bắt đầu từ con số không. Bây giờ bảo nhìn lên thì nhìn vào ai, mà nhìn xuống thì nhìn vào ai, chỉ có những lúc tâm bình khí hòa như hiện tại giờ đây, ngồi nhìn vào đời người ngắn ngủi nhưng lúc nào cũng lo trước hụt sau. Sự cắm đầu tiến bước nghe chừng đã mỏi, mà ngoái lại chỉ còn một quê hương xa mù, nhiều người thân đã lần lượt ra đi; những kỷ niệm mang theo đã thành dĩ vãng khi người đợi người đã không còn nữa…
Biết đâu được đây là lần cuối tôi trở về căn nhà cũ. Bởi ai biết được chuyện ngày mai! Tôi chỉ tin tưởng được điều vừa cảm nhận, xây dựng đã khó, nhưng gìn giữ được công trình đã xây dựng càng khó vì quy luật của tự nhiên là tàn phai, và quy luật của con người là quên đi quá khứ để bước vào tương lai. Nên sự trở lại nào cũng ngậm ngùi với dấu ấn thời gian trong tâm thức đã cạn nguồn háo hức.
Chào mái nhà xưa tôi đi, như bái biệt quê nhà một lần mà ăn năn suốt kiếp; chào quãng đời thật đẹp với biết bao mồ hôi xây dựng, tiếng khóc trẻ con ra đời từ căn nhà này của thằng con nhỏ trong nhà, tiếng cười gia đình trong mùa lễ hội quây quần bên lò sưởi… chào những người hàng xóm tốt bụng, chào công viên trước nhà, chào con đường mỗi ngày tôi đi về trong một đoạn đời thật đẹp… chào cuộc đời bao dung cho những người biệt xứ khi ham sống và làm việc đã đến lúc không mang nhiều ý nghĩa nữa…
Hóa ra tôi đã là một người khác như lời nhạc “về thu xếp lại…” Cái gì cũng tìm cách gói ghém lại sao cho đơn giản, gọn nhẹ. Một cuộc bắt đầu mới cho một giai đoạn mới của cuộc đời, hay là đoạn kết mà ai rồi cũng như ai…
Phan

1 comment:

  1. Tôi mừng là con anh đọc được tiếng Việt. Bạn đọc TH

    ReplyDelete