Links

Friday, February 12, 2016

Một vạt nắng xuân trên hè phố


______________


Nhật Tiến

Con bé ì ạch đạp. Mấy chồng báo tuy không nặng lắm nhưng cũng đủ làm cho cả người của nó vẹo đi mỗi lần nó mắm môi lấy gân sức. Chỉ còn mấy quãng phố nữa thì tới nơi trả báo ế, lấy báo mới, nhưng mà sao kìa, cái xe cứ mỗi lúc một nặng hơn. Một tay nào đó phóng hon-da chợt xẹt qua người nó như một lằn chớp và ném lại phía sau cho nó một câu gọn ghẽ:

– Xẹp lốp rồi!



Nó thốt ngừng ngay lại và lái cái xe chúi mũi vào vỉa hè. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả cái bánh sau của nó bẹp dí không còn lấy một chút hơi. Nó ngơ ngẩn xòe bàn tay nhỏ xíu ra vuốt lên vành bánh, và nó chợt phát giác ra một điều đáng nguyền rủa: Cái xe bị cán đinh! Vào đúng cái lúc nó nhớn nhác nhìn dọc theo hè đường để tìm xem kẻ nào đã làm cái việc thất nhân ác đức đó, thì một thằng nhỏ đứng ở một gốc cây đang nhìn nó và nhoẻn miệng cười:

– Lại đây vá cho. Lấy rẻ!

Con bé gân mặt lên:

– Rẻ mắc gì! Phải anh rải đinh từ mé đằng kia lại, có phải không?

Thằng nhỏ, áng chừng hơn nó vài tuổi, cũng vênh mặt lên:

– Này đừng có mà ăn nói bặm chợn. Tao rải đinh hồi nào. Cái xe của mày cũ mèm thì có.

Con bé nhìn thằng nhỏ một cách kỹ càng hơn. Tóc bờm sờm, da đen đúa, mặt mũi vêu vao, chỉ được có mỗi một vẻ là khi cười, nó phô ra hai hàm răng trắng nhởn. Thấy con bé không nói gì, thằng nhỏ giọng sốt sắng hơn:

– Người ta hai ngàn, tớ lấy một ngàn thôi! Sáng mở hàng lấy hên.

Con bé vùng vằng:

– Tiền đâu mà sẵn thế. Không dưng làm xẹp bánh xe người ta rồi đòi tiền.

– Mày thử đi khắp cái phố Sè Gòn này coi, có ai chịu vá xe một ngàn không. Cái ngữ xẹp kiểu đó bỏ rẻ cũng phải ba lỗ vá.

Con bé không thèm đáp lại nữa. Nó hầm hầm dắt cái xe đi ngang qua mặt thằng nhỏ. Cũng không thèm nhìn nữa. Nó đã có chủ đích rồi. Ráng dắt xe cuốc bộ vài quãng, về tới nhà thì ba của nó cũng có đủ đồ nghề làm chuyện đó. Hơi sức đâu mà thí cho quân ác ôn đến ngàn bạc. Thế là con bé ráng đẩy cái xe đi. Người nó ốm nhách, giò cẳng khẳng khiu, so cái xe với chồng báo tú hụ, nó cứ như một con nhái bén đang hì hục xoay vần. Được một quãng xa, nó đã thấy mệt bở hơi tai. Mồ hôi rịn ra ở những chân tóc, nhễu xuống trán và nhỏ xuống hai bờ mi. Con bé phải dừng lại để vén vạt áo lên chùi. Bỗng có tiếng la bải hải phía đằng sau, cùng một lúc có tiếng xe hon-da trờ tới. Nó nhận ra ngay bác hàng xóm nhà mình.

– Chèn ơi, giờ này mà mầy còn lang thang ở đây làm tao kiếm hụt hơi. Có về ngay không, má mầy té xẩy thai, đang nằm liệt kìa…

Con bé run rẩy:

– Nằm ở đâu?

– Nhà mụ Xoài mé bển đó! Tới mau đi…

Vừa nói hết câu là người hàng xóm đã lại vụt lao đi, nhanh như một cú điện xẹt. Con bé chẳng buồn nhìn theo vì trong đầu của nó đang bận rộn tính toán. Tiếp tục đẩy cái xe trở về hay là quay lại vá cái bánh xe. Nghĩ đến mẹ nó đang nằm ở một chỗ, chắc đang cần tới nó để bảo ban công việc, ruột nó bỗng nóng sôi lên và nó hối hả quay lại chỗ thằng nhỏ vừa nãy. Nhìn thấy nó, thằng nhỏ lại nhăn ra cười, ơi, dưới ánh nắng bình minh, sao mà hàm răng của nó nom trắng nhởn như răng bò đến thế. Con bé hậm hực:

– Một ngàn đấy, vá đi.

Thằng nhỏ hỏi móc:

– Sao tính không vá, bây giờ lại vá.

Con bé nguýt nó một cái thật dài:

– Thế đấy. Nẫy không thích, bây giờ thích. Có sao không?

Ôi da, cái con nhỏ sao mà chanh chua. Nhưng phải thế mới được. Sống ở giữa đám người lam lũ, rách rưới đông nghìn nghịt như kiến cỏ trong cái thành phố này, không cứng cựa làm sao yên. Thằng nhỏ nghĩ thế nên nhìn con bé một cách cảm tình rồi xăng xái bầy đồ ra vá cái vỏ xe. Trong lúc làm việc, nó tỉ tê:

– Này! Cái vỏ đã bốn miếng vá rồi. Liệu mà thay đi.

– Nói dễ nghe nhỉ! Bộ giầu lắm sao mà muốn thay là thay.

– Giầu nghèo gì cái xăm xe. Phải chi như mấy ổng, đổi xe hơi đời này sang đời khác, mô đen này qua mô đen khác thì mới nói chớ.

– Ơi! Nói chuyện như thế mà đòi nói. Mà điều mấy ổng giầu, thay cái xe còn dễ hơn mình vá cái lốp kìa. Đúng không?

Thằng nhỏ nhìn con bé, bỗng cảm thấy cảm tình hơn. Nhãi con bằng từng nấy sao mà suy nghĩ đã khôn lanh quá trời. Nó bỗng cười toe toét:

– Mày nói đúng đó. Thiên hạ tiền muôn, bạc triệu, thay có cái xe thì nhằm nhò gì. Nhưng mà về phần mầy, nom đâu đã đến nỗi mà vá có cái xăm xe cũng phải cò cưa.

Con bé dẩu mồm lên:

– Không cò cưa thì có đói nhăn răng ra. Sáng nay, má xẩy thai, nằm một chỗ rồi.

Thằng nhỏ kêu lên:

– Ý cha! Chuyện thật hay rỡn đó mậy?

Con nhỏ tốc vạt áo lên lau thêm mấy giọt mồ hôi đọng trên trán. Rồi nó thở dài, giọng than vãn:

– Má sắp tới cữ rồi mà vẫn còn đi vác gạch, tui nói không nghe.

– Mày nói sao?

– Tui nói má ơi, nghỉ đi. Má làm nữa, vác nặng, em bé trong bụng nó chịu hổng nỗi đâu.

– Cái đó thì má mày cũng biết rồi.

Con bé trợn mắt:

– Biết rồi thì cũng phải nói chớ. Mà nói riết thì cũng vậy thôi. Có dư được đồng nào, ba moi bằng hết mang đi uống rượu với đánh bạc cha nó hết.

Thằng bé xuýt xoa:

– Ui choa, cái thằng cha bất nhân.

Con bé chợt sửng cồ lên:

– Này, đừng có kiếm cớ mạt sát cha tui nhé. Bề gì thì ông cũng là ổng.

Thằng nhỏ vội vã xua tay:

– Đâu có…. đâu có… Tớ nói vậy thôi, chớ ba của đằng ấy, tớ đâu dám!

Con bé ngồi im không nói gì thêm nữa. Nó cũng chẳng nhìn xem thằng nhỏ đã loay hoay những gì với cái xe của nó. Chừng mười lăm phút sau, thằng nhỏ cất tiếng:

– Rồi! Bi giờ thì có đạp lên cung trăng cũng chẳng hề hấn gì.

Con bé phủi đít, đứng dậy. Nó toan móc túi lấy tiền trả thì thằng nhỏ đã xua tay:

– Tiền nong gì! Cất đi!

– Ô hay, sao lại không lấy?

– Không lấy vì tao thích không lấy. Có sao không?

– Chả sao hết. Không lấy thì đây cám ơn.

– Ơn huệ gì. Lần sau mà mày còn vác xác tới, tao tính tiền gấp ba. Hôm nay hãy để đó.

Con bé nhoẻn miệng cười:

– Ui cha, anh lại định dở trò rải đinh nữa ra với tôi phải không? Ê! Bữa nay thì êm đó, chớ lần sau thì tôi đi thưa.

Thằng bé nhăn ra cười:

– Ừa, thưa đi. Mày thưa tao, tao thưa lại.

– Tôi làm gì mà anh thưa?

– Thưa mày không lo cho má, để má vác nặng tới xẩy thai. Ôi chà! Tù mọt gông đó nghe “em” !

Con bé nguẩy người, lườm thằng nhỏ một cái thật dài rồi dắt xe xuống đường. Lúc nó đạp được vài vòng thì thằng nhỏ đã nói với theo:

– Tao mới ráp thêm hai cái má thắng đó. Ôi da, xe cộ gì mà thắng không có, chạy loăng quăng có ngày mất mạng như chơi!

Con bé ngó xuống mé bánh sau. Quả nhiên nó nhìn thấy cái má thắng mòn vẹt gần hết nay đã được thay bằng hai miếng cao su dầy dặn và trắng phau. Nó thử thắng cái xe lại. Ôi chao, vừa mới nhấp một tí mà cái xe đã giật đứng ngay lại, chả bù cho lúc trước, vừa phải ghì cái xe, vừa phải lết cả hai bàn chân xuống mặt đường mỗi khi cần ngừng gấp. Nó ngoái đầu nhìn lại chỗ sửa xe. Thằng nhỏ vẫn còn đứng đó nhìn theo. Hình như nó đang nhe răng ra cười. Hai hàm răng, nhìn từ xa mà vẫn thấy trắng nhởn. Sao mà lại có người có cái cười ngạo nghễ đến thế!

Hai hôm sau, vào đúng chiều hai mươi tám tết, con bé đạp xe trở lại hè đường cũ. Hôm nay cái xe của nó nhẹ tênh vì chẳng có chồng báo nào đèo sau lưng của nó. Chỉ có gói giấy dầu nhỏ xíu, bên trong có một cái bánh bao còn nóng hổi. Con bé ngơ ngáo nhìn hết gốc cây này tới gốc cây khác. Chẳng thấy thằng nhỏ đâu. Bên đống đồ nghề sửa xe, chỉ có một ông già đang ngồi chúi mũi vào tờ giấy dò vé số. Nó cất tiếng hỏi:

– Ông ơi, cái anh…. cái anh sửa xe mọi khi ở đây đâu rồi?

Ông già ngẩng đầu lên, bộ râu lởm chởm như cố đỡ lấy cái gọng kính đồi mồi cũ kỹ :

– A! Thằng Tín. Cháu cần hỏi gì nó.

Con bé tự nhiên nóng cả mặt. Chân tay của nó luống cuống hẳn ra. Nó ấp úng:

– Cháu…. cháu tìm anh ấy.

– Hôm nay nó không ra. Có chuyện gì thế?

– Dạ…. cháu…. cháu…. mua cho ảnh cái bánh bao.

– Ý chà! Sao mà sang thế!

Con bé càng quíu hơn. Hai bên má của nó nóng rực và hồng lên trong sáng sớm:

– Dạ…. Tại vì…. tại vì bữa nọ ảnh sửa xe cho cháu…. tốt quá!

Ông già vui vẻ:

– Thế hử. Cái thằng nom thế mà tay nghề nó cũng vững lắm. Bánh bao hả? Cứ để đây, chốc về, ông mang về cho nó.

Con bé bẽn lẽn nhìn ông già:

– Ông là ông của anh Tín hả.

– Ừ! Ông ngoại! Bố nó chết rồi. Mẹ nó đi lấy chồng. Nó về ở với ông. Chỉ có mỗi nó thôi.

Con bé trao gói bánh cho ông già rồi rồi vội vã đạp xe mất hút trong lòng thành phố. Tim nó đập thình thịch. Nó thấy mình sao mà liều lĩnh quá. Không dưng lại đi trao bánh cho ông già. Phải chi chờ thằng Tín ra thì sự việc có vẻ suông sẻ hơn. Bên sửa xe, bên cho bánh, có cái gì là không nên không phải đâu. Không biết lúc thằng Tín nhận gói bánh thì sẽ nghĩ sao. Nó lại cũng tiếc là không nán lại chút xíu nữa để hỏi thêm về Tín. Nhà ở đâu? Có đi học trường nào không? Lớp mấy? Nhưng mà thôi, trao được cái bánh là đủ rồi. Mai mốt sẽ còn có dịp đạp xe qua mà. Rồi nó lại lan man nghĩ đến cái bánh bao còn nóng hổi. Tối hôm qua nó đã ngồi lột củ cải cho bà Huân mãi đến tận hai giờ sáng. Hàng tết đổ về, ngoài linh tinh mọi thứ, nhà bà Hưng còn tràn ngập những củ cải trắng cái nào cái đó to bằng bắp tay. Từ phòng trong, ra nhà ngoài, tràn xuống cái sân con rồi tuôn ra cả cái con hẻm còn lép nhép nước mưa, toàn là những củ cải chỗ thì trắng phau, chỗ thì nhoe nhoét đất với bùn. Bà Huy đã huy động mấy đứa con, lớn thì mười sáu mười bẩy, bé thì lên tám, lên chín, tất cả xúm vào, mỗi đứa một con dao sắc lẻm, chém, vạt, xả, cắt…. làm túi bụi mà vẫn không xuể. Những đống củ cải đã làm xong được thồn vào những cái bao tải chất cao như núi trong nhà. Ấy vậy mà khắp mọi chỗ, từ trong nhà ra ngoài ngõ vẫn bề bộn vương vãi từ củ đến lá, từ vỏ đến ruột, tất cả nom cứ như một bãi xây cất ngổn ngang, chồng chất những vật liệu. Đến nỗi ông Tổ trưởng dân phố cứ soạch một cái lại thò đầu ở bên kia ràng rào ra đe:

– Quá lắm rồi đó chị Hưng ơi! Chị bày ra kiểu này… chết bà con, rồi chết tới tui luôn.

Bà Hưng xoắn xuýt:

– Hết rồi…. Hàng về hết rồi. Chỉ loáng cái là xong thôi.

Rồi bà nháy mắt cho thằng con lớn. Nó biết ý, ngưng tay dao, lại tủ bán thuốc lá của con em nhón ra một gói ba số rồi lẻn ra ngoài. Một lát sau quay về cười tủm tỉm. Bà Hưng thấy thế cũng tủm tỉm cười theo. Rồi bà lại cho đi gọi con bé hàng xóm sang phụ, thế là nó có thêm việc từ tối tới quá nửa khuya. Xong xuôi nó được rúi vào tay những mười nghìn. Thế là nó nghĩ ngay tới cái bánh bao thơm phức nằm trong cái nồi hơi bốc nghi ngút khói của ông già vẫn ngồi bán ở đầu ngõ. Tín vá xăm xe, lại tự ý sửa hai cái má phanh cho nó, cả đời nó chưa bao giờ được hưởng cái sự mình không nói ra mà lại có người tự ý làm cho mình. Chính cái đó làm cho nó thấy bứt rứt, người cứ nao lên mà chẳng biết vì cái gì.

Sáng hôm sau, theo thông lệ, nó chở báo đến nhà phát hành để đổi báo cũ, lấy báo mới thì đã thấy thằng Tín ngồi chồm hổm ở vỉa hè, ngay chỗ mọi người đang kiểm báo. Nó thấy choáng cả người và thốt lên:

– Úi chao ơi….

Tín nom thấy nó thì đứng phắt dậy và nhe răng ra cười. Hai đứa nhìn nhau mãi mà không đứa nào lên tiếng. Rút cục, con bé phải lên tiếng hỏi, giọng như người hết hơi:

– Kiếm ai vậy!

– Còn phải hỏi. Đang sùng lắm đây.

Con bé mở to mắt lên nhìn. Mặt nó hơi thoáng một vẻ sợ hãi khiến cho thằng Tín phải nhỏen thêm một nụ cười nữa như để trấn an, rồi cố lấy giọng dịu dàng:

– Đã không có tiền, sao còn đi mua bánh bao!

Mặt con bé chợt đỏ bừng lên. Nó thấy nóng ran cả người từ chân ngọn tóc cho đến các đầu ngón chân. Nó ấp úng:

– Ơ…. tại hôm qua làm thêm được mớ củ cải.

Tín xấn lại gần nó, giơ cả bàn tay nhem nhuốc vì dầu mỡ lên rồi dằn giọng:

– Lần sau thì đừng, nghe không. Xắt mớ củ cải thì được bao nhiêu. Má hôm nay sao rồi.

– Má xẩy xong rồi, cái nhau là con trai.

Rồi nó bùi ngùi:

– Tiếc quá…. tui đang mong có em trai. Nhưng cũng đỡ, nhà nghèo quá, có thêm thì chỉ khổ cả nó lẫn má thôi.

Tín cầm tay nó lên, cũng cất giọng bùi ngùi:

– Thôi quên chuyện đó đi. Đời còn dài. Chẳng có ai khổ mãi suốt đời đâu.

Tự nhiên con bé ứa nước mắt. Nó cũng không rõ tại sao mình lại khóc dễ dàng thế. Mấy hôm trước, chính tay nó bưng cái hũ thai xẩy của mẹ nó ra góc nghĩa địa vùi xuống mà nó có khóc đâu, mặc dù nó cũng đã lâm râm khấn:

– Em ơi. Em tìm nhà khác mà đầu thai. Mẹ với chị quần quật lắm cũng không đủ nuôi cho em sung sướng đâu.

Thế mà bây giờ nó lại khóc. Những giọt lệ long lanh trong khóe mắt rồi lăn dài xuống hai má. Tín thấy thế cũng cuống quýt cả lên. Nó muốn lau mặt cho con bé mà chân tay cứ quều quào, không thực hiện đươ.c. Cuối cùng nó kêu to:

– Thôi, gửi cái xe lại rồi lên đây.

Con bé ngơ ngác nhìn. Rồi nó hỏi:

– Đi đâu?

Tín nhoẻn miệng cười. Nó lấy lại được sự thoải mái bình thường sau câu hỏi đó. Nó cất giọng rõng rạc:

– Đi chợ Tết!

Mặt con bé thoáng lên một niềm vui hồn nhiên như thể ngày xưa còn bé, hồi bà ngoại nó còn, bà hứa cho nó một cái kẹo chanh. Hai má của nó chợt hồng lên, đôi mắt long lanh như vừa có một vạt nắng xuân le lói chiếu vào. Nhưng nó vẫn hỏi:

– Mà đi chợ tết thì mua gì cơ chứ?

Tín nói như ra lệnh:

– Mua cho đằng ấy cái lược!

Con bé dẫy nẩy lên:

– Ui! Em thì cần gì lược.

– Nói không cần lược nên cái đầu mới xù lên như cái tổ quạ thế này. Năm mới, phải chải cái đầu cho bảnh thì mới ra dáng con người mà ăn tết chớ.

Con bé ngúng nguẩy:

– Không đi đâu, cũng chẳng mua bán cái gì hết.

Tín giở giọng ngang tàng:

– Không đi thì đây bế lên mà đi, ráng chịu.

Vừa nói nó lại vừa xấn tới. Cái thằng sao mà ngang tàng, coi trời bằng vung đến thế. Nhưng con bé lại không lấy thế làm bực mình. Nó chỉ cuống quýt lên và la bải hải:

– Đi… Ừ….. đi thì đi…. Mà hượm để gửi xe cái đã.

Vừa nói, con bé vừa chen vào đám đông lúc ấy đang nhốn nháo với những chồng báo cao ngất nghểu. Chợt Tín gọi giật lại:

– Ê…. này….. ấy ơi….

Nó chưa biết tên con bé là gì nên giọng rõ ra vẻ lúng túng. Từ bữa hổm tới giờ, nó cứ suýt xoa là quên mất không hỏi con bé tên gì. Cái sự lúng túng này cứ đeo đẳng trong đầu nó mãi, ngay cả khi hai đứa đã len lỏi vào rừng người đông nghẹt trong chợ Tết. Nhưng cuối cùng thì nó cũng chợt vùng lên nói:

– Này…. gì ấy nhỉ ?

– Gì là gì?

– Tên ấy! Phải có tên mà gọi chứ!

– Em biết tên của anh rồi, anh Tín!

– Thế còn…..

Nó chợt ngừng lại. Miệng tắc tị. Nó thấy rõ là chẳng có khi nào mình phát ngôn lại khó khăn như lúc này. May quá, con bé thông minh, đã trả lời ngay:

– Còn em ấy à? Gọi em là Hoa.

– Hoa gì?

Con bé nhìn Tín, hai mắt long lanh, giọng tinh nghịch:

– Anh thích hoa gì?

– Hoa mai. Ở làng anh, mỗi lần giáp tết, hoa mai nở rộ cả một vùng.

Hoa mỉm cười:

– Vậy em cũng thích hoa mai. Chừng nào hết nghèo, được về quê ăn Tết, em sẽ trưng hoa mai khắp trong nhà.

Tín nắm ngay lấy bàn tay xinh xắn của nó rồi lôi đi:

– Nghèo giầu gì! Mình sẽ đi mua cả cái lược và một cành mai!

Thế rồi cả hai cùng mất biến trong đám người lố nhố, cũng đang ồn ào chen chúc nhau để mua sắm Tết.

Tháng 12-2001
Nhật Tiến
Nguồn: MọtSách.info

1 comment:


  1. Cậu bé vá vỏ xe là tấm gương sáng cho tất cả những ai mang tính rụt rè, nhút nhát, yêu mà không dám nói, viết thơ tình khong dám gửi. À không được đâu, nếu tất cả đều ào ào thẳng tiến giống như chú bé vá vỏ xe thì làm gì diễn đàn TH có tho tình để đọc giả cùng âu sầu với tác giả.
    BLG
    ,

    ReplyDelete